Chọn Hôn Nhân Hay Sự Nghiệp?

20 Tháng Hai 201509:59(Xem: 7180)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015


Chọn Hôn Nhân Hay Sự Nghiệp?

blankChúng con yêu nhau đã gần 5 năm, dự định cuối năm nay sẽ làm đám cưới. Cách đây 2 tuần con biết tin mình nhận được suất học bổng làm tiến sĩ tại Nhật Bản. Con mừng vui khôn xiết vì con đã phải nỗ lực hết mình mới vượt qua được các vòng thi, cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Khi con báo tin này cho chồng sắp cưới thì anh ấy nổi giận đùng đùng, bảo nếu con đi học sẽ hủy đám cưới. Bố mẹ anh ấy cũng nói rằng nếu con đi Nhật sẽ cưới vợ khác cho con trai vì nhà bên ấy hiếm con, anh ấy đã ngoài 35 nên phải cưới vợ và sinh cháu đích tôn ngay, không thể chờ con đi học 3 năm về mới sinh em bé được. Con rất yêu anh ấy, không muốn mất anh ấy nhưng còn sự nghiệp của con,... Con phải quyết định sao đây? Thầy hãy cho con lời khuyên được không ạ? Con cảm ơn Thầy nhiều!

Trẩn Thu Hòa, TP. Hồ Chí Minh

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Cần bình tĩnh để quyết định đúng

Tình yêu và sự nghiệp là hai yếu tố không thể thiếu với người đời. Thách đố lớn trong tình huống của chị là xem ra chị khó có thể đạt được cả hai, vì nơi mà chị sẽ phải theo đuổi chương trình tiến sĩ để có tương lai tươi sáng là Nhật Bản, trong khi nơi mà tình yêu của chị đang nảy nở lại là Việt Nam. Khoảng cách địa lý trong tình huống này sẽ là trở ngại lớn cho tình yêu và hôn nhân của chị.

Trước nhất, chị đừng nên quá sốc vì thái độ của chồng tương lai và gia đình anh ấy. Anh ấy “nổi giận đùng đùng” chỉ là phản ứng cảm xúc, do kỳ vọng hôn nhân giữa anh và chị được diễn ra trong tương lai gần, lại chịu ít nhiều sức ép của gia đình về nhu cầu nối dõi tông đường, đang khi tuổi của anh ấy không còn trẻ nữa.

Nếu chồng chưa cưới của chị muốn chia tay với chị, cưới một người khác chỉ vì chị có nhu cầu thăng tiến cơ hội học tiến sĩ, xem ra anh ấy có khuynh hướng gia trưởng và bảo thủ. Hai anh chị đã biết nhau 5 năm rồi, giờ có phải chờ đợi nhau thêm 3 năm nữa không phải là không thể khả thi. Tình yêu chân thật có thể giúp cho cả hai vượt qua các thử thách. Xem ra, chồng chưa cưới của chị không thuộc người kiên nhẫn và chịu đựng. Xa nhau một thời gian vì sự học của chị âu cũng là cơ hội tốt cho cả hai nhìn lại và đánh giá lại tình yêu mà cả hai đã dành cho nhau, có thật sự vì nhau chưa? Nếu thật sự đã yêu nhau và vì nhau thì cả hai sẽ biết cần phải làm gì trong giai đoạn này để hướng đến tương lai tốt đẹp cho nhau.  

Cân nhắc cái ưu tiên và quan trọng hơn

Nếu chồng tương lai của chị đưa ra tối hậu thư, buộc chị phải chọn một trong hai, đi du học thì hủy hôn nhân, tiến tới hôn nhân thì hủy đi du học, thì chỉ có chị là người có thể quyết định về vấn đề này. Để quyết định đúng, theo nghĩa có lợi cho tương lai bền vững và hạnh phúc lâu dài, chị hãy xem xét “bằng cấp tiến sĩ” là quan trọng hay “lên xe hoa” trong sự hy sinh việc học là quan trọng? Xác định tính ưu tiên trong giai đoạn này là rất cần thiết, có thể giúp chị cần chú trọng cái gì và tạm bỏ qua cái còn lại. Quan tâm và ôm cả hai cùng một lúc xem ra khó khả thi.

Theo tôi, kiến thức đạt được từ sự học là có giới hạn, trong khi điều kiện để được học tiếp tiến sĩ của chị mang tính điều kiện cao. Thứ nhất, chị phải trải qua và đã đậu các vòng thi chuyên môn và ngoại ngữ mà không phải thí sinh nào cũng xứng đáng và may mắn đạt được. Thứ hai, qua khỏi U30, sức học và khả năng tiếp thu bắt đầu có những hạn chế nhất định. Thứ ba, khi lấy chồng và sinh con, chị phải mất vài năm để ổn định cuộc sống gia đình, lúc đó, đầu óc của chị không còn chỗ cho việc học tiến sĩ nữa. Chị có thể mất cơ hội học tiến sĩ theo diện học bổng, một cách vĩnh viễn. Khi chọn con đường lên xe hoa, chị phải hy sinh sự học với thái độ không nuối tiếc.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, có khi tình yêu là quan trọng hơn hết, phải hy sinh các cái khác để giữ tình yêu; có khi sự nghiệp là quan trọng hơn, vì thiếu nó, tình yêu khó có thể chấp cánh bay cao và bay xa. Việc theo học tiến sĩ của chị có thể làm thay đổi cuộc đời chị, theo đó, chị sẽ có cơ hội thành đạt và đóng góp nhiều hơn, so với trường hợp chị lên xe hoa và có thể trở thành bà nội trợ trong nhà, như phần lớn chị em phụ nữ khác.

Cũng cần lưu ý, việc học tiến sĩ chủ yếu là phục vụ cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn về sau. Nếu chị không có hai nhu cầu đó, mà chỉ tiếc không đi du học thì uổng vì chị thi đậu các kỳ thi, thì việc học tiến sĩ của chị có thể là không cần thiết. Do đó, tính ưu tiên lệ thuộc vào động cơ, mục đích, thời điểm quyết định và vị thế mà chị đưa ra quyết định.

Không giải quyết được vấn đề ưu tiên này, trong nhiều trường hợp, mối quan hệ hướng đến hôn nhân có thể bị đổ vỡ và tan nát. Không ít chàng trai và cô gái phải nghỉ học nửa chừng vì phải trở thành ông bố và bà mẹ, dưới sức ép của tuổi tác và gia đình. Khi giải quyết vấn đề mang tính chọn lựa và ưu tiên, ta nên tránh tình trạng khi quyết định thì tương lai không có gì chắc chắn mà hiện tại thì bị lãng quên, hạnh phúc theo đó bị kết thúc!

Cố gắng thuyết phục thêm

Mối tình 5 năm với anh ấy có thể cho thấy tình yêu giữa anh ấy và chị là có thật. Khai thác sự hy sinh trong tình yêu để anh ấy có thể thông cảm và ủng hộ quyết định đi du học của chị. Quyết định của anh ấy mới là quan trọng. Sự thúc bách của gia đình anh ấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu anh ấy có lập trường, sức chịu đựng và tâm hy sinh. Do vậy, chị hãy cố gắng thuyết phục chồng tương lai về sự chịu đựng và hy sinh mà anh ấy sẽ phải trải qua, khi chị quyết định đi Nhật Bản, còn anh phải ở lại Việt Nam trong sự trông chờ.

“Xa mặt cách lòng” là quy luật tâm lý, khó có người vượt qua. Ba năm dài đằng đẵng chịu đựng trong cô đơn ở tuổi đã 35, chồng tương lai của chị sẽ có thể nản lòng và mất dần kiên nhẫn, khi bị người thân tác động vì động cơ lo cho tương lai của anh ấy và lo cho sự nối dõi tông đường. Hãy nỗ lực hết mức những gì chị có thể nói lên từ trái tim và lý trí của mình. Nếu anh ấy cao thượng, hy sinh nhờ sự kiên nhẫn và sức chịu đựng, anh ấy sẽ ủng hộ chị để chị có tương lai tươi sáng.

Khi đã quyết định thì không nuối tiếc

Nếu anh ấy, vì một lý do nào đó, không thể chấp nhận sự hy sinh, muốn lập gia thất sớm, dĩ nhiên không phải với chị, chị cần làm quen với sự mất mát tình yêu, vì trong trường hợp của chị, chị khó có sự lựa chọn tốt hơn. Điều kiện được học tiến sĩ ở Nhật Bản theo diện học bổng sẽ có thể không đến với chị lần thứ hai, đang khi điều kiện hôn nhân sẽ không khép lại vĩnh viễn với chị khi chị có được bằng tiến sĩ ở nước Nhật về.

Cần lưu ý rằng càng có tuổi và bằng cấp cao, người phụ nữ trí thức khó lấy chồng hơn, vì lý do kén chọn người hơn mình, hoặc kỳ vọng của người nữ lúc đó quá cao, hoặc do người đàn ông đúng chuẩn “ý trung nhân" ở tuổi của chị mà thành đạt tối thiểu ngang bằng chị, phần lớn đều yên bề gia thất rồi. Có thể còn có nhiều lý do khách quan khác nữa.

Nếu phải chọn con đường “ra đi", chị đừng tiếc nuối những gì sẽ mất, mặc dù nó rất quý báu với chị. Biết bao kỷ niệm đẹp và hạnh phúc trong 5 năm đối với chị. Đừng quá buồn rầu, bi lụy mà làm rối loạn tâm tư, không thể tập trung học tập để có kết quả tốt đẹp. Đôi lúc trong đời, ta phải chấp nhận mất mát cái gì đó quý giá để được cái quý giá khác hoặc quý giá hơn. Đôi lúc phải mất nhiều cái để chỉ được một cái có giá trị lâu dài trong đời. Biết hài lòng với sự lựa chọn đúng sẽ giúp chị được hạnh phúc. 

Thay thế tích cực để quên đi nỗi đau

Lo nghĩ và tiếc nuối về một tình yêu bị mất sẽ làm chị khó có thể hoặc không thể chú tâm vào việc học, lòng chị càng đau khổ nhiều thêm. Đầu tư vào việc đang làm sẽ giúp chị quên đi các chuyện không đáng phải khơi động lại. Tập trung vào việc học tại nơi sẽ đến, chơi môn thể dục thể thao thích hợp, thiết lập quan hệ với bạn bè đồng lớp, chia sẻ môi trường sống mới với cha mẹ ruột và người thân qua điện thoại hoặc email,... sẽ góp phần giúp chị vơi đi nỗi đau “đường anh anh đi, đường tôi tôi đi.”

Việc cố gắng giữ hình ảnh người yêu trong tâm trong trạng thái dằn vặt thì chỉ làm khổ bản thân. Hãy tìm sự bình an qua sự học. Đây chính là mục đích mà chị có thể hướng về. Trong nhiều trường hợp, việc tách riêng tình yêu với sự nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng được cái này thì mất cái kia và ngược lại. Trong trường hợp của chị, muốn đạt được cả hai không phải là chuyện giản đơn. Điều này không hoàn toàn lệ thuộc vào ước muốn của riêng chị. Thái độ lo lắng và chọn lựa mãi mà trên thực tế là chẳng chọn lựa được gì, chỉ bị vướng kẹt trong sự lưỡng lự sẽ làm cho chị phải sống trong sự lo lắng và dày vò. Rốt cuộc, thời gian trôi qua, chị sẽ chẳng thể làm được việc gì thật sự có ý nghĩa với chị trong giai đoạn cần quyết định dứt khoát.

Việc lo sợ mất người yêu và mất tình yêu sẽ không mang lại bình an đích thực. Càng lo lắng và càng kẹt vào cảm giác “bị mất” đi các giá trị tình yêu, chị càng đối diện với sự rối bời và hoang mang. Chuyện gì cần quên đi thì hãy tập quên đi. Đừng giữ nỗi đau trong ký ức. Mọi thứ rồi phải trôi qua. Mỗi giai đoạn trong một đời người sẽ đóng một vai trò quan trọng, đôi lúc trở thành bước ngoặc có ý nghĩa, cần hướng đến và vượt qua để có thể vươn đến tầm xa và tầm cao hơn. Hướng tâm về sự nghiệp ở tuổi tam thập của chị là việc cần quan tâm trong giai đoạn này.

Niềm tin về sự vượt qua

Câu nói “Nam nhi chí tại bốn phương, lo sự nghiệp trước, vợ con tính sau” không còn là chân lý dành riêng cho nam giới, mà ngày xưa, do vì họ làm trụ cột kinh tế gia đình nên họ thường được quan niệm và kỳ vọng như thế. Ngày nay, nhiều phụ nữ có khả năng tương đương hoặc vượt trội, có thể làm thành công các công việc và đảm trách các vai của người nam phụ trách. Chị may mắn thuộc loại người này.

Cần xác định rằng trong giai đoạn này, việc làm nào là có ý nghĩa và giá trị nhất và nếu quyết định chọn nó sẽ làm cho cuộc sống của chị được cân bằng, chị nên chọn quyết định đó. Nếu phải chia tay với chồng chưa cưới, do anh ấy không ủng hộ việc học của chị, chị cần nỗ lực để vượt qua giai đoạn cam go này.

Phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đừng bi lụy quá mức vào hoàn cảnh bi đát hiện tại. Hãy tin rằng mình sẽ vượt qua được thì chị sẽ vượt qua được. Hãy vốc nước mát lạnh bằng hay tay vào mặt vài ba lần, rồi nhìn thẳng vào gương, chị sẽ nhận ra rằng chị vẫn còn đây, với hạnh phúc đong đầy, đâu có gì là mất mát, huống là mất tất cả. Hãy mạnh mẽ để vượt qua thử thách.

Mất mát chỉ là một ảo giác, sẽ thoáng trôi qua nhanh trong đời. Dùng tuệ giác để quán chiếu, chị sẽ thấy đôi lúc có những mất mát ngoài ý muốn sẽ giúp chị sống tốt hơn, vững chải hơn, già dặn hơn và có thể trở thành nền tảng để được hạnh phúc bền vững hơn về sau. Do đó, không có mất mát nào là vô ích cả, nếu ta có tầm nhìn tương quan về mọi sự vật.

Chúc chị may mắn và thành công trong nỗ lực thuyết phục chồng tương lai và gia đình anh ấy cho sự nghiệp du học của chị.

MỤC LỤC 
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn