Khi Nền Kinh Tế Xây Dựng Trên Quan Hệ Và Niềm Tin Cá Nhân

29 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 17962)

Khi nền kinh tế xây dựng trên quan hệ và niềm tin cá nhân
Nguyên Cẩn

khi-nen-kinh-te-contentLời người viết: Chúng ta đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Từ sông con chúng ta đã hòa vào biển lớn. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải đối diện với bài toán liên kết, phối hợp thế nào để tạo ra những tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh và vươn ra thế giới. Thế nhưng, liên kết theo mô hình nào và dựa vào cơ sở pháp lý nào thì dường như chúng ta vẫn còn lúng túng, mà phần lớn đều dựa vào những mối quan hệ tồn tại giữa các doanh nhân hay doanh nghiệp. Hãy cùng nhìn lại những ưu nhược điểm trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển nhưng chỉ dựa vào những mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau.

Niềm tin trong xây dựng quan hệ:

Đã có lần một nhà đầu tư nước ngoài trong một buổi tọa đàm tuyên bố rằng: “Ở Việt Nam, know-who quan trọng hơn know-how”, nghĩa là biết người cần quan hệ, cần tiếp xúc thì quan trọng hơn bất kỳ bí quyết công nghệ nào.

Chúng ta không thể không đặt việc thiết lập các quan hệ ở một địa vị quan trọng trong công việc kinh doanh hoặc bất kỳ việc gì nếu suy rộng ra. Làm kinh tế là phải mở rộng, duy trì, xây dựng quan hệ với đối tác, khách hàng, với địa phương nơi mình đầu tư để có thể nhận được những hỗ trợ cần thiết. Truyền thống Á Đông coi trọng những quan hệ riêng tư, như chúc mừng nhau ngày lễ tết, các dịp hiếu hỷ,tang ma. Đấy là những lúc người ta có thể bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau và cũng là dịp để tranh thủ thiện cảm của người mà mình đang giao dịch. Các công ty Á Đông và cả những công ty Tây phương khi vào các nước châu Á cũng đã sớm nhận ra ý nghĩa của những món quà ngày Tết, kể cả Tết Trung thu, những cuộc du lịch dành cho khách hàng, đại lý, những ngày hội gia đình.

Nhiều doanh nhân kỷ niệm sinh nhật kết hợp với ngày thành lập công ty mời các quan chức, các công ty bạn bè đến dự nhằm tôn vinh giá trị các mối quan hệ và trình “làng” khả năng ngoại giao rộng rãi của mình.

Những mối quan hệ xây dựng từ niềm tin, qua niềm tin và bằng niềm tin ấy đã giúp họ ký kết rất nhiều hợp đồng và tiến hành nhiều thương vụ mà không cần ràng buộc nhiều đến quan hệ pháp lý.

Nếu ghé vào chợ vải Soái Kình Lâm hay chợ thuốc lá Học Lạc, chúng ta sẽ chỉ thấy các chị bán hàng giao những lô hàng tiền tỷ nhưng người mua chỉ ký vào những cuốn sổ nhỏ, ghi chép loằng ngoằng chi chít.

Tương tự, ở những công ty quốc doanh lớn cũng thế (!), người ta theo đủ các mô hình, nào là công ty mẹ-con, nào là đơn vị chủ quản, dơn vị thành viên nhưng các dạng xin cho theo kiểu bao cấp vẫn là phổ biến. Cấp trên giao dự án cho cấp dưới cũng dựa theo quan hệ và niềm tin.

Khi niềm tin không còn là cơ sở vững chắc

Chính đấy là lúc mà niềm tin phản bội lại các mối quan hệ. Đó là nguyên nhân của hàng loạt các vụ “giật hụi” ở chợ Soái Kình Lâm, là khi mà Bộ chủ quản phải giải trình về sự thất thoát của các công trình. Thử hỏi, nếu Bùi Tiến Dũng không lấy tiền đánh bạc, liệu Bộ GTVT có biết PMU 18 đã cố ý làm thất thoát bao nhiêu tiền? Đó là nguyên nhân sụp đổ của Nông trường Sông Hậu anh hùng, khi hàng trăm tỷ đồng bị mất không thu lại được vì buôn bán chỉ bằng quan hệ. Đấy cũng là nguyên nhân sinh ra vô số các “doanh nghiệp sân sau” mà ở bất cứ bộ ngành nào cũng có, từ căn tin trong các bệnh viện, trường học cho đến các ban quản lý ABC…ở mọi cấp.

