Kẻ đi tìm bóng tối

31 Tháng Mười 201502:01(Xem: 5836)

KẺ ĐI TÌM BÓNG TỐI
Truyện ngắn của Thiên Hạnh

deo-pha-longNơi gió núi mây ngàn cội tùng cụm đá và rêu phong những một lối mòn cỏ mọc, với tháng ngày tĩnh tâm vị ẩn sĩ độc cư ít khi dời bước xuống làng mạc dưới kia. Những học trò ngày ấy ra đi mãi chưa về. Ngày xuống núi từ biệt sư phụ đã mấy mươi năm, họ dấn thân theo tiếng gọi muôn trùng vạn nẻo. Trần thế như trận địa nhấp nhô cạm bẫy, biết ai nên hư giữa thử thách ngọt bùi.

Nhớ ngày xưa, ba người học trò trẻ tuổi mỗi người mỗi vẻ. Lớn nhất là Hữu Trì thì chuyên cần tu dưỡng, chấp lý chấp Kinh. Thứ nhì là Hữu Lãng tính khí phong lưu lại hay muốn nổi trội, nghiêng về tính cách khoa trương. Thứ ba là Hữu Văn, nói năng hoa mỹ, văn cú trau chuốt bay bổng, trồng kiểng cắm hoa tố chất sẵn dành.

Rồi ngày quy hồi bổn xứ cũng đến. Những học trò xưa lần lượt diện kiến thầy. Phong sương của mấy thập niên nhập thế in rõ trên thân thể họ tựa lúc đến bến sông nhà của những chú tuấn mã còn hằn vết thương đời trên lưng. Cũng may sư phụ còn chút sức tàn tuổi bát tuần và đôi mắt đã mờ song vẫn đủ tinh tường nhận diện sự thay đổi của những đứa học trò nhỏ ngày cũ.

Ngày trở về của Hữu Trì thật nhộn nhịp vì sau lưng chàng là một đoàn người ngựa lũ lượt kéo nhau lên triền dốc, họ dừng lại trước sân tiền điện. Hành trang được giở xuống đó là cơ man các loại Kinh kệ dày mỏng, tất cả được đưa vào tôn trí trang trọng trên một bàn thờ chạm trổ cầu kỳ sơn son thếp vàng, có cả lư hương, đỉnh trầm, và những ngọn bạch lạp cháy lung linh. Từ đó, mỗi ngày mấy thời, Hữu trì chuyên tâm lễ lạy bái sám các pho Kinh chẳng dịp nào biếng trễ.

Người trở về tiếp theo lại là Hữu Văn, học trò nhỏ nhất của vị lão ẩn sĩ. Khuôn mặt ngày ấy sau bao năm vẫn nguyên nét tài hoa mẫn tiệp dù ẩn hiện đâu đó những dấu thời gian trên khóe miệng hay vết chân chim khóe mắt. Theo chàng trở về là những pho sách thi thư, họa phẩm của những danh sĩ bốn phương trời, và còn nữa, những giá, ống đựng bút lông, nghiên mực, thước,… lại thêm những cổ vật và kỳ hoa dị thảo. Chốn thâm nghiêm nơi tu trì quả hứa hẹn khởi sắc trong những ngày tháng sắp tới. Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, tâm hồn lại hàm ẩn tính nghệ sĩ cộng thêm tài khéo léo tổ chức, vị tu sinh trần thiết những đàn tràng đầy màu sắc, cờ phướng phấp phới, rồng phượng uy nghi. Rồi những đàn tràng cầu đảo ngự trên cao là những tôn tượng Phật Thánh oai nghiêm, những phông màn miêu tả cảnh lầu son gác bạc nơi trở về khi cuộc đời chấm hết cho những ai biết cầu nguyện đêm ngày và tín cẩn quanh năm. Người người lui tới nhang khói bông hoa, tưởng như cõi an nhàn mở lối, chốn vô nhiễm khai môn. Thôi thì hoa đăng đêm trừ tịch, dập dìu nam nữ gần xa như khai hội; lại thêm triển lãm thi thư, dựng kịch trường, xây hí viện khiến cho tín hữu chen chân không lọt, ngựa xe như nước, rềnh rang cố quận. Hình tướng lên ngôi, hồn người phiêu mộng, dựa dẫm thánh thần, bằng lòng huyễn sự.

Nhưng người mang lại ấn tượng nhất khiến thập phương du sĩ, viễn cận quần hùng phải một phen ngơ ngẩn đó chính là Hữu Lãng. Thì ra dẫu theo sư phụ chưa lĩnh thụ được mấy, vốn liếng chẳng là bao nhưng do mơ mộng chốn non xanh nước biếc, đứng núi này trông núi nọ, vội vội vàng vàng tay nải ra đi đến lân bang học tà pháp ngoại đạo. Cuối cùng cũng được phái điệp ấn chứng của bàng môn, anh ta hí hửng trở về cố xứ, bắt đầu tung ra những chiêu thức chưa từng có, khẽ khàng động tịnh, cương nhu ứng phó, ẩn hiện khôn lường. Thật ra, tài năng chẳng mấy, chữ nghĩa không hơn ai nhưng may mắn “ thiên tư lém lĩnh” thuở thiếu thời nay gặp cơ phát tác, khiến kinh thiên động địa, mấy chốc danh vang tứ hướng thật đáng nể đáng phục. Nhờ có điệp phái của bàng môn làm bùa hộ mệnh, một bước lên mây, chàng ta cũng “ghế chéo lọng vàng”, cũng “ áo mão cân đai”, khiến người người lóe mắt, kẻ kẻ ăn theo nâng khăn sửa túi hầu kiếm chút danh thừa,…

Điều đáng nói là Hữu Lãng vốn là kẻ háo danh, không từ thủ đoạn từ chỗ lấy kinh thư của các bậc tiền bối đã dày công dịch thuật đem xào nấu sơ sài ghi tên mình tác giả cho đến thỉnh thoảng “ mượn” câu chữ trong thi phẩm của những thi gia nổi tiếng đem vào bài của mình một cách sống sượng. Thức giả gần xa đều biết, họ nhìn nhau mỉm cười ý nhị. Chỉ có chàng không hay cứ trượt dài theo lối viễn mộng say cuồng, ra công để chứng tỏ cho mọi người tưởng mình là xuất chúng, nhà bác vật tinh thông tất thảy trên đời. Đã thế chàng lại được vương triều đương trị chống lưng, như diều gặp gió, người người do trí cạn đua nhau theo về đông đảo, lại còn có kẻ tôn chàng là thánh nhân xuất thế, bồ tát hạ phàm. Danh vọng thênh thênh và do bản tính vốn háo thắng từ bé, Hữu Lãng càng tỏ ra kiêu căng gàn dở, mục hạ vô nhân. Đạo lý làm người cũng dần mai một trong chàng, còn đâu nếp nghĩ oai nghi thánh hạnh(!).

Một buổi chiều sơn cước, mây đùn ải núi xa xa, heo may về, những chiếc lá ngô rơi lả tả. Người ẩn sĩ già chống gậy nhìn ra xa, ánh mắt thăm thẳm nhiều chiều suy tư. Cả cuộc đời gầy dựng chốn ẩn tu này, mong đem yếu chỉ tinh ba truyền trao lớp kế thừa hầu phổ độ nhân sanh. Giờ trong ông chỉ còn lại sự trống trải vô bờ, kỳ vọng về ba người đồ đệ giờ thành mây khói. Họ đã ly khai với chí nguyện cao cả ban đầu mà chính họ đã dõng dạc nói ra ngày sư phụ thâu nhận là đệ tử. Bất giác một ngọn gió lạnh thổi qua, lão ẩn sĩ lảo đảo rồi tựa vào gốc tùng trăm tuổi, ông đưa bàn tay già nua nhăn nheo chới với ra phía trước rồi lên tiếng gọi: “ Các con ơi, hãy trở về, hãy trở về mau,…hãy trở về mau đi các đệ tử của ta!!!” Chẳng có ai trả lời ông. Những giọt mưa Thu bắt đầu rơi trên má, trên người, ông gục xuống. Màn đêm đã phủ buồn trên vùng thâm sơn hẻo lánh.

(Thiên Hạnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3882)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4867)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6861)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5985)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6270)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6973)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5431)