- Lời Giới Thiệu
- Buổi Tối Thứ Nhất Lời Dạy Mở Đầu
- Buổi Tối Thứ Hai Bát Chánh Đạo
- Buổi Sáng Thứ Ba Bài Thực Tập: Cảm Thọ
- Buổi Tối Thứ Tư Sự Chú ý Đơn Thuần
- Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng
- Buổi Tối Thứ Năm Khái Niệm Và Thực Tại
- Buổi Sáng Thứ Sáu Bài Thực Tập: Đối Tượng Của Cảm Giác
- Buổi Tối Thứ Bảy Những Mẩu Chuyện
- Buổi Sáng Thứ Tám Bài Thực Tập: Tác ý
- Buổi Sáng Thứ Chín Bài Thực Tập: Ăn Trong Chánh Niệm
- Buổi Tối Thứ Chín Năm Triền Cái
- Buổi Sáng Thứ Mười Bài Thực Tập: Quán Tâm Thức
- Buổi Tối Thứ Mười Dũng Sĩ
- Buổi Sáng Thứ Mười Một Trò Chơi Định Tâm
- Buổi Tối Thứ Mười Hai Ba Trụ Pháp: Ba-la-mật
- Buổi Tối Thứ Mười Ba Sự Tương Đồng
- Buổi Tối Thứ Mười Bốn Tứ Diệu Đế
- Buổi Tối Thứ Mười Lăm Sự Cương Quyết Nửa Vời
- Buổi Tối Thứ Mười Sáu Nghiệp Báo
- Buổi Tối Thứ Mười Bảy Bài Thực Tập: Hôn Trầm
- Buổi Tối Thứ Mười Tám Sự Trong Sạch Và Hạnh Phúc
- Buổi Tối Thứ Mười Chín Tín Ngưỡng
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Mốt Thập Nhị Nhân Duyên
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Hai Cái Chết Và Lòng Từ Bi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Lăm Đạo
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Sáu Thất Giác Chi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Chín Con Đường Của Phật
- Buổi Sáng Thứ Ba Mươi Kết Thúc
BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi sáng thứ mười
Một trong những lãnh vực quán niệm là quán tâm thức. Tâm thức ở đây chỉ tri
giác, sự hiểu biết, phân biệt của mình. Một phương pháp tu tập chánh niệm là
dùng tâm thức làm đối tượng để quán niệm. Trong mỗi cử động của thân (sắc) ta
đều có thể thấy được tâm thức của mình (danh) đi đôi. Bạn hãy thử an tĩnh tâm
mình, và cố nhìn rõ để thấy được sự phát khởi của tâm thức cùng lúc với cử
động. Điều quan trọng cần nhớ là tâm thức và đối tượng lúc nào cũng đi đôi với
nhau. Ta không thể tách rời tâm thức ra khỏi đối tượng. Nhưng ta có thể phân
biệt được hai tiến trình khác nhau, một tiến trình của tâm, còn gọi là danh, và
một tiến trình của đối tượng, còn gọi là sắc. Chúng xảy ra cùng lúc, nhưng có
hai công năng hoàn toàn khác biệt nhau. Công năng của tâm là nhận thức và phân
biệt. Tỷ dụ như khi ta bước đi, chân ta không có một ý thức nào hết. Nó chỉ là
những yếu tố vật chất đang hoạt động: nặng hay nhẹ là do yếu tố đất, chuyển
động là do yếu tố gió... Ta biết được những yếu tố này nhờ tâm thức. Như vậy,
có một chuyển động bước chân đi và có một ý thức về chuyển động đó.
Song song với chuyển động là tâm thức nhận biết về nó. Đừng cố gắng tìm kiếm
tâm thức một cách chính xác, cũng đừng gắng định nghĩa cho chắc chắn hay là tìm
cách giới hạn nó. Nó có tính cách trừu tượng và rất tế nhị. Nhưng với chánh
niệm, ta sẽ có khả năng nhận định được tâm thức. Bởi tâm thức có tính chất mơ
hồ nên đòi hỏi một sự chú ý rất cao. Nếu sự chú ý của ta dễ duôi hay hời hợt,
ta sẽ không thể nào nhận thấy được một cách rõ ràng.
Trong những lúc ngồi thiền bạn có thể quay sự chú ý trở vào tâm thức của mình.
Hơi thở được kinh nghiệm bằng sự lên xuống nơi bụng hay ra vào nơi mũi chỉ là
diễn biến ở thân (sắc). Sự nhận biết được nó là nhờ ở tâm thức (danh). Khi bạn
được an tĩnh và tập trung hãy xoay chánh niệm của mình về quán chiếu chính cái
“biết” ấy. Đừng cố gắng tìm kiếm hay đặt để nó một chỗ nào trong thân ta. Chỉ
giản dị chú ý một cách thoải mái, nhẹ nhàng những gì đang xảy ra trong tâm thức
của mình.
Một trong những phương thức dẫn đến giác ngộ là trạch pháp. Trạch pháp có nghĩa
là quán xét giáo pháp nơi mình, hay nói một cách khác là quán chiếu, tìm hiểu
những hoạt động liên hệ giữa thân và tâm. Đừng ngại ngùng gì mà không sử dụng
tâm mình trong lãnh vực này: quán chiếu. Nhưng quán chiếu có nghĩa là không
dùng đến ngôn ngữ, tư tưởng hay khái niệm. Hãy cảm nhận, trải nghiệm sự khởi
sinh đồng thời của tâm thức cùng với đối tượng của nó. Kinh nghiệm này sẽ giải
thoát ta khỏi sự chấp ngã: chấp vào việc có một người quan sát. Trí tuệ sẽ đến
khi ta nhận thức được rằng có sự quan sát nhưng không có người quan sát, có sự
thấy nhưng không có một chứng nhân nào hết.