Thử Đọc Lại Bài Ca “ Phóng Cuồng Ngâm” Của Tuệ Trung Thượng Sĩ

11 Tháng Sáu 201410:36(Xem: 9405)
THỬ ĐỌC LẠI BÀI CA “ PHÓNG CUỒNG NGÂM” (1)
CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

blankThiên địa thiếu (diếu) vọng hề hà mang mang (2)
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương (3)
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương
Cơ tắc xan hề hòa-la phạn (4)
Khốn tắc miên hề hà hữu hương (5)
Hứng thời xuy hề vô khổng địch (6)
Tịnh xứ phần hề giải thoát hương (7)
Quyện tiểu khế hề hoan hỷ địa (8)
Khát bảo xuyến hề tiêu dao thang (9)
Quy Sơn tác lân hề mục thủy cổ (10)

Tạ Tam đồng chu hề ca Thương Lang (11)
Phỏng Tào Khê hề ấp Lư Thị (12)
Yết Thạch Đầu hề sài Lão Bàng (13)
Lạc ngô lạc hề Bố Đại lạc (14)
Cuồng ngô cuồng hề Phổ Hóa cuồng (15)
Đốt đốt phù vân hề phú quý
Hu hu quá khích hề niên quang (16)
Hồ vi hề quan đồ hiểm trở
Phả nại hề thế thái viêm lương
Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết (17)
Dụng tắc hành hề xả tắc tàng (18)
Phóng tứ đại hề mạc bả tróc
Liễu nhất sanh hề hưu bôn mang (19)
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở (20)
Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương!

Chú thích và nhận xét:

(1) Phóng cuồng ngâm: Từ trước đến nay, chữ “cuồng” này người ta thường hiểu là ngông, là cuồng, là điên. Đấy là hiểu theo nghĩa đen. Khá hơn chút nữa – đa phần bản dịch – đều nói cuồng là cuồng nhiệt, ý khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng trong ‘Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục dịch giải’ - đã nói về cái cuồng theo nghĩa như thế này, đáng cho chúng ta suy gẫm: “Phóng cuồng ở đây không có nghĩa là điên cuồng hay cuồng nhiệt gì cả – mà chẳng qua, Thượng Sĩ không muốn coi khúc ngâm của mình là một bài ca chứng đạo hay một bài kệ truyền pháp mẫu mực, trang nghiêm – chỉ xem đó là một khúc hát ngông nghênh, phóng khoáng có tính chất tiêu dao của một thiền sư đạt đạo thắm đượm tự nhiên khí chất của một Nho sĩ lãng tử và một Đạo sĩ thoát tục. Nói chung là của một con người phiêu nhiên không bị ràng buộc. Cho nên ta phải hiểu chữ ‘phóng cuồng’ đây chỉ là một cách nói tự khiêm mà cũng để nói lên tính chất thung dung tự tại với người đạt đạo, đạt quan, ở Nho, ở Đạo và ở Thiền, vốn bình thường giản dị chớ không có gì phi thường, trẩn mật, bí tàng như nhiều người lầm tưởng” . Nhận xét của Lý Việt Dũng là một suy gẫm có chiều sâu, không những đã biết lặn chìm vào ngôn ngữ, văn thơ, hành trạng, tâm hồn, phong cách và cả cuộc đời của Thượng sĩ – mà còn giao tiếp chính xác với thời đại mà Thượng Sĩ đang sống, y cứ bởi ba lý do sau đây:

- Đấy là thời của Tam giáo đồng nguyên.

- Ngài Đạt-Ma khi qua Trung Quốc, khai sinh dòng Thiền Đông Độ, rồi sau Huệ Năng, mặc nhiên đã mặc thêm chiếc áo văn hóa, tư tưởng của Khổng, Mạnh nhưng bàng bạc nhất là sương khói Lão Trang.

- Văn thơ của Thượng Sĩ, nơi này và nơi kia – chứng tỏ ngài đã từng trải, thủ đắc kinh nghiệm Thiền Đông Độ, nhưng đồng thời ngài cũng thông hiểu cái đạt quan của Nho và Đạo nữa. Do vậy, những tư tưởng phóng khoáng trong thơ văn của ngài như nhẹ nhàng bước qua, lướt đi trên những tư tưởng kinh viện của các tông giáo cũng như những giá trị ước lệ đời thường.

(2) Mang mang: Mọi người thường dịch – như Trúc Thiên là thênh thang (cũng như HT.TT), đôi nơi là mênh mông; nhưng Lý Việt Dũng (trong Sđd) và Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ (Thơ, văn Lý Trần) dịch là mênh mang.

Nhận xét: Mang mang có nghĩa là mù mịt, xa mù mịt, không rõ ràng, rộng mênh mông… Vậy, có lẽ mênh mang là chỗ tối tăm, mịt mờ, không rõ ràng, xa rộng, không ngần mé… là tương đối đúng nhất.

(3) Phương ngoại phương: Có người dịch là “ngoài cõi xa” (Lý Việt Dũng), có người dịch là “ngoài thế gian” (Thơ văn Lý Trần) hoặc giữ nguyên “phương ngoài phương” (HT.TT)… Dịch thế nào cũng không nói được hết cái ý – cái phương ở ngoài mọi phương cõi, ngoài cái thằng thúc ước lệ, ngoài cái giới hạn thông tục của đời người! Tuy nhiên, tôi chọn ‘phương ngoài phương’ như HT. TT – vì là ‘cái phương’ ở ngoài mọi phương cõi.

(4) Hòa-la phạn: Nhiều nơi giảng như Thơ văn Lý Trần (xem tr, 281, tập 2) đi hơi xa là “cơm tùy ý” (HT.TT, Huệ Chi – Đỗ Văn Hỷ); chỉ có Trúc Thiên “cơm mười phương góp” và Lý Việt Dũng dịch là “cơm bố thí” thì sát với văn bổn hơn; nguyên do chữ hòa-la là âm của chữ Dāna là bố thí (Thơ văn Lý Trần lại nói là phát xuất từ chữ pravarana!?)

(5) Hà hữu hương: Lấy ý từ câu trong Trang Tử Nam hoa kinh “vô hà hữu chi hương” – có nghĩa là “không nơi đâu có quê hương, quê hương không nơi đâu có”; vậy thiền ý muốn nói là chẳng đâu có quê hương cả.

(6) Vô khổng địch: Sáo không lỗ – tương tự đàn không dây. Mượn chữ của Trần Thái Tông trong ‘Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ’; ý muốn nói cái tâm đại dụng có từ tuệ giải thoát; nói cách khác, khi giác ngộ giải thoát rồi thì làm gì cũng vô vi, vô lậu cả.

(7) Giải thoát hương: Là ngũ phần hương (Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến).

(8) Hoan hỷ địa: Địa đầu tiên trong Thập địa bồ-tát: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa.

(9) Tiêu dao thang: Mượn ý từ “Tiêu dao du” của Trang Tử. Ý nói là nước canh tiêu dao, thong dong thích chí không có gì ràng buộc được.

(10) Qui Sơn tán lân chừ mục thủy cổ: Làm bạn láng giềng với Quy Sơn để chăn con trâu tơ. Ý muốn nói làm bạn với Quy Sơn Linh Hựu hoặc Quy Sơn Đại An để chăn con trâu của lòng mình (Xem thêm Thập mục ngưu đồ).

(11) Tạ Tam đồng chu hề ca Thương Lang: Cùng thuyền với Tạ Tam hát khúc Thương Lang. Theo Lý Việt Dũng, khúc hát Thương Lang phát xuất từ sách của Mạnh Tử: “Có đứa trẻ con hát rằng, nước sông Thương Lang (sông Hán Thủy) mà trong thì ta giặt dải mũ; nước sông Thương Lang mà đục thì ta rửa chân”. Còn Tạ Tam trước làm nghề chài, sau xuất gia trở thành thiền sư Tông Nhất, nổi tiếng về cả đức hạnh lẫn trí tuệ.

(12) Lư thị: Tên gọi khác của Huệ Năng, người khai đàn lập giáo dòng thiền Đông độ ở Tào Khê.

(13) Sài Lão Bàng: Làm bạn với cư sĩ Bàng Uẩn. Ông ta là một cư sĩ rất nổi tiếng, được xem như là Duy-ma-cật của Trung Quốc, đời Đường. Là môn đệ của Mã Tổ Đạo Nhất và Thạch Đầu Hi Thiên. Cả gia đình ông đều sống đạo, đắc thiền. Tương truyền, sau khi đạt ngộ, Bàng Uẩn chở cả gia tài đem đổ sông Tương (Sao không đem bố thí cho những người cùng khổ?), cất một cái thất nhỏ để tu hành. Con trai ông cuốc đất, con gái chẻ tre bện sáo mưu sinh. Cả gia đình ông tranh nhau “nhập diệt” rất thú vị. Câu chuyện như sau: Sớm hôm kia, Bàng Uẩn bảo với con gái Linh Chiểu là đúng ngọ ông sẽ nhập diệt. Gần ngọ, ông nhờ con gái ra xem. Lát sau, Linh Chiểu trở vào, nói trát “Dường như mặt trời đã đúng ngọ, nhưng nó bị sao thiên cẩu ăn mất.” Tưởng thật, ông rời tọa cụ ra xem, lúc vào nhà thì con gái đã lên ngồi chỗ của ông, thu thần mà hóa trước! Ông cười, thốt lên “Con gái ta lanh lợi quá”, rồi hẹn một tuần sau sẽ đi! Vợ ông hay được, nói “Con gái ngu si và ông già vô tri, không báo tin mà đi sao đành vậy?” Rồi bà báo với con trai đang làm việc ngoài đồng. Cậu con trai này, hay tin, chống cuốc đứng mà tịch. Long bà bèn lặng lẽ nhắm mắt đi theo con trai. Rốt lại, Bàng Uẩn phải lo thiêu xác vợ con xong mới thu thần nhập diệt!

(14) Bố Đại lạc: Cái vui hồn nhiên của Bố Đại. Là một thiền sư Trung Quốc, thế kỷ thứ 10; tương truyền Sư thường mang trên vai một bao bố, có nhiều phép lạ giúp đời, cứu người; hành trạng có vẻ điên điên khùng khùng. Khi mất, Sư để lại một bài kệ, người ta mới biết đấy là hóa thân của Phật Di-Lặc.

(15) Phổ Hóa cuồng: Cái ngông cuồng của thiền sư Phổ Hóa. Đây là một vị sư ngây ngây, dại dại, cuồng cuồng, hý lộng, u mặc ở đời Đường, hành trạng rất quái dị, lạ lùng, kỳ bí…

(16) Quá khích: Bóng con ngựa câu lướt nhanh qua khe cửa.

(17) Thâm tắc lệ chừ, thiển tắc yết: Gặp chỗ sâu thì cứ lội dấn qua, gặp chỗ cạn thì vén lên (cho khỏi ướt). Ý nói là tùy duyên, tùy cảnh, tùy cơ mà vận dụng hóa độ chúng sanh.

(18) Hành tàng: Lúc ra giúp đời, lúc vào ở ẩn – là thái độ xuất xử khôn ngoan của kẻ sĩ.

(19) Liễu nhất sanh: Xong một đời. Ý nói là giải quyết xong tử sinh đại sự, không còn nắm giữ, dính mắc cái gì nữa.

(20) Đắc ngã sở: “Được cái ta vốn là!” Cụm từ này nhiều người dịch sai, hầu như phản nghĩa toàn bộ tư tưởng thiền của Thượng Sĩ. Ví dụ, “được sở thích” hoặc “được nơi ta muốn”… Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng đã nói như sau: Đạt được trọn vẹn “Cái ta vốn là”, tức cái bản chất chân thật của ta, cái bản lai diện mục của mỗi người. Chữ này rất khó dịch cho hết ý, ông nói, chúng tôi xin tạm dịch là “Cái ta vốn” – hoàn toàn không có nghĩa là ‘được cái ta vốn có’ hay ‘sở hữu của cái ta, cái tôi! ‘(Sđd).

Vậy, theo tôi, “Cái ta vốn” chính là khuôn mặt xưa nay, khuôn mặt trước khi cha mẹ chưa sinh ra, khuôn mặt chưa bị chất chồng bởi những lớp vỏ của ngũ uẩn, của bản ngã (những khái niệm, những phạm trù quy ước thế gian).

Tạm Dịch:

(Dựa theo các bản dịch của Trúc Thiên, Huệ Chi-Đỗ Văn Hỷ cùng Lý Việt Dũng, chỉ đề nghị và dè dặt góp ý một số từ được xem là chưa được tương thích cho lắm, dĩ nhiên là theo chủ quan của người chấp bút).

Khúc Hát Nghênh Ngang!

Trời đất liếc trông chừ, ôi mênh mang!
Chống gậy rong chơi chừ, phương ngoài phương
Dạo chốn cao cao chừ, mây đỉnh núi
Hoặc nơi sâu sâu chừ, nước trùng dương
Hễ đói thì ăn chừ, cơm mười phương góp
Hễ mệt thì ngủ chừ, nơi chẳng quê hương
Lúc cảm hứng chừ, thổi sáo không lỗ
Lúc thanh tịnh chừ, đốt giải thoát hương
Mỏi nghỉ ngơi chút chừ, đất hoan hỷ
Khát uống no nê chừ, nước tiêu dao thang
Làm láng giềng Qui Sơn chừ, chăn con trâu cổ
Cùng thuyền với Tạ Tam chừ, hát khúc Thương Lang
Thăm Tào Khê chừ, vái chào Lư thị
Viếng Thạch Đầu chừ, bạn với lão Bàng
Vui cái ta vui chừ, Bố Đại vui
Cuồng với gàn chừ, ta Phổ Hóa cuồng gàn
Ối ối! Giàu sang chừ, dập dờn mây nổi
Chà chà! Tuổi xuân xanh chừ, bóng ngựa vút ngang!
Chen lấn chi chừ, đường quan hiểm trở
Chịu đựng sao chừ, thói đời nóng lạnh bẽ bàng
Chỗ sâu thì lội dấn chừ, cạn thì vén lên mà bước
Dụng thì ra tay chừ, bỏ thì ta bèn ẩn tàng
Buông tứ đại chừ, hơi đâu nắm giữ
Xong một đời chừ, thôi chạy quàng
Thỏa nguyện ta chừ, đạt “cái ta vốn”…
Sống chết bức nhau chừ, ta thì thênh thang!

Vài Dòng Bình Giải, Tóm Tắt Ý Thơ:

Đọc bốn câu thơ đầu, ta thấy tứ thơ, hồn thơ trôi chảy rất tự nhiên, hạo nhiên, nghênh ngang, vô biên tế... Đây quả là tâm hồn của một thiền gia phóng khoáng, của một thi nhân thượng thừa – đã ở ngoài mọi ràng buộc ước lệ của thế tình. Đúng là tâm thái của một hành giả với một tâm linh tự do, đang rong chơi, phiêu bồng ngoài cõi bụi!

Đọc bốn câu kế tiếp, ta thấy, dù là cư sĩ, nhưng Tuệ Trung có cảm giác mình là một bậc xuất gia – nên, hễ đói thì ăn, rất tự nhiên; hễ mệt thì ngủ, cũng rất tự nhiên giống như học trò của ông là Trần Nhân Tông: “ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền!” Ăn thì ăn cơm của đàn-na tín thí cúng dường! Và ngủ thì ngủ tại chỗ “không có quê hương” - tức là chỗ “bản lai diện mục”, chỗ như thật tánh, chỗ không tánh! Ngoài ra, do an trú nơi tâm giải thoát, tuệ giải thoát – nên Thượng Sĩ lúc cảm hứng thì thổi sáo không lỗ, lúc thanh tịnh thì đốt giải thoát hương! Nếu có nghỉ ngơi chút ít thì nghỉ nơi chỗ đất của bồ-tát sơ địa (Hoan hỷ địa); khát thì uống nước tiêu dao – là cõi “tiêu dao du” của Trang Tử! Như thế, dẫu hành trạng và khẩu khí có vẻ “ngông nghênh” nhưng Thượng Sĩ vẫn không rời cốt cách tu sĩ của mình!

Do phong cách thoát tục như vậy, sáu câu tiếp theo, Thượng Sĩ làm láng giềng với Qui Sơn Đại An, không cần học thiền của ông ta mà chỉ “khán nhất đầu thủy cổ ngưu” (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục) – tức là chỉ lo chăn giữ con trâu tơ không cho ăn lúa mạ của người – ý chỉ giữ giới! (Nghiên cứu Thập mục ngưu đồ của Thiền tông). Đôi khi lại cùng lên thuyền với Tạ Tam – thiền sư Tông Nhất – ca khúc Thương Lang, tức là tùy thời, tùy cơ, tùy cảnh mà đại dụng, quyền biến! (nước trong thì giặt dải mũ, nước đục thì rửa chân). Rồi Thượng Sĩ còn ghé thăm Tào Khê – Huệ Năng, thăm Thạch Đầu – Bàng Uẩn. Ý nói thiền Đông Độ ta cũng từng quen biết; ông cư sĩ Bàng Uẩn được xem là Duy-ma-cật của Trung Quốc cũng không phải là người xa lạ. Rồi, vui cái vui của Bố Đại, cuồng cái cuồng của Phổ Hóa – đều là những bậc cổ đức tòng lâm để lại nhiều giai thoại thiền tông thú vị, phiêu nhiên, u mặc.

Đến đây, bốn câu tiếp theo, Thượng Sĩ suy gẫm giàu sang vốn phù du, vô thường như mây nổi, tuổi xuân xanh sẽ qua mau như bóng ngựa lướt qua khe cửa; đường hoạn lộ đầy những gai chông nguy hiểm, và thói đời thì lúc nóng lúc lạnh trắc trở khó lường – đua chen làm chi, lẫn với cát bụi làm chi!

Hai câu kế nữa: Tuy nhiên, là người lịch trải trong cuộc tồn sinh, thâm đạt yếu tính thiền, lại trang bị thêm tâm hồn vô vi nhàn thoát của Lão Trang, Thượng Sĩ dễ dàng quyền biến “Chỗ sâu thì dấn lội, chỗ cạn thì vén mà bước qua thôi!” Phải biết xuất xử, hành tàng đúng thời, đúng lúc – kẻ sĩ cũng làm được như thế kia mà! Đây là thái độ khôn ngoan của những thức giả Đông phương!

Là một thiền sư sống thiền, bốn câu kết, còn hơn cả kẻ sĩ nữa, ngay chính cái thân tứ đại này, Thượng Sĩ cũng buông xả, không chấp thủ, không dính mắc. Việc sinh tử đại sự giải quyết xong rồi, không Đông Tây Nam Bắc ngược xuôi, chạy quàng, chạy xiêng lăng xăng tìm kiếm gì nữa cả. Cái “khuôn mặt cha mẹ chưa sinh ra” đã thấy rồi, sự sống sự chết nó bức hại nhau, đắp đổi nhau – không dính dáng gì đến ta cả!

Tóm lại, “Phóng cuồng ngâm” đúng là một tráng ca, một hạo ca của một tâm hồn đã thong dong, phiêu nhiên trên đỉnh đầu sinh tử, đã nhẹ nhàng lướt xa, lướt cao, lướt trên những thông tục ước lệ của đời thường. Là kẻ đã bước qua từ chương, kinh giáo – con người của Thượng Sĩ sống sao thì nói vậy, rất trung thực với chính mình! Dẫu tứ thiền, tư tưởng thiền không mới, dẫu khí hậu ngôn ngữ bàng bạc chư thiền thoại, chư ngữ lục Trung Quốc – nhưng hồn thơ phóng khoáng thì quả thật Thượng Sĩ đã tạo được cho mình một cốt cách riêng, phong thái, khẩu vị riêng không thể lẫn với ai khác được.

Sắc thái đặc thù ấy, trong văn học sử cả Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam chưa có người thứ hai vậy!

(Nhuận sắc lại – 6/2014)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

BÀI ĐỌC THÊM:

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải

Trần Tung, Vị Tướng, Nhà Thiền Học, Nhà Thơ

Tuệ Trung Thượng Sĩ: Kẻ Ngông Cuồng Trong Đôi Mắt Phàm Tình




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn