Cuốn 69

17 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11730)

LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP IV
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu 
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ấn hành 1997
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1998

Cuốn 69

KINH: Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp có lòng tin có căn lành, muốn chép, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu, song người nghe pháp không có lòng tin, phá giới, làm việc ác, không muốn chép, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

Tu bồ đề, người nghe pháp có lòng tin, có căn lành, mà người thuyết pháp, không có lòng tin, phá giới, làm việc ác, hai bên không hòa hợp; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp, có thể bố thí tất cả, tâm không lẫn tiếc, song người nghe pháp tâm lẫn tiếc không thí xả; nên biết ấy là Ma sự. Tu bồ đề, người nghe pháp bố thí được tất cả, tâm không lẫn tiếc, còn người thuyết pháp lẫn pháp không bố thí, hai bên không hòa hợp, không được chép, thọ trì, cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người nghe pháp muốn cúng dường người thuyết pháp y phục, ẩm thực, đồ nằm, thuốc men, vật cần dùng nuôi sống, song người thuyết pháp không muốn thọ nhận; nên biết ấy là Ma sự. Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn cung cấp người nghe pháp y phục, cho đến vật cần dùng để nuôi sống, mà người nghe pháp không muốn thọ nhận, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp dễ ngộ, song người nghe pháp ám độn, nên biết ấy là Ma sự. Tu bồ đề, người nghe pháp dễ ngộ, mà người thuyết pháp ám độn, hai bên không hòa hợp, không được chép thành, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng được Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp biết nghĩa thứ lớp mười hai bộ kinh, đó là Tu đa la cho đến Ưu ba đề xá, song người nghe pháp không biết nghĩa thứ lớp mười hai bộ kinh, nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp biết nghĩa thứ lớp mười hai bộ kinh, mà người thuyết pháp không biết nghĩa thứ lớp mười hai bộ kinh; hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp thành tựu sáu ba la mật, song người nghe pháp không thành tựu sáu ba la mật, hai bên không hòa hợp, không được chép cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp có sáu ba la mật, mà người thuyết pháp không có sáu ba la mật, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp đối với sáu ba la mật, có sức phương tiện, song người nghe pháp đối với sáu ba la mật không có sức phương tiện, hai bên không hòa hợp, không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp đối với sáu ba la mật có sức phương tiện, mà người thuyết pháp đối với sáu ba la mật không có sức phương tiện, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp được Đà la ni, song người nghe pháp không có Đà la ni, hai bên không hòa hợp, không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp được Đà la ni, mà người thuyết pháp không có Đà la ni, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn khiến chép thọ trì, đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; song người nghe pháp không muốn chép, thọ trì, đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp muốn chép, đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, mà người thuyết pháp không muốn khiến chép Bát nhã ba la mật, cho đến không muốn khiến giảng thuyết, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp lìa tham dục, sân nhuế, ngủ nghỉ, giao động, hối hận, nghi ngờ, song người thuyết pháp thì tham dục, sân nhuế, ngủ nghỉ, giao động, hối hận, nghi ngờ; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp lìa tham dục, sân nhuế, ngủ nghỉ, giao động, hối hận, nghi ngờ, mà người thuyết pháp thì tham dục, sân nhuế, ngủ nghỉ, giao động, hối hận, nghi ngờ, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, trong khi chép cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy, hoặc có người đi đến nói việc khổ thống trong ba đường ác, và khuyên sao người không ở nơi thân này dứt khổ vào Niết bàn, dùng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ấy làm gì, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, trong khi chép, thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy, hoặc có người đi đến tán thán các cõi trời Tứ Thiên vương, trời Ba Mười Ba, trời Dạ ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm thiên cho đến trời Phi hữu tưởng Phi vô tưởng; tán thán Sơ thiền cho đến Phi hữu tưởng Phi vô tưởng định, nói rằng: Này thiện nam tử, dầu ở trong cõi Dục hưởng thọ khoái lạc năm dục, ở trong cõi Sắc hưởng thọ cái vui do thiền định phát sanh, ở trong cõi Vô sắc hưởng thọ cái vui tịch diệt, các việc ấy cũng vô thường, khổ, không, vô ngã, là tướng biến đổi, tướng diệt tận, tướng tan rã, tướng ly tán, tướng hoại diệt, sao người không do nơi thân này thủ chứng quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, đạo Bích chi Phật? Cần gì chịu đủ thứ khổ trong thế gian sanh tử để cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm gì? Hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp, sống một mình không hệ lụy, tự tại vô ngại, song người nghe pháp nuôi dưỡng nhiều người, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp sống một mình không hệ lụy, tự tại vô ngại, mà người thuyết pháp lại nuôi nhiều người, hai bên không hòa hợp, nên không chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp nói như vầy: Ngươi theo được ý ta, ta sẽ cho ngươi Bát nhã ba la mật khiến chép, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng, nếu không theo ý ta, thời ta không cho ngươi, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người nghe pháp muốn được theo như ý người thuyết pháp, mà người thuyết pháp không chịu, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn được tài vật lợi dưỡng, nên đưa cho kinh Bát nhã ba la mật bảo chép, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng, song người nghe pháp vì lý do ấy nên không muốn làm theo, hai bên không hòa hợp, nên không được chép cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp vì tài vật lợi dưỡng, nên muốn chép, đọc tụng, thuyết giảng Bát nhã ba la mật thâm sâu; còn người thuyết pháp vì lý do ấy nên không muốn thuyết cho, hai bên không hòa hợp, nên không đưọc chép thành, đọc tụng thuyết giảng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn đi đến chỗ nguy hiểm tánh mạng ở phương xa, song người nghe pháp không muốn đi theo, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp muốn đi đến chỗ nguy hiểm tánh mạng ở phương xa, màngười thuyết pháp không muốn đi, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp, muốn đi đến chỗ đói khát, gạo hiếm, nước không, ở phương xa, song người nghe pháp không muốn đi theo, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự. Hoặc người nghe pháp muốn đi đến chỗ đói khát, gạo hiếm, nước không, ở phương xa, còn người thuyết pháp không muốn đi, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn đi đến chỗ giàu vui ở phương xa, người nghe pháp muốn đi theo, người thuyết pháp nói: Này thiện nam tử, ngươi vì lợi dưỡng mà đi theo ta, ngươi hảy khéo tự suy nghĩ, hoặc được hoặc không được, đừng để hối hận về sau. Vì chút ít lý do đó hai bên không hòa hợp, người nghe pháp nghe nói như vậy tâm sanh chán, nghĩ rằng ấy là đối nghịch không muốn cho ta đi theo, bèn ngưng không đi; hai bên không hoà họp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn đi qua chỗ đồng trống, chỗ giặc đáng sợ, chỗ hạng Chiên đà la đáng sợ, chỗ thợ săn, thú dữ, rắn độc đáng sợ, người nghe pháp cũng muốn đi theo, người thuyết pháp nói: Này thiện nam tử, ngươi cần gì đi đếùn đó, trong đó có nhiều điều đáng sợ, giặc cho đến rắn độc đáng sợ, người nghe pháp nghe nói như vậy, biết người kia không muốn cho chép, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, tâm chán không muốn đi theo. Vì chút ít lý do đó, hai bên không hòa hợp; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp có nhiều Đàn việt, thường đến thăm hỏi, vì nhân duyên ấy, nói với người nghe pháp rằng: Ta có nhân duyên, ngươi nên đi nơi khác. Người nghe pháp biết ý kia bèn ngừng, hai bên không hòa hợp, nên không được chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

LUẬN: Hỏi: Có người chép, thọ trì, đọc tụng Bát nhã ba la mật, nhưng không tu hành được mà phạm giới, hoặc có việc như vậy, nếu không tin thì tại sao lại đi theo họ thọ pháp?

Đáp: người ấy không tin Bát nhã ba la mật nói về rốt ráo không, song vì cầu danh nên đọc tụng, giảng rộng, giống như đệ tử Phật không tin kinh sách ngoại đạo mà cũng giảng nói cho người khác.

* Lại nữa, không có tâm tin vui sâu xa về Bát nhãnên gọi là không tin, chứ chẳng phải hoàn toàn không tin.

Hỏi: Theo pháp thì đệ tử nên cúng dường thầy, cung phụng các điều có được, vì sao lại nói thầy không thể bố thí được.

Đáp: Đệ tử nghĩ rằng: Thầy có vật ít mà không thí xả đưỡc, huống gì xả thân, tuy tán thán việc bố thí, đó chỉ là hư dối, thế nên gọi là không hòa hợïp. Đệ tử muốn lấy bốn việc cúng dường thầy, và thầy ít muốn biết đủ nên không nhận, hoặc hổ thẹn giống như buôn bán pháp nên không nhận. Hoặc thầy biết nhiều hiểu nhiều không thiếu thứ gì, có thể cung cấp cho đệ tử song đệ tử lại tự nghĩ rằng: Người ta sẽ cho mình tham cơm áo của thầy nên đến thọ pháp, hoặc tự cho mình đức mỏng không tiêu hóa nổi vật của thầy cho. Tâm ấy tuy tốt, mà không thành Bát nhã, đó cũng là Ma sự.

Thầy độn căn, là thầy tụng kinh, chẳng phải thầy hiểu nghĩa; tụng mười hai bộ kinh, cũng là thầy tụng kinh.

* Lại nữa, vị thầy có sáu ba la mật nghĩ rằng: Đệ tử là người có tội, độn căn, không hành được sáu ba la mật, say đắm việc thế gian, chỉ có danh đệ tử, không có sự thật. Vị thầy ấy không biết rằng đệ tử sau khi nghe Bát nhã được việc lớn, chỉ vì hiện tiền không có sáu ba la mật, mà không chịu giáo hóa. Trái lại đệ tử cũng nghĩ rằng lý nghĩa sáu ba la mật, ta cũng tu hành được, còn thầy chỉ nói miệng không thể tu hành, mà không biết rằng thầy gặp nhân duyên chuyển đổi thân, sẽ thành đại sự; lại không biết rằng thầy có sự lợi ích về đọc tụng, vì thế nên hai bên không hòa hợp.

* Lại nữa, đệ tử tin tưởng đắm trước thiện pháp, còn thầy không đắm pháp, dùng phương tiện hành sáu ba la mật, đệ tử bảo vì thầy không có tâm ưa vui sâu xa sáu ba la mật, vì sao biết? Vì có khi thầy tán thán sáu ba la mật, có khi vì dứt tâm chấp trước của người mà phá tán thán sáu ba la mật. Trái lại, đệ tử có phương tiện (trí tuệ) cũng như vậy.

Hỏi: nếu đệ tử được Đà la ni, mà thầy không được Đà la ni, vì sao làm thầy?

Đáp: Đà la ni có nhiều thứ: Có đệ tử được văn trì Đà la ni (thứ thần chú nghe đâu nhớ đó - N.D) thọ trì đọc tụng, mà không hiểu nghĩa, vị thầy có thể giải thuyết cho. Hoặc đệ tử có được Đà la ni hiểu nghĩa thật tướng các pháp, mà không thể thứ lớp đọc tụng. Hoặc vị thầy đư?c Đà la ni văn trì, mà chưa có tâm đại bi, nên khinh thị đệ tử, không thể dạy đạo.

Hỏi: Đệ tử muốn thọ trì Bát nhã ba la mật, mà thầy không dạy cho, hoặc có việc như vậy, cớ sao thầy muốn dạy pháp cho mà đệ tử không nhận?

Đáp: Như trước đáp, vì đệ tử thấy thầy có lỗi, nên không muốn lãnh thọ pháp! Lại vị thầy muốn giáo hóa người trước mặt làm đệ tử, mà người ấy hoặc vì có tà kiến, các điều ác, nên không chịu thọ giáo.

* Lại nữa, sở hành của hết thảy chúng sanh nếu đồng nhau thời dễ hòa hợp, còn nếu một người lìa năm dục một người không lìa nên khinh nhau, khinh nhau nên không hòa hợp. Tất cả chúng sanh đều như vậy.

* Lại nữa, trong khi chép tụng, nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, một người quở trách ba ác đạo, một người tán thán chư thiên. Việc này như trước đã đáp, tuy không thể phá hoàn toàn thiện hạnh người kia, chỉ phá hoại Đại thừa của người kia mà trao pháp Tiểu thừa.

* Lại nữa, thầy ít muốn biết đủ, không ưa tụ tập đông người, còn đệ tử thì có đông người. Vị thầy nghĩ rằng: Đệ tử tuy tốt có thể độ được, mà nuôi đồ chúng nhiều. Trái lại thầy cứ đắm sâu vào thiện pháp, xa lìa đệ tử, đệ tử sống một mình cũng như vậy.

* Lại nữa, ý người thuyết pháp là nếu đệ tử tu hành theo ý ta, hoặc đi hoặc ở, tùy lúc hỏi han v.v... còn người nghe pháp chỉ muốn cầu cái lợi của giáo pháp, không thể hành xử việc chúng, thế là không hòa hợp. Hoặc có khi người nghe pháp theo ý tới lui hỏi han v.v... mà người thuyết pháp không cho, nghĩ rằng: Cần gì việc ấy, tổn công đức ta; ý người nghe pháp cho đó là khinh thị, không hoan hỷ với nhau được. Thế là không hòa hợp.

* Lại nữa, vị thầy vì lợi dưỡng nên muốn dạy pháp cho, tâm đệ tử thì không kính thầy, tại sao thầy lại muốn bán kinh pháp. Trái lại, đệ tử cũng như vậy, vì tài vật lợi dưỡng nên đọc tụng Bát nhã, chứ chẳng phải tâm thanh tịnh. Thầy biết tâm đệ tử như thế, thời khinh bạc không chịu dạy cho. Thế nên không hòa hợp.

* Lại nữa, vị thầy muốn đi đến phương xa, trải qua đường hiểm nạn, đệ tử vì tiếc thân mạng không đi theo, nghĩ rằng: Ta có thân vậy sau mới cầu pháp. Trái lại đệ tử muốn đi cũng như vậy, muốn đi đến chỗ đói khát, gạo hiếm, nước không, cũng như vậy.

* Lại nữa, vị thầy muốn đi đến chỗ giàu vui, đệ tử không muốn đi theo thầy, mà thầy hoặc hổ thẹn không muốn đem đi, hoặc đệ tử quen thói vui chơi không thể laàu7841?n lội đi xa, hoặc đường sá xa thẳm, hoặc thầy biết rõ nưóc kia, còn đệ tử không hiểu mà cho thầy khen tốt nước kia, chứ chưa chắc có thật như vậy, hoặc nghĩ rằng: Thầy ham ăn uống nên đi. Do các nhân duyên như vậy, thầy nói với đệ tử như người nghe nói những điều ở nước kia, không hẳn có đủ nhân duyên như vậy, hãy tự suy tính, nếu muốn đi thì đi đừng do tài vật giàu vui mà đi, khi đến nước kia không được vừa ý, chớ thán oán. Thầy lại nói người nghe nước kia giàu vui nên đi chứ không phải vì pháp, nên không cần theo ta. Thầy có lòng tốt ngăn đệ tử, mà không biết đó là nhân duyên phá hoại Bát nhã ba la mật, đệ tử nghe lời ấy, kính sợ thầy nên không đáp được, liền ngưng không đi, nên không hòa hợp.

Hoặc thầy muốn đi đến nước xa, trong đó có đủ thứ cọp beo, giặc, trộm, nói với đệ tử rằng: Chỗ kia có nhiều tai nạn, người không cần đi, đệ tử nghe rồi ngưng không đi, thầy chỉ biết ở kia có nạn sự nên ngăn đệ tử màkhông biết đó là nhân duyên phá hoại Bát nhã ba la mật.

Hỏi: Nếu ở nước xa có nhiều nạn, cớ sao thầy đi một mình?

Đáp: Có người trả lời, vì thầy sanh ra ở nước đó, đã chịu quen ở nước đó, có thể tự phòng hộ được. Có người nói: Ở nước kia có thầy giỏi, có kinh sách, nên không tiếc thân mạng rồi đi, thầy nghĩ rằng thân ta chết một mình thời có thể, chứ cớ sao làm oan uổng đệ tử, vì lẽ đó nên ngăn không để đệ tử đi.

Hoặc thầy có nhiều Đàn việt quen biết, tâm sanh vui đắm, còn đệ tử ít muốn biết đủ, không tham đắm Đàn việt; thầy thường tùy thời hỏi han Đàn việt, còn đệ tử chỉ muốn cầu pháp, không ưa việc ấy. Thầy biết ý, nói rằng: Ta có nhân duyên, không nói pháp cho ngươi được. Đệ tử nghe rồi không vui, thầy quí caí duyên thế tục, không qui pháp thế là không hòa hợp.

KINH: Lại nữa, Tu bồ đề, ác Ma hiện làm thân tướng Tỳ kheo đi đến, dùng phương tiện phá hoại Bát nhã ba la mật, không để cho được chép thành, giữ gìn, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng.

Tu bồ đề bạch Phật rằng : Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì ác ma hiện làm hình tướngTỳ kheo, dùng phương tiện phá hoại Bát-nhã ba-la-mật, không để cho được chéo thành, giữ gìn, cho đến nhớ nghĩ đúng? Phật dạy: Aùc Ma hiện làm thân tướng Tỳ kheo đi đến phá hoại tâm thiện nam tử thiện nữ nhân, làm cho xa lìa Bát nhã ba la mật, nói rằng: "Như kinh của ta nói tức Bát nhã ba la mật, còn kinh này chẳng phải Bát nhã ba la mật".

Tu bồ đề, trong đây khi các Tỳ jheo phá hoại, có vị Bồ tát chưa được thọ ký liền roi vào nghi hoặc, rơi vào nghi hoac nenân không chép kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu; không thọ, không trì cho đến không nhớ nghĩ thành Bát nhã ba la mật, cho đến nhớ nghĩ đúng. Nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, ác Ma hiện làm thân tướng Tỳ kheo đi đến chỗ Bồ tát nói rằng: Nếu Bồ tát tu hành Bát nhã nhã ba la mật thì thật tế chỉ chứng được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, được Bích chi Phật đạo. Vì không hòa hợp như thế không đưọc chép thành cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật thâm sâu; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đềà, trong khi nói Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy, có nhiều ma sự khởi lên, làm chướng nạn Bát nhã ba la mật, ấy là ma sự. Bồ tát ma ha tát hãy gíac tri, giác tri rồi xa lìa. Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, những gì là ma sự làm chướng nạn, Bồ tát nên phải giác tri, giác tri rồi xa lìa?

Phật dạy: Chính Bát nhã ba la mật tương tợ, là ma sự khởi lên, Thiền ba la mật tương tợ, Giới ba la mật tương tợ, Tấn ba la mật tương tợ, Nhẫn ba la mật tương tợ, Thí ba la mật tương tợ, là ma sự khởi lên, mà Bồ tát nên phải giác tri, giác tri rồi xa lìa.

* Lại nữa, Tu bồ đề, các kinh của hàng Thanh văn, Bích chi Phật, phải hành trì, Bồ tát ma ha tát nên biết đó là ma sự, mà xa lìa nó.

* Lại nữa, Tu bồ đề, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác, hành trì theo pháp này thì chứng được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, đạo Bích chi Phật. Các kinh như vậy, ác ma giả hiện làm hình tướng Tỳ kheo, khéo léo đem cho Bồ tát. Thế là không hoà hợp, không được chép thành Bát nhã ba la mật thâm sâu; cho đến nhớ nghĩ đúng, nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, ác ma giả hiện làm thân Phật, sắc vàng tỏa sáng một trượng, đi đến chỗ Bồ tát, Bồ tát ấy vì tham đắm, nên bị hao tổn trí Tát bà nhã. Thế là không hòa hợp, không được chép thành Bát nhã ba la mật, cho đến nhớ nghĩ đúng; nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, ác ma giả hiện làm thân Phật và Tỳ kheo Tăng, đi đến trước Bồ tát, Bồ tát ấy khởi tâm tham đắm, nghĩ rằng: Ta đời sau cũng sẽ làm Tỳ kheo Tăng, như vậy để thuyết pháp cho người; Bồ tát tham đắm thân ma nên bị hao tổn trí Tát bà nhã, không được chép thành Báøt nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng; nên biết ấy là Ma sự.

Lại nữa, Tu bồ đề, Ác ma hóa làm vô số trăm ngàn vạn ức Bồ tát tu hành Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật, rồi chỉ bày cho thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, thiện nam tử thiện nữa nhân ấy thấy rồi tham đắm nên bị hao tổn trí Tát bà nhã, không được chép thành Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng; nên biết ấy là ma sự, tại sao? Vì trong Bát nhã ba la mật thâm sâu, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; cho đến không có Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu bồ đề, Bát nhã ba la mật, nếu không có sắc, cho đến không có Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời trong ấy không có Phật, không có Thanh văn, không có Bích chi Phật, không có Bồ tát, tại sao. Vì hết thảy pháp tự tánh không vậy.

* Lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tử thiện nữ nhân, khi chép Bát nhã ba la mật thâm sâu, thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng, thường có nhiều chướng nạn nổi lên. Tu bồ đề! Thí như trong cõi Diêm phù đề, những thứ trân bảo, vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô v.v... thường gặp nhiều nạn giặc. Như vậy, Tu bồ đề, thiện nam tử thiện nữ nhân, trong khi chép Bát nhã ba la mật thâm sâu, cho đến nhớ nghĩ đúng, thường gặp nhiều giặc chướng nạn khởi lên.

tu bồ đề bạch Phật rằng: Như vậy, bạch đức Thế Tôn! Trong cõi Diêm phù đề các thứ trân bảo, vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô v.v... thường có nhiều giặc nhiều nạn. Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử thiện nữ nhân cũng như vậy, trong khi chép thành Bát nhã ba la mật thâm sâu cho đến nhớ nghĩ đúng, thường có nhiều giặc nhiều nạn khởi lên, có nhiều ma sự, tại sao? Ấy vì người ấy ngu si bị ma sai sử, trong khi thiện nam tử thiện nữ nhân chép Bát nhã ba la mật thâm sâu cho đến nhớ nghĩ đúng, nó phá hoại làm cho xa lìa.

Bạch đức Thế Tôn, người ngu si ấy rất ít trí tuệ, nên khi chép Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng, Ma đến phá hoại làm cho xa lìa. Người ngu si ấy tâm không ưa pháp lớn, cho nên không chép Bát nhã ba la mật, không thọ, không đọc, không tụng, không nhớ nghĩ đúng, không tu hành như nói, ma cũng phá hoại người khác, khiến cho không được chép thành Bát nhã ba la mật thâm sâu, cho đến tu hành như nói.

Phật dạy: Như vậy, như vậy, Tu bồ đề! Thiện nam tử thiện nữ nhân mới phát tâm Đại thừa, bị ma sai sử, không trồng căn lành, không cúng dường chư Phật, không theo thiện tri thức, nên không được chép thành Bát nhã ba la mật cho đến không nhớ nghĩ đúng, nên gây chướng nạn. Thiện nam tử thiện nữ nhân ấy, ít trí ít tuệ, tâm không ưa Đại thừa, thế nên không thể chép kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu, cho đến nhớ nghĩ đúng, vì Ma sự khởi lên.

Tu bồ đề, nếu thiện nam tử thiện nữ nhân khi chép được kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu, cho đến nhớ nghĩ đúng, thời ma sự không khởi lên, còn có thể đầy đủ Thiền ba la mật cho đến Thí ba la mật; có thể đầy đủ bốn niệm xứ cho đến trí nhất thiết chủng.

Tu bồ đề, nên biết nhờ Phật lực thiện nam tử thiện nữ nhân có thể chép kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu cho đến nhớ nghĩ đúng, cũng có thể đầy đủ Thiền ba la mật cho đến Thí ba la mật, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, đầy đủ bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, đầy đủ Phật lực cho đến trí nhất thiết chủng.

Tu bồ đề, vô lượng vô biên vô số chư Phật trong mười phương hiện tại, cũng hỗ trợ cho thiện nam tử thiện nữ nhân ấy, khiến chép được thành Bát nhã ba la mật thâm sâu; cho đến nhớ nghĩ đúng. Các Bồ tát ở địa vị bất thối trong mười phương, cũng ủng hộ phò trợ cho thiện nam tử thiện nữ nhân ấy, chép Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng.

LUẬN: Ma hiện làm hình tướng Sa môn, có oai đức long trọng, làm cho người ta nghe theo lời nó, thường cầm kinh quyển cùng với đông đủ chúng đệ tử, nói với các Tỳ kheo rằng: Bát nhã ba la mật, như trong kinh của ta nói mới chân thật Phật nói, còn Bát nhã ngươi nghe trước đó, không thật, chẳng phải Phật nói, chê bai trước, mỗi mỗi tự tán thán lời mình nói. Bồ tát độn căn tin thọ lời ấy sanh tàkiến; còn Bồ tát lợi căn nhưng chưa được thọ ký thời sanh nghi, vì sao? Vì nghĩ rốt ráo "không". vô tướng của Phật nói, trí tuệ khó hiểu, nên không hòa hợp. Có khi ma nói với Bồ tát rằng: "Bát nhã ba la mật, ba cửa giải thoát, nói rộng chỉ là "Không". Ông thường tập theo cái không đó, trong ấy chứng được, không chứng được. Làm sao làm Phật? Cách làm Phật là trước phải tu bố thí, trì giới v.v... tu phước đức về 32 tướng, đến khi ngồi đạo tràng, bấy giờ mới dùng "không". Nghe nói vậy, Bồ tát hoặc tin hoặc nghi, lìa bỏ Bát nhã ba la mật.

Hỏi: Vì sao sáu ba la mật tương tợ, gọi là ma sự?

Đáp: Như đã nói trong đoạn nói về Bát nhã ba la mật tương tợ.

* Lại nữa, đem tâm chấp trước mà tu hành Bát nhã ba la mật, ấy gọi là tương tợ. Trong kinh Thanh văn, Bích chi Phật, không có nói từ bi, không cầu Phật đạo, chỉ muốn tự độ, tuy là việc tốt, nhưng phá đạo Bồ tát, nên gọi là Ma sự.

Hỏi: Nếu Bồ tát thấy thân Phật, thời tín tâm thanh tịnh, tại sao gọi là ma sự?

Đáp: Tất cả phiền não chấp thủ tướng, đều là Ma sự. Tiểu Bồ tát chưa nên thấy Phật thân, ma hiện làm thân Phật rất dẹp, tâm Bồ tát nhiễm đắm, vì cái thân đẹp ấy nên gắng tu đạo, như người chưa lìa dục, thấy hình con gái trời, tâm nhiễm đắm sâu, không thể hưởng được sự dục lạc cõi trời, mê muội mà chết, thế nên Ma được mãn nguyện.

Bồ tát tuy được chút ít tịnh tâm, mà bỏ mất trí tuệ thật tướng, như người tay cầm ngọc báu nặng cân, có người đem chút ít vàng đối phỉnh, liền bỏ ngọc báu có giá trị lớn, mà nhận lấy vật hèn, ấy gọi là hao tổn. Ma hiện làm thân Phật, dẫn các Tỳ kheo chỉ cho thấy nhiều vị Bồ tát tu sáu ba la mật cũng như trên. Trong đây Phật nói lý do hết thảy sắc pháp v.v... tự tánh không.

* Lại nữa, chúng hội sanh nghi: "Bát nhã ba la mật là pháp vô thượng, có lợi ích nhiều, tại sao có người ganh ghét'? Vì thế Phật nói thí dụ: Như trong cõi Diêm phù đề vì có vàng bạc, nên có nhiều oán nhiều giặc xuất hiện chớ không vì ngói đá.

Bát nhã ba la mật là diệu bảo trong kho tàng Phật pháp, vi diệu, thậm thâm, kẻ độn căn giải đãi không thể hiểu được, thế nên hủy báng. Ma vì cho rằng Bát nhã ba la mật làm cho nhiều chúng sanh vào Niết bàn nên Ma làm giặc oán. Tu bồ đề, vui mừng được lãnh thọ lời Phật, thuật lại lời Ngài dạy về kẻ hủy báng phá hoại Bát nhã.

Bạch đức Thế Tôn, người cuồng si ấy, bị Ma sai sử, không được tự tại, vì thiếu trí nên không thể thông đạt ý Phật. Người ấy không có tâm lớn, không biết pháp vị trong sạch, chỉ biết ba tướng là tham vị, dâm dục, sân nhuế như súc sanh, làm chướng nạn đối với Bát nhã.

Phật ấn khả lời Tu bồ đề nói, nói với Tu bồ đề rằng: Nếu Bồ tát ma ha tát chép Bát nhã, cho đến nhớ nghĩ đúng, Ma sự chẳng khởi lên, nên biết đó là nhờ sự ủng hộ của Phật lực và chư Phật Bồ tát trong mười phương , mà có thể đầy đủ năm ba la mật cho đến trí nhất thiết chủng, và cũng là do Phật lực trong hiện tại ở mười phương, vì sao? Vì Ma là chúa tể cõi Dục, đầy đủ phước đức trí tuệ thế gian; Ma là căn bản sanh tử thế gian.

Chư thiên cõi Sắc, tuy có tà kiến mà thường vào thiền định, nên tâm nhu nhuyến, không thể có sự phá hoại gì; trong cõi Vô sắc thì vô hình và tâm vi tế, không thể làm gì; còn các trời dưới cõi Dục, không có thế lực nên không thể phá hoại như vậy.

Ma ở cõi Dục do nhân duyên của nghiệp lực đời trước và chỗ ở mà cướp lấy việc làm của người khác.

Chúa giặc gọi là Ma, ấy là tướng Ma vậy. (nghi là chữ Ma pháp, tức cách thức của ma) phá hoại việc tốt.

Bồ tát mới phát tâm, trí tuệ mỏng nên tiếc thân, nếu chư Phật, Bồ tát mười phưong không ủng hộ, tá trợ thì không thành được. Thế nên chư Phật, Bồ tát, chư thiên là những vị phá hoại Ma sự, mà Bồ tát ấy hoặc biết hoặc không biết, giống như giặc đi quanh thành, người lớn thủ hộ mà trẻ con không hay biết.

Lược nói Ma sự như vậy, nói rộng thời vô lượng vô biên. Nhưng ý Phật chỉ muốn khiến hành giả thành đại sự Bát nhã, thế cho nên thầy trò nên phải hòa hợp, không nên để ý vào các việc ác.

 

GIẢI THÍCH: PHẨM PHẬT MẪU THỨ 48. 

KINH: Phật bảo Tu bồ đề, thí như người mẹ có hoặc 5 con, 10 con, 20 con, 30 con, 40, con, 50 con, hoặc trăm hoặc ngàn con, khi mẹ mắc bệnh, các người con siêng năng tìm cầu cứu chữa, nghĩ rằng: Chúng ta làm sao làm cho mẹ được an, không có việc hoạn nạn đau khổ, không vui, gió, rét, lạnh, nóng, muỗi nhặng, rắn rết xâm phạm thân mẹ là điều lo lắng của chúng ta. Các người con thường tìm đồ vui thích, cúng dường mẹ nó, vì sao? Vì mẹ sanh nuôi chúng ta, chỉ bày cho chúng ta các sự nghiệp thế gian.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật thường lấy Phật nhãn quán sát hộ niệm Bát nhã ba la mật thâm sâu, vì sao? Vì Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy, hay chỉ bày thật tướng thế gian; mười phương hiện tại chư Phật cũng lấy Phật nhãn xem thấy Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy, vì sao. Vì Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy hay sanh ra chư Phật, hay cho chư Phật nhất thiết trí, hay chỉ bày thật tướng thế gian. Vì thế nên chư Phật thường lấy Phật nhãn xem Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy.

Lại vì Bát nhã ba la mật hay sanh ra Thiền ba la mật, cho đếnThí ba la mật; hay sanh nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; hay sanh bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, hay sanh mười lực cho đến trí nhất thiết chủng của Phật; Bát nhã ba la mật hay sanh Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật, chư Phật.

Tu bồ đề, chư Phật đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nay được, sẽ được, đều do nhân duyên Bát nhã ba la mật thâm sâu nên được.

Tu bồ đề, nếu, thiện nam tử thiện nữ nhân cầu Phật đạo, mà chép kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu, cho đến nhớ nghĩ đúng, chư Phật thường lấy Phật nhãn xem thấy người ấy.

Tu bồ đề, thiện nam tử thiện nữ nhân cầu Bồ tát đạo, được mười phương Phật thường thủ hộ, làm cho không thối thất Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Như Thế Tôn nói Bát nhã ba la mật hay sanh ra chư Phật, hay chỉ bày tướng thế gian. Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật làm sao hay sanh chư Phật, hay chỉ bày thật tướng thế gian? làm sao chư Phật từ Bát nhã ba la mật sanh ra? Làm sao chư Phật nói tướng thế gian?

Phật bảo Tu bồ đề: Từ trong Bát nhã ba la mật ấy sanh ra mười lực cho đến mười tám pháp không chung, trí nhất thiết chủng của chư Phật.

Tu bồ đề, do được các công đức ấy nên gọi là Phật, Bát nhã ba la mật thâm sâu hay sanh chư Phật; chư Phật nói năm uẩn là tướng thế gian.

Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, trong Bát nhã ba la mật thâm sâu nói tướng năm uẩn thế nào? Trong Bát nhã ba la mật thâm sâu chỉ bày năm uẩn thế nào?

Tu bồ đề, trong Bát nhã ba la mật không nói, không chỉ bày năm uẩn có phá, có hoại, có sanh có diệt, có nhơ có sạch, có tăng có giảm, có vào có ra, không chỉ bày qúa khứ, vị lai, hiện tại, vì sao? Vì tướng "không" không có phá không có hoại, tướng "vô tướng" không có phá không có hoại, tướng "vô tác" không có phá không có hoại. Chỉ bày như vậy. Pháp không khởi, pháp không sanh, pháp không có gì của chính nó, pháp tánh, không có tướng phá, không có tướng hoại. Chỉ bày như vậy.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật nói trong Bát nhã ba la mật thâm sâu chỉ bày thật tướng thế gian.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Chư Phật nhân nói Bát nhã ba la mật thâm sâu mà biết rõ tâm sở hành của vô lượng vô biên vô số chúng sanh.

Tu bồ đề! Trong Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy không có chúng sanh, không có danh tự chúng sanh, không sắc không có danh tự sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có danh tự thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt cho đến không có ý, không có cái biết của mắt cho đến cái biết của ý; không có cái xúc chạm của mắt cho đến cái xúc chạm của ý; cho đến không có trí nhất thiết chủng, không có danh tự trí nhất thiết chủng. Như vậy, Tu bồ đề, là Bát nhã ba la mật thâm sâu chỉ bày thật tướng thế gian.

Tu bồ đề, Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy không chỉ bày sắc, không chỉ bày thọ, tưởng, hành, thức; cho đến không chỉ bày trí nhất thiết chủng, vì sao? Tu bồ đề, vì trong Bát nhã ba la mật thâm sâu còn không có Bát nhã ba la mật huống gì có sắc cho đến trí nhất thiết chủng.

* Lại nữa, Tu bồ đề, sở dĩ có danh tự số lượng chúng sanh, hoặc có sắc,hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không có tưởng. Hoặc ở thế giới này, hoặc khắp thế giới mười phương, các chúng sanh trong đó hoặc nhiếp tâm, hoặc loạn tâm, chư Phật đều biết đúng như thật nhiếp tâm, loạn tâm ấy.

Tu bồ đề, làm sao Phật biết tướng nhiếp tâm loạn tâm của chúng sanh? Do pháp tướng nên biết.

Dùng pháp tướng gì nên biết?

Tu bồ đề, trong pháp tướng ấy còn không có tướng pháp tướng, huống gì có nhiếp tâm loạn tâm. Tu bồ đề, do pháp tướng ấy, nên Phật biềt chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, làm sao biết? Vì tướng tận nên biết, vì tướng không nhiễm ô nên biết, vì tướng tịch diệt nên biết, vì tướng đoạn trừ nên biết, vì tướng tịch tịnh nên biết, vì tướng xa lìa nên biết.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật nhân nơi Bát nhã ba la mật thâm sâu nên biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật nhân nơi Bát nhã ba la mật nên chúng sanh tâm ô nhiễm, như thật biết tâm ô nhiễm; tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận; tâm ngu si.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật biết chúng sanh tâm ô nhiễm, như thật biết tâm ô nhiễm? Tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận, tâm ngu si?

Phật bảo Tu bồ đề: Tướng như thật của tâm ô nhiễm thời không có tướng tâm ô nhiễm, vì sao? Vì trong tướng như thật, tâm và tâm số pháp (Tâm sở) không thể có được, huống gì có được tâm ô nhiễm, tâm không ô nhiễm!

Tu bồ đề, tướng như thật của tâm sân hận, tâm ngu si, thời không có tướng sân hận, tướng ngu si, vì sao? Vì trong tướng như thật, tâm và tâm số pháp còn không thể có được huống gì có được tâm sân hận tâm không sân hận, tâm ngu si tâm không ngu si.

Như vậy, Tu bồ đề! Phật do Bát nhã Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh tâm ô nhiễm, như thật biết tâm ô nhiễm; tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận tâm ngu si.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm; tâm không sân hận, tâm không ngu si, như thật biết tâm không sân hận không ngu si.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm; tâm không sân hận, như thật biết tâm không sân hận; tâm không ngu si, như thật biết tâm không ngu si?

Phật bảo Tu bồ đề: Trong tướng tâm không ô nhiễm ấy, tướng nhiễm ô tướng không ô nhiễm không thể có được, vì sao? Tu bồ đề! Vì hai tâm không cùng có một lần.

Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm.

Tu bồ đề, trong tướng tâm không sân hận, tâm không ngu si ấy, tâm ngu si, tâm không ngu si không thể có được, vì sao? Vì sao hai tâm không cùng có một lần.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh tâm rộng lớn, như thật biết tâm rộng lớn.

* Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do nơi Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh ấy có tâm rộng lớn, như thật biết tâm rộng lớn?

Này Tu bồ đề, Phật biết tâm tướng của chúng sanh không rộng không hẹp, không tăng không giảm, không đến không đi; vì tâm tướng lìa, nên tâm ấy không rộng cho đến không đến không đi, vì sao? Vì tâm ấy không có tự tánh, vậy cái gì rộng cái gì hẹp, cho đến không đến không đi cũng như vậy.

Tu bồ đề, Phật do nơi Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh có tâm rộng, như thật biết tâm rộng.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh có tâm lớn, như thật biết tâm lớn.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh ấy có tâm lớn, như thật biết tâm lớn?

Phật bảo Tu bồ đề: Phật do Bát nhã ba la mật, không thấy tâm chúng sanh có tướng đến tướng đi, không thấy tâm chúng sanh có tướng sanh, tướng diệt, tướng trụ, tướng khác, vì sao? Vì các tâm ấy không có tự tánh; vậy cái gì đến, cái gì đi, cái gì sanh, diệt, trụ, dị?

Như vậy, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật nên chúng sanh ấy có tâm lớn, như thật biết tâm lớn.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng?

Phật bảo Tu bồ đề: Phật do Bát nhã ba la mật nên biết tâm chúng sanh ấy, chẳng thấy trụ, chẳng thấy không trụ, vì sao? Vì tướng tâm vô lượng ấy, không có nơi nương dựa, vậy cái gì có chỗ trụ không trụ.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do bát nhã ba la mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy?

Phật bảo Tu bồ đề: Tâm chúng sanh là vô tướng, Phật như thật biết vô tướng, vì tự tướng "không" vậy.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật biết năm mắt không thể thấy tâm chúng sanh.

Như vậy, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy.

LUẬN: Ở trên nói mười phương chư Phật và đại Bồ tát ủng hộ người viết chép đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, không để Ma tìm được thuận tiện. Thính giả ở trong hội chúng nghe việc ấy, suy nghĩ rằng: Chư Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tướng tịch diệt, đối với các pháp và chúng sanh không có yêu ghét, vậy cớ sao ủng hộ người viết chép, giữ gìn cho đến nhớ nghĩ đúng? Vì thế nên Phật bảo Tu bồ đề,để nói thí dụ như đứa con vì biết ân thủ hộ mẹ nó. Bát nhã là mẹ của mười phương chư Phật, nếu có ma v.v... chướng nạn, muốn phá hoại Bát nhã ba la mật, chư Phật tuy hành tướng tịch diệt, nhưng vì thương xót chúng sanh, vì biết ân, nên đem tâm từ bi thường niệm, dùng Phật nhãn thường thấy, mà thủ hộ người tu hành Bát nhã, khiến được tăng ích, không mất Phật đạo. Trong đây Phật nói nhân duyên: Các hiền thánh và pháp của hiền thánh đều từ trong Bát nhã sanh ra.

Hỏi: Tu bồ đề hỏi bốn việc, cớ sao Phật đáp thẳng ba việc, mà không nói chư Phật từ trong Bát nhã sanh ra?

Đáp: Bát nhã sanh ra chư Phật, chư Phật từ Bát nhã sanh, nghĩ a không khác.

Có người nói các pháp hòa hợp sanh ra Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật sanh ra chư Phật. Có người tu hành Bát nhã ba la mật và các hạnh khác mà được thành Phật. 1. Nói về tác giả, 2. nói về pháp. Hoặc nói cành gãy làm chết người, hoặc nói cây gãy làm chết người, hai việc ấy giống nhau, cho nên không đáp riêng. Hoặc Bát nhã ba la mật sanh ra chư Phật, tức là nói chư Phật từ Bát nhã sanh.

Hỏi: Như các kinh khác nói vì năm uẩn bị phá hoại nên gọi là thế gian, sao trong đây nói Bát nhã ba la mật giải bày năm uẩn, không có tướng phá hoại sanh diệt?

Đáp: Kia là việc Tiểu thừa, đây là pháp Đại thừa. Trong pháp Tiểu thừa phần nhiều nói vô thường, trong pháp Đại thừa phần nhiều nói pháp không. Trong pháp Tiểu thừa trước nói vô thường, sau nói pháp không, trong pháp Đại thừa mở đầu liền nói pháp không. Trong pháp Tiểu thừa nói vô thường làm chúng sanh sợ hãi, Đại thừa thời không như vậy, thế nên không có phá hoại, sanh diệt. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Không, vô tướng, vô tác, trọn không phá hoại. Trong Bát nhã ba la mật chỉ bày tướng thế gian như vậy.

* Lại nữa, năm uẩn gọi là chúng sanh thế gian, có hình sắc dễ biết, còn tâm và tâm số pháp vô hình khó biết, thế nên Phật nói với Tu bồ đề, tâm sở hành của vô lượng vô số chúng sanh Phật đều biết. Trong Bát nhã tuy không có chúng sanh và các pháp sắc cho đến trí nhất thiết chủng, song do lực phương tiện Bát nhã mà biết được tâm sở hành của chúng sanh, vì trong Bát nhã ba la mật rốt ráo không, nên không chỉ bày sắc pháp cho đến trí nhất thiết chủng. Trong đây Phật nói nhân duyên: trong Bát nhã ba la mật còn không có tướng Bát nhã, huống gì có sắc pháp v.v...

* Lại nữa, Bát nhã ba la mật chỉ bày tướng thế gian là tất cả chúng sanh hoặc sắc hoặc vô sắc. Sắc là chúng sanh ở cõi Dục cõi Sắc; Vô sắc là chúng sanh ở cõi Vô sắc, Hữu tưởng là trừ cõi trời Vô tưởng và cõi trời Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng, ngoài ra là hữu tưởng; vô tưởng là chúng sanh ở cõi trời vô tưởng; Phi hữu tưởng phi vô tưởng là chúng sanh ở cõi trời hữu đảnh.

Thế giới ở đây là thế giới ba ngàn đại thiên. Khắp cả mười phương là các vô lượng vô biên thế giới khác. Chúng sanh ba đời trong sáu đường tại các thế giới ấy nhiếp tâm hay loạn tâm, Phật đều biết rõ.

Tu bồ đề hỏi xong, tâm nghi ngờ quái lạ: Chư Phật thường ưa hành pháp "không" tịch tịnh, sao nay biết khắp vô thỉ vô biên chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm? tâm Phật chỉ có một làm sao trong một lúc biết hết vô lượng tâm chúng sanh? Vì vậy nên hỏi Phật vì sao biết? Phật đáp: Do trí tuệ biết thật tướng các pháp nên biết chúng sanh nhiếp tâm, loạn tâm.

Tu bồ đề hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp? Đáp: Đó là rốt ráo không. Rốt ráo không ấy, tánh rốt ráo không thể có được, huống gì nhiếp tâm loạn tâm.

Hỏi: Trong thật tướng các pháp rốt ráo không, không có phân biệt tâm và tâm số pháp, làm sao Phật biết được tâm ấy?

Đáp: Trong đây Phật tự nói: Tánh các pháp thật tướng cũng không thể có được, lấy trí tuệ ấy biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, vì sao? Vì nếu "tánh không' có thể có được, nên mới có nạn vấn, còn "tánh không" không thể có được làm sao nạn vấn, nay Phật đã vượt qua hết thảy pháp do ức tưởng phân biệt hư vọng, an trú nơi thật tướng, nên như thật biết tâm hết thảy chúng sanh, còn tâm chúng sanh vì trú trong pháp hư vọng, nên không thể như thật biết các chúng sanh khác. Trước lược nói biết tâm kẻ khác, sau phân biệt chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, gọi là tâm có ba độc, tâm không có ba độc, tâm rộng lớn vô lượng, không thể thấy ra vào co duỗi v.v...

Tu bồ đề hỏi từng việc, ban đầu đáp do thật tướng các pháp nên biết nhiếp tâm loạn tâm, kế đáp do tận, do không có ô nhiễm, do tịch diệt, đoạn tịch tịnh, ly tướng nên biết.

Tận là tuệ quán vô thường. Bồ tát tu hành tuệ tâm quán vô thưòng ấy, lìa bỏ ô nhiễm của thế gian; dùng thế gian đạo ngăn dứt kiết sử, nên gọi là Diệt; Dùng vô lậu đạo để dứt, nên gọi là Đoạn; đoạn các kiết sử xong, quán Niết bàn tịch tịnh, lìa tướng. Do nhân duyên ấy được thật tướng các pháp; do thật tướng các pháp, biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, đều là thật tướng.

* Lại nữa, tâm ấy niệm niệm sanh diệt, ở đời vị lai không có nên không thể biết, hiện tại niệm niệm diệt, không có lúc ngừng, nên không thể biết,người phàm phu thủ lấy tướng mà phân biệt, đối với ba đời, ức tưởng vọng thấy, cho là biết đưọc tâm niệm.

Quán theo tận môn tức là rốt ráo không, rốt ráo không nên không đắm trước gì, khi ấy đắc đạo. Biết thật tướng các pháp, đối với các pháp không vọng tưởng phân biệt, thời như thật biết tâm người khác.

Tâm nhiễm ô là hết thảy pháp vào trong pháp tánh đều là thanh tịnh, thế nên nói trong thật tướng của tâm ô nhiễm không có tâm ô nhiễm, vì sao? Vì trong tánh như thật không có tâm, không có tâm số pháp huống gì có tâm ô nhiễm. Tâm sân hận, tâm ngu si cũng như vậy. Trong tướng tâm không có ô nhiễm, trong ấy không có tướng trạng tâm ô nhiễm. Tâm ô nhiễm từ xưa nay không có, nên cũng không có tâm chẳng ô nhiễm, tâm không ô nhiễm là tướng tịch diệt, không có phân biệt gì.

Trong đây Phật tự nói nhân duyên, Tu bồ đề, vì hai tâm không cùng có, theo pháp của chúng sanh, thời tâm tâm thứ lớp sanh, khi tâm không ô nhiễm thời tâm không ô nhiễm, vì sao? Vì tâm ô nhiễm quá khứ đã diệt, vị lai chưa có, hiện tại không có, thời không có tâm ô nhiễm. Tâm ô nhiễm không có nên cũng không có tâm chẳng ô nhiễm, vì pháp đối đãi không có. Thế nên trong thật tướng không ô nhiễm, không có tâm ô nhiễm, tâm chẳng ô nhiễm; không có tâm sân hận, không có tâm ngu si cũng như vậy. Tâm rộng hẹp thêm bớt đều là vì chúng sanh thủ tướng phân biệt. Phật không biết như vậy, vì sao? Vì tâm ấy không sắc không hình, không có trú xứ, niệm niệm diệt, thời không có rộng hẹp thêm bớt sai khác.

Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Tánh và tướng của tâm không có, nên rộng hẹp v.v... không thể có được. Nghĩa của rộng, hẹp, thêm, bớt, lớn, nhỏ là như trong đoạn bốn tâm vô lượng đã nói.

Tâm vô lượng là tâm rộng tâm lớn tức là vô lượng. Lại duyên vô lượng chúng sanh nên gọi là vô lượng. Lại duyên pháp Niết bàn vô lượng nên gọi là vô lượng. Lại tâm tướng không thể chấp thủ, nên gọi là vô lượng. Như có mắt có sắc làm nhân duyên nên nhãn thức sanh, thức ấy không ở mắt, không ở sắc, không ở chặng giữa, không ở đây không ở kia, thế nên không có trú xứ. Nếu thật không có trú xứ thời làm sao có thể tạo tác gì, hoặc tốt hoặc xấu, như việc thấy trong mộng, không thể tìm tướng chắc thật nhất định của nó. Tâm cũng như vậy, không có chỗ nương tựa, nên không có tướng nhất định, nên gọi là vô lượng. Rộng và lớn cũng theo nghĩa mà phân biệt như vậy.

Hỏi: Nếu biết tâm không thể thấy, sao Phật nói như thật, biết tâm không thể thấy?

Đáp: Có người tọa thiền, ức tưởng phân biệt, thấy tâm ấy như sợi dây xâu trong hạt ngọc trong sạch, quán sát trong người với bộ xương trắng, thấy tâm thứ lớp nối nhau sanh, có khi thấy tâm ở nơi thân, có khi thấy tâm ở nơi cảnh, như ở vô biên thức xứ, chỉ thấy thức vô lượng vô biên, để phá các chỗ hư vọng như vậy, nên Phật nói như thật biết tâm chúng sanh, tâm chúng sanh tự tướng không, nên nó là tướng vô tướng.

* Lại nữa, Phật lấy năm mắt quán sát thấy tâm ấy không thể có được. Mắt thịt, mắt trời duyên sắc nên không thấy. Mắt tuệ duyên Niết bàn nên không thấy. Mắt pháp của kẻ sơ học, phân biệt biết các pháp lành chẳng lành, có phiền não không phiền não; mắt pháp ấy vào trong thật tướng thời không phân biệt, như trước nói, hết thảy pháp không có kẻ biết, không có kẻ thấy, thế nên không thể thấy. Mắt Phật quán sát tướng tịch diệt nên không thể thấy. Phật thấy tâm chúng sanh là như thật thấy, chứ không như người phàm phu ức tưởng phân biệt thấy.

* Lại nữa, năm mắt do nhân duyên hòa hợp sanh, đều là pháp bị tạo tác, hư dối không thật. Phật không tin không dùng, thế nên không dùng năm mắt thấy.

(Hết cuốn 69 theo bản hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn