Tâm Không Vĩnh Hữu
Chạng vạng ngày hai mươi tám tháng Chạp, đang đứng tưới hoa trước sân, tôi chợt nghe tiếng xe máy dừng trước cổng. Còi xe vang lên mấy tiếng. Tôi nhìn ra. Lạ hoắc. Không quen. Đó là một thiếu phụ có gương mặt khả ái, trang điểm phấn son đậm nét, thật quý phái trong trang phục áo dài gấm hoa trắng trên nền xanh dương óng ánh. Thiếu phụ vẫn còn ngồi trên chiếc Future Neo láng bóng như mới vừa được khui thùng, nhìn tôi cười tươi như hoa, và nhấn thêm mấy tiếng còi. Tôi kinh ngạc, bước ra phía cổng, mắt vẫn không rời gương mặt khả ái lạ lẫm kia, để cố nhớ cho ra một chút quen thuộc, nhưng đến đứng sát bên cổng rồi mà vẫn thấy trước mình là một người hoàn toàn xa lạ. Chắc là lầm nhà, lầm người, còn không thì là khách hỏi thăm đường, chứ nhất định không phải tìm tôi. Vẫn chưa chịu mở then cài cổng, tôi dè dặt hỏi: – Chào chị, chị hỏi ai tìm ai? – Thiếu phụ cười, chậm rãi xuống xe, đến đứng sát bên cổng sắt, rồi mới cất tiếng: – Không nhớ em thật sao, anh? Tôi nhăn nhúm cả vầng trán để cố lục lọi xới bươi trí nhớ. Dường như có một điểm gì đó quen quen, nhưng rất mơ hồ, tôi không sao chộp bắt được. Có lẽ, có lẽ thôi, tôi có gặp gỡ thiếu phụ này một lần nào đó trong đời. Một lần thôi, bởi vì nếu đến hai lần tiếp xúc trò chuyện với bất cứ một ai, thì tôi sẽ nhớ đến chết; bộ não tôi hoạt động rất tốt. Vì vậy người đang đứng trước tôi phải là người đang lầm tôi với ai đó. Tôi mở toang cổng ra, lắc đầu cười: – Chịu. Tôi không thể nhớ ra được. Có đúng là chị quen với tôi không? Hay lầm người? – Em không lầm đâu. Chính ngôi nhà này. Chính gương mặt của anh này. Chính cái nốt ruồi to dưới cằm anh này. Không thể nào lầm người lộn nhà được! – Vậy thì… tôi là ai? Chị gọi tên tôi ra thử xem! – Em không biết tên của anh! – Sao kỳ vậy? – Hồi đó, em không kịp hỏi tên Em chỉ biết anh là… nhà báo. – Hồi đó là… hồi nào vậy? Cách đây hai năm, cũng vào giờ này, ngày này… Tôi co rúm người lại, lại xáo tung bộ nhớ. – Vậy… tên chị là gì? – Trinh? Trinh à? Ồ, tôi không hề quen biết ai tên Trinh! – Hồi đó anh không hỏi tên em, và em cũng không xưng tên mình cho anh biết. Bộ anh không nhớ nổi vào ngày giờ này hai năm về trước sao? – Hai năm về trước? Ngày giờ này và cũng tại đây sao? – Phải. Lúc đó, trước nhà anh, ngoài kia, còn cái chợ “âm hồn”. Nay thì chợ đã bị giải tán rồi… – Chợ “âm hồn”? Ồ… có phải là …? – Chuối. – Chuối? Ra là… Ồ, mà không thể như vậy được! Không lẽ lại là cô em… cô em bán chuối? Thiếu phụ vui mừng, nắm lấy bàn tay tôi day liên hồi: – Anh đã nhớ ra rồi. Đúng là em đây. Em đây! Tôi há hốc mồm, nhìn lại thiếu phụ thật kỹ mà vẫn chưa dám tin. Phải, trước mắt tôi đúng là cố nhân, người khách chỉ quen tôi trong vòng từ chạng vạng hôm nay đến sáng sớm ngày mai. Lần quen biết ấy, tôi nhớ đến suốt đời. Chuyện xảy ra ngày ấy, tôi không thể nào quên. Nhưng, người khách ngày ấy đã hoàn toàn thay đổi từng lọn tóc đến móng chân, nên tôi không thể nào nhận ra hình bóng còn lờ mờ của cố nhân trong trí não của mình được. – Đúng là cô em ư? Tôi không mơ đó chứ? – Không mơ đâu. Bây giờ chịu mời em vào nhà chưa? Hay là anh đã có vợ, sợ chị ghen tuông? – Ồ không, mời vào… mời vào. Để tôi dắt xe cho… Thiếu phụ cười, bước lại xách cái túi nhựa căng phồng để trong giỏ xe, tự nhiên bước vào, đứng lại bên những chậu cúc đại đóa ngắm nghía, chờ tôi dắt xe khép cổng xong mới lên tiếng: – Anh vẫn sống một mình sao? – Một mình! – Tôi nhún vai bước vào nhà – Vào nhà đi! Khi cả hai cùng ngồi xuống ghế, cùng nhìn nhau thật lâu, cả tôi lẫn cố nhân bỗng dưng bật cười một tràng sảng khoái. Tiếng cười hòa vào nhau thật thân thiết và đồng cảm. Tôi hiểu, cố nhân cười cũng như tôi, vì đang nhớ lại chuyện tao ngộ kỳ khôi cách đây hai năm về trước… * * * Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy nhằm ngày hai mươi tám tháng Chạp, chỉ còn hai tờ lịch nữa là sang năm mới. Sau suốt một ngày rong ruổi đi quay phim phóng sự, đưa tin về các huyện miền núi chuẩn bị đón Tết cổ truyền, để kịp phát trên truyền hình vào ngày cuối năm và ngày đầu năm mới, tôi trở về nhà với cả người lẫn xe đỏ quạch bụi đất, mệt rã rời, chỉ thèm được nằm dài ngủ một giấc. Nhưng muốn bước chân vào được đến sân nhà mình không phải chuyện dễ dàng. Con đường trước nhà tôi, hằng năm cứ vào những ngày giáp Tết là trở thành cái chợ chuối. Chuối nhiều vô kể, chuối từ khắp các nẻo đường xa xôi đổ về từ khuya mờ mịt đến sớm tinh mơ vẫn chưa dứt, chiếm hết lòng lề đường từ ngày này qua ngày nọ, hơn nửa tháng trời, vào chiều ba mươi mới chịu tan mất sau khi để lại một con đường lá với rác, rác với lá, hành khổ cho những người công nhân vệ sinh. Tôi đã rất nhiều lần ngứa ngáy nghề nghiệp, định thực hiện phóng sự về “cái chợ âm hồn chuối” vi phạm luật lệ giao thông này, với mỏi mong hằng ngày mình được đi đi về về trên con đường thoáng thông sạch đẹp, nhưng rồi tôi đành phải dẹp bỏ ngay ý định ấy. Bỏ, không vì sợ ai, không vì không đủ tài năng trí lực, mà vì tôi nhìn tận mắt nỗi nhọc nhằn của người dân quê lam lũ. Họ phải bỏ biết bao mồ hôi công sức, quần quật với rẫy vườn quanh năm, để chờ đến những ngày giáp Tết mới xuống chốn thị thành với hy vọng kiếm được một số tiền lớn về trang trải nợ nần, sắm sửa mừng xuân… Họ phải vượt qua bao nhiêu dốc đèo, lội qua bao suối, mướn cộ thuê xe, để chở hoa màu về đến phố, rồi phải một nắng hai sương ăn dầm ở dề ngay tại bãi đổ hàng của mình cho đến khi bán sạch hết, mới đón xe về lại chốn quạnh hiu xa xôi. Mỗi năm, họ chỉ có dịp này, dịp năm mới sắp đến, ai nỡ nào đánh đuổi họ đi không cho buôn bán? Cho nên tôi không động chạm gì đến “chợ âm hồn chuối”, phải bụng lấy làm vui chấp nhận những chướng ngại phiền phức trên đường đi đi về về suốt thời gian “chợ âm hồn chuối” sinh hoạt chào đón tân niên nhộn nhịp… Vượt qua được đoạn đường gian khổ, đẩy xe lên lề đường trước cổng nhà, tôi chợt động tâm khi nghe được tiếng khóc thút thít sau lưng mình. Quay nhìn, tôi thấy người thiếu phụ bán chuối trước nhà, phía bên phải, đang rũ rượi mặt mày, vừa khóc vừa kéo ống quần lên lau mắt chùi mũi, để lộ cả một bắp chân trắng nõn. Tôi nhìn sang hàng phía bên trái, người bán là một bà già đang ngó tôi, đoán biết tôi đang thắc mắc nên nói ngay đang khi miệng nhai bỏm bẻm trầu: “Nó mới bị thằng chồng đánh cho một trận đó. Đang bị lên cơn sốt rét, bán chuối không chạy, chồng xuống lấy tiền không có nên thượng tay hạ chân, lại còn dọa hăm không bán hết không được vác mặt về nhà. Về mà ít tiền thì đánh nữa”… Tôi động tâm, nhìn thiếu phụ, nhưng cô ta đang nằm xuống co ro trên tấm chiếu cót bên đống chuối xanh um được cột nối với nhau bằng một sợi dây dừa, toàn thân đang run lên lẩy bẩy, và tiếng thút thít đã chuyển thành nức nở. Bà già hàng bên nói: – Tội nghiệp. Thằng chồng chỉ biết đến tiền, đâu quan tâm đến bệnh tình của vợ… Động lòng trắc ẩn, tôi bước lại gọi thiếu phụ: – Cô em à, lên cơn sốt như vậy… đã uống thuốc gì chưa? Thiếu phụ vẫn khóc rưng rức. Bà già nói: – Thuốc men gì? Chú có thì cho nó một ít uống đỡ đi! Tôi vội dắt xe vào nhà, lấy thuốc cùng ly nước lọc đem ra, gọi thiếu phụ dậy uống. Thiếu phụ uống thuốc xong, thều thào cảm ơn tôi, rồi lại nằm xuống. Tôi đề nghị: – Đang sốt mà nằm ngoài này chịu gió sương coi sao đặng? Cô em nên vào nhà tôi, có chăn mền, kín đáo ấm cúng. Tôi sẽ kêu ông y tá gần nhà qua khám bệnh cho! Thiếu phụ nằm đó, nhìn tôi với ánh mắt biết ơn, yếu ớt nói: – Em không dám đâu… cảm ơn anh … – Đừng ngại. Giúp đỡ nhau là chuyện bình thường mà. Hay cô em… không tin tôi? Im lặng. Tôi cười khẩy, nói: – Sợ vợ tôi ghen à? Hay sợ người khác dị nghị? Nói cho cô em yên tâm, tôi còn độc thân, vui tính lắm, và là phóng viên đây. Không lẽ tôi đi hại cô em? Im lặng. Tôi nhìn sang bà già cầu cứu. Bà già hiểu ý, bước qua lay thiếu phụ: – Thôi, dậy đi mày. Gặp người tốt giúp đỡ rồi. Mau vô trỏng nằm nghỉ đi, hàng để ngoài này tao bán giùm cho… Đêm nay mà nằm phơi ngoài này nữa chắc là mày hết ăn Tết đó con à! Thiếu phụ ngồi dậy nặng nhọc, thều thào: – Con ngại quá… Hơn nữa, chuối để ngoài này… lỡ mất chắc chết nữa… Của ngoại, ngoại còn chưa giữ xong… thì sao trông chừng được của con? Thôi đi, con nằm đây, có chết cũng chịu… – Sợ mất chuối thì mang hết vào sân nhà tôi, cả đống chuối của ngoại nữa! – Tôi đề nghị ngay. Tốt quá rồi – Bà già vui vẻ – Chuối của tui thì khỏi cần lo, tí nữa sẽ có thằng cháu tui nó đến thay ca, tui về nhà nghỉ, chiều mai mới xuống đây lại. Chỉ lo dời chuối của nó vô sân thôi! Tôi cùng bà già luân phiên nhau thuyết phục một hồi nữa, thiếu phụ mới xiêu lòng, chịu vào nhà tôi nằm nghỉ, chuối được chuyển vào sân… Tối ấy, tôi sang mời chú Quyền y tá hàng xóm đến khám bệnh, tiêm và phát thuốc cho thiếu phụ đâu vào đó. Tôi ngủ trên ghế bố xếp, nhường chiếc giường nệm cho khách, và đánh một giấc ngon lành tới sáng, sau khi cùng khách ăn một bữa tối đơn giản với bánh mì thịt nguội no nê… Mở mắt dậy, thấy mình nằm trên ghế bố xếp, mới chợt nhớ nhà có khách ngủ qua đêm, tôi chồm dậy nhìn về phía giường trước tiên. Trống trơn và vắng lặng. Chỉ có bên ngoài đường chợ búa xôn xao. Tôi không thấy khách đâu, ra trước cổng kiếm tìm cũng không thấy thiếu phụ. Người cháu trai của bà già cho hay rằng có thấy cô ta đi ra khỏi nhà từ lúc 3 giờ sáng. Tôi nhìn vào sân, chuối vẫn còn nằm nguyên nơi ấy. Vội vào nhà, tôi đau đớn và thất vọng kêu trời khi phát hiện ra nhà mình đã bị trộm. Hai triệu bảy trăm nghìn đồng, tiền của cơ quan thưởng Tết và lương tháng mới lĩnh của tôi, tôi cất trong hộc bàn làm việc không khóa, đã biến mất. Tiền trong túi quần đầy bụi đỏ, còn khoảng trên trăm nghìn đồng, cũng bị vét nhẵn sạch không chừa một tờ. Đau hơn, chiếc máy ảnh mới sắm hiệu Canon, để chung trong giỏ xách với chiếc máy quay phim vidéo, cũng đã đội sương sớm ra đi. Chiếc máy quay phim còn chừa lại chắc vì nó cồng kềnh nặng nhọc, và cũ kỹ lạc hậu, sẽ gây khó khăn cho kẻ trộm. Khỏi điều tra cũng biết ai là thủ phạm rồi. Hỏi thăm tất cả những người bán chuối, không ai biết rõ về nhà cửa của thiếu phụ tệ bạc kia, vì họ đều là những người dân quê mỗi người một xứ một phương, chỉ biết nhau mỗi độ họp chợ “cô hồn”, tan chợ là quên nhau ngay. Tôi đành chịu mất mát, ôm vào cái tiếng dại gái do bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm trêu cười trách móc. Tôi còn ôm vào một đống chuối xanh um chất ở ngoài sân nhà mình, trị giá chừng hơn năm trăm nghìn, bán rẻ lại cho mấy hàng chuối vớt vát ít tiền bỏ túi tiêu xài mấy ngày xuân, còn một ít thì mang tặng bạn bè hàng xóm cứ y như mình là dân nhà quê mang tặng quà cây nhà lá vườn vậy. Tết năm ấy tôi mắc nợ. Rồi Tết năm ấy cũng qua đi. Chuyện cũ quên lãng… * * * Nay đang ngồi trước tôi là người thiếu phụ tệ bạc. Đúng là cô ấy. Tôi không biết phải nói gì. Cách tốt nhất là nhường phần cho khách khơi chuyện. Tốt hơn nữa là dẹp bỏ chuyện cũ, đừng nhớ nó như hai năm qua đã từng lãng quên. Thiếu phụ cười thật nhẹ nhàng: – Anh không ngờ được phải không? – Ừ. Không thể tưởng tượng nổi, dù tôi là người giàu óc tưởng tượng. Cô em… quá khác! Thiếu phụ lại cười tỏn tẻn, đặt túi nhựa lên bàn, từ tốn lôi từng thứ bên trong ra. Tôi bất động, nhìn. Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đời… mới cứng. Cặp rượu ngoại đắt tiền. Cặp trà lon thượng hảo hạng. Hộp mứt. Cây thuốc lá Ba Số Năm. Và cuối cùng là khoảng năm hay sáu tờ giấy bạc mệnh giá năm trăm nghìn đồng. Tôi nhún vai nhìn khách. Thiếu phụ đã không còn cười, mặt nghiêm trang, giọng chân tình: Em chỉ mong muốn một điều, là anh không coi em như một kẻ trộm cắp xấu xa, mà chỉ coi như em là một con nợ, em đã vay mượn của anh, nay em nhớ nợ nên quay trở lại để trả ơn Tôi im lặng. Tuyệt quá. Thiếu phụ hỏi: – Anh đồng ý như vậy không? – Tôi gật đầu. Thiếu phụ vui ra mặt: – Anh đáng là bậc trượng phu. Bây giờ, anh nhận cho những món vật này, nhận rồi là em về ngay, nếu cần thì em biến luôn khỏi cuộc đời anh, anh sẽ không bao giờ gặp em một lần nào nữa! Tôi cố giữ bình thản, nhìn lướt qua những món vật trên bàn, rồi thẳng thắn: – Cô em vay ít mà trả nhiều quá, làm tôi ngại… – Phải tính lãi hai năm chớ anh! – Tôi cho vay không lấy lãi. Nếu nhận hết, tôi thành kẻ cho vay cắt cổ con nợ mất! – Nếu vậy thì khoản dư ra coi như em tặng anh nhân dịp Tết đến. Đồng ý? – Thôi được, tôi xin cảm ơn cô em! Chúng tôi ngồi lặng thinh thật lâu, chờ nhau. Khách cười: – Anh không hỏi vì sao em được đổi đời, lột xác để có ngày hôm nay ư? – Không cần thiết phải hỏi, vì đó là chuyện riêng tư của một người. – Sao em nghe nói cánh nhà báo các anh là những người ưa soi mói, tò mò tọc mạch, vạch lá tìm sâu, mà anh lại không phải như vậy? – Đúng chuyện, đúng người, tôi mới trổ nghề. Không phải lúc nào cũng vậy đâu. Chuyện đời tư của cô em, nếu cô em thích kể thì… tôi nghe! – Nếu anh không thích nghe biết, thì em không kể. Chúng tôi cùng bật cười. Chia tay. Từ ấy, tôi không còn diễm phúc gặp lại người thiếu phụ lạ lùng và bí ẩn ấy nữa. Tôi nghiệm ra một điều mà tôi xem như một bài học xương máu quý giá, bài học này dường như đã có từ 25 thế kỷ trước, khi Đức Phật Thích-ca bên tận xứ Thiên Trúc thuyết về lý Nhân quả Luân hồi, tôi được biết từ lâu nhưng nay tôi mới tự mình rút ra được cho riêng mình: gieo sạ giống tốt nhân đẹp thì đừng bao giờ sợ lỗ lã. Đúng vậy! |