Duy Tuệ - Bản Sao Của Thanh Hải Với Nhiều Cải Biên Nguy Hiểm - Minh Thạnh

20 Tháng Tư 201200:00(Xem: 9226)

Duy Tuệ -
bản sao của Thanh Hải
với nhiều cải biên nguy hiểm

Minh Thạnh

blankDuy Tuệ đẩy mức độ công kích Phật giáo lên rất cao so với Bà Thanh Hải, cực đoan hơn, quá khích hơn. Ông Duy Tuệ không chỉ muốn leo lên mức “minh sư thời đại” như bà Thanh Hải, mà muốn “thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, bôi đen quá khứ, phỉ nhổ truyền thống, phủ nhận Phật giáo cả trong hiện tại lẫn lịch sử.

Với những ý kiến khác nhau trong dư luận đang lên cao trước hiện tượng Duy Tuệ phỉ báng, đả kích Đức Phật, Phật pháp và Tăng Ni, không chỉ bằng những bài nói từ hải ngoại trên trang web của ông ta, mà ngang nhiên bằng sách xuất bản hợp pháp trong nước, có bạn đọc phản hồi trên mạng nêu nghi vấn, phải chăng bản thân tác giả Duy Tuệ có thế lực rất lớn trong nước, hay tác giả này có được một sự bảo trợ mạnh mẽ nào đó, nên đã là một hiện tượng cá biệt?

Bài viết này, từ vấn đề nêu trên, sẽ tìm câu trả lời, mà trước hết qua việc so sánh hiện tượng Duy Tuệ với hiện tượng Thanh Hải (chúng tôi sẽ so sánh chi tiết với hiện tượng Lý Hồng Chí – Pháp Luân công trong một bài khác).

Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tượng Duy Tuệ không phải là do cá nhân ai đó bao che, “chống lưng”, mà thực ra, vì ông ta chỉ mới hiện nguyên hình trong thời gian gần đây, và cũng không phải nhiều người biết.

Duy Tuệ là một bản photocopy từ Thanh Hải, nhưng bản photocopy đó chưa chạy hết quy trình sao chụp của nó. Cho nên, mới có sự lầm lẫn, như sách Duy Tuệ được bày bán trong chùa, một số người được đặt “Phật tâm danh” vẫn nghĩ ông ta là một tu sĩ Phật giáo, với cái đầu cạo tóc, mặc áo tràng nâu, áo tràng vàng… không khác gì một vị sư.

Vì thế, thực chất của vấn đề là tác giả Duy Tuệ đã đánh lừa được một số người. Người ủng hộ ông ta và số người theo ông ta nhận Phật Tâm danh, đăng ký tham gia vào tổ chức Đại Gia Minh Triết không ít, do ông ta chưa hiện hẳn nguyên hình.

Riêng tác giả bài viết này, lần đầu tiên thấy hình Duy Tuệ chỉ cách đây 5 tháng, vẫn hỏi với sự kính trọng, rằng “thầy tu ở chùa nào vậy?”. Mua được quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, người viết bài này vẫn còn trân trọng đặt nó vào tủ kinh sách, như những quyển sách Phật giáo đáng quý khác. Cho đến khi đọc hết ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, người viết bài này mới vỡ lẽ ra, và sau đó, mới thấy hết được tầm mức quan trọng của vấn đề.

Chính ra, đưa đến sự kiện Duy Tuệ gây bức xúc dư luận như hiện nay là do đệ tử của Duy Tuệ đã giới thiệu cho chúng tôi quyển““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” và các trang web của tác giả này để chúng tôi nghe các bài nói của ông.

Nếu chỉ biết tác giả Duy Tuệ qua hình ảnh không khác người tu sĩ Phật giáo, hay đọc những quyển sách khác của Duy Tuệ xuất bản vào thời gian trước, chắc hẳn, Duy Tuệ, đối với tôi vẫn là một tác giả khác, hoàn toàn khác, đạo đức và đáng kính.

Quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, chẳng qua, là một vụ “lọt lưới” biên tập. Duy Tuệ còn thản nhiên nói những nội dung trong quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” với Tăng Ni Phật tử (theo như quyển sách, là Tăng Ni Phật tử chùa Phù Châu), thì đối với biên tập viên một nhà xuất bản không phải chuyên về tôn giáo, mọi việc sẽ còn dễ lầm lẫn đến mức nào, nhất là ông ta dàn trải lời lẽ đả kích ra nhiều vị trí tách rời trong quyển sách.

1. Đến đây, chúng ta có thể chỉ ra “định dạng” photocopy đầu tiên của ông Duy Tuệ từ Bà Thanh Hải. Cả hai cùng đả kích Phật giáo, nhưng họ chỉ làm việc đó sau khi thu phục được một số đệ tử nhất định, hầu hết là từ tín đồ Phật giáo hay những người chịu ảnh hưởng Phật giáo. Việc làm đó là để gây lòng tin trước cái đã (kẻ lừa đảo nào cũng thế!). Bà Thanh Hải cũng đả kích đức Phật, đạo Phật, nhưng cũng gài rải rác vào những bài giảng trong các tiết mục “Lời pháp cam lồ” hay “Giữa Vô thượng sư và đệ tử” trên Supreme Master Television, sau khi làm như là bà tán thán Đức Phật, Đạo Phật…

Chẳng hạn, sau khi ca ngợi Đức Phật là bậc toàn trí, đại giác, là vị minh sư, thì lại tiếp ngay rằng bà ấy nói đó là vị minh sư của thời cổ đại, phục vụ chúng sinh thời cổ đại, do đó, ngày nay phải thọ tâm ấn ở minh sư hiện đại (tức Supreme Master). Hay, sau khi bà ta giảng về ngày trước nên niệm Phật, thì dạy tiếp rằng ngày nay thì niệm “Nam mô Thanh Hải Vô thượng sư” đều được “cứu rỗi và giải thoát” (câu này in trang trọng giữa trang 9 quyển sách Bí quyết để được tức khắc khai ngộ hiện đời giải thoát, quyển 1, in ở “Taiwan R.O.C”).

Duy Tuệ cũng làm như thế, rải đều các lời đả kích Đức Phật, Phật giáo, Tăng Ni ra khắp quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, cũng như đối với các bài thuyết giảng phổ biến qua mạng, xuất bản thành dĩa hay USB. Trong sách, thì mỗi đoạn khoảng vài ba câu. Trong bài giảng thì dài hơn, có thể thành một đoạn vài phút, nhưng sau đó lại nói ngay qua chuyện khác.

Các nhà xuất bản ở Việt Nam, khi có sự cố “thủng lưới” biên tập, thường đều cố gắng cho qua, tránh sự phiền phức. Theo chúng tôi, có thể chỉ có vậy, không hẳn Duy Tuệ được sự bảo trợ của ai đó mới xuất bản được sách như thế.

Nếu dùng tiền chạy thuốc được, thì Bà Thanh Hải chắc chắn là có khả năng tài chính hơn ông Duy Tuệ rất nhiều. Thế mà có làm gì được đâu?

2. Bà Thanh Hải tự xưng là “Vô thượng sư”, hay thông dụng hơn, bằng tiếng Anh là “Supreme Master”, là vị giác ngộ thời hiện đại, tự chụp ảnh, quay phim mình làm hoạt động quan hệ công chúng ban đầu từ pháp tướng Ni, sau đó chuyển thành pháp tướng Bồ Tát Quan Thế Âm (song song với việc phô diễn đủ loại thời trang). Bản photocopy, ông Duy Tuệ thì dùng từ “Master”, dịch sang tiếng Việt có phần khiêm tốn hơn: “Đạo sư”. Cũng phải chịu thế, vì ông Duy Tuệ là hậu bối, xưng hiệu sau Bà Thanh Hải có gần 20 năm, việc dùng y khuôn danh xưng cũng kỳ, nên sửa đi chút đỉnh.

3. Như đã nói, cả ông Duy Tuệ và bà Thanh Hải đều khởi sự từ hình tướng tu sĩ Phật giáo. Bà Thanh Hải trong những năm 1980 là một ni cô, ông Duy Tuệ, còn không được biết đã thọ giới hay chưa nhưng vẫn có lúc vẫn đóng bộ hình tướng tăng.

4. Cả hai Supreme Master Ching Hai và Master Duy Tuệ, đều tự tuyên bố tự xưng tụng mình đã được chứng ngộ. Một điều đáng lưu ý, là điều này đều diễn ra sau khi cả hai đến Ấn Độ. Bà Thanh Hải tự quảng bá trên Supreme Master Television là tu ở tận Hy Mã Lạp Sơn. Còn ông Duy Tuệ thì cũng cho biết trong những quyển sách của mình là đã đến các Phật tích ở Ấn Độ tu học.

5. Ông Duy Tuệ cũng học ở bà Thanh Hải cách thu phục quần chúng bằng thiền. Ở Bà Thanh Hải là “Supreme Master Meditation” và thêm vào đó là “Quán âm pháp”. Còn ở ông Duy Tuệ là “Thiền Minh Triết” và “Duy Tuệ học” (sau này có chuyển đổi để khiêm tốn hơn thành “môn học Duy Tuệ”). Cả hai đều muốn tạo ra một thứ I – xùm (“-ism”, nghĩa là chủ nghĩa mới, phương pháp tu tập mới, đương nhiên là để tiến tới tôn giáo mới).

6. Bà Thanh Hải lập tổ chức “The Supreme Master Meditation Association”, từ đó đưa đến bản photocopy “Đại Gia đình Minh Triết” của ông Duy Tuệ, cùng một mô thức. Ở đây, lập tổ chức nhưng ông Duy Tuệ không dùng danh xưng “hiệp hội”, “hội”, hay “tổ chức” (association) vì ắt gặp phải những quy định trong hoạt động hội tại Việt Nam. Nên ông ta lách, thành “Đại gia đình”. Tuy nhiên, về bản chất, mục tiêu của 2 tổ chức đều là như nhau, đều để tập họp tín đồ.

7. Bà Thanh Hải, về cơ bản, không sáng tạo được giáo lý riêng. Cách làm để có nội dung thuyết giảng là lấy một số yếu tố cơ bản trong giáo lý Phật giáo, cố gắng trộn lẫn với một số tín điều tương đối có giá trị nhất định trong các tôn giáo khác, diễn đạt lại bằng các hình thức mới, cố ý “lạ hóa”, dùng các từ ngữ khác, “xào nấu” cho khác đi…, rồi làm như là phát hiện riêng (tất nhiên là không bao giờ cho biết xuất xứ gốc).

Thực chất, đây là một dạng đạo văn, đánh cắp nội dung, đánh cắp ý tưởng. Ông Duy Tuệ cũng làm như thế.

8. Tìm mọi cách, khai thác mọi tình huống để khẳng định mình, để đánh bóng, đề cao tên tuổi mình. Có khi hết sức lộ liễu, trần trụi, thô lỗ, có khi kín đáo, khéo léo… Cả hai Thanh Hải và Duy Tuệ đều rất thường dùng ngôi thứ nhất số ít “tôi” trong các bài nói, với sự xác quyết, nhấn mạnh cao độ về mình. Việc đề cao, sùng bái cá nhân rất rõ, đến mức, nếu mất đi nhân vật chủ chốt, thì các tổ chức và các hoạt động có thể coi như không còn. Cả hai đều như thế ở tổ chức của họ, không thấy nhân vật số 2, người cấp phó, nhân vật truyền thừa hay một tập thể người cấp dưới phụ trách điều hành.

9. Trong cái cách đề cao cá nhân như thế, Bà Thanh Hải rất quan tâm đến việc sử dụng ảnh chụp và video clip để quảng bá hình ảnh của bà. Trong việc làm này, y phục, việc chăm chút trang điểm son phấn, tóc tai, cả đồ trang sức, hậu cảnh và nghệ thuật chụp ảnh, quay phim để làm nổi bật chân dung hết sức được chú ý. Đây cũng là cách làm thường thấy ở các ca sĩ, diễn viên muốn tự lăng xê, làm ngôi sao.

Ông Duy Tuệ cũng bắt chước theo hướng như vậy.

Chúng ta cứ quan tâm quan sát ảnh chụp của ông ta đưa lên mạng internet hay bìa sách thì sẽ thấy rõ điều đó. Nó được xử lý rất cẩn thận, trau tria. Tuy nhiên, ông Duy Tuệ chỉ mới đầu tư nhiều cho hình ảnh, trong khi mảng video clip còn kém xa bà Thanh Hải.

10. Cả 2 đều cố gắng khai các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet để triển khai hoạt động. Sách tuy cũng được chú ý, nhưng thường được dùng để thể hiện họ như một tác gia có “trí tuệ”, “uyên bác”. Sách được dùng nhiều trong giai đoạn đầu. Đối với bà Thanh Hải là vào cuối thập niên 1990, còn ông Duy Tuệ thì trong giai đoạn hiện nay.

Nhưng cũng phải thấy rằng việc triển khai “giáo lý”, hoạt động và vận động, thu nhận tín đồ bằng các phương tiện gián tiếp như internet, sách vở, báo chí… là đặc điểm chung của những tôn giáo mới.

11.Nếu Bà Thanh Hải chú trọng quảng bá cho sự “gia trì” của bà đối với những người thu phục, thì ông Duy Tuệ cũng thế, mặc dù cái chất tâm linh ở ông có vẻ ít hơn về mức độ.

Ông Duy Tuệ không bảo những người quy phục niệm ‘Nam mô Đạo sư Duy Tuệ” kiểu “Nam mô Thanh Hải Vô thượng sư” để được gia trì, nhưng ông khuyến khích trưng bày ảnh ông, đeo ảnh nhỏ của ông trên ngực để được may mắn (!?).

12.Bà Thanh Hải và ông Duy Tuệ ít công khai kêu gọi ủng hộ tài chính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng hoạt động kinh tài rất mạnh với nhiều cơ sở, hình thức kinh doanh. Bà Thanh Hải mở hệ thống nhà hàng chay, chế tác để bán với giá cao những sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức, y phục mang dấu ấn của bà, tổ chức bán sách, bán dĩa DVD, văn hóa phẩm… . Những tác phẩm được nói là của bà sáng tác gồm cả… tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc!

Ông Duy Tuệ thì chỉ mới tổ chức bán sách, dĩa, có mở rộng sang kinh doanh sản phẩm điện tử như loa, ampli, USB… Giá thành sản phẩm bán ra hầu như là cao, vì kèm thương hiệu liên hệ với thương hiệu “Vô thượng sư”, “đạo sư”, được hiểu ngầm là người mua phải chịu giá cao để ủng hộ, thay vì đóng tiền ủng hộ trực tiếp.

13.Theo cách thiết lập quan hệ trực tiếp giữa người lãnh đạo tôn giáo mới với tín đồ, ở bà Thanh Hải có “truyền tâm ấn”, còn người theo ông Duy Tuệ thì có “Phật tâm danh”. Đây thực sự là hình thức kết nạp thành viên vào tổ chức, nhưng trực tiếp từ người lãnh đạo, không ở cấp cơ sở.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu những nét chính về những gì mà ông Duy Tuệ và photocopy lại từ bà Thanh Hải chắc chắn là sẽ chưa đầy đủ. Bạn đọc có thể góp ý kiến bổ sung.

Cái mà ông Duy Tuệ cải biên, là Bà Thanh Hải về cơ bản không nhắm đến mục tiêu hoạt động công khai về mặt tư tưởng ở Việt Nam (dù là có thể có cố gắng nhưng không thành công), còn ông Duy Tuệ thì vẫn cố đeo đuổi mục tiêu trên.

Tại Việt Nam, bà Thanh Hải dùng một hệ thống nhà hàng chay, cơ sở sản xuất thực phẩm chay để ẩn lậu các hoạt động có tính chất tư tưởng, “tâm linh”, còn chính các hoạt động tư tưởng, tâm linh, hiệp hội thì lén lút. Trong khi đó, ông Duy Tuệ thì cố gắng triển khai các hoạt động tư tưởng, “tâm linh” một cách công khai, hợp pháp. Đây là điều mà ông Duy Tuệ thành công hơn so với bà Thanh Hải, dù cả hai đều ở nước ngoài chỉ đạo hoạt động từ xa.

Để làm được điều này ông Duy Tuệ thời kỳ đầu (khoảng 2006) thì viết sách “tâm linh”, trông có vẻ như là sách Phật giáo (chưa đả kích Phật giáo), còn giai đoạn gần đây gia tăng màu sắc sách “kỹ năng sống”, sách “học làm người” cho những tác phẩm phát hành trong nước, để lồng vào đó những đòn đả kích Phật giáo. So với việc Bà Thanh Hải phải đưa lậu sách in từ Đài Loan vào Việt Nam, thì rõ ràng ông Duy Tuệ với sách in trong nước đã vượt bà Thanh Hải ở mặt này.

Tuy nhiên, trong một vài năm, sự hiện diện về hoạt động tư tưởng và “tâm linh” của Bà Thanh Hải không cần đến việc phổ biến công khai sách vở, băng dĩa bài giảng, vì bà có kênh truyền hình Supreme master TV phủ sóng Việt Nam bằng sóng Ku (thu dễ dàng chỉ bằng một anten parabol nhỏ đường kính 0,6 m, thiết bị giá thành rất thấp). Nhưng hiện nay, đài truyền hình này đã ngưng hoạt động, có lẽ vì vấn đề kinh phí. Như thế, không loại trừ việc Bà Thanh Hải trở lại học tập cách làm của ông Duy Tuệ, tìm cách phổ biến sách vở, băng dĩa công khai tại Việt Nam.

Việc cải biên, mà theo chúng tôi là rất nguy hiểm, nằm ở chỗ ông Duy Tuệ đẩy mức độ công kích Phật giáo lên rất cao so với Bà Thanh Hải, cực đoan hơn, quá khích hơn. Ông Duy Tuệ không chỉ muốn leo lên mức “minh sư thời đại” như bà Thanh Hải, mà muốn “thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, bôi đen quá khứ, phỉ nhổ truyền thống, phủ nhận Phật giáo cả trong hiện tại lẫn lịch sử.

MT
(Phật Tử Việt Nam)
Ý KIẾN

KHAI NHUAN vào lúc 18/04/2012 07:01

Xin tổng hợp các bài có liên quan đến hiện tượng “DUY TỆ” gới đến TW GHPGVN và CHÍNH PHỦ VIỆT NAM. Tôi đang thắc mắc tại sao không thấy tiếng nói chính thức của GHPGVN ???

phùng chí thiện vào lúc 18/04/2012 08:27

Đọc xong bài viết của tác giả MT, tôi mới vỡ lẽ quyển "Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm sau" là sách của ngoại đạo, vậy mà hồi trước tôi lại đi mua 5 quyển về để tặng mấy em sinh viên. thú thực là tôi cũng chưa kịp đọc nội dung, chỉ thấy ở bìa ngoài sách có tựa đề như vậy, và tên tác giả "Duy Tuệ" thấy rất gần gũi với nhà Phật. Nay mới rõ, thật là một sai lầm lớn của tôi, xin chân thành cảm ơn tác giả đã giúp tôi hiểu được vấn đề này.

vu phuoc vào lúc 18/04/2012 08:50

<Supreme Master Television>
tuần trước được người bạn rủ đi ăn cơm chay (nhà hàng chay ở phố Bà Triệu - thành phố Hải Dương) tôi có thấy biểu tượng (tôi kg nhớ rõ hình như là biểu tượng trái đất) và dòng chữ tiếng anh kia, tôi thấy ngờ ngợ và nghi vấn, tiếp tục quan sát, cùng lúc đó thấy có một Sư Thầy đi với phật tử bước vào, tôi thấy tất cả nhân viên ở đây rất lễ phép, chắp tay, niệm Phật...

Tiếp tục quan sát, tôi thấy nhân viên nhà hàng này ai cũng đeo ở cổ hình ảnh bà Thanh Hải..

Có thề nói, nhà hàng này ngụy trang rất tài, trên nóc các tủ bầy xung quanh, đều có bầy các tượng Phật nhỏ có chiều cao khoảng 20 -30cm, trên tường còn có bức họa Phật quan âm, bên cạnh bàn ăn của tôi là một tủ nhỏ trưng bầy kinh sách, tôi liếc qua nhìn thấy có rất nhiều sách, bên trên thì bầy 1 vài quyền mỏng mỏng kinh Phât, dưới là toàn bộ sách của tác giả Thanh hải..

Nhìn xa xa ở một góc tưởng lúc đầu tôi cứ tưởng là bức chân dung của của Sư cụ nào, lại gần tôi thấy đó là hình ảnh của bà Thanh hải, bà ấy cũng mặc áo vàng giống các Thầy chùa mỗi khi mặc áo cà sa lên khóa lễ...

Tò mò một chút, hỏi người bạn đi cùng thì được biết ông chủ nhà hàng chay này là một người sống ở Úc rất nhiều năm, giờ về Hải dương mở nhà hàng chay, và đi Thái Lan, và một số nước liên tục..

Tất cả nhân viên phục vụ quán chay này đều phải thực hành pháp môn tu tập của bà Thanh Hải giống ông chủ.

Thành Phố hải dương còn một quán cơm chay có tên Âu Lạc nằm trên phố Nguyễn Thượng Mẫn (kho đỏ) nữa.
Dịp trước tại quán cơm chay này có cả một màn hình ti vi lớn chuyên phát các kênh truyền hình có 5 thứ tiếng do bà Thanh Hải công chúa thuyết giảng.

Tại sao tôi lại gọi bà là công chúa? vì tôi thấy hình ảnh của Bà ấy rất diêm dúa, quẩn áo lòe loẹt, mặt mũi trang điểm son phấn, đã từng đi thẩm mỹ viện ...

vài thông tin chia sẻ cùng bạn đọc. Mong tất cả các quý Thầy và phật tử ở Hải Dương chú ý và theo dõi hoạt động của 2 quán cơm chay này.

minh ngọc vào lúc 18/04/2012 09:46

Trước hết, tôi xin cảm ơn tác giả Minh Thạnh đã so sánh giữa "đạo sư" Duy Tuệ và "vô thượng sư" Thanh Hải. Tôi xin hỏi Minh Thạnh vài điều:
1/"...Nếu dùng tiền chạy thuốc được, thì Bà Thanh Hải chắc chắn là có khả năng tài chính hơn ông Duy Tuệ rất nhiều. Thế mà có làm gì được đâu?" Dựa vào đâu mà Minh Thạnh cho rằng khả năng tài chính của bà Thanh Hải hơn ông Duy Tuệ?
2/ Minh Thạnh cho là sự cố “thủng lưới” biên tập của các nhà xuất bản do biên tập viên không chuyên về tôn giáo, nhưng sách của Duy Tuệ được bày bán tại các chùa trong hệ thống Phật giáo thì sao? Không riêng gì sách của Duy Tuệ mà có nhiều trường hợp "lọt lưới sân nhà" là do đâu???

Trí tuệ vào lúc 18/04/2012 10:09

Cảm ơn tác giả MT đã có những bài viết về hiện tương Duy Tuệ trong thời gian qua. Tôi đã nghe qua những clip được gọi là "pháp âm" của ông ta, thật sự chẳng có ấn tượng gì, dù tiêu đề rất "hot" như: Ba chân lý, lời nhắn nhủ của hiền giả...và tôi nhận ra ông ta là người miền Trung, có thể là QN.Thật sự tôi chưa am hiểu nhiều về Phật pháp,về thiền, cho nên không dám nói ông ta đúng hay sai. Chỉ mong sao nhiều độc giả sớm nhận ra chân tướng của ông ta, đừng rơi vào tà kiến.

Nguyệt Trí vào lúc 18/04/2012 10:10

Thực đúng là " trâu lấm vẩy càn", loại người này là đồ chúng của Ma vương, là hàng Nhất xiển đề,phỉ báng chư Phật thánh hiền.

ngừơi ngoại đạo vào lúc 18/04/2012 10:15

Thật kinh tởm những con người như ông Duy Tuệ. Cũng vì Danh lợi cả!

thienvan vào lúc 18/04/2012 11:01

"Hiện tượng Duy Tuệ không phải là do cá nhân ai đó bao che, “chống lưng”, mà thực ra, vì ông ta chỉ mới hiện nguyên hình trong thời gian gần đây..."
Thế thí tại sao quý vị chức sắc trong cơ quan lảnh đạo Giáo hội PG không sớm "làm việc tư tưởng" với Ông Duy Tuệ này, để bảo vệ chánh pháp.
Tôi đọc bài: "Sách xuyên tạc Phật giáo được tôn vinh tại Văn Miếu!" (ở trang giacngo.vn), mà nhói lòng...

tue hai vào lúc 18/04/2012 14:49

GHPG VIỆT NAM đã làm gì trong vấn đề của DUY TỆ???

Tín Hạnh Nguyện vào lúc 18/04/2012 16:46

Nam mô A Di Đà Phật.
Kính thưa chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử.
Ngoài Duy Tuệ, Thanh Hải còn xuất hiện một nhân vật tên là "SƯ PHỤ TRẦN TÂM" với pháp tu gọi là "Pháp Môn Diệu Âm", mang hình thức là tu sĩ Phật Giáo nhưng thường nói về Thiên Đàng và Thượng Đế.
Đúng thật là thời này xuất hiện nhiều tà sư quá. Kính xin quý vị đi theo con đường chân chánh, lấy bát chánh đạo là con đường để đi cho đúng. Hãy chọn một pháp tu chân chánh, phù hợp với mình mà tu tập, chẳng hạn như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông. Nghiên cứu kinh luật luận cho thấu đáo, để không rơi vào con đường tà đạo.
Đức Phật dạy chúng Tăng hãy thay Ngài truyền bá đạo giải thoát: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác; hãy tự nương tựa nơi chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác.”
Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã tha thiết dặn bảo: “Các ông hãy tinh tấn lên để giải thoát.”
Xin kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc.

Bạch Tầm Xuân vào lúc 18/04/2012 17:21

Chúng tôi xin tri ân công đức của tác giả Minh Thạnh, vì bài viết này đã giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về "ngài Duy Tuệ".

vào lúc 18/04/2012 18:03

Hồi năm ngoái, tôi có dịp vào Sài Gòn vài tháng có ghé đến quán cơm chay ở ngay sát văn phòng 2 TƯ và được giới thiệu về bà Thanh Hải. Quán này có nhiều tăng ni đến ăn vào buổi tối không biết bây giờ còn không.

tú anh vào lúc 18/04/2012 18:55

sau vụ "đường tông thỉnh BCS" giáo hội đã lên tiếng nay con xin giáo hội tiếp tục lên tiếng xóa bỏ hai hiện tượng trên và con thấy ô nhục khi sách của duy tuệ lại đươc bán ở văn miếu http://www.baomoi.com/Home/ThietBi-PhanCung/www.tienphong.vn/Phuong-phap-Duy-Tue-chinh-thuc-duoc-gioi-thieu/8271801.epi
nam mô hộ pháp tạng bồ tát

Nguyên Uyên vào lúc 18/04/2012 19:19

Tôi xin đặc một vấn đề: tại sao giáo phái Pháp luân công không được phép hoạt động ở trong nước? Tại sao nhà nước ra tay tém dẹp họ một cách quyết liệt? Nếu xét vế mặt nào đó, giáo phái này "hiền" hơn tà phái của Duy Tuệ nhiều. Vậy thì tại sao Duy Tuệ được phép tồn tại, phát triển ? Có lẽ " hỏi là đã trả lời " rồi vậy!

tclq vào lúc 19/04/2012 00:23

Tới nay đã có kha khá những bài viết lẫn lời bình về chuyện Duy Tuệ, nhưng có lẽ không đi đến đâu vì mãi bàn tán những chuyện thuộc loại “ngoài da”, chỉ có tác dụng “đã miệng” đỡ bực tức nhất thời mà thôi.

Muốn đưa Phật giáo nhập thế, nhập thế thôi chứ chưa nói tới việc đủ sức để chống trả lại các kẻ thù khác, thì những vị lãnh đạo phải am hiểu vừa rộng vừa sâu về rất nhiều lãnh vực, trong đó có chính trị, thời sự. Nhưng xem ra ở Phật giáo đó là những thứ rất kém, có thể nói là yếu toàn diện.

Tại sao Nhà nước cấm cửa Thanh Hải, phải chăng do Thanh Hải đòi làm Vô Thượng Sư (ngồi trên cả Hồ Chí Minh)? Do đâu mà Chính quyền o ép Pháp Luân Công, vì Lý Hồng Chí dạy đệ tử múa may như nhà binh luyện võ à? Chính quyền đâu có siêng dữ vậy nếu Thanh Hải không dính líu tới Quốc Dân Đảng, cũng như nếu Pháp Luân Công không là cái gai trong mắt Bắc Kinh.

Không chỉ Tăng Ni Phật tử thôi, mà rất nhiều vị lãnh đạo Phật giáo đến giờ này mà cứ còn mơ mộng đến độ hoang tưởng, luôn hoan hỷ xem Nhà nước như là “đại thí chủ”, tán thán “công đức” của Chính quyền không khác gì “Bồ tát hộ Pháp”.

Chính quyền cũng đã từng không công đi tuyên truyền, ép buộc những tín đồ “tà đạo Hà Mòn” quay về với “chính đạo Công giáo”;[1] điều mà những người lãnh đạo Công giáo chắc là nằm mơ họ cũng không nghĩ tới. Chẳng qua là Nhà nước sợ họ chạy theo Kok Ksor thôi. Không phải Nhà nước không sợ Ki tô giáo, nhưng giữa cái lợi trước mắt với cái hại về lâu về dài Nhà nước đã chọn cái trước mắt. Mà Ki tô giáo họ cũng biết cách làm cho Nhà nước yên tâm phần nào. Mấy năm trước đây Mỹ bắt giam Vang Pao;[2] xúi Thái Lan trục xuất người Hmong về Lào,[3] dù người Hmong theo đạo Tin lành khá đông, (trong khi Thái Lan vẫn chứa chấp người Karen chống Miến Điện). Và gần đây là vụ Mường Nhé, Phương Tây họ làm lơ xem như chẳng có.

Nhà nước cũng phải “lại quả” chứ. Chục năm trước Chính quyền từng hứa hẹn cho Phật giáo (có cả Phật giáo hải ngoại) mở viện đại học ở Sài Gòn; xây trung tâm văn hóa Phật giáo ở Bà Rịa... Nhưng khi Việt Nam gia nhập WTO; khi Bộ Chính trị quyết định bang giao với Vatican; rồi Bush đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC... thì đại học Phật giáo trở thành “bánh vẽ”, còn trung tâm văn hóa hiện đang bị thu hồi đất, sắp tới sẽ cưỡng chế không chừng. Một món “lại quả” khác rất ồn ào nhưng chưa thấy ai bàn tới bao giờ, đó là vụ Bát Nhã. Mặc dù Chính quyền có nhiều lý do để mạnh tay, cũng như “«pháp môn» Jesus and Buddha as Brothers” khá nguy hiểm đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng nói gì nói, đó vẫn là một món quà “đáp lễ”.

Nhớ là hiện đang có một Phó Thủ tướng do Công giáo huấn luyện, một Phó Thủ tướng do Tin lành Thanh giáo đào tạo; và cả ba người con của Thủ tướng lần lượt do Tin lành Baptist, Tin lành Trưởng lão với Anh giáo dạy. Tìm thử xem còn được bao nhiêu Bộ trưởng chưa từng giao con cháu cho Ki tô giáo.

Hầu hết Phật tử không biết khẩu hiệu “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” có từ bao giờ, nhưng chắc biết là trước đó Đảng Cộng sản đã sử dụng hai chữ “dân tộc” từ lâu trong những văn kiện của họ. Hơn nữa, Phật giáo rất thường nói “hơn 2.000 năm” mà nhiều khi không biết đó là vạ miệng, nó gây khó chịu ít nhiều cho những người mới ngoài tám chục tuổi, hóa ra họ chẳng còn gì ư, chẳng là gì à, với họ rõ ràng Phật giáo đang tìm cách cạnh tranh, đương nhiên họ phải luôn luôn dè chừng. Chùa to tượng lớn là điều cần có để họ ru Phật giáo ngủ.

Nhiều người nghĩ Chính quyền cố giữ cho Phật giáo thống nhất trong một Giáo hội là do nhóm Hòa thượng Thích Quảng Độ, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Lý do chính là bởi Phật giáo Khmer, lúc nào cũng có nhiều Phật tử lẫn những Ông Lục luôn mong đem “Khmer Krom” về Kampuchea. Bỏ những điều này ra, kỹ thuật chia để trị luôn được mọi chính quyền áp dụng. Đạo Cao đài hiện tại đã có tới cả chục nhóm được công nhận và hoạt động độc lập, Phật giáo rồi cũng sẽ giống như vậy thôi. Đọc tới đây, còn có Phật tử nào vẫn chờ đợi được Nhà nước “hộ Pháp” dùm nữa không? Phải có sẵn những Duy Tuệ để khi cần đem ra sử dụng chứ.

Duy Tuệ cũng biết lợi dụng hai tiếng “dân tộc”, nhưng mạnh hơn nữa, ông ta kích động chỉ thờ Phật Trần Nhân Tông là “Phật của dân tộc”, để tẩy chay Phật Thích Ca “ngoại lai”; cũng còn may là ông ta chưa hô hào thờ “Phật Hồ Chí Minh”, chứ nếu không, chẳng biết mấy ngày qua báo chí Phật giáo viết như thế nào. Đã có người làm rồi nhưng chưa đến đâu vì “tay nghề” quá kém, và chắc chắn cũng sẽ có tiếp những người cố gắng lập ra “đạo Bác Hồ”, dạy tín đồ niệm “hồng danh Bác Hồ” thay Phật. Phật giáo sẽ làm gì trong trường hợp đó? E rằng Phật tử và có cả Tăng Ni nữa lại ra sức quảng cáo cho họ như đã và đang làm đối với Phan Thị Bích Hằng cùng cái Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người rất đáng ngờ. Dù là Osho, Thanh Hải hay Duy Tuệ họ cũng đều nhờ công rất lớn của nhiều Phật tử bơm lên đó thôi.

Nhìn lại tám chín chục năm trước, Phạm Công Tắc chỉ mất vài năm đã có được cỡ triệu tín đồ, và Huỳnh Phú Sổ còn nhanh hơn nữa, mà thời đó dân số chỉ khoảng ¼ hiện nay; nếu không bị cấm cản thì giờ này Thanh Hải với Lý Hồng Chí có lẽ cũng đã có cả triệu đệ tử ở Việt Nam. Thời nào cũng có những người như vậy, biết họ ở đâu ra để mà canh chừng, cứ chạy theo họ mãi đến bao giờ mới xong? Rõ ràng những cách phản ứng, khá hiếm hoi, cả xưa lẫn nay của các vị lãnh đạo Phật giáo cũng như những vị hộ Pháp đã không đem lại kết quả gì đáng kể.

Vậy cần xem lại cách hộ Pháp. Nhưng làm sao hộ Pháp cho nổi khi có những vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo cứ dạy “Thả chim Bồ câu”[4] vào những dịp đại lễ. Để phóng sinh thì thiếu gì loại chim, sao phải là bồ câu? Những người am hiểu đều rõ việc “thả bồ câu” là truyền thống Ki tô giáo có nguồn gốc từ Do thái giáo.[5] Thiếu hiểu biết hay cẩu thả đều nguy hiểm, nhưng sẽ không còn gì để bàn nếu đó là hành động “ôm bom” vô chùa. (Ki tô giáo xem ra họ đâu có phải tốn công “gài mìn”[6] đâu.) Một ví dụ nhỏ nhặt thôi và còn biết bao chuyện khác nữa.

Phật giáo phải hộ Pháp từ chính nội bộ trước đã, phải kiểm soát điều khiển được nội bộ bằng một cơ cấu đủ mạnh khác với hiện nay. Tổ chức ra sao là chuyện dài dòng không thể nói bằng đôi ba câu, nhưng có thể nghĩ đến một Ban đặc biệt bao trùm các Ban, kiểu như Bộ Chính trị vậy. (Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản bắt chước từ Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, gần 500 năm trước họ lập ra Bộ này để đối đầu với các phái Tin lành, kể ra họ đã thành công.)

Ai cũng biết, được nỏ thần đi chăng nữa mà lúc nào cũng có “giặc ở sau lưng nhà vua đó” thì chỉ có nước tự tử.

[1] cadn.com.vn/News/An-Ninh-Doi-Song/CA-Pha-An/2011/9/14/65676.ca
[2] antg.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=63922
[3] sggp.org.vn/SGGP12h/2007/9/119319
[4] giaohoiphatgiaovietnam.vn/vanban-hanhchinh-giaohoi/523-thong-bch-hng-dn-t-chc-i-l-pht-n-pl-2556.html
[5] catholic.org.tw/vntaiwan/vnbible/sangthe/sangthe08.htm
[6] phattuvietnam.net/diendan/15790.html

KHAI NHUAN vào lúc 19/04/2012 05:05

NẾU CÓ THỂ AI ĐÓ NÊN MUA BIẾU TẶNG THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ VÀ BAN VĂN HÓA TW GHPGVN MỖI VỊ MỘT QUYỂN “TA LÀ AI” CỦA DUY TỆ ĐỂ QUÝ VỊ NGHIÊN CỨU, HÌNH NHƯ HIỆN TƯỢNG NÀY CHỈ BÀN TRÊN CÁC TRANG BÁO ĐIỆN TỬ CHỨ CÁC NGÀI “KHÔNG BIẾT” (?) LÀ PHẢI, TÔI CÓ ĐEM HIỆN TƯỢNG DUY TUỆ HỎI MỘT SỐ TĂNG NI THÌ RẤT ÍT NGƯỜI BIẾT ĐẾN, KHÔNG HIỂU VÌ SAO ???

