ĐÀM-VÔ-ĐỨC TỨ
PHẦN LUẬT
TỲ-KHEO GIỚI BỔN
Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch (1983)
CHƯƠNG NĂM
BA-DẬT-ĐỀ
Thưa các Đại đức, đây là chín mươi pháp Ba-dật-đề, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.
1. Tỳ-kheo cố ý nói dối, Ba-dật-đề.
2. Tỳ-kheo nói nhục mạ bằng các chủng loại, Ba-dật-đề.
3. Tỳ-kheo nói lời ly gián, Ba-dật-đề.
4. Tỳ-kheo ngủ đêm chung nhà với người nữ, Ba-dật-đề.
5. Tỳ-kheo ngủ đêm chung nhà với người chưa thọ đại giới quá hai đêm, đến đêm thứ ba, Ba-dật-đề.
6. Tỳ-kheo cùng tụng giới đọc chung với người chưa thọ đại giới, Ba-dật-đề.
7. Tỳ-kheo biết vị khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, trừ Tăng yết ma, Ba dật dề.
8. Tỳ-kheo đối với người chưa thọ Cụ túc mà tự nói mình chứng ngộ pháp Thượng nhân rằng: "Tôi biết điều này, tôi thấy điều này". Nếu đây là sự thật, Ba-dật-đề.
9. Tỳ-kheo thuyết pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, Ba-dật-đề.
10. Tỳ-kheo tự tay đào đất hoặc bảo người đào, Ba-dật-đề.
11. Tỳ-kheo phá hoại mầm sống cây cỏ, Ba-dật-đề.
12. Tỳ-kheo cố ý nói quanh và gây phiền vị khác, Ba-dật-đề.
13. Tỳ-kheo nào chê bai và nói xấu (tri sự Tăng), Ba-dật-đề.
14. Tỳ-kheo nào mang giường nằm, ghế ngồi, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi của Tăng bày ra chỗ đất trống, hoặc khiến người bày; khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba-dật-đề.
15. Tỳ-kheo nào, ở trong tăng phòng, tự mình hoặc bảo người dọn trải ngọa cụ của Tăng để ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba-dật-đề.
16. Tỳ-kheo nào, đã biết đó là chỗ nghỉ của Tỳ-kheo khác; mình đến sau cố chen vào giữa trải ngọa cụ để ngủ nghỉ, với ý nghĩ rằng: "Vị ấy nếu hiềm chật sẽ tự tránh đi chỗ khác". Hành động với nhân duyên ấy chứ không gì khác, không phải oai nghi khác, Ba-dật-đề.
17. Tỳ-kheo nào, giận hờn, không ưa Tỳ-kheo khác, tự lôi kéo ra khỏi tăng phòng, hay khiến người khác lôi ra, Ba-dật-đề.
18. Tỳ-kheo nào, tại tăng phòng, trên tầng gác, nằm hay ngồi trên giường, ghế bằng chân lắp, Ba-dật-đề.
19. Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng, mà tự mình hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, Ba-dật-đề.
20. Tỳ-kheo nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ, và các thứ trang sức khác, chỉ bảo người lợp tranh ngang bằng hai, ba tiết; nếu quá, Ba-dật-đề.
21. Tỳ-kheo nào, không được Tăng sai mà giáo thọ Tỳ-kheo ni, Ba-dật-đề.
22. Tỳ-kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ Tỳ-kheo ni cho đến mặt trời lặn, Ba-dật-đề.
23. Tỳ-kheo nào, nói với các Tỳ-kheo như vầy: "Tỳ-kheo vì sự ăn uống mà giáo thọ Tỳ-kheo ni", Ba-dật-đề.
24. Tỳ-kheo nào, cho y Tỳ-kheo ni không phải thân quyến, Ba-dật-đề.
25. Tỳ-kheo nào, may y cho Tỳ-kheo ni không phải thân quyến, Ba-dật-đề.
26. Tỳ-kheo nào, ngồi một mình với một Tỳ-kheo ni tại chỗ khuất kín, Ba-dật-đề.
27. Tỳ-kheo nào, hẹn và cùng đi chung đường với Tỳ-kheo ni, từ một xóm đến một xóm, trừ trường hợp đặc biệt, Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là, cùng đi với khách buôn, hoặc khi có nghi ngờ, có sợ hãi. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.
28. Tỳ-kheo nào, hẹn và đi chung thuyền với Tỳ-kheo ni, dù đi ngược dòng hay xuôi dòng trừ qua ngang, Ba-dật-đề.
29. Tỳ-kheo nào ăn thức ăn được biết là do Tỳ-kheo ni khuyến hóa, trừ đàn việt có chủ ý trước, Ba-dật-đề.
30. Tỳ-kheo nào hẹn và đi chung đường với người nữ, dù chỉ trong quãng xóm, Ba-dật-đề.
31. Tỳ-kheo nào, tại trú xứ cúng một bữa, Tỳ-kheo không bệnh chỉ nên ăn một bữa, nếu thọ nhận quá, Ba-dật-đề.
32. Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ các trường hợp khác, Ba-dật-đề. Các trường hợp khác là, khi bệnh, khi thí y. Đây gọi là trường hợp khác.
33. Tỳ-kheo nào ăn riêng chúng, trừ các trường hợp khác, Ba-dật-đề. Các trường hợp khác là, khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa môn thí thức. Đây là các trường hợp khác.
34. Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y, được mời thọ dụng vật thực, hoặc bánh, hoặc bột; nếu cần dùng, nên thọ hai ba bát; trở về trong tăng già làm nên chia cho các Tỳ-kheo khác ăn. Nếu Tỳ-kheo không bệnh, thọ lãnh quá hai ba bát, mang về trong tăng già lam, không chia cho các Tỳ-kheo khác ăn, Ba-dật-đề.
35. Tỳ-kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ăn nữa, Ba-dật-đề.
36. Tỳ-kheo nào, biết Tỳ-kheo kia ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ân cần mời vị kia ăn, nói rằng: "Trưởng lão, hãy dùng món ăn này". Chỉ với mục đích này chứ không có gì khác, tức là muốn người khác phạm giới, Ba-dật-đề.
37. Tỳ-kheo nào ăn phi thời, Ba-dật-đề.
38. Tỳ-kheo nào cất chứ đồ ăn qua đêm và ăn, Ba-dật-đề.
39. Tỳ-kheo nào, đưa vào miệng thức ăn hoặc thuốc không được trao nhận, trừ nước và tăm, Ba-dật-đề.
40. Tỳ-kheo nào không bệnh mà xin những thứ ẩm thực mỹ diệu cho mình như sữa, lạc, cá và thịt, Ba-dật-đề.
41. Tỳ-kheo nào, tự tay cho thức ăn đến nam ngoại đạo, nữ ngoại đạo, Ba-dật-đề.
42. Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, nhưng trước hay sai bữa ăn đi đến nhà khác mà không báo cho Tỳ-kheo khác biết, trừ trường hợp đặc biệt, Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y. Đây là những trường hợp đặc biệt.
43. Tỳ-kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu, mà cố nán ngồi, Ba-dật-đề.
44. Tỳ-kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu, mà ngồi ở chỗ khuất, Ba-dật-đề.
45. Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với một người nữ tại chỗ trống, Ba-dật-đề.
46. Tỳ-kheo nào, nói với Tỳ-kheo khác như vầy: "Đại đức, hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức thức ăn". Tỳ-kheo ấy cuối cùng không cho Tỳ-kheo kia thức ăn, lại nói rằng: "Đại đức hãy đi chỗ khác. Tôi không thích nói chuyện hay ngồi một chỗ với Đại đức. Tôi thích ngồi một mình, nói chuyện một mình". Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, Ba-dật-đề.
47. Tỳ-kheo được thỉnh cầu thọ nhận thuốc 4 tháng; Tỳ-kheo không bệnh có thể nhận; nếu quá hạn mà nhận, Ba-dật-đề, trừ có sự thỉnh thường xuyên, thỉnh tiếp tục, thỉnh chia phần, thỉnh suốt đời.
48. Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, Ba-dật-đề, trừ có nhân duyên hợp thời.
49. Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm; nếu quá, Ba-dật-đề.
50. Tỳ-kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm hoặc khi xem quân đội diễn tập, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa, Ba-dật-đề.
51. Tỳ-kheo nào, uống rượu, Ba-dật-đề.
52. Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, Ba-dật-đề.
53. Tỳ-kheo nào, lấy ngón tay thọc léc người khác, Ba-dật-đề.
54. Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián, Ba-dật-đề.
55. Tỳ-kheo nào, dọa nạt Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
56. Tỳ-kheo, nửa tháng tắm một lần; Tỳ-kheo không bịnh nên thọ; nếu quá, Ba-dật-đề; trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là, thời gian nóng, khi bịnh, khi lao tác, khi gió và mưa, khi đi đường. Đó là các trường hợp đặc biệt.
57. Tỳ-kheo nào, không bịnh, để tự sưởi, nhóm lửa tại đất trống, hoặc bảo người nhóm, Ba-dật-đề; trừ có nhân duyên.
58. Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, dù chỉ giỡn chơi, Ba-dật-đề.
59. Tỳ-kheo nào, đã cho y đến Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni; về sau, không nói với chủ mà lấy lại dùng, Ba-dật-đề.
60. Tỳ-kheo nào, được y mới, tùy ý dùng một trong ba màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc. Nếu không làm hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan, mà mặc nguyên y mới, Ba-dật-đề.
61. Tỳ-kheo nào, cố ý giết chết mạng sống loài vật, Ba-dật-đề.
62. Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng mà uống hoặc dùng, Ba-dật-đề.
63. Tỳ-kheo nào, cố ý gieo nghi ngờ cho Tỳ-kheo khác, dù chỉ khiến cho không yên tâm trong chốc lát, Ba-dật-đề.
64. Tỳ-kheo nào, biết rõ Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác mà cố ý che giấu, Ba-dật-đề.
65. Người tuổi đủ hai mươi nên cho thọ đại giới; nếu Tỳ-kheo biết người tuổi chưa đủ hai mươi mà cho thọ đại giới, Ba-dật-đề. Người ấy không đắc giới, các Tỳ-kheo đáng bị khiển trách, vì là si.
66. Tỳ-kheo nào, biết tránh sự đã được như pháp giải quyết rồi, sau đó lại khơi dậy, Ba-dật-đề.
67. Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp, mà giao hẹn và cùng đi chung một đường, dù chỉ trong khoảng một xóm đến một xóm, Ba-dật-đề.
68. Tỳ-kheo nào, nói như vầy: "Tôi biết rằng, theo pháp mà Phật dạy, sự hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo". Các Tỳ-kheo kia nên can gián Tỳ-kheo này rằng: "Đại đức, chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Thế Tôn; xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng sự hành dâm dục là pháp chướng đạo". Khi được các Tỳ-kheo can gián, Tỳ-kheo này vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Ba-dật-đề.
69. Tỳ-kheo nào, biết người nói lời như thế chưa được tác pháp (giải), tà kiến như thế chưa bỏ, lại cung cấp các nhu yếu, cùng yết ma, cùng ngủ nghỉ, cùng nói chuyện, Ba-dật-đề.
70. Tỳ-kheo nào, biết Sa di ấy nói như vầy: "Tôi nghe pháp từ Đức Phật, nói rằng: "Hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo". Các Tỳ-kheo nên can gián Sa di ấy như vầy: "Ngươi chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Sa di, Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo". Khi được các Tỳ-kheo can gián như thế mà Sa di ấy vẫn kiên trì không bỏ; các Tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, các Tỳ-kheo nên nói với Sa di ấy rằng: "Ngươi từ nay trở đi hãy đi khỏi đây; không được nói rằng: "Đức Phật là Thế Tôn của tôi". Không được đi theo các Tỳ-kheo khác. Các Sa di được phép ngủ hai, ba đêm cùng với các Tỳ-kheo; nhưng ngươi nay không có sự kiện ấy. Ngươi hãy ra khỏi đây, hãy đi khuất chỗ đây, không được sống ở đây nữa". Nếu Tỳ-kheo biết Sa di đã bị đuổi giữa chúng như vậy, mà dụ đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, Ba-dật-đề.
71. Tỳ-kheo nào, khi được các Tỳ-kheo như pháp can gián lại nói rằng: "Thưa Đại đức, tôi nay không học điều giới này, trừ phi tôi hỏi rõ Tỳ-kheo trì luật có trí khác", Ba-dật-đề. Nếu muốn hiểu biết, muốn học, thì nên hỏi.
72. Tỳ-kheo nào, khi tụng giới, nói như vầy: "Đại đức, nói những giới vụn vặt ấy có ích lợi gì? Khi nói giới ấy chỉ làm cho người ta phiền muộn, xấu hổ, hoài nghi" vì khinh chê giới, Ba-dật-đề.
73. Tỳ-kheo nào, khi nghe tụng giới, nói như vầy: "Nay tôi mới biết pháp này được ghi trong Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ Giới kinh". Các Tỳ-kheo khác biết Tỳ-kheo này đã từng ngồi dự tụng giới hoặc hai hoặc ba lần, huống nữa là nhiều lần. Tỳ-kheo ấy không phải do vì không biết mà khỏi tội. Nếu có phạm tội, thì phải được xử trị như pháp, rồi lại chồng thêm tội vô tri, bảo rằng: "Trưởng lão, thật không ích lợi gì cho ngài, không có sở đắc tốt đẹp gì cho ngài, vì trong khi tụng giới ngài không dụng tâm, không nhất niệm lắng tai nghe pháp". Vị ấy vì vô tri, Ba-dật-đề.
74. Tỳ-kheo nào, sau khi đã dùng chung yết ma, lại nói như vầy: "Các Tỳ-kheo tùy theo chỗ thân hậu mà cho vật của Tăng", Ba-dật-đề.
75. Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, không giữ dục mà đứng dậy đi ra, Ba-dật-đề.
76. Tỳ-kheo nào, đã giữ dục, sau đó tỏ sự bất bình, Ba-dật-đề.
77. Tỳ-kheo nào, sau khi các Tỳ-kheo tranh cãi nhau, nghe lời người này đem nói với người kia, Ba-dật-đề.
78. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, đánh Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
79. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, khoa tay dọa đánh Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
80. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống Tỳ-kheo khác bằng pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, Ba-dật-đề.
81. Tỳ-kheo nào, khi nhà vua quán đảnh dòng Sát đế lỵ chưa ra, bảo vật chưa được thu cất, mà vào cung vua, bước qua khỏi ngạch cửa, Ba-dật-đề.
82. Tỳ-kheo nào, tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, Ba-dật-đề; trừ ở trong tăng già lam hay chỗ ký túc, Ba-dật-đề. Nếu ở trong tăng già lam hoặc chỗ ký túc mà tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vậy: "Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lấy". Chỉ với nhân duyên ấy chứ không gì khác.
83. Tỳ-kheo nào, phi thời vào tụ lạc mà không báo cho Tỳ-kheo khác biết, Ba-dật-đề.
84. Tỳ-kheo nào, làm giường dây hay giường gỗ, chân phải cao bằng tám ngón tay của Như Lai, đã trừ phần từ lỗ mộng để ráp thành giường trở lên; nếu quá, Ba-dật-đề, phải hớt bỏ.
85. Tỳ-kheo nào, dùng bông Đâu la miên dùng làm đệm lớn, đệm nhỏ lót giường dây, giường gỗ, đã dồn thành, Ba-dật-đề.
86. Tỳ-kheo nào, dùng răng, xương, sừng làm ống đựng kim; moi khoét và làm thành, Ba-dật-đề.
87. Tỳ-kheo nào, làm ni sư đàn, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang và rộng một gang rưỡi tay Phật; rồi thêm dài và rộng nửa gang nữa làm lề; nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
88. Tỳ-kheo nào, làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là bề dài bốn gang và rộng hai gang tay Phật; nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
89. Tỳ-kheo nào, làm y tắm mưa, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang và rộng hai gang rưỡi tay Phật; nếu quá, Ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
90. Tỳ-kheo nào, may y bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng ấy, Ba-dật-đề. Trong đây, lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đây gọi là lượng y của Như Lai.
Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong chín mươi pháp Ba-dật-đề.
Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).
Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.