Các thể chế pháp luật và các biện pháp đều tỏ ra thiếu hiệu quả và không đầy đủ nên các tòa án xét xử thường bị hoài nghi về sự chính trực và tính công minh. Bị giật nợ, người ta phải nhờ đến công an, “hình sự hóa” vụ việc hoặc thậm chí dùng luật “giang hồ”để xử lý.

Một nền kinh tế hay nói rộng ra nếu một xã hội không mang tính “thượng tôn pháp luât” và thiếu minh bạch thì rất khó điều hành. Báo cáo 2006 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency international) về hệ thống liêm chính của Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo: “Thói quen gia đình chủ nghĩa có tính phổ biến trong tất cả định chế nhà nước, cho dù trên lý thuyết vẫn có những hệ thống bổ nhiệm dựa trên các cơ sở năng lực phẩm chất”. Thói quen “gia đình chủ nghĩa này dẫn đến hậu quả là “quy tắc ứng xủ, nếu có, ít được thực thi”. Quy tắc ứng xử (Code of conduct) khác với “nội quy cơ quan” hiện hành ở chỗ xác định rất rõ những gì được làm và không được làm chung cho mọi công chức” (Tuổi trẻ chủ nhật, 10-12-2006).

Qua đó chúng ta thấy những giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần tôn trọng thứ bậc, kính trên nhường dưới trong gia đình, trong công ty đã bị biến tướng thành thái độ kẻ cả, xuề xòa, cụ thể qua cách xưng hô của nhiều thủ trưởng “mày tao chi tớ” với các nhân viên cả nam lẫn nữ và tỏ thái độ “người trên bao giờ cũng đúng”, cùng với cung cách kéo bè cánh cùng đơn vị cũ hoặc cùng địa phương đã làm xói mòn lòng tin ở thế hệ trẻ và gây ra tình trạng bè phái, cục bộ địa phương trong nội bộ, phản ảnh tình trạng xuống cấp về đạo đức nói chung của toàn xã hội.

Chúng ta phải làm gì?

Đặt được câu hỏi gần như đã trả lời được một nữa vấn đề, không nhìn đâu xa, Singapore, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản là những tấm gương về sự phát triển kinh tế nhưng vẫn phát huy những ưu điểm truyền thống vững vàng trong hội nhập, mà không đánh mất bản sắc dân tộc. Hãy xem các nhân viên Hàn Quốc luôn lắng nghe chỉ thị cấp trên và sẳn lòng đưa ý kiến riêng của mình một cách lịch sự mà không sợ bị trù dập, vì hơn ai hết họ hiểu nếu làm việc không hiệu quả thì trách nhiệm không chỉ thuộc về họ. Vụ con trai Tổng thống Hàn Quốc lợi dụng uy tín cha mình đã bị xử công minh trước tòa án và công luận. Trả lời phỏng vấn về việc này, một nũ phóng viên Hàn Quốc đã nói: “Tham nhũng ở nước nào cũng có, nhưng dám đưa ra trước công luận thì không phải nước nào cũng làm được”. Đó là điều mà chúng ta cần suy ngẫm. Nói về vấn dề này, tác giả Phạm Duy Nghĩa trong một bài viết gần đây của mình đã nói: “Những quan hệ kinh doanh là sự liên kết dựa trên niềm tin, sự đồng cảm, trách nhiệm, tương trợ và bảo vệ lẫn nhau. Ẩn sau những giá trị đó có hình bóng của trung, hiếu, tiết, nghĩa, của triết lý nhân quả, của tính cộng đồng trong con người Viêt”.

Nhưng chúng ta vẫn rất cần một hệ thống pháp luật với đẩy đủ sức mạnh thực thi, và một môi trường khõe khoắn cho tất cả doanh nghiệp cùng hít thở bầu không khí “minh bạch”. Tất cả phải được hiểu và làm trong bối cảnh xây dựng văn hóa kinh doanh song song với việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống. Có như thế, thì hội nhập mới trọn vẹn và nền kinh tế chúng ta sẽ vươn lên như một con rồng mới.

Nên lắm thay!

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 24

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn