Ngủ dưới gốc cây

03 Tháng Giêng 201504:01(Xem: 8622)

NGỦ DƯỚI GỐC CÂY

Huệ Trân

blankXưa, Đức Thế Tôn dạy các đệ tử: “Chớ ngủ hai đêm, dưới cùng một gốc cây”.

Lời dạy, thoạt nghe có vẻ ngộ nghĩnh, gần như chẳng quan trọng gì, nhưng khi được Thầy chỉ rõ hơn, đệ tử mới biết rằng, một lời, dù đơn sơ, từ kim khẩu Đức Thế Tôn, đều là một bài pháp.

Thuở đó, tăng đoàn thường ba Y, một Bát, từng bước chân trần hoằng hóa đó đây, đêm nghỉ trong rừng, tìm gốc cây êm mát, gối đầu mà ngủ. Nếu ít lâu sau, tình cờ lại đi ngang khu rừng ấy mà khởi tâm nhớ gốc cây đã ngủ đêm nào, là vô tình vướng mắc ái nhiễm!

Một gốc cây ngủ qua đêm còn luyến nhớ, thì lưới tình chằng chịt nhân gian làm sao ra khỏi!

Lời cảnh giác thật đơn giản, mà mãnh liệt.

Nhưng, phàm được làm người, ai chẳng từ tình mà sanh!

Khởi từ tình cha, tình mẹ, rồi tình anh chị em, tình con cháu, tình thân bằng quyến thuộc. Nợ nần nhau thì lại kết thành tình bạn bè, tình chồng vợ, để vay trả, để buộc ràng.

Cái lưới ái vô hình mà lồng lộng, bền bỉ, hết kiếp này sang kiếp khác. Đức Thế Tôn cũng thị hiện ta-bà trong lưới ái này. Chỉ khác, Ngài sớm nhìn ra những mắt lưới, những tên cai ngục do chính chúng ta tạo ra để tự nhốt mình trong luân hồi lục đạo. Có nhìn ra, mới dũng mãnh buông xả, để thăng hoa.

Bỏ hoàng gia, rời cung vàng điện ngọc có phải cũng là khắc phục sự đắm nhiễm một gốc cây êm mát quen thuộc không? Bước chân dừng dưới cây nào, ta sẽ ngủ dưới gốc cây ấy. Nếu nơi nào cũng chỉ là giấc ngủ qua đêm, giấc ngủ đó sẽ không mộng mị, nơi dừng đó sẽ không bận lòng.

Nhưng xả bỏ như thế có phụ tình những ngnời thân liên hệ với ta, và làm họ đau khổ hay không?

Nhìn chặng đường Phật đi thì chúng ta thấy phần nào, có và không.         Hoàng gia rất đau khổ vì sự ra đi của Thái tử Tất Đạt Đa, nhưng sự đau khổ đó chỉ ngắn hạn. Sự đau khổ đó đã chấm dứt, để tiếp nối bằng hạnh phúc vô bờ khi toàn thể dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ cùng hoàng gia, nao nức đón tăng đoàn, mà người ôm bình bát đi đầu chính là vị Thái Tử năm xưa. Ngài đã tìm ra Đạo Cả, đã ban vui cứu khổ bao người, nay trở về chốn cũ bằng bước chân của Bậc Giác Ngộ, độ cho thân thuộc và dân chúng.

Sự trở về quê hương của Đức Phật cũng chỉ là bước dừng trên đường hoằng hóa, và đêm ngủ trong cung vàng cũng chỉ là ngủ dưới một gốc cây.          Bởi tâm không hề vướng mắc nên sau chặng dừng đó, Ngài lại thanh thản hướng dẫn tăng đoàn lên đường, lại đi như dòng sông, để mỗi bước chân qua, đều để lại phù sa mầu mỡ, làm vạn hữu đơm hoa kết trái.

Ngẫm mà sợ thay!

Phàm phu chúng ta chẳng phải chỉ đắm nhiễm một nơi chốn mà còn dễ  vương vấn từ lời nói đến nụ cười, từ đóa hoa vườn nào, đến chiếc lá mùa rơi … Tâm đối cảnh, lập tức sanh tình, bao chủng tử chất chứa trong tàng thức Alaya lập tức trỗi dậy, và hỷ nộ ái ố tạo ra từ những chủng tử ấy cũng lập tức sinh khởi vui buồn, ân oán. Đó chính là những mắt lưới vô hình nhưng chằng chịt, trùm phủ cả đại-dương-tâm, đàn cá vụng về làm sao thoát khỏi!

Nghe lời Phật dạy, dẫu kính tin nhưng mơ màng, lý sự chẳng đi đôi thì thực tế không giúp hành giả bao nhiêu, vì cứ Giác một phút lại Mê mười phút thì chặng đường từ bờ mê tới bến giác còn thăm thẳm; trong khi, kiếp người trăm năm có chờ ai, đợi ai! Thời gian lạnh lùng trôi nhanh như bóng câu qua cửa, biết kiếp sau còn đủ phước báu được làm người để mượn thân tứ đại như phương tiện mà tu tập hay không?

Có vị Thầy, một lần vào đạo tràng, nhìn được tâm đại chúng, dù đã đủ duyên tới được nơi chờ nghe pháp, mà vui buồn bên ngoài còn quá xôn xao, vướng bận. Thầy bèn khoanh chân kiết già, nhắm mắt, lặng thinh.

Năm phút, rồi mười phút .…  lúc đó đại chúng mới nhận thấy sự  bất thường. Tiếng nói chuyện nhỏ dần, bớt dần, tâm người cũng theo đó mà lắng đọng theo. Khi ấy, Thầy mới chậm rãi, nhẹ nhàng thỉnh chuông rồi nhìn khắp đại chúng, mỉm cười và bắt đầu bài pháp bằng câu chuyện về Tỳ-kheo-ni Ưu Ba Tiên Na.

Một lần, Ưu Ba Tiên Na đang tọa thiền trong rừng cây ngoài thành Vương Xá, bỗng cất tiếng hốt hoảng cầu cứu. Khi đó, tôn giả Xá Lợi Phất cũng đang tọa thiền ở khu rừng kế bên, nghe tiếng kêu, bèn vội chạy sang. Đến nơi, thấy Ưu Ba Tiên Na sắc mặt bình thường, vẫn trong tư thế kiết già.  Tôn giả bèn hỏi:

- Cớ sao kêu cứu?

Ưu Ba Tiên Na thưa:

- Ít phút trước đây, con đang nhắm mắt tĩnh tọa, bỗng cảm thấy như có vật gì trơn láng, trườn tới. Con vừa nghĩ “Trời ơi, cái gì vậy? Lẽ nào là rắn độc!” thì liền bị vật đó cắn mạnh vào cườm tay. Con nhận biết nọc độc đang chạy khắp thân thể, và con sắp lìa đời. Xin Tôn Giả từ bi báo cho ni chúng biết, hãy về đây gấp cho con kịp có lời từ biệt.

Khi nói những lời này, Ưu Ba Tiên Na vẫn bình thản, sắc mặt vẫn hồng hào. Tôn giả bèn trấn an:

- Có lẽ không nghiêm trọng đâu, dẫu có bị rắn cắn, chắc cũng không phải rắn độc vì sắc diện cô vẫn bình thường.

Ưu Ba Tiên Na bèn chắp tay thưa:

- Bạch tôn giả, quả thật, con đã bị rắn độc cắn, nhưng khi bất ngờ trực diện ranh giới của sống chết, con mới may mắn liễu ngộ sâu sa lời Phật dạy về tấm thân vô thường này. Thân chỉ do tứ đại, ngũ uẩn duyên hợp mà thành, bản chất thân này chẳng gì là thực, chỉ là Không. Đã là Không thì dẫu chẳng phải rắn độc, mà bất cứ thứ chi, vật chi, cũng chẳng còn là đối tác có thể xâm phạm được. Vừa hiểu như thế, con liền dứt cả đau đớn lẫn sợ hãi. Bạch Tôn giả, phải chăng nhờ hốt nhiên trong phút giây thực sự buông bỏ mọi ràng buộc, mọi cảm thọ, con đã chạm tới được bản-lai-diện-mục, là cái nhận biết tỉnh sáng thường hằng vô sanh bất diệt, khiến thân tâm con bình an?

Khi các Tỳ-kheo-ni vân tập về khu rừng, là lúc Ưu Ba Tiên Na mỉm cười, nhìn tất cả, rồi chắp hai tay, bình thản đi vào cõi tịch diệt Niết Bàn.

Kể câu chuyện đến đây, giảng sư lại nhắm mắt, khoanh chân kiết già.

Cả đạo tràng bỗng hiển lộ sự an nhiên tĩnh mặc, cực kỳ mầu nhiệm, như que diêm nào vừa bật lên giữa căn phòng đang chìm trong bóng tối.

 

Thời gian như đọng lại. Chợt, ở một khoảnh khắc nào, từ cuối đạo tràng, ai đó bỗng bật khẽ một tiếng: “Buông!”

Âm thanh chỉ đủ cho hạt bụi tình cờ bay ngang, nghe được.

Hạt bụi đậu lại trên trang kinh đang mở, lẩm nhẩm đánh vần, rồi chậm rãi đọc:

“ Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách …”     

 

Huệ Trân
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6982)
23 Tháng Ba 2018(Xem: 5982)
18 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7183)
24 Tháng Năm 2016(Xem: 7388)
Tôi muốn lý giải về 10 lời nguyện này. Trong kinh hoa nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử trên con đừờng tìm Đạo gặp gỡ và tu tập qua 53 vị thày (biểu tượng 53 bước tu tập để thành Phật bằng con đường Bồ tát Đạo) Trãi qua tất cả từ những vị thày từ nhửng kỹ nữ ăn chơi tới những Bồ tát lớn nhât Vị thày đầu tiên là Văn Thù Bồ Tát , tượng trưng cho Căn bản trí- là cái trí căn bản nằm tiển ẩn trong mọi chúng sanh nhưng không hiển lộ vì bị ngăn che bởi nhửng nghiệp lực..Vị thày thứ 53 sau cùng là Phổ Hiền Bồ Tát (tượng trưng cho hậu đắc trí là cái trí hiểu và ứng dụng được căn bản trí để có thể độ được chúng sanh-ý niệm từ Duy thức học). Sự thể hiện của hậu đắc trí có thể cảm nghiệm từ lục độ bước qua thập độ- Lục độ là bố thí, trì giới,nhẫn nhục,tinh tấn,thiền định và trí huệ. Bước qua thập độ thêm phương tiện , nguyện , lực,trí…Ta thấy lục đệ lục độ là trí mà thập đệ thập độ cũng là trí.Nhưng sự khác nhau là giữa căn bản trí và hậu đắc trí.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6878)
Tỳ-kheo có một nghĩa là bố ma, làm cho ma phải khiếp sợ. Ma chướng trong đường tu rất nhiều, bên trong và bên ngoài, thường gọi là nội ma ngoại chướng. Nhưng kỳ thực, có người tu không làm cho ma khiếp sợ mà ngược lại sợ ma, đi theo và làm quyến thuộc của ma. Nghĩa là bên trong không hàng phục được phiền não, bên ngoài không qua được chướng ngại. Thời Phật tại thế, Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa là một điển hình.
23 Tháng Ba 2016(Xem: 7093)
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật xem việc gần gũi vua quan là nạn, và mạnh mẽ cảnh tỉnh chúng Tăng: “Gần gũi bậc vua chúa vương gia có mười việc phi pháp”. Phi pháp ở đây là không phù hợp với Chánh pháp, không giúp ích cho việc thành tựu mục tiêu phạm hạnh và giải thoát của hàng xuất gia.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 7179)
Người xuất gia mang trên mình pháp tướng đầu tròn, áo vuông, nguyện hủy hình để khác biệt với thế thường, sống đời thoát tục. Chưa nói đến tâm giải thoát hay tuệ giải thoát vốn ẩn tàng, sâu kín bên trong, hãy xem các hình thức bên ngoài như uy nghi và ứng xử trong đời sống hàng ngày thì phần nào cũng biết được công phu của hàng xuất sĩ.
20 Tháng Giêng 2016(Xem: 7814)
Thường thì khi chưa thành tựu về một điều gì chúng ta cảm thấy không vui. Nhưng khi đã toại nguyện, đã có những gì mong ước thì cũng chỉ vui được một thoáng rồi qua nhanh. Thực chất thì chưa được hay đã được đều có nỗi khổ riêng, vì cái tâm mong muốn của con người dường như không có điểm dừng.
13 Tháng Giêng 2016(Xem: 8021)
Ai cũng biết xuất gia tu hành đúng Chánh pháp thì gieo trồng được nhiều công đức, phước báo. Nhưng thực tiễn thì không phải ai cũng được xuất gia, nên Thế Tôn mới trợ duyên cho hàng Phật tử tại gia phát tâm xuất gia gieo duyên, có thời hạn, ít nhất là một ngày đêm tập sự xuất gia như tu Bát quan trai chẳng hạn.