Qua Miền Suy Tưởng - Lê Thanh Phong

26 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 27602)


QUA MIỀN SUY TƯỞNG
 Lê Thanh Phong

quamiensuytuong-01Tôi cố tìm chút tĩnh lặng khi ở trên núi Linh Thứu, tìm sự thanh thản trong vườn Lâm Tì Ni, tìm sự yên tĩnh dưới chân tháp đại giác của Bồ Đề Đạo Tràng, tìm sự an lạc trong vườn nai nơi Đức Phật giảng đạo, nhưng đã không tìm thấy được gì.

Tôi hiểu ra được một điều, với tôi hay cũng có thể với nhiều người, khi tâm mình không là Phật thì dù có đi hết thánh địa Phật giáo cũng không thể an lạc và vô ưu.

Miền vô ưu

Vườn Lâm Tì Ni ở Nepae có loài hoa asoka rực rỡ. Theo tiếng Phạn asoka có nghĩa là không gây ra ưu phiền. Năm 563 trước công nguyên, hoàng hậu Mahamaya đã hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa dưới gốc cây hoa vô ưu. Vị thái tử đó đã vào cõi vô ưu, còn những người đi theo ngài vẫn đang cố tìm kiếm một giây phút không ưu phiền nhưng khó lắm thay.

Hai miền biên giới giáp Ấn Độ và Nepal được xem là một vùng đất lành. Người ta tin rằng, ở đâu có chim hồng hạc bay về thì nơi đó thanh bình, an ổn. Đức Phật cũng chọn cái nơi chim hồng hạc sống để sinh ra. Nhưng bao nhiêu năm đi qua thì ở nơi này chịu bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của chiến tranh, nghèo khổ. Hôm tôi đến, ở ngay biên giới, quân đội hai bên trang bị súng ống, trông mặt mày ai cũng dữ dằn, căng thẳng. Trên đường nội địa của Nepal, người ta chồng chất nhau trên các loại xe, vung cờ và khẩu hiệu đi biểu tình phục vụ cho các phe nhóm khác chính trị.

Trên đường đi qua biên giới Ấn Độ - Nepal, hai bên cảnh vật không có gì đặc biệt, đất đai khô cằn, nhà cửa lụp xụp, khác với những gì người ta vọng tưởng về một cái nôi của Đức Phật đản sinh. Nhưng hầu hết người dân ở đây không theo đạo Phật, họ theo đạo Hindu. Trẻ con, người lớn phơi giữa nắng không cần nón mũ, áo quần rách rưới đến thê thảm. Tôi không thể hình dung được người ta sống như thế nào trong những căn nhà tối tăm và dơ bẩn như vậy. Anh bạn hướng dẫn viên người Ấn nói với tôi: Ấn Độ là thế, luôn luôn là một bí ẩn, sự bí ẩn đó chứa đựng một ma lực hối thúc những suy tư của con người.

 

Phật tử muôn phương đổ về vườn Lâm Tì Ni để chiêm bái. Khói nhang nghi ngút, kinh cầu râm ran. Các dịch vụ kinh doanh xem ra cũng phát đạt. Ai đi tìm chân lý thì cứ đi, ai kinh doanh cứ kinh doanh. Du khách và các chủ cửa hàng tranh cãi nhau từng đồng bạc. Người ăn xin đeo bám rất đông. Ai đó tuy mới nguyện cầu với tấm lòng chan chứa từ bi bên gốc vô ưu, nhưng cũng khó tránh một lời nói nặng với những người ăn xin quá sức lì lợm. Ở vườn vô ưu nhưng cũng lắm thứ ưu phiền. Tôi thấy cảnh này quen quen như ở nhiều chùa chiền, đền thờ của Việt Nam. Lạy lục khấn vái và xin Phật rất nhiều điều. Họ bỏ ra một ít tiền nhưng mặc cả rất ghê. Có điều họ không hiểu rằng Phật chẳng có gì để mà cho.

Vì đây là đất thiêng liêng nên nhiều quốc gia xây dựng chùa. Các nước Phật giáo phát triển đều ghi danh ở Lâm Tì Ni bằng một ngôi chùa hoành tráng mang tên nước mình nên nơi đây trở thành một làng chùa quốc tế. Việt Nam Phật Quốc Tự cũng là một địa chỉ được nhiều người biết đến. Phật tử và du khách Việt Nam đến Nepal đều muốn đặt chân đến đây. Sự có mặt đó được xem như là căn duyên nên nhiều người cảm thấy tự hào. Ở Việt Nam Phật Quốc Tự cũng có những con chim hồng hạc, nhưng nó không tự do bay lượn mà bị "quản thúc" trong một phạm vi hẹp.

Tôi cũng chuẩn bị tâm thế khi đến chùa, nhưng tìm mãi cũng không thấy được sự thanh tịnh. Có lẽ vì có nhiều du khách ồn ào, tranh nhau chụp ảnh, và cũng có thể do màu sắc sơn phết của chùa quá lòe loẹt. Chùa có quá nhiều thứ giả, những con trâu, con chim hồng hạc bằng xi măng, đường nét dại dột và thô thiển. Đi cho biết thôi, chứ với tôi, ngồi trước cổng chùa Từ Hiếu ở Huế tự nhiên thấy lòng bình an hơn nhiều.

Thành Ca Tì La Vệ gần Lâm Tì Ni. Thuở xa xưa Ca Tì La Vệ là vương quốc, Đức Phật là thái tử của vương quốc này. Thành Ca Tì La Vệ ngày nay là một phế tích, chỉ còn vài chân tường gạch nhỏ. Trên đường đi ngang qua một ngôi làng, đoàn của chúng tôi phát hiện một cậu bé đứng bên đường, mặt rất đẹp, đặc biệt là có đầu tóc xoăn từng múi như tóc của Đức Phật thường được thể hiện trên tranh ảnh hoặc tượng. Thế là mọi người đổ xô đến ôm cậu bé, có người còn nói nhờ cơ duyên mới gặp được một hình ảnh của Đức Phật trên quê hương của ngài. Sau khi tranh nhau ôm cậu bé, mọi người lại rút tiền ra cho. Thấy vậy, nhiều đứa bé khác trong làng ùa ra xin tiền. Chỉ có điều là chúng nó không có đầu tóc giống Đức Phật nên không được đồng nào.

Chiếc lá khô

Niềm tin tôn giáo bản thân nó là một sự bí ẩn, nhưng khi bước đến Bồ Đề Đạo Tràng, sự bí ẩn đó dường như càng "thâm hậu" hơn. Chỉ một khu đất nhỏ, một cây bồ đề Đức Phật thành đạo, một tháp Đại Giác sừng sững, nhưng đã thu hút tín đồ từ năm châu bốn bể. Họ ngồi dưới tán bồ đề cầu kinh, nhiều người mắc mùng để ngồi thiền thâu đêm. Nhiều người Châu Âu, người Mỹ cũng đến đây tu đạo. Không ít người còn rất trẻ, chừng trên dưới 30 tuổi, nhưng năm nào cũng đến đây 2 - 3 tháng để tu luyện. Hình ảnh ấn tượng nhất với tôi là khi họ thực hiện động tác lạy theo kiểu Tây Tạng.

Từ tư thế thẳng đứng chuyển sang quỳ, rồi nằm xuống rạp người sát đất đồng thời đẩy hai tay thẳng về phía trước. Từ nằm, chuyển sang quỳ và đứng thẳng lên lại là hoàn thành một chu kỳ. Một lần lạy như vậy cũng không dễ, nhưng có nhiều người lạy liên tục hằng giờ. Lạy cả ngàn lạy. Tôi gặp một sư nữ đến từ Việt Nam, thực hiện tam bộ nhất bái theo kiểu Tây Tạng. Nhà sư đi ba bước thì đứng lại và lạy một lần. Cứ thế mà đi và lạy vòng quanh tháp Đại Giác suốt một buổi chiều. Có nhiều sư nữ sang Bồ Đề Đạo Tràng để tu tập. Họ thuê phòng trọ, ăn ở sinh hoạt rất khổ cực, nhưng họ rất vui tươi.

Phật tử các nơi đến Bồ Đề Đạo Tràng để tu đạo hoặc để thực hiện một tâm nguyện nào đó. Hầu như ai đến đây cũng cố nhặt cho mình một chiếc lá bồ đề để đem về làm kỷ vật. Có nhiều người còn nhặt một viên sỏi, một nắm đất hoặc một mẩu gạch vỡ ở các nơi Phật tích để đưa về nhà thờ phượng. Ở ngoài Bồ Đề Đạo Tràng, có nhiều cửa hàng bán lá bồ đề, lá được xếp ngay ngắn trong các túi ni-lông nhỏ. Tính ra rất rẻ. Người bán thì xem đó như một thứ vật phẩm bình thường, lượm để bán kiếm tiền, bán không hết thì vứt vào hộc. Người mua thì xem đó là một vật phẩm có ý nghĩa thiêng liêng tôn giáo.

Cũng là chiếc lá khô đó, nhưng con người có cách tiếp cận khác nhau. Trong và ngoài đạo tràng cách nhau một bức tường. Bên trong thâm u tĩnh lặng và uy nghiêm, bên ngoài buôn bán ồn ào, trẻ em và người nghèo ăn xin chạy đua dành giật từng đồng bạc cắc. Nhiều người thò tay vào bên trong đạo tràng qua những song của bức tường để xin khách hành hương bố thí. Người hành hương cứ râm ran tụng kinh và dõi theo những điều cao siêu bí ẩn, không mấy ai quan tâm đến những cánh tay co quắp đang vòi vọi một chút tình thương.

Vài hôm sau, trong một dịp hành hương đến chùa Đại Niết Bàn, ở đó có tượng Đức Thế Tôn nằm trong tư thế kiết tường. Pho tượng có chiều dài 10 mét, được đặt trên một bệ hình chữ nhật cao khoảng sáu tấc. Đây cũng là nơi Đức Phật nhập diệt, cổ thành có tên Kushinagar. Tôi chứng kiến tận mắt nhiều đoàn phật tử đến từ các nước đi vòng quanh bức tượng, ai cũng cố gắng dành cho mình một khoảng trống để hôn lên bàn chân của Đức Phật. Một người bật khóc khi hôn lên bức tượng, thế là nhiều người cùng khóc theo, chân thành, yêu thương, tha thiết. Tất cả như ngập tràn hạnh phúc khi được khóc trước tượng của Đức Phật. Khi lên xe về khách sạn, tôi hỏi người đi cùng tại sao lại khóc. Cô trả lời vì thấy mọi người khóc nên không cầm được nước mắt.

Cá sông Hằng

Một buổi sớm tinh sương chúng tôi ngồi thuyền trôi trên sông Hằng chờ đón bình minh. Trên bờ, các lò thiêu người hoạt động, ánh lửa hắt lên và nhiều xác người được thả xuống sông. Thuyền sang bên kia bờ, mọi người bước xuống, lấy nước khỏa lên tóc, lên mặt như đang tắm bằng nước thiêng, có người lấy chai nước suối đựng nước sông Hằng, mang về nhà thờ cúng. Tôi thực sự ngạc nhiên về những việc đó của các Phật tử nhưng không dám hỏi.

Nắng lên, ánh sáng mặt trời soi rõ mặt sông, nước đục ngầu và dơ bẩn. Bên bờ, người ta giặt giũ, tắm gội, giữa sông có nhiều người đàn ông bơi lội. Rác và xác người thủy táng trôi dạt khắp sông. Đến giữa dòng, khi mọi người tụng kinh niệm Phật, thuyền chúng tôi bị nhiều chiếc thuyền nhỏ vậy quanh, họ bán những thùng cá cho du khách phóng sinh. Nhiều người trong đoàn mua và thả cá xuống sông Hằng, ngay lập tức có người khác đến bán. Người mua tin rằng mình đã làm một việc phúc đức trên sông Hằng, người bán hí hửng vì kiếm được tiền.

Cứ như thế, việc bắt cá và việc phóng sinh diễn mãi. Thấy cảnh đó, tôi nghĩ nếu các vị này không mua cá phóng sinh thì những người kia sẽ không đi bắt cá làm gì, nên buộc miệng nói: "Cách phóng sinh tốt nhất là đừng bao giờ phóng sinh". Hình như có người dừng lại không mua cá nữa.

Bước lên bờ, chúng tôi bị những người ăn xin vây chặt, nhiều phụ nữ bồng trên tay những đứa bé rất xinh nhưng trông quá đói khổ. Có một điều đáng suy nghĩ là du khách sẵn lòng bỏ nhiều tiền để mua cá phóng sinh, nhưng họ không sẵn lòng cho những đứa bé ăn xin vài đồng bạc. Nhiều người còn chạy thật nhanh lên xe để trốn những bàn tay bé xíu chìa ra trước mặt.

Tức cảnh sinh tình, không làm thơ được nhưng chợt nhớ bài thơ "Đức Phật" của nhà thơ lừng danh người Hàn Quốc - Ko Un: Con đường ra đi là con đường trở thành nhà sư/Con đường trở về là con đường trở thành Đức Phật/Nhưng ngươi chỉ có thể trở về khi thực sự ra đi.

Lê Thanh Phong (Lao động)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Năm 2016(Xem: 6772)
02 Tháng Tư 2016(Xem: 5845)
Nếu ai đó xác định đây là một chuyến du lịch theo kiểu dân thường, ham shopping, chơi bar, ngắm thắng cảnh và thử các trò chơi vui… thì hẳn sẽ như một chị bán vải chợ Bến Thành nói: “Hành, hành, hành… một trăm thứ hành mới đến một chữ hương!”.