Lễ Điểm Đạo cũng còn gọi là lễ Quán Đảnh. Nói nôm na là lễ nhập đạo hay nhập môn. Quán Đảnh dịch từ tiếng Tây Tạng Wang có nghĩa đen là: “Quyền năng ”, nhưng trong ý nghĩa là “ban truyền quyền năng’’. Điều đó hàm ý là sự ban truyền quyền năng của trí tuệ từ vị thầy sang đệ tử, cho phép vị đệ tử đó đi vào hành trì tu tập và gặt hái thành quả tu tập.
Theo truyền thống Kim Cang Thừa, hành giả cần phải thọ nhận lễ Quán Đảnh để đón nhận năng lực gia hộ của chư Phật, chư Hộ Phật và chư Đạo Sư trước khi hành trì các pháp môn thiền quán tưởng theo hướng dẫn trong các nghi quỹ (sadhana). Hai lễ Quán Đảnh A Di Đà và Dược Sư có ý nghĩa là tăng thêm năng lực cho người hành trì pháp môn Niệm Phật.
Lễ Quán Đảnh là nghi thức biểu tượng, là hành vi thiền định để tạo ra một tương ưng giữa Tâm và Tâm. Y cứ vào đó, trạng thái tâm chưa giác ngộ của người thọ nhận pháp Quán Đảnh tạo điều kiện làm quen và giúp cho tương ưng với tâm giác ngộ của một vị thày hay vị đạo sư. Thọ nhận quán đảnh cũng giống như việc gieo mầm hạt giống trong tâm thức, sau này, khi hội đủ nhân duyên và qua các nỗ lực tu trì, hạt giống đó sẽ nảy mầm thành Giác ngộ.
Để giải thích về ý nghĩa ‘’lễ Quán Đảnh’’, chúng ta hãy đọc lời bình luận ngắn gọn của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đây:
“Để khởi đầu, bổn tánh của chúng ta – còn gọi là “Phật tánh”, hay là tathagatagarbha là chân tánh của tâm thức của chúng ta – luôn luôn hiện diện một cách tự nhiên và cố hữu trong chúng ta. Cái tâm thức của chúng ta đã vận hành từ thời vô thỉ, thì cái bổn tánh vi tế nhất của tâm thức ấy cũng đã có từ thời vô thỉ. Nhờ cái nền tảng của dòng tương tục của tâm vi tế này mà chúng ta có khả năng đạt đến Giác Ngộ. Tiềm năng này được gọi là chủng tử giác ngộ, là Phật tánh, là tánh giác căn bản, từ ngữ Phạn gọi là tathagatagarbha. Chúng ta ai cũng có Phật tánh này, mỗi người chúng ta đều có cả. Khi ta đảnh lễ hình ảnh của Đức Phật, chúng ta cung kính một vị đã tự mình đạt đến Phật quả. Đức Phật đã đạt Giác Ngộ vì chân tánh của Ngài là vị Phật đã sẵn có. Chúng ta cũng có cái chân tánh này và cũng y như là đức Phật đã đạt giác ngộ trong quá khứ, chúng ta cũng có thể trở thành Phật trong tương lai.
Ngày nào đó, khi chúng ta đạt Giác Ngộ, dòng tâm tương tục vi tế của tâm thức sẽ giác ngộ vào trong trạng thái nhất thiết trí, Phạn ngữ gọi là pháp thân (dharmakaya). Bản tánh của tâm thức ở trong trạng thái này gọi là tự tánh thân (svabhavikakaya). Sự kiện tâm thức đó hoàn toàn thanh tịnh tự bổn tánh chính là một trong những đặc điểm của tự tánh thân svabhavikakaya, tâm này thanh tịnh hoàn toàn và tự nhiên. Một sự kiện khác, các si mê phiền não bất chợt đều hoàn toàn tiêu trừ và không còn che mờ chân tánh của tâm thức, cũng là một đặc điểm khác của tự tánh thân (svabhavikakaya): đã thanh tịnh hóa tất cả mọi si mê chướng ngại bất chợt.
Chắc chắn là tiềm năng này đã có sẵn trong mọi chúng ta, cho phép chúng ta đạt giác ngộ vào trong Phật tánh và đạt đến nhất thiết trí. Tiến trình thọ lễ quán đảnh, hay là thọ lễ wang, giúp ta khai thác tiềm năng này, có thể nói như thế, và làm cho tiềm năng này có thể hoạt động trọn vẹn hơn trong ta. Khi thọ lễ quán đảnh, chính cái bổn tánh của tâm thức chúng ta, là Phật tánh, cho phép lễ quán đảnh làm cho trở thành chín mùi. Nhờ thọ lễ quán đảnh để ban truyền quyền năng, chúng ta được điểm đạo nhập vào trong tinh tuý của chư Phật trong Ngũ Bộ Phật … ‘’[1]
Bất cứ ai dù là Phật tử hay chưa là Phật tử cũng có thể dự các buổi lễ Điểm Đạo và có thể thọ lễ với mục đích đơn giản là để được ban phép lành hộ trì. Thông thường trong các buổi lễ Điểm Đạo do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì, ngài thường nhấn mạnh đến lòng từ bi mà toàn bộ giáo pháp của đức Phật đặt nền móng trên đó và gợi ý đến những ai có ý muốn giúp đỡ muôn loài chúng sinh đang ngụp lặn trong khổ đau, muốn đem lại hạnh phúc và lợi lạc cho chúng sinh hữu tình có thể tham dự vào một nghi lễ phát tâm Bồ Đề để phát nguyện lý tưởng Bồ tát và thực hành lý tưởng này qua ba điều giới luật (tam tụ tịnh giới): thứ nhất là ngăn ngừa hết thảy mọi điều bất thiện; thứ hai là quyết tâm thành tựu hết thảy các điều lành; và thứ ba là luôn giúp đỡ muôn loài chúng sinh.
Do đó trước khi làm lễ Điểm Đạo Đức Đạt Lai Lạt Ma thường làm lễ phát Tâm Bồ Đề, lễ Quy Y Tam Bảo và truyền Giới cho những ai muốn phát nguyện thực hành con đường lý tưởng Bồ tát qua ba điều giới nêu trên. Trong đó bao gồm phát đại nguyện:
Cho đến khi hư không còn tồn tại
Và chúng sinh còn chịu đựng khổ đau,
Nguyện cho tôi còn tồn tại,
Để xóa tan nỗi khổ đau trên thế gian này.
BBT/TVHS
[1] Trích từ thuyết giảng tại Vincennes, 7 tháng mười 1982, trong buổi ban truyền giáo lý Mật Ấn Nghĩa (Sangwa Gyachen), là một kho tàng tâm linh được khám phá bởi đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm.