Tiết 1 đến tiết 6

09 Tháng Tám 201614:42(Xem: 2200)

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG
Tiểu thuyết Nôm viết bằng văn xuôi 1926
Nguyễn Văn Sâm
phiên âm và giới thiệu

TIẾT 1 ĐẾN TIẾT 6

Tiết 1: (1a)

Ông họ Trương cầu tự,
Nàng Tiên nữ giáng sinh.

Thuở xưa người ở bên Tàu, có ông họ Trương giàu lắm. Vợ chồng đều hẳn hoi[1] cả, một lòng ở đức ở nhân, nhưng mà tử tức muộn màng[2].  Ông tuổi sáu mươi còn kém[3].

Bà khuyên rằng: ‘Xin ông tìm người tiểu thiếp, họa may có được chút nào, dầu trai dầu gái cũng nên, có chút vui cười làm bạn.’

Ông nói rằng: ‘Tử tức bỡi vì phần số, có không trời đã định rồi, bà thời tuổi mới bốn mươi, số có cũng còn gắng được, âu ta[4] thử đi cầu khẩn, (1b) có lòng tu đức chờ xem.’

Khi ấy ông bà [đều[5]] trai giới, lên cầu miếu Đức Thiên quan, dâng hương khấn nguyện đã rồi, về nhà bảo nhau tu đức, bố thí rộng hơn ngày trước, từ bi thương vật cứu người, làm nhân chẳng tiếc gia tài, buôn bán công bình một mực, tu đức thêm vài năm lẻ, thành tâm cảm động Quỷ thần.

Đức Thiên quan chứng lòng thành, lên tâu Thiên đình phán đoán, tra sổ Nam tào Bắc đẩu, vì chưng tiền thế[6] họ Trương, nhẫn tâm sát hại tội nhiều, bắt đến đời con phải chịu[7]. (2b)

Trên Thiên đình phán rằng: ‘Tuy vậy tiếc cho Trương lão, thiện tâm từ trẻ đến già, cho sanh một chút làm vui, cho cả thọ khang giai lão[8].’

Ngọc chỉ mới ban truyền xuống, Thiên quan các vị tòa sao, ngôi nào kiếp trước tu hành, chưa biết cõi trần là khổ, còn nhắm bụi trần tư tưởng, thời đem truất xuống cõi phàm[9].

Tra ra có một nàng Tiên, chưa sạch niềm trần phải giáng, lại sắc tra xem lũy kiếp[10], có duyên có nợ cùng ai[11]. Tra ra nợ với Lưu Kinh, ngươi ấy hiện sanh hạ giới, ngươi ấy là người ác nghiệt, không có thiện căn tính căn.

Bấy giờ: Đức Thượng đế lại ban truyền. Tiên nữ quì nghe chỉ dạy: ‘Nay phải đầu thai Trương thị, xe duyên về với Lưu Kinh, cũng vì chưa sạch bụi trần, cho xuống tu hành cho tốt, nhớ lấy tánh nguyên thanh tịnh, ở trần chớ nhiễm trần tâm, sao cho giữ được chân thân, khuyên lấy Lưu Kinh tu thiện, sau lại cho về ngôi cũ, cùng nhau hưởng phúc thiên cung.’

Bấy giờ: Nàng Tiên lạy tạ lui ra, mở chín  tầng…. [12] (3b) Trương thị sánh về Lưu Kinh, nào dám trái lời phụ mẫu. Từ thuở về làm nội trợ, hiếu kính cha chồng mẹ chồng, đãi người hòa nhã khoan dung, xử việc từ bi phương tiện, giữ gìn ăn chay niệm Phật, đoan trang riêng một buồng the.

Chẳng hay mới được hai năm, cha mẹ Lưu Kinh về[13] cả. Trương ông tuổi đã tám mươi,  Trương bà tuổi cũng sáu mươi. Thiện nhân khi mãn quả rồi, không bệnh tự nhiên ngồi hóa.

