Iii. Những Trước Tác Chính Yếu

10 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13258)


TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN

Nguyên tác: Kakehashi Jitsuen - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức quốc

I. Những Trước Tác Chính Yếu

I.1 Tịnh Độ Thật “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại[1]”

Tác phẩm “Ngự Bổn Điển” còn gọi là “Giáo Hành Chứng Văn Loại” cũng gọi là “Giáo Hành Tín Chứng”. Năm Nguyên Nhân nguyên niên[2] Ngài được 52 tuổi bắt đầu biên soạn tác phẩm nầy. Điều chắc chắn tác phẩm được biên soạn ở tại Kanto vì sau khi Ngài trở về, dù tuổi đã 63 nhưng Ngài nhuận văn lại thật gọn gàng lưu loát, có lẽ đến năm Ngài 74, 75 tuổi, tác phẩm nầy hoàn thành một cách tuyệt hảo. Ngay cả, mãi về sau vẫn còn gọt dũa lại những chỗ khác cho tinh tế hơn và kéo dài cho đến năm 80 tuổi. Thế nhưng, ngày nay duy nhất chỉ còn lại có một bản, chính tay Ngài chép thờ tại chùa Đông Bổn Nguyện[3]. Đúng ra, nữa đời còn lại của mình, Thân Loan tư duy thật kỹ về Niềm Tín và Hạnh Nguyện biên soạn tác phẩm nầy. Nói như thế không ngoa chút nào!

Trong đó, giáo nghĩa của Tịnh Độ Chơn Tông trình bày bốn pháp hồi hướng bằng hai loại văn; một loại văn đặc biệt và một thể loại bình giảng để làm rõ nghĩa thêm. Hơn nữa, trong đó, bổn nguyện và cứu độ cuả Phật A Di Đà được biểu hiện qua giáo lý hồi hướng. Có hai loại hình thức hồi hướng đó là: Vãng Tướng hồi hướng và Hoàn Tướng hồi hướng.

Vãng Tướng nghĩa là để được thoát ra cảnh giới mê muội vãng sanh về Tịnh Độ, tất cả chúng ta phải hành bốn pháp Giáo, Hạnh, Tín, Chứng. Còn Hoàn Tướng nghĩa là một khi khởi tâm đại bi, liễu đạt trí tuệ, giác ngộ viên mãn, dù đang Tịnh Độ, thấy sự khổ não của con người, phát nguyện trở lại cứu độ chúng sanh. Có thể nói rằng đó là kết quả huân tập đầy đủ lòng từ sau khi chứng quả. Vì vậy, dù vãng tướng của chúng ta hay hoàn tướng của Bồ Tát ở cõi Tịnh Độ cũng xuất phát từ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà thị hiện lên. Việc căn bản nhất là chúng ta phải hồi hướng đến bổn nguyện lực của Như Lai qua hai tướng được chia ra rõ ràng.

Như “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” cho biết, bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà là khuyến tấn chúng sanh mau giác ngộ ra khỏi sanh tử mê lầm. Trước tiên, đức Thế Tôn giảng bổn nguyện của Phật A Di Đà đối với chúng sanh trong mười phương ở trong kinh “Đại Thừa Vô Lượng Thọ” về sau “Giáo Văn Loại” bình giảng giáo lý ấy rõ hơn và hướng dẫn pháp môn niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” và thực hành một cách chân thật về việc nầy. Tiếp theo “Hành Văn Loại” bình giải thêm và lý giải rằng kẻ phàm phu chỉ niệm Phật nơi miệng, nhưng những kẻ ấy dù không thực hành vẫn được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn hóa độ. Điều nầy minh chứng hạnh nguyện cao cả và ý nghĩa của Như Lai.

Không nghi ngờ gì nữa về hạnh nguyện của Như Lai, cho nên có tín thọ chân thật mới có được lợi lạc. “Tín Văn Loại” cũng có dạy rằng tín tâm từ Như Lai mà phát sinh cho nên phải có tâm hồi hướng về bản thể, Phật tâm, Đại Bồ Đề Tâm. Hơn nữa đây cũng chính là nhơn giác ngộ và điều nầy hiển bày giáo lý Tịnh Độ qua: Tín, Tâm, Chứng và Nhơn. Đồng thời ai đặt niềm tin vào bổn nguyện mà niệm Phật mỗi khi ngồi xuống, liền được ánh sáng quang minh của Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, liên tục hộ trì, sẽ được thành Phật từ thân thể phàm phu nầy và làm bạn với các bực Thánh. Vị trí ấy gọi là “Chánh Định Tụ”. Ai đạt được “Chánh Định Tụ” sau khi mạng chung trong đời nầy, liền được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cảnh giới giác ngộ, được vãng sanh về cõi Tịnh Độ chơn thật (báo độ), rốt ráo thành Phật gọi là vãng tướng chứng quả. Những bậc Thánh hoàn toàn giác ngộ ấy thấy những kẻ phàm phu còn mê mờ như chúng ta liền khởi tâm đại bi để cứu độ gọi là hoàn tướng chứng quả. Điều nầy được ghi rõ trong “Chứng Văn Loại”.

Hơn nữa cả hai vãng tướng và hoàn tướng đều phát xuất từ tâm Như Lai chân thật và trở về với thế giới Tịnh Độ ghi rõ trong tác phẩm “Chơn Phật Độ Văn Loại”. Giáo lý Phật đà rất chân thật rõ ràng nhưng khi truyền trao qua nhiều thế hệ; không sao tránh khỏi là chỗ dựa của các ngoại đạo tà giáo. Cũng vì ngoại đạo tà giáo ấy cho nên các bậc Tổ Đức mới giảng dạy lý chân thật và dùng những phương tiện có tính cách giáo dục để hóa độ bằng “Thánh Đạo Môn, Yếu Môn và Chơn Môn”. Ý nghĩa đó chính là quyển “Hoá Thân Độ Văn Loại”.

Tác phẩm “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” gồm có Giáo, Hạnh, Tín, Chứng, Chơn Phật Độ, Phương Tiện Hóa Thân Độ gồm 6 quyển phân tích rất rõ ràng về quan điểm Phật giáo và Ngoại đạo tà giáo để hiển bày Thánh Điển. Phương tiện để hướng dẫn con người bỏ tà về chánh quả là việc làm vô tiền khoáng hậu cho nên sự lập giáo của Tịnh Độ Chơn Tông là xây dựng nền tảng căn bản cho Thánh Điển.

Tác phẩm “Hành Văn Loại” và tác phẩm cuối cùng “Chứng Tín Niệm Phật Kệ” có 60 hàng gồm 120 bài kệ. Nửa phần trước là Thế Tôn tán dương “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” và giáo pháp căn bản thiết yếu. Nửa phần sau là bổn nguyện Đức Phật A Di Đà được minh chứng qua ba nước có ảnh hưởng truyền thống: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhựt Bổn[4] và bảy vị Tổ: Long Thọ, Thế Thân, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Nguyên Tín, Nguyên Không giảng giải và liễu ngộ pháp môn Tịnh Độ.

Tác phẩm “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” tóm lược tất cả giáo lý Tịnh Độ Chơn Tông, những điều cương yếu và những bài thơ tán thán, ca tụng về giáo nghĩa Tịnh Độ thâm sâu.

I.2 Tịnh Độ Văn Loại Tụ Sao (1 quyển)

Tác phẩm “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” gọi là “Quảng Văn Loại” có 6 quyển, còn tác phẩm “Tịnh Độ Văn Loại Tụ Sao” nầy chỉ có một quyển mà thôi, cho nên gọi là “Lược Văn Loại” nhưng lại là tác phẩm quan trọng. Thật ra nội dung cũng giống như tác phẩm “Chơn Phật Độ Văn Loại” và “Hóa Thân Độ Văn Loại” được tóm lược nhiều phần lại. Tuy nhiên những câu văn được dẫn chứng trong đây lại là những câu văn hay và rất quan trọng. Bổn nguyện hồi hướng với hai tướng: vãng tướng và hoàn tướng được trình bày đơn giản nhưng rõ ràng vẫn nội dung là Giáo, Hạnh, Tín, Chứng. Tác phẩm “Chánh Tín Niệm Phật Kệ” giống như với “Niệm Phật Chánh Tín Kệ” đã tường thuật ở trên.

Tác phẩm “Tín Văn Loại” có 31 câu hỏi đáp giống như những đoạn hỏi đáp đã được trình bày.

Tín tâm của bổn nguyện là sự phát nguyện bằng ba trạng thái tâm Chí tâm, Tín nhạo và Dục sanh (tâm chí thành, tâm thích thú và tâm ưa muốn). Nếu không nghi ngờ nơi bổn nguyện, mà tín thọ một lòng để trở về với ba trạng thái tâm tức là nhứt tâm. Đó chính là pháp nghĩa, có những điểm rõ ràng giống nội dung của “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại”.

Tác phẩm nầy được hình thành trước hoặc sau để bình giải về “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại”. Thật ra, cần có một thời gian khá dài để viết về “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” sau đó thêm bớt, trau chuốt để đi đến chỗ được hoàn hảo. Còn tác phẩm nầy chỉ lược thuật về đại cương mà thôi.

I.3 Ngu Ngốc Sao (2 quyển)

Tác phẩm đầu xác định rõ vị trí của Phật Giáo là Chơn Tông và cũng giải thích việc dạy riêng ấy gọi là “nhị song tứ trọng”. Đây là sự phân chia thành bốn loại: Thụ Siêu (giải thoát thẳng đứng); Thụ Xuất (ra khỏi thẳng đứng); Hoành Siêu (siêu thoát hàng ngang) và Hoành Xuất (ra khỏi hàng ngang). Những ai dùng tự lực để tỏ ngộ, hoàn thành mục đích của Thánh Đạo, thành Phật ngay bằng thân nầy giống như mở cánh cửa giác ngộ được gọi là tu pháp môn Thụ Siêu (giải thoát ngay). Còn phải trải qua nhiều kiếp tu hành và sau đó mới trở thành bậc Thánh, gọi là tu pháp môn Thụ Xuất (ra khỏi ngay). Thực tế Thụ Siêu là pháp môn, theo lý luận, có khả năng chóng thành Phật. Nhưng trên thực tế phải trải qua hằng nhiều kiếp tu hành mới được.

Vãng sanh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà và mục tiêu thành Phật là pháp môn Tịnh Độ. Nhưng ở trong ấy chỉ có lòng tin về bổn nguyện tha lực để được vãng sanh về báo độ chơn thật. Ngồi đó và trở thành Phật mau chóng gọi là pháp môn Hoành Siêu (siêu thoát ngang). Có con đường thành Phật và có phương tiện hoá độ nhưng không được vãng sanh nếu không có tha lực. Tự lực chính là pháp môn Hoành Xuất (ra khỏi ngang). Trong bốn loại Phật đạo nầy, Tịnh Độ Chơn Tông chính là pháp môn Hoành Siêu. Đây chính là ước nguyện thành Phật đối với những kẻ phàm phu còn nhiều phiền não và cũng là việc tối cao duy nhất của Phật giáo. Đó cũng là một sự luận chứng cho việc giải thoát.

Tác phẩm sau dẫn dụ về “Quán kinh Sớ” và “Tam Tâm Thích” của Thiện Đạo. Ở đó giải thích một cách rõ ràng rằng người ta có thể khảo sát về Tín tâm và hành nghiệp của Tịnh Độ Chơn Tông một cách tinh tế rõ ràng.

Thật sự, tác phẩm nầy được viết vào năm nào không rõ. Vì khi nghe giảng, các đệ tử không ghi chú rõ ràng ngày tháng.

I.4 Nhập Xuất Nhị Môn Kệ

Trong tác phẩm “Tịnh Độ Luận”, Thế Thân giảng về lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán sát và hồi hướng. Thân Loan biên soạn về các pháp tự lợi và lợi tha của Ngũ Niệm Môn để được năm công đức: Cận Môn, Đại Hội Chúng Môn, Trạch Môn, Ốc Môn và Viên Lâm Du Hý Địa Môn bằng thơ kệ để tán thán 74 hạnh chủ yếu. Ngũ Niệm Môn là giải rõ con đường Bồ Tát đạo, nguyện sanh về Tịnh Độ tự lợi và lợi tha, thế nhưng với Thân Loan, đây chỉ là “nguyện lực thành tựu về Ngũ Niệm”. Khi Bồ Tát Pháp Tạng thành tựu pháp tu niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” chúng ta cũng được tự lợi và lợi tha với các đức hạnh ấy. Ngũ Niệm Môn và Ngũ Công Đức Môn là hai cửa nhập (tự lợi), xuất (lợi tha) gọi là nhị môn. Đức tính ấy được tán thán qua những câu kệ trong “Nhập Xuất Nhị Môn Kệ”. Thế nhưng không phải chỉ có vậy mà còn kèm theo giải thích lời dạy của Thế Thân và giải nghĩa của Đàm Loan, Đạo Xước và Thiện Đạo, những người kế thừa về sau tiếp tục giải thích để tán dương công đức nầy. Thật sự không rõ tác phẩm được tường thuật và trước tác vào năm nào nhưng có thể đoán chắc rằng vào năm Thân Loan vào tuổi 83.

I.5 Tam Thiếp[5] Hòa Tán

Hòa tán có nghĩa là hòa ngữ (tiếng nói thuộc về dân tộc Nhật Bản) là những lời thơ ca tán dương công đức Chư Phật. Đặc biệt vào giữa thời kỳ Bình An (Heian) đến thời Kiêm Thương (Kamakura) lưu hành 75 loại, gồm 4 câu một khổ. Kim Dạng (Imango) là những khổ thơ dùng để tán dương công đức chư Phật, trong đó Hòa Tán của Thân Loan là một. 

Hơn nữa, Hòa Tán của Thân Loan gọi là “Lời Ca Tụng Dịu Dàng”. Ngày xưa hầu hết kinh điển đều viết bằng Hán Văn. Chư vị Tổ Sư bình giải thích ra lối văn nhẹ nhàng dễ hiểu. Sự thật, Hòa tán của Thân Loan chắc chắn cũng phải nương vào văn phong của những câu kinh được giải thích ấy.

Hòa Tán của Thân Loan hơn 500 khổ thơ, trong đó có “Tịnh Độ Hòa Tán”, “Cao Tăng Hòa Tán”, “Chánh Tượng Mạt Hòa Tán” và đặc biệt có “Tam Thiếp Hòa Tán”. Trong tu tập hằng ngày, hàng đệ tử của Chơn Tông đều dùng đến những loại nầy. Ngoài ra, còn có gần 200 khổ thơ Hòa Tán khác dùng để ca ngợi về công đức của Thánh Đức Thái Tử. “Tịnh Độ Hòa Tán” rất hay, “Tán A Di Đà Phật Kệ” của Đàm Loan cũng gọi là “Tán A Di Đà Phật Kệ Hòa Tán”. Ba bộ kinh Tịnh Độ được soạn thành hòa tán; đó là “Đại Kinh Tán”, “Quán Kinh Tán” và “A Di Đà Kinh Tán”. Những Kinh Điển tán thán Đức Phật A Di Đà như “Chư Kinh Hòa Tán, Hiện Thế Lợi Ích Hòa Tán”, “Thế Chí Hòa Tán” v.v…, đều được tóm gọn lại trong những lời ca tụng ấy. “Cao Tăng Truyện” chính là những pháp nghi của Tịnh Độ Chơn Tông được truyền qua từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản bởi các vị tổ sư như Long Thọ, Thế Thân, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Nguyên Tín, Nguyên Không với nội dung tán dương công đức chư Tổ. Ngoài ra, phần sau của “Chánh Tín Niệm Phật Kệ” tán dương ca ngợi rộng rãi bằng lối hòa tán nầy.

“Chánh, Tượng”, “Mạt Hòa Tán” khi đức Thế Tôn còn tại thế chia Phật Pháp ra làm ba thời kỳ đó là: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Thời kỳ nầy là thời kỳ Mạt pháp rất hiếm có người tu được chứng quả. Sống trong thời kỳ nầy, chúng ta là những kẻ phàm phu chỉ được cứu độ qua bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà mà thôi. Bổn nguyện cứu độ ấy là niềm vui được thân nầy. Vì cảm niệm ân đức cao dày và lòng từ bi vô hạn của Như Lai; tôn kính ân đức chư vị Tổ Sư Tịnh Độ, Ngài đã sáng tác hòa tán để ngưỡng vọng và tán dương. 

Nếu còn nghi ngờ về bổn nguyện, có “Giới Nghi Tán”[6]. Tác phẩm có 11 khổ tán thán và ngưỡng vọng Thánh Đức Thái Tử gọi là “Hoàng Thái Tử Thánh Đức Phụng Tán”. Tất cả điều ngu muội của tự thân và suy đồi của các giới trong Phật Giáo được biểu hiện một cách bi thảm trong “Ngu Ngốc Bi Thán Thuật Hoài”. Trong bản Hòa Tán về Thánh Đức Thái Tử còn thấy sót lại, còn thêm vào “Thiện Quang Tự Hòa Tán” nữa. Tất cả những hòa tán bên trên được gọi là “Chánh Tượng Pháp Hòa Tán”. Ngoài ra, vào năm Văn Minh[7] thứ 5 Liên Như cho khắc bảng hòa tán “Văn Minh Bản” và cuối cùng là “Tự Nhiên Pháp Nhĩ” những lời dạy được gọp chung vào thành hai loại hòa tán.

Trong “Tam Thiếp Hòa Tán” gồm “Tịnh Độ Hòa Tán” và “Cao Tăng Hòa Tán” là những tác phẩm viết nháp lúc Thân Loan 76 tuổi; nhưng bản “Chánh Tượng Mạt Hòa Tán” được hình thành vào năm Ngài 85 tuổi theo thứ tự thời gian.

I.6 Ba Kinh Tịnh Độ Vãng Sanh Văn Loại (1 quyển)

Tác phẩm cũng còn gọi là “Ba Kinh Vãng Sanh Văn Loại” có hai bản lược giảng rộng. Bản giảng rộng có bản đính chánh, tăng thêm của phần giản lược bớt. Còn Ba Kinh Vãng Sanh gồm có: Đại Kinh Vãng Sanh, Quán Kinh Vãng Sanh và A Di Đà Kinh Vãng Sanh. Đại Kinh Vãng Sanh chính là làm hiển bày pháp nghi của sự chân thật. Quán Kinh Vãng Sanh và A Di Đà Kinh Vãng Sanh là hai bản kinh hiển thị những pháp môn phương tiện.

“Đại Kinh” chính là “Đại Vô Lượng Thọ Kinh”. Đây gọi là Kinh Chân Thật, vì lẽ Đức Thích Tôn giải thích rõ ràng lời thệ nguyện thứ 18 cứu độ chúng sanh, đặc biệt trong đó có bổn nguyện chân thật của Đức Phật A Di Đà. Kinh chân thật nầy thuộc về Giáo, nội dung vượt lên khỏi tư duy của con người, một khi đã tin và niệm danh hiệu Phật A Di Đà tức thời được thành Phật, chắc chắn đạt được ngôi vị Chánh Định Tụ, cuối cùng vãng sanh Tịnh Độ chơn thật và sẽ hoàn thành giác ngộ như Đức Phật A Di Đà. Cũng gọi là Nan Tư Nghì Vãng Sanh, bởi vì vượt lên trên trí hiểu biết bình thường và sự suy nghĩ bình thường của con người. Thế cho nên gọi là Đại Kinh Vãng Sanh. Nói rõ hơn, đây chính là hai tướng hồi hướng thuộc bổn nguyện lực gồm vãng tướng hồi hướng và hoàn tướng hồi hướng. Nội dung của vãng tướng hồi hướng là Hạnh, Tín, Chứng như đã được giải thích đơn giản rõ ràng rồi.

Quán Kinh chính là bộ kinh gồm hai phương diện của “Ẩn Ảnh” và “Hiển Thuyết” giống như Đại Kinh về pháp nghi chân thật. “Ẩn” có nghĩa là ẩn hình không nói ra. Còn “Hiển” có nghĩa là phơi bày rõ ràng. Khi tâm yên ổn quán niệm về Như Lai thì gọi là định thiện. Khi tâm tán loạn cần phải dừng những việc xấu ác lại để được thiện chính là hiển bày nguyên nhơn vãng sanh của tán loạn thiện. Đức Thích Ca Như Lai giải thích rất rõ điều nầy nơi lời nguyện thứ 19, có tính cách giáo dục cho những ai chưa thuần thục và chấp trước vào tự lực của mình. Cả những hành giả tu hành về tán loạn thiện và định thiện bằng sự tự lực khi lâm chung vẫn được chư Bồ Tát đến nghinh tiếp và nương tựa phương tiện hóa độ của Phật mà vãng sanh. Phương tiện hóa độ vãng sanh nầy cũng có thể nói là vãng sanh dưới gốc cây Sa La Song Thọ, nơi hai cây Sa La, chỗ mà Đức Thích Tôn nhập diệt lúc Ngài 80 tuổi. Kinh nầy cũng có thể nói là “Quán Kinh Vãng Sanh”. Ở cõi Tịnh Độ cũng thế, Đức Phật A Di Đà vì phương tiện hóa độ để phù hợp với căn cơ trình độ những kẻ chưa thành thục phải hóa hiện ra hóa thân Phật, chẳng phải là Đức Vô Lượng Thọ Phật khi nhập diệt. Điều nầy giống như Đức Thế Tôn nhập diệt để hóa độ. Sự nhập diệt của Ngài như ta thấy là sự vãng sanh mà sự vãng sanh ấy xảy ra nơi Sa La Song Thọ.

Cả Kinh A Di Đà lẫn Quán Kinh đều giống nhau chỗ ẩn và hiển. Ẩn hình có nghĩa là chư Phật tán thán việc niệm Phật vãng sanh nhờ vào tha lực. Đây là điều dạy có tính cách bí mật. Còn hiển có nghĩa là dùng tự lực để niệm Phật. Hẳn nhiên, còn nhiều nghi vấn về tự lực niệm Phật và tha lực của bổn nguyện nhưng chính mình cứ nổ lực tu hành qua pháp xưng danh hiệu, qua việc tích chứa công đức và qua công đức niệm Phật, Như Lai sẽ đến cứu độ. Đây gọi là sự niệm Phật với tâm nghi ngờ. 

Lại nữa với những ai tinh thần được tập trung và tâm không loạn động, phút lâm chung vẫn tiếp tục xưng niệm danh hiệu, chắc chắc được tiếp dẫn vãng sanh về Tịnh Độ theo công đức tu tập dày mỏng qua niềm tin và hạnh niệm Phật. Thế nhưng cõi Tịnh Độ hiện bày trước mắt không phải là cõi Tịnh Độ chơn thật, mà chính đó là hóa thành và thai cung được biểu hiện qua hóa độ. Kẻ vãng sanh qua phương tiện hóa độ chính họ mong muốn Đức Như Lai trợ giúp giáo hóa; vì chính họ không có khả năng tự lực. Thân Loan gọi sự vãng sanh bằng phương tiện hóa độ nầy là “Nan Tư Vãng Sanh”[8] và cũng gọi là “A Di Đà Kinh Vãng Sanh”. Khi gặp pháp chơn thật và Nam mô A Di Đà Phật là dựa vào tâm bổn nguyện ấy và chính tự lực xưng niệm của kẻ kia được vãng sanh nên gọi là Nan Tư Nghì Vãng Sanh và ở đây chữ “Nghì” được lược bớt đi.

Giáo lý chân thật của Tịnh Độ Chân Tông và giáo lý phương tiện hóa độ được trình bày lại một cách dễ hiểu qua “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” gồm năm quyển phía trước. Đồng thời “Đại Kinh Vãng Sanh” cũng được tóm tắt nội dung trong tác phẩm “Hóa Thân Độ Văn Loại” cũng như được giải thích rõ ràng ở các kinh “Quán Kinh Vãng Sanh” và “A Di Đà Kinh Vãng Sanh”.

I.7 Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn (2 quyển)

“Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn” là bình giảng rộng hơn của hai tác phẩm “Tôn Hiệu” cũng có nghĩa là “Danh Hiệu”. “Chơn Tượng” giải thích những bức tượng của chư vị Tổ sư vẽ bằng mực và “Minh Văn” là những bài viết bên trên hay bên dưới những bức họa trong đó có những bài văn và kinh luận nhằm để tán thán ca ngợi chư vị Tổ sư, như dưới các bức họa của Long Thọ và Thế Thân. “Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn” là những lời giải thích một cách đơn giản dễ hiểu tập trung những lời văn ca tụng ở dưới những bức họa ấy.

“Tôn Hiệu” cũng được hiểu là chính Thân Loan nói trong “Ngu Ngốc Thân Loan Kính Tín Tôn Hiệu” Bản thân Thân Loan kính tín bổn tôn và tôn xưng bổn tôn ấy nên viết “Danh Hiệu Bổn Tôn”. Thân Loan tự tay mình viết danh hiệu bổn tôn gồm 10 chữ đó là “Quy Mệnh Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai” và 8 chữ: “Nam Mô Bất Khả Tư Nghì Quang Phật” hoặc 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thế nhưng ở đây còn thấy được thêm về những chú thích của minh văn nữa. Chắc rằng 10 chữ đuợc truyền lại ở chùa Chuyên Tu thuộc Bổn Sơn Takada minh chứng cho điều ấy. Thế nhưng chân tượng lại chỉ cho cái gì đó thật ra không ai rõ, hoặc giả trong đó có thể hiểu là những bài viết hoặc bức họa thuộc Quang Minh Bổn Tôn chăng? Thế nhưng có một đoạn chú thích ở “Hòa Triều Ngu Ngốc Thích Thân Loan Chánh Tín Kệ Văn” và “Chánh Tín Kệ” cũng có thể là bức vẽ vào lúc Ngài đã 83 tuổi gọi là “An Thành Ngự Tượng” hình nầy có thể thuộc về hệ thống ấy.

Tác phẩm nầy tóm lược còn một quyển và bản lớn có hai quyển được tăng thêm và bản lược không còn nữa như “Thủ Lăng Nghiêm Kinh” và “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” cùng với “Tịnh Độ Luận” và những bài văn lễ tán dương công đức Thánh Đức Thái Tử. Hiện còn đúng dấu tích là bản lược lúc Ngài 83 tuổi, giống như chân tích của bản lớn vào năm Ngài 86 tuổi.

I.8 Nhứt Niệm Đa Niệm Văn Ý

Với Thân Loan - Văn ý gồm hai tác phẩm “Niệm Đa Niệm Văn Ý” và “Duy Tín Sao Văn Ý”. Quyển đầu giải thích những thể tài trong quyển “Nhứt Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự” của Loan Khoan và quyển sau là “Duy Tín Sao” của Thánh Giác. Vì hai tác phẩm nầy dùng ý văn để bình chú những quyển trên nên gọi là “Văn Ý”. 

Thân Loan, học trò của Pháp Nhiên cho nên đặc biệt đối với hai tác giả trên, rất tôn kính vì chân ý của Pháp Nhiên được truyền trì lại. Những thư từ sách vở của hai vị nầy được những học trò đệ tử giữ gìn rất trang trọng. Đương thời “Nhứt Niệm Đa Niệm” được bàn luận rất sôi nổi. Hơn nữa có sự phê bình rất cao về tín tâm của bổn nguyện cũng như phương pháp tiếp nhận pháp môn niệm Phật được những môn đệ ở Kanto viết rất rõ trong “Nhứt Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự”. Trong đó, cũng có trích dẫn những lời văn chú thích của các kinh và được thêm vào trong tác phẩm nầy.

Thế nhưng, khi xem nội dung nửa phía trước của “Nhứt Niệm, Đa Niệm” cũng không khác mấy với sự quyết định vãng sanh với một niệm được chứng minh qua 14 chữ. Đặc biệt, Pháp Nhiên hay Long Khoan chẳng những không buông bỏ niềm tin của một niệm mà còn tin mạnh hơn nữa. Họ giải thích rõ ràng hơn về quan điểm “Hiện Sanh Chánh Định Tụ” mà tư tưởng và vị trí của Thân Loan được biết rõ tại điểm quan trọng nầy. Nửa phần sau của “Đa Niệm” cũng nói về đa niệm vãng sanh, chẳng sai biệt tí nào. Với việc nầy, lấy ra 8 chữ để chứng minh. Như vậy từ Thân Loan, sự truyền thừa về những pháp nghĩa của việc chuyên tu niệm Phật dầu là “Nhứt Niệm Vãng Sanh” có phủ định về đa niệm vãng sanh và ngược lại đa niệm vãng sanh cũng có phủ định nhứt niệm vãng sanh; nhưng đó là điều chẳng phải đáng nói mà nhứt đa (một hay nhiều) cũng mang được bổn nguyện của kẻ tín tâm niệm Phật và việc nầy Pháp Nhiên đã kết luận nơi “Niệm Phật Vãng Sanh” rồi.

Bản viết tay nguyên thỉ của Thân Loan là bản còn giữ lại được nơi Đông Bản Nguyện Tự (Higashi Honganji). Đó chính là lúc 85 tuổi vào năm Khang Nguyên[9] thứ II viết ra. Thế nhưng đến năm Kiến Trường thứ 8 dưới hình của Tánh Tín (Thiện Loan nghĩa tuyệt trạng)[10] đã được viết ra. Đây chính là được viết trước đó, phải rõ như vậy. Đối với sách nầy “Nhứt Niệm Đa Niệm Chứng Văn” là tựa sách được viết vào thời Thất Đinh và tên gọi nầy chỉ có một quyển mà thôi.

I.9 Duy Tín Sao Văn Ý (1 quyển)

Một trong những cao đệ thuộc hàng đệ tử lớn của Pháp Nhiên là Thánh Giác (Seikaku), người trích dẫn và chú thích những bản kinh trọng yếu trong “Duy Tín Sao”. Khi Thân Loan còn ở Kanto, Thánh Giác trực tiếp viết quyển “Duy Tín Sao” nầy và gởi cho Thân Loan. Thỉnh thoảng các môn đệ ở Kanto cũng đọc và viết trả lời lại. Thực sự, các môn đệ của Thân Loan đọc rất nhiều lần và thuộc làu tác phẩm nầy. Bởi vì “Thán Dị Sao” những lá thơ họ viết đều có phần nào ảnh hưởng tác phẩm nầy.

Về chú thích - đầu tiên nói về tựa đề “Duy Tín Sao”. Vì đây là một tác phẩm nhằm giải thích tỉ mỉ những câu văn đã được trích dẫn, mà những trích dẫn ấy là những câu văn trong “Ngũ Hội Pháp Sự Tán” của Pháp Chiếu (Hotsusho), “Văn Pháp Sự Tán” của Thiện Đạo và kinh văn của ba tâm thuộc “Quán Kinh”. “Tán Thiện Nghĩa” của Thiện Đạo. Có những câu văn chú thích thật chân thành như trích dẫn văn của Từ Mẫn (Jimin) trong “Ngũ Hội Pháp Sự Tán”. Văn nguyện thứ 18 trong “Đại Kinh”; văn thuộc về phi quyền phi thật trong “Pháp Hoa Kinh”. Còn lấy từ cách hành văn của “Quán Kinh” tiếp tục giải thích để trở thành “Duy Tín Sao”. Chính Thân Loan thấy biết rõ ràng trong “Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn” và “Nhứt niệm Đa Niệm Văn Ý”. Có thể đây là những Thánh giáo quan trọng thuộc về tư tưởng tín ngưỡng của Thân Loan khi tuổi về già.

Hiện còn bút tích được lưu giữ tại chùa Chuyên Tu thuộc Bổn Sơn Takada cho biết vào ngày 11 tháng giêng năm Khang Nguyên thứ 2 và cùng năm ấy ngày 27 tháng giêng, Thân Loan đã 85 tuổi mới viết sách nầy. Thế nhưng năm Kiến Trường thứ 2, lúc ở tuổi 78, bản chánh được viết rồi và đó chính là bản viết tay cũ nhất. Việc tuyển thuật được ghi lại như trên.

I.10 Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức (1 quyển)

Thân Loan những năm về già ở Kanto được các môn đệ các nơi thu thập những pháp ngữ và những thư từ liên quan đến đời sống gom thành nhiều loại cho đến mãi một thời gian sau khi Ngài mất việc gom góp, biên tập ấy vẫn tiếp tục. Trong đó gồm có “Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức Tập” 18 hạng mục. Bản của Thiện Tánh (Zensho) về “Ngự Tiêu Tức Tập” 6 hạng mục. “Huyết Mạch Văn Tập” 5 hạng mục. “Hiển Trí Thượng Nhơn Thơ Tả Tiêu Tức” 2 hạng mục. “Mạt Đăng Sao” 22 hạng mục v.v… Đó là những tác phẩm chính. Gần đây đã công bố những lá thư viết tay của Thân Loan và những bản cũ nhất như “Nguyên Điển Bản Thánh Điển” (tức Tịnh Độ Chơn Tông Thánh Điển Nguyên Điển Bản) gồm 43 hạng mục để góp vào “Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức” mà đã thu nhập và biên tập thêm vào. Dĩ nhiên ở đây cũng giống như bản “Chú thích Bản Thánh Điển”.

Qua phần Tiêu Tức và Pháp Ngữ ấy những môn đệ ở Kanto cho thấy về những trạng huống và những hình ảnh nổi trôi ghi rõ những hành động và tín tâm của Thân Loan khi tuổi đời xế bóng. Đối với sự kiện Thiện Loan, trong môn đệ của họ nổi loạn như thế nào và ý nghĩa của việc xử phạt bằng cách Thân Loan dứt tình cha con với Thiện Loan, khổ sở biết bao. Những điều nầy được làm sáng tỏ qua thơ văn viết lại về đời sống của Thân Loan. Ngoài ra lúc 86 tuổi, qua ngôn ngữ trí tuệ ở tại Hạ Dã Cao Điền (Shimotsuke) nói pháp trong “Tự Nhiên Pháp Nhĩ” và đây cũng là những lời dạy gần gũi sâu xa nhất đối với Tịnh Độ Chơn Tông.

I.11 Huệ Tín Ni (Eshinni) Tiêu Tức (1 quyển)

Một năm sau kể từ khi Thân Loan viên tịch, Huệ Tín, người bạn đời của Ngài, nhận được tất cả 8 lá thơ từ Giác Tín, người con gái út và biên tập tập sách nầy trong vòng 6 năm, kể từ năm Hoằng Trường[11] thứ 3 cho đến năm Văn Vĩnh[12] thứ 5. Ngoài ra, Huệ Tín cũng soạn hai lá “Hộ Trạng” và “Đại Kinh” bằng lối đọc theo âm Nhật Bản (Hiragana), mà trong “Nguyên Điển Bản Thánh Điển” có lược qua. Nói chung tất cả đều còn giữ lại bản chính tại chùa Tây Bổn Nguyện (Nishi Honganji).

Năm Kiến Trường thứ 6, 7 Thánh Nhơn 82, 83 tuổi, Huệ Tín cũng đã già, bà giã từ Kyoto lui về Việt Hậu (Etsugo) sống chung với bốn người con gái. Cuối cùng, bà mất tại nhà của Tiểu Hắc (Oguro), người con gái. Bà được cấp đất đai để ở nhưng con cháu còn lại chẳng được nuôi dưỡng nên người.

Trong thư, Giác Tín báo cho bà biết thân phụ Thân Loan đã vãng sanh. Những ngày sau đó, bà bắt đầu biên soạn từng phần cuộc đời bà. Đầu tiên, bà xác chứng đời Thân Loan thật là ý nghĩa. 

Thứ nhứt, khi ở tại Tỷ Duệ Sơn và lúc ra khỏi Lục Giác Đường tham học, Thân Loan mộng thấy Pháp Nhiên nên Thân Loan hồi tâm. Đây gọi là điểm chính nổi bật về niềm tín của Thân Loan. 

Thứ hai, lúc ở tại Thường Lục, bà thường mộng thấy Pháp Nhiên là hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí và Thân Loan là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm và giữ kín giấc mộng vì tin rằng Thân Loan chính là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, về sau, bà có cho con gái biết. 

Thứ ba, vào năm Khoán Hỉ[13] thứ 3 Thân Loan 59 tuổi bị bịnh vì 17 năm trước, vào năm Kiến Bảo[14] thứ II lúc 42 tuổi ở tại Thượng Dã Quốc Tá Quán (Kozuke Kuni Sanuki), Ngài có phát nguyện đọc tụng 1000 bộ của ba bộ kinh, nhưng chỉ trong 4 đến 5 ngày sau nghĩ lại và dừng nghỉ. 

Hẳn nhiên, trong đó bà cũng ghi lại tại sao Thân Loan ngừng việc đọc tụng kinh điển; tại sao rời Thường Lục về Kanto; ai mời ngài v.v.. 

Ngoài ra, qua cuộc đời Huệ Tín, chúng ta thấy bà chính là người niệm Phật rất thâm tín và đồng thời qua ngòi bút của bà, chúng ta biết rõ cả mẹ lẫn con gái đều trải qua cuộc đời tình ái thật đẹp.

I.12 Thán Dị Sao (1 quyển)

“Thán Dị Sao” do Duy Nhiên (Yuien), một trong những đệ tử biên soạn tại Thường Lục thuộc Hà Hòa Điền. Sau khi Thân Loan mất, có nhiều dị nghị phát sanh ở trong hàng đệ tử. Để trấn tỉnh và an tâm họ, Duy Nhiên biên soạn thán nầy. Đây là những pháp ngữ soạn ra để nói rõ niềm tin về tha lực của Thân Loan, ngõ hầu giúp kẻ hậu học lấy làm kim chỉ nam, như được tường thuật nơi lời nói đầu.

Bản văn chính chia ra 18 điều. Nửa phần trước có 10 điều ghi lại những pháp ngữ (lời giáo huấn) của Thân Loan. Nửa phần sau là những đoạn ngắn có 8 điều còn lại, trích ra những phê phán và dị nghị của người đương thời. Những lời giáo huấn của Thân Loan ở nửa phần trước là tiêu chuẩn song nửa phần sau là những lời than thở dị nghị và phê phán mà thôi. Song phần nửa sau cũng có ghi lại pháp ngữ của Thân Loan. 

Tóm lại: “Niềm tín của Thân Loan cũng là niềm tin của Pháp Nhiên. Tuy hai nhưng là một”. Đồ chúng của Pháp Nhiên bàn luận xôn xao về tín tâm giống hay khác. Nhưng cuối cùng đi đến hai việc rất tâm đắc đó là: tín ngưỡng phụng trì Thánh Giáo và kính ngưỡng của Thân Loan. Theo tôi nghĩ (tác giả Kakehashi) cả hai giống nhau không khác tí nào đó là từ bi chân thành và cứu độ chân thật. Hầu như cả hai đều tràn đầy tâm đại bi trong bổn nguyện và chí thành chí kính niệm Phật. Bản văn nầy được viết xong với những bản phụ khác vào thời kỳ pháp nạn điên đảo dưới thời Thừa Nguyên.
 

[1] Gồm 6 quyển
[2] Năm 1224
[3] Higashi Hongaji
[4] Dịch giả: thiếu Việt Nam và Đại Hàn
[5] Chữ thiếp có nghĩa là lấy lụa để viết chữ vào lụa. Vì ngày xưa chưa có giấy.
[6] Giới nghĩa là giải thích cặn kẻ về những điều nghi ngờ
[7] Nhằm năm 1473
[8] Vãng sanh khó nghĩ bàn
[9] Nhằm vào năm 1257
[10] Thơ gởi cho con trai là Thiện Loan, đoạn tuyệt tình nghĩa cha con.
[11] Nhằm năm 1263
[12] Nhằm năm 1268
[13] Nhằm vào năm 1231
[14] Nhằm vào năm 1214

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn