Nhụy Nguyên
Bao Vinh hôm nay nếu soi vào lịch sử thật chẳng xứng với danh hiệu là khu thương mại lớn của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX. Khi cảng Thanh Hà bị sông Hương bồi lấp dần, người Minh Hương di chuyển lên Bao Vinh sinh sống, phố Thanh Hà trở lại với dáng vẻ của vùng quê nghèo thì làng Bao Vinh lại khoác lên mình tấm áo thị thành sáng láng...
Phố cổ bắt đầu từ cầu Bao Vinh, đến cống Địa Linh xem như hết. Qua cầu Bao Vinh gặp ngay ngôi đình - “cột mốc” quan trọng đầu tiên trong thiết chế văn hóa làng. Thiên Giang tự là điểm cuối của phố cổ. Ngôi chùa cổ quý hiếm. Lịch sử nhiều biến động, nhất là giai đoạn tiêu thổ kháng chiến năm 1946, chùa cũng nhiều tổn hại, tiếc nhất là sắc phong đã mất hoặc thất lạc nên cội nguồn chưa thấu tỏ. Bức hoành phi Thiên Giang Tự ở chánh điện, dòng lạc khoản ghi “Minh Mạng thập cửu niên Mậu Tuất” (1838), trong lúc bức thờ Quan Công bên phải ghi “Tự Đức năm Kỷ Dậu” (1849); phần nào chứng tỏ chùa được lập trước đền và đây không là sản phẩm thờ “vĩ nhân” người Hoa mang từ bản quán thời gian họ tới Bao Vinh sinh sống. Trong số câu đối được ghi trên các trụ biểu, có một cặp rất thâm thúy: “Nam hải liên hoa cửu phẩm hương/ Tây phương lục trúc thiên niên thúy”. Tây phương là cõi Cực Lạc lại gắn với lục trúc (loài cây ở cõi trần). Còn Nam hải (ngụ ý chỉ Ta bà hay như kinh Phật gọi địa cầu là Nam diêm phù đề) lại gắn với liên hoa (vốn được xem là “quốc hoa” ở cõi Tịnh). Dĩ nhiên câu đối này có thể hiểu theo hướng khác, song thiết nghĩ tác giả muốn gửi gắm cái triết lý: cõi Phật và Trần ai đều “Phàm thánh đồng cư”; khác là ở tâm người tịnh hay nhiễm.
Thiên Giang tự có thể xem đây là dấu son trên hình hài phố cổ. Bây giờ về Bao Vinh, điểm đầu tiên là tôi ghé chùa; cuốc bộ dọc phố cổ, lội vào chợ rồi trở ra trước bến đò ngang cũ nay chỉ còn trong trong ký ức của mấy người già luôn ngồi sâu trong những ngôi nhà rường cổ kính. Những ngôi nhà ngủ sớm. Hơn chín giờ phố đã vắng; còn chăng là mấy người đàn ông sau khóa niệm Phật ở lại pha trà nhâm nhi nói chuyện đạo Pháp. Ngày chưa có cầu, người dân làng Hải Dương cách mười lăm cây số, khổ hơn là lụi hụi qua đò Ca Cút, mưa gió cũng đến bằng được ngôi chùa đặc biệt ở Bao Vinh này niệm Phật đều đặn tháng ba mươi ngày. Trước cổng chùa Thiên Giang có câu đối ngỡ không dính líu đến Bao Vinh, thực tế khá quan trọng: Thiên bảo vật hoa tây diện điền viên đông diện phố/ Giang phong minh nguyệt nam thuyền kỳ cổ bắc thuyền ca. Từ góc nhìn này có thể hình dung ra địa thế của làng (phía tây ruộng vườn, phía đông phố phường) và sinh khí từ khung cảnh trăng thanh gió mát yên bình ở một nơi có “dòng sông trời” vắt qua...
Bến đò Bao Vinh xưa kia trước mặt chợ Bao Vinh. Bên kia bến đò ngang Bao Vinh là làng Tiên Nộn. Người làng sống chủ yếu nhờ vào trồng rau. Hồi xưa cứ sang ngày là bến đò bắt đầu nhộn nhịp. Khoảng một giờ sáng đã xao động tiếng chèo khua, tiếng trao đổi rì rầm. Các mặt hàng từ làng Tiên Nộn lần lượt qua sông, nhiều nhất là rau củ quả, bắp. Bên này nào xe thồ, xích lô, nào xe cải tiến đợi sẵn đón những chuyến hàng đầu tiên phóng ra chợ giữa cái se lạnh của sương đêm. Có thể nói đây là bến đò thức sớm nhất thành phố. Cầu chợ Dinh từ lúc được bắc đã vắng đi cái khung cảnh tấp nập thuở nào và những chuyến đò cũng thưa bớt, song bến vẫn như một người mẹ lo toan khuya sớm. Chiều xuống ở bến đò ngang, thi thoảng có mệ già trên vai một gánh chè, vắng khách lại nhọc nhằn quang gánh dọc chợ mời chào. Trên vài chục năm trước, những gọ cá đầy khoang thẳng từ Thuận An tấp về, sau đó hàng được mua sỉ ùa ra chợ An Cựu và một số chợ xép. Đông đúc, lộn xộn và ô nhiễm, bến được chuyển đến đoạn sông cuối phố, đối diện cửa chùa Thiên Giang. Nguyên là một thảo am. Chùa làng. Dấu hiệu rõ nhất ở việc vừa thờ Phật (bức hoành bên phải từ trong chùa nhìn ra: Từ hàng tế độ) vừa thờ những con người phi phàm hoặc có công với nước (thể hiện qua bức hoành bên trái Thiên cổ vĩ nhân).
Vóc dáng Thiên Giang tự mang kiến trúc thời Lý Trần. Trong chùa còn bức tượng Phật bằng đất nung với khuôn mặt rất thuần Việt. Bên phải chùa có miếu Thành hoàng, bên trái là miếu Âm linh. Tích truyền, một ngày vua Tự Đức dong thuyền rong chơi, gặp mưa nên ghé chùa trú ngụ, và đặt tên chùa là Thiên Giang. Điều này có lý bởi thời vua chúa, nếu không là bậc đế vương mấy ai dám đặt tên sự vật gắn với chữ “Thiên”. Ba chữ “Thiên Giang tự” được khắc nổi ở chuông. Chuông không lớn, âm thanh trong và vang. Một số người cao tuổi vẫn truyền lại câu chuyện, rằng chuông do thứ phi của vua Quang Trung là bà Lê Hữu Tí dâng tặng. Gặp cảnh vua Gia Long quét sạch những gì còn vương lại từ tiền triều, chuông được dân làng chôn giấu, mãi sau này mới đào lên… Có lẽ người dân quá quý trọng vị anh hùng áo vải nên phần nào thêu dệt, chứ thực ra trên chuông ghi rõ “Gia Long nhị niên, trọng thu nguyệt, nhị thập tam nhật” (Gia Long năm thứ 2 - 1803, ngày 23 tháng trọng thu”, và còn khắc tên một số công tử nữa.
Chùa quay mặt về hướng đông. Vào sáng có cây bồ đề và cây sứ đỏ tỏa bóng xanh mát. Chiều về gió từ mặt sông lùa vào, mặt trời lấp lóa từ phía sau tạo nên một không gian trầm lặng, yên bình. Chùa gần chợ mà không đông, không nhiễm “văn minh” chợ. Dân quanh đây nhiều người hướng Phật, ý tứ giữ gìn nên qua bao nhiêu năm chùa “vẫn thế”. Cuộc sống có thể phát triển, từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa lai tây tàu nhưng lối tu tập của người Phật tử vẫn nền nếp. Cứ tối đến lại có vài chục người đủ giai tầng đến chùa niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Trí thức có, tiểu thương, người khuyết tật có, đến chùa không phân biệt giàu nghèo gần xa đều gắng nhiếp tâm. Nếp này có từ xưa, nay không đổi. Văn bản của làng ghi rõ: Chỉ mở cửa chùa niệm Phật. Điều này cũng gần giống với tinh thần của Ấn tổ Tịnh độ tông: đạo tràng khoảng vài chục người, mỗi một việc niệm Phật cầu sanh Cực Lạc; tứ chúng cúng dường thì dùng tiền đó in kinh sách, không phí phàm một xu. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm 2013 này, chùa ấn định ngày vía Phật Di Đà (17 - 11) chiêu mời quý Phật tử mọi nơi cùng về niệm Phật trọn một ngày đó. Và vào ngày vía Phật Di Đà, Phật tử, có Việt kiều là Phật tử của chùa gửi tiền, áo quần giúp con em học sinh của Gia đình Phật tử. Cứ vào ngày rằm tháng tư có lệ thu gom sách các lớp rồi phân loại, sửa sang, thiếu thì mua mới bù vào cho đủ bộ rồi phát cho con em của quý đạo hữu yên tâm vào năm học mới. Người trong đạo tràng đặt lệ “hũ gạo tiết kiệm”, cuối tháng góp chung tại chùa hỗ trợ người nghèo. Bên cạnh chút ít vật chất, điều quan trọng là hàng ngày mỗi người Phật tử đều nhớ đến người nghèo hơn mình; mỗi lần sớt lại nắm gạo chính là khơi dậy lòng từ bi sâu thẳm.
Ai cũng có thể ghé chùa, thanh sạch chánh niệm uống trà ngẫm về cõi đời ngắn ngủi và vũ trụ bao la. Khi sương còn giăng phủ, người ngủ ở chùa đánh chuông rồi tận hưởng vị trà thanh khiến lúc chuyến đò ngang đầu tiên vừa cập bến. Một đêm trăng treo trước cửa chùa, mấy người sau thời khóa công phu quây lại bên hiên chánh điện luận bàn đạo pháp. Ông trưởng ban hộ tự ngoài tám mươi vẫn một hình hài rắn chắc, còn bảo nếu có ốm đau cũng gắng bò đến chùa niệm Phật. Làm gợi nhớ đến ni sư Đạo Chứng, lâm bệnh nan y liền nguyện thà lễ Phật mà chết còn hơn chết ở trên giường. Một vị tổ sư đưa ra thí dụ sâu sắc: trăng tượng trưng cho Phật/Pháp, Tâm tượng trưng cho nước. Hễ đâu có nước sẽ hiện trăng. Nhưng nếu tâm ai vọng động (nước ấy không trong lặng), trăng nhấp nhóa mờ nhòa. Tâm càng trong trăng càng hiện rõ.
Mỗi lần về phố cổ Bao Vinh thăm Thiên Giang tự, cảm tưởng như được trở về mái nhà xưa thân thương nghỉ tạm để tiếp thêm nghị lực hướng về cõi Tịnh đầy bao dung.
N.N