Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Thích Nhật Từ Khể Thủ

30 Tháng Ba 201400:00(Xem: 3424)


T
HÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH

Thích Nhật Từ khể thủ


 
Năm Đinh Tỵ,[1]tại Mỹ Luông,[2]Sa Đéc
Một cao tăng tái kiếp[3]làm hài nhi
Thân tướng đỉnh đạt, cốt cách phương phi
Trong gia đình, mẹ cha[4]đều tin Phật.
Mồ côi cha khi vừa tròn ba tuổi
Lại vĩnh biệt mẹ lúc được bảy xuân
Dù tuổi trẻ, nhìn thấy đời bất hạnh
Nghiên tầm Phật pháp,[5]quyết chí đi tu.[6]

Từ bỏ cao sang, ăn chay, niệm Phật
Hai mươi mốt tuổi, cầu đạo xuất gia
Đến Chùa Vạn Linh, [7]núi Cấm, tầm sư
Rằm tháng 2 được bổn sư thế phát.[8]

Ngày đêm tinh tấn, ít ngủ, siêng tu[9]
Kinh điển thuộc làu trong thời gian ngắn[10]
Hai ba tuổi, lên Sài Gòn, Thị Vải
Rồi ra Bình Định, đọc Từ Bi Âm.[11]


Hai mươi bốn tuổi, đến Chùa Tây Thiên
Nương tăng thống Thích Giác Nhiên học đạo[12]
Cùng các ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa[13]kết bạn
Học Duy thức, Lăng Nghiêm, tâm trí sáng thông.[14]


Hai lăm tuổi thọ Sa-di tại Quốc Ân[15]
Một năm sau, xong Trung đẳng Phật học
Hăm chín tuổi, ngài tốt nghiệp Cao đẳng[16]
Từ dạo đó, quyết cất bước độ sinh.[17]


Làm quản đốc An Nam Phật học viện[18]
Cùng ngài Trí Quang, giúp đỡ học Tăng
Đưa bốn mươi Tăng vào Lưỡng Xuyên Phật học[19]
Đào tạo Tăng tài, hưng hiển miền Nam

Hăm chín tuổi, đăng đàn Tỳ-kheo thọ giới[20]
Tại Chùa Long An, Sa Đéc quê hương
Cùng năm này, ngài cùng tổ Thiện Hoa
Thành lập Phật học Phật Quang,[21]hoằng pháp
Băm hai tuổi, cùng ngài Huyền Dung đức độ
Lập Liên Hải Phật học đường,[22]độ Tăng
Băm lăm tuổi, ngài cùng tổ Thiện Hòa
Lập Phật học đường Nam Việt[23]tại Ấn Quang
Phật giáo miền Nam xán lạn từ đây
Hành trình hóa độ thênh thang rộng mở
Băm chín tuổi, ngài xây chùa Vạn Đức[24]
Lập Cực Lạc liên hữu,[25]phát triển Tịnh tông.
* Bốn ba tuổi, ngài làm Trị sự phó
Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam[26]
Mở các giới đàn Pháp Hội, Ấn Quang[27]
Truyền bá giới luật, tiếp tăng độ chúng.
Bốn lăm tuổi, ngài làm Phó viện trưởng
Phật học viện Trung phần Hải Đức,[28]Nha Trang
Tuyên giảng giới luật, giáo pháp cao minh
Giúp người hiểu đạo, hoằng truyền Phật pháp.
Năm mươi tuổi, ngài làm Chánh Thư ký
Viện Tăng Thống GHPGVNTN[29]
Năm mươi bốn tuổi, ngài làm Viện trưởng
Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm.[30]

Rồi từ đó, Cố vấn Tổ đình Ấn Quang[31]
Trưởng khoa Phật học, Đại học Vạn Hạnh[32]
Rồi Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng[33]
Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo[34]PG bấy giờ
Khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam[35]
Làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự
Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Sài thành[36]
Rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự lâu nhất[37]

Ngoài giới luật, ngài chuyên dịch kinh điển
Kinh Pháp Hoa,[38]Kinh Bát-nhã,[39]Niết-bàn[40]
Kinh Hoa Nghiêm,[41]Đại Bửu Tích[42]cao siêu
Kinh Địa Tạng, phẩm Phổ Hiền[43]hạnh nguyện


Giới bổn Bồ-tát, Giới bổn Tỳ-kheo[44]
Được biên soạn dễ hiểu, dễ hành
Pháp Hoa Cương yếu, Thông nghĩa[45]rõ ràng
Soạn Kinh Tam Bảo[46]thọ trì sớm tối
Ngộ Tánh luận, Đường về Cực Lạc[47]
Rồi lập Cực Lạc liên hữu[48]chuyên tu
Cuộc đời ngài như một vầng trăng
Xóa tăm tối, trừ mê, khai tuệ giác
Đường Phật sự, ngồi vô vi nhưng tỏ suốt[49]
Tâm khai thông,[50]đời đạo đều hanh thông
Cười lặng lẽ,[51]an nhiên như núi lớn
Giảng kiệm lời,[52]soi thấu đến nguồn tâm
Chín mươi tám năm,[53]trụ ở Ta-bà
Duyên đã mãn,[54]nhẹ nhàng buông tứ đại[55]
Xả bỏ huyễn thân, thể nhập pháp thân
Sinh tử chẳng bận lòng, an nhiên tự tại.[56]


(Sài Gòn, ngày 29-3-2014)
Ghi chú:
Các chữ viết nghiêng là các tác phẩm và dịch phẩm của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.


 
[1]Sinh ngày 17 tháng 10 năm 1917 (ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ).
[2]Tại xã Mỹ An Hưng (Cái Tàu Thượng), huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp).
[3]Bổn sư của ngài là Hòa thượng Pháp húy Hồng Xứng, khi trông thấy ngài liền ấn chứng: “Các ông đừng khinh ông này, đời trước ổng đã từng làm Hòa thượng…”. (Trích tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh của GHPGVN).
[4]Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cân và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Truyện.
[5]Sau khi nghiên cứu nhiều tôn giáo nhất thần và đa thần, ngài không thỏa mãn. Đọc đến kinh Phật, ngài giác ngộ và quyết chí xuất gia.
[6]Phát tâm xuất gia năm lên 18 tuổi. Mãi đến rằm tháng 2 AL khi ngài được 21 tuổi, mới chính thức xuất gia với Tổ Hồng Xứng tại Chùa Vạn Linh, núi Sam, Châu Đốc.
[7]Ngài đến Chùa Vạn Linh vào ngày 14-2 AL và chưa đầy 12 giờ sau đó, ngài được Bổn sư cho thế phát vào ngày Rằm tháng 2 năm đó.
[8]Được Tổ Hồng Xứng ban Pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
[9]Do giỏi chữ Hán, ngoài việc viết sớ cho Chùa, ngài thường tham thiền, niệm Phật, đọc Kinh điển chữ Hán, nhờ đó hiểu sâu Phật pháp.
[10]Ngài có trí thông minh tuyệt vời, năm ngài 97 tuổi vẫn tụng thuộc làu những bài kinh Đại thừa.
[11]Sau khi xuất gia, ngài đi tham học Phật pháp với chư sơn Thiền đức ở trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu Phật học in trong Tạp chí Từ Bi Âm, do Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, chùa Linh Sơn – Sài gòn ấn hành và tham học tại chùa Bích Liên, Liên Tôn – Bình Định.
[12]Đó là năm 1940.
[13]Cùng học khóa này, còn có các cao Tăng khác như ngài Trí Quang, ngài Thiện Siêu, ngài Trí Minh, ngài Huyền Dung. Nay chỉ còn ngài Trí Quang là còn sống khỏe mạnh.
[14]Ngoài việc học Phật với các bậc cao tăng giảng dạy, ngài còn học với đại cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, người phiên dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nổi tiếng về môn Logic Phật giáo (Nhân Minh luận).
[15]Gọi đủ là Chùa Quốc Ân, Huế. Đó là năm 1941, ngài được Tổ Trí Độ đặt cho Pháp hiệu là Trí Tịnh
[16]Ngài theo học Lớp Trung đẳng tại Phật học đường Tây Thiên, do Ngài Thiền Tôn làm Giám đốc. Năm 1945, ngài tốt nghiệp lớp Cao đẳng tại Phật học đường Báo Quốc, do Ngài Tường Vân làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Trí Độ là Đốc giáo.
[17]Năm 1945, ngài trở về miền Nam tham gia lập trường Phật học, đạo tạo tăng tài, truyền bá Phật pháp.
[18]Năm 1945, trường An Nam Phật Học dời vào Tòng Lâm Kim Sơn, Hòa Thượng được Hội và Ban giám đốc cử làm Giám viện Quản đốc trường.
[19]Năm 1945, do nạn đói, nhà trường quyết định chuyển 40 vị học Tăng Sơ đẳng và Trung đẳng khoảng 40 vị vào Nam và giao toàn chúng cho Hòa thượng quản lý. Hòa thượng Trí Quang lo chỗ ở. Mục tiêu hướng đến là Lưỡng Xuyên Phật Học.
[20]Đó là năm 1945, ngài tiếp nhận giới Tỳ kheo và giới Bồ tát tại chùa Long An, Sa Đéc, do Hòa thượng Chánh Quả làm Đàn đầu Hòa thượng.
[21]Năm 1945, ngài cùng với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, thành lập Phật học đường Phật Quang, Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Phật học đường này do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Giám đốc, ngài làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ.
[22]Đó là năm 1948, ngài cùng Hòa thượng Thích Huyền Dung thành lập Phật học đường Liên Hải, tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, huyện Long Hưng Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh). Ngài làm Giám đốc và Hòa thượng Thích Huyền Dung làm Đốc giáo.
[23]Đó là năm 1951, ngài cùng Hòa thượng Thích Thiện Hòa sáp nhập 03 Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, quận 10, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, Tp. Hồ Chí Minh).
[24]Đó là năm 1953. Khi ngài về đây làm đạo, ngôi chùa cổ hẻo lánh này trở thành một đạo tràng mạnh mẽ.
[25]Vào năm 1955, ngài và Hòa thượng Thích Huệ Hưng thành lập Hội Cực Lạc Liên hữu tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức. Ngài làm Liên trưởng, Hòa thượng Thích Huệ Hưng làm Liên phó.
[26]Vào năm 1957, ngài được Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm Trị sự phó và kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đến năm 1959, trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam kỳ II, vào 02 ngày 10, 11/9/1959 tại chùa Ấn Quang, ngài được Đại hội suy cử làm Trị sự Phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam
[27]Năm 1960-1962, ngài hợp tác với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa mở các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Ấn Quang, chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư… để đào tạo Trụ trì và Giảng sư.
[28]Vào năm 1962, Giáo hội Phật giáo Trung phần thỉnh ngài làm Phó Viện trưởng Phật học Viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang.
[29]Năm 1964, trong Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi trong những ngày 30, 31/12/1963 và 01/01/1964, ngài được bầu làm Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự, GHPGVNTN. Năm 1966 - 1968, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, ngài được suy cử làm Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.
[30]Năm 1968 – 1971, ngài làm giảng viên lớp Chuyên khoa Phật học thuộc Phật học viện Huệ Nghiêm. Sau đó, ngài được cử làm Viện trưởng từ năm 1971 đến năm 1991
[31]Gọi đủ là Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc Tổ đình bao gồm Chùa Ấn Quang, Đại Tùng Lâm, Chùa Giác Sinh, Chùa Giác Ngộ, Chùa Từ Nghiêm, Chùa Dược Sư. Đó là cuối năm 1974.
[32]Năm 1970-75, ngài làm Khoa trưởng Phân Khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh – Sài gòn.
[33]Ngày 05.7.1973, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng Thống, GHPGVNTN.
[34]Vào năm 1973, tại Đại hội Giáo hội Trung ương kỳ 4, ngài được suy cử làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
[35]Vào ngày 04 – 07/11/1981, tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
[36]Năm 1982-1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ I, Đại lão ngài được cử làm Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. HCM.
[37]Tròn 30 năm, từ năm 1984, sau khi Hòa thượng Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào tháng 4/1984, ngài được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến ngày về cõi Phật vào ngày 28-3-2014.
[38]Đây là kinh đầu tiên được ngài chọn dịch tại Liên Hải Phật học Trường năm 1947.
[39]Khoảng năm 1965, khởi sự dịch. Đến năm 1978 mới hoàn tất.
[40]Dịch khoảng năm 1985.
[41]Dịch vào năm 1964.
[42]Khởi công dịch vào năm 1972.
[43]Hai kinh Địa Tạng và Phẩm Phổ Hiền được dịch tại Liên Hải Phật học Trường năm 1947.
[44]Dịch và ấn hành năm 1951.
[45]Gọi đủ là Pháp Hoa thông nghĩa. Sáng tác khoảng thập niên 50 của tk 20.
[46]Soạn dịch năm 1947.
[47]Sáng tác năm 1952 tại chùa Linh Sơn, Vũng Tàu.
[48]Khoảng năm 1955.
[49]Dù hiếm khi tham dự các phiên họp của GHPGVN, nhưng các quyết định của Hội đồng Trị sự đều có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Ngài.
[50]Ngài đạt được cái “thông suốt” của một bậc trí tuệ xuất chúng.
[51]Phong cách của ngài trầm lặng, tâm hoan hỷ tự nhiên, mắt quán chiếu rất sâu sắc.
[52]Ngài thuyết giảng rất ngắn ngọn. Các lời dạy của ngài được xuất bản trong quyển Hương Sen Vạn Đức, được trích đăng trọn vẹn trong tạp chí Đạo Phật Ngày Nay là tôi làm chủ bút vào năm 2011 và 2012.
[53]Tính theo tuổi dương lịch thì ngài được 97 tuổi.
[54]Không nằm bệnh tật trên giường ở tuổi già, chỉ đau nhẹ trong 3 ngày rồi mất nhẹ nhàng. Đời ngài đúng thật là sống an và chết an.
[55]Ngài lâm bệnh vào ngày 25-3-2014 và nhẹ nhàng ra đi vào ngày 28-3-2014. Trước cốc của ngài có bảng ghi “Dưỡng lão vô y viện” có nghĩa đen là Viện dưỡng lão không cần thuốc thang. Nếu thuở nhỏ, ngài thường đau bệnh thì ở tuổi 60 trở đi cho đến lúc qua đời, ngài rất khỏe mạnh, không uống thuốc.
[56]Cuộc đời của ngài có thể được mô tả trong bốn câu thơ sau đây: “Tạng kinh còn lưu mãi/ Gương giới thật thanh cao/ Sanh tử không quái ngại/ Lạc Quốc nhẹ tiêu dao” (Thích Nhật Từ)
 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn