Ý NGHĨA SA-MÔN Ánh Ngọc
Đức Phật rời bỏ đời sống giàu sang ở chốn hoàng cung, chấp nhận nếp sống kham khổ của một vị Sa-môn không nhà không cửa, quyết tâm tu dưỡng giới đức, tâm đức, tuệ đức và sau cùng trở thành một con người hoàn thiện, một bậc giác ngộ. Kể từ đó, Ngài được mọi người tôn quý gọi là Sa-môn Gotama – bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác1. Qua đạo hạnh của Ngài – một vị Sa-môn giác ngộ suốt đời tận tụy với sự nghiệp thuyết pháp độ sinh, thế gian càng nhận ra phẩm giá đáng quý của đời sống Sa-môn: “Tôn giả Gotama thật sự đã gợi ở nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các Sa- môn, lòng tịnh tín Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tôn kính Sa-môn đối với các Sa-môn”(2). Sa-môn (Samana) được mọi người quý trọng và tin tưởng như vậy nên Đức Phật rất quan tâm giáo dục hàng đệ tử xuất gia của mình về lý tưởng và mục đích của đời sống Sa-môn. Ngài nhắc nhở các Tỷ-kheo: “Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỷ-kheo, dân chúng biết các Thầy là vậy. Và nếu các Thầy có được hỏi: “Các Thầy là ai?”, các Thầy phải tự nhận: “Chúng tôi là Sa-môn”. Này các Tỷ-kheo, các Thầy đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này các Tỷ-kheo, các Thầy phải tự tu tập như sau: “Những pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, chúng ta sẽ tu tập pháp môn ấy. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chính và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những thứ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích”(3). Thế nào là xuất gia làm Sa-môn có kết quả, có thành tích, không trở thành vô dụng? Theo lời Phật thì Sa- môn có nghĩa là “người làm cho dừng lại các ác, bất thiện pháp, những pháp này làm ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai”(4). Do vậy, Ngài khuyên nhắc các Tỷ- kheo cần phải chuyên tâm thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, nghĩa là phải tập trung thực hành sâu về giới-định-tuệ để các ác, bất thiện pháp như tham dục, sân hận, phẫn nộ, thù hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ái dục, tà kiến… dần dần đi đến giảm thiểu và đoạn diệt. Có như thế thì việc xuất gia làm Sa-môn mới có kết quả lớn, lợi ích lớn và không trở thành vô dụng. Sau đây là hai định nghĩa quan trọng của Đức Phật về Sa-môn. Định nghĩa thứ nhất mang ý nghĩa cảnh báo các Tỷ-kheo về sự nguy hại của lối sống “không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn”(5), nghĩa là sống với hình tướng Sa- môn nhưng tâm tràn đầy dục vọng, tràn đầy các ác, bất thiện pháp(6). Định nghĩa thứ hai có ý nghĩa khích lệ các Tỷ-kheo về sự lợi lạc của nếp sống Sa-môn đích thực, tức một nếp sống tinh tấn làm cho dừng lại các ác, bất thiện pháp, hướng đến sự hoàn thiện về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức, mang lại lợi ích cho mình và lợi lạc cho người: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn? Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo có tâm tham dục và lòng tham dục không được đoạn diệt, có tâm sân hận và lòng sân hận không được đoạn diệt, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ không được đoạn diệt, có tâm thù hận và lòng thù hận không được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối không được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại không được đoạn diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố không được đoạn diệt, có tâm xan lẫn và lòng xan lẫn không được đoạn diệt, có tâm man trá và lòng man trá không được đoạn diệt, có tâm xảo trá và lòng xảo trá không được đoạn diệt, có tâm ái dục và lòng ái dục không được đoạn diệt, có tà kiến và tà kiến không được đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, nếu vị ấy không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, thì không thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa-môn, những tỳ vết cho Sa-môn, những lỗi lầm cho Sa- môn, sự đọa sanh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú. Này các Tỷ-kheo, ví như một loại võ khí nguy hiểm tên mataja có hai lưỡi rất sắc bén, có thể được bao lại và bỏ vào trong một cái bao. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói sự xuất gia của Tỷ-kheo ấy là như vậy… Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn? Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo có tâm tham dục và lòng tham dục được đoạn diệt, có tâm sân hận và lòng sân hận được đoạn diệt, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ được đoạn diệt, có tâm hiềm hận và lòng hiềm hận được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại được đoạn diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố được đoạn diệt, có tâm xan lẫn và lòng xan lẫn được đoạn diệt, có tâm man trá và lòng man trá được đoạn diệt, có tâm xảo trá và lòng xảo trá được đoạn diệt, có tâm ái dục và lòng ái dục được đoạn diệt, có tà kiến và tà kiến được đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, nếu vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, thì có thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa-môn, những tỳ vết cho Sa-môn, những lỗi lầm cho Sa-môn, đọa sanh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú. Vị ấy thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp và vị ấy thấy tự ngã được giải thoát. Do thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp ấy, do thấy tự ngã được giải thoát nên hân hoan sanh; do tâm hân hoan nên hỷ sanh; do hỷ nên thân được khinh an; do thân khinh an nên lạc thọ sanh; do lạc thọ nên tâm được định tĩnh. Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, phương thứ ba, cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận không sân. Với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ. Nếu có người từ phương Đông đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước. Người ấy đi đến hồ sen ấy giải trừ khát nước và giải trừ nóng bức. Nếu có người từ phương Tây đi đến… nếu có người từ phương Bắc đi đến, nếu có người từ phương Nam đi đến, nếu có người từ bất cứ ở đâu đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước, người ấy đi đến hồ sen ấy, giải trừ khát nước, giải trừ nóng bức”(7). Nhìn chung, Sa-môn (Samana) là một từ ngữ dùng trong Phật học để chỉ những người xuất gia tu học theo giáo pháp của Phật; hoặc đã đoạn tận mọi tâm thức nhiễm ô, trở thành bậc giác ngộ; hoặc đang nỗ lực diệt trừ các tâm thức nhiễm ô, hướng đến mục tiêu giác ngộ theo phương pháp giới-định-tuệ do Đức Phật giảng dạy. Cứ theo các định nghĩa của Phật thì Sa-môn là người có các phẩm hạnh cao quý hướng đến tự giác và giác tha. Đó là những con người hoàn thiện hoặc đang nỗ lực hoàn thiện chính mình khiến ảnh hưởng lợi lạc đến người khác, được ví như những hồ nước trong mát khéo xây cất ở ven đường, có thể giúp giải trừ cảm giác mệt mỏi và nóng bức, mang lại sự thoải mái, an lạc cho những kẻ bộ hành đường xa bị mệt mỏi và nóng bức. Do phẩm hạnh cao quý trong đời sống tự lợi và lợi tha, Đức Phật đánh giá cao nếp sống Sa-môn và khuyên nhắc các Tỷ-kheo cần phải chuyên tâm thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn để làm lợi lạc cho mình và làm lợi lạc cho mọi người. Ngài nói đến bốn hạng Sa-môn với các phẩm chất thanh tịnh khác nhau, tương ứng với bốn Thánh quả giác ngộ, nhằm lưu nhắc các Tỷ-kheo về ý nghĩa và mục đích cao quý của đời sống xuất gia làm Sa-môn: “Này các Tỷ-kheo, bốn hạng Sa-môn này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn bất động? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc hướng đến giác ngộ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ có một lần trở lui đời này rồi chấm dứt khổ đau. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị Bất lai, từ đấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui từ thế giới ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, do đoạn tận các lậu hoặc, Tỷ- kheo ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, bốn hạng Sa-môn này có mặt, xuất hiện ở đời”(8). Chú thích:
|