Hạnh Phúc Là Gì

29 Tháng Ba 201504:25(Xem: 13029)

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Tác giả: Gyalwang Drukpa
Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam
Nhà xuất bản Văn hóa thông tin


giác ngo moi ngayTất cả chúng ta đều mưu cầu nhưng lại rất mơ hồ về khái niệm “hạnh phúc”. Đó có phải là niềm hỷ lạc chúng ta có được qua một trải nghiệm nhất định, kiểu như hạnh ngộ một tri kỷ hay triều bái một thánh địa nào đó đặc biệt có ý nghĩa với mình? Liệu hạnh phúc có gắn liền với lòng vị kỷ? Có cách nào làm cho hạnh phúc trường tồn?

Chúng ta thường tất bật lăng xăng tìm kiếm hạnh phúc mà không thấy nó ở ngay trước mắt mình. Hạnh phúc như những giọt sương trên cỏ, đọng ở đó một phút chốc rồi tan mất. Bạn vừa cảm thấy sự hiện diện mơ hồ thì cảm xúc đó đã tan biến. Cảm nhận về hạnh phúc thường nhanh chóng tan rơi như giọt sương mong manh hay trò chơi đuổi bắt cầu vồng ảo cảnh. Đây là thứ hạnh phúc dựa trên sự hài lòng vừa ý thông thường, những mục tiêu mà chúng ta dành quá nhiều sức lực và thời gian kiếm tìm. Bây giờ bạn cần biết về sự tồn tại của hạnh phúc bình an, tĩnh tại lâu bền. Nó không giống như như những cảm xúc ồn ào hời hợt thoáng qua bên ngoài mà rất bình dị, sâu lắng và sống động. 

Hạnh phúc cũng giống như nước hoa, khi xức lên người khác, bạn cũng được thơm lây” • Ralph Waldo Emerson

Không ai trong chúng ta muốn đau khổ, ai cũng đều mong cầu hạnh phúc. Khi hiểu đây là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người và thậm chí tất cả mọi loài, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc chân chính không thể có tính vị kỷ mà tràn đầy từ bi bác ái. Đức Phật dạy “Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng từ một ngọn nến, nhưng không vì thế mà nó mau tàn. Cũng như vậy hạnh phúc sẽ được nhân lên khi ta biết sẻ chia cho mọi người”. Hạnh phúc như vậy mới viên mãn và giúp bạn  trở thành một người tốt đẹp.

Với tôi, hạnh phúc luôn đồng hành với lòng tri ân. Hạnh phúc đến khi ta được khơi nguồn cảm hứng, khi sự đồng cảm với điều gì đó khiến ta xúc động sâu xa. Chúng ta mong muốn hiểu biết thêm về thế giới này, hạnh phúc vì được học hỏi từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất. Ví dụ, khi thấy mình không thể giao tiếp với các đệ tử người Pháp, tôi bắt tay vào việc học và giờ đây tôi vô cùng hoan hỷ khi thấy mình hiểu thêm về người đệ tử và cả về một nền văn hóa đặc sắc. Chịu khó học hỏi, mở mang hiểu biết cũng là cách trưởng dưỡng trí tuệ, giúp chúng ta có thêm kiến thức làm đẹp cho đời. Khi phát tâm mong muốn làm nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, mọi loài thì hạnh phúc sẽ luôn ở bên bạn.

Hạnh phúc đến từ bên trong

Chúng ta thường ngộ nhận hạnh phúc đến từ bên ngoài nhưng thực ra hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc cách chúng ta nhìn nhận thế giới bên ngoài, hạnh phúc như thế lại đến từ bên trong. Chúng ta có hàng ngàn lý do để vui hay buồn. Bạn thấy hạnh phúc vì bạn bè luôn bên mình, bạn vừa thưởng thức một món ngon hoặc trải qua một thời gian vui vẻ. Nhưng hạnh phúc - cũng như khổ đau - không phải do người khác mang đến mà hoàn toàn do tâm ta quyết định. 

Ngoại cảnh chỉ có tác dụng hỗ trợ còn cảm xúc thực sự xuất phát từ tâm ta.Hãy nhớ khi ta đắm mình vào việc gì thú vị, chẳng hạn như đọc một cuốn sách hay ngắm 
nhìn một bức tranh, bạn cảm nhận vẻ đẹp của giây phút ấy và thường bị thôi thúc làm điều gì ý nghĩa như giúp đỡ người khác hoặc đơn giản là khuyên bạn bè đọc cuốn sách tuyệt vời này. Khi được truyền cảm hứng bởi điều gì đó, cảm hứng này cũng có sức lan tỏa qua việc tạo động lực cho bạn truyền tiếp nguồn cảm hứng tới những người xung quanh. 

Hạnh phúc là được hòa tan vào điều gì đó thực sự vĩ đại” • Willa Cather

Tôi ví hạnh phúc với cảm giác thư giãn, bởi với tôi thư giãn mang lại sự bình an chân thực trọn vẹn. Đó là lý do tại sao tôi thích dành thời gian suy ngẫm và chiêm nghiệm. Điều này giống như được bơi lội tự do giữa đại dương bao la, nó đem lại cho chúng ta sự thấu hiểu sâu sắc, không phải sự thỏa mãn giác quan mà là một niềm hỉ lạc sâu lắng bên trong. 

Ngày nay, trong thế giới hỗn loạn này, con người dễ dàng gạt bỏ hạnh phúc an bình để chạy theo ham muốn vọng động. Nhưng nếu cứ điên cuồng rượt tìm hạnh phúc, làm sao chúng ta có thể nhận thấy nó? Nếu chỉ vì động cơ vị kỷ, có thể ta cũng nếm trải cảm giác sung sướng hay phiêu du ngắn ngủi, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc tràn đầy khi được sẻ chia, đến niềm vui  từ mối giao cảm với con người và vạn vật, từ mong ước được sống trong một thế giới hòa hợp, an bình. Khi cười, tâm trạng bạn được cải thiện và điều tuyệt vời là hạnh phúc này có sức lan tỏa. Hãy ngắm nhìn nụ cười trong sáng vô tư của bầy trẻ nhỏ. Trước khi biết biểu lộ niềm vui bằng ngôn từ, ta vẫn cảm nhận sự hân hoan qua nụ cười trên gương mặt chúng. Tôi tin rằng lũ trẻ khoái chí với tiếng cười của chúng cũng giống như thích xem chúng ta làm trò vậy. Lần sau nếu bạn mỉm cười, hãy nhớ rằng đó là điều tuyệt vời và đừng quên chia sẻ với mọi người niềm hạnh phúc đấy! 

Hạnh phúc giúp ta thức tỉnh và nhận diện sự hiện hữu của những chi tiết bé nhỏ nhất trong cuộc sống. Danh họa Claude Monet từng nói ông tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận từ thiên nhiên và thay vì giữ cho riêng mình, ông gửi gắm nó qua các bức vẽ đã trở thành kiệt tác nghệ thuật. Dưới góc độ này, thiên nhiên quả là nguồn cảm hứng vô tận. Hãy xem sự hào hiệp của các chú ong mật! Tổ ong là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, làm sao những chú ong bé nhỏ lại có thể tạo nên một tuyệt tác đến thế? Chúng miệt mài hút nhụy hoa về làm mật, giúp mang phấn hoa từ cây này sang cây khác, đó chẳng phải là một cách thực hành “bố thí” tuyệt vời hay sao? Biết bao cây trái đã ra quả, bao mùa màng đã chín vàng nhờ những chú ong khiêm nhường. Những chú ong đem lại hạnh phúc cho nhiều loài và chúng ta cũng nên biết tri ân 
bằng cách ghi nhận công lao và góp phần bảo vệ loài côn trùng bé nhỏ này.

CHỈ SỐ TỔNG HẠNH PHÚC QUỐC GIA

bhutanBhutan - một vương quốc Phật giáo nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya, giữa hai nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Vài năm trước đây, Bhutan đã đưa ra một sáng kiến rất ý nghĩa và cảm hứng: đo lường sự thành công của đất nước không phải bằng chỉ số “tổng sản lượng quốc gia” mà bằng chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia”. Theo ý tưởng này, các chương trình của Chính phủ được đánh giá trên cơ sở niềm hạnh phúc (thay vì lợi ích kinh tế) mà chương trình đó mang lại cho nhân dân. Mục tiêu của chương trình là tạo ra những điều kiện tốt hơn cho “sự mưu cầu hạnh phúc”. Công cuộc cải cách bắt đầu bằng sự thoái vị tự nguyện của Đức vua được nhân dân tôn kính rồi toàn dân tiến hành bầu cử lựa chọn đội ngũ lãnh đạo đất nước. Thể chế dân chủ sẽ trao trách nhiệm cho mỗi cá nhân vì điều này có mối liên hệ mật thiết với hạnh phúc của cả đất nước. Các chương trình cải cách hướng tới sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của cộng đồng và cả những kỹ năng như sử dụng thời gian một cách hiệu quả.

Tuy không giống các chương trình cải cách thường thấy nhưng ở đây tất cả các lĩnh vực thiết yếu cho hạnh phúc và cuộc sống hiện đại đều được chú trọng. Thử nghĩ xem, việc mọi người sử dụng thời gian như thế nào quan trọng hơn họ sử dụng tiền bạc ra sao chứ ?Hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng được ưu tiên hàng đầu vì nó đem lại lợi ích tức thì cho xã hội: tội phạm giảm sút, người già và người khuyết tật được chăm sóc tốt hơn ,mọi người sống trong tình tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ.

Kể từ khi hạnh phúc biết tên bạn, nó đã đuổi theo và luôn cố gắng tìm được bạn”  •Hafiz, thi hào Ba Tư 

Liệu có phải hạnh phúc thường đến vào lúc ta không mong chờ? Chúng ta thường cố tỏ ra tích cực vui vẻ, nhưng trên thực tế, cuộc sống luôn gồm hai mặt: cả hạnh phúc lẫn khổ đau, niềm vui và nỗi buồn. Nếu chưa từng khổ đau làm sao chúng ta biết được hạnh phúc? Hôm nay chúng ta cảm thấy ổn ư? Điều đó rất tuyệt! Song nếu không được như vậy thì đã sao? Đừng tự lừa dối bản thân mà hãy trung thực suy ngẫm về những thăng trầm trong cuộc sống hay nơi nội tâm, và không nên che giấu ngụy tạo hoàn cảnh cùng tâm trạng. Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế là chúng ta vẫn che giấu nhiều điều một cách ý thức hoặc vô thức. Chúng ta không quán chiếu dòng tư tưởng của chính mình mà chỉ để ý một cách hời hợt. Điều này dẫn đến tình trạng ta không hề “biết mình” mà cũng chẳng thể nào hiểu được người khác! Có lần trong một buổi pháp thoại, người ta hỏi tôi làm sao chúng ta có thể “suy nghĩ tích cực” trong khi vẫn chấp nhận bất cứ điều gì, thậm chí sẵn sàng cho kịch bản của những điều tồi tệ nhất? 

Làm sao mà “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra” lại là “tích cực” được nhỉ? Tôi nghĩ rằng cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực để ta có thể luôn suy nghĩ tích cực. Nhưng chúng ta phải thành thật với mình. Những điều tồi tệ vẫn xảy ra trong cuộc sống, chuyện buồn cũng vậy. 

Mọi thứ đều vô thường, chỉ có điều chắc chắn duy nhất là cái Chết. Vậy chúng ta không nên né tránh hay đè nén những lo lắng phiền muộn mà nên có cái nhìn trực diện và trí tuệ về chúng. Rèn luyện tâm trí để sẵn sàng đón nhận mọi điều khác với sự bi quan và điều đó cũng không có nghĩa  chúng ta mong chờ điều tồi tệ nhất. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn vấn đề này ở phần sau. Lúc này, tốt nhất bạn hãy tập sống mà không mong chờ nhiều vì chúng giống như một loại xiềng xích vô hình. Sự chuẩn bị tốt nhất là chúng ta cứ nỗ lực làm tốt việc hôm nay, đừng cố gắng dự đoán những gì chưa xảy đến.

Nếu chưa từng đau khổ, bạn chưa thiền” • Ajhan Chah, Thiền sư

Đức Phật gọi những thăng trầm của cuộc đời là “vòng luân hồi của khổ đau”. Mới nghe thì có vẻ bi quan nhưng ta nên nhìn thẳng vào sự thật hơn là tự lừa dối mình và vờ như mọi thứ đều hoàn hảo bởi với cách đó, chắc chắn ta chỉ chuốc thêm thất vọng. Chúng ta cũng dễ bị rơi vào thói quen lãng phí quá nhiều thời gian để ý tới “mặt trái” của cuộc sống. Người ta cho rằng than trách là cách tốt nhất hoặc không làm như vậy có nghĩa mình đang kìm nén cảm xúc. Khi mọi người nói như vậy, tôi luôn im lặng, chỉ mỉm cười mà không tranh luận. Tôi đồng ý rằng chúng ta nên thẳng thắn và thành thật, nhưng câu hỏi đặt ra là những cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu? Những lời ca thán khó chịu cứ chất chồng lên để rồi những điều tốt đẹp bị che lấp khiến chúng ta không còn biết nhận ra và trân quý cuộc sống nữa.

Khi thực sự chú tâm dành chút thời gian quán chiếu những xúc tình tích cực và tiêu cực mỗi ngày, ta sẽ thấy tâm từ bi phát khởi một cách tự nhiên nhậm vận. Ta không còn dằn vặt bản thân, trốn chạy những lỗi lầm bất hạnh mà biết xả bỏ và tìm thấy các bài học từ chúng. Khi hiểu mình hơn, ta sẽ kiếm tìm sự tương đồng thay vì săm soi điều khác biệt. Nhờ đó nhận ra rằng đối tượng khiến mình phiền não cũng nếm trải những muộn phiền nội tâm. Lòng từ bi không tới ào ạt một lúc như con sóng lớn, nhưng khi ta biết nuôi dưỡng niềm tri ân đối với mọi mặt cuộc sống, chúng ta sẽ trải nghiệm sự cảm thông, tự thấy hiểu mình và hiểu người hơn trước.

Hãy từ bi với chính bạn và quán sát -Hôm nay, ngày mai và mãi mãi” • Đức Phật

Trích từ sách:
Tên sách: Giác ngộ mỗi ngày
Tác giả: Pháp vương Gyalwang Drukpa
Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam
Nhà xuất bản Văn hóa thông tin

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn