Chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 3
Chùa Hoằng Pháp Sáng
ngày 14/12/2013 (12/11/Quý Tỵ), ngày đầu tiên của khóa tu Phật thất lần
thứ 75, chùa Hoằng Pháp thực hiện chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 3. Nhân vật của chương trình là doanh nhân tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, pháp danh Thiện Đức Tổng Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà.
Mở đầu chương trình tọa đàm “Hoa Mặt Trời”, doanh nhân Mạnh Hùng - Phật tử Thiện Đức bày tỏ sự xúc động khi được có cơ hội chia sẻ hành trình tìm về bến giác của mình trước đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử đang dự tu Phật thất. Trong bầu không khí trang nghiêm, lắng đọng, doanh nhân Mạnh Hùng đã kể lại ký ức về tuổi thơ bất hạnh, nghèo đói, nhưng với cái tâm không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, doanh nhân đã nỗ lực, cố gắng vươn lên, trân quý từng cơ hội mà cuộc đời mang lại để cải hóa vận mệnh. Nhờ nỗ lực không ngừng, cuối cùng doanh nhân đã đạt được thành công: thỏa nguyện khát vọng làm giàu và chinh phục đỉnh cao tri thức. Điều đặc biệt là trên hành trình tìm kiếm giá trị và khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình, doanh nhân ngưng lại sự tìm cầu về gia tài vật chất để bồi đắp gia tài tâm linh và trí tuệ khi cảm nhận được sự vi diệu, lợi lạc mà giáo pháp đức Phật đã mang lại, trở thành một người năng nổ, nhiệt huyết và cống hiến hết mình cho các hoạt động vì cộng đồng thuộc các lĩnh vực văn hóa, tri thức và tâm linh. Sau những chia sẻ của doanh nhân Mạnh Hùng – Phật tử Thiện Đức về cuộc đời, sự nghiệp và nhân duyên với đạo Phật, Thượng tọa Thích Chân Tính đã có đôi lời đúc kết, nhận định, đó là: Giá trị một đời người nằm ở hành động, sự cống hiến của người ấy đối với cộng đồng, và sự nghiệp trí tuệ là sự nghiệp cao quý nhất của một đời người. Sau lời nhận định của Thượng tọa, trước khi kết thúc chương trình, doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp đàn và hát lên những dòng tâm tư bày tỏ niềm biết ơn đến quý thầy, niềm hạnh phúc, sung sướng khi được sống trong đạo pháp, được tham dự chương trình và được chính thức là khóa viên của khóa tu Phật thất lần thứ 75. Chương trình kết thúc trong niềm hoan hỷ của đại chúng. Xem bài: Cảm xúc về chương trình “Hoa mặt trời” của TS Nguyễn Manh Hùng (bên dưới) Sau đây là hình ảnh ghi nhận: (Chùa Hoằng Pháp) Cảm xúc về chương trình “Hoa mặt trời” Thế rồi tôi bất ngờ nhận được lời mời làm khách mời của chương trình “Hoa mặt trời” (phiên bản mới của “Phật pháp nhiệm màu”) cho khóa tu Phật thất lần thứ 75. Vừa xúc động vừa lo lắng, bởi đây là một chương trình lớn, người nghe trực tiếp thường trên 3.000 Phât tử tham gia khóa tu, rồi còn được in thành đĩa và phát trên mạng cho cả thế giới xem. Cái gì đến cũng phải đến. Tôi tin, chương trình rồi cũng sẽ thành công. Bởi tôi nghĩ rằng những chia sẻ thật tâm và thành thật của mình chắc hẳn thế nào cũng giúp ích được cho các bạn đồng tu. Sự ngạc nhiên và cảm xúc đặc biệt đầu tiên của tôi đối với thầy Tâm Nguyên – người phụ trách chính chương trình “Hoa mặt trời” – một vị thầy rất chu đáo và cẩn thận trong công việc. Thầy liên tục gọi điện, nhắn tin và quan tâm đến tôi cũng như khâu chuẩn bị chương trình. Thầy và ê kíp còn bay ra tận Hà Nội, đến tận Thái Hà Books để “thực chứng” hoạt đông của công ty với “Vườn yêu thương” mà thầy được nghe (Tiếc thay, khi thầy ra, tôi đi công tác vắng). Thầy gặp và phỏng vấn các đồng nghiệp trong công ty. Rồi thầy tìm ra những người thầy, người bạn của tôi để đến phỏng vấn: Đại đức Thích Minh Đồng – trụ trì chùa Hưng Khánh, Đại đức Thích Minh Tri – Trung cấp Phật học Hà Nội, bạn Dương – phóng viên trang phatgiao.org.vn, bạn Tín An – Phật tử nhiệt tâm thường xuyên tham gia tổ chức các khóa tu cho sinh viên, bạn Ngọc – sinh viên Đại học Ngoại thương là 1 trong những sinh viên Phật tử học trò của tôi, bé Đỗ Nhật Nam – tác giả, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam,…. Thầy cũng đến tận văn phòng công ty sách Thái Hà tại TP HCM để gặp gỡ trực tiếp các đồng nghiệp của tôi ở phía nam cũng như gặp nhiều người khác để tìm hiểu về thân nhân, tính cách và những gì tôi đã và đang làm. Chưa bao giờ tôi thấy một chương trình mà ban tổ chức mất công phỏng vấn và tìm hiểu nhiều đến vậy. Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên và có những xúc cảm đặc biệt khi biết thầy Tâm Nguyên nghiên cứu về tôi khá kỹ. Thầy tự tìm trên internet các chương trình do tôi tham gia. Thầy đọc rất nhiều trong số các bài viết trên các báo và tạp chí do tôi tự viết hay viết về tôi. Thầy cũng đọc cả những cuốn sách do tôi viết, nên hầu như thầy nắm rất rõ về nhân vật trong chương trình của mình. Hội chúng lắng nghe Một cảm nhận đặc biệt nữa là thầy rất quan tâm đến sân khấu. Tôi thật sự khó tưởng tượng ra rằng quý thầy chuyên tu, chỉ sống trong chùa là chính, mà có thể tự biên tự diễn và có bố cục sân khấu tốt đến vậy. Thầy sửa đi sửa lại từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Phải nói là thầy Tâm Nguyên tỷ mỷ đến mức khó tin. Để cho chương trình được tốt nhất có thể, tôi quyết định tham gia khóa tu để thực sự mình là một tu sinh, để hòa mình vào “Phật thất”. Hơn nữa, ít nhất tôi có 2 ngày tu tập trước chương trình cùng hàng ngàn bạn tu, sẽ thêm năng lượng và sự tỉnh thức cho việc sẻ chia của mình. Thế là tôi mặc đồ lam vào ăn cùng, ngủ cùng, tu tâp cùng với hơn 500 tu sinh khác của khu vực nam giới. Đêm trước khi diễn ra “Hoa mặt trời” thầy Tâm Nguyên hẹn tôi xem lại sân khấu lần cuối. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Tôi thích nhất là cuốn sách rất to và đẹp được trang trí trên phông chính với hình ảnh 1 con người làm chủ tri thức và trí tuệ trên đó. Tôi thấy thầy trăn trở với từng cuốn sách được bày trên sân khấu. Tôi thấy xúc động khi từng thành viên trong nhóm tự tay sơn lại những vết bẩn để lên hình được hoàn chỉnh nhất, để người xem hài lòng nhất. Thầy Tâm Nguyên trăn trở và tâm sự với tôi về việc thầy đã tìm ra hình ảnh của đoàn tàu trong phần video intro cho chương trình. Đoàn tàu sẽ tượng trưng cho hành trình đi tìm sự bất tử của người con Phật. Đoàn tàu sẽ đưa tôi về với quá khứ của tuổi thơ nghèo khó, với hành trình “cá nhỏ ra biển lớn” từ khi vượt thoát làng quê lạc hậu, đói kém đến khi đặt chân đến xứ người, nước Nga. Rồi chính đoàn tàu ấy giúp tôi tìm thấy con đường bất tử từ cái vòng luẩn quẩn bế tắc. Tôi biết rằng từ bi và trí tuệ chính là con đường duy nhất giúp tôi, giúp mỗi chúng ta thoát mọi khổ đau. Trên con đường đúng này, việc cho đi để nhận được nhiều hơn nữa là những việc làm đầy thiện lành và phước đức. Nói thật rằng, tôi đã tham gia hàng trăm chương trình lớn nhỏ nhưng ít có ai có thể làm được như thầy Tâm Nguyên: kỹ lưỡng, cẩn thận, chu đáo, tâm huyết, trăn trở, lo toan, ân cần, kín đáo. Hơn nữa, các đài truyền hình hoặc các chương trình tọa đàm, giao lưu hiện nay thường người làm kịch bản là người tìm hiểu sâu về nhân vật nhưng khi vào chương trình lại xuất hiện một MC chân dài hay đẹp trai, nói năng lưu loát nhưng chỉ đọc lướt qua kịch bản được chuẩn bị sẵn nên khó mà có chiều sâu. Cá nhân tôi rất thích những MC trực tiếp tìm hiểu nhân vật và tự làm kịch bản như thầy Tâm Nguyên của “Hoa mặt trời”. Đêm sát ngày diễn ra chương trình tôi hầu như không ngủ. Trằn trọc và lo lắng. Bởi 3 khóa tu Phật thất trước đó, trong đó có 1 khóa tu mùa hè dành cho học sinh sinh viên thì khách mời là bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, Giáo sư Ngô Bảo Châu và Đạo diễn Việt Trinh. Ai cũng nổi tiếng và tài giỏi gấp tôi nhiều lần. Tôi lo lắng hơn khi biết rằng thường thì khóa tu Phật thất có hơn 3,000 phật tử tham gia, nhưng riêng khóa cuối cùng của năm, có đêm hoa đăng mừng ngày vía của Đức Phật Adida thì đông hơn nhiều. Tôi nghe trên loa thấy quý thầy thông báo các con số để phân công chỗ ở và ăn thì thấy bên nữ có đến hơn 4.200 và bên nam chúng tôi là hơn 500. Thầy Tâm Nguyên còn nói với tôi rằng chương trình rất quan trọng và số đĩa của chương trình trước được in ra là đến 50.000. Tôi nhẩm tính nếu mỗi đĩa chỉ cần có vài người xem thôi thì con số đã lên đến mấy trăm ngàn rồi, không kể nhiều Phật tử xem qua internet hay tự copy đĩa tặng nhau. Thật là hồi hộp. Một chi tiết khó quên và ấn tượng nữa là thầy Tâm Nguyên đề nghị tôi hát khi kết thúc chương trình. Quả thật rằng, nói và làm là sở trường của tôi chứ hát thì… Nhưng tôi vẫn nhận lời sẽ tự sáng tác lời cho 1 bài hát ngay trong đêm. Tuy nhiên cần mượn được 1 cây đàn ghi ta, trong khi bây giờ đã là 22h. Tôi về phòng và các tu sinh đã ngủ hết. Sáng hôm sau tôi vẫn ngủ dậy lúc 3h30 sáng như thường lệ và bắt đầu tu tập như bình thường với tất cả các bạn tu. Chỉ sau khi ăn sáng, về đánh răng xong tôi mới đến gặp ban tổ chức, thầy Tâm Nguyên dặn tôi mặc quần áo như bình thường là sơ my, quần ka ki để mang tính quần chúng, thay vì quần áo tràng lam. Đây cũng là một chi tiết làm tôi bất ngờ về tầm nhìn của một vị thầy trẻ, với tâm huyết mang đạo vào đời thật nhẹ nhàng chứ không quá nặng nề tính giáo điều, khuôn sáo. Đúng 7h30 tôi bước vào hội trường và thực sự xúc động bởi sự cổ vũ của hơn 1 ngàn tu sinh có mặt trực tiếp và mấy ngàn các tu sinh đang ngồi tại các hội trường khác theo dõi qua màn hình lớn. Tôi nhìn xuống một rừng áo lam với những khuôn mặt đầy an lạc và năng lượng. Chợt rung mình. Mình nhỏ bé quá! Thượng tọa Thích Chân Tính tặng hoa chức mừng Phật tử TS Nguyễn Mạnh Hùng. Rồi thầy trụ trì bước ra để chứng minh cho chương trình. Chúng tôi kính chào Thương tọa Thích Chân Tính để rồi chương trình bắt đầu. Tôi theo dõi 3 hơi thở, lấy lại định lực. Hình như tôi đã bối rối trong phần đầu tiên. Trước mặt tôi là mấy ngàn vị Phật tương lai. Ngay cạnh tôi là thầy trụ trì nổi tiếng tài năng, tâm huyết, đạo cao đức trọng. Hình như tôi cứ vậy mà nói, nói không suy nghĩ để trả lời các câu hỏi của thầy MC Tâm Nguyên. Tôi nói trong thiền. Tôi thiền nói. Bởi tôi biết có chư Phật và các vị Bồ tát đang gia gia hộ. Nhìn xuống bên dưới tôi thấy nhiều người khóc. Những giọt nước mắt lăn trên những khuôn mặt. Những con mắt đỏ au… Nhìn xuống tôi lại thấy những người bạn tu của tôi thi nhau cười. Những nụ cười thật sảng khoái và an lạc. Tôi không biết mình đã nói gì mà họ cười nhiều thế. Rồi những tràng vỗ tay dài xen kẽ với những khoảng lặng sâu lắng. Xúc động vô cùng. Tôi chỉ biết chắp tay xá chào tất cả, với lòng thành kính và biết ơn sâu nhất. Tôi chăm chú xem những clip mà quý thầy đã chuẩn bị. Vô cùng công phu. Rất tuyệt vời. Tôi đã lặng người đi trong nhiều giây lát. Xúc động lắm, khi được ngồi cạnh Thượng tọa Thích Chân Tính và được thầy Tâm Nguyên xưng hô “Thầy” (mặc dù chữ thầy ở đây là thầy giáo). Tôi cứ tâm niệm mình phải chánh niệm, phải hết mình trong mỗi phút giây tuyệt vời này của cuộc sống. Và tôi vẫn nhớ như in những lời nói của Thượng tọa trù trì chùa Hoằng Pháp, rằng giá trị một đời người nằm ở hành động, sự cống hiến của người ấy đối với cộng đồng, và sự nghiệp trí tuệ là sự nghiệp cao quý nhất của một đời người. Thật là những lời dạy quý giá. Chương trình diễn ra thật sâu lắng và xúc động. Quả thật, đến bây giờ tôi vẫn không nhớ mình đã nói những gì, đã ứng xử ra sao, đã “bí” hay khó xử vào những lúc nào. Nhưng quả thật là “Cửa bất tử rộng mở. Cho những ai chịu nghe. Hãy từ bỏ tín tâm. Không chính xác của mình.” ( kinh Trung bộ I, 271). Đúng quả thật là sự xuất hiện của Đức Phật trên cõi đời này đánh dấu một bước ngoặt trọng đại. Ngài đã tìm ra con đường giải thoát cho bản thân mình và cho tất cả chúng sinh. Ngài đã thật sự mở ra cánh cửa bất tử, vén lên bức màn vô minh và từ đó những ai thực hành lời dạy của Ngài, đều có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứng quả bồ đề niết bàn. Chương trình kết thúc trong bất ngờ và tiếc nuối. Hàng trăm tu sinh vây quanh tôi xin chữ ký và điện thoại. Tôi xúc động vô cùng. Có những tu sinh đã hơn 80 tuổi. Nhiều em thì còn rất trẻ. Có những bạn đạo đã tham gia hơn chục khóa Phật thất. Xúc động và bối rối vô cùng. Có người còn đã kịp làm tặng tôi cả thơ. Sao mà họ nhanh và giỏi đến vậy. Sao mà cảm xúc của họ tuyệt vời đến thế. Xin gửi kèm bức ảnh chụp bài thơ do 1 tu sinh sáng tác tặng ngay sau chương trìnhTrong lúc ngồi nghỉ sau chương trình tôi lại được tâm sự với thầy Tâm Nguyên. Từ nụ cười hoan hỷ củaThầy, tôi biết rằng tôi đã không phụ lòng thầy và quý Phật tử qua những chia sẻ chân thành của bản thân. Và các bạn có biết không, hỗ trợ thầy còn có những cư sỹ tuyệt diệu khác như bạn Thịnh, người đã làm công quả trong chùa hơn 8 năm nay, như em Diệp, cựu sinh viên đại học Ngoại thương Hà Nội đã phụng sự tại chùa Hoằng Pháp hơn 7 năm, như em Oai còn rất trẻ tuổi nhưng cũng đã giúp quý thầy được hai năm có lẻ,…. Tôi nhìn thấy trước mặt tôi là những vị Bồ tát giáng trần. Ngưỡng mộ vô cùng. Tôi xin chép ra đây lời bài ca mà tôi đã hát vang từ tận trái tim mình trong buổi sáng thứ 7 đáng nhớ này. Lời 1 tôi tặng riêng cho Thượng tọa Thích Chân Tính và các quý thầy đáng kính. Lời 2 tặng cho các Phật tử đang tinh tấn tu tập, đang trên đoàn tàu đến bến bờ giác ngộ và giải thoát. Đây cũng là món quà mà tôi muốn tặng đến tất cả những ai tin và đang tìm đến con đường bất tử. Và tôi mong rằng mỗi ngày sẽ có thêm một số người nữa nhận ra giá trị tuyệt vời và cao quý của Đạo Phật. “Thành kính dâng lên quý Thầy của chúng conLời ca, con cất lên từ trái tim Công đức của Thầy lớn lao hơn trời cao Là đuốc sáng soi đêm – kỳ diệu sao. Con hứa sẽ tu, chúng con quyết tâm tu Trí tuệ và từ bi, vững bước về Phương Tây Vững bước ngay từ hôm nay. Này hỡi, các bạn đạo của con Bài ca, con hát riêng để nhắc nhau Tinh tấn bên nhau ta cùng tu Tươi sáng tương lai đang chờ đón. Bên nhau mãi đi thôi Cùng nhau tu mãi, anh chị em ơi Cực lạc ở Phương Tây, Đức Phật đón chờ ta Vững bước 1,2,3…. Vững bước về với Phật A Di Đà” Xin cảm ơn cuộc đời, xin cảm ơn mọi người, xin tri ân tất cả những con người thánh thiện tại chùa Hoằng Pháp đã
cho tôi trở lại tuổi thơ,quay về với những ngày tháng gian lao vất vả nhưng cũng đong đầy bao kỷ niệm trên một chuyến tàu được mang tên “Hoa mặt trời”. TS Nguyễn Mạnh Hùng (pháp danh: Thiện Đức) Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà.
|