Trì Bình Khất Thực: Cách Nhận Diện Đâu Là Sư Thật - Sư Giả

03 Tháng Ba 201200:00(Xem: 15581)

TRÌ BÌNH KHẤT THỰC
CÁCH NHẬN DIỆN ĐÂU LÀ SƯ THẬT - SƯ GIẢ

Giác Minh Luật - Hoài Lương

Các nhà sư hàng ngày ôm bình bát đi khất thực xưa nay là hình ảnh đáng khâm phục trong mắt người con Phật. Việc làm này giúp các nhà sư vừa có cái ăn vừa hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên hiện nay sư thật - sư giả lẫn lộn khiến không ít người phiền lòng.

Khất thực nhằm giáo hóa chúng sinh

Trong lịch sử Phật giáo có hình ảnh Đức Phật cùng Tăng đoàn của Ngài cứ mỗi sáng lại ôm bình bát đi khất thực tại các nẻo đường trong xứ Ấn Độ. Đây là việc làm giúp các nhà sư nuôi dưỡng bản thân (vì chỉ có chuyên lo tu tập) nhưng bên cạnh đó mỗi lần đi là một lần kết duyên lành và đem lại sự an lạc đến chúng sinh.

Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ tại Việt Nam được coi là hệ phái trú trọng về pháp tu này, nó nằm trong Tứ Y pháp (người tu phải tiết chế trong 4 điều: ăn, mặc, ở, bệnh) cho nên đa phần những nhà sư ôm bát trì bình trên các nẻo đường đa số là tu tập theo truyền thống Khất Sĩ.

Khất thực là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và truyền bá chánh pháp, thể hiện tinh thần hòa hợp giữa Tăng đoàn và xã hội, hình ảnh nhà tu được gần gũi thân thiện hơn với mọi người, không phân biệt tầng lớp giai cấp, chính trị mà tất cả nhà sư đều chỉ mang một bình bát và đắp cùng màu y, trong tinh thần bình đẳng hòa hợp.

Thông qua việc khất thực của các sư, cũng nhằm tạo cơ hội cho mọi người biết loại bỏ tâm ích kỷ cá nhân, được duyên lành nghe Phật thuyết pháp mà thực hành để hướng đến sự an lạc. Không chỉ Đức Phật Thích ca mới làm như vậy, mà ba đời chư Phật đều thực hành pháp này để giáo hóa chúng sinh.

khat_thuc_tri_binh_01
Người xuất gia trì bình khất thực để loại bỏ tâm ích kỷ cá nhân để hướng đến sự giải thoát an lạc

Và trong xã hội ngày nay, khi Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt tâm linh của mỗi người, thì việc nhà sư ôm bát trì bình đó là điều cần phải có, và đáng được nhìn nhận phát triển để mọi người có dịp nhìn thấy Tăng đoàn Khất Sĩ mà phát khởi lòng thành với Phật pháp, nhằm xa lìa những tội lỗi, ích kỷ, tham sân si.

“Sư” giả và cách nhận diện

Việc trì bình khất thực là nét đẹp của các sư của Phật giáo, nhưng trong thực tế thì nạn sư giả xin tiền lại phát triển một cách nhanh chóng, lợi dụng lòng tin của mọi người đối với Phật pháp, mà cải trang thành những nhà sư, ôm bát đi khắp mọi nơi để nhận tiền cúng dường của Phật tử.

Điều này đã gây ảnh hưởng to lớn đến nét đẹp của Phật giáo trong lòng người dân, trước hình ảnh thô tháo, thiếu oai nghi, đạo hạnh.

Kéo theo đó là các dịch vụ mê tín, bán bùa chú, xin xăm bói vẻ khi có nhu cầu,…Một số thì tập trung tại các đền, chùa,… trong dịp lễ hội để xin tiền khách hành hương.

Ngay tại cầu vượt Suối Tiên, hình ảnh một người thanh niên mặc áo cà sa thường đứng ôm bát xin tiền nơi đây. Hay ở cổng chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) nơi Phật tử đến thắp hương vào những ngày lễ lớn, cũng thường xuất hiện những người mặc áo nhà sư đứng đây xin tiền dù đã gần 24 giờ đêm 30 Tết. Đây là một hình ảnh vô cùng phản cảm, mượn áo nhà sư để kiếm tiền của người dân theo Phật.

Bực xúc về nạn sư giả, chị Nguyễn Thị Minh (quận Tân Bình) tâm sự: “Tôi là người con Phật nên thấy các sư đi khất thực thì đem phẩm vật (đồ ăn, tiền - PV) cúng dường. Nhưng sau khi báo chí đưa tin về vấn đề sư giả, tôi không biết phải cúng cho ai mới đúng là sư. Chính vì thế dù muốn cúng dường cho quý sư nhưng không biết làm sao”.

khat_thuc_tri_binh_02
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều sư giả dựa vào điều này để làm phương tiện kiếm sống

Nhằm giúp người dân nhận diện đâu là “sư” giả, đại đức Thích Giác Tuyên, đang tu tại Tịnh xá trung tâm (quận Bình Thạnh) cho biết: Hiện nay hệ phái Khất Sĩ đã hạn chế việc trì bình khất thực, nếu có thì thường đi từ 2 đến 3 vị trở lên và tập trung tổ chức trì bình tại các dịp lễ hội Phật giáo. Vậy người dân cần nhận định những điều sau đây để có cách nhìn diện đúng hơn về việc trì bình khất thực.

Thứ nhất đó là nhà sư trì bình khất thực không được đội mũ, mang dép, chống gậy, che dù, nhận tiền. Thứ hai thực phẩm (chay - truyền thống Hệ phái Khất Sĩ) phải được nấu chín, và có thể dùng trong ngày, ví dụ: Chỉ nhận cơm chứ không nhận gạo.

Thứ ba là không được nhìn hai bên, ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện năm sáu câu. Thứ tư nhà sư phải mặc đúng 3 Y, bao gồm: Y thượng, Y trung, Y hạ. Ngoài ra không được mặc quần áo không đúng sắc phục của người Khất Sĩ.

Thứ năm là bát đi trì bình phải là bát đen được làm bằng đất, gỗ,... không được mang thau nhôm, mũ nón,..để đi xin. Và cuối cùng là quá giờ ngọ (13h chiều) còn trì bình khất thực là sư giả.

Bước chân Phật giáo trên các nẻo đường

Cứ vào các dịp lễ lớn hay lễ tưởng niệm ngày mất của Đức tổ sư Minh Đăng Quang, quý Tăng/Ni thuộc hệ phái Khất sĩ thường tổ chức ôm bình bát khất thực trên các nẻo đường.

Đây là dịp để những người con Phật xuất gia kết duyên lành với tất cả chúng sinh.

Trì bình khất thực hay còn gọi là ôm bình bát đi khất thực của chư Tăng/Ni Phật giáo được xem là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và truyền bá chánh pháp, thể hiện tinh thần hòa hợp giữa Tăng đoàn và xã hội.

Hình ảnh các nhà tu được gần gũi thân thiện hơn với mọi người, không phân biệt tầng lớp giai cấp, chính trị. Tất cả các vị khi đi ra ngoài đều chỉ mang một bình bát và đắp cùng màu y, trong tinh thần bình đẳng hòa hợp.

Một số hình ảnh các Tăng/Ni hệ phái Khất sĩ khất thực tại khu vực phía Nam:

khat_thuc_tri_binh_03
Vào buổi sáng sau khi lễ Phật và ngồi thiền, các sư lại lên ôm bình bát đi khất thực kết duyên với người đời
khat_thuc_tri_binh_04
Quý sư đi khất thực rất lặng lẽ và trang nghiêm không phát ra một tiếng động
khat_thuc_tri_binh_05
Những đoạn phải đi cua trên các tuyến đường cũng không gây ra mất trật tự giao thông
khat_thuc_tri_binh_06
Những sư lớn tuổi luôn dẫn đầu để hướng dẫn cho quý sư còn trẻ
khat_thuc_tri_binh_07
Dù là phận nữ nhưng các ni sư thuộc hệ phái Khất sĩ cũng tuân theo giáo huấn của chư Phật từ ngàn xưa, khất thực hóa duyên để gieo phước cho người đời
khat_thuc_tri_binh_01
Màu vàng từ áo của quý sư làm khung cảnh thật trang nghiêm trên các tuyến đường khi các sư đi qua
khat_thuc_tri_binh_08
Ở các miền quê hình ảnh của quý sư mỗi lần đi khất thực luôn khiến cho mọi người dân cảm thấy sự an lành
khat_thuc_tri_binh_09
Các sư chỉ nhận các phẩm vật là đồ nấu chín, không nhận tiền hay gạo. Mỗi lần khất thực chỉ đủ để ăn cho một ngày không lấy nhiều hơn
khat_thuc_tri_binh_10
Sau khi khất thực xong, các sư theo cấp bậc lớn nhỏ từ từ im lặng quay lại tịnh xá để tiếp tục tu tập
khat_thuc_tri_binh_11
Vì hiện nay, có nhiều người giả danh nhà sư để đi khất thực kiếm tiền gây ảnh hướng xấu đến Phật Giáo nên quý sư chỉ tổ chức khất thực vào các dịp lễ lớn, còn ngày bình thường có Phật tử đem cúng dường thực phẩm ngay tại chùa.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn