Ii. Thiết Lập Cương Giới

19 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 10838)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU

Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550

Chương 2
CÁC PHÁP YẾT-MA

II. THIẾT LẬP CƯƠNG GIỚI

Tiếng Phạn là Sīma, Hán dịch là Cương giới; nghĩa là đường ranh phân chia hai khu vực khác nhau.

Trên nguyên tắc mỗi Tăng đoàn sống và sinh hoạt cần phải quy định 1 cương giới rõ ràng. Trong phạm vi cương giới ấy các Tỳ-kheo có quyền lợi và nghĩa vụ chung. Một Tỳ-kheo giờ phút trước ở khu vực này thì hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của khu vực này, nhưng giờ phút sau sang qua một khu vực khác thì trở thành thành viên của khu vực ấy. Tuy mỗi Tăng đoàn là một cộng đồng độc lập và tự trị, nhưng vì các Tăng đoàn đều ápï dụng chung 1 loại giới luật, nên chúng vẫn được xem như 1 tập thể thống nhất.

1. Các loại cương giới

Có hai loại cương giới: Cương giới tự nhiên và cương giới pháp định. Cương giới tự nhiên áp dụng cho những Tăng đoàn di chuyển hay du cư và cương giới pháp định áp dụng cho những Tăng đoàn cố định hay định cư.

1.1. Cương giới tự nhiên.

Cương giới tự nhiên được chia thành 4 loại:

 1/ Giới tụ lạc: tụ lạc chỉ cho tất cả những nơi có nhà ở của dân chúng. Giới này gồm có hai:

- Tụ lạc có đường ranh rõ ràng: tức tụ lạc có đường ranh khiến có thể phân biệt được phạm vi bên trong và bên ngoài của tụ lạc, hoặc phân biệt được tụ lạc này với tụ lạc khác.

- Tụ lạc không có đường ranh rõ ràng: phạm vi của tụ lạc này rộng tối đa khoảng hơn 100m. Ma-ha Tăng Kỳ Luật qui định: 5 khuỷu tay là 1 cung, 7 cung là khoảng cách để trồng một cây xoài, trong phạm vi 7 cây xoài có thể tác Yết-ma. Theo cách tính của Ấn Độ ngày xưa 1 khuỷu tay khoảng 0m45, như vậy ta có: 5 khuỷu (5 x 0m45 = 2m25); 7 cung (7 x 2m25 = 15m75); 7 cây xoài Þ 7 x 15m75 = 110m25.

 2/ Giới A-lan-nhã: Tiếng Phạn là aranya, Hán phiên âm là A-lan-nhã, dịch nghĩa là không nhàn xứ hay vô sự xứ, chỉ cho những khu rừng vắng hay những nơi không có dân cư. Giới này gồm có hai:

- Chỗ không nguy hiểm: Giới này được quy định rộng 1 câu-lô-xá tức khoảng 4000 khuỷu tay, hay 1800m (cách tính thứ hai là 8000 khuỷu tay – 3600m).

- Chỗ nguy hiểm: Tức có các nạn cọp, sư tử, trùng độc, trộm, giặc...

Giới này được quy định trong vòng 7 bàn-đà (abhantara). Mỗi bàn đà khoảng 12m00. Do đó, 7 bàn-đà là: 7 x 12m = 84m.

 3/ Giới đường bộ: Tức giới tự nhiên trong lúc đi đường. Một tập thể Tỳ-kheo từ 4 người trở lên, trong lúc đi đường có thể làm pháp Yết-ma trong vòng 600 bộ.

 4/ Giới đường thủy: Tức cương giới được quy định trong lúc đang đi trên tàu, thuyền…, phạm vi này được tính bằng cách cho 1 người có sức khỏe nhất lấy cát hay nước ném ra 4 phía, tới chỗ nào thì chỗ đó được xem là đường ranh giới.

Tăng đoàn có thể thực hiện các pháp Yết-ma trong phạm vi các cương giới tự nhiên trên đây mà không cần phải kết tiểu giới.

1.2. Cương giới pháp định.

Cương giới pháp định là cương giới được ấn định bằng thủ tục Yết-ma. Loại cương giới này thông thường có hai, cương giới chính và cương giới phụ hay cương giới biệt xuất.

1/ Cương giới chính.

Cương giới bắt buộc phải có, đó là Đại giới và Giới trường.

a. Đại giới:

Trong bất cứ nơi nào có 1 đoàn thể Tăng chúng từ 4 người trở lên, đều phải ấn định những đường ranh bao quanh. Ở trong ranh giới đó, Tăng chúng sống chung hòa hợp, cùng chia sẻ những quyền lợi và nghĩa vụ trên tinh thần dân chủ và bình đẳng. Để thiết lập những đường ranh được rõ ràng cụ thể cần phải có những cột mốc gọi chung là tiêu tướng. Các vật được dùng làm tiêu tướng phải có tính cách kiên cố, lâu dài.

Tăng có cương giới của Tăng, Ni có cương giới của Ni, Tăng Ni không được thiết lập chung một cương giới. Nhưng cương giới của Tăng và Ni có thể ấn định trùng lên nhau, mà cương giới của mỗi bên vẫn không mất hiệu lực.

Phạm vi đại giới của Tăng rộng tối đa là 10 câu-lô-xá, tức khoảng 18km hoặc có chỗ nói rộng 20 câu-lô-xá, tức 36km. Phạm vi đại giới của Ni rộng tối đa là 1 câu-lô-xá, tức khoảng 1km8.

Thông thường mỗi đại giới đều có giới trường, nhưng đôi khi có đại giới không có giới trường. Đó là trường hợp hai đại giới ở gần bên nhau, Tăng đồng ý cùng sinh hoạt chung trong 1 giới trường, giới trường này đặt ở 1 bên nào đó tùy theo thuận tiện.

Mặc dù giới trường nằm trong phạm vi của đại giới, nhưng nó phải tách biệt với đại giới bằng khoảng cách tối thiểu là 1m. Vùng này gọi là vùng phi giới hay trung gian. Như vậy, theo thứ tự, trước hết ấn định đường ranh của giới trường. Tiếp theo ấn định đường ranh bên trong của đại giới - cách đường ranh của giới trường 1m. Sau cùng mới ấn định đường ranh bên ngoài của đại giới. Đại giới nào không có giới trường thì chỉ ấn định một đường ranh bên ngoài mà thôi.

Trong phạm vi của đại giới, các Sa-di và tịnh nhân có thể cùng sống chung, nhưng không được kể là thành viên của Tăng đoàn, nên quyền lợi và nghĩa vụ không giống như các Tỳ-kheo.

b. Giới trường (hay Thuyết giới đường)

Giới trường là một hội trường hay một khu đất nằm trong phạm vi của đại giới, nhưng tách biệt với đại giới, được dùng làm nơi sinh hoạt chung cho các Tỳ-kheo (hoặc thường kỳ, hoặc bất thường). Phạm vi giới trường nhỏ nhất phải dung chứa được 21 người mà khoảng cách sao cho người này duỗi cánh tay ra thì đầu ngón giữa chạm vào thân người kia. Con số 21 là số Tỳ-kheo khi làm Yết-ma xuất tội Tăng-tàn (20 Tỳ-kheo thanh tịnh và 1 Tỳ-kheo phạm tội).

Trong mỗi trú xứ chỉ được thiết lập 1 giới trường mà thôi.

Khi kết và giải giới trường, Tăng phải ở trong phạm vi của giới trường. Cũng vậy, khi kết và giải đại giới, Tăng phải ở trong phạm vi của đại giới, nghĩa là phải ra ngoài giới trường và vùng phi giới trung gian.

2/ Cương giới phụ (cương giới biệt xuất)

Các cương giới phụ gồm có tiểu giới, giới pháp lợi nhị đồng, giới pháp đồng lợi biệt, giới pháp biệt lợi đồng, giới không lìa y, giới tịnh trù và tịnh khố.

a. Tiểu giới:

Tiểu giới là một hình thức giới trường bất thường, tạm thời và chỉ được thiết lập bên ngoài phạm vi của đại giới. Một khi có sự việc bất thường xảy ra trong một nhóm Tỳ-kheo mà không liên quan đến toàn thể Tỳ-kheo trong trú xứ, nhóm người này muốn giải quyết việc đó nhưng không thể tập họp tại giới trường, vì sợ các Tỳ-kheo khác cản trở trong lúc họ làm Yết-ma. Do thế họ có thể dẫn nhau ra ngoài đại giới, kết tiểu giới để làm Yết-ma. Phạm vi của tiểu giới nhỏ nhất là 4 người ngồi thành một đường thẳng, và nếu từ 5 người trở lên thì ngồi thành vòng tròn, mà phần lưng của họ được coi là đường ranh chung của cương giới. Sau khi Tăng sự hoàn tất, họ phải giải tỏa tiểu giới mới được ra đi.

b. Giới pháp lợi cộng đồng.

Pháp lợi cộng đồng nghĩa là cùng thuyết giới chung và cùng hưởng chung lợi dưỡng.

Trong trường hợp có hai trú xứ của Tăng ở gần nhau với hai cương giới biệt lập, sự qua lại không bị trở ngại, khoảng cách giữa hai trú xứ không quá ba do-tuần (mỗi do-tuần bằng 6500m) hai bên muốn thống chất sinh hoạt và quyền lợi vật chất, họ phải kết giới gọi là giới pháp lợi cộng đồng. Muốn vậy, trước hết mỗi bên phải tự giải đại giới của mình. Sau đó, toàn thể Tăng cả hai bên tập họp về 1 chỗ để làm Yết-ma kết giới.

Hai trú xứ bây giờ cùng thuyết giới chung nên chỉ cần một giới trường. Giới trường này đặt bên nào là tuỳ theo sự thỏa thuận chung. Bên nào được đặt giới trường thì bên đó được thiết lập các đường ranh trước.

Sau khi xướng tiêu tướng, làm Yết-ma kết giới trường, toàn thể Tăng phải ra khỏi giới trường và vùng phi giới, đến địa phận của đại giới (có giới trường), xướng các tiêu tướng bên trong của đại giới. Kế đó xướng tiêu tướng bên ngoài của đại giới. Tiếp đến, xướng tiêu tướng ấn định đường ranh bên ngoài của đại giới bên kia (đại giới này không có giới trường nên không có ranh giới bên trong). Sau đó làm Yết-ma kết giới pháp lợi nhị đồng.

Trong trường hợp này, Tăng của hai trú xứ vẫn sống trong hai phạm vi đại giới khác nhau, chỉ thống nhất về mặt thuyết giới và lợi dưỡng.

c. Giới pháp đồng lợi biệt.

Thuyết giới chung nhưng lợi dưỡng riêng. Thể thức kết giới này giống như kết giới pháp lợi cộng đồng, chỉ khác nội dung các lời bạch Yết-ma mà thôi.

d. Giới pháp biệt lợi đồng.

Thuyết giới riêng, nhưng lợi dưỡng chung.

Trong trường hợp này, giới trường của hai trú xứ vẫn giữ nguyên, chỉ giải và kết lại đại giới. Để kết giới này, Tăng của mỗi bên phải làm Yết-ma giải đại giới mà không giải giới trường. Sau đó, tập họp về một chỗ, kết lại đại giới mà không phải xướng tiêu tướng, vì các đường ranh và tiêu tướng của 2 trú xứ vẫn giữ nguyên.

e. Giới không lìa y.

Theo tinh thần chung của các bộ luật thì Tỳ-kheo đi đâu phải đem theo ba y và bát bên mình như chim mang theo đôi cánh. Nhưng có nhiều trường hợp không thể luôn luôn mang theo y bên mình, nên phải ấn định cương giới của y. Nếu Tỳ-kheo ở ngoài cương giới của y, qua một đêm, khi ánh sáng ban mai xuất hiện sẽ phạm xả-đọa, y ấy phải xả trước Tăng. Thông thường phạm vi cương giới của y đồng nhất với phạm vi của đại giới, nhưng trừ ra nhà của dân và xung quanh nhà. Xung quanh nhà được tính bằng cách, bảo một người có sức khỏe trung bình, đứng từ hè nhà ném ra một hòn đá, đá rơi đến đâu thì lấy đó làm ranh giới.

Sau khi kết giới của y, nếu dân chúng dời nhà đi nơi khác thì khoảng nền trống đó giờ đây thành ra giới của y. Trái lại, nếu có người nào mới đến cất nhà trên khoảng đất trống thì ngôi nhà và xung quanh nhà ấy giờ đây không thuộc về giới của y nữa.

Phạm vi cương giới của y cũng có thể bao trùm cả hai trú xứ, tức hai đại giới khác nhau, với điều kiện sự qua lại không gặp trở ngại bởi sông, suối có nước chảy mạnh.

Cương giới của y phải kết sau đại giới, và giải trước đại giới. Nhưng nếu đã giải đại giới rồi thì khỏi cần giải giới của y, vì cương giới ấy đã hết hiệu lực.

f. Giới Tịnh trù (tịnh địa)

Tịnh trù hay tịnh địa là chỗ hay khoảng đất dùng để đun nấu, nói chung là nhà bếp của tự viện.

Theo luật, Tỳ-kheo không được nấu và chứa thức ăn trong già lam. Do trường hợp một Tỳ-kheo bị bệnh nhờ người trong thành nấu cháo, nhưng vì hôm ấy cửa thành đóng sớm không vào lấy cháo được, nên đêm ấy vị Tỳ-kheo mệnh chung. Nhân đây, Phật cho phép kết tịnh trù trong phạm vi già lam để giải quyết những trường hợp bất trắc.

Tịnh trù tuy nằm trong phạm vi đại giới, nhưng không được xem như thuộc phạm vi của đại giới. Do đó, cũøng phải đặt ra ngoài cương giới của y. Khi kết và giải tịnh trù, Tăng phải ra ngoài phạm vi ấy, nhưng vẫn ở trong đại giới.

Tăng có thể dùng một phòng nào thuận tiện trong phạm vi già lam để kết làm tịnh trù, nhưng không được lấy phòng của thầy Tỳ-kheo đi vắng.

Trên đây, nói về loại tịnh trù pháp định, ngoài ra còn có ba loại tịnh trù tự nhiên, như sau:

- Đàn việt tịnh: Già lam do đàn việt tạo lập mà chưa hiến cúng cho Tăng.

- Viện tướng bất chu tịnh: Già lam không có hàng rào, tường ngăn rõ ràng.

- Xứ phần tịnh: Khi làm già lam đàn việt đã quy định tịnh trù trước.

Để bảo trì các vật dụng và thực phẩm của Tăng, Tăng thường kết thêm giới tịnh khố (kho chứa của tự viện). Nhưng thông thường các già lam hay kết chung tịnh trù và tịnh khố làm một.

2. Thể thức kết và giải các cương giới

Thể thức tiến hành kết và giải các cương giới tương đối giống nhau, gồm việc tác tiền phương tiện, xướng giới tướng và bạch nhị Yết-ma. Đặc biệt, khi kết giới không ai được phép vắng mặt vì bất cứ lý do gì, do đó, không có việc gởi dục.

2.1. Kết và giải giới trường

 1/ Kết giới trường.

(a) Tiền phương tiện

 Yết-ma sư hỏi: Tăng đã họp chưa?

 Duy na đáp: Tăng đã họp.

 Hỏi: Hòa hợp không?

Đáp: Hòa hợp.

Hỏi: Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?. 

Đáp: Đã ra (hoặc đáp: trong đây không có người chưa thọ Cụ túc)

Hỏi: Tăng hay tập họp để làm gì?

Đáp: Yết-ma kết giới trường

(b) Xướng giới tướng:

Một Tỳ-kheo cựu trú được Tăng chỉ định trước, bước ra lễ Tăng một lễ, chắp tay bạch:

Kính bạch Đại đức Tăng, tôi Tỳ-kheo (tự xưng tên) nay vì Tăng xướng các tiêu tướng 4 phương của giới trường: Từ góc Đông Nam của trú xứ này, lấy (nói tên vật dụng làm tiêu tướng) làm nêu. Từ đây về hướng Tây, đến góc Tây Nam, lấy (...) làm nêu. Từ đây về hướng Bắc, đến góc Tây Bắc, lấy (...) làm nêu. Từ đây đi về hướng Đông, đến góc Đông Bắc, lấy (...) làm nêu. Từ đây trở lại hướng Nam, đến góc Đông Nam, lấy (...) làm nêu. Đó là một vòng các tiêu tướng ngoài của giới trường.

(c) Bạch Yết-ma

Yết-ma sư bạch: Kính bạch Đại đức Tăng. Vị Tỳ-kheo sống lâu trú xứ này đã xướng xong các tiêu tướng bốn phương của giới trường. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay lấy phạm vi các tiêu tướng 4 phương này kết làm giới trường. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng. Vị Tỳ-kheo sống lâu trú xứ này đã xướng các tiêu tướng 4 phương của giới trường. Tăng nay lấy phạm vi các tiêu tướng này kết làm giới trường. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy phạm vi các tiêu tướng 4 phương này kết làm giới trường. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Giải giới trường sau khi đã giải đại giới.

(a) Tiền phương tiện: (như trên, chỉ sửa đổi những chỗ cần thiết cho thích hợp).

(b) Bạch Yết-ma: Kính bạch Đại đức Tăng, Tăng nay tập hợp nơi đây để giải giới trường. Các Đại đức nào chấp thuận Tăng nay giải giới trường thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói. Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng nay đã chấp thuận giải giới trường. Tôi ghi nhận như vậy.

2.2. Kết và giải tịnh trù (tịnh địa)

1/ Kết tịnh trù.

Trong khi kết tịnh trù chư Tăng đều phải ra ngoài phạm vi này.

(a). Tiền phương tiện: (như trên, chỉ sửa đổi những gì cần biết)

(b). Xướng giới tướng:

Tỳ-kheo xướng giới tướng bạch: Kính bạch Đại đức Tăng, nếu thời gian thích hợp đối với tăng, Tăng nay lấy (địa điểm) kết làm tịnh trù. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng, nay Tăng lấy (địa điểm) kết làm tịnh trù. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vâïy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy (địa điểm) kết làm tịnh trù. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Giải tịnh trù (tịnh địa)

 (a). Tiền phương tiện: (như trên, chỉ đổi các từ cho phù hợp với đối tượng tác pháp)

 (b). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức tăng, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay giải tịnh trù (nói địa điểm). Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng, tăng nay giải tịnh trù (nói địa điểm), các Đại đức nào chấp thuận Tăng giải tịnh trù (nói địa điểm) thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận giải tịnh trù. Tôi ghi nhận như vậy.

  • Thể thức tiến hành kết và giải tịnh khố (kho tàng) giống như tịnh trù, chỉ thay đổi các từ cho phù hợp với đối tượng tác pháp.

2.3. Kết và giải đại giới có giới trường.

1/ Kết đại giới có giới trường.

(a). Tiền phương tiện: (như trên, chỉ thay đổi các từ cho phù hợp với đối tượng tác pháp).

(b). Xướng giới tướng:

Một Tỳ-kheo cựu trú, được Tăng chỉ định trước, bước ra lễ Tăng một lễ, chắp tay bạch:

Kính bạch Đại đức Tăng, Tôi Tỳ-kheo (tự xưng tên) sống lâu trong trú xứ này, nay vì Tăng xin xướng các tiêu tướng bên trong. Từ góc Đông Nam các đường ranh của giới trường (nói rõ khoảng cách), lấy (nói tiêu tướng) làm nêu. Từ đây đi về hướng tây, đến góc Tây Nam, lấy (,..). làm nêu. Từ đây đi về hướng Bắc, đến góc Tây Bắc lấy (...) làm nêu. Từ đây đi về hướng Đông, đến góc Đông Bắc, lấy (...) làm nêu. Từ đây đi về hướng Nam, trở lại góc Đông Nam, lấy (...) làm nêu.

Tiếp theo xin xướng giới tướng bên ngoài. Từ góc Đông Nam của trú xứ này, lấy (…) làm nêu. Từ đây đi về hướng Tây, đến góc Tây Nam lấy (.. .) làm nêu. Từ đây đi về hướng Bắc, đến góc Tây Bắc, lấy (…) làm nêu. Từ đây đi về hướng Đông, đến góc Đông Bắc, lấy (...) làm nêu. Từ đây đi về hướng Nam, trở lại góc Đông Nam, lấy (...) làm nêu.

Như vậy, tôi đã xướng xong hai vòng bên trong và bên ngoài của đại giới.

(c). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức Tăng. Vị Tỳ-kheo sống lâu trú xứ này đã xướng xong các tiêu tướng bốn phương bên trong và bên ngoài của đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay lấy phạm vi các tiêu tướng 4 phương này kết làm đại giới, cùng sống chung, cùng thuyết giới. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng. Vị Tỳ-kheo sống lâu trú xứ này đã xướng xong các tiêu tướng 4 phương của đại giới. Tăng nay lấy phạm vi các tiêu tướng 4 phương này kết làm đại giới, cùng sống chung, cùng thuyết giới. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy phạm vi các tiêu tướng 4 phương này kết làm đại giới, cùng sống chung, cùng thuyết giới. Tôi ghi nhận như vậy.

Chú ý: Nếu Tỳ-kheo cựu trú trước đó đã hướng dẫn chư Tăng đi thị sát hiện trường các tiêu tướng và đường ranh rồi thì khi xướng tiêu tướng đứng một chỗ trước Tăng mà xướng.

Nếu trường hợp Tăng chưa đi thị sát địa hình (vì phạm vi đại giới nhỏ) thì Tỳ-kheo cựu trú phải thân hành đi tới tiêu tướng giới thiệu để Tăng biết rõ.

Sau khi Tăng tập họp đông đủ (không ai được phép vắng mặt vì bất cứ lý do gì), vị này bước ra đảnh lễ Tăng một lễ rồi bạch: “Ngày hôm nay kết đại giới, kính thỉnh đại Tăng thân hành thị sát hiện trường để biết rõ các tiêu tướng và các đường ranh bao quanh đại giới để tiện tác pháp”. Sau khi thị sát xong, Tăng tập họp về một chỗ để tiến hành tiền phương tiện.

Nếu đại giới không có giới trường thì chỉ thiết lập các tiêu tướng vòng ngoài của đại giới chứ không có vòng trong. Ngoài ra các thủ tục giống như đại giới có giới trường.

2/ Giải đại giới có giới trường.

Thủ tục tiến hành giống như giải giới trường (xem trước)

2.4. Kết và giải giới không mất y trong một trú xứ.

Kết giới không mất y để Tỳ-kheo có thể lìa y ngủ, mà không phạm xả đọa.

1/ Kết giới:

(a) Tiền phương tiện: (như thông lệ)

(b). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận lấy phạm vi trú xứ cùng sống chung, cùng thuyết giới này, trừ xóm và xung quanh xóm, kết giới không mất y. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng, Tăng nay lấy phạm vi của trú xứ cùng sống chung, cùng thuyết giới này, trừ xóm và xung quanh xóm, kết giới không mất y. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy phạm vi của trú xứ cùng sống chung, cùng thuyết giới này, trừ xóm và xung quanh xóm, kết làm giới không mất y. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Giải giới:

Theo thủ tục thông thường chỉ sửa đổi lời văn cho thích hợp.

2.5. Kết và giải giớùi không lìa y thông hai trú xứ.

1/ Kết giới.

 (a). Tiền phương tiện: (theo thông lệ)

 (b). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận lấy phạm vi từ (nói tên trú xứ) đến (trú xứ), trừ xóm và xung quanh xóm, kết giới không lìa y. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng. Tăng nay lấy phạm vi từ (trú xứ) đến (trú xứ), trừ xóm và xung quanh xóm, kết giới không lìa y. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận thì hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy phạm vi từ (...) đến (...), trừ xóm và xung quanh xóm, kết làm giới không lìa y. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Giải giới:

Theo thủ tục thông thường chỉ sửa đổi lời văn cho thích hợp.

2.6. Kết và giải tiểu giới (dùng để thuyết giới, thọ giới, tự tứ)

1/ Kết giới:

 (a). Tiền phương tiện.

 (b). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận lấy phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây làm tiểu giới. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng, Tăng nay lấy phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây kết làm tiểu giới. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận lấy phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây kết làm tiểu giới. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Giải giới:

 (a). Tiền phương tiện.

 (b). Bạch Yết-ma:

Kính bạch Đại đức Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay giải tiểu giới trong phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây. Đây là lời tác bạch.

Kính bạch Đại đức Tăng: Tăng nay giải tiểu giới trong phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây. Các Đại đức nào chấp thuận thì im lặng, ai không chấp thuận hãy nói.

Tất cả đều im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã chấp thuận giải tiểu giới trong phạm vi các Tỳ-kheo đang tập họp ở đây. Tôi ghi nhận như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn