Lời Tựa

30 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 18426)

KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Trọn bộ mười quyển
Đời Tống nước Kế Tân
Tam Tạng Pháp sư Cầu Na Bạt Ma Dịch Phạn văn sang Hán văn
Tỳ kheo Thích Thiện Thông Dịch ra Việt văn

 Lời Tựa

 Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.

Nói đến giới Bồ tát, ta thường nghĩ ngay đến mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh được nói trong kinh Phạm Võng, hoặc sáu giới trọng hai mươi tám giới khinh trong kinh Thi Ca La Việt. Theo ý nghĩa nơi kinh này, thì giới Bồ tát không chỉ hạn hẹp trong bao nhiêu đó mà là rộng rãi vô cùng, bao quát tất cả. Phàm những gì mà một Bồ tát từ khi sơ phát tâm cho đến khi chứng quả Phật, bao nhiêu quá trình tu tập mà vị đó trải qua, bao nhiêu công hạnh vị đó thực hiện và những quả đức đã chứng nhập, đều được gọi là “Thiện giới”. Do ý nghĩa ấy mà bậc tiên đức đã nói “Về giới Bồ tát, nếu tính đến lượng đông với hư không, về cảnh thì lan khắp pháp giới”, tất cả những Giới, Hạnh, Quả như vậy được tóm thâu trong ba cú nghĩa: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng ta quen gọi là Tam tụ luật nghi của Bồ tát.

Vì “Thiện giới” bao hàm tất cả những nghĩa như vậy, cho nên trong kinh này nơi cuối quyển 9, khi ngài Ưu Ba Ly hỏi về tên kinh, đức Phật đã dạy: “Ưu Ba Ly! Kinh này gọi là Thiện giới, gọi là Bồ tát địa, gọi là Luật Bồ tát, gọi là Luận Bồ tát, gọi là Như Lai Tạng, gọi là Căn bản của tất cả thiện pháp, gọi là Nhân của sự an lạc, gọi là Sự chứa nhóm các hạnh ba la mật…”

Trọn bộ kinh gồm 10 quyển, chia làm 30 phẩm. Chín quyển đầu thuyết minh tất cả hạnh môn của Bồ tát địa và Phật địa, một quyển sau dạy về thể thức truyền giới, tự thệ thọ giới, cũng như thuyết minh tám giới trọng và 55 giới khinh của Bồ tát, xem như một bộ giới bổn, ngoài bộ giới Bổn Phạm Võng. Điểm đặc biệt của quyển giới bổn này là dạy rõ vừa pháp giá vừa pháp khai trong 55 giới khinh của Bồ tát, mà từ trước đến nay chưa thấy có bản dịch nào nói đến, cho nên phần giới bổn trong bộ kinh này có thể triển khai nhiều phương diện, giúp ích cho những vị đã thọ học giới Bồ tát, muốn biết để thực hành.

Qua 30 phẩm kinh, đức Phật đã giảng nói một cách cô đọng, sâu thẳm về vô biên hạnh của Bồ tát, như Mười Ba la mật, Bốn nhiếp pháp, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Mười hai nhân duyên, Bốn Vô lượng tâm, Ba giải thoát môn, Bốn pháp ấn…Ngoài những hạnh môn của Bồ tát, ngài còn dạy rõ về 140 pháp bất cộng của chư Phật, như nhân địa và thành quả 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, Bốn tịnh hạnh, Mười lực, Bốn vô sở úy, Ba niệm xứ, Ba bất hộ, Đại bi, Thường không quên mất, Trí đoạn tập nhân phiền não, Nhứt thiết chủng trí…

Có một điểm đáng lưu ý mà chúng tôi muốn trình bày là: trong khi diễn nói những hạnh môn ba la mật của Bồ tát đức Phật dạy về hành trình của 41 ngôi vị, nhất là 10 địa trong hàng thập thánh, phần này rất cô đọng nhưng đã tóm nhiếp giáo nghĩa bậc Thập địa nơi kinh Hoa Nghiêm, hoặc trong kinh Phạm Võng (quyển thượng) Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp, kinh Lăng Nghiêm v.v…Như vậy, kinh Bồ tát Thiện giới này là Bồ tát luật, Bồ tát luận, là Như Lai Tạng, quả thật không sai.

Trong khi dịch thuật bộ này, chúng tôi nhận thấy rằng, nội dung của kinh chứa đựng quá nhiều thuật ngữ, cũng như pháp số mà nhiều kinh khác có chỗ cũng nói đến. Có lẽ các nhà sớ giải Trung hoa đã nương vào kinh này, để giải thích thuật ngữ, pháp số nằm trong những hạnh môn của Bồ tát địa.

Tóm lại, tuy chỉ gồm trong 10 quyển nhưng đã bao gồm tất cả những giáo lý tối thượng Phật thừa, mà đức Thế Tôn của chúng ta đã thành tựu, và ngài vì hàng Bồ tát Vị lai mà nói ra.

Kinh này được tam tạng pháp sư Cầu Na Bạt Ma người Ấn độ. Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman), người Hoa dịch là Công Đức Khải, ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp năm Nguyên Gia thứ 8 đời vua Tống Văn Đế, từng dịch hơn một chục bộ kinh, luật được vua Tống rất khen ngợi cung kính.

Vì một nhân duyên nào đó, khiến tôi gặp kinh này và phát nguyện dịch ra Việt văn, để góp phần văn hóa Phật giáo nước nhà, và giúp thêm tư liệu cho chư vị tại gia xuất gia rộng đường duyệt lãm. Mặc dù cố gắng hết mình và sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng thánh ý cao viễn vô biên, tâm phàm không sao trắc lượng, chắc chắn không tránh khỏi mọi sự vụng về sai lạc, rất mong chư vị thiện tri thức cao minh chỉ bày cho những chỗ khuyết điểm, để khi có cơ hội ấn hành sau, được hoàn chỉnh hơn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tháng quý Thu, năm Ất Hợi 1995

Dịch giả kính ghi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 718)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82772)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5215)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7049)