Từ ấy: Lưu Kinh mười phần đắc ý, gánh[14] hai cơ nghiệp một mình, rượu ngon thịt béo liền ngày, thích khẩu chẳng thương mạng vật, bạn rượu chẳng ngày nào vắng, sát sanh chẳng bữa nào không, say sưa mạn đến Quỷ thần, càn rở quở mưa mắng gió, độc địa ác tâm ác khẩu, chưởi trời như thể hát hay, dối trá đong đầy đong vơi, điên đảo cân nặng cân nhẹ, kiêu ngạo xem người nửa mắt, ngang tàng coi trời bằng vung, khéo nói rắn lổ bò ra, độc địa lừa ai cũng mắc, ăn hiếp kẻ cô kẻ quả, (4a) nhiều phen đắm sắc gian tà, gớm thay một ngươi Lưu Kinh[15], kể ra thập ác[16] đủ cả. Trương thị thường thường can gián, chẳng nghe mà sỉ nhục cho, thường khi khóc lóc kêu van, ngươi ấy say mà hỏi vặc[17].

Lưu Kinh hỏi rằng: ‘Hiền thê có chí tu hành, ở nhà sao đắc đạo được, lánh chốn chùa chiền rừng suối, cạo đầu thời mới là tu[18].’

Trương thị thưa rằng: ‘Phu quân học sách thánh hiền, há chẳng biết tường nghĩa lý, tu là tu tâm tu tánh, tu là tu đức tu nhân, can chi mà phải cạo đầu, can chi mà phải lánh chốn[19], chẳng qua người sanh trần thế, theo trong thiện ác luân hồi, phàm trần là cõi báo thân, kiếp nầy ăn về kiếp trước[20], như muốn kiếp sau hưởng phước, phải tu thiện từ kiếp nầy. Nếu không tu tánh tu tâm, tìm cửa thiên đường sao được? Nếu chẳng tu nhân tu đức, (4b) tránh đường Địa ngục khỏi đâu! Cho nên tu có hai tầng, có chí tu hành thời được. Một là tu đạo Phật Tiên, hai là tu phước nhân gian, tu chi cũng phải thành tâm, tu chi cũng phải tích thiện.

Xin kể bên tu phước ấy, luân thường hiếu nghĩa đủ điều, vợ chồng con cháu anh em, hòa thuận dưới trên phải lẽ, ăn ở bạn bè làng nước, công bình chính trực hẵn hoi. Kiêng tay chẳng sát loài sanh, kiêng miệng chẳng mê chén rượu, chính đính chẳng chơi tà sắc, kiêng khem chẳng tổn tinh thần, thiệt thà chẳng chút gian khi, nhẫn nhục chẳng đua ăn nói, kính cẩn thờ Trời thờ Phật, từ bi cứu vật cứu người, chẳng tham những của bất nhơn, chẳng ưa những điều phi nghĩa, biết chữ sửa trong danh giáo, in kinh giảng sách khuyên đời, ít chữ giữ mực hiền lành, khăn khắn[21] học điều lẽ phải, có của làm duyên làm phước, tùy nghi bố thí cho người, không của giúp miệng giúp mỏ[22], phương tiện cho người khỏi nạn. (5a) Thần thánh trên đầu soi xét, ắt là chứng giám hộ cho. Kiếp này chưa được giàu sang, ắt được kiếp sau tử tế, gieo giống chi được giống ấy, ấy là tu phước nhân gian. Như người tu đạo Phật Tiên, ắt phải trì trai tuyệt dục, ắt phải tịnh tâm hòa khí, đêm ngày luyện lấy Chân thân, khinh thanh lòng chẳng vướng trần, quyết chí chăm cho thành đạo, viên mãn chờ Ngài tiếp độ, ấy là tu đạo Phật Tiên, cứ hai đường ấy mà tu, ai cũng tu hành được cả, bên tu phước bên tu đạo, muốn theo bên nào thời theo, ở nhà cũng như ở chùa, ở đâu cũng tu được cả, tâm địa quang minh là Phật, bản thân thanh tịnh là chùa, có thiện không ác là tu, chẳng phải khua chuông khua mõ[23]. Nếu mà bỏ tâm bỏ tánh, nếu mà không đức không nhân, dầu siêng lạy Phật tụng kinh, chưa dễ rửa cho hết tội. Huống lại thêm đều báng đạo[24], biết là tội đến ngần nào. Thiếp xin chàng được lạm nghe, chính lý xưa nay làm vậy, dám xin phu quân nghĩ lại, hay chi Địa ngục mà màng[25].’ (5b)

Lưu Kinh lại hỏi rằng: ‘Hiền thê nói sự tu hành, ta chỉn còn ngờ một nhẽ, Tiên Phật mới tu Tiên Phật, phàm gian ai dễ tu nên.’ 

Trương thị thưa rằng: ‘Tiên Phật với người một tánh, bởi người làm mất tánh đi, hóa ra hồn phách mê lìa, phải chịu luân hồi sanh tử. Tiên Phật cũng là người cả, biết tu luyện lấy tánh linh, thanh cao chẳng vướng bụi trần, nên mới thần thông biến hóa. Như đức Quan Âm Phật mẫu, Ngài là công chúa vua Trang[26], lại như đức Hà tiên cô, cũng là dân gian Thế tử, như đức Chung Ly đạo tổ, Ngài là quan tướng Hán triều, lại như đức Lã Thuần Dương, cũng vốn đời Đường tiến sĩ. Còn các vị Tiên vị Phật, kể là sa số hằng hà, đều cũng là người thế gian, có chí có tu là được.’

Lưu Kinh lại hỏi rằng: ‘Đạo lý đã hay làm vậy, như hai cơ nghiệp làm sao? Hiền thê quyết chí tu hành, việc nhà lấy ai xem sóc?’

Trương thị thưa rằng: ‘Trần thế trọng tiền trọng của, thánh thần chỉ trọng (6a) người nhân, dầu cho của chất bằng non, trăm tuổi nào mang đi được, mang được điều thiện điều ác, đem cân tội phước mà thôi, vợ chồng tuy ở một nhà, phân định người nào số nấy, thân thiếp phỏng như đi trước, muốn xem sóc đỡ được nao, sao bằng tu luyện cùng nhau, lên ở Thiên đường được cả.’

Lưu Kinh lại hỏi rằng: ‘Hiền thê có lòng thương mỗ, còn hào tử tức làm sao? Lấy ai hương khói ngày sau, Lấy ai thanh minh tảo mộ? ’

Trương thị thưa rằng: ‘Thế gian sanh tử luân hồi, phu quân chưa hay biết thấu, thế tục người không tu luyện, hồn cùng với phách xa nhau, đến khi số mãn về âm, hồn đi phách ở giữ mồ, hồn nào là tích thiện ấy, luân hồi vào cửa giàu sang, phách thời cũng được an vui, thiêng liêng biết hộ con cháu, con cháu phụng thờ hương khói, cũng về hâm hưởng vẻ vang[27], bao giờ tiêu hết xương khô, thời phách mới tan dần hết. Hồn nào là tích ác ấy, luân hồi những chốn chẳng hay, (6b) cái hồn đã chẳng ra chi, phách cũng ngẩn ngơ chịu cực, kể nỗi âm ty bắt tội, hồn đau thời phách cũng đau, vợ con san sẻ được đâu, còn kể đến chi hương khói, như người biết đường tu đạo, luyện hồn luyện phách chung nhau, luyện làm thần tánh khôn thiêng, nên được thân Tiên thân Phật, đến lúc thiện công hoàn mãn, được lên hưởng phước Thiên đường, Thiên đường nào có thiếu chi[28], sá quản khói hương trần thế!’

Lưu Kinh nói rằng: ‘Hiền thê nói thông lý lắm, nhẽ nào ta chẳng nghe lời, nhưng mà quen nết đi rồi, chẳng rượu chẳng an giấc ngủ, chẳng thịt chẳng ăn cơm được. Sát sanh ta có muốn chi, âu ta lấy của làm công, tiền bạc đem ra cúng dường, tô tượng đúc chuông đúc khánh, làm chùa làm quán làm cầu, bố thí cho kẻ bần cùng, thế cũng là tu thiện đó.’

Trương thị thưa rằng: ‘Có lòng đem của làm công, vốn cũng có phần phúc đức, song phải thiện tâm thành ý, Phật Trời Ngài mới chứng cho, nếu mà rượu thịt sát sanh, vào cửa từ bi sao được? Nếu mà lấy của (7a) bất nghĩa, cúng dường Ngài có chứng đâu, xin chàng giới sát làm đầu, buôn bán công bình chớ dối, thành thực làm duyên làm phước, mới là như gấm thêm hoa, nhược bằng tâm ác chẳng chừa, tội nặng thế nào tránh được. Phàm những oan hồn súc vật, thù sâu báo lại càng sâu, oan oan tương báo nhẽ thường, một mình phải đền một mình, Phật Trời biết sao cho đó, Diêm vương người có riêng ai, có công thời được báo công, có tội thời phải chịu tội.’

Lưu Kinh nói rằng: ‘Hiền thê lời lời phải cả, mỗ nay đã biết thị phi[29], nhưng mà thịt rượu quen mùi, bỏ đi thiệt là khó lắm.’ (Hết tiết 2)

 

Tiết 3: (7a)

Trương thị một mình tu luyện,

Lưu Kinh ác nghiệp thêm nhiều.

 

Trương thị khuyên can chẳng chuyển, vừa than vừa khóc lui ra, buồng riêng khuya sớm một mình, lạy Phật niệm kinh ngồi luyện. Lưu Kinh càng ngày càng ác, nơi nào thích ý thời đi, khi thì tế ngựa chơi xa, chẳng tiếc ngựa què ngựa chết, khi thì tìm người nhan sắc, trộm hương cắp phấn dơ hình, có khi say rượu hung dữ, đánh chết một người nô bộc, có khi rủ rê lũ ác, thịt thà trà rượu thâu canh, ngày nào là cũng sát sanh, oan mệnh đã đầy trong bếp, Trương thị nghe con hầu mách, thảm thương trong dạ không yên, lại ra ren rén cúi đầu, trước hỏi phu quân thong thả.

Lưu Kinh hỏi rằng: ‘Hiền thê việc chi ra đó, sao không tụng niệm tu hành, hay là thấy mỗ sát sanh, mà muốn kêu van cho nó?’

Trương thị thưa rằng: ‘Dám xin phu quân nghĩ lại, vật là trời đất sanh ra, mạng nó cũng như mạng người, sao nỡ đang tay giết sống? Chẳng xem những khi giết nó, thảm thay đau đớn dường nào, nó cũng sợ chết như người, nó có tội chi mà giết, oan uổng nhẽ nào chẳng báo, đến khi báo lại làm sao?’

Lưu Kinh cười rằng: ‘Giết nó nó dầu muốn báo, chẳng qua cắt thịt mà đền, Kinh nầy thịt được bao nhiêu, chưa hẵn nó đòi ăn thịt.’

(8a) Trương thị thưa rằng: ‘Phu quân chưa biết Địa ngục, nào phải là sự nói chơi, sát sanh mấy mạng mấy hồn, Địa phủ có biên chép cả, bao giờ số thọ gần hết, liền khiến quỷ sứ bắt đi, hết hình nọ đến hình kia, làm tội chết đi sống lại, cầu chết cũng không cho chết, thảm hơn khi sát loài sinh, van than thời sự đã rồi, càng khóc càng kêu càng khổ, sống lại chết đi mãi mãi, đủ mười tám cửa ngục hình, mới tha bắt làm súc sinh, để chịu ác nhân sát giết, một kiếp đền chưa đủ số, hai ba bốn kiếp còn đền, bao giờ hết nợ mới thôi, sát lắm nợ bao giờ hết!

Lưu Kinh nói rằng: ‘Như thế Kinh nầy phải sợ, có khi Kinh phải chừa đi, trong bếp còn trăm trứng gà, ăn hết rồi Kinh chừa hẵn.’  

Trương thị thưa rằng: ‘Như thế lại càng thêm tội, nỡ hoài trăm mạng nó đi. Lang quân đã nói rằng chừa, xin từ nay đừng sát nữa!’

Lưu Kinh mắng rằng: ‘Trứng gà nó không có huyết, hiền (8b) thê lấy bằng cớ đâu, thôi thôi mỗ chẳng tin lời, tội đến khi nào chịu vậy.’ (Hết Tiết 3)

  

Tiết 4:  (8b)

Trương thị cầu khẩn Phật Trời,

Lưu Kinh được thấy mộng hiện.

 

Trương thị can chồng chẳng chuyển, khóc than lại trở về phòng, đốt hương quỳ lạy trước đàn, cầu khẩn Phật Trời thần thánh, xui khiến phu quân tỉnh lại, hồi tâm may khỏi ác đi. Trương thị một tấm lòng thành, cảm động đến cung địa phủ. Có Đức Diêm La thiên tử, ngài cho hiển hiện phép mầu, sai hai quan tướng Mã Ngưu, lẫm liệt đầu trâu mặt ngựa, mang lũ hung thần quỷ sứ, đem theo kềm búa dao  cưa, nửa đêm vào nhà Lưu Kinh, gặp lúc Lưu Kinh nằm ngủ, bắt lấy hồn ra khảo đánh.

Hỏi: ‘Làm sao ác không chừa, vợ mày khuyên bảo mấy phen, sao mặt trơ trơ làm vậy?’

Quỷ sứ kềm lôi dao cắt, Lưu Kinh khổ sở nhiều bề. Hai tướng truyền đòi (9a) Thổ thần, Trạch tướng Môn thần đến đủ, tra hỏi trang[30] thờ hương khói, lại đòi cha mẹ Lưu Kinh, phách tàn trong mộ bơ vơ, bắt đến chịu lây quở trách.

Lưu Kinh vừa kêu vừa khóc: ‘Xin hai quan tướng tha cho, từ nay chẳng dám vi phi[31], tình nguyện tu hành trai giới.’

Khi ấy hai thần đinh ninh[32]. Phán bảo: ‘Đã lòng tri quá thời tha!’ Đùng đùng nổi trận gió thanh, thần tướng thần binh biến cả. (9b) Lưu Kinh bàng hoàng chạy trốn, tỉnh ra nước mắt còn đầy, vội vàng sai đứa gia nô, mời giục hiền thê đến trước.

Lưu Kinh vừa run vừa nói: ‘Kể trong mộng triệu rạch ròi, bấy lâu nghe lời hiền thê, tưởng rằng chẳng có Địa ngục, ai hay thấy sự như thế, thực là hung ác gớm ghê, từ nay phát thệ ăn chay, chẳng dám sát loài sinh nữa!’

Trương thị ân cần khuyên dụ: ‘Thánh thần thương mới bảo cho, phu quân cứ giữ thiện tâm, ắt được khỏi tai khỏi nạn.’

Lưu Kinh nghĩ đi nghĩ lại, tự nhiên kha khả miệng cười: ‘Chiêm bao mộng mị vô bằng, chớ sao có thần có thánh, rượu thịt ta sao chừa được, nói chơi vui miệng mà thôi.’

Trương thị lại dụ khuyên rằng: ‘Chẳng nên nói chơi làm vậy, phu quân đã thấy mộng hiện, ắt hay đoán được dữ lành, bây giờ đã phát lời thề, trên có quỷ thần chứng giám, quân tử chẳng nên dối miệng, tục ngữ có kiêng có lành.’ (10b)

Lưu Kinh nghĩ ngợi giờ lâu, nói rằng: ‘Kiêng đi là phải, nhưng hãy đem ăn xem thử, ăn được cá thịt thời ăn, nhược bằng ăn chẳng ngon lành, bấy giờ sẽ theo trai giới.’

Trương thị khuyên đi khuyên lại, Lưu Kinh một mực chẳng nghe, lại truyền hai đứa gia nô, cá thịt đầy mâm nhắm rượu. Lưu Kinh mới ăn khỏi cổ, tự nhiên thịt mắc ngang hầu, vội vàng tay móc lôi ra, rằng bởi miếng nầy khí lớn[33], liền đũa gắp sang miếng khác, bỏ vào cố sức nuốt đi, chẳng hay lại mắc ngang hầu, hả miệng móc ra chẳng chuyển, khi ấy hơi không thở được, tráo trưng trông thẳng nóc nhà, gia nô mất vía chạy quanh, Trương thị vội quỳ xuống đất, kêu khấn Phật Trời thần thánh, muôn trông cứu hộ phu quân. Khẩn cầu ước được nửa giờ, mới thấy Lưu Kinh chuyển động, trong cổ nước trôi ra miệng.

Giờ lâu Kinh mới hoàn hồn, khóc rằng: ‘Chẳng có hiền thê, (11a) thôi thôi còn nói chi nữa!’

Than thở trách mình ngu dại, từ nay tin có quỷ thần.                                 

Trương thị nhân nói chuyện rằng: ‘Phép trời đặt ra Địa phủ, có mười tám trùng Địa ngục, chuyên việc hỏi tội ác nhân, mười điện chín Đức Đại vương, còn điện thứ năm ở giữa, là đức Diêm La thiên tử, trị âm mà lại trị dương, nghe rằng ở tỉnh Tứ Xuyên, cũng có điện thờ trên núi, gọi là điện Phong đô ấy, thường thường khảo quỉ xưa nay, đêm nghe quỉ khóc âm thầm, ai cũng bảo nhau kiêng sợ, trộm tưởng phép Ngài cho lộ, để người trần thế biết tin, phu quân chẳng đi mà xem, nghe tai sao bằng mắt thấy.’

Lưu Kinh lòng còn nghi hoặc, quyết tình đi đến mà xem, liền sai hai đứa gia nô, bị chỉnh[34] hành trang đủ cả. (Hết tiết 4)

 

Tiết 5 (11a)

Lưu Kinh đến điện Phong Đô,

Thiện ác thấy tường báo ứng.

 

(11b) Lưu Kinh cùng hai đầy tớ, hành trình vừa ba tháng trời, trải qua Hồ Quảng Từ Châu, đến tỉnh Tứ Xuyên tầm hỏi, có điện Phong Đô trên núi, bèn đem quả phẩm đèn hương, trước vào yết miếu Thành hoàng, đã thấy uy nghiêm lẫm liệt, hai ngàn bảy trăm quỷ sứ, mặt xanh mắt đỏ mình đen. Yết rồi lên điện Đức vua, dâng lễ mười phần cung kính, chẳng dám ngang tàng qua lại.

Xuống tầm hòa thượng thủ từ, thủ từ mời đãi cơm chay, mới dẫn đi xem các sở, cột sắt vạc dầu vô số, Lưu Kinh trông thấy ghê mình, bấy giờ trong miệng lâm râm, Nam Mô A Di Đà Phật. Bỗng chốc thấy dân sở tại, ba người ba bó roi mây, thấy đem quì nạp trước sân, nạp rồi lui ra ngoài cửa. Khi ấy chiều hôm lạnh lẽo, Lưu Kinh chẳng dám xem lâu, trở về Hòa Thượng thủ từ, sẽ hỏi nạp làm chi thế, mới biết xưa nay có lệ (12a), dân gian thường nạp roi mây, thường thường tra quỉ ban đêm, khảo đánh cũng như trần thế, hễ thấy roi  nào bể nát, phải đem roi khác mà thay.

Tớ thầy trò chuyện bảo nhau, rày phải kiêng khem điều ác, dẫn lời hiền thê bảo lại, bàn đi bàn lại giờ lâu, canh hai thầy tớ đương ngồi, văng vẳng tai nghe tiếng thét, như có tiếng roi khảo đánh, âm thầm tiếng khóc thảm thương, tớ thầy run sợ bấm nhau, ngồi lặng thiu thiu buồn ngủ.

Lưu Kinh hồn đi xem khắp, thấy đoàn quỷ tốt huyên thiên, đến gần từng sở trộm xem, thấy người chịu tội thiệt thảm. Có người già có người trẻ, có đàn ông có đàn bà, người dáng giàu người dáng sang, người dáng hèn người dáng đói, người thời p­hải nằm chông sắt, người thời phải ném vạc dầu, người thời giăng nọc mà tra, người thời kẹp kềm mà khảo, lạ mắt trông càng ghê mắt. Lưu Kinh hồn đã rụng rời, bỗng đâu nghe (12b) tiếng bát âm, trông thấy tán che cờ mở, trông thấy các quan áo mão, Kim đồng Ngọc nữ hai hàng. Dần dần thấy một kiệu hoa, trong kiệu có người nữ tử.

Lưu Kinh hỏi thăm đồng tử: ‘Người ngồi trên kiệu là ai?’

Rằng: ‘Người ở phủ Bình Dương, tên gọi Ngọc Trinh họ Triệu, trai giới từ mười ba tuổi, nhứt sinh chỉ ở ngay lành, đến nay tuổi bốn mươi hai, số ở kiếp trần đã mãn, Địa phủ rước lên Thiên phủ, Tiên đồng Tiên nữ đưa lên[35].’ (14a)

Lưu Kinh trông thấy khen thầm, thoắt chốc thấy hai quỷ tốt, bước lại miệng kêu tay trỏ: ‘Thằng nầy là thằng ác nhân, mày đi đến đây việc gì, bắt lấy gài cho vào ngục.’

Lưu Kinh vừa kinh vừa chạy, đổ mồ hôi sống tỉnh ra, bấy giờ chẳng dám cạy răng, ngồi đợi trông cho chóng sáng. Chờ đến phương Đông đã rõ, lén lên coi đống roi mây, quả nhiên bể nát như tương, từ ấy biết tin biết sợ. Thầy tớ bái từ Hòa thượng, đi về ba tháng tới nhà.

Trương thị nhân lời khuyên vẽ. Rằng: ‘Trong báo ứng nhiệm mầu, chẳng nề khanh tướng công hầu, chẳng cứ bần cùng hạ tiện, ai thiện thời là gặp phước, ai ác thời phải mang tai. Ai là sống mãi ở đời? Ai là chẳng phen hết số? Vì vậy phải tu thiện trước, đến sau mới khỏi phàn nàn. Một đường tu phước nhân gian, một đường tu đạo Tiên Phật. Tu phước thời khỏi Địa ngục, tu đạo thời khỏi luân hồi, Phu quân nay đã biết tin, xin phải trì trai giới sát, (14b) bỏ những ác tâm cho sạch, thiếp xin truyền đạo tu chân[36].’

Lưu Kinh ngẫm nghĩ giờ lâu, phần thời sợ tội Địa ngục, phần thời nể lời nội trợ, miễn cưỡng chừa rượu ăn chay, chẳng hay[37] mới được một năm, Trương thị kiếp trần đã mãn.

 

Tiết 6: (14b)

Trương thị lại về Tiên phủ,

Lưu Kinh lại giữ nết xưa.

 

Trương thị thuở xưa giáng thế, số Trời ba mươi hai năm, vì chưng tu thiện công nhiều, Trời lại tăng thêm một kỷ, vừa đến bốn mươi tư chẵn, Trời cho phục chức Thần Tiên. Bấy giờ Địa phủ lịnh truyền, hai vị Kim đồng báo mộng, Trương thị một hôm giấc ngủ, thấy hai đồng tử áo Tiên, cầm cờ phướn đón ngoài hiên, xin dẫn thiện nhân thăng chức.

Trương thị tỉnh ra nghĩ biết, mừng rằng trần kiếp đã tiêu, sai người mời chàng Lưu Kinh, dặn nhủ mọi đường đạo phải: ‘Xin chàng ở lại thong thả, giữ gìn trai giới đừng sai, chứng minh đã có Phật Trời, ắt được siêu sanh Tịnh thổ.’

Lưu Kinh hỏi (15a) rằng: ‘Hiền thê làm sao nói thế? Hay là có thấy làm sao?’

Trương thị thưa rằng: ‘Trong mộng thấy có hai người, đứng chực ngoài hiên đón rước, ắt hẵn số Trời đã định, thiếp nay vâng mệnh lên chầu. Ở là tục về là Tiên, xin chớ nhọc lòng thương nhớ.’

Lưu Kinh nói rằng: ‘Ắt hẵn Thổ thần hai vị, bấy lâu chẳng cúng vật chi, cho nên báo mộng làm vậy, âu phải biện[38] đồ lễ cúng.

Trương thị thưa rằng: ‘Thiện nhân thần mới đón rước, ác nhân thời quỷ bắt đi, Thổ thần vốn bảo hộ ta, chẳng nên nói vu phải tội!’

Trương thị nghỉ ngơi thong thả, hương xông nước gội chỉnh tề, ngày lành tháng tốt giờ thiêng, nét mặt như hoa ngồi hóa, Tiên nữ đài sen rước lấy, Tiên đồng nhã nhạc đưa lên, kim thân lộ lộ dung nhan, tán đỏ tàn vàng che phủ, vặc vặc hào quang thơm sáng, gió thanh mở chín tầng mây, Thiên đường thăng chức tiên cung, tu luyện thỏa lòng mộ đạo.

Kể nỗi Lưu Kinh mà ngán! Từ khi vắng mặt hiền thê, có ai can gián được chàng, dần dần lại rượu lại thịt. (15b) Khi tỉnh cũng còn biết sợ, chén vào phá giới mâm chay. Lạ chi rượu thịt liền liền, mỗi ngày sanh ra mỗi bệnh, lại nhân buồn nỗi tử tức[39], lại nhân sầu nỗi hiền thê, tinh thần ngày một hao đi, số thọ cũng là hết (?) số. (Hết tiết 6)

 

Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu.

samnguyen20002002@yahoo.com

Toàn quyển Nhân Quả Báo Ứng đã in và sẽ kính chuyển đến những vị nào có nhu cầu.

Xin gởi chút ít chi phí bưu điện về:

Ngoc Anh Tran  12960 High Vista, Victorville, CA 92395



[1] Hẳn hoi/ hẳn hòi: Đầy đủ, rõ ràng, đây nghĩa là khỏe mạnh, sân sẩn.

[2] Tử tức muộn màng: Chưa có con cái dầu đã luống tuổi.

[3] Tuổi sáu mươi còn kém: Tròm trèm sáu mươi, gần sáu mươi tuổi… Cách nói đặc biệt bây giờ không thấy nữa:

[4] Âu ta: Âu là ta, hay là ta..

[5] Những trường hợp chữ ở trong dấu móc nghĩ là bản khắc đã dư chữ.

[6] Vì chưng: Bởi vì. Vì chưng ta yếu bây giờ chúng khinh. (Thế Lữ, Hổ nhớ rừng). Tiền thế: Kiếp trước.

[7] Trang 2a hình Thiên đình với Nam tào Bắc đẩu và Thiên quan dâng sớ.

[8] Cho sống dai.

[9] Quả thật nàng Tiên nầy sau khi xuống trần mới biết cõi trần là cõi khổ, nhiêu khê về quá nhiều chuyện nầy nọ.

[10] Lũy kiếp: Các kiếp trước.

[11] Chú của nguyên bản Nôm: Phi duyên phi trái bất thành phu phụ: Không duyên không nợ thì không thành vợ chồng.

[12] Mất trang 3a nói chuyện Tiên nữ đầu thai vào nhà Trương thị và sau nầy kết duyên với Lưu Kinh.

[13] Về: Về cảnh giới khác, chết. Ngày nay ta nói về Trời, về cõi Phật, về Tiên cảnh, về Âm ty… nhưng không nói về trống trơn không có thuộc từ theo sau như ở đây. Thành ngữ: Sống ở thác về.

[14] Gánh: Cai quản, trông nom. Chữ gánh cũng đưa ra ý niệm là cực khổ (dầu là chủ hai cơ nghiệp.)

[15]  Gớm thay một ngươi Lưu Kinh: Lưu Kinh hư đốn lắm. Xem mấy hàng trên để thấy sự sai quấy của Lưu Kinh.

[16] Thập ác: Tiếng nói chung chỉ những điều ác gì cũng không chừa, không phải chữ thập ác theo nghĩa trong kinh sách Phật.

[17] Hỏi vặc 𠳨勿: hỏi vặn, hỏi khó, hỏi vặc vẹo, hỏi gắt, hỏi lý.

[18]  Vấn nạn nầy thường thấy. Xem Tỉnh Mê Một Cõi, Nguyễn Văn Sâm phiên âm.

[19] Ý tưởng nầy rất mới, tiếc rằng cả mấy ngàn năm nay người ngộ được điêèu nầy không nhiều.

[20] Kiếp nầy ăn về kiếp trước: Những gì con người hưởng được của kiếp nầy là do những thiện duyên đã tạo ra từ kiếp trước. Ăn: hưởng, dùng, thọ…

[21] Hai chữ khăn khắn nầy được phiên theo sự gợi ý của hai người giỏi Nôm ở Orange County là Quang và Dũng, xin cám ơn!

[22] Giúp miệng giúp mỏ: Giúp lời hay lời khuyên, kể cả lời răn. Gọi là thiệt thí.

[23] Quá hay và có tác động lớn mấy câu ngắn ngủi nầy.

[24] Báng đạo 謗道:  Chê bai, nói xấu đạo.

[25] Hay chi Địa ngục mà màng có nghĩa là hay chi những chuyện ác mà làm cho đến nỗi phải sa vào Địa ngục.

[26] Đây là nói chuyện Phật Bà Quan Âm theo tích Quan Âm Diệu Thiện, khác với tích Quan Âm Thị Kính vốn ảnh hưởng nhiều ở Miền Nam.

[27] Hâm hưởng vẻ vang 歆享𨤔 㘇 : Về hưởng rạng rỡ, xứng đáng.

[28] Đủ cả, chẳng thiếu vật gì!

[29] Biết thị phi 别是非: biết đúng sai.

[30] Trang 庄, bản Nôm 床 sàng. Có thể nào là giường thờ?

[31]  Vi phi 爲非: Làm điều quấy, bậy.

[32] Đinh ninh丁寧:  Tin chắc.

[33] Khí lớn 氣𢀲: Có vẻ lớn, hình như lớn.

[34] Bị chỉnh: Chỉnh bị, sửa soạn đầy đủ.

[35] Trang 13a hình Vô Tư đường: Quỉ môn quan, nơi đưa cho các hồn thấy những điều thiện ác  hồn đã làm lúc sống.  Trang 13b hình Ngọc Trinh thăng Tiên: Ngọc Trinh được rước lên Tiên vì đã sống thiện lành, ăn chay…

[36] Đạo tu chân: Con đường tu đúng đắn, đúng cách.

[37] Chẳng hay: Chẳng may.

[38] Biện : Sửa soạn vật dâng cúng.

[39] Buồn nỗi tử tức: Buồn vì chẳng có con.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3688)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4364)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4549)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 4927)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5594)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.