01. Duyên Sinh Khởi

10 Tháng Mười 201000:00(Xem: 7964)

HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
PHẦN I DUYÊN SINH KHỞI

Lời Ban Biên Tập
: Vụ biến động xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã Lâm Đồng trong những tháng vừa qua đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo trong và ngoài nước. Đến nay sự biến này đã dần trở thành một phần của lịch sử Phật Giáo Việt Nam đương thời. Do đó, chúng tôi đã thu thập mọi tin tức dữ kiện bao gồm phóng ảnh các văn kiện liên hệ đến sự vụ đã xảy ra, tập trung vào một hồ sơ lưu trữ trong thư viện, nhằm giúp cho những người trẻ và các nhà viết sử Phật Giáo về sau tìm hiểu vấn đề một cách dễ dàng hơn.

MỤC LỤC:

- Những điểm Thỉnh cầu và Đề nghị của phái đoàn Đạo Tràng Mai Thôn
 đến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - 5-5-2007
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời truyền hình Ý về vấn đề Tây Tạng 05-04-2008
- Nhận Định Về Giáo Lý Làng Mai, Trí Thông
- Giáo Phái Làng Mai "Pháp Môn Thiền Ôm"
 Sinh Hoạt Tâm Linh Tại Tu Viện Lộc Uyển (Đất Lành The Buddhist Review, số đầu năm 2001, tr 68 – tr 70
)

NHỮNG ĐIỂM THỈNH CẦU VÀ ĐỀ NGHỊ
CỦA PHÁI ĐOÀN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN ĐẾN CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

(Bản thỉnh cầu đã được Thầy Làng Mai đích thân trao cho ngài Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết trong dịp phái đoàn Làng Mai được thừa tiếp tại Phủ Chủ Tịch ngày 05.05.2007)

lathulangmai31-content1. Xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.

2. Xin cho các thân nhân của những người được chôn trong các nghĩa trang quân đội VNCH cũ được dễ dàng viếng thăm, cúng lễ và bốc mộ.

3. Xin chính phủ yểm trợ việc xây dựng tháp kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại TP HCM.

4. Xin cho những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được về nước thăm viếng, làm việc, đầu tư, giảng dạy, hoằng pháp mà không cần Visa.

5. Xin bắt đầu cho phép một số những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được có song tịch (quốc tịch đôi) để họ có dịp bày tỏ niềm trung thành của họ với tổ quốc và quê hương.

6. Xin đừng xem các thầy và các sư cô gốc Việt về nước để yểm trợ Phật giáo là những giáo sĩ ngoại quốc và xin cấp phát dễ dàng cho các vị ấy loại Visa làm việc tôn giáo nhiều lần trong 5 năm một cách dễ dàng mau chóng. Xin chính phủ cho phép các vị ấy chia sẻ sự tu học của mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài các cơ sở của giáo hội cũng như tại các cơ sở công cộng khác của đất nước mà không có sự phân biệt kỳ thị.

7. Xin có một chính sách đặc biệt đối với Phật giáo, bởi vì đạo Phật đã là nền móng dựng nước và giữ nước trong gần hai ngàn năm, và là yếu tố chính của nền văn hóa Việt Nam.

8. Để Phật giáo theo kịp đà hội nhập vào đời sống mới, chấm dứt tình trạng ủng trệ hiện nay và đóng góp tích cực phần mình vào công trình văn minh hóa nếp sống gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho phép Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét đặc thù của mình. Những hội đoàn này chỉ cần đăng ký hợp pháp là có thể hoạt động được ngay như ở bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới. Phật tử Việt Nam có quyền chọn lựa một hoặc nhiều hội đoàn thích hợp để có cơ hội đóng góp công phu và tài năng của mình. Những hội đoàn này có quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài (tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó có thể bao gồm: Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thỉ, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông, Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông, Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ, Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán, Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa, Gia Đình Phật Tử, Hội Sinh Viên Phật Tử, Hội Học Sinh Phật Tử, Hội các nhà Khoa Học Phật Tử, Hội các nhà Giáo Phật Tử, Hội Y Sĩ Phật Tử, Hội các nhà Văn Phật Tử, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v...

9. Xin cho Tăng Ni được phép hành đạo khắp nơi trên lãnh thổ quê hương (như Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên bố) không bị hạn chế bởi vấn đề hộ khẩu, có quyền dựng chùa viện bất cứ ở đâu không kể nơi đó có nền chùa cũ hay không – các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, v.v…

10. Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào. 

http://www.langmai.org/images/stories/lathulangmai/pdf/ltlm_31_final_phan_1.pdf
Lá thư Làng Mai số 31 - 04/02/2008 


THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH TRẢ LỜI 
TRUYỀN HÌNH Ý VỀ VẤN ĐỀ TÂY TẠNG

30-03-2008

- Quốc hội Âu châu nên mở phiên họp đặc biệt về Tây Tạng, và gửi 1 phái đoàn đa quốc gia đến Lhassa tìm hiểu sự kiện..;

- Các nước Tây phương nên can thiệp để đức Đạt Lai Lạt Ma cũng được về viếng thăm, thuyết pháp, giảng dạy và tổ chức những khóa tu như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được về Việt Nam giảng dạy và hoằng pháp..;

- Dân chúng Tây Tạng và Phật tử Trung Quốc cần được thấy nhân cách của đức Đạt Lai Lạt Ma, và dù chỉ giảng dạy Phật pháp và khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng mà không cần nói đến chính trị, ngài cũng đã có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho dân chúng và quê hương ngài rồi;

- Sẳn sàng theo đức Đạt Lại Lạt Ma cùng đi Tây Tạng để ủng hộ ngài và cũng sẽ cùng ngài dạy Phật pháp cho Phật tử Tây Tạng nếu được phép.

- Phật tử Tây Tạng đừng nên tuyệt vọng bởi vì Việt Nam ngày xưa tuy bị nội thuộc Trung quốc gần 1000 năm nhưng cuối cùng cũng đã dành được độc lập cho mình;

- Nhà nước Việt Nam nên cho phép ban tổ chức Ngày Lễ Phật đản Quốc tế mời đức Đatlai Latma về Việt Nam dự lễ Phật đản vào tháng Năm sắp tới. Điều này sẽ đem hạnh phúc thật nhiều cho Phật tử Việt Nam và cũng để chứng tỏ Việt Nam có lập trường về Tây Tạng rất khác với Trung quốc...

thienhanh-rome-01Đó là những đề nghị chính yếu của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Ý quốc vào sáng thứ Năm (20.03.2008) tại thành phố Roma.

[PSN/ROMA/30.03.2008] Khi tăng đoàn Làng Mai do thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu vừa đặt chân tới thành phố Roma (La Mã) trong chuyến hoằng pháp 14 ngày tại Ý quốc thì cuộc tuần hành trong ôn hòa của 600 nhà sư Tây Tạng nhân kỷ niệm 49 năm cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của Trung quốc đã diễn ra đến ngày thứ 8. Thủ phủ Lhassa đã bị xe tăng, thiết giáp và quân đội Trung quốc cắt đứt với thế giới bên ngoài; Đàn áp đẫm máu đã xảy ra, thi thể của hàng trăm nạn nhân mà đa số là thanh niên cũng như giới tu sĩ Phật giáo Tây Tạng nằm rải rác khắp đường phồ Lhassa. 

Trước tình cảnh đó, chỉ hai ngày sau khi yên vị, Tăng Đoàn đã tổ chức một cuộc thiền hành công cộng cho Hòa bình do Thiền Sư dẫn đầu với sự hưởng ứng của hơn 3000 cư dân của thành phố Roma, thủ phủ truyền thống Cơ Đốc La Mã trên thế giới. Cuộc thiền hành đã diễn ra vào lúc 10 giờ 30 phút, sáng ngày 20 tháng 3 năm 2008. 

Ba ngàn người cùng đi trong im lặng, mà mỗi bước chân là một niệm cho Hòa bình tự thân trên lộ trình nhiều cây số, đồng loạt và liên tục trong nhiều giờ trên thành phố đã làm ra không biết bao nhiêu là năng lượng yên bình. Tất cả năng lượng đó đã được chuyển tới tới Lhassa xoa dịu đau nhức, chia xẻ yêu thương, hiểu biết cho nạn nhân và cả tác nhân gây ra đau khổ trong những ngày qua. 

Ngay sau đó, đài truyền hình quốc gia Ý Đại Lợi đã có cuộc phỏng vấn về vấn đề nóng bỏng mà cả thế giới cùng quan tâm này. Nội dung cuộc phỏng vấn đã được chiếu lại trong các bản tin chính thức vào các buổi trưa (13:30) và tối (20:30) trong ngày 21.03.2008. 

Sau khi trả lời những câu hỏi có tính thời sự thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra hai đề nghị chính yếu : 

1. Quốc hội Âu châu nên mở một phiên họp đặc biệt về tình hình Tây Tạng và gửi một phái đoàn nhiều nước về Lhassa và các địa điểm đau nhức khác để thực tập lắng nghe những khổ đau của cả các phía và về báo cáo lại cho Tây phương.

2. Các nước Tây phương nên can thiệp để đức Đạt Lai Lạt Ma cũng được về viếng thăm, thuyết pháp, giảng dạy và tổ chức những khóa tu như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được về Việt Nam giảng dạy và hoằng pháp. Nếu thiền sư Thích Nhất Hạnh được về Việt Nam giảng dạy thì đức Đạt Lai Lạt Ma cũng phải được Trung quốc cho về giảng dạy. Dân chúng Tây Tạng và Phật tử Trung Quốc cần được thấy nhân cách của đức Đạt Lai Lạt Ma, và dù chỉ giảng dạy Phật pháp và khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng mà không cần nói đến chính trị, ngài cũng đã có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho dân chúng và quê hương ngài rồi. Nếu áp lực các nước Tây phương đủ mạnh như trong trường hợp thiền sư Thích Nhất Hạnh thì chuyện đức Đạt Lai Lạt Ma về nước cũng sẽ được xảy ra. 

Ngoài ra (trong buổi phỏng vấn), thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đề nghị nhà nước Việt Nam nên cho phép ban tổ chức Ngày Lễ Phật đản Quốc tế mời đức Đạt Lai Lạt Ma về Việt Nam dự lễ Phật đản vào tháng Năm sắp tới. Điều này sẽ đem hạnh phúc thật nhiều cho Phật tử Việt Nam và cũng để chứng tỏ Việt Nam có lập trường về Tây Tạng rất khác với Trung quốc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nhắn Phật tử Tây Tạng là đừng nên tuyệt vọng bởi vì Việt Nam ngày xưa tuy bị nội thuộc Trung quốc gần 1000 năm nhưng cuối cùng cũng đã dành được độc lập cho mình.

thienhanh-rome-03Được biết trong chuyến đi hoằng pháp này của tăng thân Làng Mai tại Ý đại lợi, một khóa tu có 890 thiền sinh Ý tham dự đã được tổ chức tại trung tâm Castelfusano ở thủ đô Rome, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ngày chót của Khóa Tu cũng có hàng trăm người xin quy y thọ trì năm giới. Sau đó phái đoàn đã đi Napoli, miền cực Nam nước Ý. 

Ngày 27.03. 2008, trong buổi họp báo tại tòa thị sảnh Napoli, thiền sư Thích Nhầt Hạnh đã lập lại những điều đã nói với đài I truyền hình Ý, nhưng Thiền Sư có thêm rằng Thiền Sư sẽ sẳn sàng theo Đức Đạt Lại Lạt Ma cùng đi Tây Tạng để ủng hộ ngài và cũng sẽ cùng ngài dạy Phật pháp cho Phật tử Tây Tạng nếu được phép. Nhật báo Il Manifesto, nhật báo El Corriere della Sera và nhật báo La Republica ngày 28.03.2008 đều dành riêng nửa trang thật to của nhật báo để đăng hình ông thầy tu Việt Nam với đề nghị khá độc đáo về Tây Tạng.

Ngày 28.03.2008 lúc 9 giờ 30 sáng, 500 người trẻ từ 16 đến 19 tuổi được giáo sư các trường mình đưa tới Rạp Xi Nê Modernissimo tại Napoli để được thiền sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh dạy cách làm chủ được những cảm xúc mạnh của mình như sợ hãi, giận dữ, tuyệt vọng… Các cháu và các giáo sư vô cùng hạnh phúc vì cách giảng dạy rất dễ nhớ và có thể thực hành được. Tất cả các cháu đều được quý thầy quý sư cô Làng Mai hướng dẫn tập hát bài Thở vào thở ra, Là Hoa Tươi Mát, Là Núi Vững Vàng bằng tiếng Ý.

thienhanh-rome-0514 giờ cùng ngày, tăng thân Làng Mai được các bạn đưa đi thăm thành phố Pompei. Thành phố này, cách đây 1000 năm, đã bị thạch hỏa của núi lửa Vesuvo phủ lên và làm cho nguyên thành phố biến thành than hồng rồi hóa thạch. Riêng sư cô Chân Không và một nhóm tăng thân Napoli đã đến Phòng khánh tiết của bảo tàng viện Pignatelli của Napoli lúc 17 giờ 30 chiều để hướng dẫn thiền lạy cho hơn 1000 người. Số người đến tham dự quá đông nên lúc 17 giờ ban tổ chức bị buộc phải từ chối dòng người cứ tiếp tục đổ tới không ngừng. Sau buổi thiền lạy, rất đông người tham dự đã đến xin bái tạ Sư cô vì pháp môn quá mầu nhiệm.

Sáng 29.03.2008, Thiền Sư đã thuyết pháp tại Rạp Hát lớn của thành phố với 1500 người đến nghe. Sau đó mọi người theo Thiền Sư ra công trường Plebiscita để cùng đi thiền hành đến tận công viên sát bờ biển. Tại đây mọi người đều quyến luyến không muốn rời Thiền Sư và tăng thân Làng Mai. Hơn hai ngàn người cùng đứng giữa công viên hát Thở vào thở ra, là hoa tươi mát, là núi vững vàng… để tiển đưa Sư Ông và Tăng Thân. Tình người ở Napoli rất đậm đà. Về đến đây tăng thân mới biết rằng bài hát Trở Về Mái Nhà Xưa, nhạc ngoại quốc lời Việt mà nhiều người Việt Nam rất thích vốn là từ bản nhạc Trở Về Suriento, Napoli, lời hát và nhạc gốc là tiếng Ý cũng đậm đà tình cảm như lời Việt
.
 (http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_4/13_TraloiphongvantruyenhinhY.htm)



NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁO LÝ LÀNG MAI
Trí Thông

CHÚ THÍCH CỦA BBT TVHS:

Bài viết của thầy Trí Thông đã được phổ biến hạn chế qua một số e-mails từ lâu. Nay do nhân duyên thích hợp nên ban biên tập TVHS chính thức phổ biến trên mạng. Ban biên tập sẵn sàng đón nhận các ý kiến phản hồi tích cực từ quý độc gỉa. Xin gửi về thuvienhoasen@yahoo.com chúng tôi sẽ post ngay dưới bài này. (01-11-2009)

Hiện nay nói đến thầy Nhất Hạnh, không ai mà không biết đến Thầy. Gần bốn mươi năm hành đạo ở nước ngoài, thầy Nhất Hạnh đã có những thành công và ảnh hưởng đáng kể về mặt đạo học cũng như xã hội học. 

Thầy Nhất Hạnh vừa là một vị đạo sư Phật giáo, vừa là một nhà văn, một nhà thơ rất có tiếng tăm. Thậm chí thầy Nhất Hạnh còn được tôn vinh là một nhà văn hóa lớn của thế giới hiện đại. Tuy xuất thân là tu sĩ Phật giáo nhưng là mẫu người có tư tưởng phóng khoáng, thầy Nhất Hạnh không chỉ ảnh hưởng tư tưởng của các triết gia hiện sinh Thiên Chúa Giáo như Garbriel Marcel, Merleau Ponty và nhất là Emmanuel Mounier mà còn ảnh hưởng tư tưởng của thiền sư Shunryu Suzuki thuộc thiền phái Nhật Bản. Cộng thêm một ít giáo lý của Phật giáo Nguyên Thủy, một ít giáo lý của thiền sư Tăng Hội thuộc tông phái thiền Việt Nam. Đồng thời để phát triển đạo Phật ở Tây phương, thầy Nhất Hạnh đã sử dụng những yếu tố văn hóa của họ và dựa vào nhu yếu của cái gọi là “Thực dụng”, rồi hình thành một hệ tư tưởng “Thiền” của Làng mai là “Hiện pháp lạc trú”.

Chính vì pha trộn nhiều tư tưởng, cho nên thoạt đầu giáo lý Làng mai cho ta cảm giác mới lạ, hấp dẫn. Nhưng càng đi sâu vào chi tiết mới phát hiện, thầy Nhất Hạnh phát triển đạo Phật theo khuynh hướng “Tâm lý học” hơn là đào sâu giá trị tâm linh của đạo Phật. Cho nên con đường Thiền của thầy Nhất Hạnh không sâu sắc, sự tu tập chỉ đạt đến mức “Chánh niệm tỉnh giác” rồi đứng lại đó. Nếu đạo Phật phát triển theo hướng này thì chắc chắn một điều “Trong tương lai, đạo phật mất dần giá trị chứng ngộ tâm linh đến tuyệt đối như thời Đức Phật”. Điều này cho thấy thầy Nhất Hạnh đã phát triển một đạo Phật xa dần cái gốc của nó. 

Không biết có phải vì tùy thuận theo nhu cầu cuộc sống thực dụng của người Tây phương, tức là làm việc gì cũng phải có hiệu quả trước mắt thì họ mới tin theo, còn như nói về cái được nào đó có vẻ mơ hồ xa xôi, hoặc thuộc về một thế giới mà họ chưa thấy chưa biết, khoa học chưa chứng minh nên họ không tin. Cho nên thầy Nhất Hạnh đã xây dựng một hệ thống giáo lý đạo Phật không căn bản, đó là:

1/ Không xiển dương giáo lý Nhân Quả Nghiệp Báo, trong khi chính nhờ Nhân Quả này mà đạo Phật thật sự đem đến cho con người đạo đức và sự tiến bộ.

Theo như năm phép thực tập “Chánh niệm” mà thầy Nhất Hạnh cho đó là con đường thoát duy nhất, có thể cung cấp những giáo lý; những phép thực tập có khả năng giúp cho mọi giới nhất là giới trẻ, giới trí thức tháo gỡ những khó khăn nội tâm; chuyển hóa được những phiền giận lo âu; những nghi kỵ, tuyệt vọng; tái lập lại được truyền thông với người thân và đóng góp được một cách tích cực vào việc xây dựng một nền đạo đức dân tộc có khả năng chuyển hóa những tiêu cực hiện có như nạn tham nhũng, nạn mại dâm, nạn ma túy, nạn đổ vỡ gia đình…mà thầy lại không thiết lập những điều đó trên nền tảng của Nhân quả thì giống như xây nhà không đặt mống. Bởi vì có tin Nhân quả, con người mới yêu quý đạo đức và đi tìm đạo đức, nhẫn chịu được nghịch cảnh một cách bình an và còn phấn đấu làm tất cả những việc lành, không mê tín, không làm các điều ác. Ai cũng thấy “Luật pháp” không thể kiềm giữ được thú tính trong mỗi con người mà chỉ có Nhân quả trong mỗi con người mới giúp họ sống đúng và tự giác mà thôi. 

Cho nên, nếu không có một luận thuyết về Luật Nhân Quả mà lại kêu gọi mọi người phải sống đạo đức thì cái đạo đức đó không có nền tảng. Do Không có một một giáo lý chuẩn nên người ta không thiết tha trong cái việc xây dựng đạo đức cho cuộc sống. Bởi vì đạo đức cuộc sống, nó đòi hỏi người ta phải thay đổi nội tâm mình để sống cho tốt.

Hiện nay, tuy khoa học chưa chứng minh được đường đi của Nhân quả nhưng đó là điều có thật. Nó là một nguyên lý tự nhiên rất công bằng và khách quan của vũ trụ mà Đức Phật là Người khám phá, có cái nhìn xuyên suốt, thấy rất rõ. 

Khi Đức Phật nói về Nhân quả là do Ngài đã chứng kiến rõ ràng trong thiền định. Tức là khi Ngài đắc đạo, Ngài nhập định trong thiền định liền thấy được vô lượng kiếp của mọi người và thấy rõ ràng mọi chuyện đã diễn ra theo Nhân quả. Với người gieo nhân như thế…sẽ có kết quả như thế! Nghĩa là nó luôn có một sự bù đắp rất công bằng trong vũ trụ này.

Cho nên, quan điểm Nhân Quả Nghiệp Báo luôn là yếu tố chủ đạo xuyên suốt, nhất quán trong hệ thống giáo lý của đạo Phật. Còn những vị Đạo sư đời nay, nếu bỏ qua, không dạy cho tín đồ tin hiểu vững vàng về Nhân Quả Nghiệp Báo thì chắc chắn mọi người sẽ hiểu sai đạo Phật, sẽ dễ rơi vào mê tín và sẽ không ứng dụng được đạo lý cho cuộc sống cũng như định hướng cho sự tu hành giải thoát của họ được tốt đẹp hơn. 

2/ Không tin các cõi Trời, không đề cập đến ba cõi sáu đường.

Hòa Thượng cho rằng: “Niết bàn, Thiên đường, sự sống bên kia cái chết” chỉ là sáng tạo phẩm của một nhận thức chủ quan, là những giả thiết siêu hình không thể kiểm soát. 

“Những từ Niết bàn, Hư vô, Tịch diệt, Bản ngã, Luân hồi…không có nghĩa nhất định. Có bao nhiêu định nghĩa về Niết bàn rồi. Và những cố gắng ấy là để làm nên một việc mà chính Đức Phật Thích Ca đã không làm nổi. 

Hỏi Niết bàn là gì? Ngài đã từ chối không trả lời”.

Đúng là cái bệnh tâm lý ngã mạn của người đời sau, luôn cho rằng mình nói đúng hơn ngay cả với Đức Phật. Với trí tuệ của một Đức Phật thì không điều gì trong vũ trụ này mà Ngài không lý giải được hết. Những lời dạy của Ngài luôn có giá trị vượt cả không gian và thời gian. Có điều do hành nghiệp căn cơ của chúng sinh quá thấp nên không thể hiểu nổi về cái thấy biết của một tâm chứng đến tuyệt đối mà ngôn ngữ không diễn tả được. Chỉ có người nào chứng rồi mới biết cho nên Đức Phật không nói là vậy.

Có câu chuyện về “Con Rùa Và Con Cá”, chuyện kể rằng:

Con Rùa có thể sống dưới nước và lên bờ cũng được, trong khi con Cá do nghiệp của nó chỉ sống dưới nước mà không lên bờ được. Cho nên khi nghe con Rùa nó kể chuyện trên bờ cho con cá nghe thì con Cá không thể nào tin, bởi vì nó không chứng kiến nên không tin. Nhưng thật ra có chuyện ở trên bờ chứ không phải không có. 

Cũng vậy, ở đây chúng ta không chứng kiến được cõi Trời nhưng không phải là không có. Hồi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã nói trong các kinh rằng “Có Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”, tức là có hằng hà sa số thế giới. Tuy nhiên vào thời đó, chưa ai tin hết vì người ta chỉ thấy phạm vi thế giới của mình thôi. Đến khi khoa học phát triển, họ đã tìm ra được các hành tinh khác. Mỗi vì sao là một thế giới. Rồi lên được cung trăng họ cũng phát hiện đó là một thế giới, nhưng các nhà khoa học nói đó là một trái đất chết không có người sống. Thật ra ở đó cũng có những sanh linh sống. Sở dĩ họ không thấy được vì cách nhau bởi biệt nghiệp.

Tương tự, Đức Phật có nói đến Lục đạo luân hồi tức là sáu con đường mà chúng sinh chết đi rồi sống lại và nó luân hồi qua lại mãi “Ta thấy tất cả chúng sinh luân hồi trong lục đạo, xây vần trong sáu đường này. Cũng như một người đứng trên lầu cao nhìn xuống dưới ngã tư đường, thấy người nào đi đường nào…đường nào”.

Tùy theo nghiệp lực đã gây tạo mà sau khi chết có người sinh về cõi Trời hay cõi người. Có người rơi vào ngạ quỷ, địa ngục hay súc sanh. Nói sáu đường mà sự thật ta chỉ thấy có hai đường là người và súc sanh. Bốn đường còn lại là Trời, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục thì không thấy. Ta không thấy do không chứng kiến được chứ không phải là không có, tại vì cái biệt nghiệp của mọi loài mọi chỗ mà sống thì cái nhìn nó khác nhau. Ví dụ cõi Trời sống không bằng hình tướng mà bằng tư tưởng. Cái tư tưởng đi qua đi lại không có hình tướng thì làm sao ta thấy được. 

Chính vì không tin có thế giới siêu hình nên thầy Nhất Hạnh chủ trương “Tôi không có ước ao cái cõi Niết bàn, Tịnh độ hay Thiên đường, tại vì Niết bàn là ở đây; Tịnh độ là ở đây; Thiên đường là ở đây”.

 “Trong tâm mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và hạnh phúc thì ba nẻo đường đen tối là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không thể xuất hiện. Những nẻo đường đen tối đó có thể phát hiện trong ta bất cứ lúc nào trong ngày nếu ta đánh mất niệm, định và tuệ”. Vì vậy không cần phải đi về tương lai mới có hạnh phúc, hay không cần phải chết mới đi vào Tịnh độ. 

Bởi vậy nhiều người nhận định, có lẽ thầy Nhất Hạnh do bị ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương và kiến thức tâm lý học của mình nên có lối giảng rất thực dụng. Thầy là một vị tu sĩ Phật giáo có sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp của Đức Thế Tôn lại không tin Niết Bàn tuyệt đối của Phật. Cho nên đã chủ trương đi tìm sự thảnh thơi an nhàn trong hiện tại. Điều này làm cho Đạo Phật bị biến dạng, thật đau lòng!!!

Đối với những vấn đề mà khoa học chưa chứng minh được như: 

- Giáo lý Nhân quả nghiệp báo, tình trạng tái sinh luân hồi mãi hay sự an lạc trong thiền định, các cõi Trời, cõi Địa ngục, Ngạ quỷ làm người trí thức hay nghi ngờ. Nhưng chúng ta là người đệ tử Phật phải có niềm tin và đức tin quả quyết về một sự thật là “Ngoài thế giới vật lý này còn tồn tại thế giới của siêu nhiên, có sự hiện hữu của chúng sinh trong đó”. Hơn nữa đó là những giáo lý quan trọng được Phật thân chứng và thấy rõ, có thế chúng ta mới tu được. 

Sự thật, địa ngục không phải là sản phẩm tưởng tượng của tâm để muốn có là có, muốn không là không, mà địa ngục là khách quan ngoài ý muốn của tâm. Tuy địa ngục thuộc về thế giới tâm linh, thế giới siêu hình nhưng lại có thật. Khi một người làm ác, họ không muốn vào địa ngục nhưng cứ bị một sức hút vô hình đẩy vào. Vì có địa ngục nên con người rất sợ tội lỗi và sống một đời hiền lương đạo đức.

3/ Việc dùng tâm lý để giải quyết đau khổ chỉ là tạm bợ, 
phải có yếu tố công đức mới là tận gốc.

Thầy Nhất Hạnh dạy rằng: “Mỗi khi có nổi buồn, cơn giận hay niềm tuyệt vọng, ta dùng phương pháp trị liệu là ôm ấp những cảm xúc đó một cách ưu ái và hết lòng thì năng lượng ưu ái đó sẽ làm cho cơn giận hay nổi buồn dịu lại”. Cách thực tập là hãy chấm dứt hết mọi ưu tư, chỉ bám sát vào hơi thở ra hơi thở vào.

Chúng ta thấy với cách thức đó, nếu có tìm được sự an lạc thì cũng chỉ là một chút yên ắng tạm thời thôi. Nếu không có phước, những cái bung xung tâm lý vẫn tiếp tục trổi dậy. Rồi ta lại tiếp tục đè nén và cứ thế thì tâm càng mệt mỏi. Lúc này tâm không còn yên nữa mà trở nên rất vọng động.

Muốn trị tận gốc ta phải biết nguyên nhân của đau khổ là do đâu ?

- Có thể do thiếu đạo đức, do không có lý tưởng giải thoát, do nghiệp quá khứ. 

Thường thiếu đạo đức là do nhân vị kỷ nên cái quả là đau khổ. Ngược lại với cái nhân vị tha thì cái quả là an vui, đó là sự hổ tương trên nhân quả. Vì vậy để giải quyết cái khổ một cách rốt ráo, chúng ta nên theo lời Phật dạy là hướng về mục tiêu vô ngã sẽ tránh được lỗi lầm hơn. Ngay cả khi đạt được cái tâm thanh tịnh sáng suốt vẫn phải tự nhắc mình bản ngã chưa hết, lỗi lầm chưa sạch để đừng chủ quan tự mãn. 

Mặt khác phải làm nhiều việc phước song song với việc tu tập thiền định. Chính việc làm lợi ích cho mọi người sẽ có cái phước tác động trở lại làm tâm được yên một cách tự nhiên chứ không phải do tu tập. Đó là vì phước và nhân quả luôn đi đôi, phối hợp nhịp nhàng với nhau không sơ hở. Cho nên muốn đi tìm sự định tâm mà phước ít quá sẽ không nhiếp tâm được. Đừng tưởng chỉ thực hành phương pháp nhiếp tâm là nhiếp được. Bên ngoài thấy cũng ngồi yên đó nhưng bên trong vọng tưởng vây kín. Cho nên sự tu hành của mỗi người chỉ tự mình biết. Quan trọng là phải thành thật với chính mình thì công phu tu hành mới tiến.

Một vài điều kiện quan trọng để hóa giải đau khổ là phải tinh tấn lễ Phật, tinh tấn tu tập thiền định để nhiếp tâm cho được. Bởi vì khi tâm ta thanh tịnh thì những mục tiêu thế gian không lừa gạt được mình. Ta vẫn sống giữa cuộc đời đầy bất trắc nhưng không đau khổ. Trong đời sống ta thấy được lỗi lầm của mình trong từng điểm nhỏ. Ngoài ra còn thương yêu giúp đỡ người khác được. Chính cái tâm vị tha làm mình quên đi thực tại rằng mình đang có đau khổ, vì niềm vui có được trong những việc làm giúp người khác đã phủ kín hết tâm mình. Cho nên vừa tu tập, vừa làm phước, vừa tu dưỡng đạo đức. Đó là những cái nhân tác thành công đức để giải quyết tận gốc của đau khổ, chứ không phải đi tìm một nội tâm an lạc cho chính mình là hết đau khổ. Cái gì đi tìm cho chính mình là dấu hiệu của cái tâm còn ích kỷ. Mà ích kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Vì vậy chúng ta phải có trí tuệ thoát ra khỏi chính mình để hướng về mục tiêu vô ngã thì hạnh phúc là chắc thật. 

4/ Cách dụng công thiền quán thường sử dụng tưởng tượng 
làm mệt đầu óc và tăng thêm ảo tưởng kiêu mạn.

Trong năm bài thực tập “Chánh niệm” từ thấp đến cao, ta thấy bài nào trong cách dụng công cũng có tưởng tượng. Bài tập càng cao thì tưởng tượng càng nhiều. Ví dụ bài tập thứ tư:

1. Thở vào, tôi biết tôi thở vào
 Thở ra, tôi biết tôi thở ra

2.Thở vào, tôi thấy tôi là bông hoa
 Thở ra, tôi cảm thấy tươi mát

 …………………………………

5. Thở vào, tôi trở nên không gian mênh mông
 Thở ra, tôi cảm thấy tự do thênh thang

Hoặc bài thứ năm:

1. Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi
 Thở ra, tôi cười với em bé năm tuổi là tôi

………………………………………………..

6. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là mẹ tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích.
 Thở ra, tôi cười với em bé là mẹ tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương.

Qua những câu quán tưởng như thế, ta thấy phương pháp thực tập nó không đúng thật như bài kinh “Tứ Niệm Xư” Phật đã dạy. Mà nó vừa lai lai một chút ở bài kinh này, vừa lai lai ở khía cạnh tâm lý, tức là thiết lập lại truyền thông giữa bản thân và cha mẹ. 

Đức Phật dạy: “Hơi thở vô dài, tôi biết hơi thở vô dài
 Hơi thở vô ngắn, tôi biết hơi thở vô ngắn”.

Tức là hơi thở như thế nào, ta biết như thế đó. Không có tưởng tượng nó như thế này, như thế kia khi thở vào hay thở ra. Cái việc tưởng tượng cho tâm mình phủ trùm “Tôi cảm thấy tôi trở nên không gian mênh mông”. Chính cái tâm tưởng tượng đó là một loại tâm loạn, làm mệt trí não.

Ở đây chúng ta không đi tìm cái phủ trùm đó vì nó là một sự tưởng tượng và sự tăng trưởng của bản ngã.

Tu thiền là đi tìm cái không thời gian, không có đối tượng phải suy nghĩ. Từng phút thấy cái hiện tại nó tan vỡ, không có. Đó là lúc tâm ta thanh tịnh không còn thời gian nữa. Còn việc tâm nó phủ trùm, đó là điều tự nhiên nó phải như vậy, không tưởng tượng. Nếu khởi động cái tâm để tưởng tượng thì ngay lúc đó là sai lầm. Chúng ta tu như thế lâu ngày sẽ tẩu hỏa.

Yếu chỉ của Làng mai trong việc thực tập thiền chánh niệm là nhiếp tâm vào hơi thở, mĩm cười làm cho thân tâm an lạc, vững chải thảnh thơi. Và ngay đó cho rằng mình đã về đã tới, không còn mục đích nào tiến tới nữa. 

Thiền” lúc đầu là vô niệm. Sau sẽ đi dần đến vô ngã. Đó là mục tiêu cuối.

Đừng tưởng tâm được thanh tịnh, thấy mình thảnh thơi vững chải, có trí tuệ rồi cho rằng trạng thái đó là viên mãn nên ca ngợi đề cao, cho rằng “ Chỉ có pháp môn thực tập của tông phái mình là có khả năng giúp hành giả nhiếp được tâm”. Nghĩ như thế thì mặt dù tâm đang thanh tịnh đó nhưng vẫn đang tự cao. Một khi có tự cao, rồi cộng thêm tưởng tượng thì coi chừng nếu không có phước sâu dầy trong quá khứ, người đó sẽ trở nên điên loạn

Cho nên tâm tự hào là một trở ngại rất nguy hiểm đối với người tu. Ví dụ hôm nay ta ngồi thiền được an lạc, thảnh thơi, vững chải. Nhưng nếu ta khởi tâm nghĩ “À! Mình hay thật, mình tu có tiến bộ” thì qua ngày hôm sau trạng thái yên ắng sẽ không còn nữa. Đó là do cái tâm tự hào nó phá tan hết công đức, làm lui sụt lại công phu tu hành của mình.

Tóm lại, lối tu thiền của Làng mai không đủ sức có được chánh niệm tỉnh giác mà chỉ là tâm tư duy thôi.

5/ Trong giáo lý Làng Mai, chữ “Thiền” bị lạm dụng.

Lạm dụng đến nổi bất kỳ sự vật, sự việc nào, chỉ cần gán thêm phía sau chữ “Thiền” một từ nào đó là ta có ngay một cái tên gọi rất kêu. Ví dụ: Hòa thượng bình thường cũng gọi là Thiền sư. Lễ lạy gọi là Thiền lạy. Nằm gọi là Thiền buông thư. Đi gọi là Thiền đi. Ngồi gọi là Thiền ngồi. Ngoài ra còn có Thiền thở, Thiền làm việc, Thiền sỏi, Thiền trà, v.v…Toàn là những danh từ hơi lạ so với tự điển Phật học.

6/ Đánh giá Đức Phật như một triết gia dễ thương, chứ không có gì cao siêu.

Trong quyển Thiết Lập Tịnh Độ, trang 59 của Thầy Nhất Hạnh. Có đoạn viết:

“…Tuy Bụt Thích Ca không nói rõ nhưng chúng ta biết rõ Bụt A Di Đà là một người có khả năng rất lớn trong việc xây dựng tăng thân. Nếu Bụt A Di Đà không dễ thương thì đâu có ai muốn đến cõi đó để cộng tác và sống chung với Ngài. Vì Đức A Di Đà dễ thương quá chừng, cho nên hầu hết tất cả những người dễ thương đều quy tụ về bên đó”.

Đọc trích đoạn trên, ta có cảm giác Thầy Nhất Hạnh tán thán công hạnh của Phật A Di Đà, nhưng thông qua đó là ngầm ca ngợi mình đã có công thiết lập được nhiều Tăng thân trên khắp thế giới. Đồng thời Làng mai là một cõi Tịnh Độ thiết thực bây giờ và ở đây. Cho nên phương pháp “Mỗi bước chân đi vào tịnh độ” là quà tặng quý nhất của Làng mai đối với những ai muốn thực tập. Riêng thầy Nhất Hạnh là người dễ thương nhất nên Thiền sinh khắp nơi quy tụ về Làng mai, cùng tu tập để tận hưởng từng bước chân an lạc đang dẫm lên mảnh đất Tịnh độ ở trời Tây. 

Thầy Nhất Hạnh hiểu Đức Phật chỉ là người tỉnh thức không cao siêu lắm. Điều đó đã hạ thấp giá trị chứng ngộ của Đức Phật xuống mức ngang bằng một triết gia. Tức là cho rằng Đức Phật ngồi suy nghĩ dưới cội bồ đề mà chứng đạo. Thấy như vậy tức là thầy Nhất Hạnh không hiểu ý nghĩa lớn lao của sự “Giác ngộ”. 

* Để chứng đạo, một người đệ tử Phật phải thành tựu khả năng nhập xuất tự tại bốn mức định là từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền”. 

Do mục tiêu tu tập của Làng mai là đứng lại ở chỗ tư duy, cho nên hiểu sai về Đức Phật như thế là làm cho đạo Phật chóng suy tàn.

Sự thật nhân quả của việc thành Phật rất phức tạp. Phải có chánh nhân là kiếp nào đó đã từng cung kính thiết tha một vị Phật. Tôn kính đến mức có thể hy sinh cả mạng sống vì Phật. Nhờ cái tâm tôn kính như vậy mà chúng sinh đó trở nên khát khao thành Phật. Rồi trải qua nhiều kiếp tinh cần, chúng sinh đó phải tu tập theo đúng Bát Chánh Đạo, làm được vô số công đức, thành tựu các mức thiền định phi thường, diệt trừ hoàn toàn chấp ngã, thoát ra khỏi tâm thức riêng của mình để trở thành toàn thể vạn hữu. Đó là như thế.

7/ Xem Phật và Chúa giống nhau.

Thầy Nhất Hạnh chủ trương chính Sách vượt thoát khỏi khuôn khổ tôn giáo của đạo Phật để có thể hòa đồng các tôn giáo khác với nhau. 

Bởi vậy các thầy và các sư cô đạo tràng Mai Thôn cũng học Phúc Âm. Đồng thời cũng đã từng đi tham dự những sinh hoạt tu tập và trao đổi ở các Tu viện Cơ Đốc Giáo tại Pháp, Hoa Kỳ, Au Châu.

Vào năm 1995, thầy Nhất Hạnh có viết quyển sách “ Living Buddha, Living Christ”. Dịch sang tiếng Việt có tựa đề là “Bụt trong ta, Chúa trong ta”. Với nội dung có sự so sánh giữa Bụt và Chúa rất giống nhau. Đó là quan điểm riêng của thầy Nhất Hạnh. Kỳ thực xét về mọi phương diện Chúa làm sao bằng Phật được. Thầy Nhất Hạnh nói như thế khiến cho tín đồ Phật giáo mất cảnh giác về âm mưu bành trướng của kitô. Nghĩa là người Phật tử lập gia đình thoải mái theo Chúa mà bỏ đạo nhà. 

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tự tôn, kỳ thị, phân biệt mà là một sự bảo vệ đạo Phật. Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng John Paul II đã từ chối đề nghị một hình thức hỗn hợp hay thống nhất giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Ngài nói rằng: 

"Thật khó để có chuyện hợp nhất giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Nếu bạn muốn có mối quan hệ mật thiết hơn, thông hiểu nhau hơn, điều đó đang diễn ra trong các tôn giáo. Ông lưu ý: Với những cá nhân hành đạo, việc có một chân lý, một lý tưởng là rất quan trọng. Có nhiều chân lý, nhiều lý tưởng là mâu thuẫn nhau. 

Ông tiếp: tôi là Phật tử, do đó Phật giáo đối với tôi là chân lý duy nhất, tín ngưỡng duy nhất. Đối với người bạn Hồi giáo thì đạo Hồi là chân lý, là tín ngưỡng duy nhất. Trong lúc ấy tôi vẫn tôn trọng và ngưỡng mộ những người bạn Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Và nếu hợp nhất theo nghĩa trộn lẫn vào nhau thì không thể được và cũng vô ích”. ( Nguồn tin Zenet News Agency )

8/ Thầy Nhất Hạnh tuyên bố Phật Di Lạc đã Đản Sanh 
với hình thức một Tăng đoàn, một Tăng thân hay một cộng đồng.

Trong một bài giảng với tựa đề ĐỨC PHẬT CỦA THẾ KỶ XXI, tại chùa Hoằng Pháp. Thầy Nhất Hạnh nói rằng: “Đức Phật Di Lạc đã đản sanh. Năm nay Ngài được năm hay sáu tuổi. Lần này Đức Phật được sinh ra không phải là hình thức một cá nhân mà là hình thức một tập thể, một cộng đồng, một tăng đoàn, một tăng thân”…

Đây là điều kỳ lạ mà hội chúng mới được nghe. Nhưng khi hiểu rõ đường lối của Làng mai thì thấy ẩn ý của câu nói đó muốn ám chỉ “Tăng thân” của Làng Mai là hiện thân của Phật Di Lạc

Trong những thập niên qua, thầy Nhất Hạnh dành rất nhiều công phu để xây dựng một tăng đoàn xuất gia, có khả năng gây được niềm tin cho giới trí thức và người trẻ tuổi. Cho nên trong mỗi khóa tu thầy Nhất Hạnh tổ chức nơi nào là đều có sự góp mặt của tăng đoàn. Tăng đoàn này có khả năng giảng dạy, hướng dẫn tu học cho mọi người. Đây là một đòn tâm lý chứng tỏ cho quần chúng thấy giáo lý làng Mai có thể đáp ứng được nhu yếu của mọi thành phần trong thời đại mới. Chứ còn nếu thầy Nhất Hạnh một thân độc mã đi đến các Nước thuyết giảng thì cho dù thầy có nói cao siêu cách mấy cũng không đủ gây niềm tin tưởng cho tứ chúng tại các nước ấy. 

Tuy nhiên nói như thế là thầy Nhất Hạnh dám bẻ cong lời Phật và gây nên một tà kiến trong đạo Phật.

9/ Vì không tôn trọng Phật nên thầy Nhất Hạnh 
đã tuyên bố mình đang có hóa thân giáo hóa khắp thế giới.

Khi mà tôi nghĩ những tác phẩm của tôi in ra hằng 40 – 50 thứ tiếng, nó đi khắp thế gian, nó đi vào các tu viện của người Công giáo, vào trong nhà tù, vào trong những ngõ ngách…Giúp cho người ta tiếp xúc được với chánh pháp của Đức Thế Tôn. Tôi thấy rằng tôi là những cuốn sách đó, tôi đang hành đạo ở khắp nơi, tôi có hóa thân khắp nơi. Còn cái quý vị đang nhìn thấy đây không phải là tôi đâu, nó chỉ là một mặt nhỏ xíu. Và tôi có những người bạn, có những người đệ tử tiếp nối tôi trên khắp thế giới, và đó là những hóa thân của tôi, đó là những sự tiếp nối của tôi. Khi hình hài này tan hoại, quý vị đừng nghĩ tôi chết, không đâu. Bản chất của tôi cũng giống như bản chất của đám mây, nó là vô sanh, bất diệt. Mà bản chất của quý vị tương tức cũng vậy là vô sanh là bất diệt”. 

Thường chỉ có những vị đắc đạo mới tuyên bố có Pháp thân, Báo thân, Hóa thân. Thầy Nhất Hạnh tự cho mình có hóa thân như thế là chứng tỏ mình bằng Phật. Đành rằng thầy Nhất Hạnh là một vị Tu sĩ có tài, có lý tưởng, có bản lãnh, có công phát triển đạo Phật ở Tây phương. Nhưng nếu thầy Nhất Hạnh đừng tự nói những cái hay của mình, đừng xác quyết mình như Phật thì cái lòng tôn kính của mọi người đối với thầy Nhất Hạnh thật là vô hạn.

Thiền Sư Zen Zetsu (Nhật) căn dặn đệ tử: “Đừng nói cho người chung quanh biết về con trước khi họ tự khám phá ra con”.

Người chân chính không bao giờ nói ra cái hay của mình, nhưng tự họ trong đời sống có những hành vi tốt đẹp toát ra. Điều này khiến người khác cảm nhận được và họ tin chắc đây là một bậc Thánh nhân. 

Ở các đạo khác, họ xây dựng lòng tôn kính đối với giáo chủ rất mạnh. Ví dụ đạo Hồi. Bởi vậy đạo của họ vững vàng và phát triển mạnh là vậy. Chỉ có đạo Phật rất lạ là có tư tưởng xem nhẹ lòng tôn kính đối với vị giáo chủ của mình. Cho nên đôi lúc có những vị Thiền sư chứng ngộ, thích bày tỏ sự cao siêu của mình để cạnh tranh ngang hàng với Phật. 

10/ Truyền đăng

Vào thời Đức Phật, kết quả tu tập của các vị đệ tử do chính Đức Phật xác nhận là họ đang ở vị trí nào theo tiêu chuẩn của bốn mức Thiền và bốn Thánh vị. Cho nên việc truyền tâm ấn có nghĩa là thầy công nhận đệ tử đắc đạo giống mình.

Ngày nay quý thầy, quý sư cô và cư sĩ Làng Mai, trước khi tấn phong làm giáo thọ cũng được làm lễ truyền đăng nhưng là một hình thức tâm lý để giữ chân họ chứ không còn giá trị tâm linh nữa. Và trong khi thọ lãnh đó mỗi vị được tặng bài kệ giống như một sự công nhận, ví dụ:

TT Thích Phước Tịnh:

Phước duyên lòng đất nở hoa
Bước trong cõi tịnh, ngồi tòa chân như
Cánh đồng sao mọc vô dư
Đỉnh xuân hằng hữu bây giờ trăng lên.

Chị Châu Hương Sơn:

Vầng trăng trên biển bạc
Đã về ngự Hương Sơn
Sóng không sinh chẳng diệt
Mưa biển lại về nguồn.

11/ Thầy Nhất Hạnh kêu gọi hòa hợp, bắt tay với tất cả.

Nếu các nước liên hiệp Châu Au có những yếu tố triết học, thần học và văn hóa chung làm nền tảng cho sự thực hiện cộng đồng thì các nước Đông Nam Á chúng ta cũng có những yếu tố như thế để làm mẫu số chung. Đó là đạo Bụt, đạo Khổng, Đạo Lão, tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên, lý tưởng đại đồng, quan điểm tam tài, ý hướng yêu chuộng hòa hợp với thiên nhiên và nhất là sự yêu chuộng sự thảnh thơi nhàn du.

Ai cũng thấy rõ ràng trong thời đại này, không ai còn có thể bế quan tỏa cảng, không ai còn có thể đứng một mình như một hải đảo nữa. Ta không thể nào cô lập trong cô lập. Ta chỉ có thể đứng thế liên lập mà thôi (Tuổi trẻ – Tình yêu – Lý tưởng).

Lời nói như thế là nhen nhúm kêu gọi đa nguyên đa đảng chứ không phải đạo lý. Bởi vì thầy Nhất Hạnh cho rằng: “Nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn. Nhiều thành phần chính kiến tôn giáo, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương vẫn hơn một đảng phái độc quyền, bao cấp quản ly”. 

Còn đạo lý là ta thương yêu mọi người nhưng phải dẫn dắt mọi người về với Phật pháp, không phải tạo điều kiện cho kẻ xấu phát triển. Người có bản lãnh là không chìu theo cái sai của thế gian. Đôi lúc phải chấp nhận đụng chạm để thay đổi một quan điểm sai nhằm đưa đến lợi ích sau này. Có như thế lẽ phải chân lý mới được bày tỏ.

12/ Thầy Nhất Hạnh có bổn phận giải thích thật hay 
những điều sư cô Chân Không đề ra có vẻ kỳ lạ.

Ví dụ: - Sư cô Chân Không, không cho thầy Nhất Hạnh giữ điện thoại, email, tiền bạc thì thầy phải nói đó là do “Thầy tự tại không vướng mắc”.

- Sư cô Chân Không, không cho thầy Nhất Hạnh tiếp khách thì thầy phải nói là “Thầy được sư cô bảo hộ chu đáo”.

- Sư cô Chân Không hạn chế tất cả quyền lợi của tăng ni thì thầy Nhất Hạnh giải thích là “Tuy không có địa chỉ hay điện thoại riêng nhưng quý thầy cô ở làng Mai chấp nhận một cách hoan hỷ. Tại vì đó không phải là giới hạn tự do mà là một phương pháp thực tập uy nghi để bảo hộ tự do”.

- Ngoài ra sư cô Chân Không còn quyết định mọi kế hoạch, nhân sự và kể cả đưa ra giáo lý cho thầy Nhất Hạnh giảng dạy.

Qua những điều như vậy cho thấy sư cô Chân Không là người rất nguy hiểm, tuy là người đứng phía sau nhưng luôn chỉ đạo cho thầy Nhất Hạnh trong mọi vấn đề.

Kết luận: 

Nhìn những điểm phân tích trên, ta thấy:

- Thầy Nhất Hạnh phát triển đạo Phật nhưng bỏ mất cái gốc.
- Không yêu quý tôn trọng cái gốc từ Đức phật đã dựng lập vì có ý tự cho mình không thua kém Phật.
- Không tin có Niết bàn tuyệt đối của Phật cũng như không tin có thế giới siêu hình.
- Có khuynh hướng hòa đồng các tôn giáo là làm loãng đạo lý của Phật trộn lẫn giữa đúng và sai. 
- Thầy Nhất Hạnh đưa “Tâm lý học” Tây phương vào trong cách giảng dạy nên đã lái đạo Phật sang hướng thực dụng hơn là chứng đạt chiều sâu tâm linh.
- Trong cách dụng công tu “Thiền” hay tưởng tượng.
- Có những ý đồ thầm kín khó hiểu.
- Lệ thuộc quá nhiều vào sư cô Chân Không.

Mong các vị Tăng Ni và phật tử phải cảnh giác đừng bị những lời hoa mỹ lôi kéo, dẫn dụ đi sai đường.

Tháng 6/ 2005
Trí Thông

Cần xem “giáo lý làng mai” để đối chiếu.
http://www.thuvienhoasen.org/index-tacgia-nhathanh.htm

 



GIÁO PHÁI LÀNG MAI
“PHÁP MÔN THIỀN ÔM”

Đất Lành The Buddhist Review, số đầu năm 2001, tr 68 – tr 70

Ngày31 tháng 10, 2009 

Trong hai tháng cuối năm 2000, ngoài những ngày tu tập Thiền quán thường xuyên hàng tuần mỗi thứ năm và chủ nhật, Tu viện Lộc Uyển đã tổ chức bốn sinh hoạt đặc biệt như sau:

Ngày 19 tháng 11 năm 2000, từ 9 am đến 3 pm. Lễ khai mạc khóa An Cư Kiết Đông 3 tháng dành cho Tu sĩ và Cư sĩ (xin xem bài tường thuật chi tiết trong số báo này)

Ngày 16 tháng 12 năm 2000, từ 10 am đến 3 pm: Ngày tuổi trẻ

- Các em từ 5 đến 13 tuổi được qúy Sư cô Hà Nghiêm, Bích Nghiêm và Thầy Pháp Sơn hướng dẫn các trò chơi và tập làm quen với thiên nhiên Lộc Uyển. 

- Các em từ 14 đến 28 tuổi được vào Thiền đường nghe pháp đàm dưới sự hướng dẫn của Sư cô Trung Nghiêm, và quý Thầy Pháp Dụng, Pháp Dung.

- Đến trưa, tất cả tham dự viên được hướng dẫn ăn cơm trong chánh niệm. Phụ huynh các em cũng cùng được tham dự ngày sinh hoạt

- Đối với các em, đó là một ngày hạnh phúc khó quên và nếu được phổ biến rộng rãi, chương trình dành cho tuổi trẻ sẽ được hưởng ứng nhiều hơn trong tương lai.

- Đặc biệt có khoảng 7, 8 em thuộc gia đình gốc Mễ ở vùng Vista đến tham dự và rất hanh phúc khi được chuyện trò với Thầy Pháp Sơn băng ngôn ngữ các em.

Ngày 24 tháng 12 năm 2000 từ 8 am đến 11 pm: Lễ mừng Giáng Sinh

- Vào lúc 8 giờ sáng tại Thiền đường Trăng Đầu Non, Tu viện Lộc Uyển, đại chúng tham dự được nghe pháp thoại của Sư Ông Nhất Hạnh từ Làng Mai, Pháp Quốc, chuyển qua hệ thống điện thoại viễn liên

- Tiếp đó là thiền hành đi từ xóm Vững Chãi về khu Rừng Sồivà trở về dùng cơm tư do ngoài trời (picnic lunch) 

- Buổi trưa nghỉ ngơi để chuẩn bị chương trình văn nghệ và buổi cơm tối. Đăc biệt bữa cơm tối đêm lễ Giáng Sinh, các món ăn được xem là rất thịnh soạn và được dọn sẵn từng bàn 10 người sắp trên chiếu trải trên sân gạch của Trai Đường (đại chúng không phải sắp hàng thường lệ). Lại còn cả bánh Giáng Sinh làm theo hình cây thông (buche Noel) và một chiếc bánh lớn hình chữ nhật có chữ Merry Christmas rất đẹp. Những chiếc bánh này đều do những bàn tay khéo léo của các Sư cô tạo nên. Sau khi tuyên đọc “5 điều quán niệm”, bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Mễ, và tiếng Việt, đại chúng giữ chánh niệm trong lúc dùng cơm tối dưới ánh sáng ấm cúng của những cây đèn cầy (light candle) sắp xếp rất đẹp mắt ở mỗi bàn ăn. Có khoảng 100 thiền sinh tham dự buổi lễ trong không khí thân thương an lạc.

- Chương trình văn nghệ gồm nhiều bài hát, một vỡ kịch mừng Giáng Sinh do quý Thầy và quý Sư cô Thường Nghiêm, Hà Nghiêm, Quang Nghiêm, Trung Nghiêm, Thắng Nghiêm và thiền sinh Mỹ-Việt đồng trình diễn xuất sắc. Hai cháu Hoàng Ánh và Chân TămFee Le) song ca bài The Twelve Days of Christmas thật dễ thương. Các Sư cô còn hướng dẫn đại chúng cùng vui trong nhịp vũ tập thể.

- Tiếp đó, Thầy Pháp Dụng nói về ý nghĩa chương trình Thiền Nến (candle light proceccion) đại chúng sắp thực tập như là một phần sinh hoạt trong ngày cuối năm. Thiền nến thắp sáng chánh niệm trong mỗi cá nhân để bước vào một năm mới sung mãn hơn và tinh tiến hơn trong việc tu tập giác ngộ.

- Đại chúng đi trong im lặng từ Trai Phòng lên xóm Vững Chãi (Solidity Hamler) và tập trung giữ sân đồi khuynh diệp. Trong ánh sáng lung linh của những cây nến, đại chúng thiền hành chung quanh đồi và tập trung ở giữa cùng đồng ca bản nhạc Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng), lời Pháp, lời Anh, và lời Việt.

Vũ trụ và lòng người trong giờ phút mầu nhiệm đó như được hòa nhập làm một để nuôi dưỡng chánh niệm trong từng bước chân, trong từng hơi thở, trong mỗi con người và mọi người.

Buổi lễ chấm dứt lúc 10 giờ 30 trong hạnh phúc.

Ngày 31 tháng 12 năm 2000, từ 8 am đến 1 am: Mừng Tết Dương Lịch 2001. 

Từ 8 giờ sáng chủ nhật 31.12.2000, khoảng 100 thiền sinh Mỹ và Việt đã có mặt tại Thiền đường Trăng Đầu Non để nghe bài pháp thoại đầu năm của Sư ông Nhất Hạnh từ Làng Mai Pháp quốc, chuyển qua hệ thống điện thoại viễn liên.

Đến 10 giờ, Sư cô Bích Nghiêm hướng dẫn thiền định thực tập thiền hành và cùng đại chúng đi thiền hành từ xóm Vững Chãi đến Pháp đường Rừng Sồi, nơi cách đây 4 tháng đại chúng đã được nghe bài pháp thoại với đề tài Giòng Sinh Mệnh của Sư ông Nhất Hanh trong thời gian khóa tu Thiền quán năm 2000 tổ chức tại Đại Học UCSD.

Vào buổi trưa, đại chúng được dùng một bữa cơm tự do ngoài trời (picnic lunch) và sau đó nghỉ ngơi để chuẩn bị bữa cơm tối.

Bữa cơm tối cuối năm được tăng đoàn tổ chức rất công phu, đặc biệt với món soup do Thầy Pháp Dung nấu, món cơm chiên do Sư cô Thắng Nghiêm thực hiện. Đại chúng sắp hàng lấy thức ăn rồi mang đến ngồi ăn chung từng nhóm người trên những tọa cụ xếp sẵn thành vòng tròn dưới ánh sáng lung linh của các cây nến trang trí rất mỹ thuật.

Một không gian thanh tịnh, trang nghiêm, đầy thiền vị, đại chúng dùng bữa trong chánh niệm, nhìn nhau miệng nở những nụ cười.

Tiếp theo, Sư cô Trung Chính và Sư cô Từ Nghiêm hướng dẫn Thiền Buông Thư, đại chúng được 45 phút thoải mái với đó đây những tiếng ngáy nhẹ nhàng đều đặn của các thiền sinh dễ ngủ.

Đề mục “Thiền 5 lạy” cũng được hai Sư cô Trung Chính và Từ Nghiêm hướng dẫn tiếp nối chương trình. Mỗi một cái lạy đều được đọc và giải thích tường tận bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đại chúng vô cùng xúc động khi được tiếp xúc sâu sắc với Tâm Từ Bi rộng lớn của Đạo Phật qua cái lạy thứ năm đưa năng lượng chánh niệm của lòng bi mẫn đến cả những người làm mình khổ đau.

Bây giờ cũng đã hơn 10 giờ, quý Thầy Pháp Dung và Pháp Sơn hướng dẫn đại chúng thiền hành lên đồi Yên Tử, nơi được dự trù sẽ thực hiện một tháp chuông có hình dáng kiến trúc Chùa Thiên Trù ở Việt Nam

Dọc trên đường thiền hành từ xóm Vững Chãi lên đỉnh đồi, vừa được máy ủi cán lại bằng phẳng, một hàng đèn chiếu sáng đã được Thầy Pháp Khâm thiết trí rất mỹ thuật, soi sáng đường đi trong đêm đông cuối năm dưới ánh trăng thượng tuần. Một tấm biển lớn với hai hàng đèn sắp chữ Happy 2001 cũng được Thầy thiết trí theo bờ đá dựng, làm tăng cảnh hùng vĩ của núi đồi Đại Ấn Sơn.

Khi tất cả các thiền sinh lên đến đỉnh đồi1, dàn củi dựng sẵn từ chiều được thắp lên, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ trong tiếng đồng ca của đại chúng: Đã về đã tới, bây giờ ở đây, vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa...I have arrived, I am home, In the here, and in the now, I am solid, I am free...Đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây, Mỉm cười chánh niệm, an trú hôm nay. Bụt là lá chin, Pháp là mây bay, Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi nầy....No coming, no going, No after, no before. I hold you close to me. I release you to be so free. Because I am in you and you are in me...

Tiếng sáo quen thuộc của một nữ thiền sinh Mỹ đế từ Santa Barbara lay động không gian tĩnh lặng đưa mọi người tận hưởng cái huyền diệu vô cùng của Đất Trời, và tình thần ái của một tăng thân cùng chung Niềm Tin và Hy Vọng. 

Chờ lửa tắt hết, đại chúng thiền hành trở về Thiền đường, và thời khóa biểu thiền tọa bắt đầu.

Bây giờ đã 11 giờ 39 phút tại Thiền đường Trăng Đầu Non. Thầy Pháp Dụng nói bài pháp thoại ngắn, nhấn mạnh đến 21 phút còn lại của năm cũ và mong đại chúng thắp sáng chánh niệm để bước vào một năm mới nhiều an lạc và hạnh phúc

Đúng 12 giờ 5 phút, Sư cô Trung Chính dâng hương lễ Phật đầu năm, đại chúng trang nghiêm đảnh lễ Đức Bổn Sư.

Tiếp đến là lễ khấn Tổ Tiên đầu năm mới. Tất cả quý Thầy, quý Sư cô và thiền sinh Việt và Mỹ đến bàn thờ Tổ thiết trí chân dung Chúa Kytô, chân dung Sư cô Thanh Quý và chân dung thân phụ, thân mẫu Sư ông Nhất Hạnh. Sư cô Thắng Nghiêm đọc lời khấn Tổ đầu năm bằng tiếng Việt, Thầy Pháp Nguyên đọc bằng tiếng Anh và Thầy Pháp Sơn đọc băng tiếng Mễ (xin xem toàn văn bản khấn Tổ đầu năm). Tất cả kính cẩn đảnh lễ 4 lạy trước bàn thờ Tổ.

● Chương trình chấm dứt với mục “THIỀN ÔM” 

Thầy Pháp Dụng giải thích ý nghĩa “THIỀN ÔM” bằng lời Việt, thầy Pháp Dung tiếp lời bằng tiếng Anh, nhấn mạnh khi ôm một người thương, thở vào thở ra ba hơi trong chánh niệm, chúng ta cũng đồng thời ôm lấy tất cả những người thương, và tất cả những người đã có gây đau khổ cho ta, hóa giải tất cả khổ đau còn tồn tại và làm lớn mạnh tâm từ bi trong ta.

Đại chúng đã tìm thấy Niết Bàn Tịnh Độ ở dưới chân mình, bên cạnh mình, trong không gian Thiền đường và lan tỏa khắp nơi trong Tu Viện Lộc Uyển.

Những tiếng Chúc Mừng Năm Mới, Happy New Year được trao đổi trong Yêu Thương và Hòa Điệu.

● Cũng xin ghi thêm ở đây, vào ngày 10 tháng 12 năm 2000, nhóm thân hữu Lộc Uyển vùng San Diego với sự yểm trợ của nhóm thân hữu vùng Santa Ana và Los Angeles đã tổ chức một Bữa Cơm Chay Tình Thương gây quỹ cứu trợ đồng bao bị lụt ở Việt Nam. Có khoảng 100 thân hữu tham dự với số thu, sau khi trừ chi phí, là 5,800 MK, đã được chuyển giao cho Tu Viện để tập trung gởi về Việt Nam cứu trợ thiên tai bão lụt trong năm 2000..

Các thức ăn đều do các chị trong ban tổ tình nguyện đóng góp, đặc biệt nhà hàng Rofaria Pizza do anh chị Dũng làm chủ ở đường Pomerado, Poway, đã yểm trợ 5 chiếc bánh Pizza chay cỡ lớn. 

Đất Lành The Buddhist Review, số đầu năm 2001, tr 68 – tr 70
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn