Kinh Phật Cho Người Tại Gia: Cần Có Cho Mọi Phật Tử

03 Tháng Sáu 201402:48(Xem: 11019)
KINH PHẬT CHO NGƯỜI TẠI GIA:
Cần Có Cho Mọi Phật Tử
Nguyên Giác

blankĐây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.

Đọc xong tuyển tập dày 900 trang này, người viết chỉ ước mơ rằng tất cả các gia đình Việt Nam đều có một cuốn này trên bàn thờ, và ngày ngày trong gia đình sẽ thay nhau tụng đọc nghe hiểu và thọ trì.

Tuyển tập có 63 Kinh, nhưng thực tế là nhiều hơn. Vì trong đó có một số là tổng hợp từ nhiều kinh, thí dụ, Kinh Chuyển Pháp Luân (trang 437-442) kết hợp hai kinh từ Tam Tạng Pali, hay Kinh Mười Hai Nhân Duyên (trang 443-458) kết hợp ba kinh trong đó một từ Tạng Pali và hai từ Kinh A Hàm.

Trong “Kinh Phật Cho Người Tại Gia” cũng có toàn bộ Kinh Pháp Cú, nơi đây được Thầy Thích Nhật Từ đặt tên là Kinh Lời Vàng Phật Dạy (trang 83-180), dịch từ Tạng Pali ra thể thơ song thất lục bát để dễ học thuộc lòng và tụng đọc. Đây cũng là một điểm tế nhị để đưa Phật Giáo VN tới gần với Phật Giáo quốc tế, vì kinh này được các Phật tử Hoa Kỳ và Châu Âu ưa thích đặc biệt – chỉ cần thấy rằng đã có ít nhất 25 bản Anh dịch của kinh Pháp Cú là thấy tầm quan trọng của kinh này, trong khi ít Phật Tử tại Việt Nam biết tới kinh này. Cũng nêng hi nhận rằng, nhiều Phật tử Hoa Kỳ thường tặng nhau kinh này trong những dịp lễ.

Đọc kỹ sách này, chúng ta có thể thấy những cách ứng biến tinh tế của Thầy Thích Nhật Từ trong khi soạn dịch. Nhưng ứng biến như thế cho thấy cách suy nghĩ tìm phương tiện chuyển Đạo Phật tới thật thuận lợi cho các Phật Tử Việt Nam. Thấy rõ, từng trang, từng dòng chữ, từng âm vận sử dụng đều được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Thí dụ, Kinh Chuyển Hóa Nghiệp Chướng (trang 227-241). Trong truyền thống, chúng ta thường đọc qua các bản dịch A Hàm và biết chuyện Phật độ sát thủ Vô Não, có nơi dịch là Phật độ tướng cướp Vô Não, có nơi dịch theo cách phiên âm là Phật độ Ương Quật Ma La. Trong các bản dịch dịch theo truyền thống Pali thường ghi là Phật độ Angulimala.

Nơi đây, khi dịch lại từ Tạng Pali, Thầy Thích Nhật Từ gọi sát thủ Vô Não là, “tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người.” Nơi naỳ, có ghi chú dưới trang là Angulimala.

Tại sao dịch như thế? Trong sách không nói rõ. Nhưng chúng ta có thể đoán ra cách Thầy Thích Nhật Từ suy nghĩ.

Toàn bộ Kinh Phật Cho Người Tại Gia, ngoài các bài kệ hay kinh viết theo thể thơ -- hoặc 5 chữ, hoặc lục bát, hoặc song thất lục bát – còn lại đều viết cho dễ đọc tụng với chuông mõ, hãy dễ học thuộc, và do vậy đều trở thành một trường thiên thể thơ 4 chữ.

Chữ Angulimala có 5 âm, cho nên không đọc thuận trong kinh, và cũng khó nhớ, cho nên được chuyển thành kẻ có tên là Vòng Hoa Tay Người.

Theo các ngắt ở mỗi 4 âm, chúng ta thấy kinh này mở đầu như sau, trang 227:

“Tôi nghe như vầy. Kinh đức Thế Tôn sống tại Kỳ Viên, nước Kosala dưới sự trị vì của Ba-tư-nặc (1) bị nạn cướp giết của tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người ((2), thợ săn vấy máu, sát hại, hung tàn, không chút tình thương đối với con người. (hết trích)

Chú thích (1) là Pasenadi, và chú thích (2) là Angulimala.

Như vậy, và cứ như thế, toàn bộ cuốn này có thể gọi là trường thiên thơ 4 chữ... trừ các bài kệ hay kinh đã thi hóa.

Công phu là như thế. Chỉ vì lợi ích cho người Phật tử Việt Nam.

Tấm lòng của Thầy Nhật Từ cũng hiển lộ nơi cách sử dụng ngôn ngữ. Thí dụ, nơi Kinh Nền Tảng Đức Tin (trang 513-518) trong đó có một tiểu đề là “Đừng Để Bị Cải Đạo.”

Hiển nhiên, bất kỳ ai lướt mắt qua trang giấy này đều giựt mình vì đọc Kinh xưa mà nhớ tới chuyện nay. Bản gốc kinh này là Kinh Kalama ở Tạng Pali.

Trong kinh có người trình với Đức Phật (cũng ở thể vần 4 âm cho dễ nhớ, và hy vọng tất cả Phật Tử sẽ nhớ mãi Kinh này):

“Bạch Đức Thế Tôn! Có các Sa môn và Bà la môn đi đến nơi này truyền đạo của họ, vị nào cũng dụ tất cả chúng con cải đaọ theo họ, đồng thời nhiều vị buông lời chê bai, kinh miệt các lời giảng dạy của các vị khác. Sự việc này làm chúng con phân vân: Vị nào tuyên bố sự thật chân chính? Đạo nào chân lý?” (hết trích)

Một điểm độc đáo (và rất cần thiết) là cách Thầy Thích Nhật Từ sử dụng các ngôn ngữ diễn lời Đức Phật cho thật dễ hiểu, trong ngôn phong của người Việt, và dùng chữ thuần Việt nhiều hơn chữ Hán-Việt.

Thí dụ, như Kinh Bảy Cách Dứt Trừ Khổ Đau (trang 753-762). Bản kinh gốc là Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbasavasuttam) thuộc Kinh Trung Bộ thứ 02.

Trong truyền thống, đọc các dịch giả theo Tạng Pali chúng ta thường thấy dùng nhóm chữ như lý tác ý (yoniso manasikāra) và có tác ý không như lý (ayoniso manasikāra).

Trước đây đã có bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Kinh Trung Bộ, Đại Tạng Kinh VN, hiện đăng ở hầu hết các trang web Phật Học. Bản khác do Sư Pháp Thông dịch (tưạ đề Đoạn Trừ Lậu Hoặc), đăng ở Trung Tâm Hộ Tông. Hai bản dịch của Thầy Thích Minh Châu và Sư Pháp Thông đều dùng nhóm chữ dịch như trên.

Trong một bản lược dịch, không thấy ghi ai là dịch giả, theo bản Hán Tạng đăng ở trang nhà Tu Viện Kim Sơn, sử dụng nhóm chữ “Chánh Tư Niệm” và nhóm chữ “không Chánh Tư Niệm.”

Thầy Thích Nhật Từ khi dịch trong Kinh Bảy Cách Dứt Trừ Khổ Đau đã sử dụng nhóm chữ “tác ý như thật.”

Chúng ta nên hiểu ngắn gọn rằng “như lý tác ý” và “tác ý như thật” là cùng nghĩa, cùng nói rằng đó là khi chúng ta đề khởi tâm ý theo đúng đạo lộ giải thoát mà Đức Phật đã dạy.

Nghĩa này được nhiều học giả tiếng Anh dịch bằng nhiều cách dị biệt.

Sư Thanissaro có lúc dịch “như lý tác ý” hay “tác ý như thật” là “appropriate attention” – nghĩa là, sự chăm chú thích nghi, hay sự chú tâm thích nghi.

Trong khi đó, Sư Namoli dịch là “wise attention” – nghĩa là, sự chăm chú khôn ngoan, hay sự chú tâm khôn ngoan. Nghĩa là, sự chú tâm hợp với Thánh Đạo.

Giáo sư I.B. Horner (ở đại học Newham College, Cambridge) cũng dịch như Sư Namoli.

Hẳn là cách dịch của Thầy Thích Nhật Từ trong rất nhiều phương tiện ngôn ngữ sử dụng trong sách này, sẽ giúp cho nhiều người tiếp cận Kinh Phật dễ dàng hơn -- cụ thể là, dễ hiểu, dễ đọc tụng, dễ học thuộc.

Kinh Phật Cho Người Tại Gia cần thiết cho mọi người, có đầy đủ các kinh hướng dẫn theo chánh pháp cho bậc quân vương, cho quan chức, cho chồng vợ, cho ba mẹ, cho con cái – và cho cả người chuyên tu, muốn giải thoát.

Tuy nói là các kinh này cho người tại gia, nhưng phần các kinh hướng dẫn Thiền Tập -- thực ra cũng thích nghi cho người xuất gia -- có đủ sức mạnh đưa học nhân xa lìa tham sân si, nghĩa là, “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành...”

Nhìn chung, đây là một cuốn sách cần có trong mọi gia đình Phật Tử. Bản thân người viết chỉ tiếc rằng trong cuốn này còn thiếu các kinh kể chuyện Đức Phật tới thăm, giảng dạy cho người bệnh. Vì những người nằm bệnh thường dễ tán tâm, khó định tỉnh, nên rất cần đọc lời Đức Phật.

Mặt khác, nên ghi nhận, Cư sĩ Minh Mẫn, trong một bài viết về cuốn sách này, đã nói rằng văn của Thầy Thích Nhật Từ còn “mang tính văn chương bác học, dành cho học giả hơn là lối văn bình dị...”

Đây cũng là một nan đề chung, vì nỗ lực của sách Kinh Phật Cho Người Tại Gia như dường đã viết rất mực dễ hiểu rồi. Thực tế, cũng bởi vì Đạo Phật tuyệt vời và thâm diệu tới mức kinh nào cũng nên được các thầy chú giải tường tận. Đó cũng là lý do cần tới quý thầy giảng sư, thường xuyên nên giảng kinh, hoặc tại chùa, hoặc trên làn sóng phát thanh, hoặc lên mạng YouTube.

Riêng đối với người có biết Anh ngữ, xin đề nghị đọc thêm nhiều bản Anh dịch để đối chiếu, vì có khi bản Anh dịch dễ hiểu hơn bản Việt dịch. Đặc biệt là đối với các bản văn viết theo thể thơ, như với 25 bản Anh dịch Kinh Pháp Cú (Kinh Lời Vàng), thường vì âm vận thơ làm cho nghĩa có khi khó hiểu. Riêng Việt ngữ cũng đã có ít nhất 4 hay 5 bản dịch Kinh Pháp Cú.

Ngày xưa, Đức Phật ca ngợi hạnh đa văn, tức là người nghe nhiều, học nhiều. Thời xưa chưa có chữ, nên cần nghe, thời này có chữ viết, nên cần đọc nhiều. Không nên lấy bất kỳ cớ gì để từ chối đọc Kinh Phật. Trường hợp nhiều Phật Tử bận rộn, quay cuồng với đời sống để lo nuôi sống gia đình... cuốn Kinh Phật Cho Người Tại Gia là đắc dụng nhất.

Một điều để suy nghĩ: trong khi cuốn Kinh Phật Cho Người Tại Gia cần phổ biến rộng (nên nhấn mạnh: rất cần phổ biến cho thật rộng), Ban Ấn Tống Đạo Phật Ngày Nay của Chùa Giác Ngộ chỉ in được 1.000 quyển.

Làm cách nào để vài chục triệu Phật Tử VN có bản kinh này? Sách in 900 trang, bìa gáy cứng, đẹp, trang nhã, tất nhiên tốn kém, nhưng vì là Kinh, cho nên sách chỉ đề Kính Tặng.

Độc giả muốn thỉnh kinh này, xin liên lạc:

Ban Ấn Tống Đạo Phật Ngày Nay (Chùa Giác Ngộ):

92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM, Việt Nam

Trang Web: http://www.daophatngaynay.com/

PHOTO:

Bìa sách Kinh Phật Cho Người Tại Gia (Photo: http://phatgiao.org.vn/)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 4559)
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5325)
Nền tảng của đạo Phật là Trí tuệ và tình yêu được bắt đầu từ đó. Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 8933)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 7184)
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế.
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11661)
Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi,...
27 Tháng Hai 2014(Xem: 12539)
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9171)
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9982)