Cuốn 98

17 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 7106)

LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP V
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu 
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 2001

Cuốn 98

KINH: Khi ấy mười phương chư Phật an ủi Tát-đà-ba-luân rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Chúng ta xưa khi hành đạo Bồ-tát, cầu Bát-nhã Bát-nhã ba-la-mật, được các tam-muội ấy cũng như nay ông được. Chúng ta được các tam-muội ấy, khéo vào Bát-nhã ba-la-mật, thành tựu sức phương tiện, an trú địa vị không thoái chuyển. Chúng ta quán tính các tam-muội ấy không thấy có pháp ra tam-muội, vào tam-muội cũng không thấy người hành Phật đạo, cũng không thấy người được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này thiện nam tử, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật; nghĩa là không nghĩ rằng có các pháp ấy. 

Này thiện nam tử, chúng ta an trú nơi pháp vô niệm được thân kim sắc, hào quang một trượng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình và trí tuệ không thể nghĩ nghì, được giới vô thượng, tam-muội vô thượng, trí tuệ vô thượng, hết thảy công đức đều đầy đủ. Vì công đức đều đầy đủ nên Phật còn không thể thủ tướng nói hết, huống nữa là hàng Thanh văn, Bích-chi Phật và những người khác. Vì thế, nên thiện nam tử, đối với Phật pháp nên cung kính ái niệm, sinh tâm thanh tịnh gấp bội; đối với thiện tri thức nên sinh tưởng như Phật, vì sao? Vì nhờ thiện tri thức thủ hộ nên Bồ-tát mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân bạch mười phương Phật rằng: Thế nào là thiện tri thức của con, người con nên gần gũi cúng dường? 

Mười phương Phật bảo với Tát-đà-ba-luân rằng: Này ông, thiện nam tử, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đời đời giáo hóa thành tựu cho ông Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt thủ hộ ông, dạy ông Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện; ấy là thiện tri thức của ông. Ông cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt hoặc một kiếp, hoặc hai, ba, cho đến quá trăm kiếp, đầu đội, cung kính, đem hết thảy nhạc cụ, sắc, tiếng, hương, vị, xúc thượng diệu của trong thế giới ba ngàn để cúng dường còn chưa thể báo ân trong giây lát, vì sao? Vì nhờ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên làm cho ông được các tam-muội như vậy, được Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện. 

Chư Phật giáo hóa an ủi Tát-đà-ba-luân như vậy, làm cho hoan hỷ xong bỗng nhiên không hiện. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân từ tam-muội dậy không còn thấy Phật, nghĩ rằng: Chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu?. Vì không thấy Phật nên lại rầu rỉ không vui, suy nghĩ: Ai sẽ dứt nghi cho ta? Lại nghĩ rằng: Bồ-tát Đàm-vô-kiệt lâu xa lại đây thường hành Bát-nhã ba-la-mật. được sức phương tiện và được các định, được tự tại đối với pháp Bồ-tát, đã nhiều lần cúng dường chư Phật quá khứ, đời đời làm thầy ta, thường làm lợi ích cho ta, ta sẽ gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và hỏi Phật từ đâu đến và đi đến đâu? 

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân đối với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sinh tâm cung kính, ưa thích, tôn trọng, nghĩ rằng: Ta sẽ đem gì cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt? Ta nay nghèo cùng; hoa hương, anh lạc, hương bột, hương xoa, y phục, phan lọng, vàng bạc chơn châu, lưu ly, pha lê, mã não, xan hô, hổ phách, không có các vật như vậy có thể đem cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Theo phép ta không nên đi không đến chỗ Đàm-vô-kiệt. Nếu ta không có gì mà đi đến thời tâm không vui vẻ. Ta sẽ bán thân lấy của, vì Bát-nhã ba-la-mật mà cúng dường pháp sư Đàm-vô-kiệt, vì sao? Vì ta đời đời đã mất vô số thân, ở trong vô thỉ sinh tử hoặc chết hoặc bán, hoặc vì dục lạc nên phải đời đời ở trong địa ngục chịu vô lượng khổ não, chưa từng vì pháp thanh tịnh vì để cúng dường thuyết pháp sư nên bán thân. 

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân giữa đường đi vào một thành lớn, đi đến chợ cất tiếng to rằng: Ai muốn cần người, ai muốn mua người? 

Lúc ấy ác ma nghĩ rằng: Tát-đà-ba-luân này do mến pháp mà muốn tự bán thân, vì Bát-nhã ba-la-mật nên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt; sẽ được hỏi ngay Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện: Làm so Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác và sẽ được đa văn đầy đủ, như nước biển lớn, lúc đó không thể làm ngăn trở, phá hoại, được đầy đủ hết thảy công đức, làm lợi ích cho các Bồ-tát, vì Vô thượng chánh đẳng chánh giác nên vượt qua cảnh giới ma của ta, cũng dạy người khác ra khỏi cảnh giới ma của ta, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ta nay sẽ phá hoại việc ấy. 

Bấy giờ ác ma làm che lấp tâm các Bà-la-môn, cư sĩ để không nghe tiếng rao tự bán mình ấy, trừ một người con gái của trưởng giả, ma không thể ngăn che được, vì nhân duyên đời trước của nó. Lúc ấy Tát-đà-ba-luân bán thân không ai mua nên ưu sầu khóc lóc, đứng ở một bên, khóc rằng: Ta tự bán thân là vì Bát-nhã ba-la-mật nên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, mà vì ta tội lớn nên bán thân không có người mua. 

Lúc ấy trời Đế-thích nghĩ rằng: Tát-đà-ba-luân mến pháp nên tự bán thân mình, vì Bát-nhã ba-la-mật nên muốn cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, ta sẽ thử xem để biết thiện nam tử ấy thực sự do tâm mến pháp nên xả bỏ thân chăng? Bấy giờ trời Đế-thích hóa làm người Bà-la-môn đi gần bên Tát-đà-ba-luân hỏi rằng: Này anh, thiện nam tử, vì cớ gì mà khóc lóc, nhan sắc tiều tụy, đứng ở một bên. Đáp rằng: Này Bà-la-môn, tôi kính yêu pháp nên tự bán thân, vì Bát-nhã ba-la-mật, nên muốn cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Nay tôi bán thân mà không có người mua, nên tôi tự nghĩ, do mình phước mỏng nên muốn bán thân để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà không có người mua. 

Khi ấy Bà-la-môn nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Này thiện nam tử, ta không cần người, ta muốn tế trời nên chỉ cần tim người, máu người, tủy người, ông có thể bán cho ta chăng? Bấy giờ Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: Ta được lợi lớn, ta được lợi lớn bậc nhất. Ta nay vì đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, được bán tim, máu và tủy. Khi ấy tâm rất hoan hỷ, vui vẻ, không lo âu, đem tâm nhu hòa nói với Bà-la-môn rằng: Điều ông cần dùng tôi đều chấp thuận. Bà-la-môn nói: Ông cần giá bao nhiêu? Đáp: Tùy ý ông trả. 

Tức thời Tát-đà-ba-luân tay phải cầm dao bén chặt cánh tay trái chảy máu, cắt thịt bắp vế phải, lại muốn phá xương lấy tủy. Khi ấy có một người con gái của vị trưởng giả ở trên gác cao trông thấy Tát-đà-ba-luân tự cắt thân thể, không tiếc mạng sống, nghĩ rằng: Thiện nam tử ấy vì nhân duyên gì mà làm khốn khổ thân mình như vậy, ta thử đến hỏi xem. Người con gái của vị trưởng giả liền xuống lầu, đi đến chỗ Tát-đà-ba-luân, hỏi rằng: Anh vì nhân duyên gì làm khốn khổ thân như vậy? Anh lấy tim, máu, tủy ấy để làm gì? Tát-đà-ba-luân đáp: Bán cho Bà-la-môn. Vì cầu Bát-nhã ba-la-mật nên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. 

Người con gái của vị trưởng giả nói: Này thiện nam tử, vì việc bán thân ấy mà muốn tự đem tim, máu, tủy của mình ra để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, thời được công đức, lợi lạc gì? Tát-đà-ba-luân nói: Này thiện nữ nhân, vì Bồ-tát Đàm-vô-kiệt khéo học Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, sẽ nói cho tôi việc nên làm của Bồ-tát, việc hành đạo của Bồ-tát. Tôi học pháp ấy, học đạo ấy, khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác thời vì chúng sinh làm chỗ nương tựa, sẽ được thân kim sắc có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, hào quang một trượng sáng vô lượng, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, bốn điều không sợ, mười lực của Phật, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, sáu thần thông và giới thanh tịnh, thiền tịnh, trí tuệ không thể nghĩ nghì, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, được thấy biết không ngại đối với các pháp, đem pháp bảo vô thượng mà phân bố cho hết thảy chúng sinh. Có công đức lợi ích như vậy, tôi sẽ theo nơi Bồ-tát ấy mà được. 

Khi ấy người con gái trưởng giả nghe Phật pháp thượng diệu thời tâm rất vui mừng, kinh hãi, dựng đứng lông tóc, tán thán Tát-đà-ba-luân rằng: Thưa thiện nam tử, thật hiếm có! Những điều ông nói vi diệu, khó gặp, vì mỗi mỗi pháp ấy nên xả bỏ thân mạng như số cát sông Hằng, vì sao? Vì như lời ông nói thật vi diệu. Thưa thiện nam tử, nay ông cần gì, tôi sẽ cho hết: Nào là vàng bạc, chơn châu, lưu ly, pha lê, san hô, hổ phách, các vật trân báu và hoa hương, anh lạc, hương xoa, hương đốt, phan lọng, y phục, kỹ nhạc, các đồ cúng dường để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Thưa thiện nam tử, chớ tự làm khốn khổ thân mình nữa, tôi cũng muốn đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, cùng với ông gieo trồng căn lành vì được pháp vi diệu như vậy, như lời ông nói. 

Bấy giờ trời Đế-thích liền biến trở lại thân cũ mà tán thán Tát-đà-ba-luân rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Ông kiên trì chấp nhận việc ấy mà tâm không lay động. Chư Phật quá khứ khi hành đạo Bồ-tát cũng cầu Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện như vậy mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tôi thật không cần dùng tim người, máu tủy người, mà chỉ đến thử cho biết thôi. Ông ước nguyện điều gì tôi sẽ cho hết. Tát-đà-ba-luân đáp: Hãy cho tôi Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trời Đế-thích nói: Việc ấy chẳng phải sức tôi làm được, đó là cảnh giới của chư Phật, nếu cần cúng dường hãy yêu cầu việc khác. Tát-đà-ba-luân nói: Ông nếu đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác không có sức thời ông chắc thấy sự cúng dường của tôi, nên hãy làm cho thân tôi bình phục như cũ. Thân Tát-đà-ba-luân liền bình phục, không có thương tích, như cũ không khác. Trời Đế-thích giúp cho ước nguyện xong bỗng nhiên không hiện. 

Bấy giờ người con gái của vị trưởng giả nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Thưa thiện nam tử, hãy đến nhà tôi, có cần dùng gì, tôi xin cha mẹ tôi, đều cho hết. Tôi cũng sẽ từ giã cha mẹ tôi và cùng những người hầu hạ đi với ông, đến cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để cầu đạo. Tức thời Tát-đà-ba-luân cùng với người con gái của vị trưởng giả đi đến nhà cô ấy, đứng ở ngoài cửa. Người con gái của trưởng giả thưa với cha mẹ cho con các thứ hương hoa, anh lạc, hương xoa, hương đốt, phan lọng, y phục, vàng bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, san hô, hổ phách, các đồ kỷ nhạc cúng dường, cũng cho phép chính con và năm trăm người hầu gái đã hầu hạ trước đây đi cùng Tát-đà-ba-luân đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ thuyết pháp cho chúng con, chúng con sẽ thực hành đúng như pháp, sẽ được đầy đủ các phật pháp. 

Cha mẹ của cô gái nói rằng: Bồ-tát Tát-đà-ba-luân là người nào? 

Cô gái đáp: Người ấy đang ở ngoài cửa. Người ấy vì tâm sâu xa cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, muốn độ thoát chúng sinh khỏi khổ sinh tử. Người ấy vì pháp nên tự bán thân mình để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật là đạo của Bồ-tát tu học. Vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên người ấy ở giữa chợ cất lớn tiếng rằng, ai cần người, ai muốn mua người. Người ấy muốn bán thân mà không có người mua nên đứng ở bên đường, ưu sầu khóc lóc. Bấy giờ trời Đế-thích hóa làm Bà-la-môn đi đến muốn thử lòng, hỏi rằng: Này thiện nam tử, vì cớ gì mà ưu sầu khóc lóc, đứng ở bên đường vậy? Đáp: Này Bà-la-môn, tôi muốn bán thân để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, song vì tôi phước mỏng nên bán thân không có người mua. Bà-la-môn nói với thiện nam tử rằng, ta không cần người, ta muốn tế trời nên cần tim người, máu người, tủy người, ông có thể bán chăng? Khi ấy thiện nam tử không còn ưu sầu, tâm rất nhu hòa, vui vẻ, nói với Bà-la-môn rằng: Điều ông cần thiết ta liền cho hết. Bà-la-môn nói: Ông cần giá bao nhiêu? Đáp: Tùy ý ông trả. Tức thời thiện nam tử ấy tay phải cầm dao bén chặt cánh tay trái ra máu, cắt thịt bắp vế phải. Lại muốn phá xương lấy tủy, con ở trên gác xa thấy việc ấy, bấy giờ con liền nghĩ: Người ấy vì cớ gì mà làm khốn khổ thân mình như vậy, ta thử đến hỏi xem. Con liền xuống lầu đi đến hỏi: Này thiện nam tử, vì nhân duyên gì mà ông tự làm khốn khổ thân mình như vậy? Thiện nam tử ấy đáp lại con rằng: Này chị, tôi vì cầu pháp nên muốn cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và người thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Nhưng tôi nghèo cùng, không có của cải, không có vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, pha lê, chân châu, hoa hương, kỹ nhạc. Này chị, tôi vì muốn cúng dường pháp nên tự bán thân mình, nay đây gặp được người mua cần tim người, máu người, tủy người, tôi cần được giá để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và người thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Con hỏi người con trai ấy: Nay ông tự bán tim, máu, tủy của mình để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt thời được công đức gì? Thiện nam tử ấy đáp: Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ vì tôi nói Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, đó là đạo Bồ-tát nên học, Bồ-tát nên làm, Bồ-tát nên thực hành. Tôi sẽ học đạo ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh. Tôi sẽ được thân kim sắc đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, hào quang một trượng, ánh sáng vô lượng, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười lực của Phật, mười tám pháp không chung, sáu thần thông, giới thanh tịnh, thiền định, trí tuệ không thể nghĩ nghì, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thấy biết hết thảy không ngại đối với các pháp, đem pháp báu vô thượng phân bố cho chúng sinh. Pháp lớn vi diệu như vậy tôi sẽ theo Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà có được. Con nghe công đức vi diệu không thể nghĩ nghì của chư Phật và nghe nguyện lớn của Tát-đà-ba-luân như vậy nên tâm con vui mừng, nghĩ rằng: Nguyện lớn vi diệu, thanh tịnh ấy thật hiếm có, cho đến vì mỗi mỗi pháp như vậy mà xả bỏ thân mạng như số cát sông Hằng. Thiện nam tử ấy vì pháp mà có thể chịu khổ hạnh, làm việc khó làm là không tiếc thân mạng. Con có nhiều châu báu, cớ gì không phát nguyện siêng cầu pháp như vậy mà cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt? Con suy nghĩ như vậy rồi, nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân rằng: Này ông, thiện nam tử, chớ làm khốn khổ thân mình nữa! Tôi sẽ thưa với bố mẹ tôi cho ông nhiều vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, pha lê, chân châu, hoa hương, chuỗi anh lạc, hương xoa, hương bột, y phục, phan lọng cùng các đồ kỹ nhạc để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và người thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Tôi cũng xin bố mẹ thêm các người hầu cùng tôi đi đến cúng dường người thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, cùng tôi gieo trồng căn lành, vì để được pháp thanh tịnh ấy, như lời nói. Bố mẹ nay hãy cho con 500 người hầu trước đã cung cấp, hầu hạ con, cũng cho phép con đem các hương hoa, anh lạc, hương bột, hương xoa, y phục, phan lọng, kỹ nhạc, vàng bạc, lưu ly, đồ cúng dường cùng với Tát-đà-ba-luân đi đến cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và người thuyết pháp là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, vì để được pháp Phật thanh tịnh vi diệu như vậy. 

Bấy giờ cha mẹ bảo với con gái rằng: Điều con ca tụng thật là hiếm có, khó có ai sánh kịp, nói rằng: Thiện nam tử ấy siêng năng vì pháp, rất ưa vui pháp và các Phật pháp không thể nghĩ nghì, là tối thượng bậc nhất giữa hết thảy thế gian, là nhân duyên vui mừng cho hết thảy chúng sinh. Thiện nam tử ấy vì pháp nên trang nghiêm lớn. Cha mẹ cho phép con đi đến gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để gần gũi cúng dường. Con phát tâm lớn vì Phật pháp nên tinh tấn như vậy, thời cha mẹ làm sao không tùy hỷ được? 

Cô gái ấy vì cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên được cha mẹ cho phép, trả lời cha mẹ rằng: Cha mẹ cũng tùy hỷ tâm nguyện ấy, chúng con trọn không làm mất nhân duyên pháp thiện của cha mẹ. 

Khi ấy người con gái của vị trưởng giả trang hoàng năm trăm cỗ xe bảy báu, tự thân mình cùng các người hầu gái đem các vật báu cúng dường, các loại hoa sinh dưới nước, sinh trên đất và vàng bạc, hoa báu, áo báu đủ màu, hương thơm, hương giã, hương nước, anh lạc và các mùi vị ăn uống cùng với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và 500 người hầu gái, mỗi người cưỡi một xe vây quanh cung kính, dần dần đi về phương đông. Thấy thành Chúng Hương trang nghiêm bằng bảy báu, ao bảy báu bao quanh bảy lớp, hàng cây bảy báu đều cũng bảy lớp. Thành kia ngang dọc mười hai do tuần, giàu vui yên lặng thật là vui vẻ, nhân dân thịnh vượng. Năm trăm làng chợ, đường ngõ ngang nhau đoan nghiêm như bức họa; cầu đò như đất, rộng rãi trong sạch. 

Từ xa trông thấy thành Chúng Hương, khi vào trong thành, thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên tòa ở đài cao thuyết pháp, có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng cung kính vây quanh. Tát-đà-ba-luân khi thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, tâm rất vui mừng; thí như Tỳ-kheo khi vào thiền thứ ba, nhiếp tâm yên ổn. Thấy rồi nghĩ rằng: Theo lẽ, chúng ta không nên cưỡi xe đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Nghĩ rồi, xuống xe đi bộ đến. Người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu cũng đều xuống xe. Tát-đà-ba-luân cùng với người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái đủ các báu đẹp đẽ cung kính vây quanh, cùng đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Bấy giờ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt có đài bảy báu, có hương Chiên-đàn sinh ở núi Xích Ngưu đầu để trang nghiêm, có lưới chân châu che trên đài, bốn góc đều treo ngọc báu Ma-ni để làm đèn sáng và có lò hương bốn báu, thường đốt hương thơm có tiếng để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Trong đài có giường lớn bảy báu, giường nhỏ bốn báu trải chồng trên đó; lấy là vàng ròng chép Bát-nhã ba-la-mật đặt trên giường nhỏ và các thứ phan lọng trang nghiêm che lên trên. Tát-đà-ba-luân và các cô gái thấy đài báu trang nghiêm và thấy trời Đế-thích cùng với trăm ngàn vạn chư thiên lấy hoa Mạn-đà-la trời, bột hương Chiên-đàn; mài châu báu thành từng mạt nhỏ để rải trên đài; đánh kỹ nhạc trời ở giữa hư không làm vui đài ấy. 

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân hỏi trời Đế-thích rằng: Thưa Kiều-thi-ca, vì nhân duyên gì mà ông cùng với vô lượng trăm ngày vạn chư thiên, lấy hoa Mạn-đà-la trời, bột hương chiên đàn, mài châu báu thành từng mạt nhỏ để rải lên trên đài; đánh kỹ nhạc trời ở giữa hư không để làm vui đài ấy? Trời Đế-thích đáp: Này thiện nam tử, không biết ư? Đây là Bát-nhã ba-la-mật lớn, là mẹ của các Bồ-tát lớn, có thể sinh ra chư Phật và nắm giữ các Bồ-tát. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật ấy thời thành tựu tất cả công đức, được trí Nhất thiết chủng của chư Phật. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân rất vui mừng, hoan hỷ hỏi trời Đế-thích rằng: Thưa Kiều-thi-ca, Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của các Bồ-tát, hay sinh ra chư Phật và nắm giữ Bồ-tát; Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật ấy thời thành tựu hết thảy công đức, được trí Nhất thiết chủng của Phật nay ở chỗ nào? 

Trời Đế-thích đáp: Này thiện nam tử, trong đài ấy có giường lớn bảy báu, giường nhỏ bốn báu trải chồng trên ấy; dùng lá vàng ròng chép Bát-nhã ba-la-mật để trên giường nhỏ. Do Bồ-tát Đàm-vô-kiệt lấy ấn bảy báu ấn vào nên chúng tôi không thể mở ra để chỉ bày cho ông. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân cùng với người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái lấy đồ cúng dường, hương hoa, chuỗi anh lạc, phan lọng chia làm hai phần: Một phần cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, một phần cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tòa. 

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân cùng với 500 người nữ đem hương hoa, chuỗi anh lạc, phan lọng, kỹ nhạc, các châu báu cúng dường Bát-nhã ba-la-mật xong, sau đó đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Đến rồi, trông thấy Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tòa bèn đem hương hoa, anh lạc, hương giã, hương nước, vàng bạc, hoa báu, phan lọng, áo báu rải lên trên ấy, vì pháp nên cúng dường. Khi ấy hoa hương, áo báu ở giữa hư không phía trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt biến thành đài hoa; bột hương chiên đàn, mảnh báu, vàng bạc, hoa báu biến thành trướng báu. Trên màn báu, các áo báu biến làm lọng báu, bốn phía lọng báu treo các phan báu. Tát-đà-ba-luân và các cô gái thấy sự biến hóa của Đàm-vô-kiệt thời rất vui mừng nghĩ rằng chưa từng có, không ngờ đại sư Đàm-vô-kiệt có thần lực và uy đức như vậy. Khi hành đạo Bồ-tát còn có sức thần thông như thế, huống gì khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác? 

Bây giờ người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái lòng tin trong sạch, cung kính Đàm-vô-kiệt mà đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nguyện rằng: Như Đàm-vô-kiệt được pháp Bồ-tát sâu xa, vi diệu, như Đàm-vô-kiệt cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, như Đàm-vô-kiệt ở giữa đại chúng diễn nói, phô bày Bát-nhã ba-la-mật, như Đàm-vô-kiệt được Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, thành tựu thần thông, được tự tại đối với việc của Bồ-tát, thời chúng con đây cũng sẽ như vậy. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân và 500 người hầu gái dùng hương hoa, vật báu cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Đàm-vô-kiệt xong, đầu mặt cúi lễ Đàm-vô-kiệt rồi chấp tay cung kính đứng một bên, thưa với Đàm-vô-kiệt rằng: Con vốn khi cầu Bát-nhã ba-la-mật, ở chỗ núi rừng trống vắng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: Này thiện nam tử, ông nên đi về phương đông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Con lãnh thọ lời ấy liền đi về phương đông. Đi chưa bao lâu, nghĩ rằng: Cớ sao con không hỏi tiếng nói giữa hư không rằng, con sẽ đi đến chỗ nào? Đi xa hay gần? Sẽ theo ai nghe? Khi ấy con thật ưu sầu mà khóc lóc, ở chỗ ấy bảy ngày bảy đêm ưu sầu cho đến không nghĩ đến ăn uống, chỉ nghĩ đến lúc nào con sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Con ưu sầu như vậy, một lòng nghĩ tới Bát-nhã ba-la-mật, thời bỗng thấy thân Phật hiện ra giữa hư không, nói với con rằng: Này thiện nam tử, con có ước nguyên lớn, tâm tinh tấn lớn. Chớ buông bỏ ước nguyện lớn ấy, tâm tinh tấn lớn ấy, ông cứ đi về phương đông, cách 500 do tuần có thành tên là Chúng Hương, trong đó có vị Bồ-tát tên là Đàm-vô-kiệt, đến chỗ người ấy sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát ấy đời đời là thiện tri thức của ông, thường ủng hộ ông. Con theo Phật thọ giáo xong liền đi về phương đông, không nghĩ đến chuyện khác, chỉ nghĩ đến khi nào con sẽ thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt vì con thuyết Bát-nhã ba-la-mật. Bấy giờ đang ở giữa đường con được trí thấy không ngại đối với hết thảy pháp, quán các pháp tính, được các tam-muội hiện ra trước mắt. Trú trong các tam-muội ấy thấy mười phương vô lượng vô số chư Phật nói Bát-nhã ba-la-mật. Chư Phật khen con rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Ta xưa khi cầu Bát-nhã ba-la-mật được các tam-muội cũng giống như ông ngày nay. Được tam-muội ấy rồi thời khắp được Phật pháp. Khi Phật vì con thuyết pháp, an ủi con rồi, bỗng nhiên không hiện. Con từ tam-muội dậy nghĩ rằng: Chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu? Con vì không thấy chư Phật nên rất ưu sầu, lại nghĩ rằng: Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cúng dường Phật trước, gieo trồng căn lành, hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, khéo biết sức phương tiện, đối với đạo Bồ-tát được tự tại, là thiện tri thức của ta, thủ hộ cho ta. Ta sẽ hỏi Đàm-vô-kiệt việc ấy: Chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu? Con nay xin hỏi đại sư: Chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu. Nguyện đại sư vì con nói rõ chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu, khiến con được biết. Biết rồi con cũng thường không xa lìa thấy Phật. 

LUẬN: Tát-đà-ba-luân khát ngưỡng muốn nghe Bát-nhã nên thấy mười phương chư Phật vì đại chúng thuyết pháp thời tâm rất hoan hỷ, được mãn ý nguyện. Chư Phật vì thấy sức tin của người đó bền chắc, tinh tấn, chịu khó nhọc nên an ủi tâm người đó, khen rằng: Lành thay! Ta xưa khi mới hành đạo Bồ-tát cầu Bát-nhã cũng như ông hôm nay, ông chớ ưu sầu mà tự cho mình phước mỏng. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân thật được sức các tam-muội, tâm ông ấy đắm sâu. Thế nên chư Phật dạy rằng: Hãy tìm thật tính các tam-muội thời không thấy thật thể, cũng không thấy người vào tam-muội và ra tam-muội, vì chúng sinh không, pháp không. Chư Phật lượt nói cho tướng Bát-nhã ba-la-mật: Không nghĩ rằng có pháp ấy; nghĩa là hết thảy pháp không có tướng nên không thể nghĩ tướng hay chấp trước. Chúng ta ở trong pháp vô niệm ấy, có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật. Vì sáu Ba-la-mật đầy đủ nên được thân kim sắc như trong kinh này nói. Chư Phật giáo hóa, vì lợi ích vui mừng mà an ủi tâm Bồ-tát ấy. 

Hỏi: Trên kia hóa Phật đã nói cho biết rằng “Đàm-vô-kiệt đời đời là thiện tri thức của ông”, cớ sao nay còn hỏi “ai là thiện tri thức của con”? 

Đáp: Vì Phật dạy đối với thiện tri thức hãy ái niệm cung kính gấp bội. Lại vì muốn ở chỗ mười phương Phật mà nghe công đức của Đàm-vô-kiệt. Vì muốn làm cho lòng tin mình bền chắc nên không nghi mà vẫn hỏi. Mười phương Phật đáp như trong kinh đây nói. Tát-đà-ba-luân là người có nhân duyên được Đàm-vô-kiệt hóa độ, nên được chư Phật giúp đỡ, chỉ bày; hoặc được các Bồ-tát giúp đỡ. Vì người đáng được Phật độ nên khiến đi đến chỗ Phật. 

Hỏi: Trên kia nghe tiếng nói giữa hư không mà không hỏi, nên bảy ngày khóc than; nay không thấy mười phương Phật cớ sao không ưu sầu, mà lại cầu thấy Phật, chỉ muốn đến chỗ Đàm-vô-kiệt hỏi việc Phật đến, Phật đi? 

Đáp: Tát-đà-ba-luân khi trước chỉ có mắt thịt, chưa được tam-muội, song vì tâm sâu xa tin đắm thiện pháp nên rất khóc than. Nay được các sức tam-muội, lại thấy mười phương chư Phật, các phiền não mỏng ít, tâm đắm trước đã xa lìa, nên một lòng nghĩ rằng: Lúc nào ta sẽ thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt? 

Hỏi: Nếu Tát-đà-ba-luân được sức tam-muội, cớ gì không trở lại vào tam-muội để hỏi mười phương chư Phật từ đâu đến và đi đến đâu, mà lại muốn thấy Đàm-vô-kiệt để hỏi? 

Đáp: Mười phương Phật cũng dùng mỗi mỗi nhân duyên khen ngợi Đàm-vô-kiệt là “đời đời làm thầy ông”. Thế nên muốn hỏi Đàm-vô-kiệt. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng, Đàm-vô-kiệt là nhân duyên đời trước của ta, thế nên sinh tâm cung kính tôn trọng. Do có công đức lớn nên tôn trọng, vì là nhân duyên đời trước nên cung kính, ái mộ. 

Hỏi: Trước nói Tát-đà-ba-luân không quá đắm việc thế gian mà thật yêu Bát-nhã ba-la-mật nên ưu sầu, khóc than. Nay cớ gì tự chê mình nghèo cùng, không có gì để cúng dường? Chỉ đem tâm đi theo thầy, ấy cũng là pháp cúng dường, cần gì phải dùng hương hoa? 

Đáp: Pháp cúng dường tuy cao thượng, song chúng sinh ở thế gian thấy từ xa đi đến cầu pháp mà hai tay không có gì, thời tâm không hoan hỷ. Vì theo pháp thế gian nên tìm vật cúng dường. 

* Lại nữa, năm Ba-la-mật là trợ giúp Bát-nhã ba-la-mật. Trong pháp trợ giúp, bố thí là đứng đầu. Tát-đà-ba-luân suy nghĩ: Ta được ruộng phước tôn trọng là Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Hãy lấy pháp trợ đạo căn bản cúng dường; cũng muốn vì phát khởi tâm hoan hỷ của đại chúng rằng: Tát-đà-ba-luân là người trí, người lành; nghèo cùng mà còn có thể cúng dường, huống nữa là chúng ta! 

Lại nữa, khi thực hành các pháp lành mà khi suy nghĩ ý vị của nó khác nhau. Tát-đà-ba-luân muốn thực hành ý vị bố thí nên tìm vật cúng dường. 

Hỏi: Tát-đà-ba-luân là Bồ-tát lớn, có thể thấy mười phương Phật, lại được các tam-muội sâu xa, cớ gì bị nghèo cùng? 

Đáp: Có người nói: vị ấy bỏ nhà cầu Phật đạo, tuy sinh trong nhà giàu mà xóm làng cách xa, nên đi một mình mà không mang theo tài vật. Có người nói: Tuy là đại nhân nhưng vì tội nhỏ của đời trước nên sinh vào nhà nghèo cùng. Có người tuy là tiểu nhân nhưng do chút ít nhân duyên đời trước nên sinh vào nhà giàu; như Tô-đà-di, Mi-tha v.v... là người được chư thiên cúng dường mà sinh vào tiểu gia. Nghèo là hai: Một là nghèo của; hai là nghèo công đức của pháp. Nghèo công đức của pháp là cái nghèo rất lớn, đáng hổ thẹn. Nghèo của, người tốt cũng có; nghèo pháp, người tốt không có. 

Không có hương hoa là không có hoa báu thượng diệu, lại vì ít nên nói không có. Ta nếu tay không mà đến, thầy tuy không cần vật cúng nhưng tâm ta không được vui, vì thế nên muốn bán thân. 

Hỏi: Nếu bán thân mình cho người khác thời ai đem vật ấy đến cúng dường thầy? 

Đáp: Xả bỏ thân tức là cúng dường lớn; dù có đi đến hay không đi đến không đáng kể. Có người nói: Người ấy bán thân lấy của, nhân nơi thân người để cúng dường: Ta vì cúng dường mà bán thân làm nô tì. Lại có người nói: Lúc bấy giời nhằm đời tốt đẹp, mọi người đều biết pháp, tuy tự bán thân, mà người mua chắc chắn có thể nghe nói để cúng dường, mà trả lại. 

* Lại nữa, người ấy phát tâm sâu xa, muốn thực hành bố thí để vì cúng dường pháp và pháp sư mà không có vật bên ngoài, chỉ có thân mình là vật bên trong nên bán vật bên trong. Đối với các vật trong, ngoài, vật trong là nặng, mến tiếc rất sâu, vì muốn không phá hạnh nguyện bố thí nên bán thân để cúng dường. Trong kinh đây nói nhân duyên không hối hận: Ta đời đời mất mạng nhiều vô số mà chưa từng vì pháp thanh tịnh. Nên nay vì cúng dường người thuyết pháp mà bỏ thân này thời được lợi ích Phật pháp rất lớn. 

Tát-đà-ba-luân định tâm, dứt ý nghĩ tham tiếc thân, ở giữa đường đi vào một thành lớn muốn bán cho người mua tùy ý sử dụng. Nhất tâm muốn bán thân vì trừ hổ thẹn, phá kiêu mạn nên xướng to rằng: Ai cần người?

 Hỏi: Ác ma cớ gì muốn phá hoại ý nghĩ của người ấy? 

Đáp: Ma thường là oan gia của chư Phật và Bồ-tát, nên muốn đến phá. 

* Lại nữa, các Bồ-tát nhỏ chưa được thật tướng các pháp nên ma và người ác có thể phá. Nếu được vô sinh pháp nhẫn, trú trong sức thần thông của Bồ-tát thời không ai phá nỗi. Như trồng cây nhỏ thời trẻ con phá được, cây lớn thời không thể phá. 

* Lại nữa, trong đây tự nói nhân duyên ma phá rằng: Tát-đà-ba-luân yêu kính pháp nên tự bán thân để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát thuyết pháp, sẽ được hỏi ngay Bát-nhã ba-la-mật, nói rộng như trong kinh này. 

Hỏi: Nếu ma muốn phá Tát-đà-ba-luân thời nên trước tiên đi đến nghe giữa hư không có tiếng, và khi thấy mười phương Phật cớ gì không phá hoại, mà nay mới ngăn che các Bà-la-môn, cư sĩ khiến không nghe được tiếng rao bán? 

Đáp: Tát-đà-ba-luân lúc trước tâm chưa định nên còn tiếc thân. Khi thấy mười phương Phật và được các tam-muội thời tâm kia mới định. Nay tướng định tâm hiện ra nên ma kinh sợ. Nếu Bồ-tát tâm chưa định thời chưa thể động đến ma; nếu Bồ-tát tâm đã định thời ma cũng không đến được. Tát-đà-ba-luân nay muốn định tâm, thoát ra khỏi cảnh giới của ma nên ma đi đến. Thí như người mắc nợ chưa muốn đi xa, chủ nợ không ngăn cản; khi muốn ra khỏi ranh giới thời chủ nợ không để cho đi. 

Hỏi: Ma có sức lớn, vì cớ gì không giết Bồ-tát ấy, mà chỉ phá hoại? 

Đáp: Ma vốn không ganh tị mạng sống của người ấy, chỉ ghét tâm làm Phật kia, thế nên muốn phá. Lại, pháp của các thiên thần đối với người không có tội nặng thời không thể giết càn, chỉ có thể phá loạn, khủng bố. Nếu thiên thần không có khuôn phép ấy thời người không có ai được sống; thế nên không giết. 

Sinh vào dòng Bà-la-môn, vì thọ giới nên gọi là Bà-la-môn, ngoài ra gọi chung là cư sĩ. 

Cư sĩ là chỉ cho ông chủ ở nhà, chẳng phải cư sĩ trong bốn giai cấp, ngoại trừ người con gái trưởng giả. Do người ấy vì Phật đạo mà đời đời chứa nhóm công đức nên ma không thể ngăn che. Lại có người nói: Tát-đà-ba-luân không đáng chết nên khiến một người con gái nghe tiếng rao bán. Có người nói: Nhờ thần lực của Đàm-vô-kiệt nên khiến người con gái của vị trưởng giả nghe tiếng rao bán. Rao bán như vậy ba lần, không có người mua nên rất ưu sầu. 

Hỏi: Tát-đà-ba-luân đã không tiếc thân, thời tuy không có ai mua cũng không nên ưu sầu? 

Đáp: Đã phát tâm lớn mà không được mãn nguyện thế nên rất sầu. 

Trời Đế-thích nghĩ rằng: Tát-đà-ba-luân muốn bán thân mà không có ai mua, nói rộng như trong kinh đây. 

Hỏi: Trời Đế-thích có sức biết tâm người khác do quả báo được, nên biết tâm Tát-đà-ba-luân đã quyết định, cớ gì nay đi đến thử? 

Đáp: Chư thiên chỉ biết tâm người thế gian, còn tâm làm Phật, không làm Phật thời không thể biết được; trừ Phật, không có ai biết được người ấy vì Phật đạo, nên thọ ký cho. 

* Lại nữa, trời Đế-thích muốn được dẫn đường nhiều người cho nên đến thử, ai nghe thấy cũng đều phát tâm cầu làm Phật. Lại như các báu vàng, bạc không vì khinh hèn nó mà đốt nấu, mài dũa; Bồ-tát cũng như vậy, nếu có thể cắt thịt ra máu, phá xương lấy tủy mà tâm kia bất động; ấy là chính định của Bồ-tát. Thế nên Đế-thích đến thử. 

Hỏi: Đế-thích là thiên vương lớn, cớ gì nói dối rằng: Ta muốn tế trời, cần dùng tim, máu, tủy người? 

Đáp: Nếu vì phiền não, xan tham, sân giận, muốn cầu tự lợi mà nói dối như thế thời là tội. Song nếu trời Đế-thích đem thân thật, lời thật ra thử thời Bồ-tát không tin. Thế nên như phép của nước người ấy cần tế trời, vì người ấy tin thọ như vậy. 

Khi ấy Tát-đà-ba-luân rất hoan hỷ, nói rằng: Ta được lợi lớn. 

Lợi lớn là được địa vị không thoái chuyển, còn lợi bậc nhất là Phật đạo. Lợi lớn là năm Ba-la-mật; lợi bậc nhất là Bát-nhã ba-la-mật. Lợi lớn là Bát-nhã ba-la-mật; lợi bậc nhất là sức phương tiện của Bát-nhã ba-la-mật. Lợi lớn là sơ địa Bồ-tát; lợi bậc nhất là thập địa. Lợi lớn là từ sơ địa đến thập địa; lợi bậc nhất là địa thứ mười. Lợi lớn là Bồ-tát địa, lợi bậc nhất là Phật địa; phân biệt như vậy. Tuy chưa đầy đủ nhưng đã là nhân duyên đầy đủ, thế nên nói là đầy đủ. 

Hỏi: Nếu trời Đế-thích hóa thân đi đến, cớ gì hỏi “ông cần giá bao nhiêu”? 

Đáp: Vì biết người kia muốn cúng dường Đàm-vô-kiệt nên muốn làm mãn nguyện người đó. Lại, trời Đế-thích làm khốn khổ Tát-đà-ba-luân, sợ ông ấy đòi nhiều nên hỏi cần giá bao nhiêu. 

Tùy ý ông trả cho tôi là, nói rằng: Theo ý ông nên trả cho tôi, chừng nào mà đối với ông không tham tiếc nhiều, không gây ra hối hận. Tát-đà-ba-luân không có thế lực nên không thể bảo hạng Chiên-đà-la mà tự mình cầm dao cắt lấy. Bà-la-môn vì cũng sợ tội nên không cắt lấy. Vì thế Tát-đà-ba-luân tự cầm dao cắt xẻ thân mình. 

Hỏi: Nếu người con gái trưởng giả nghe tiếng, cớ sao không đi đến hỏi rằng: “Ông vì sao tự bán thân”? 

Đáp: Việc bán thân mà chỉ nói suông thời là việc nhẹ. Phá thân, lấy tim, tủy là việc nặng nên con gái của vị trưởng giả phát tâm. Người con gái của vị trưởng giả ở trên lầu từ xa trông thấy người ấy tự cắt xẻ mà nghĩ rằng: Hết thảy chúng sinh đều tìm vui sợ khổ, tham tiếc thân mình, còn Tát-đà-ba-luân lại tự cắt xẻ thân mình, thật là hiếm có. Lại do nhân duyên phước đức đời trước dắt dẫn nên đi đến chỗ kia mà hỏi. Tát-đà-ba-luân đáp: Muốn cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Lại hỏi: Được lợi ích gì? Đáp: Được Bát-nhã ba-la-mật, là chỗ học của Bồ-tát. Nên từ nơi Tát-đà-ba-luân nghe được: Tôi học đạo ấy sẽ được làm Phật, làm chỗ nương dựa cho hết thảy chúng sinh. Thí như cây lá rậm dày thời che mát nhiều. Lại như khi nóng, giữa đồng trống, đường hiểm mà gặp được ao lớn trong mát; để làm cho phát tâm nên nói công đức hiện tại của Phật là thân kim sắc, 32 rướng, hào quang một trượng, ánh sáng vô lượng. 

Hào quang một trượng là, vì chúng sinh trong đời ác cõi Diêm-phù-đề trông thấy, chứ ánh sáng thật của chư Phật không có hạn lượng. 

Đại từ đại bi cho đến ý nghĩa sáu thần thông như trước đã nói. 

Giới thanh tịnh, thiền định, trí tuệ không thể nghĩ nghì như đã nói trong phần giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của Phật. 

Được thấy biết hết thảy không ngại đối với các pháp là chư Phật có giải thoát không ngại, tri kiến tương ưng với giải thoát ấy, đối với hết thảy pháp không bị chướng ngại. Phân biệt tri và kiến như trước đã nói. 

Tát-đà-ba-luân nói: Tôi được vô lượng công đức Phật như vậy, do đem pháp báu vô thượng phân bố cho hết thảy chúng sinh. 

Pháp báu vô thượng là có người nói pháp báu trong ba ngôi báu. 

Có người nói: Tám vạn bốn ngàn pháp tụ, ấy là pháp báu. Được pháp bảo ấy nên trừ các phiền não, dứt các hí luận, giải thoát các khổ. 

Có người nói: Pháp báu vô thượng tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không có pháp nào vượt qua hơn nữa. 

Có người nói: Niết-bàn là pháp báu vô thượng, vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều hữu thượng, như trong A-tỳ-đàm nói: Hết thảy pháp hữu vi và pháp hư không, chẳng phải số duyên tận, gọi là pháp hữu thượng, số duyên tận gọi là pháp vô thượng. Số duyên tận tức là tên khác của Niết-bàn. Có người nói: Đạo Niết-bàn tuy là hữu vi, song vì nó vì Niết-bàn nên trong pháp hữu vi, nó là vô thượng. Pháp báu trong như vậy phân bố làm ba thừa cho chúng sinh. Vô lượng Phật pháp như vậy phải theo thầy mới có được, nên ta phải xả bỏ cái thân hôi hám, bất tịnh, là trú xứ của già, bệnh, chết mà vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, sẽ được thân Phật. 

Người con gái của vị trưởng giả đời đời cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, trí tuệ sáng suốt, nghe Phật pháp nên tâm ấy vào sâu, được pháp hỷ lớn, cho đến tâm kinh sợ đến dựng lông, nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Thật là hiếm có. Ông tán thán pháp rất vi diệu, vì mỗi mỗi pháp ấy nên xả bỏ thân như số cát sông Hằng, huống nữa là một thân! Người con gái của vị trưởng giả khi trước không biết nhân duyên gì mà người ấy tự làm khốn khổ thân, nên thương xót, cho rằng việc làm không đáng. Song nay nghe vô lượng vô biên Phật pháp thanh tịnh không gì sánh bằng, vì thế mà xứng đáng, nên rất hoan hỷ, nói: Vì pháp ấy nên xả bỏ thân như số cát sông Hằng. Cô gái lại nói: Ông vì nghèo mà tự làm khốn khổ thân, nay có thể ngưng lại. Ông cần dùng gì tôi sẽ cung cấp cho, tôi cũng theo ông mà cầu đạo. 

Hỏi: Bồ-tát ấy đã tự cắt xẻ thân thể, làm sao có thể nói nhiều Phật pháp cho người con gái của vị trưởng giả? 

Đáp: Tâm lực của bồ tát ấy rất lớn, tuy bị khổ nhọc mà không thể che lấp tâm. Bồ-tát ấy mới cầm dao cắt thịt chảy máu, sắp muốn phá xương lấy tủy, thì người con gái trưởng giả đi đến, chưa buồn bực lắm nên có thể thuyết pháp. Trời Đế-thích biết tâm người kia chắc chắn, thử xong mà không nói gì nữa, liền biến trở lại thân cũ, khen ngợi rằng: Lành thay! Tâm ông đã kiên quyến nhận chịu việc ấy. Ý trời Đế-thích muốn nói: Như thân xác thịt sinh tử của ông nay chưa được Phật đạo, mà có thể không tiếc thân như vậy, thời ông không bao lâu sẽ đối với hết thảy pháp không còn vướng mắc gì, trú trong vô sinh pháp nhẫn mà mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đem chư Phật quá khứ ra làm chứng và các nhân duyên như vậy để an ủi tâm người ấy: Ta là vua trời, ưa vui Phật đạo cho nên đi đến thử để muốn biết tâm ông mềm cứng thế nào. Muốn làm cho ông tin nên nói rằng, ta cần tim, tủy người để tế trời, chứ thật ra chẳng cần. Ông có ước mong gì ta sẽ cung cấp cho. Ông là người tốt, là giống Phật, ta sẽ ủng hộ ông. 

Tát-đà-ba-luân tin ngay, nên tâm rất nhu nhuyến, rất ham mê Phật đạo mà không phân biệt chúng sinh. Nghe lời Đế-thích nên liền nói rằng: Nguyện giúp cho tôi Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trời Đế-thích nói: Việc ấy sức tôi không thể làm được, đó là cảnh giới của Phật. 

* Lại nữa, có người nói: Đế-thích thật làm khốn khổ Tát-đà-ba-luân nên nay dùng lời ấy để tạ tội. Ý trời Đế-thích cho rằng người ấy chỉ cần cầu vật báu, vàng bạc chứ không biết rằng đòi xin Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đã không cho được nên chỉ biết hổ thẹn mà tôi. Lại nói rằng: Hễ cùng nhau cúng dường thời nên ước nguyện đòi thứ khác. Ý Đế-thích nói: Tôi đã làm khổ ông nhiều nên tôi không được bỏ đi ngay, mà phải cúng dường ông. Tát-đà-ba-luân tuy không tiếc thân, song muốn đem thân này cúng dường Đàm-vô-kiệt để nghe Bát-nhã ba-la-mật nên nói rằng: Nếu ông không có sức cho tôi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời hãy làm cho thân thể tôi bình phục như cũ. Trời Đế-thích nói: Theo như lời ông. Vết thương liền bình phục như cũ không khác. 

Hỏi: Trước đã cắt thịt thời làm sao làm cho bình phục đầy đủ? 

Đáp: Phật nói có năm điều không thể nghĩ nghì, trong đó việc của rồng làm còn không thể nghĩ nghì, huống nữa là việc trời làm! 

Lại, giữa hư không bụi bặm đầy khắp, trời Đế-thích nhờ phước đức nên hễ sinh tâm là có thể hòa hợp đầy đủ thành thân. Như thân trong chư thiên và địa ngục chẳng phải là thân sinh ra bằng bào thai, do nhân duyên của tội phước mà hòa hợp có thân. 

Khi ấy trời Đế-thích biết tâm người kia kiên cố nên làm cho mãn nguyện rồi, liền biến mất. 

Bấy giờ, Tát-đà-ba-luân tội nhỏ của đời trước đã sạch hết, phước đức sáng suốt đầy đủ. Thế nên người con gái của vị trưởng giả đem về nhà, có cần dùng gì đều xin cha mẹ cho, như trong kinh này nói rộng. 

Hỏi: Cô gái ấy trước nói “ông cần vật gì hãy hỏi xin ở nơi tôi”, nay cớ gì lại nói “xin nơi cha mẹ tôi”? 

Đáp: Vì nay cô gái đã dẫn về đến nhà. Và vì Tát-đà-ba-luân mắt đã nhìn vào nhà, mà bấy giờ từ cha mẹ xin được nên hổ thẹn không xứng với lời trước kia, cho nên cô tự nói trước rằng ‘theo cha mẹ xin cho”. 

Lại, cô gái có thể có được của báu, song phép của người con gái là phải xin cha mẹ. Cô gái đã vào nhà như lời hứa trước, theo cha mẹ xin cho. Vì nước kia không có Phật pháp, nên cha mẹ mới hỏi con gái: Ai là Bồ-tát Tát-đà-ba-luân? Người con gái theo như điều đã nghe, đã thấy mà nói hết thảy việc của Tát-đà-ba-luân với cha mẹ: Nay cha mẹ hãy cho phép con cùng với Tát-đà-ba-luân và 500 người hầu gái đem đồ cúng dường đến cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Cha mẹ nghe lời kia liền theo như ý của con gái mình. 

Hỏi: Vị trưởng giả giàu sang mà lại có thế lực, cớ sao trước đó không biết Tát-đà-ba-luân, để đến khi nghe nói công đức mới khiến con gái và quyến thuộc và cho vật báu đem đi đến cúng dường? 

Đáp: Trưởng giả cũng gieo trồng cội phúc, song vì ít nhân duyên nên sinh vào nước không có Phật. Khi tạm nghe công đức Phật thời phát khởi tâm thức cũ mà liền khai ngộ, cho nên khiến đi. Thí như hoa sen sinh trưởng đầy đủ, gặp ánh mặt trời thời nở ra. Cha mẹ biết tâm con gái mình thuần thục, không có hạnh bất tịnh, giữ gìn tiết tháo không mất, không ưa cái vui thế gian, chỉ cầu lợi ích của Phật pháp và biết tâm kia chí thiết nên không thể ngăn chặn; nếu trái ý con, sợ sẽ tự hại. Suy nghĩ trù lượng xong, hoàn toàn theo ý con mình mà tự được công đức, hoan hỷ khiến đi. Nhân duyên thế gian do vì đắm sâu nên khó mở. Lòng tham ái sâu xa còn không thể trái, huống nữa là con mình vì Phật đạo! Tâm nó thanh tịnh không có nhiễm trước mà không chấp thuận cho sao? Người con gái thấy cha mẹ vì pháp nên cho phép, không tiếc vật báu, cũng do tâm tùy hỷ mà làm cho tùy hỷ. 

Bấy giờ tâm mọi người đã định nên trang hoàng xe bảy báu cùng mọi người vây quanh, dần dần đi đến phương đông. Khi ấy năm trăm người con gái thân thuộc và mọi người trong thành thấy việc hiếm có khó sánh kịp nên cũng đều đi theo. Mọi người tập hợp, vui vẻ đi cùng, khác ngưỡng đến thành Chúng Hương. Như người khát nước nghĩ tới uống nước, dần dần tiến bước lên đường. Từ xa trông thấy thành Chúng Hương, cho đến cùng với người con gái của vị trưởng giả và 500 người con gái cung kính vây quanh để đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. 

Hỏi: Đàm-vô-kiệt là vị Bồ-tát lớn, được các Đà-la-ni Văn trì v.v... được hiểu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật, đã tự đọc tụng thông lợi, nhớ nghĩ, thọ trì, còn cần gì đài bảy báu mà chép kinh Bát-nhã để vào trong đó cúng dường? 

Đáp: Tuy có các nhân duyên lược nói có hai nghĩa: Một là, tâm hành của chúng sinh không giống nhau, hoặc ưa xem quyển kinh, hoặc ưa nghe diễn thuyết; hai, thân Đàm-vô-kiệt là cư sĩ, hiện có gia đình, thân thuộc. Chúng sinh căn độn hoặc nghĩ rằng Đàm-vô-kiệt ở nhà chắc chắn có nhiễm đắm, làm sao có thể đem Bát-nhã rốt ráo thanh tịnh vô cấu mà làm lợi ích chúng sinh? Tự mình còn chưa không nhiễm đắm thời làm sao có thể đem pháp không nhiễm đắm giáo hóa? Vì vậy mà chép văn kinh ấy để vào trên đài bảy báu mà cúng dường các báu. Hàng trời, rồng, quỷ, thần cũng đều đến cung kính, cúng dường hương hoa, phan lọng, mưa xuống bảy báu. Chúng sinh trông thấy thời tăng ích lòng tin mà đem pháp ấy chỉ bày, truyền dạy lời Phật, lấy án văn diễn giảng giáo lý, khuyến khích phát tâm. Đồ trang nghiêm tất cả đài báu và nhân duyên Tát-đà-ba-luân hỏi trời Đế-thích như trong kinh này đã nói. 

Bảy ấn ấn là, ấn chơn thật của Đàm-vô-kiệt, thường tự tay cầm lấy ấn vào kinh. Có người nói: Bảy ấn là có bảy thần lớn cầu Phật đạo cầm loại kim cang, thường cung cấp cho Bồ-tát Đàm-vô-kiệt khiến thủ hộ kinh văn, không để ma và ma dân biến cải tạp loạn, vì quý kính Bát-nhã. Có người chỉ nghe diễn nói mà phát tâm. Có người thấy văn tự trang nghiêm mà hoan hỷ phát tâm nên trang nghiêm đài báu, dùng lá vàng chép và lấy bảy ấn ấn vào. 

Hỏi: Trên đài viết chép Bát-nhã, Đàm-vô-kiệt miệng diễn thuyết Bát-nhã, tuy hai nơi đều có mà nơi viết chép không thể ích lợi người, cớ gì trước tiên đi đến đài báo? 

Đáp: Bát-nhã được chép thuộc vào trong pháp báu, vì sau Phật bảo thứ lớp có pháp bảo, nên trước tiên cúng dường. Đàm-vô-kiệt, một người không thuộc về Tăng bảo, nên trước tiên cúng dường Pháp bảo. Lại, Đàm-vô-kiệt nói ra tuy là pháp mà chúng sinh chấp thủ tướng người nói nên phần nhiều sinh tâm đắm trước. Nếu thấy sách Bát-nhã thời không sinh chấp thủ tướng người, tuy chấp thủ tướng khác mà tâm đắm trước ít hơn đắm trước tướng người; thế nên trước tiên cúng dường quyển kinh. Chư Phật còn cúng dường kinh pháp, huống nữa là Đàm-vô-kiệt và Tát-đà-ba-luân! Đàm-vô-kiệt nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật nên được cúng dường. Kinh Bát-nhã là cái gốc của sở nhân, sao không cúng dường trước được? Thế nên chia đồ cúng dường làm hai phần. 

Hỏi: Đàm-vô-kiệt có sáu vạn thể nữ, cung điện, năm dục, làm sao có thể có thần lực dùng hoa đã rải hóa làm đài hoa? 

Đáp: Có người nói: Do thần lực chư Phật mà nhân nơi vật cúng dường của Tát-đà-ba-luân lấy làm biến hóa. Có người nói: Đàm-vô-kiệt là vị Bồ-tát lớn, thân do pháp tính sinh, song vì độ chúng sinh nên thọ năm dục. 

Hỏi: Phép của Bồ-tát trước tiên đối vớichúng sinh là khởi tâm bi, vì muốn độ chúng sinh hết khổ nên cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nay chỉ thấy uy đức thần lực của Đàm-vô-kiệt làm sao phát tâm? 

Đáp: Phát tâm có nhiều cách. Có người nghe thuyết pháp mà phát tâm. Có người đối với chúng sinh khởi từ bi mà phát tâm. Có người thấy sức thần thông oai đức lớn mà phát tâm, vậy sau dần dần sinh tâm bi lớn; như trong kinh Trì Ấn nói: “Nương ái mà dứt ái, nương kiêu mạn mà dứt kiêu mạn”. Như người nghe đạo pháp, vì ái trước pháp ấy nên bỏ năm dục mà xuất gia. Lại như nghe người kia được quả A-la-hán mà sinh tâm cao ngạo, rằnng: Người kia đối với ta không hơn, mà còn có thể như vậy, ta sao không được như thế? Vì thế nên sinh tâm tinh tấn lớn, được đạo A-la-hán; đối với Phật đạo cũng như vậy. Người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái thường đắm chặt cái vui tự do của thế tục, nghe ngày xưa có người do thần lực biến hóa mà đầy đủ vật báu, hưởng thọ cái vui trời ở giữa loài người, sau thấy đài quán, cung điện của Đàm-vô-kiệt, ngồi trên pháp tòa lớn được trời người cúng dường. Lại thấy vật cúng dường ở giữa hư không hoá thành đài lớn, tâm rất vui mừng, phát sinh ý tưởng khó gặp, biết việc ấy đều từ nhân duyên phước đức mà có được, nên phát tâm muốn làm Phật. Nghe người phát tâm tu hành đều thứ lớp như trong kinh Tỳ-ma-la-cật nói: “Các phiền não ái và mạn đều là căn bản Phật đạo”. Thế nên người con gái thấy việc ấy rồi sinh tâm ưa thích, biết do nhân duyên phước đức có thể được các việc ấy nên đều phát tâm. Nhân nơi ái và mạn mà sau được tâm tốt trong sạch nên nói ái và mạn là căn bản của Phật đạo; thí như hoa sen sinh trong bùn. Phát tâm rồi thề nguyện: Như Đàm-vô-kiệt làm được, chúng ta cũng sẽ làm được. 

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân đầu mặt đãnh lễ Đàm-vô-kiệt. Vì cúng dường hoa hương không quý nên đem cúng dường trước tiên; còn thân quý trọng nên tiếp sau lễ bái. Lễ bái rồi nói ly do vốn cầu Bát-nhã, như trong kinh nay nói: Con xưa khi cầu Bát-nhã, nghe ở giữa hư không có tiếng nói cho đến con nay hỏi đại sư: chư Phật từ đâu đến và đi về đâu? 

Hỏi: Tát-đà-ba-luân đã được các tam-muội lớn là tam-muội Phá vô minh, tam-muội Quán các pháp tính v.v... vì sao không biết Không mà còn chấp thủ tướng Phật, sinh tâm đắm trước? 

Đáp: Bồ-tát mới phát tâm tuy có thể biết tướng chung của các pháp không, vô tướng, song vì đối với chư Phật ưa đắm sâu dày nên không thể hiểu được tướng Phật rốt ráo không. Tuy biết không mà không thể hợp với không, vì sao? Vì chư Phật có vô lượng vô biên công đức chơn thật. Bồ-tát ấy lợi căn nên vào sâu đắm sâu. Nếu Phật không vì Bồ-tát ấy thuyết giảng Không, thời Bồ-tát ấy vì ưa đắm Phật mà có thể tự hủy diệt thân tộc, huống nữa là người khác. Chỉ nhờ hiểu Không nên không có việc ấy. Tát-đà-ba-luân rất ưa đắm chư Phật nên không thể biết mà phải hỏi đại sư: Nay vì con nói chư Phật từ đâu đến và đi về đâu. Con thấy thân Phật không nhàm chán nên thường không lìa việc thấy Phật.

 (Hết cuốn 98 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn