MỘT CÁI NÔI SANG TRỌNG CHO ĐỨC PHẬT
Lời giới thiệu của người dịch Một bài phóng sự của nữ ký giả Nathalie Lamoureux về Lâm-tì-ni (Lumbini), khu vườn nơi đản sinh của Đức Phật, đã được đăng tải và đưa lên trang mạng của tạp chí hàng tuần Le Point của Pháp số ngày 21 tháng 7 năm 2015. Lâm-tì-ni đã từng rơi vào sự quên lãng của con người từ bao thế kỷ và không còn ai biết là ở đâu. Mãi đến năm 1896, dựa theo những lời thuật lại trong nhật ký của nhà sư Trung Quốc Pháp Hiền, sau chuyến hành hương và tu học ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ V, các nhà khảo cổ người Anh đã khám phá ra một trụ đá của hoàng đế A-dục (từ -304 đến -232, trước Tây Lịch) cạnh một ngôi làng nghèo nàn là Rummindei của xứ Népal. Trên trụ đá có ghi khắc các dòng chữ cho biết Đức Phật đản sinh ở nơi này. Thế nhưng cũng chẳng có mấy ai quan tâm đến sự khám phá ấy. Phật giáo đã biến mất ở Ấn Độ và Nepal từ tám thế kỷ trước. Ở Âu Châu nơi Phật giáo vừa mới đặt chân, ngoài một vài học giả và nhà nghiên cứu ra thì không mấy người biết đến Phật giáo là gì, huống chi là để ý đến khu vườn hoang Lâm-tì-ni bên cạnh một ngôi làng dưới chân núi Hy-mã-lạp-sơn. Thế kỷ XX mở ra sau đó với hai cuộc chiến tranh nóng và một cuộc chiến tranh lạnh cũng như sự bành trướng các chủ nghĩa ngoại lai và điên rồ du nhập từ phương Tây đã tàn phá thật kinh hoàng cội nguồn, văn hóa và tín ngưỡng của toàn thể Á Châu, và đã khiến cho Lâm-tì-ni đắm chìm vào một /giai đoạn quên lãng thứ hai. Bước sang đầu thế kỷ XXI con người trên địa cầu có cảm giác dường như mình được thở phào, thế nhưng chiến tranh chỉ thay đổi bộ mặt bên ngoài mà thôi. Vũ khí của thời đại mới là sự sợ hãi với những cảnh ôm bom tự sát để giết người; là kinh tế đưa đến tình trạng nô lệ và nghèo đói của những nước chậm tiến; là các sức mạnh mềm (soft power) tàn phá xã hội, văn hóa và tín ngưỡng của nhau. Những sự điên rồ của con người không bao giờ chấm dứt cả. Trở lại với khung cảnh thu hẹp của khu vườn Lâm-tì-ni và qua bài báo của nữ ký giả Nathalie Lamoureux dưới đây thì chúng ta sẽ thấy các "sức mạnh mềm" mang màu sắc tín ngưỡng, quyền lực, chính trị, chủng tộc, văn hóa và kinh tế dường như đang góp phần làm cho Lâm-tì-ni sống lại. Thế nhưng đấy cũng chỉ là che dấu một cuộc chiến không nóng cũng không lạnh, nhưng không phải vì thế mà kém điên rồ, dù tấm bình phong là một tín ngưỡng hiếu hòa, phi bạo lực, chủ trương nêu cao lòng từ bi, sự hào phóng và buông xả. Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài báo. Độc giả có thể xem bản gốc của bài này bằng tiếng Pháp trên trang mạng của tạp chí Le Point: http://www.lepoint.fr/chroniqueurs-du-point/nathalie-lamoureux/un-berceau-de-luxe-pour-bouddha-21-07-2015-1950245_466.php Đức Phật đản sinh từ bên hông phải của của mẹ là hoàng hậu Maya-Devi, tay vịn vào một cành cây trong khu vuờn Lâm-tì-ni (chi tiết điêu khắc nổi - Bảo tàng viện Kathmandu - Nepal)
MỘT CÁI NÔI SANG TRỌNG CHO ĐỨC PHẬT
Đức Phật không phải là một đấng toàn năng cũng không phải là một vị tiên tri (prophet, tức là một vị nhân danh Trời sáng lập ra một tôn giáo), thế nhưng ngày nay lại trở nên lừng danh như một vị Thượng Đế. Ngôi làng Lâm-tì-ni nằm dưới chân rặng núi Hy-mã-lạp-sơn là nơi đản sinh của Ngài, do đó cũng không sao tránh khỏi trở thành cả một "Khu Đất Phật" (trong nguyên bản là chữ Buddhaland, gợi lên một cách khéo léo sự tương đồng với chữ Disneyland, tức là một nơi vui chơi và giải trí, một cơ sở kinh doanh. Cách dịch chữ Buddhaland là Khu Đất Phật trên đây chỉ mang tính cách tạm dịch hay đúng hơn là "phản nghĩa" bởi vì hoàn toàn không nói lên được hậu ý của tác giả so sánh giữa một thắng tích Phật giáo là Lâm-tì-ni với một khu giải trí qui mô và kỷ xảo), nào là rồng (có lẽ tác giả muốn nói dến các trang trí của các ngôi chùa Á Châu?), nào là các cối xay cầu nguyện (của Phật giáo Tây Tạng), nào là cờ quạt, bảo tháp vàng chói... Ôi chao! phải công nhận chuyện này quả là vô cùng khó hiểu? Công viên Lâm-tì-ni bát ngát Ngay cả trước khi giáo huấn của Đấng Thế Tôn chinh phục được thế giới Tây Phương, những lời giáo huấn ấy cũng đã từng được bình giải thêm, trở nên phong phú và thích nghi hơn [tại các nước Á Châu], rồi từ đó đã làm phát sinh ra ba đường hướng tu tập chính yếu - Phật giáo Theravada, Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa - gồm tất cả 18 học phái (điều này không đúng bởi vì 18 học phái được hình thành rất lâu từ các thế kỷ đầu tiên sau khi Đức Phật tịch diệt và tất cả cũng đã mai một, trừ một học phái duy nhất còn tồn tại sau đó trước khi đưa đến sự hình thành của Phật giáo Theravada về sau này ở Tích Lan. Tóm lại là 17 trong số 18 học phái xưa đã mai một rất lâu từ trước Tây Lịch, và ba "đường hướng" tu tập là Phật giáo Theravada, Đại Thừa và Kim Cương Thừa chỉ được hình thành rất muộn về sau này - trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ I trước Tây Lịch đến thế kỷ thứ VI sau Tây Lịch. Dù sao thì đây cũng chỉ là một bài báo do một ký giả viết cho một tạp chí đại chúng) với các phép tu tập khác biệt và đa dạng, đưa đến nhiều hình thức thờ phụng khác nhau. Người ta được biết rất ít về cuộc đời của Đức Phật, tuy nhiên các công cuộc khảo cổ vẫn còn đang tiếp tục. Năm 2014, các nhà khảo cổ đã khám phá ra di tích của một kiến trúc bằng gỗ chưa từng được biết đến trước đây. Kết quả mang lại đã làm thay đổi cả niên biểu về cuộc đời của Đức Phật và cũng đã được chấp nhận rộng rãi (thật ra còn quá sớm để kiểm chứng các kết quả này). Tuy nhiên không có gì giúp quyết đoán một cách chắc chắn nơi này đúng là nơi mà vị hiền triết Thích-ca (Sakya) đã được sinh ra đời, vào thời kỳ mà các xứ Nepal và Ấn Độ chưa được hình thành với tư cách là một quốc gia (câu này không được rõ nghĩa lắm, phải chăng tác giả muốn nói là các kết quả khám phá về khảo cổ không mang lại thêm một chi tiết nào giúp xác định nơi Đức Phật đản sinh, ngoài các dòng chữ ghi khắc trên trụ đá của hoàng đế A-dục, hay là tác giả muốn nói là vào thời kỳ của Đức Phật cả hai nước Ấn Độ và Nepal như ngày nay chưa có, do đó Lâm-tì-ni nơi đản sinh của Đức Phật không chính thức và nhất thiết là thuộc gia tài riêng của một quốc gia nào ngày nay cả?). Trong công viên Lâm-tì-ni mênh mông mọc lên các chùa chiền mới toanh và các tượng đài rập khuôn theo truyền thống của các quốc gia tài trợ [việc xây dựng]. Cảnh tượng thật hết sức tương phản với các làng mạc nghèo nàn chung quanh. Thật ra vùng đồng bằng Teraï rất phong phú, vì là vựa thóc của cả xứ Nepal. Vùng đồng bằng này mang lại 75% lợi tức cho toàn xứ, trong số này 87% là tài nguyên cây rừng và 70% là thuế cửa khẩu (nhập và xuất cảng). Thế nhưng người dân trong vùng, gồm nhiều chủng tộc khác nhau, lại là những người nghèo khó nhất nước và bị thể chế chính trị tập trung quyền hành ở thủ đô Kathmandu bỏ quên, họ không hề thấy hé lộ một chút tương lai nào trước mặt. Trọng tâm của nền kinh tế diễn ra trên một sân khấu sân xoay quanh sự tranh chấp giữa hai nhóm: một nhóm bảo vệ quyền lợi của các sắc dân sống trong vùng đồng bằng (gọi là madhesh/madhesi) và một nhóm bảo vệ quyền lợi của các sắc dân sống trong các vùng đồi núi (pahadi/pahari). Nhóm thứ nhất tố cáo nhóm thứ hai là dân định cư mới (có lẽ tác giả muốn nói đến những người Ấn và Tây Tạng di dân?) mà cứ muốn tóm thâu tất cả quyền hành chính trị và kinh tế về phần mình, và lại còn muốn thành lập cả một quốc gia mới là "madesh"/"madhesi" cho mình. Bối cảnh đó đã tạo ra một bầu không khí thật nặng nề và tai hại cho việc kinh doanh. Những người nghèo khó trở thành tầng lớp tôi tớ (serf) nợ nần ngập đầu ngay trên mảnh đất của họ, nhiều người phải bán con làm nô bộc [cho những gia đình khá giả hơn]. Một ngôi làng sinh thái thiêng liêng Giữa bối cảnh trên đây, kiến trúc sư Hàn Quốc Kwaak Young Hoon đã đưa ra một dự án nhằm thiết lập một ngôi làng sinh thái thiêng liêng, mượn hình ảnh của một đóa hoa sen thật lớn, tạo ra một cảnh quan bao quát với tám trục lưu thông biểu trưng cho tám con đường của Phật giáo (Bát chánh đạo). Ngôi làng sẽ gồm có trường học, khách sạn, bảo tàng viện, vườn hoa và cây xanh. Mỗi cánh hoa biểu trưng cho một thành phố lớn trên thế giới. Một vị giám đốc văn phòng du lịch đã mỉa mai rằng: "Nếu cánh hoa biểu trưng thành phố Nữu Ước thì cảnh quan tất phải giống như nước Mỹ hay sao?". Chủ tịch UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization/Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) là Chrstian Manhart thì lại bảo rằng: "Dự án này quá lớn đối với hoàn cảnh hiện nay của xứ Nepal. Dầu sao người ta cũng không thể nào ngăn cấm các việc xây dựng bên ngoài chu vi mang nhãn hiệu UNESCO được, tức khu vườn mang tính cách thiêng liêng (chu vi được xem là di sản thế giới). Do đó nếu có ngăn cấm thì cũng chỉ vỏn vẹn trên phương diện tinh thần mà thôi" (nếu UNESCO không đồng ý thì cũng chỉ là những sự gợi ý hay tư vấn). Christian Menhart còn cho biết thêm: "Năm 2014 tại một khách sạn sang trọng ở Kathmandu, Ủy ban quản trị du lịch Nepal (Nepal Tourism Board), một cơ quan thuộc chính quyên Nepal đảm trách việc phát triển du lịch, có đưa ra một dự án thật vĩ đại, gồm nào là khách sạn, sòng bạc và các khu giải trí, nhưng tuyệt nhiên không thấy cho biết là có tham vấn các cơ quan khảo cổ hay không. Thật vậy quan niệm du lịch theo kiểu đó thì nào có nghĩ gì đến việc bảo tồn tính cách thiêng liêng của các nơi ấy đâu". Nơi đản sinh của Đức Phật Cồ-đàm Thánh tích Lâm-tì-ni mang nặng một lịch sử lâu đời. Năm 1896, các nhà khảo cổ (người Anh do Alexander Cunningham hướng dẫn) căn cứ vào các lời tường thuật của các nhà sư Trung Quốc (một cách chính xác là nhật ký của nhà sư Pháp Hiền, hành hương và du học ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ V) đã phát hiện ra di tích [của Lâm-tì-ni] cạnh ngôi làng Rummindei thuộc lãnh thổ của xứ Nepal. Sau không biết bao nhiêu thế kỷ chìm trong quên lãng giữa một khu rừng đầy muỗi mòng và sốt rét, nơi đản sinh của Đức Phật Cồ-đàm đã được phát hiện nhờ một trụ đá được định tuổi vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch (do hoàng đế A-dục dựng lên trong một dịp hành hương tại nơi này. Trên trụ đá có khắc các dòng chữ cho biết đây là nơi Đức Phật đản sinh). Vị nữ thần thờ phụng trong một ngôi đền bên cạnh trụ đá được xem là mẹ của Đức Phật là hoàng hậu Maya-Devi, và theo truyền thuyết thì Bà đã qua đời bảy ngày sau khi sinh ra Đức Phật. Tuy nhiên mãi đến năm 1960 việc khai quật mới bắt đầu được xúc tiến quy mô hơn, tất cả cũng là nhờ cơ quan UNESCO thừa nhận nơi này [là di sản thế giới]. Các công cuộc khai quật phát hiện nhiều di tích phân bố theo nhiều lớp khác nhau, từ thời đồ sắt đến thế kỷ XIV. Lớp chứa các di tích xưa nhất được định tuổi trước thời đại của vua A-dục (tức là trước thế kỷ thứ III trước Tây Lịch), với một phiến đá đặt tại vị trí trung tâm của ngôi đền thờ phụng hoàng hậu Maya-Devi cho biết chính xác "đây là nơi Đức Phật đã đản sanh". Phật giáo đã từng biến mất ở nơi này Vào thập niên 1970, nhằm bảo tồn khu vườn thiêng liêng [Lâm-tì-ni] trước sự tàn phá của khí hậu Liên Hiệp Quốc đã giao cho một kiến trúc sư Nhật Bản là Kenzo Tange thiết kế một dự án xây dựng thật quy mô chiếm một diện tích khoảng 7 cây số vuông. Thế nhưng nhiều bất đồng chính kiến đã xảy ra sau đó. Elise Sintes một nữ khảo cứu gia đang soạn thảo một luận án tiến sĩ về Lâm-tì-ni đã đưa ra ý kiến như sau: "Chủ đích của Kenzo Tange là tạo ra một hình ảnh Phật giáo thống nhất mang các giá trị chung, không tượng trưng cho một tông phái hay học phái nào cả (không mang các đường nét đặc thù của Phật Giáo Theravada, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa). Phải tái lập lại không khí thiêng liêng cho nơi này. [Chẳng hạn như] từ nay nếu muốn bước vào khu vườn thiêng liêng (tức là nơi Đức Phật đản sanh và ngôi đền thờ phụng hoàng hậu Maya-Devi) thì phải cởi giày và đi chân đất (có nghĩa là du khách và người hành hương phải giữ một sự tôn kính nào đó khi bước vào khu vườn này). Người ta treo cờ quạt khắp nơi (làm mất đi tính cách trang nghiêm của khu vườn). Ngoài ra dân chúng trong vùng vẫn còn thờ ơ với nơi này, và đối với họ thì Lâm-tì-ni chỉ là nơi trú ngụ của vị nữ thần của làng là Ruman dei, mà dân chúng thờ phụng đã từ bao thế kỷ nay rồi. Tuy thói tục giết súc vật để tế lễ đã bị hủy bỏ từ năm 1950, nhưng một thứ bột màu đỏ đã được sử dụng để thay thế cho việc hiến sinh này. Dân chúng sinh sống trong các làng mạc chung quanh phần lớn theo Ấn giáo (67%) và Hồi giáo (32%), chỉ có 1% là theo Phật giáo. Phật giáo suy tàn trong vùng này trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XII (chi tiết này không được đúng lắm, có lẽ tác giả đã dựa vào quan điểm của một số sử gia cho rằng Phật giáo suy yếu sau khi chấm dứt triều đại Gupta vào thế kỷ thứ VI. Thế nhưng thật ra Phật giáo vẫn còn tiếp tục phát triển cho đến cuối thế kỷ XII, trước khi các đạo quân Hồi giáo tràn vào xâm chiếm Ấn Độ vào những năm cuối cùng của thế kỷ này). Đối với những người theo Hồi giáo [trong vùng] thì Lâm-tì-ni không mang một ý nghĩa thiêng liêng nào cả. Trước đây những người theo Ấn giáo thờ phụng một pho tượng điêu khắc nổi, biểu trưng cho hoàng hậu Maya-Devi, thế nhưng ngày nay thói tục này đã mai một. Nữ khảo cứu gia Elise Sintes còn cho biết thêm: "Pho tượng điêu khắc ngày nay chỉ còn là một tác phẩm nghệ thuật, không còn mang tính cách mầu nhiệm như trước kia nữa". Một món bở về tài chính Sau khi con dấu "di sản thế giới" được ấn xuống vào năm 1997, thì các cấp ưu tú (lãnh đạo) của Nepal đều xem đây là cả món bở về tài chính, và cũng là một dịp để phô bày niềm kiêu hãnh của xứ sở mình. Thị trấn gần nhất (với Lâm-tì-ni) là Bhairahawa bèn đổi tên lại là Siddhartha Municipality (Thành phố Tất-đạt-đa) với mục đích tự tạo cho mình một mối liên hệ với lịch sử Phật giáo. Trên phương diện hành chính Lâm-tì-ni trở thành một trong số mười bốn tỉnh lỵ của xứ Nepal. Tuy thế chương trình phát triển vẫn cứ tiếp tục sa lầy, vì tình trạng bất ổn chính trị và tệ nạn tham nhũng. Năm 2011, một tổ chức mang nhãn hiệu ONG (Organisation Non Gouvernementale/ NGO: Non-governmental Organization/Tổ chức Phi Chính phủ) thật bí ẩn của Trung Quốc bất ngờ được thiết đặt tại Hồng Kông dưới cái tên Asia Pacific Exchange and Cooperation Foundation (APECF/Quỹ tài trợ hợp tác và trao đổi giữa các nước Á Châu trong vùng Thái Bình Dương) đề nghị với chính phủ Nepal là sẽ đầu tư 3 tỷ đô-la (2.25 tỷ Euro) - tương đương với ngân sách quốc gia của cả nước này năm 2010 - với mục đích biến Lâm-tì-ni thành một nơi du lịch mang tính cách đại chúng (có nghĩa là ào ạt và mang tính cách kỹ nghệ) với một phi trường quốc tế, một trường đại học, các khách sạn sang trọng cũng như các trung tâm thương mại và văn hóa, kể cả đền chùa. Vị phó chủ tịch chi nhánh của tổ chức này tại Nepal là Pushpa Kamal Dahal, bí danh "Prachanda", là một nhân vật không xa lạ gì, vì trước đây chính là vị lãnh đạo phong trào nổi loạn theo chủ nghĩa Mao (Maoism), và sau khi hiệp ước hòa giải (giữa chính quyền Nepal và nhóm nổi loạn) được ký kết thì vị này được trao chức thủ tướng chính phủ từ năm 2008 đến 2009. Ngoài ra trong ủy ban điều hành của cơ quan APECF người ta cũng thấy có mặt người con trai của vị vua sau cùng của Nepal là Paras Bir Bikram Shah Dev, từng dính líu với bọn buôn bán ma túy mà mọi người đều biết. Tái lập sự vững tâm cho du khách Ông Xiao Wunian lãnh đạo tổ chức APECF là một người khôn khéo và rất tích cực trong giới Phật giáo ở Đông Nam Á. Năm 2006, chính ông đã đứng ra tổ chức World Buddhism Forum (Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới), tạo dịp để liên kết và gây thế lực với các tổ chức Phật giáo trong vùng Đông Nam Á, nhất là đối với giới kinh doanh gần gũi với chính quyền. Ông ta tự xưng là mình được sự ủng hộ của bộ máy Đảng Cộng Sản Trung Quốc , và đã tìm cách chụp hình chung với Đức Đạt-lai Lạt-ma. Thierry Dodin chuyên gia về Tây Tạng nhân dịp này đã phát biểu như sau: "Người Trung Quốc rất thực tế, họ thừa biết Đức Đạt-lai Lạt-ma là một nhân vật quan trọng. Chụp hình chung với Ngài là một cách khoe với mọi người là mình đã từng quen biết Ngài và liên lạc với Ngài ở một cấp bậc cao. Đấy cũng là cách mà ông ta đã lôi kéo được Prachanda (cựu lãnh đạo phong trào nổi loạn theo chủ nghĩa Mao và từng là thủ tướng Nepal, đã nói đến trên đây) theo về phe mình, thế nhưng chơi cá ngựa mà lại chọn đúng con ngựa dở. Nhóm nổi loạn theo chủ nghĩa Mao mất dần uy tín trong nước". Nhiều người theo Phật giáo đứng lên chống lại dự án trên đây (của tổ chức APECF). Một doanh nhân hoạt động chính trị là Raju Sakya cho biết: "Không được để cho Prachanda chạm đến Lâm-tì-ni. Vào tháng giêng vừa qua tổ chức APECF đã bị ghi vào sổ đen vì thiếu minh bạch. Prachanda và cả các nhân vật có thẩm quyền không ai cho biết các nguồn tài trợ [cho dự án này] có nguồn gốc từ đâu và cũng không ai đưa ra được một chi tiết nào về kế hoạch dự trù. Hiện nay dự án của kiến trúc sư Hàn Quốc Kwaak Young Hoon là dự án duy nhất còn tiếp tục được quan tâm đến, và khi được hỏi về dự án này thì vị bộ trưởng Văn Hóa, Du Lịch và Hàng Không Dân Sự Kripasur Sherba - người gốc Serpa (một sắc tộc có nguồn gốc Tây Tạng ) đầu tiên được cử vào chức vụ này trong tháng năm vừa qua - cho biết là theo ông thì "dự án không đến đỗi quá tham vọng", nhưng ông cũng không tỏ ra hăng say lắm về dự án này. Tóm lại là chẳng có gì dứt khoát cả. Tất cả mọi chuyện còn đang trong vòng bàn thảo. Hiện nay còn nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm". Tái lập sự vững tâm cho du khách là một trong các việc cấp bách ấy. Raju Skya (doanh nhân tham gia chính trị nói đến trên đây) cho biết thêm: "Kwaak (kiến trúc sư Hàn Quốc) cứ muốn cho mọi người thấy là người Hàn Quốc làm việc giỏi hơn người Nhật, thế nhưng dự án của Hàn Quốc cũng chỉ là một dự án ăn cắp của Kenzo Tange (kiến trúc sư Nhật Bản). Chính phủ Nepal có lẽ rồi đây sẽ đành phải quay sang với các kiến trúc sư Âu Châu. Người Đức thực hiện được các công trình thật đáng nể ở Bhaktapur (một thành phố cổ kính và thiêng liêng của Nepal). Người Pháp từng đạt được nhiều kinh nghiệm qua các công trình thực hiện ở Phi Châu, và người Ý cũng đã hoàn tất được nhiều công trình tuyệt vời ở La Mã". 800.000 khách viếng thăm mỗi năm Lâm-tì-ni tiếp đón 800.000 du khách mỗi năm, hầu hết đến từ các nước trong vùng Nam Á Châu, dẫn đầu là Tích Lan (32%), Thái Lan (17%), Hàn Quốc (9%), Miến Điện (9%) và Đài Loan (4%). Thế nhưng nhà địa lý học của đại học Arizona là Gyan P. Nyaupane cho biết: "Dù cho du khách có kéo đến thế nhưng thu hoạch về tài chính lại rất thấp. Chỉ có một số nhỏ dân địa phương kiếm được chút tiền với các công việc vặt như đạp xe lôi, đứng bán trong các cửa hàng lưu niệm, hướng dẫn du khách, giúp việc trong các khách sạn, hầu bàn trong các nhà hàng ăn. Mỗi khi có chùa mới được xây cất, hoặc làm đường đào mương, thì chính quyền cũng tuyển mộ thêm nhân công địa phương". Nói chung chỉ toàn là các công việc tạm thời, tạo thêm một ít công ăn việc làm cho người nông dân ngoài các việc đồng áng quanh năm. Hầu hết du khách đến từ các nơi ở Ấn chỉ lưu lại [lâm-tì-ni] trong ngày rồi về, và không tiêu xài gì cả. Một số nước (Á Châu) xây cất chùa và cho người hành hương tá túc và ăn uống rẻ tiền, đổi lại thì họ chỉ cần cúng dường đôi chút. Giám đốc cơ quan du lịch Thamserku là Sonam Sherpa cho biết: "Nếu muốn thu hút du khách thì phải đưa họ đến các khu công viên hầu tạo dịp cho họ du ngoạn và viếng các danh lam thắng cảnh khác. Chính phủ nên thuê các hướng dẫn viên trẻ có học, đào tạo thêm cho họ kiến thức về lịch sử Phật giáo, và không cho phép du khách ăn ở trong các chùa, trừ trường hợp nếu họ là những người hành hương thật sự" (điều này không đúng lắm, bởi vì nếu bắt các du khách phải ở khách sạn thì cũng không "móc túi" họ được thêm bao nhiêu tiền, trái lại cứ để họ sống chung với những người hành hương và cùng sinh hoạt trong chùa cũng là một cách giúp họ đến gần với Phật giáo hơn, và đó cũng là một cách thu hút du khách. Gần đây có một người Pháp hành hương ở Lâm-tì-ni trở về và thuật lại với tôi rằng anh ta rất thích trú ngụ trong các chùa, hết chùa này lại sang chùa khác, thức ăn và sự sinh hoạt đều khác nhau, và nhờ đó nên anh ta đã học được rất nhiều. Những ngày ở Lâm-tì-ni đã lưu lại cho anh ta những kỷ niệm thật đẹp không bao giờ quên được). Một vùng không đồi núi [như Lâm-tì-ni] quả khó cạnh tranh với dãy núi Hy-mã-lạp sơn. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi các tham vọng của mình Trung Quốc ý thức được ảnh hưởng tác động của Phật giáo và xem Phật giáo là một công cụ mang lại sức mạnh mềm (soft power), vì thế nên không sao che dấu được tham vọng của mình qua các cuộc triển lãm xá lợi của Đấng Giác Ngộ và các công trình mở mang đường xá và thiết lập các đường xe lửa đổ xuống các vùng Nam Á, với mục đích khai thác du lịch và vận chuyển hàng hóa. Trong số bốn thắng tích thiêng liêng nhất của Phật giáo thì ba thắng tích nằm trên lãnh thổ nước Ấn - là Bồ-đề Đạo-tràng (nơi Đức Phật đạt được Giác Ngộ), Vườn Lộc Uyển (Sarnath, nơi giảng Pháp lần đầu tiên) và Câu-thi-na (Kusinagara, nơi tịch diệt hay Bát-niết-bàn) - vì thế Ấn Độ không ngần ngại đưa ra một dự án lên đến một tỷ đô-la với sự chung góp của một số các quốc gia khác, trong số này có Trung Quốc, Úc, Nhật, Singapore, nhằm mục đích mở lại Đại học Phật giáo Na-lan-đà. Năm 2012, nước Ấn tổ chức buổi họp đầu tiên của Liên Đoàn Phật Giáo Thế Giới (IBC/International Buddhist Confederation), với mục đích kết hợp các tông phái Phật giáo khác nhau. Tổ chức này do nhóm người Ấn Độ có nguồn gốc Tây Tạng (các người Tây Tạng tị nạn ở Ấn) tu tập trong các chùa chiền trong vùng Hy-mã-lạp-sơn thành lập. Giữa hai thế lực đó (Trung Quốc và Ấn Độ), nước Nepal cảm thấy phải nỗ lực bảo vệ viên ngọc (Lâm-tì-ni) là gia tài quý giá nhất của mình, tức là phải đưa ra một sự thật mới mẻ nào đó trên phương diện cội nguồn (tức là những gì thuộc riêng của dân tộc Nepal) hầu gạt nước Ấn sang một bên. Gisèle Krauskopff, một nữ chuyên gia về nhân chủng học (chuyên về văn hóa và lịch sử các dân tộc trong vùng Hy-mã-lạp-sơn) trong một quyển sách mang tựa là "Những kẻ viết nên lịch sử. Khía cạnh chính trị về cội nguồn và các văn bản quá khứ" (Les Faiseurs d'histoires. Politique de l'origine et ecrits du passé, nhiều tác giả, 2008) nêu lên trường hợp của hai nhà trí thức quả quyết Đức Phật là tổ tiên của những người Tharu (sắc tộc sống trong vùng đồng bằng Taraï, nơi Đức Phật đản sinh), là những người địa phương sinh sống từ lâu đời trong vùng đồng bằng Taraï. "Do đó phải khẳng định thật rõ ràng [cho tất cả mọi người đều biết] là những người thuộc sắc tộc Tharu là người dân [chính gốc] của xứ Nepal, đấy là cách loại bỏ huyền thoại cho rằng trước đây họ là những người Rajput di dân đến vùng này (trong lịch sử Ấn Độ có một huyền thoại cho rằng dân chúng trong vùng Taraï là người Rajput gốc Ấn Độ sinh sống trong các vùng tây bắc nước Ấn là Raiputana nay là Raijasthan di dân đến vùng đồng bằng Taraï), và đấy cũng là một dịp giúp cho dân chúng trong vùng "chuyển sang một đường hướng tinh thần mới" (trong nguyên bản là: "un passage vers un ordre nouveau"/"a passage to a new order") với chủ đích chống lại đạo Bà-la-môn (của người Ấn Độ). Ngày 3 tháng 8 năm 2014, trong dịp thủ tướng Ấn Narendra Modi viếng thăm, chính quyền Nepal đã thuyết phục vị này không nên đến Lâm-tì-ni, lấy lý do là trong vùng Taraï hiện đang xảy ra nhiều cuộc xung đột. Vài lời ghi chú của người dịch Phía sau tính cách thiêng liêng của một nơi hành hương - dù là của Phật giáo hay của bất cứ một tôn giáo nào cũng thế - thường ẩn nấp những âm mưu, tham vọng, những sự lèo lái chính trị, tín ngưỡng, các quyền lợi kinh tế và chủng tộc. Sự điên rồ của con người không bao giờ chấm dứt. Đấy cũng là những gì mà bài phóng sự của ký giả Nathalie Lamoureux nêu lên đối với trường hợp của Lâm-tì-ni. Đi hành hương nơi một thánh tích Phật giáo, chẳng hạn như Lâm-tì-ni nơi đản sinh của Đức Phật, có thể là một dịp giúp chúng ta cảm thấy mình được đến gần hơn với Đấng Thế Tôn. Thế nhưng đối với một người tu tập kiên trì, phát huy được một sự chú tâm cao độ, thì không nhất thiết là phải đến tận Lâm-tì-ni mới cảm thấy được sự hiện hữu của Đức Phật, mà Đức Phật luôn hiển hiện bên trong tâm thức mình, thương yêu mình, thuyết giảng cho mình nghe, khuyến khích mình và làm tấm gương cho mình soi, dù là mình đang làm gì và đang ở bất cứ nơi nào. Thế nhưng nếu có phương tiện và sức khỏe thì cũng nên đi hành hương, bởi vì trước hết đó là cách nói lên tình thương yêu và cụ thể hóa lòng thành kính của mình đối với Đức Phât. Tương tự như khi cúng giỗ hay đi tảo mộ ông bà cha mẹ mình, hoặc khi nhìn lên chân dung của họ trên bàn thờ hay hủ tro hỏa táng của họ trong chùa, thì mình sẽ cảm thấy gẩn gũi với cha mẹ ông bà mình hơn, cảm nhận được sâu xa hơn tình thương yêu mà họ đã dành cho mình trước đây. Những sự cảm nhận đó sẽ giúp mình nghĩ đến mình, trở về với mình, với cội nguồn của chính mình, giúp cho tâm hồn mình trở nên cao cả hơn, dễ tha thứ hơn và biết thương yêu con cháu mình nhiều hơn. Đối với Đức Phật đã từ bỏ gia đình và chối bỏ cuộc sống vương giả để tìm cho con người một lối thoát và sau đó đã hy sinh kiếp nhân sinh còn lại của mình để trỏ cho con người trông thấy cái lối thoát ấy, thì những sự cảm nhận của mình khi được gần gũi với Ngài dù là mình đang ở Lâm-tì-ni hay bên cạnh bóng dáng của Ngài trong tâm thức mình, sẽ còn trở nên cao cả hơn biết bao nhiêu, so với những cảm nhận của mình lúc được hầu hạ cha mẹ mình hay khi nhìn lên chân dung của họ trên bàn thờ. Tại sao lại như thế? Bởi vì cha mẹ mình có thể chỉ thương yêu mình, còn Đức Phật thì vừa thương yêu mình lại vừa thương yêu tất cả nhân loại và chúng sinh. Những sự cảm nhận cao cả và vô biên đó trong tâm hồn mình sẽ khiến cho lòng từ bi - thường bị quên lãng trong một góc tối của tâm hồn mình - sẽ bùng lên trong con tim giúp mình biết nghĩ đến chính mình, thương yêu cha mẹ mình, thương yêu con người, thương yêu Đức Phật và tất cả chúng sinh. Tình thương yêu đó rất mạnh, mênh mông và sâu xa, khiến mình sẽ không sao đè nén được nó trong con tim nhỏ bé của mình. Nó sẽ bùng lên trong tim mình, trong tâm thức mình và mang lại trí tuệ cho mình. Và khi đó nếu đọc lại bài phóng sự trên đây thì mình tất sẽ phải nhận thấy sự u mê của con người dày đặc như thế nào và sự điên rồ của con người to lớn đến dường nào! Bures-Sur -Yvette,10.08.15 Hoang Phong chuyển ngữ |