Tiết 7 đến tiết 9

09 Tháng Tám 201614:43(Xem: 2311)

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG
Tiểu thuyết Nôm viết bằng văn xuôi 1926
Nguyễn Văn Sâm
phiên âm và giới thiệu

TIẾT 7 ĐẾN TIẾT 9

Tiết 7  (15b)

Ngươi Lưu Kinh lìa hồn,
Đức Thành hoàng phán giải.

 

Lưu Kinh bệnh đã hư tổn, thần hồn lìa thoát ra ngoài, hôn mê chẳng biết đường về, chết giả mà ra chết thiệt. Ngươi ấy hồn đi bơ vơ, chẳng ai dẫn lối dẫn đường, vì chưng số thọ hãy còn, Địa phủ chưa sai quỷ bắt, nên chẳng có thần áp giải, một hồn lủi thủi mà thôi. Trong đường bỗng thấy điện đài, xem rõ xăm xăm vào cửa, đến cửa hỏi ra mới biết, rằng là miếu Đức Thành hoàng, xin vào quỳ lạy dưới sân, kể quán kể tên kể họ, kể nỗi nguồn cơn sầu bệnh, chẳng may hồn tới cõi âm, xin ngài giáng phúc thi ân, cho dẫn được về dương thế. (16a hình) Nhị điện: Sở giang vương 

 (16b) Đức Thành hoàng hỏi rằng: ‘Lưu Kinh, mầy ở dương thế, làm điều thiện ác dường nào?’

Thưa rằng: ‘Từ bé đến nay, chỉ việc thương người thương vật, nhờ của tổ tiên để lại, chỉ đem bố thí bần cùng, ăn chay tụng niệm đêm ngày, chẳng có điều chi là ác.’

Khi ấy ngài sai bộ hạ, tra xem sổ sách từng ngày, tra ra sổ ác trần gian, thấy tội Lưu Kinh vô số, phàm những lời Trương thị nói, cũng còn[1] ghi lấy từng câu, phàm những việc Lưu Kinh làm, ác khẩu ác tâm biên đủ, tra sổ Thiên đình tống xuống, Lưu Kinh thọ bảy mươi ba, nhân vì tích ác nhiều điều, giảm thọ bớt đi một kỷ, nay nó mới năm mươi mốt, nhẽ ra còn được mười năm.

Bấy giờ Ngài mới lôi đình, thét quở Lưu Kinh dối trá: ‘Mày đã quen làm ác nghiệt, vợ mày can cũng không nghe, chẳng qua mầy ở ác nhiều, hồn phách tinh thần tán loạn, đến đây mày mà biết tội, cũng ­thương cho dẫn đem về, sao mày dám mạn[2] phép Trời, dối người dối cả Thần thánh?’ 

Liền khiến các quan bộ (17a) hạ, làm tờ bẩm báo phân minh, giải lên Mười điện hỏi tra, chính trực chẳng dung loài ác. Khi ấy Sai quan vâng mệnh, truyền quân áp (?) giải Lưu Kinh, chùy đồng roi sắt theo sau, một mạch chẳng cho đứng nghỉ, đi đến đầu thôn Dã Cẩu, từng đàn chó nói tiếng người, gọi nhau kìa kìa Lưu Kinh. Xúm lại vô vàn là chó, con thời nghiến răng, gườm mắt, con thời hả miệng nhăn nanh, con thời mắng trách Lưu Kinh, r­ằng nó[3] kiếp xưa cùng khổ, trốn nợ có mười đấu gạo, cho nên phải chịu kiếp đày, nó ở trả nợ bảy năm, nhiều ngày chịu đói chịu khổ, thấy con gà được  cơm tấm, tranh ăn lỡ dại cắn gà, sao chủ nhẫn tâm cho đành, sai đứa gia nô đánh chết.

Lại có một đoàn đua mắng, rằng vì nó dại kiếp xưa, luân hồi vào nghiệp súc sanh, cũng muốn chịu cho hết nợ, nào ngờ Lưu Kinh mầy[4] ác, mua nuôi ăn thịt nhiều hồn, bây giờ bắt được đứa thù, cắn nuốt hết xương cho bỏ.

Khi ấy từng đàn xúm lại, Sai quan (17b) sợ bỏ mất tù, vội vàng bước tới tay ngăn, Rằng: ‘Có phép công tra hỏi, hãy để nạp vào các điện, rồi ra báo oán mặc lòng.’ Đàn chó từ ấy chạy tản. Lưu Kinh vừa đi vừa khiếp, đi lại đến thôn Ngưu Mã, ngựa trâu cũng nói tiếng người, trâu bò kéo lũ đón đường, trông mặt Lưu Kinh mà chửi, rằng nó kiếp xưa có nợ, cho nên phải ở đền bồi, kéo cày cố giả cho xong, hết sức còn chi chẳng yếu. Mày[5] đem bán cho hàng thịt, thiệt là thảm hại thiết tha, thâm thù chẳng lúc nào quên, hỏi chú còn bán được nữa?

Sai viên lại phải can gián, nói rằng tội nó đã đành, để đem tra hỏi phân minh, rồi sẽ báo thù mới phải. Khi ấy trâu bò nghe biết, dẹp ra hai dãy bên đường.

Bỗng đâu đàn ngựa xông vào, thét chưởi Lưu Kinh tệ tục. Kiếp trước nó vì ở ác, phải đày làm giống súc sinh, cỡi nó đánh nó chẳng thương, dong ruỗi làm què chết nó, bây giờ cam tâm báo lại, chẳng cho đi nữa mà đi.

Sai viên sợ chậm việc quan, giận quở (18a): ‘Chúng mày vô phép, việc quan có chừng có hạn, chậm đi tội vạ chẳng chơi, quở rồi lại dỗ[6]  hẳn hoi, đàn ngựa mới lui về hết. (18b) 

Lưu Kinh vừa đi vừa khóc: ‘Sao mà gặp những oán thù, có hay nông nỗi thế này, thà nhịn miếng ăn hớp uống, quá khẩu thành tàn mấy chốc[7], việc chi mà chịu tội này, trách mình chẳng nghe hiền thê, hối lại bây giờ sao được, xin quan Sai viên cứu với, tạ người muôn lượng hoàng kim.’

Sai viên cả giận thét rằng: ‘Thằng nầy quen như trần thế, động đến chạy tiền chạy bạc, mong kịp thoát tội dương gian, Âm ty giăng bủa lưới trời, mày ác đố mầy chạy thoát, vàng bạc đây xem như đất, chỉ lòng kính trọng thiện nhân, mi sao ở ác chẳng chừa, hãy nói vàng mua được mang?

Liền khiến quân cầm roi sắt, đánh chân giục giã đi mau.

Đường đi đến đài Vọng hương, đài ấy vừa cao vừa sáng, trông được hương quê trần thế, đặt tên là đài Vọng hương, xưa nay những người thác đi, quỷ tốt dẫn hồn lên đó, cho thấy rõ làng rõ nước, mới hay[8] đã thác về Âm. (19b) Lưu Kinh đến đấy leo lên, trông thấy cửa nhà làng nước, than thở vừa trông vừa khóc, trách thân còn dám trách ai, chẳng tu lên cửa Thiên đường, vì ác phải vào Địa phủ. Càng thấy quê hương càng tiếc, trông lâu chưa chịu dời chân, Sai viên nổi giận đùng đùng, roi sắt đánh cho vô số, Lưu Kinh vội vàng dời bước. Dần dần qua núi Thiết Vi, núi làm những sắt vây ngoài, có cửa mở ra ngăn lại, trong ấy những là ngục thất, tội nhân giam chấp nhiều người, tù ấy những tù đợi tra, nên chưa giải qua các điện, Sai viên giục Lưu Kinh chạy, lại qua một cửa quỷ môn, tên gọi là Quỷ Môn quan, nơi ấy âm dương giáp giới, có đặt cửa ra phân biệt, cũng như cửa ải trần gian, Sai viên vào trước trình tờ, Quỷ tướng thêm quân hộ giải, qua cửa dẫn vào Địa phủ, có tòa Nhứt điện đại vương.

 

Tiết thứ 8: (21a) 

Sai viên dẫn nhập Nhứt điện,

Đại vương tra hỏi Lưu Kinh[9]

 

 Sai viên đến chực cửa điện, môn quan nhận tờ vào nạp, một chốc thấy quan võ tướng, đem mười quỷ sứ chạy ra, nhận tù áp điệu Lưu Kinh, dẫn vào trước sân phủ phục, liếc thấy đứng chầu nhiều lớp, đầu trâu mặt ngựa uy nghiêm, bỗng nghe tiếng thét sấm vang, thấy Đức Đại vương ra ngự, truyền xuống Phán quan tra hỏi: ‘Lưu Kinh ở đời làm gì, đến đây thiện ác phân minh, chớ có nói gian thêm tội!’

Lưu Kinh tâu rằng: ‘Từ bé nhờ cha nhờ mẹ, tư cơ[10] cũng có ít nhiều, chỉ niệm ở đức ở nhân, tô tượng sửa chùa bố thí, cùng với vợ là Trương thị, tu hành trai giới đã lâu, thiệt tình chẳng dám đơn sai, xin đức Đại vương thẩm thứ, tha cho lại về dương thế, thực là cảm đức cao sâu.’

Bấy giờ: Phán quan đem sổ tra ra, Lưu Kinh tội nào cũng có. Hãy kể sát sanh một tội, lục súc với loại cá chim, chín ngàn tám trăm bốn mươi, oan mạng biên đầy trong sổ. Lại tra đến sổ thọ yểu, Lưu Kinh nhẽ bảy mươi ba, vì chưng sát nghiệp đã nhiều, đánh bớt còn mười năm nữa, lại tra (21b) đến hào tử tức, Lưu Kinh nhẽ được một con, vì chưng oan uổng loài sanh, sát khí lấp đường sanh khí, vã lại khoảnh độc hà khắc, cho nên bắt tội cô hồn[11].

Lại tra điều thiện Lưu Kinh, việc thiện mà tâm thời ác, cũng có cúng dường bố thí, cũng có cầu quán điện chùa, [thiện] mà lấy của bất nhân,  điên đảo lừa thăng tráo đấu, Thần Phật Ngài không sá chứng, cũng không kể thiện được nào, ăn chay mới được một năm, chẳng qua miễn cưỡng nhịn miệng, bụng dạ vốn không thành thực, sau lại phá giới  khai trai.

Lại tra sổ chép năm xưa, Trương thị có lời mật khẩn, Mười điện có sai hai tướng, vào nhà người ấy bảo cho, chẳng hay[12] ngươi ấy quật cường, thấy mộng rằng không bằng cớ.

Lại tra sổ Phong Đô chép, Lưu Kinh từ ngày dâng hương, hiển cho báo ứng rõ ràng, ngươi ấy dường đà biết sợ, nhưng cũng nể lời Trương thị, thiệt không có chút thiện căn, khi sau Trương thị lên Tiên, ngươi ấy lại quen nết cũ.

Bấy giờ Ngài mới lôi đình[13], phán (N.sai) quở Lưu Kinh: ‘Sao dám (22a) làm vậy, đã không biết đạo làm người, đã chẳng nghe lời Trương thị, thần thánh còn thương mới bảo, cớ sao mầy chẳng sợ lo, ác tâm ác sự ác ngôn, biên chép đã đầy trong sổ, đến đây mầy còn dám dối, đưa về lại quấy trần gian.’

Lệnh truyền đánh bốn mươi côn, bỏ ngục Vô Biên làm tội, bắt nó ba năm chịu khổ, để cho biết tội gian khi, bao giờ hạn mãn cho ra, phát vãng sang tòa Nhị Điện.

Khi ấy lệnh truyền hỏa tốc, các quan võ sĩ áp vào, tức thời lôi tóc Lưu Kinh, búa sắt dùi đồng theo đánh. Áp giải bỏ vào trong ngục, gọi tên là ngục Vô Biên, khảo tra chẳng biết ngần nào, ngươi ấy xương tan thịt nát, hồn đã chết đi phiêu bạt, nghiệt phong gió thổi lại hoàn, hoàn hồn lại đủ thịt xương, khảo đánh lại làm cho chết, muốn chết cũng không chết được, sống thời chịu khảo chịu đau, đau cùng[14] hồn lại chết đi, gió lại thổi cho sống lại, sống lại chết đi mãi mãi.

Ghê thay hình pháp dữ dằng[15]!

Lưu Kinh chịu tội ba năm, mới được (22b) tha ra khỏi ngục, vừa mới nghỉ ngơi một chốc, lại nghe có lệnh phán truyền, quỷ binh lại trói Lưu Kinh, áp giải sang tòa Nhị Điện[16].  (Hết Tiết 8)

 

Tiết thứ 9: (23b)

Quỷ tốt giải vào Nhị điện,

Đại vương phán hỏi Lưu Kinh.

 

Quỷ tốt đến tòa Nhị điện, Đại vương đương buổi ngự triều, môn quan nhận nộp công văn, vâng mệnh giải tù vào trước, ngài khiến Phán quan tra hỏi, bảo rằng thú thật khoan cho.

Lưu Kinh tâu rằng: ‘Tiểu dân thật phải oan tình, xin Đức Đại vương xét lại. Từ bé có tiền có gạo, chỉ đem làm đức làm nhân, có đâu những chuyện vi phi, mà chép mà biên vào giấy, chẳng qua Thành hoàng bản xứ, tiểu dân chưa cung cấp chi[17], cố đem giải nạp cửa Ngài. Yêu nên tốt ghét nên xấu.’

Đức Đại vương thoắt nghe lời ấy, lôi đình tay vổ án thư, rằng: ‘Mày là giống yêu ma, sao dám nói càn đến thế, mày nghĩ điều ác trong bụng, Tam thi[18] đã chép cho mày, mày làm mày nói điều chi, Trạch thần cũng chép biên cả, Tư mệnh Táo quân cũng biết, Bách thần vãng quá cũng biên, trên thời Nhật nguyệt sáng soi, dưới thời Thổ địa chứng kiến, chẳng những Thành hoàng (24a) một sở, sao mày dám nói làm vu[19], tội mày bằng núi bằng non. Hãy kể mười điều đại ác, liền khiến Phán quan cầm sổ, kể mười điều ấy nó nghe.

Một điều là: say rượu đánh (chết) gia nô, nó chết oan hồn còn đó, hiện ở trong thành Uổng tử, chờ cho báo oán mới đi.

Hai điều là: có đứa vỗ nợ gạo mày, phải làm muông chó giả nợ, mày sai gia nô đánh chết, hiện ở thôn Dã Cẩu kia.

Ba điều là: Có đứa nợ tiền của mày, phải kiếp làm trâu giả nợ, bán cho hàng thịt giết nó, hiện còn chực ở Ngưu Thôn.

Bốn điều là: Có đứa vay bạc của mày, chẳng giả phải làm kiếp ngựa, dong ruỗi đánh vào bụng nó, sa chân nó phải chết đi.

Năm điều là: Sát sanh cho thích khẩu mày, đãi khách để (?) làm thể diện, chưa hẵn khách kể ân huệ, loài sanh luống chịu oan hồn, chín ngàn tám trăm bốn mươi, chực mày ở thành Uổng tử.

Sáu điều là: Tham lợi quên nghĩa, cân nặng đấu nhẹ đảo điên[20].

Bảy điều là: Bụng những dao gươm, khéo nói (24b) ngọt như đường mật.

Tám điều là: Quở mây mắng gió, Chưởi người đến tổ tiên người.

Chín điều là: Kiêu ngạo hung dữ, bạc hạnh tư tà nhà [?, chữ đọc chưa ra].

Mười điều là: Khai trai phá giới, chẳng có một chút thực tâm.

Kể xong đại ác mười điều, Lưu Kinh trơ trơ chẳng nhận. Đức Đại vương phán rằng: ‘Nó là thằng quỷ vạn ác, quen thân dối miệng dối lòng.’ Truyền đánh bốn mươi thiết côn, bỏ hai cửa ngục làm tội. Bấy giờ thần tướng tức thờ áp giải, bỏ ngục Bạt Thiệt gớm thay, nung kềm lôi lưỡi ra ngoài.

Vừa cắt vừa gọi vừa hỏi, Lưu Kinh: ‘Mày chẳng dối nữa, mày chẳng ngoa miệng chưỡi càn, mày chẳng rượu thịt say sưa, mày chẳng nói khôn khéo nữa.’

Lưu Kinh chịu đau chẳng được, linh hồn lại chết bạt đi. Nghiệt[21] phong thổi lại hoàn hồn, miệng lưỡi hình thù lại hiện, ấy ngục Bạt Thiệt đã thảm, lại còn sang ngục Hàn Băng, hàn băng giá lạnh hơn đồng, thấu đến [N. quá mờ, không đọc được] gân tuỷ, Lưu Kinh thấy mà run khiếp, đứng lâu chẳng dám (25a) bước vào, quỷ binh nổi giận đùng đùng, trói cả tay chân quăng bỏ, Lưu Kinh phải vào ngục ấy, xót xa khổ sở muôn phần. Khi thời giá ngập quá đầu, khi thời giá cao ngang mắt, trong giá vô vàn sâu bọ, vào tai vào mũi cắn no. Lưu Kinh miệng lại trách mình, ngục nầy là tội hà khắc, rít ráo với người chẳng bỏ, thảm thê lại mắc vào mình, ngục đâu làm khổ dường nầy, ngửa mặt lên trời mà khóc, khóc chán lại giận lại oán, nào ngờ xung động lên mây.

 

(Hết tiết 9)

 

Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu.

samnguyen20002002@yahoo.com

Toàn quyển Nhân Quả Báo Ứng đã in và sẽ kính chuyển đến những vị nào có nhu cầu.

Xin gởi chút ít chi phí bưu điện về:

Ngoc Anh Tran  12960 High Vista, Victorville, CA 92395



[1]  Bản Nôm 祥 tường, nghĩ là tác giả muốn dùng chữ 群 còn.

[2] Mạn: Khinh mạn, khinh khi, coi thường.

[3]  Chữ nó ở đây không rõ nghĩa, ta hiểu nó là con chó. Ở trang 17b nó là con trâu…

[4]  Chữ mầy nầy làm cho câu văn tối, không đúng là văn mô tả, cũng không đúng là câu đối thoại!

[5] Cũng như chữ mày ở trên đáng lẽ là chữ !

[6] Dỗ: Năn nỉ, giải thích.

[7]  Thức ăn qua khỏi miệng thì mau thành thứ ô uế.

[8]  Trang 19a hình Thành hoàng bộ hạ dẫn Lưu Kinh đến Vọng hương đài. Trên đài Vọng hướng không có người tốt

[9] Trang 20a hình Nhứt Điện tra hỏi Lưu Kinh. Trang 20b hình các hình phạt ở địa ngục: xẻo thịt, cưa thân…

[10] Tư cơ: cơ nghiệp.

[11] Bắt tội cô hồn: Bắt phải làm thân cô độc, khi chết chẳng được đơm quải.

[12] Chẳng hay: Chẳng may, điều xấu là…

[13] Lôi đình 雷霆: Quá giận, từ thành ngữ lôi đình chi nộ,. Ta nói nổi giận/nổi trận lôi đình.

[14] Đau cùng 𤴬窮: Đau đến tuyệt cùng, đau quá sức chịu đựng.

[15] Dữ dằng 與扛: HTC viết dữ dằng, chữ Nôm ở đây cho thấy điều đó. Các tự điển khác đều viết dữ dằn. Hay là trường hợp nầy ta đọc dữ dàng?

[16] Trang 22b hình trừng phạt ở Địa ngục.

   Trang 23a hình các hồn trình diện tòa Nhị điện để được xét xử.

[17]  Chưa cung cấp nghĩa là chẳng có cúng kiếng gì.

[18]  Tam thi 三尸: Nguyên chú tam thi là ba thần ở tam tiêu con người: Bành kiêu, Bành cư, Bành chất.

[19] Làm vu 爫誣: Cáo gian.

[20]  Buôn bán gian lận thì có tội, buôn bán bằng những thứ hóa chất tạp phẩm càng tội hơn, buôn dân bán nước thì tội thế nào?

[21] Bản Nôm viết chữ 業 nghiệp, trong khi ở tất cả các chỗ khác đều viết 孽 nghiệt (phong).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3657)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4332)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4526)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 4897)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5558)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.