Tiết 10 đến tiết 16

09 Tháng Tám 201614:44(Xem: 2281)

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG
Tiểu thuyết Nôm viết bằng văn xuôi 1926
Nguyễn Văn Sâm
phiên âm và giới thiệu

TIẾT 10 ĐẾN TIẾT 16

Tiết thứ 10: (25a)

Đức Củ Soát trông thấy thương nhiều (?),
Nàng Tiên nữ xuống cứu chẳng được.

 

Bấy giờ: Có Đức Củ Soát Thiên quân, ngài thấy khí đen thấu ngược, ngài đứng trên mây trông xuống, biết nơi Địa phủ hành hình, Lưu Kinh ở ngục Hàn băng,  chẳng chịu được hình ngục ấy, ngài liền trở về Tiên phủ, báo cho Trương thị biết tình, trách rằng: ‘Thuở xuống trần gian, sao chẳng biết can gián nó, để nó phạm vào tội lệ[1], bây giờ trông thấy (25b) mà thương.’

Tiên nữ thưa rằng: Chúng tôi can gián đã nhiều, Lưu lang chấp mê chẳng tỉnh, hình tội phép công trời đất, dầu thương có biết làm sao!

Đức Thiên quân dạy rằng: ‘Đành hay tội nó nó mang, có lẽ[2] ngồi trông chẳng cứu, thôi cũng là duyên nợ cũ, thử đi cứu vớt họa may!

Tiên nữ thưa rằng: ‘Trộm nghe ở chốn ngục hình, những là hung thần ác quỷ, qua đấy biết lành hay dữ, hoặc khi liên lụy nữa sao!’

Đức Thiên quân dạy rằng: ‘Thiện nhân đến đâu cũng hay, thần thánh ngài đều kính trọng, ma quỷ nó trông nó sợ, có đâu sự ấy mà nghi!’

Bấy giờ: Tiên nữ mở chín từng mây, phới phới xe loan bay xuống (26a). Tiên nữ toan vào trong điện, rộng ân nhờ đức Đại vương, gặp quan Đại tướng hai người, chấp tay mời bà Tiên nữ, vừa rước vừa mời vừa hỏi, rằng bà xuống đây việc gì. Tiên nữ kể hết vân vi, xin cứu Lưu Kinh khỏi ngục, hai tướng một lời thưa lại, rằng là Trời Phật đặt ra, phép công chẳng chút nhân tình, dầu bà xin cũng chẳng được. Vã tội ngục tù các phạm, chẳng ai nặng bằng Lưu Kinh, năm trăm năm nữa còn mang, ngục nầy lại sang ngục khác, có chăng Trời Phật đại xá, hoặc là mới được tha ra!

Tiên nữ nghe nói làm vậy, sa xuống hai hàng nước mắt, rằng phiền các quan đưa đến, cho trông thấy mặt Lưu lang.

Bấy giờ đến cửa Hàn băng, trông thấy hình thù thảm thiết, Lưu Kinh vừa kêu vừa khóc, than  rằng trước chẳng nghe lời, ăn năn thời sự đã rồi, còn nhờ tầm phương cứu vớt.

Lưu Kinh khóc than chưa dứt, tự nhiên giá nổi ngập đầu, thực là Tạo hóa phép mầu, ai dám tơ hào tư túi. Tiên nữ thấy cơ làm vậy, thở dài thở vắn lui ra, lại bay lên cõi Tiên cung, nghĩ ngợi tầm (26b) phương khác cứu.

Lưu Kinh chịu tội đã mãn, lệnh truyền lại giải vãng đi, cổ mang gông lửa ngàn cân, đi chậm thời lửa lại cháy, vừa khóc vừa đi vừa chạy, trước đường có sông Nại Hà, trên sông có cầu bắc qua, đầu cầu có quan canh giữ, sông rộng nước reo như sấm, mùi tanh những máu đen xì, tội tù gìm xuống nước sông, chó sắt rắn đồng cắn rức, tù nào dựa bờ trốn nghỉ, quỷ binh cầm dáo lại đâm, làm ác chịu tội biết sao, nên đặt Nại Hà tên gọi. Lưu Kinh thấy càng run khiếp, lâm xâm mới bước lên cầu, quan canh liền đạp xuống sông, Sai viên vội vàng thưa lại, tù ấy là tù giải vãng, hãy xin tha để nó đi, quan canh lại cho kéo lên. Lưu Kinh vừa đi vừa khóc. Áp giải đến tòa Tam điện, uy nghiêm khôn xiết hãi hùng. (Hết Tiết 10)

 

Tiết 11: (28a)

Nhị Điện giải sang Tam điện,

Lưu Kinh gặp mẹ Lưu Kinh.

 

Đức Đại vương ra ngự triều, Phán quan cầm sổ tra hỏi, rằng: ‘Lưu Kinh có mười tội lớn, mày đã phục tội hay chưa?’

Lưu Kinh tâu rằng: ‘Mười điều tội ấy có đâu! Tiểu dân thực là oan uổng. Nhà có phụng thờ hương khói, Thổ thần Trạch thần Môn thần, tiểu dân nếu có ác chi, các vị thần ấy đã biết!’

Đức Đại vương quở rằng: ‘Lưu Kinh tội mày lắm lắm, Thiên Địa Thủy phủ đều biên, Tam tào có ghét chi mày, chẳng qua mày làm mày chịu, mày còn muốn lấy chứng  tá[3], cũng cho đối chất phân minh.’

Bấy giờ: Phán quan vâng viết thẻ bài, võ sĩ tức thời lãnh phiếu, về nhà Lưu Kinh đòi khắp, Thổ thần Trạch thần Môn thần, một chốc đến đủ trước sân, phủ phục quỳ nghe lời phán.

Đức Đức Đại vương hỏi rằng: ‘Thổ thần Môn thần ai nấy, Thiên đình ban chức chúng ngươi, giữ gìn soi xét nhân gian, thiện ác phải tường ghi lấy, kìa một Lưu (28b) Kinh đời nó, ghi thiện ghi ác làm sao?’

Các thần tâu rằng: Chúng tôi chức phận giám sát, chẳng riêng chẳng giấu cho ai, Lưu Kinh từ thuở sinh ra, nhà nó sát sanh trăm mạng, ăn uống đãi làng đãi họ, oan hồn thảm hại kêu ca. Lưu Kinh tuổi đến mười lăm, hung bạo chưởi càn chưởi rở, cãi vả với cha mẹ nó, kiêu ngạo cả người tuổi già, gian ô tức tối (tửi) nhiều phen, hà hiếp kẻ cùng nhiều nỗi. Vợ nó thiệt là hiền nữ, can khuyên chẳng thiếu điều chi, nó chỉ ở ác mà thôi, quyến rũ rượu chè cờ bạc, kể nó sát loài sinh vật, chín ngàn tám trăm bốn mươi, đảo điên lừa lọc gian khi, chẳng có chút nào thành thực. Nó cũng cúng dường bố thí, chẳng qua là của bất nhơn, nó cũng ăn chay một năm, chẳng qua là ăn miễn cưỡng, chúng tôi thấy sao chép vậy, tơ hào chẳng dám đơn sai.’

Đức Đại vương phán rằng: ‘Chúng thần[4] đối chất phân minh, Lưu Kinh đã phục tình chưa? Trần thế mày còn dối miệng, quỷ thần xét đến con tâm[5]. Mày còn kêu (29a) oan nữa thôi. Làm ác phải chịu ác báo.’

Liền khiến Trạch thần các vị, cho về giữ chức nhân gian.  Chúng thần lạy tạ lui ra, hóa trận gió thanh biến cả. Ngài lại truyền tra cửa ngục, mẹ ngươi Lưu Kinh ở đâu?. Tra ra giam ở Huyết hồ, bắt tội sát sanh ô uế.

Đức Đại vương phán rằng: “Giải nó đến xem mẹ nó, để cho biết tội phân minh, cho nó biết là chẳng oan, rồi sẽ giải sang Tứ điện[6].’

Khi ấy Tướng quân vâng mệnh, giải đi đến ngục Huyết hồ. Lưu Kinh thấy mẹ Lưu Kinh, thiệt là thảm thương khổ sở.

Mẹ ngươi Lưu Kinh thấy mặt, vừa khóc vừa chưởi Lưu Kinh:

‘Sanh mày được ích lợi gì, chịu tội mà mày chẳng biết, một là ô uế bất cẩn, chẳng qua vì nỗi sanh mày. Hai là sát vật ăn mừng, vì mày đặt ra đãi khách, bây giờ một thân chịu cực, nào thấy mày đâu khách đâu! Mỗi ngày ba chầu nước lên, những máu tanh hôi làm vậy, phỏng như mày biết điều hiếu, tu nhân chẳng sát (29b) loài sanh, thành tâm trai giới tụng kinh, may cũng có đường siêu độ. Chẳng ngờ mày đại bất hiếu, ăn chơi ác nghiệt nhiều điều, kỵ cúng mày lại sát sanh, gánh nặng còn thêm cho nặng, linh phách trong mồ chịu cực, chẳng qua mày cúng mày ăn, bây giờ thấy mặt càng đau, thôi thôi tầm đường mà bước. Dám xin các quan Thần tướng, cậy người nhắn nhủ nhân gian, bảo cho phụ nữ biết kiêng, phàm những trong mình uế vật, đừng có đổ vào dưới đất[7], e có thổ địa thần linh, đừng có thải ra ngoài sân, e có bách thần vãng quá, e có vầng Nhựt vầng Nguyệt, e có các quan Tòa sao, đừng có tắm rửa ngoài sông, e có Thủy thần Thủy phủ, đừng có bỏ ra ngoài ruộng, e có Thổ thần Cốc thần. Trong mình chưa sạch chưa thanh, đừng có đến nơi thờ phụng, đừng có ra vào cửa bếp, kiêng khem kẻo phạm quỷ thần, thời mới khỏi tội ngục này, xin nhắn đàn bà biết khắp[8].

 (30b) Lại xin: ‘Các quan nhắn người hiếu tử, ma chay đừng có sát sanh, quí hồ thành kính thiện tâm, Trời Phật chứng cho là được, phách ở trong mồ cũng thỏa, được về hâm hưởng[9] khói hương, cá thịt có ăn được đâu, càng thêm nặng nghiệp kẻ thác[10].

Lại xin: ‘Các quan dặn các bà vãi, đi chùa phải giữ thiện tâm, đem thân vào cửa từ bi, ắt phải bớt mỏ bớt miệng, ắt phải nhịn ăn nhịn nói, Phật Trời ngài mới chứng cho, đừng chắc niệm Phật tụng kinh, về nhà càn rông lỗi đạo. Địa phủ lắm người phải tội, há rằng không niệm Phật đâu. Sao cho giữ được thiện căn, Trời Phật mới thương cho được. Ví mà ác tâm ác khẩu, niệm Phật ngài có chứng đâu, ở ăn lỗi đạo làm người, đi chùa lại càng thêm tội.’

Lưu Kinh thấy lời người mẹ, tự cam[11] bất hiếu tội nhiều, cúi đầu sa lệ đứng lâu, quân sĩ giục đi hỏa tốc[12]. (Hết Tiết 11)

 

Tiết 12: (31b)

Tam điện  giải sang Tứ điện,

Lưu Kinh chưa chịu phục tình.

 

Đức Tứ điện hỏi rằng: ‘Lưu Kinh mày thấy ngục hình, mày đã biết sợ hay chưa?’

Lưu Kinh tâu rằng: ‘Ngục hình phép âm thảm lắm, tiểu dân thực là sợ oai!’

Đức Đại vương phán rằng: ‘Mày đã biết sợ oai trời, thú thực thời cho lượng giảm.’

Lưu Kinh vừa nghĩ vừa khiếp, kêu rằng tội nặng là oan, ngu dân chỉ biết ngay lành, đem của làm nhân làm đức, thảng hoặc có điều chẳng phải, cũng là nhiệm nhặt khôn hay, ngu dân nào phải thánh hiền, ăn ở điều chi cũng đúng, chẳng qua những tội nho nhỏ, có đâu ác lớn làm vầy, dám xin rộng mở lòng nhân, tha cho được về dương thế.’

Đức Đại vương phán rằng: ‘Lưu Kinh sao mày dối mãi, đến đây mày chửa hồi tâm, ngọt ngào đầu lưỡi mà thôi, yêu quái thương sao cho được.’

Bấy giờ truyền đem bỏ hai cửa ngục, chẳng dung cho tội gian khi, Võ sĩ liền điệu Lưu Kinh. Vào (32b) ngục ấy đao gươm làm núi,  đâm lên da thịt còn chi. Lưu Kinh đau ngất bạt hồn, nghiệt phong thổi lại lại sống, lại giải sang ngục Ngạ Quỷ, những là quỉ đói múm xương, gân xanh, mắt trắng, nanh dài, hả miệng phun ra những lửa. Lưu Kinh vừa phải vào ngục, một đoàn xúm lại vỗ tay, bảo nhau rằng được bữa ăn, bàn bạc chia phần cho đủ. Đứa thời bàn rằng cắn sống, đứa thời bàn rằng luộc qua, đứa thời đem cưa mà cưa, đứa thời đem lửa mà đốt.

Lưu Kinh thịt xương tan hết, linh hồn đã xiêu bạt đi, nghiệt phong thổi lại y nguyên, lại đủ thịt xương như cũ, cúi mặt than thân khóc lóc, trách thân làm ác tội nhiều, nghĩ lời nội trợ, hiền thê, càng tưởng càng đau đớn ruột. Khấn rằng: ‘Tiên nữ có phép, thương cho cứu vớt phần nào.’ (Hết Tiết 12)

 

Tiết 13: (33a)

Trên Thiên đình có chỉ giảm cho,

Nàng Tiên nữ cứu còn chả được.

 

[Trên] Thiên đình gặp hội đào tiên, đủ sáu ngàn năm thơm chín. Khi ấy Thiên cung mở tiệc, Thần tiên vui vẻ xiết bao, Trương thị lãnh yến đã rồi, nghĩ đến cựu tình khôn bỏ, áo mão quỳ tâu dưới bệ, kể qua trần kiếp phu quân, bấy lâu chịu khổ nhiều ngày, xin được từ ân khoan xá.

[Đức] Thượng đế chuẩn cho lời tấu, rộng ban sắc chỉ trước đền, cho bao nhiêu những ngục tù, Địa phủ mở đường khoan giảm. Sắc chỉ truyền sai Trương thị, độ cho nhất thiết chúng sanh.

Tiên nữ vâng lãnh sắc Trời, xe hạc xuống điện Địa phủ, nhớ lại Hàn băng ngục ấy, ắt là đã giải đi xa. Thẳng ngay xuống nẻo Nại hà, đòi hỏi quan canh cầu ấy, mới biết giải sang Tứ điện, vội vàng tới cửa thông tin. Đại vương văn võ bá quan, quỳ rước chỉ Trời tuyên độc, thông báo mười tám cửa ngục, tội nhân đều giảm ba phần[13].

(34a) Đức Đại vương nói rằng: ‘Tiên nữ muốn cứu Lưu Kinh, song mà tội nó nặng lắm, nhờ được thiên ân khoan xá, trăm phần được ba phần thôi,’

Tiên nữ bẩm rằng: ‘Phép công biết nói làm sao! Chúng tôi thực là bất nhẫn, xin nhờ lượng trên thí xá, rộng cho hoàn kiếp nhân thân.’

Đức Đại vương nói rằng: ‘Tội nó đã có luật Trời, cứ phép dám đâu trái phép, còn đủ mười tám cửa ngục, mới được đày làm súc sanh, để cho thù oán báo xong, bao giờ hết nợ mới khỏi, phỏng độ năm trăm năm nữa, có đâu đã được làm người, Địa phủ chẳng nhân tình[14] đâu, Tiên nữ thôi đừng nói nữa. Như có muốn thăm mặt nó, Sai quan dẫn đến mà thôi!’

Trương thị chẳng biết làm sao, từ tạ lui ra thăm viếng.

Lưu Kinh đứng ra cửa ngục, trông nhau nhỏ lệ bốn hàng[15].

Những quân canh ngục xúm coi, nó khen bà Tiên phúc đức: ‘Bà là thanh cao quý giá, làm sao mà khóc với tù!’

Có đứa bấm nhau nó cười: “Đức anh chồng bà thuở trước, vì nó làm ác (34b) nó khổ, phụng hoàng khóc cú hoài hơi!’

Tiên nữ than thở giờ lâu, quan canh chấp tay thưa gởi: ‘Xin bà trở về Tiên phủ, đứng xem loài quỷ làm chi! Bà muốn cứu vớt cho toàn, Phật tổ đại xá mới được.’

Bấy giờ: Tiên nữ lại về Tiên phủ, thương tình còn đợi tùy cơ.

Lưu Kinh chịu tội mãn rồi, Tứ điện giải  sang Ngũ điện[16].

 

Tiết 14: (35b)

Ngũ điện Phán quan vâng hỏi,

Lưu Kinh nửa chịu nửa không.

 

Ngũ điện là vị rất tôn, [là] Đức Thánh Diêm la thiên tử, nghi vệ muôn phần lẫm liệt, uy nghiêm ai chẳng khiếp hồn, Lưu Kinh phủ phục trước sân, Phán quan phụng mệnh tra hỏi.

Lưu Kinh vừa run vừa nói, tiếng nói trong cổ lò rò: ‘Tiểu dân là kẻ phàm ngu, cha mẹ quá thương từ bé, dại dột nhiều điều chẳng biết, vậy nên có sự vi phi, từ ngày được vợ hiền thê, chỉ giữ ăn chay tụng niệm, mấy điều ác đã đổi rồi, có đâu mười tội làm vậy. Tiểu dân mà nói rằng không, sợ có công văn kể đó. Tiểu dân mà nhận rằng có, nghĩ thân chẳng phạm tội chi. Như trong mười tội kể ra, nửa thực nửa là oan uổng.’

Đức Thiên tử ban rằng: ‘Lưu Kinh sao mày đến thế, chẳng còn một chút tánh chân,  mấy điều mầy kêu là oan, cho mày trông gương Nghiệt kính.’

Địa phủ có gương (36a) Nghiệt kính, phép Trời tạo hóa xưa nay, người nào nghiệp nấy hiện ra, thiện ác thấy bày trước mắt, trần thế nghĩ điều chi ác, hoặc là làm ác việc gì, hoặc là hãm hại người nào, hoặc sát loài chi súc vật, đều là hiện ra gương ấy, nghiệp nào nghiệp nấy chẳng sai. Phép Trời chẳng lọ [17]hỏi tra, thiện ác soi gương là thấy.

Lưu Kinh thấy gương phải chịu, mười điều lộ cả phân minh, cúi đầu chẳng dám hở răng, lại phải chịu tội khi trá, tên ngục Đồng trấp quán khẩu[18], là ngục nói dối nói càn, võ sĩ giải Lưu Kinh ra, trói nó hai tay vào cột, quạt lửa nấu đồng chảy nước, rót vào miệng lưỡi còn chi, Lưu Kinh đau đớn chết đi, nghiệt phong thổi hồn sống lại, có lệnh phán truyền võ sĩ, giải sang Lục điện lại tra.

 

Tiết 15: (38b)

Lục Điện tra hỏi Lưu Kinh,

Nó lại nói vu Thần thánh.

 

Đại vương phán hỏi Lưu Kinh: ‘Hối tội mới dung cho được!’

Lưu Kinh sanh ra một chước, túng mình trở lại nói vu, rằng: ‘Tiểu dân chẳng tội chi, chỉ vì Thành hoàng bản xứ, khảo tấn làm cho nên tội, thực là oan uổng tiểu dân, Phán quan đều là tư tình, đến đâu cũng chẳng xét lại, tiểu dân không tiền không bạc, có ai là chút thương cho, nhờ Ngài thanh sáng như gương, cứu vớt hồn oan

người thiện.’

Bấy giờ: Đức Đại vương ban quở rằng: ‘Mày [loài] vô phép vô thiên, loài yêu giống quái khôn dong!’

Lệnh truyền bỏ hai cửa ngục. Trước bỏ vào ngục Hắc Ám, là ngục đen tối như sơn, bắt tội thuở ở trần gian, độc bụng phiền thầm hại sấm, lừa lọc quả cân miệng đấu, gian ô đen tối chẳng chừa. Ngục ấy lạnh lẽo như đồng, Lưu Kinh nửa sống nửa chết, chịu mãn nơi ngục Hắc Ám, bắt sang vào ngục Thiết Sàng, giường sắt nặng đến ngàn cân, bắt ép thân hình[19] (38a) nén xuống, làm tội nó ở trần thế, thị hùng dồn nén người ta. Hà hiếp những người bần cùng, lăng bức những người cô quả. Lưu Kinh thịt xương nát hết, nghiệt phong thổi lại hoàn hồn. Bấy giờ có lịnh phán truyền, lại giải sang thành Uổng tử. Thành ấy nhiều hồn chết uổng, chỉ chờ báo oán Lưu Kinh. Thoạt vào đã gặp gia nô, nó khóc nó đòi mạng nó. Lưu Kinh vừa van vừa lạy, súc sanh vô số xúm vào, huyên thiên chửi nói tiếng người. Bà già bắt được kẻ cắp, đứa đạp đứa đâm đứa đánh, làm cho tử tội một hồi. Chửi rằng mầy chẳng anh hùng, làm thịt giống kia giống nọ. Chửi rằng mầy chẳng lớn miệng, thết đãi kẻ nọ kẻ kia. Mầy chẳng bắt lấy làm lông, mầy chẳng mua về rán mỡ. Mầy chẳng khen thịt này béo, mầy chẳng khen thịt kia ngon? Xúm nhau cắt mổ nấu nung, như lúc sát sanh chẳng khác. Lưu Kinh chết đi sống lại, thảm thay không biết mấy lần. Có khi tỉnh lại hoàn hồn, mình lại trách mình ngu xuẩn, chẳng nghe hiền thê nhủ bảo, cho (38b) nên phải đến nỗi này. Gớm thay sát nghiệp nặng nề, quả nhiên mình phải đền mạng. Thôi thôi nói sao được nữa, chỉ mong Tiên nữ cứu cho.

Hình vẽ: Uổng tử thành, các nạn nhơn báo oán.

Hình vẽ 39a: ao Hàn băng trừng trị tội phạm.

 

 

 

 

 

 Tiết 16: (39b)

Tiên nữ kêu cầu Đức Phật,

Mẹ con Lưu Kinh được tha.

 

 Tiên nữ từ thuở xuống thăm, Lưu Kinh ở ngục Ngạ quỷ, Lục điện Ngài không tha tội, Tiên nữ khôn biết làm sao, xe loan trở lại Tiên cung, nghĩ ngợi tầm phương cứu giải, tưởng đến cựu duyên trần kiếp, thương cho mẹ con chàng Lưu.

Cố tình cứu vớt mấy phen. Tội nặng thế nào cứu được. Vui cố kêu cầu Đức Phật, hoạ là đại xá được chăng?

Bấy giờ: Tiên nữ tầm đến Linh sơn, trông thấy muôn phần quý báu, lầu gác trùng trùng điệp điệp, sen vàng sực nức mùi thơm, Bồ Tát vui vẻ vào ra, La Hán thảnh thơi chầu chực. Tiên nữ vào quỳ dưới bệ, Kính tâu Phật tổ thương cho. (40a) Chúng sanh đội đức từ bi, đều có tấm lòng hướng thiện, tươi tỉnh theo người chỉ dẫn, sang xe luân chuyển đầu thai. Thiệt là phổ độ rộng thay, địa ngục gió thanh quét sạch.

Hình vẽ: đền vua Đông Nhạc.

(40b) Bấy giờ: Đức Phật chiếu giám lòng thành, chư vị chuyển truyền lời phán: rằng sao phàm trần ác nghiệp, mẹ con Lưu Kinh tội nhiều, “Thân tác thân thọ” kêu sao! Nhẽ ra Ngài chẳng cho tha, nghĩ lại mà thương Tiên nữ, nhứt sanh tích thiện tích thành, chân tu luyện tập nên công, nay đã được lên Tiên cảnh. Còn chút nhân duyên cõi tục (N.s, dục), cũng cho hiếu nghĩa song toàn. Rộng cho nhứt thiết chúng sanh, đều được cải quá thiên thiện.

Khi ấy: Phật chỉ từ bi đại xá, lịnh sai Tiên nữ xuống truyền. Tạ ơn vâng mạng lui ra, đầu đội sắc vàng trăm vẻ. Vặc vặc tường quang muôn trượng, sáng trưng Địa phủ các toà. Mười vua áo mão cung nghinh, trước án lạy quì tuyên độc. Bao nhiêu tội tù các ngục, cho đến ngạ quỉ, súc sanh, được tha về cõi phàm trần, lại được nhân thân như cũ, mang lấy bần cùng tật bịnh, để cho đái tội lập công. Ai hay biết tội đổi đi, an phận mà làm việc thiện. Tiêu được những tội nghiệp chướng, kiếp sau lại chuyển sang giàu.

(41a) Hình vẽ, hay bản chánh thiếu.

(41b) Bấy giờ: Lưu Kinh chỉ theo Tiên nữ, chẳng dám rời bước đi đâu. Lại qua sang chốn Huyết hồ, còn thấy tội tù dưới nước. Đương lúc thuỷ triều khuất cả, tù chìm tù nổi linh đinh. Tiên nữ đứng vận nguyên thần, miệng niệm A Di Đà Phật. Một chốc hào quang hiển hiện, nước triều nước hoá ra sen. Tội tù đều được lên bờ, cũng theo lối đường luân chuyển. Các quan cho đến quân sĩ, khen rằng Tiên nữ thần thông. Lớn thay phép Phật nhiệm mầu, vô lượng vô biên công đức.

Khi ấy: các tù đã đi sạch cả, còn hai mẹ con Lưu Kinh. Tiên nữ muốn đem lên trời, từ tạ mười vua Thập điện.

Mười vua liền can gián lại, rằng trái lời chỉ nữa sao? Hai mẹ con nó tội nhiều, nhẽ phải súc sanh, ngạ quỉ. Nay được khỏi làm kiếp súc, còn phải tu thiện lập công. Bao giờ nghiệp chướng tiêu đi, Tiên nữ mới mang lên được. Bây giờ chưa có chút thiện, mang lên phải quở nữa sao?

Tiên nữ thưa rằng: đã vậy chúng tôi xin vâng. Còn muốn (42a) nhờ ơn chư vị, cho chuyển vào nơi phú quí, hoạ may mới biết tánh ngay lành.

Mười vua nói rằng: như hai mẹ con Lưu Kinh, tội người mẹ nó còn nhẹ, nể lời Tiên nữ xin đến, cho nơi tử tế còn nên. Đến như Lưu Kinh tội nhiều, nhẽ nào đã hưởng phước được.

Có Đức Đông Nhạc đại đế, chú số tiền định đã minh. Kể như một tên Lưu Kinh, bắt tội các ngục cho đủ, đày làm súc sanh trả nợ, năm trăm năm mãn mới thôi, mới cho được làm kiếp người, lại chịu ba đời khốn khổ. Bây giờ đã khỏi làm súc, khỏi năm trăm năm là may, có đâu cho được giàu sang, phải chịu ba đời khổ đã.

Tiên nữ thưa rằng: ba đời chịu khổ thế nào? Xin Ngài phán minh cho biết.

Mười vua nói rằng: sổ sách đã chú tường tất, Lưu Kinh khi được làm người, mù què câm điếc bần cùng, mỗi một đời chịu một khổ, đủ đến ba đời như thế, sang đời thứ tư mới hay. Tiên nữ như muốn độ cho, đợi đến khi ấy mới được.

Tiên nữ lại thưa (42b) rằng: ‘Ba đời thì lâu năm lắm, e rằng ngu dại càng thêm, ác nhân càng sống lâu ngày, càng mất tánh đi càng khổ. Dám xin người xét cho lại, ba đời dón làm một đời, họa may nghiệp chướng chóng tiêu, thời tôi siêu độ mới dễ .’

Mười vua nói rằng: ‘Tiên nữ nói thời cũng phải, song mà biết dón làm sao!’

Tiên nữ thưa rằng: ‘Dám xin bớt cho thế này, một kiếp chịu đủ ba kiếp, sanh ra nơi cực bần khổ, đói rét độ hai mươi năm, ấy thế là ngục Hàn Băng, để tiêu những tội phiền độc, rồi đến năm hai mươi mốt, bắt cho câm điếc mười năm, tiêu tội ác khẩu gian khi, ấy thế là ngục Bạt Thiệt. Lại đến năm ba mươi mốt, bắt cho mù mắt què chân, tiêu tội tà sắc cơ tâm, ấy thế là ngục Hắc ám, bốn mươi đói rét mà chết, thế là đủ nợ ba đời.’

Mười vua nghe nói khen cười: ‘Tiên nữ khéo làm phương tiện!’ Liền khiến Phán quan ghi lấy. Mười vua từ cáo hoàn cung[20].

(Hết Tiết 16)

 

Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu.

samnguyen20002002@yahoo.com

Toàn quyển Nhân Quả Báo Ứng đã in và sẽ kính chuyển đến những vị nào có nhu cầu.

Xin gởi chút ít chi phí bưu điện về:

Ngoc Anh Tran  12960 High Vista, Victorville, CA 92395



[1] Tội lệ: Tội

[2] Có lẽ: có lẽ nào, chẳng lẽ.

[3] Chứng tá 証佐: Người làm chứng. Hay chứng tang?

[4] Chúng thần: Các thần.

[5] Con tâm hay hơn con tim, chúng tôi chọn đọc tâm cho chữ nầy.

[6]  Giải đến gặp mẹ để mẹ làm chứng là nhà có sát sanh và sát sanh vì Lưu Kinh.

[7]  Tất cả đoạn nầy chỉ là cách nói tượng trưng, nói gián tiếp cho việc đừng làm ô uế môi trường, phải giữ môi trường cho sạch. Người xưa đã thấy điều đó nhưng nói cách khiến người nghe theo chỉ biết làm theo mà không hiểu nguyên nhân sâu xa. Và cũng vì thế mà người chống đối cũng nhiều…

[8]  Trang 30a hình.

[9] Hâm hưởng: hưởng, hưởng vật cúng tế.

[10] Chuyện nầy cho tới nay vẫn còn. Than ôi tục xấu khó chừa!

[11] Bản Nôm viết tự cam 自甘, tôi nghĩ là tự nghĩ 自𢪀. Xin ý kiến.

[12]  Trang 31a hình.

[13]  Trang 33b hình: sắc chỉ của Ngọc hoàng được tuyên đọc.

[14] Nhân tình : Vị tình.

[15]  Chàng tội nhân đầy đầu và nàng Tiên nữ phúc đức cùng khóc.

[16] Trang 35a hình Ngũ điện vương xử tội.

[17] Chẳng lọ: Chẳng cần.

[18]  Đồng trấp quán khẩu 銅汁灌口: Nước đồng rót vào miệng.

[19] Trang 39a hình: Ngục Hàn băng.

[20]  Trang 43a: hình Mười vua nghe thỉnh cầu của Tiên nữ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3688)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4363)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4549)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 4925)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5593)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.