Chương 9 Thiền Tông

31 Tháng Tám 201000:00(Xem: 12066)
CHƯƠNG 9
THIỀN TÔNG

Khi tư tưởng Trung Quốc tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ trong khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, thời đó có hai trào lưu phát triển. Một bên là bản dịch các kinh sách Phật giáo kích thích các nhà tư tưởng Trung Quốc để họ lấy ánh sáng của triết lý mình mà soi sáng giáo pháp của Đức Phật Ấn Độ. Thời đó nảy sinh một sự trao đổi văn hóa lớn lao và mang lại nhiều thành quả mà như đã nói, tông Hoa Nghiêm tại Trung Quốc và tại Nhật đã đạt tới đỉnh cao.

Mặt khác, tinh thần người Trung Quốc vốn chuộng sự thực tiễn và trả lời tác động của Phật giáo Ấn Độ bằng cách tập trung lên khía cạnh thực tiễn và phát triển nó thành một tông phái tâm linh có tên là Thiền, một từ hay được dịch ra là “Meditation”. Triết lý Thiền được người Nhật hấp thụ khoảng thế kỷ thứ 12, mang tên Zen, và ngày nay vẫn còn là một truyền thống sinh động.

Thiền tông tại Nhật như thế là một sự tổng hòa vô song của triết lý và đặc thù của ba nền văn hóa khác nhau. Nó là quan điểm sống của người Nhật, phản ánh tính huyền bí của đạo học Ấn Độ; sự gần gũi với thiên nhiên và tính hồn nhiên của Lão giáo và cuối cùng là tính thực tiễn của tinh thần Khổng giáo.

Thế nhưng Thiền trong tự tính của nó là thuần tuý Phật giáo, vì mục đích của nó không gì khác hơn là Phật quả: đó là sự giác ngộ, một kinh nghiệm mà Thiền gọi là “Satori”. Sự chứng thực giác ngộ này là cốt tuỷ của tất cả mọi trường phái đạo học phương Đông, nhưng thiền đặc biệt ở chỗ nó chỉ quan tâm đến kinh nghiệm này và không để ý đến luận giải khác. Suzuki nói: “Thiền là tông phái hướng đến sự giác ngộ”. Từ cách nhìn của Thiền thì sự giác ngộ của Phật và giáo pháp của Ngài là ai cũng có thể giác ngộ được, đó chính là điều cốt lõi của Phật giáo. Phần còn lại của giáo pháp, được trình bày trong nhiều kinh sách, chỉ được xem là phụ thuộc.

Kinh nghiệm về Thiền chính là kinh nghiệm Satori và kinh nghiệm này vốn vượt trên mọi thứ tư duy suy luận nên Thiền không quan tâm gì đến sự trừu tượng hay suy luận khái niệm nào. Nó không có nền triết lý nào hay qui định gì đặc biệt , không phải tỏ lòng tin tưởng nơi ai, xa lánh mọi giáo điều và quả quyết rằng, chính nhờ sự tự do thoát khỏi mọi ràng buộc nơi một niềm tin cứng nhắc nào mà mới sinh ra tâm linh đích thực. Hơn bất cứ tông phái phương Đông nào, Thiền tông chủ trương ngôn từ không bao giờ nói lên được thực tại cuối cùng. Thiền phải thừa hưởng sự quả quyết đó của Lão giáo, cũng có một thái độ không biết nhân nhượng đó. Trang Tử nói: “nếu có ai hỏi về Đạo và có ai trả lời, thì người này không hiểu người kia”.

Thế nhưng kinh nghiệm Thiền có thể trao truyền từ thầy qua trò và thực tế nó đã xảy ra qua bao nhiêu thế kỷ bằng nhiều phương thức khác nhau. Thiền được mô tả bằng bốn câu kệ như sau:

 Giáo ngoại biệt truyền, 

 Bất lập văn tự,

 Chi thẳng tâm người,

 Thấy tánh thành Phật.

Cách chỉ thẳng này là cái đặc biệt của Thiền. Nó cũng là dặc trưng của tư duy Nhật Bản, thiên về trực giác hơn lý luận và hay chỉ thẳng vào sự vật cụ thể, không dài lời giảng giải. Các vị thiền sư không hay nói nhiều và coi nhẹ tất cả lý thuyết hay suy luận. Họ phát triển nhiều phương cách để chỉ trực tiếp vào sự thật, với hành động bất ngờ và hồn nhiên không cần ngôn từ. Những phương cách này vạch trần sự nghịch lý của cách suy nghĩ khái niệm và những công án đã nhắc đến chỉ có mục đích chấm dứt tiến trình suy luận, để mở đường cho người học đạo sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm tâm linh. Phương cách này được trình bày trong những thí dụ về đối đáp giữa thầy trò sau đây. Trong những thí dụ trích dẫn từ văn học Thiền này, thường thầy nói rất ít và dùng ngôn từ chỉ để hướng dẫn trò từ bỏ tư duy trừu tượng mà quay về thực tại cụ thể.

Một vị tăng đến đến xin Bồ - Đề Đạt - ma: “ Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con”. “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho”. Sư đáp: “ Con không thấy tâm đâu cả”. Đạt - ma đáp: “Ta đã an tâm cho con”.

Một vị tăng đến thưa với Triệu châu: “Con mới tới thiền viện, xin thầy chỉ giáo cho con”. Triệu Châu hỏi: “Ăn cơm chưa?”. Tăng đáp: “Dạ ăn rồi”. Triệu Châu nói: “Thì rửa bát đi”.

Những lời vấn đáp này làm sáng tỏ một khía cạnh rất tiêu biểu của Thiền. Trong Thiền, sự giác ngộ không hề có nghĩa rút lui khỏi thế gian, mà ngược lại là sự tham gia tích cực trong đời sống hàng ngày. Điểm này rất ăn khớp với tâm lý người Trung quốc, là những người coi trọng đời sống thực tiễn, tích cực, phát triển gia đình, không chấp nhận tính chất khổ hạnh của Phật giáo Ấn Độ. Các vị tổ Thiền Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh Thiền là đời sống hàng ngày, là tâm bình thường như Mã Tổ nói. Các vị đó xem trọng sự tỉnh giác trong những công việc hàng ngày không chỉ là con đường đi đến giác ngộ và bản thân nó là sự giác ngộ.

Trong Thiền thì Satori là sự chứng thực trực tiếp về Phật tính của tất cả mọi sự. Đó là những sự vật, công việc và con người của đời sống hàng ngày mà Thiền, một mặt rất chú trọng đến đời sống cụ thể hàng ngày, mặt khác nó cũng mang không ít tính chất tâm linh huyền bí. Ai sống hoàn toàn tong cái hiện tại và chú tâm tỉnh giác lên mọi công việc hàng ngày, ai đã đạt Satori, người đó sẽ chứng được sự mầu nhiệm và bí ẩn của đời sống trong từng động tác:

Mầu nhiệm thay, bí ẩn thay!!
Ta đi kiếm củi, ta đi múc nước!.

Sự thành tựu của Thiền là sống đời sống hàng ngày một cách hồn nhiên chất phác. Trả lời Thiền là gì, Thiền sư Đại Huệ đáp: “Đói thì ăn, mệt thì nghỉ”. Mặc dù điều này nghe qua thật rõ ràng và đơn giản, như nhiều điều khác trong Thiền, nhưng thực ra đây là một công việc khó khăn.

Tìm lại sự hồn nhiên chân thực của chúng ta là một quá trình tập luyện và là một công trình tâm linh lớn lao. Sau đây là một câu nói nổi tiếng trong Thiền:

Trước khi học Thiền thì núi là núi, sông là sông; trong lúc học Thiền thì núi hết là núi, sông hết là sông; nhưng sau khi giác ngộ thì núi lại là núi, sông lại là sông.

Thiền nhấn mạnh tính hồn nhiên chân thực tất nhiên cũng giống như Lão giáo nhưng gốc của Thiền chính là Phật giáo. Đó là niềm tin nơi sự toàn vẹn của tự tính chúng ta, nơi nhận thức rằng, giác ngộ chỉ là quá trình trở lại những gì ta sẵn có từ vô thủy. Trả lời câu hỏi về Phật tính, có thiền sư nói: “như cỡi trâu tìm trâu”.

Có hai hướng chính trong Thiền tông tại Nhật Bản ngày nay, chỉ khác nhau về phương pháp giáo hóa. Tông lâm tế hay phương pháp đốn ngộ sử dụng công án, là phương pháp đã nói đến trong một chương trước. Trong các cuộc vấn đáp thường xuyên với thầy, học trò bị đòi hỏi phải giải đáp công án. Lời giải cho một công án đòi hỏi một thời gian lâu dài của một sự tập trung cao độ, nó dẫn đến tri kiến chứng ngộ bất ngờ. Một vị thiền sư kinh nghiệm sẽ biết bao giờ thì môn đệ mình dần tới ngưỡng của sự đốn ngộ và dùng một hành động nhất định làm một cú sốc, thí dụ đánh một hèo hay hét một tiếng, mang lại kinh nghiệm của Satori.

Tông Tào Động chủ trương tiệm ngộ, tránh những cú sốc của Lâm Tế và nhắm đến sự chín dần của thiền sinh, “như ngọn gió xuân mơn trớn cành hoa và giúp hoa nở. Họ chủ trương tọa thiền và làm công việc hàng ngày, xem như hai dạng của thiền định.

Cả tông Tào Động và Lâm Tế đều coi trọng phép tọa thiền, được áp dụng nhiều giờ mỗi ngày trong các thiền viện. Ngồi và thở theo đúng cách là điều đầu tiên mà thiền sinh phải học trong phép thiền định quán này. Trong Lâm Tế tông thì tọa thiền nhằm chuẩn bị một tâm thức trực giác cho công án, còn Tào Động tông xem đó là phương tiện đưa đến sự chín muồi nội tâm và sự phát triển hướng đến kinh nghiệm Satori. Hơn thế nữa, tọa thiền được xem là chứng thực của Phật tính, trong đó thân và tâm đã biến thành một thể hòa nhất, không còn gì phải thay đổi nữa. Như một câu thơ Thiền đã nói:

Khi ta ngồi yên tĩnh lặng,

Mùa xuân tới và lá cỏ reo vui.

Vì Thiền cho rằng sự giác ngộ thể hiện trong công việc hàng ngày, nên nó có ảnh hưởng to lớn trong mọi khía cạnh của đời sống truyền thống Nhật Bản. Điều này không những chỉ bao gồm nghệ thuật hội họa, viết chữ, kiến trúc, vườn tược v.v… và các nghệ thuật thủ công khác, mà còn những động tác phép tắc như pha trà, cắm hoa, bắn cung, đấu kiếm và nhu đạo. Mỗi hoạt động đó đều được gọi là đạo, hướng đến giác ngộ. Tất cả đều sử dụng những đặc thù của kinh nghiệm Thiền Tông, nhằm huấn luyện tâm thức để dẫn đến thực tại cuối cùng.

Tôi đã nói đến cử động chậm rãi và phép tắc của trà đạo Nhật Bản, sự cử động hồn nhiên của bàn tay trong ngành hội họa và viết chữ và tinh thần của võ sĩ đạo. Tất cả những nghệ thuật này đều biểu hiện sự hồn nhiên, chất phác và sự tỉnh giác tột độ của tâm, chúng là đặc điểm của đời sống Thiền. Tất cả mọi thứ đó đều đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, thế nhưng trình độ bậc thầy chỉ được đạt đến khi kỹ thuật đó được vượt qua và nghệ thuật chở thành phi nghệ thuật, nó xuất phát tự vô thức. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn