BỐN PHÁP GIỚI Nguyễn Thế Đăng Bốn pháp giới là: Sự pháp giới: thế giới của sự vật như chúng ta vẫn thấy bằng giác quan: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… Sự là sự vật, là tướng, là chân lý quy ước, tương đối. Đây là thế giới của hiện tượng. Lý pháp giới: thế giới của tánh, hay tánh Không, pháp tánh, Phật tánh, Như Lai tạng tánh… Đây là thế giới của bản thể, của chân lý thuyệt đối, tối hậu. Lý Sự vô ngại pháp giới: thế giới của sự đồng nhất, dung thông, tương tức tương nhập. tương dung tương nhiếp giữa tánh và tướng, giữa Không và sắc, giữa bản thể và hiện tượng. Sự Sự vô ngại pháp giới: thế giới của sự tương tức tương nhập tương dung tương nhiếp giữa sự vật và sự vật, giữa tướng và tướng, giữa hiện tượng và hiện tượng. Chữ “vô ngại” là một từ được nói đến nhiều trong kinh Hoa Nghiêm. Bốn pháp giới do Đại sư Đỗ Thuận (558-640), tổ sáng lập ra Hoa Nghiêm tông, nêu lên. Ba pháp giới đầu thường thấy trong các luận giải về các kinh Đại thừa, dù bằng những thuật ngữ khác. Đặc biệt, từ ‘pháp giới sự sự vô ngại’ là một sáng tạo đặc biệt của Đại sư Đỗ Thuận, nói lên cảnh giới tột bực và đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm. Sự pháp giới thì người thường chúng ta đều kinh nghiệm. Đó là thế giới hiện bày cho mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta. Với cái nhìn của người thường, đây là thế giới của sự khác biệt, phần tử, hữu hạn, của không gian và thời gian. Như vậy đó cũng là thế giới của sanh tử, có sanh già bệnh chết, có khổ đau vô thường, có được có mất, có đến có đi… Tóm lại, sự pháp giới là cảnh giới của chúng sanh chúng ta. Đây là chân lý quy ước, tương đối (thế đế hay tục đế). Lý pháp giới là thế giới của bản thể, bản tánh không sanh không diệt, không đến không đi, không dơ không sạch, không tăng không giảm… như hư không. Đây là chỗ hướng đến của mọi chúng sanh, của mọi triết học, mọi tôn giáo, mọi khoa học – đi tìm bản chất đầu tiên và cuối cùng của mọi sự, bản thể của mọi hiện tượng, và do đó thoát khỏi thế giới vô thường của sự vật và hiện tượng. Kinh Hoa Nghiêm, cũng như kinh Pháp Hoa, thường nói đến “thật tướng của tất cả các pháp”. Thật tướng là Lý, tất cả các pháp là Sự. Trong Phật giáo, lý là tánh Không, Niết-bàn, Pháp thân, Như Lai tạng, Phật tánh, cái vô hạn, cái toàn thể, cái nền tảng của mọi sự. Mọi sự và chúng sanh từ đó xuất sanh, hiện hữu trong đó và tiêu tan trong đó. Lý là ba phương diện đã nói ở trước: tánh Không, quang minh, và như huyễn. Lý là chân lý tuyệt đối và tối hậu. Đạt đến lý hoàn toàn, tánh Không hoàn toàn thì giải thoát. Đó là những vị A-la-hán và những vị Bồ-tát ở đệ bát địa. Nhưng những vị Bồ-tát ở đệ bát địa không nhập Niết-bàn tánh Không mà vì bổn nguyện đại bi nên vẫn tiếp tục cho đến quả vị Phật. Đó là điều kinh Đại Bát-nhã nói, “ Học Không bất chứng”. Sở dĩ Bồ-tát làm được như vậy vì ngay từ đầu con đường với đại nguyện không bỏ chúng sanh, nghĩa là không bỏ sanh tử, Bồ-tát đã đi vào con đường trung đạo, hợp nhất sanh tử và Niết-bàn, hay “bản tánh của sanh tử là Niết-bàn”. Do đó, Niết-bàn của Bồ-tát là Niết-bàn vô trụ xứ, vì đó là bản tánh hay thật tướng của tất cả các pháp. Sự hợp nhất sanh tử và Niết-bàn thành một vị này đã trở thành hiện thực ở địa thứ năm Nan thắng địa. Do đó, đến địa thứ tám, Bồ-tát có thể không nhập Niết-bàn như các vị Thanh văn, Độc giác. Kinh Đại Bát-nhã nói: “Nên quán pháp Không, như huyễn, như mộng… mà chẳng chứng thật tế. Đó là tướng Bất thối chuyển” (Phẩm Xảo tiện, hội thứ Ba). Lý Sự vô ngại pháp giới là sự hòa nhập, hợp nhất giữa sự và lý, giữa sắc và Không, giữa sanh tử và Niết-bàn. Điều này là đặc trưng của Đại thừa. Ngay khi phát Bồ-đề tâm là đã có sự hòa nhập ấy. “Nguyện đạt đến giác ngộ” nghĩa là nguyện đạt đến chân lý tuyệt đối là tánh Không. “Để cứu giúp tất cả chúng sanh” nghĩa là vẫn ở trong sanh tử, trong chân lý tương đối mà hoạt động. Tâm kinh Bát-nhã nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Đây là sự hòa nhập vô ngại giữa sắc và Không, giữa tướng và tánh. Trung luận, phẩm Quán Niết-bàn nói: 19 Niết-bàn và thế gian Không mảy may phân biệt Thế gian và Niết-bàn Không mảy may phân biệt. 20 Thật tế của Niết-bàn Và thật tế thế gian Cả hai thật tế ấy Không mảy may khác biệt. Bồ-tát nhằm đạt đến trí huệ thấu suốt tánh Không, đây là con đường Lý; đồng thời vẫn không bỏ chúng sanh, đây là Đại bi, không từ bỏ Sự. Trí huệ vô ngại với Đại bi, chân lý tuyệt đối là tánh Không vô ngại với sự hoạt động trong chân lý tương đối là Đại bi. Chính sự vô ngại hay bất nhị này làm nên con đường Bồ-tát. Và cũng chính từ Vô ngại thường được nói đến trong kinh Hoa Nghiêm, là một đức tính lớn của Bồ-tát. Kinh Hoa Nghiêm nói về lý sự vô ngại này ở mức độ vi tế nhất, vi trần và sát-na hay niệm: Như ở một vi trần Tất cả trần đều vậy Mọi thế giới vào trong Bất tư nghì như vậy. Trong mỗi trần đều có Sự mười phương, ba đời Trong mỗi trần đều có Vô lượng những cõi Phật … Vào sâu các thế giới Rộng lớn, chẳng rộng lớn Một thân vô lượng cõi Một cõi vô lượng thân. … Chư Phật và Bồ-tát Phật pháp, thế gian pháp Nếu thấy tánh chân thật Tất cả vô sai biệt.
Pháp thân Như Lai tạng Vào khắp trong thế gian Mà không nhiễm thế pháp Ví như nước trong sạch. Ảnh tượng không đến, đi Pháp thân khắp thế gian Nên biết cũng như vậy. Lìa nhiễm trước như thế Thân, thế gian thanh tịnh Lặng dừng như hư không Tất cả không có sanh. Biết thân là vô tận Không sanh cũng không diệt Chẳng thường chẳng vô thường Thị hiện khắp thế gian. … Pháp tánh không đến đi Chẳng chấp ta, của ta Thí như nhà huyễn thuật Huyễn hiện các sự vật Sự không từ đâu đến Sự không đi về đâu. (Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36). Lý (Pháp thân) vô ngại với Sự (thế gian), tương tức tương nhập với thế gian, cho đến vào trong mỗi vi trần, mỗi sát-na của thế gian. Chính vì “pháp thân vào khắp thế gian” cho nên “thân, thế gian thanh tịnh, lặng dừng như hư không, tất cả không có sanh”. Pháp thân vào khắp trong thế gian, nên thế gian luôn luôn giải thoát, vì Pháp thân vốn giải thoát. Lý nhập vào một sự thì một sự ấy có và là tất cả lý. Tại sao như thế? Bởi vì lý là cái tuyệt đối, và cái tuyệt đối thì không thể phân chia là một hay hai hay ba, là ít là nhiều. Cho nên lý nhập vào một sự thì sự ấy có và là tất cả lý, một sự ấy có và là toàn thể lý. Lý nhập vào một sự thì một sự ấy nhiếp lấy lý. Nhập và nhiếp là một cách nói cụ thể của tính chất vô ngại. Một sự nhiếp lấy lý thì sự ấy có và là tất cả lý. Bởi vì lý là cái tuyệt đối, không thể phân chia, cho nên không thể nói một sự này nhiếp vài lý, nhiếp nhiều hay ít lý, mà một sự nhiếp lý là nhiếp tất cả lý, nhiếp toàn thể lý. Lý sự tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp nên gọi đó là lý sự vô ngại. Lý sự hòa nhập, dung thông với nhau, chúng ta có thể lấy vài ví dụ. Như nước của đại dương nhập vào một làn sóng. Làn sóng đó hoàn toàn không ngăn cách với nước đại dương, cho nên nói rằng làn sóng nhiếp tất cả nước đại dương. Ánh sáng trong suốt của tấm gương nhập vào một cái bóng trong gương. Một cái bóng ấy nhiếp ánh sáng trong suốt của tấm gương, nghĩa là nhiếp toàn bộ tấm gương. Hư không nhập vào một vi trần, vì hư không không thể bị chia cắt, nên khi ấy một vi trần nhiếp tất cả hư không. Vĩnh cửu, cái không có thời gian, nhập vào một niệm, khi ấy, một niệm nhiếp tất cả vĩnh cửu, cái không có thời gian. Chúng ta cần biết rằng chữ “vô ngại” trong kinh Hoa Nghiêm được hiểu ở mức độ vi tế nhất của tâm. Vô ngại không có nghĩa là hòa lẫn, hòa tan. Sự không phải hòa tan vào lý và đánh mất mình trong lý. Lý không trở thành sự để lý không còn là lý. Sự vô ngại với lý mà sự vẫn giữ nguyên tướng trạng và đặc tính. Lý vô ngại với sự mà lý không nhiễm ô bởi sự. Nếu sự hòa tan vào lý, sanh tử hòa tan vào Niết-bàn, thì đây là sự giải thoát của thừa Thanh văn. Còn lý mà trở thành sự, Niết-bàn trở thành sanh tử thì đây là con đường của người thường, bị trói buộc trong sanh tử khổ đau. Bởi thế, kinh thường nói, “không tạp loạn”. Tất cả trở thành một vị mà sự nào vẫn là sự ấy, tướng nào vẫn là tướng ấy. Lý sự vô ngại chính là giải thoát mà không hủy hoại tướng thế gian. Lý vốn không sanh không diệt, không đến không đi, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Khi sự vô ngại với lý thì sự cũng không sanh không diệt, không đến không đi, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Lý vốn là giải thoát nên sự cũng vốn tự giải thoát: Tất cả không có sanh Biết thân là vô tận Không sanh cũng không diệt Chẳng thường chẳng vô thường. Thị hiện các thế gian Trừ diệt các tà kiến Khai thị bày chánh kiến Pháp tánh không đến đi Chẳng chấp ta, của ta. Thí như nhà huyễn thuật Huyễn hiện các sự vật Sự không từ đâu đến Sự không đi về đâu.
Sự sự vô ngại pháp giới. Khi đã thấu đạt cùng tận lý tánh Không và cùng tận bản tánh của sự tướng, Khi tâm thanh tịnh ở mức độ vi tế nhất, thì lý sự vô ngại trở thành sự sự vô ngại. Pháp giới sự sự vô ngại được thấy rõ ràng từ địa thứ tám trở lên. Tại sao sự vô ngại, tương nhập tương nhiếp với sự? Vì sự hay sắc thanh hương vị xúc pháp là vô biên, không có biên bờ, và vô lượng, không có hạn lượng. “Sắc là vô biên. Tại sao thế? Sắc tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc. Sắc thọ tưởng hành thức là rộng lớn. Tại sao thế? Sắc thọ tưởng hành thức tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc. Vì sắc vô lượng nên Bát-nhã ba-la-mật vô lượng, vì sắc lượng bất khả đắc vậy. Như hư không lượng bất khả đắc, cũng vậy, sắc lượng bất khả đắc. Hư không vô lượng nên sắc vô lượng. Vì sắc vô lượng nên Bát-nhã ba-la-mật vô lượng. Sắc vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát vô biên. Vì sao thế? Sắc tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc. Vì duyên tất cả các pháp vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật vô biên”. (Đại Bát-nhã, phẩm Tán hoa). Sắc hay sự thì vô hạn vì không y tựa vào đâu cả. “Tánh sắc thường Không, chẳng y tựa trong, chẳng y tựa ngoài, chẳng y tựa khoảng giữa”. (Đại Bát-nhã, phẩm Vô sanh). Chính vì sắc – hay sự – vô biên, vô lượng, vô hạn cho nên chúng có thể nhập nhiếp lẫn nhau, vì chẳng có cái gì ngăn cản điều đó cả. Sự sự vô ngại là sự này vô ngại với một và tất cả sự khác, mà không có sự nào đánh mất bản sắc mình hay làm tạp loạn sự khác. Trong một vi trần nhiều biển cõi Chỗ nơi riêng khác đều nghiêm tịnh Vô lượng như vậy vào một cõi Mỗi mỗi khác nhau không xen tạp. Trong mỗi vi trần vô lượng Phật Tùy tâm chúng sanh khắp hiện tiền Tất cả quốc độ đều vào khắp Phương tiện như vậy vô sai biệt. Trong mỗi vi trần những thọ vương Nhiều thứ trang nghiêm đều thòng rủ Mười phương quốc độ đều đồng hiện Tất cả như vậy vô sai biệt … Tất cả Như Lai trong ba đời Thần thông hiện khắp thế giới hải Trong mỗi sự có tất cả Phật Các ngài hãy xem những trang nghiêm. … Vô lượng Phật trong tất cả sự Số đồng chúng sanh khắp thế gian Vì khiến đều phục hiện thần thông Dùng đây trang nghiêm thế giới hải. (Thế giới thành tựu, thứ 4)
Trong một vi trần có và chứa nhiều biển quốc độ, có và chứa vô lượng Phật, vô số đạo tràng, vậy mà một vi trần đó “không chật hẹp”, các sự tướng trong đó “không xen tạp, không tạp loạn” lẫn nhau. Tất cả đều “đồng hiện”. Đây là pháp giới sự sự vô ngại. Sự sự vô ngại là một sự nhập và nhiếp tất cả các sự khác mà không có sự nào tạp loạn. Sự nhỏ nhất của không gian là vi trần, sự nhỏ nhất của thời gian là một sát-na, một niệm. Một vi trần nhiếp nhập mọi vi trần, nhiếp nhập mọi niệm. Nhưng một cái nhỏ nhất còn nhập nhiếp những cái lớn nhất. Một vi trần nhập nhiếp vũ trụ, vũ trụ ở trong một vi trần. Một niệm nhiếp cả ba đời quá khứ hiện tại vị lai và ba đời nằm trong mỗi niệm. Mặt khác, một vi trần nhiếp nhập tất cả vĩnh cửu, vĩnh cửu nằm trong một vi trần. Một niệm nhiếp nhập tất cả vũ trụ, vũ trụ nằm trong một niệm. Thế nên kinh nói: “Có quyển sách lớn bằng đại thiên thế giới mà hoàn toàn ở trong một vi trần. Tất cả vi trần cũng đều như vậy… Có một người thông minh, mắt sạch bèn thấy rõ, phá trần đem sách ra, lợi ích khắp chúng sanh. Trí Phật cũng như vậy, ở khắp tâm chúng sanh, nhưng vì vọng tưởng buộc ràng, mà chúng sanh chẳng hay chẳng biết”. (Như Lai xuất hiện, thứ 37). Sự nhập nhiếp vô ngại giữa tất cả các trần, tất cả các niệm với nhau, sự nhập nhiếp ấy chính là duyên khởi đồng thời và đồng hiện trùng trùng vô tận. Do đó kinh nói vũ trụ giống như lưới trời Đế-thích, tấm lưới bằng những hạt ngọc pha lê phản chiếu lẫn nhau trùng trùng vô tận mà hạt nào vẫn giữ nguyên hạt ấy, tất cả vẫn bất động, không cái nào đi đến với cái nào. Sự vô ngại giữa lý và sự, giữa sự và sự là sự giải thoát và giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm. Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy các sự tướng, cũng không phải đưa sự tướng trở về bản tánh. Sự giải thoát và giác ngộ rốt ráo là sự viên dung vô ngại của tất cả các sự tướng. Giải thoát và giác ngộ là nhìn thấy cái toàn thể pháp giới vô ngại trùng trùng nhiếp nhập lẫn nhau. Khi người nào nhìn thấy cái toàn thể thì người ấy là cái toàn thể. Một bậc giác ngộ là thấy biết đồng thời cả mặt tánh vô ngại lẫn mặt tướng khác biệt nhau nhưng trùng trùng vô ngại với nhau. Pháp giới sự sự vô ngại Một vào Tất cả, Tất cả vào Một này được nói đến rất nhiều trong kinh Hoa Nghiêm và được xem là cảnh giới chứng ngộ cao nhất. Ở đây, chúng ta trích Mười thứ Phổ nhập, tức là Mười thứ Sự Sự vô ngại của Đại Bồ-tát để thấy rõ thêm về cái Toàn thể khắp cả (Phổ) ấy: “Chư Phật tử! Đại Bồ-tát trụ trong mười trí này rồi thì được mười thứ phổ nhập: Một là tất cả thế giới vào một lỗ lông, một lỗ lông vào tất cả thế giới. Hai là tất cả thân chúng sanh vào một thân, một thân vào tất cả thân chúng sanh. Ba là tất cả kiếp vào một niệm, một niệm vào tất cả kiếp. Bốn là tất cả Phật pháp vào một pháp, một pháp vào tất cả Phật pháp. Năm là bất khả thuyết xứ vào một xứ, một xứ vào bất khả thuyết xứ. Sáu là bất khả thuyết căn vào một căn, một căn vào bất khả thuyết căn. Bảy là tất cả căn vào chẳng phải căn, chẳng phải căn vào tất cả căn. Tám là tất cả tưởng vào một tưởng, một tưởng vào tất cả tưởng., Chín là tất cả ngôn âm vào một ngôn âm, một ngôn âm vào tất cả ngôn âm. Mười là tất cả ba thời vào một thời, một thời vào tất cả ba thời.” (Phổ Hiển hạnh, thứ 36). Tóm lại, từ vi trần cho đến mười phương thế giới, từ một niệm cho đến tất cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả đều có Phật, đều là Phật; và Phật ấy thị hiện trùng trùng nhiếp nhập lẫn nhau vô tận. Tâm, Phật, chúng sanh, thế giới, tất cả không sai khác mà trùng trùng nhiếp nhập lẫn nhau: một là tất cả, tất cả là một. Những cõi rộng lớn ở mười phương Đều hiện vào trong thế giới này Dầu thấy mười phương hiện trong đây Mà thật không vào cũng không đến. Đem một cõi nước vào tất cả Tất cả vào một cũng không thừa Thể tướng như cũ không dời đổi Không sánh, vô lượng đều cùng khắp. Trong vi trần của tất cả cõi Đều thấy Như Lai hiện trong đó Ngôn âm biển nguyện như sấm vang Tất cả chúng sanh đồng điều phục. Phật thân cùng khắp tất cả cõi Vô số Bồ-tát đều đầy khắp Như Lai tự tại không gì sánh Hóa độ tất cả các hàm thức. (Hoa Tạng thế giới, thứ 5) Làm sao để thấy như vậy? Bằng tâm và mắt thanh tịnh mà kinh điển nói là “con mắt pháp thanh tịnh”. Tâm và mắt thanh tịnh đến đâu thì pháp giới Hoa Nghiêm hiện ra đến đó. Để được tâm và mắt thanh tịnh, chúng ta thực hành tất cả pháp môn trong kinh Hoa Nghiêm, nghĩa là tất cả Phật pháp. Thực hành được nhiều pháp chừng nào càng tốt chừng ấy. Ở đây chỉ nói qua một pháp quán để thấy pháp giới Hoa Nghiêm. Trong phẩm thứ nhất Thế Chủ Diệu Nghiêm, kinh thường dùng những chữ như “quan sát”, “xem thấy”, “được thấy”. Những bài kệ trong phẩm này đều để diễn tả cái thấy của các vị từ trời, thần, cho đến các Bồ-tát. Phẩm Thập định thứ 27, có Bồ-tát Phổ Nhãn. Phổ Nhãn, con mắt ở khắp cả, là con mắt thấy pháp giới Hoa Nghiêm. Để thấy pháp giới Hoa Nghiêm, chúng ta có ba cấp độ quán: - Quán thấy: đây là cấp độ của Bồ-tát cấp cao, xem thấy trực tiếp. - Quán sát: đây là cấp độ còn phải dụng công, chú ý, chánh niệm tỉnh giác vào sự xem thấy. - Quán tưởng: ở cấp độ người bình thường, chúng ta chưa thể quán sát, chưa thể quán thấy, xem thấy, nên cần phải quán tưởng, nghĩa là xem thấy bằng sự phân tích và tưởng tượng. Tưởng tượng không phải là tưởng tượng vu vơ, mà đó là sự thật nhưng chúng ta chưa thấy được, chưa chấp nhận được nên chúng ta cần làm quen với thật tế này, với cái thấy thật tế ấy bằng sức tưởng tượng. Như hiện tại đây, thế giới sanh tử cũng chỉ là một quán tưởng sai lầm (vọng tưởng) nhưng đã quá quen mà thành ra đấy thôi. Chúng ta đã quá quen với sự quán tưởng sai lầm rằng sự vật của thế giới sanh tử là cứng đặc, bên trong tối tăm, có bản chất, có tự tánh, có thật và có ngăn ngại. Quán tưởng ngược lại sẽ cho ta thấy cái đúng: thế giới sanh tử là không cứng đặc, không tối tăm, không có tự tánh, vô ngại. Thế giới là vô ngại, từ lý sự vô ngại cho đến sự sự vô ngại, đúng như thật tướng của nó. Khi thấy đúng bèn có giải thoát, có an lạc. Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng. Khi thấy được thế giới sanh tử mà chúng ta vẫn tưởng là cứng đặc, có tự tánh, có ngăn ngại thật ra là thế giới sự sự vô ngại, chúng ta có tự do, tự do tối thượng và an lạc tối thượng. Một sắc, một sự là Không. Một sắc, một sự đã là tự do, vô ngại, mở rộng đến vô hạn. Vậy thì sự tương tác vô ngại của tất cả sắc, tất cả sự, là sự tương tác vô ngại của tất cả những tự do, những vô hạn. Tự do nhân với tự do, vô hạn nhân với vô hạn, an lạc nhân với an lạc. Có bao nhiêu sắc, bao nhiêu thanh, bao nhiêu hương, bao nhiêu pháp là có bấy nhiêu tự do, bấy nhiêu an lạc, trùng trùng tương nhập tương nhiếp nhau. Đó là sự tự do trùng trùng, an lạc trùng trùng của pháp giới sự sự vô ngại.Văn hóa Phật giáo số 216) |