LUẬN GIẢNG TÁM ĐẠI LUẬN MẬT THỪA
Học viện Mật thừa Gyumey ngày 12 tháng 12 năm 2015 Hunsur, Karnataka, Ấn Độ. Sau khi an tọa trên bảo tòa, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng, Tám Đại Luận Mật thừa không giành cho tất cả mọi người. “Đây là những Tantra tối thượng và chỉ giới hạn cho những ai phát nguyện thực hành nghiêm cẩn. Thậm chí chỉ những ai phát nguyện thực hành mới được nhìn vào những bản nghi quỹ Mật Tập Kim Cương và Đại Uy Đức Kim Cương. Bởi vậy chỉ những ai phát nguyện nguyện thực hành mới được phát một bản copy bộ kinh văn. Những ai đã thụ nhận giáo pháp và phát nguyện thực hành là điều rất đáng khích lệ, nhưng chỉ có vài trăm bản sao các bộ nghi quỹ được in. Tại Gyutoo, tôi đã truyền trao giáo pháp “Bảy chương về Đại Uy Đức Kim Cương, tantra này cũng giới hạn tương tự và tôi đã yêu cầu chỉ những ai phát nguyện thực hành thì mới được giữ bản nghi quỹ. "Ngài Sakya Dagtri đã hiện diện nơi đây với chúng ta những ngày nay để lắng nghe giáo pháp này, bởi vậy quý ngài không chỉ là bậc Trì giữ truyền thống “Đạo và Quả” mà đồng thời cũng là bậc trì giữ Se-gyu. Ở cuối bộ Mật Tập Kim Cương, ở cuối lời cầu nguyện lên đức Mật Tập Kim Cương, đạo sư Je Tsongkhapa đã viết rằng: “Đây là một phương tiện giúp hành giả có thể giác ngộ ngay trong một đời.” Ngài dạy rằng tám Đại Luận này luận giải hầu hết các pháp thực hành ở giai đoạn viên mãn, có liên hệ tới tất cả các truyền thống Kim cương thừa khác tu tập hệ thống Mật Tập Kim Cương tại tự viện Gyumey. Ngài dạy rằng Thời Luân Kim Cương có hệ thống riêng, và Ka-gye của truyền thống Nyingma cũng có hệ thống riêng. Giáo pháp Đại Toàn thiện cũng phân biệt rõ ràng giữa phàm tâm và sự tỉnh giác nguyên sơ. "Ở Tây Tạng, Tự viện Gyumey có truyền thống 32 vị tăng cùng nhập thất nghiêm mật giáo pháp Mật Tập Kim Cương tại Chumiglung. Thậm chí nếu một ai đó qua đời thì họ không được mở cửa, các cánh cửa phòng thất đều phải luôn đóng kín. Tôi không biết các vị có thực sự thiền quán về Mật Tập Kim Cương hay không, nhưng ngài trụ trì sẽ luận giảng các bộ kinh văn này. Khi Jamyang Shyepa Ngawang Tsöndrü nhập thật tại Chumiglung, ngài đã thành tựu việc thiền quán 173 phương diện của ba loại tri thức. "Tôi đã yêu cầu tự viện Sera, Drepung và Gaden cũng cần phải có những trung tâm nhập thất như vậy. Ngài Sagara đã dạy: "Thiền quán làm hiển lộ tinh túy của đời sống này. Đừng chỉ hài lòng với việc đắp y tăng sĩ bên ngoài. Hãy thiền quán về Pháp. Hãy thể nhập bản chất của thế giới bằng văn-tư-tu.” Je Rinpoche đã sống một đời sống tràn đầy ý nghĩa mà không tham dự vào tám bận tâm thế tục. Ngài đã từ chối lời thỉnh mời của nhiều Hoàng đế Trung Hoa.” "Cần phải thiết lập các trung tâm nhập thất với những phương tiện thích hợp. Hãy nỗ lực giống như Jamyang Shyepa, chúng ta cũng nên nỗ lực thiền quán về 173 phương diện của ba loại tri thức. Sẽ là không đủ nếu chỉ giành thời gian trì tụng chân ngôn. Học Viện Mật thừa Gyumey cần có kế hoạch giới thiệu chương trình tu học dựa trên các bộ kinh văn của các đời Đạt Lai Lạt ma trước. Các vị đã đưa các bộ luận lên cho tôi và tôi đã tụng đọc bộ luận về “Tràng Hoa Liễu nghĩa” của ngài Đạt lai Lạt ma đời thứ 5. Tu học và trì giữ các trước tác của các đời Đạt Lai Lạt ma là truyền thống được trì giữ lâu đời của Tự viện Deyang. Trước khi bắt đầu tụng đọc và truyền khẩu các bộ kinh văn, ngài dạy rằng, ngài đã thụ nhận Tám Đại luận này từ Ling Rinpoche và hầu hết các bộ luận này đều luận giải sự thực hành Tantra ở giai đoạn viên mãn. Với giai điệu an định và trầm tĩnh, ngài tụng đọc các bộ luận tới tận giờ trưa, và sau giờ trưa, khi hội chúng trở lại, ngài tiếp tục hoàn thành việc tụng đọc bộ Tantra cuối cùng là Thời Luân Kim Cương trước giữa giờ chiều. Ngài dạy rằng có một bản luận giải chi tiết về Thời Luân Kim Cương trong bộ tuyển tập của Khedrup-je. Ngài lưu ý rằng trong suốt giai đoạn chuẩn bị nghi thức ngày hôm qua khi nhìn lên đàn lễ, ngài thấy có những tôn tượng của Je Rinpoche ở phía trên, ngài cho rằng cũng cần phải có thêm những bộ Kangyur và Tengyur. "Cách đây không lâu, tôi được thỉnh mời khai quang tôn tượng đức Liên Hoa Sinh rất lớn tại Tsopema. Ngài Liên Hoa Sinh có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoằng dương Phật giáo tới xứ Tuyết. Ngài đã có những lời nguyện vĩ đại giành cho người Tạng. Tôi luôn trân trọng lòng từ của ngài, nhưng khi ấy tôi đã chia sẻ rằng, tôn tượng này sẽ an vị nơi đây rất lâu nữa trong tương lai nhưng tượng không thể giảng pháp được. Tương tự như thế, chúng ta đỉnh lễ tôn tượng đức Phật tại Bồ đề đạo tràng nhưng tôn tượng không thể giảng pháp được.” "Tôi tin chắc rằng nếu Je Tsongkhapa có thị hiện nơi đây và chúng ta có thể đưa rất nhiều lời thỉnh cầu lên ngài thì ngài cũng sẽ dạy, “Câu trả lời đã nằm ở 16 tập bộ luận của ta rồi.” Bởi vậy xin hãy nỗ lực tu học. Chúng ta là những Phật tử của thế kỷ 21, chúng ta cần có sự hiểu biết và có năng lực biện luận giáo pháp. Và điều gì cần thiết nữa, khi đọc những bộ luận của ngài Je Tsongkhapa, cũng rất cần thiết đọc cả những biện luận của ngài nữa. Chúng ta sẽ thấy các ngài Daktsang Lotsawa, Shakya Chokden, Gorampa và Rongton Sheja Kunrig đã biện luận như thế nào. Ngày nay nơi chư tăng của chúng ta chỉ giới việc việc tụng đọc những bộ kinh văn chuẩn mực của riêng tự viện mình. "Tóm lại, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hưng thịnh giáo pháp của đức Phật.” Cuối cùng Ngài đưa ra lời khuyên mọi người đi nhiễu và chiêm bái mandala cát. "Chiêm bái mandala với tâm chí thành có thể giúp quý vị tịnh hóa các ác nghiệp từ vô thủy kiếp. Bởi vậy hãy tới gần với một động cơ thanh tịnh, hãy thức tỉnh Bồ đề tâm và chính kiến về tính không. Không cần phải vội vàng, chư tăng sẽ cử hành nghi thức cầu nguyện trước mandala trong một vài ngày trước khi phá bỏ mandala. Tôi mong nhiều người nơi đây sẽ tới tham dự tại Tashipo, những ai quan tâm cũng có thể tham dự các buổi hội đàm của viện Tâm thức và Đời sống tại Sera. Tạ pháp và cầu nguyện Trường thọ, ngày 13 tháng 12 năm 2015. Ngay khi đức Đạt Lai Lạt ma an tọa tại chính điện vào sáng nay, rất nhiều kinh văn đã được phát xuống cho đại chúng. Kinh văn bao gồm các bộ luận được trước tác bởi các đời Đạt lai Lạt ma, nay trở thành chương trình mới trong nghiên cứu triết học tại Học viện Gyumey. Một đại diện của Học viện nói rằng dường như những trước tác này đã bị quên lãng khá lâu, và Gyumey có một sự liên hệ mật thiết với Gendun Drup, Học viện xin gửi lời sự tri ân tới những thành tựu của ngài. 13 bộ kinh văn được phát ngày hôm nay với mong nguyện quý ngài trường thọ và giáo pháp của đạo sư Tsongkhapa sẽ lan tỏa khắp rộng. Sau khi bậc thầy chủ sám bắt lời nghi thức cúng dường Trường thọ. ngài Trụ trì đã tụng đọc với giai điệu trầm bổng và những lời thỉnh cầu tha thiết, như đứa con thơ gục đầu nơi người mẹ của mình, thể hiện sự tri ân vì đức lãnh đạo và mong ngài trụ thế dài lâu. Một hàng dài người dân địa phương đã lên chính điện cúng dường. “Ngày hôm nay, Học viện Mật giáo Gyumey đã cúng dường lên tôi với tâm chí thành. Tất cả quý vị đều cầu nguyện, đều có một niềm tin bất thoái chuyển. Về phía mình tôi đã truyền trao quán đỉnh Mật Tập Kim Cương, luận giảng Tám Đại Luận quan trọng. Vị trụ trì là một vị tăng tốt mà tôi đã biết trong nhiều năm, tụng đọc với giai điệu và lời thỉnh cầu rất chí thành. “Tôi muốn chia sẻ với quý vị rằng khi tôi đi qua những vùng Tseley Ngatso Rangdol, không phải để cưỡi trên mình ngựa đi hết nơi này tới nơi khác, hay chỉ để thưởng thức những món chay, cũng không phải để nhận những phẩm vật cúng dường khi giảng pháp. Tôi không nhận bất kỳ phẩm vật cúng dường nào khi giảng pháp. Phẩm vật cúng dường ngay hôm nay sẽ được gửi lại vào ngày mai. Chẳng có gì quan trọng hơn những phẩm vật cúng dường là làm hoan hỷ bậc Kim Cương Thượng sư thông qua việc thực hành những gì ngài đã truyền trao. “Cử hành nhiều nghi thức nhưng nếu không thực sự thực hành thì cũng sẽ không mang lại nhiều kết quả. Khi người em gái của thánh tăng Milarepa phàn nàn rằng trong khi những bậc thầy khác rất sung túc thì ngài lại chẳng mang cho cô cái gì cả, ngài đáp lại rằng, bởi vì ngài đã thực sự xả bỏ tám món bận tâm thế tục. Đôi khi những điều này lại xảy ra, nhiều vị khởi đầu là một vị tăng giản di, rồi dần trở nên ngã mạn khi có đông đệ tử, đặc biệt là ở phương Tây. Hãy luôn cẩn trọng với dòng tâm mình để đối trị tám món bận tâm thế tục. “Trụ trì đã thỉnh tôi là ngài cần một nghi thức Mật tập Kim cương ngắn hơn trong giai đoạn phát triển. Quý vị có thể thực hành nghi quỹ ngắn hơn một nửa nếu không phải trải qua giai đoạn phát sinh thiền quán thân, tâm, cảnh đều là cảnh giới tịnh độ của Mật Tập Kim Cương. Tôi sẽ xem xét điều này sau. Điều quan trọng là phải hợp nhất tam thân trên một đạo lộ, đây là bản chất của sự thực hành giai đoạn phát sinh, chứ không phải việc trì tụng chân ngôn. Ngay khi quý vị có thể hợp nhất tam thân trong sự thực hành, quý vị có thể bắt đầu bước vào giai đoạn viên mãn. “Khi nhập thất hãy luôn ghi nhớ tầm quan trọng của các giáo pháp căn bản, thực hành Thượng sư Tương ưng pháp (Guruyoga) và thiền quán về Ba Điểm Tinh Yếu trên đạo lộ giải thoát. Sẽ rất khó có thể thành tựu chỉ trong một ngày, nhưng qua nhiều tuần, nhiều tháng sự chuyển hóa sẽ dần diễn ra trong tâm quý vị.” Chúng ta phân phát những bộ luận của các đời Đạt Lai Lạt ma ngày hôm nay. Mặc dù ngày ngay bài ca về đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ 6 Tsangyang Gyatso rất phổ biến, các trước tác của đời thứ 2, thứ 3 đều tuyệt vời.” Tôi muốn tri ân tất cả quý vị, đặc biệt là thầy chủ sám, một giọng trì tụng đầy cảm hứng nghi thức Đại Uy Đức Kim Cương và các thủ ấn cũng rất rõ ràng. Bây giờ là thời gian một số Phật tử địa phương sẽ tham dự tranh biện.” Một nhóm Phật tử, bao gồm người trẻ, già, phụ nữ và nam giới đã lên phía trước cùng tham dự buổi tranh biện về quy y. Khi sự kiện sắp kết thúc, nhóm phiên dịch cũng lên nhận gia trì từ ngài. Kết thúc, ngài viếng thăm Miyo Gomdrup Ling, một trung tâm nhập thất mới của Gyumey. Ngài cắt dây khánh thành ở cửa trước trung tâm nhập thất mới giành cho 32 hành giả. Ngài rời Hunsur tới Bylakupe, trên đường ngài ghé thăm khu nhà Karuna Phendey Gatsal được thiết lập bởi Khube Rinpoche giành cho những trẻ em tật nguyền. Nơi đây hiện có 28 trẻ em tàn tật đang được chăm sóc bởi một hội đồng 30 nhân viên. Ngài dạy rằng trong khi chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết mang lại cho trẻ em nền giáo dục tốt thì đối với những trẻ tật nguyền như thế này cũng rất cần được quan tâm. Ngài rất hoan hỷ khi chứng kiến dự án tiến triển tốt và cảm ơn rất nhiều tới những nhà tài trợ người Ý và kiến trúc sư người Xin-ga-po. Càng tới Bylakuppe, đoàn người hàng ngàn người, từ chư tăng ni, người dân đứng hai bên đường cầm khăn khata, hoa, hương cúng dường cung đón ngài. Một nhóm nhà báo ngay tại chân tự viện đã phóng vấn nhanh, họ muốn biết phản ứng của quý ngài về IS. Ngài xác quyết rằng giống như mình đã từng chia sẻ rất nhiều lần, bạo lực chỉ có thể hóa giải một cách tốt nhất thông qua những giải pháp phi bạo lực. Về tình trạng ngày càng thiếu vắng sự khoan dung trong xã hội Ấn Độ. Ngài đáp lại rằng, từ lâu đời và trên khắp xứ Ấn, hàng ngàn năm nay, vẫn duy trì một ý thức mạnh mẽ về sự hòa hợp tôn giáo dưới một nền tảng triết lý chung là bất bạo động. Từ khi giành được độc lập tới nay, nếu so với các quốc gia láng giềng thì Ân Độ vẫn là nước ổn định và an bình hơn rất nhiều. Trong chính điện tự viện, ngài được cung đón bởi chư tăng, Phật tử, các khách mời Viện Tâm thức và Đời sống tới tham dự hội đàm lần thứ 30. “Đây là lần truyền trao giáo pháp Lamrim thứ ba và cuối cùng tại đây mà tôi đã bắt đầu từ ba năm trước. Chúng ta cũng quyết định tổ chức hội đàm của Viện Tâm thức và Đời sống tại Sera như đã từng tổ chức tại Drepung. Các nhà khoa học đã đồng ý, bởi vậy 4 ngày tới chúng ta sẽ bắt đầu các cuộc hội đàm.” La Sơn Phúc Cường trích dịch Nguồn: Dalailam.com/news Chú thích ảnh |