vào lúc 19/04/2012 07:56

đọc thêm chỗ này để thấy những mâu thuẫn và phi lý trong "lời dạy" của "đấng cứu thế" mới Duy Tuệ
http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/25594-ve-hien-tuong-duy-tue-va-thien-minh-triet/
A-Di-Đà-Phật

nguyễn nam vào lúc 19/04/2012 11:10

Nay đã rõ mười mươi, Thanh hải và Duy tuệ là những người lợi dụng Phật giáo để đạt những mục tiêu bất chánh :
1- danh ( nổi tiếng), lợi ( kiếm tiền ), Duy tuệ chưa nổi danh nên ra sách, bán sách, thuyêt pháp, lập công ty , Thanh hải thì chu du hải ngoại nhờ mác Việt kiếu, nhưng rốt cuộc cũng về VN kiếm ăn bằng cách mở công ty Âu lạc, mua bất động sản, mở và mua lại nhiếu nhà hàng chay , nhà hàng Hoa đăng ở đường HKN nay có thêm logo loving hut là đích thị của Thanh hải . Duy tuệ làm ăn kín tiếng hơn , trước đó y là cán bộ công ty xuất khầu quận 1, mua bán trầm hương lậu kiếm cũng khá, sau mở công ty riêng xuất khẩu hoa lan , bất động sản, y cũng có vợ con và chưa thấy y công bố y xuất gia thì vị bổn Sư của y là ai ??
2- Thanh hải thì chẵng ai dám chống lưng cho mụ này, vì mụ đã đăng đàn thuyết pháp chống nhà nước , lâu lâu chữi xéo, nói xiên xỏ chuyện quốc sự VN, mụ chỉ nói trong băng đĩa , in truyền đơn rãi ,phát lén lút chứ mụ này bị cấm về nước , nhưng chân rết của mụ từ nam ra bắc cũng khá nhiều , mở nhà hàng cơm chay là bước đột phá của mụ khi đến một địa phương nào vừa kiếm tiền vừa truyền tà đạo.
Duy tuệ thì khôn ngoan bài bản hơn, vì đã từng làm cho nhà nước nên y biết đường đi nước bước,trước hết y ăn theo, liên kết với tổ chức van hóa của nước ngoài để trùng tu chùa ở Yên tử,( kiếm các quan hệ thôi chứ tiền thì người khác bỏ ra,) y cũng làm thơ ca tụng các vua Trần , nhưng lại công kích phương pháp tu thiền của dòng thiền Trúc Lâm do một vị cao tăng khôi phục và xiễn dương, nghe y nói rất là xạo và bậy bạ , chính tai tôi nghe y nói y ngồi thiền đạt đến cảnh giới an lạc thú vị , còn hơn quan hệ sex. ( xin lỗi quý vị đã làm bẫn tai bẫn mắt quý vị , nhưng thực chất con người y là như thế ). Y khôn ngoan hơn Thanh hải, y muốn xiễn dương đạo của y , tư tưởng của y thì y phải len lõi vào trong giới văn hóa , tư tưởng , xuất bản , in ấn , truyền thông , y phải nhắm vào đối tượng các người trẻ tuổi khao khát tìm hiểu về đạo Phật , đội ngũ tiếp thị sách của y là các thanh niên ( thật tội nghiệp ) họ tích cực len lõi khắp nơi tiếp thị sách và truyền đạo duy tuệ và nghe đâu hội chợ sách vừa qua ở thành phố , công ty Minh triết của y có đăng ký giao lưu sách của y với độc giả ( thế mới ghê! ) cuối cùng chương trình của y và một vài chương trình khác bị hủy bỏ.
3- Hai nhân vật này , có bệnh hoang tưởng rất là nặng, tôi chưa gặp Thanh hải, nhưng Duy tuệ thì có, như đã nói họ muốn được nổi danh, muốn là đạo sư xiển dương Phật pháp , mà không đi học Phật, trái lại xuyên tạc công kích lời Phật dạy, họ tưởng khi nhà nước ban pháp lệnh về bình đẵng tôn giáo thì họ cũng lập đạo , miễn là không chống nhà nước thì chẵng ai sờ gáy có khi còn chống lưng nếu y mở rộng quan hệ với người có chức có quyền càng nhiều càng tốt . Y tưởng đây là chỗ mà y " nương tựa " , y tưởng với chính sách tự do và bình đãng tôn giáo ,thì muốn làm gì thì làm ,muốn nói gì thì nói , muốn rao giãng gì là rao giãng ,vì xuyên tạc bôi nhọ Phật giáo thì chẵng ai làm gì , ông Phật nhập diệt rồi, đạo Phật là đạo từ bi, các vị xuất gia hay cư sỹ thọ bồ tát giới rồi thì không nói lỗi người . Thưa quý vị hàng ngày tôi lạy Phật Bồ tát có vị Bồ tát tên là Thường bất khinh, hạnh của Ngài là mình không nên khinh ghét chê bai ai, vì ai cũng có Phật tánh . Đúng vậy, nhưng ngày hôm nay thấy Duy tuệ này càng ngày càng làm quá đáng , đi quá xa chúng tôi phải lên tiếng , việc làm của chúng tôi của chúng ta chính là giúp Duy tuệ sớm trở về với Phật tánh của chính mình,tránh khỏi địa ngục vì miệng chê cười của thế gian do cái tâm thức hổn loạn , cuồng điên, ngã mạn. Ông Duy tuệ đã lợi dụng sự quen biết, lợi dụng cái áo thầy tu, công kích giáo lý nhà Phật để lập đạo mới, lợi dụng sự cả tin của giới trẻ, khát khao tìm hiểu đạo Phật để lôi cuốn họ phục vụ cho cái danh và cái lợi của ông .Đó là chưa kể ông làm việc này lợi ích cả cho những thế lực chuyên nghề đánh phá, bôi nhọ đạo Phật bằng mọi hình thức , phương tiện , để đạo Phật ở VN lụn bại, suy tàn như ở thế kỷ trước.
Xin nói câu cuối cùng với Duy tuệ một người biết ông thuở còn hàn vi, làm gì thì làm ăn cắp ở đâu thì ăn cắp, lừa ở đâu thì lừa,kiếm danh kiếm lời ở đâu thì kiếm nhưng xin ông đừng nên đụng đến tôn giáo, không chỉ ở đạo Phật mà các tôn giáo khác. Ông không tin nhân quả, nhưng nhân quả vẫn có. Biển học mênh mông , muốn làm thầy thì phải làm trò,học chưa tới nơi tới chốn với tâm ngã mãn , tà kiến mà đòi làm giáo chủ , đạo sư thì là chuyện đội đá vá trời . Duy tuệ sẽ còn bi vạch mặt dài dài ,coi chừng có ngày rơi vào thảm họa như Osho của nước mỹ.
Nam Mô Hộ pháp Chư Tôn Bồ Tát

Nam Nguyễn - Đơn Dương vào lúc 19/04/2012 17:14

Cho con xin sám hối và nói lời trung thực tận đấy lòng của người con Phật . Không hiểu chư tôn đức trong Giáo Hội bây giờ ra sao nữa ? có còn nghỉ đến tiền đồ của Đạo pháp không ? Liên quan đến việc phát hành sách chống đối giáo hội và nhà nước ta ... Ở lâm Đồng có việc như thế này : Trong lễ trai tăng mừng thầy Trí Đnh5 về làm trú trì chùa Giác Hải huyện Đơn Dương ... ban tổ chức có kèm theo 1 quyển sách mang tựa đề " Đức Di lạc và long Hoa" trong phần quà trai tăng ... sau khi về đọc sách tất cả mới té ngữa vì nội dung sách này hoàn toàn đả phá Phật Giáo , đả phá hòa thượng Thích Thanh Từ , Hòa Thượng Thích Minh Châu cùng nhiều vị đại lão hòa thượng nởi tiếng ở nước ta ...nội dung scah1 còn xuyên tạc nói xấu Đảng và nhà nước ta ... nói chúng cuốn sách hoàn toàn phản động ... Ấy vậy mà việc này không được xử lý ... công an vào cuộc và .... đi vận động bà con thâu lại cuốn sách đó ... vì thầy Trí Định này là đệ tử của HT Thích Pháp Chiếu TRưởng ban trị sự phật giáo Lâm Đồng ( nhận ôn là Y chỉ sư ) ... Thế có buồn cười không chứ ???

cục đá núi vào lúc 19/04/2012 21:54

Ngày nay nhiều người muốn tạo bản sắc, tạo tông phái lắm. Có một tông phải dạt đệ tử thụt dầu để trị bá bệnh, trị được cả thoát vị đĩa đệm cột sống, diệt dục... nhưng giáo chủ thì mộng dục. Phương pháp này người ta gán cho cái tên mỹ miều, khí công nguyên pháp. Botay.vn

trúc pháp đăng vào lúc 20/04/2012 00:16

Tôi chia sẻ ý kiến của bạn tclq. Những gì bạn nêu rất rõ ràng, không tránh né. Đây chính là điều tôi muốn gửi gắm đến MT trong các comments trước. Tôi rất tâm đắc một câu "kết" của tclq " Phải có sẳn những Duy Tuệ để khi cần đem ra sử dụng chứ!"
Về " nghệ thuật" làm chính trị thì không ai có thể giỏi hơn người cộng sản!
Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp vong thân bằng cách tự thiêu, đảng, nhà nước VN tôn vinh, tạc tượng (!) Nhưng, cũng hành động tương tự như thế, cũng cùng một mục đích như vậy ( có thể còn cao cả hơn ), đảng, nhà nước CSTQ lại lên án các vị tăng ni Tây Tạng, gọi họ là bọn khủng bố(?)và, chính quyền Bắc Kinh được ủng hộ! Tóm lại, đối với người cộng sản, cái gì có lợi cho họ thì họ ca ngợi, suy tôn, che chở, bảo vệ, " chống lưng". Nếu ngược lại thì chắc chắn họ không bao giờ để yên chứ chưa nói là cho phép hoạt động công khai! Vậy thì trong hai trường hợp trên- có lợi, không có lợi- Duy Tuệ nằm trong diện nào?
Có còn ai ảo tưởng về một nhà nước luôn "hộ pháp" cho Phật giáo như một số người tâng bốc, tung hô không nhỉ? Và các nhà chùa có cần phải chụp ảnh phóng to, treo lên quảng cáo cho bá tánh biết rằng " đạo Phật luôn được đảng , nhà nước quan tâm" hay không?
Xin hãy xuống mặt đất để " cứu khổ, cứu độ", đừng " ở trên mây" nữa!

thienhung vào lúc 20/04/2012 14:35

Theo tôi thấy, hiện tượng này chỉ nên đặt ở mức độ "phê bình", "phản biện" chứ chưa nên tốn nhiều công sức để công kích một cá nhân như vậy, vì một khi công kích thì họ cố thủ, tìm cách gia cố rồi trở thành đối lập. Phật giáo thì không thiếu những cá nhân để phê bình, chỉ ra những ưu khuyết điểm trong những nhận định đó cho mọi người hiểu để khỏi lo âu buồn phiền. sách vở trong Phật giáo cũng cần có phê bình phản biện huống gì những bài viết kiểu này. Phê bình phản biện là quá trình làm sáng tỏ vấn đề vì nó chưa phải là chân lí, là cố định. Trong Phật giáo cũng có nhiều trường hợp giải thích sai, nhận định sai lạc như thế. Hiện tượng về Hòa thượng Thông Lạc là một ví dụ, rồi rất nhiều trường hợp khác. Các tôn giáo khác cũng có lắm các trường hợp kiểu này. Chẳng hạn hiện tượng Osho vv đều có những xuất phát điểm xong họ vẫn coi đó như một kiểu giải thích và có những đóng góp nhất định trong việc tu tập song không thể nào cạch tranh cũng như chiếm cứ vị trí của Bà la môn giáo trong xã hội Ấn độ được. Do đó điều cần thiết là giải thích cho mọi người hiểu nhưng phải trách thái độ thờ ơ , bàng quan. Xin trân trọng.

minh ngọc vào lúc 20/04/2012 14:40

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn TCLQ và Trúc Pháp Đăng và có lời khen bạn TCLQ đã cam đảm nói ra những điều muốn nói bấy lâu nay nhưng không thể nói.
Mong anh Minh Thạnh hãy đi đúng sở trường, đừng lung lạc ý chí mà đi vào sở đoản, đề xuất vu vơ: chụp ảnh phóng to một cách phô trương khoe mẽ, hay đề nghị sửa câu "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc" thành "Phật giáo luôn gắn bó cùng dân tộc" chẳng đi đến đâu.
Qua những sự việc diễn ra gần đây, chắc Minh Thạnh đã xâu chuỗi lại với nhau và "rõ mặt đôi ta" để tỉnh mộng rồi chứ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn