Giảng Văn Kinh 17

28 Tháng Năm 201000:00(Xem: 11851)

KINH THẬP THIỆN GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1997

 

GIẢNG VĂN KINH 17

ÂM:

Long vương đương tri, thử Thập thiện nghiệp, nãi chí năng linh Thập lực tứ vô úy, Thập bát bất cộng nhất thiết Phật pháp, giai đắc viên mãn. Thị cố nhữ đẳng ưng cần tu học.

DỊCH:

Long vương nên biết, Mười nghiệp thiện này, hay khiến cho Mười lực, Bốn vô sở úy, Mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn. Thế nên các ông phải siêng năng tu học.

GIẢNG:

Đây là lời Phật khuyên: Mười nghiệp thiện là pháp tu căn bản có công đức lớn như đã nói, nên hãy siêng năng tu học.

ÂM:

Long vương! Thí như nhất thiết thành ấp tụ lạc giai y đại địa nhi đắc an trụ, nhất thiết dược thảo hủy mộc tùng lâm, diệc y địa nhi đắc sanh trưởng. Thử Thập thiện đạo, diệc phục như thị. Nhất thiết nhân thiên y chi nhi lập, nhất thiết Thanh văn, Độc giác bồ-đề, chư Bồ-tát hạnh, nhất thiết Phật pháp, hàm cộng y thử Thập thiện đại địa nhi đắc thành tựu.

DỊCH:

Long vương! Ví như tất cả thành ấp xóm làng đều nương đại địa mà được an trụ, tất cả cỏ thuốc cây cối, bụi rừng cũng nương nơi đất mà được sanh trưởng. Thập thiện nghiệp đạo cũng lại như thế. Tất cả người trời nương nơi đó mà được thành lập, tất cả Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp, đều nương chung vào đại địa Thập thiện mà được thành tựu.

GIẢNG:

Phật dạy tất cả thành ấp, xóm làng đều nương nơi đất mà được an trụ, nào là cỏ cây rừng bụi cũng nương nơi đất mà sanh trưởng. Mười pháp lành này cũng lại như thế. Tất cả người trời đều nương nơi mười pháp lành mà thành lập. Nghĩa là do mười pháp lành này mà được làm người làm trời. Tất cả Thanh văn Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát đều nương nơi mười pháp lành này mà được thành tựu. Tóm lại, Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật đều lấy mười pháp lành làm gốc. Dù tu pháp nào, nếu bỏ mười pháp lành này đều không thành tựu. Học đạo giỏi đến đâu, nói tu cao thế mấy, nếu bỏ mười pháp lành này mà không tu, thì không thể thành tựu Thánh quả. Nếu ngồi thiền lâu được định, mà khi xả thiền cũng vẫn còn tham sân si… thì thiền định đó vẫn là thiền phàm phu, tu chưa tới đâu cả. Thí dụ người nói từ bi ưa bố thí cứu giúp chúng sanh, mà còn đắm mê ngũ dục thì cũng vẫn là phàm phu. Cho nên dù tu pháp gì cao siêu, mà bỏ Thập thiện thì không được. Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, cũng đều đứng trên đất Thập thiện mà được vững vàng. Có người tự nhận mình tu cao, song có ai đụng chạm đến là la lối nặng lời, người như vậy vẫn không tiến bộ. Quí vị nhớ, Thập thiện gồm ba nghiệp thiện nơi thân, bốn nghiệp thiện nơi miệng và ba nghiệp thiện nơi ý. Quí vị ráng nhớ để tu và có thể tu thêm những hạnh khác, thì công đức vô lượng, quả Phật thành tựu viên mãn. Nếu không tu Thập thiện mà tu những hạnh khác, e không thành tựu Thánh quả. Thế nên tu phải lấy Thập thiện làm căn bản.

ÂM:

Phật thuyết thử kinh dĩ, Ta-kiệt-la Long vương cập chư đại chúng nhất thiết thế gian, thiên, nhân, a-tu-la đẳng, giai đại hoan hỉ tín thọ phụng hành.

DỊCH:

Phật nói kinh này rồi, Long vương Ta-kiệt-la cùng toàn thể đại chúng tất cả thế gian thiên, nhân, a-tu-la thảy đều vui vẻ, tin nhận vâng làm.

GIẢNG:

Sau khi Phật nói kinh này xong, trong hội chúng ai cũng vui vẻ tin nhận vâng làm. Bây giờ quí vị đã được nghe tôi giảng kinh rồi, có vui vẻ thực hành không? Nếu thực hành là phải dẹp bỏ tham, sân, si, tà kiến… Thực hành không dễ mà cũng không khó. Nếu nghe rồi, nỗ lực tu hành thì được công đức vô lượng. Nếu nghe rồi bỏ, không thực hành, tuy nghe hoài mà vẫn không tiến. Điều quan trọng là tin nhận rồi phải thực hành mới được lợi ích. Quí vị nhớ thực hành mười pháp này gọi là pháp lành, ngược lại là mười điều ác. Làm mười điều ác sẽ dẫn đến địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, tu mười pháp lành sẽ tiến lên cõi Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật.

Phật đã vạch rõ hai hướng lên xuống rõ ràng, tùy quí vị chọn lựa để thực hành, kiếp sống an vui hạnh phúc hay trầm luân đau khổ là do quí vị, chớ không ai làm thay được việc này. Thế nên chúng ta tu, làm sao cho hiện đời được an vui lợi ích, mai sau cũng được an vui lợi ích và đời đời gặp Phật pháp. Phật dạy nếu người tại gia tu Thập thiện thì gia đình thân thuộc được an vui hạnh phúc. Xóm làng tu Thập thiện thì xóm làng được an vui hạnh phúc. Cả một quốc gia tu Thập thiện thì quốc gia đó thành nước an lạc. Ngược lại thì gia đình quyến thuộc bất an xào xáo, xóm làng rối loạn thiếu an ninh, quốc gia loạn ly chinh chiến, không giềng mối đạo đức, giống như địa ngục… Đó là hậu quả xấu ác của cá nhân cũng như đoàn thể không tu Thập thiện.

Vậy quí vị hãy tự kiểm lại, xét quả hiện tại để biết nhân đời trước và làm sao cho nhân hiện tại luôn tốt, để đời này cũng như đời sau được an vui hạnh phúc không bị khổ đau. Nên nhớ, tự mình làm cho mình hạnh phúc với trí tuệ sáng suốt, chớ không do ai đem đến cho mình. Thế nên đừng có tà kiến mê tín làm theo sự rủ rê xúi bảo của kẻ khác, mà không tận dụng trí tuệ để cân nhắc việc nên hoặc không nên làm. Vì nhân lành hay ác đều do mình tạo, rồi cũng tự mình chiêu cảm quả báo vui hay khổ, không ai thế thay cho mình cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9007)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8059)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9672)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9202)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..