Chương 9: Giá Trị Tri Và Hành

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 13460)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 9: Giá trị tri và hành

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Những người học rộng nghiên cứu nhiều, yêu mến đạo thì đạo khó lãnh hội. Những người thủ chí hành đạo thì đạo đó vĩ đại.

II. LƯỢC GIẢI

Nội dung của chương này, Đức Phật đề cập đến hai vấn đề chính. Một là điều kiện cần và đủ, được và mất để lãnh hội đạo. Hai là đại đạo cần phải do thực chứng. Mọi ngôn thuyết suông chỉ làm người học xa rời bản chất giải thoát của đạo mà thôi.

Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung, tưởng cũng nên nhắc rằng, khái niệm “đạo” trong chương này cũng chính là định nghĩa về đạo được đề cập ở chương 2: “Vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng, không do trải qua các quả vị mà bản thể nó vẫn cao tột. Đó là Đạo”. Như vậy, khái niệm Đạo trong kinh này, chúng ta có thể hiểu là chánh pháp vô thượng, là Niết bàn diệu tâm, là chân như thật tính v.v… Nói chung, đạo là lý tính tuyệt đối, ly khai các phạm trù, các đối tính như: bất động, bất tĩnh, bất tăng, bất giảm. Xác quyết đạo với nội dung ý nghĩa nguyên thủy của kinh này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu chính xác ý thú của nó.

1.- Vị trí của bác học đa văn

Xác định vị trí của bác học đa văn trong chương này cũng chính là xác định vị trí của một học giả, tri giả, thuyết giả trong Phật giáo. Trong Phật giáo, người bác học đa văn, giỏi nội điển, thông ngũ minh cũng không kém phần quan trọng. Vì đạo Phật là đạo của trí tuệ, đề cao trí tuệ, và sống đúng, sống theo sống hợp với trí tuệ. Nhưng giá trị cao hơn, quan trọng hơn và quyết định con đường tu tập của người học Phật lại là thực nghiệm chánh pháp. Thực nghiệm sẽ dẫn đến thể chứng. Thực chứng mới giải quyết được vấn đề sinh tử luân hồi, cởi ách triền phược phiền não.

Trong một cuộc bàn thảo, đàm đạo giữa tôn giả Sariputta với hai tôn giả Savittha và Maha Kotthita, cả ba tôn giả không có sự nhất trí khi phân định giá trị của tri, hành và chứng. Tôn giả Sariputta cho rằng thực hành (kiến chí) là thù diệu nhất, vì tuệ căn được tăng trưởng. Tôn giả Savittha lại cho tri (tín giải) là thù diệu hơn hết, vì tín căn được tăng trưởng. Còn tôn giả Kotthita chỉ chấp nhận chứng (thân chứng) là siêu tuyệt, vì định căn được tăng trưởng. Nhưng khi hội kiến Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng: “Thật không dễ gì trả lời một chiều cho hạng người nào là hy hữu, là thù diệu nhất trong ba hạng. Nhưng nên nhớ rằng, hạng người kiến chí là hạng người đang hướng đến A la hán, còn hạng tín giải là hạng nhất lai hay bất lai.”[1] Ở đây, Đức Phật xác định nếu ở hiện tại thì vị trí của tri, hành, chứng ngang nhau, nhưng ở quả vị thì chúng khác nhau về thời gian.

Kinh Tăng Chi, Đức Phật còn gọi người bác học đa văn về Phật học là người xây dựng được cơ bản: “Những người nào học rộng nghiên cứu nhiều, thông hiểu các tập Kinh Nikaya, thường tham vấn học hỏi, trau dồi pháp nghĩa để khai mở những gì chưa biết và giải quyết mọi nghi vấn. Hạng người như vậy được gọi là người đã xây dựng được cơ bản.”[2] Đức Phật còn xác quyết người bác vấn đa văn Phật học là quý hiếm: “Này các Tỳ kheo, số ít là các chúng sinh học rộng hiểu nhiều pháp và luật của Như Lai thuyết. Số nhiều là các chúng sinh không thông hiểu.”[3] Trong các kinh Bắc truyền, Đức Phật khai thị rằng một trong các yếu tố chính yếu để hình thành trí tuệ là đa văn, và đa văn còn là nhân tố ly khai quả dị thục của bát nạn: “Thường ở trước chư Phật. Tham học các pháp môn. Nhờ đó trí tuệ tăng. Chẳng sinh nơi bát nạn.”[4] Từ đó, Đức Phật khuyên chúng ta nên trau dồi đa văn, trước khi tầm cầu trí tuệ: “Những ai cầu trí tuệ, nên tu tập chánh pháp. Nếu hay học chánh pháp. Thành Phật, việc chẳng khó.”[5]

Ở Kinh Nikaya, Đức Phật tuyên bố tác hại to lớn của một vị có uy danh trong giáo hội lại thiếu đa văn, tăng trưởng ác, tà kiến: “Người này sẽ đem lại bất hạnh cho đa số là bậc kỳ cựu, xuất gia lâu ngày, nhiều người biết đến, nhiều người tôn trọng… vậy mà vị ấy thiếu bác học đa văn, có tà kiến, có tri kiến điên đảo. Cũng vì sự tín nhiệm của vị ấy mà xa rời diệu pháp, chấp nhận phi diệu pháp.”[6] Ở kinh này, Đức Phật còn dạy thông học thuyết nội minh sẽ dẫn đến thành tựu chánh tri kiến giải thoát: “Này các Tỳ kheo, Thánh đệ tử đa văn giữ gìn những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đạo thánh, phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp do nghiên cứu nhiều đã nắm giữ, ghi nhớ, đọc tụng nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nên chánh kiến.”[7] Trong một pháp thoại khác, Đức Phật còn nêu ra năm lợi ích của đa văn, trong đó sự bất thoái trong chánh pháp là chính: “Này các Tỳ kheo, người học rộng nghiên cứu nhiều được năm lợi ích sau: 1/ Biết những gì chưa biết. 2/ Làm trong sạch những gì được biết. 3/ Đoạn trừ các nghi hoặc. 4/ Tạo nên tri kiến chánh trực. 5/ Làm tâm bất thoái.”[8]

Như vậy, chúng ta thấy bản thân của sự học rộng nghiên cứu nhiều hay lão thông nội minh Phật giáo là rất cần thiết và đáng quý trọng. Nhưng tại sao trong bản văn kinh này, Đức Phật lại dạy: “Những người học rộng, yêu mến đạo thì đạo khó lãnh hội”? Như vậy, lời dạy này có mâu thuẫn của câu Phật ngôn: “Biết thỉnh giáo, học hỏi chánh pháp, học hỏi thiện ngôn sẽ tăng trưởng thiện,”[9] hay không? Chúng ta có thể trả lời rằng không có gì là mâu thuẫn, nếu chúng ta quan niệm đa văn Phật học như một điều thỏa mãn tri thức suông. Hay nói đúng hơn, câu Phật ngôn nhằm xác định tác hại nhất định của tri mà thiếu hành mà thôi.

Đối với người tri mà thiếu hành, Đức Phật phê phán rất nhiều. Có lúc, Đức Phật ví họ như loài chuột đào hang nhưng không ở, uổng công vô ích: “Có hạng người thuộc lòng nhiều pháp, giảng thuyết nhiều pháp, nhưng không thực hành Tứ diệu đế. Ta gọi đây là hạng người đào hang nhưng không ở.”[10] Lần khác, Đức Phật bảo đó là người có sấm nhưng không mưa: “Có hạng người nói nhưng không làm, đó là hạng người có sấm không mưa.”[11] Và chính thái độ biết để mà biết, không ứng dụng vào thực nghiệm, vào cuộc sống tu tập, dẫn đến nhiều sự vụng về trong hành vi, trong nếp nghĩ, tri hành trái nhau, cuối cùng bị phiền não chinh phục, đau khổ, nên Đức Phật mới bảo là xa với Đạo.

2.- Vị trí của hành pháp

“Ta là Phật đã thành. Các con là Phật sẽ thành. Trong lộ trình giác ngộ, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Trong đại dương luân hồi, các con hãy tự mình lội vào bờ giải thoát. Các con là hải đảo của chính mình, Đức Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc”. Lời dạy này ngụ ý nói rằng chỉ có con đường thực hành chánh pháp mới có khả năng đưa con người đến giải thoát. Ở Kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng dạy tương tự: “Tâm Như Lai là tâm đại bi. Hạnh Như Lai là hạnh vô úy, luôn giáo huấn cho chúng sinh trí tuệ giác ngộ. Đức Như Lai là đạo sư của chúng sinh. Các người phải học hỏi, thực hành giáo pháp của Như Lai.”[12]

Thật vậy, Đức Phật chỉ là bậc đạo sư chỉ dạy cho chúng ta con đường, công thức tu tập giác ngộ, nhưng muốn thưởng thức hương vị giải thoát, hành giả phải tự mình thực nghiệm về tu chứng. Sự công phu tu tập được xem là những thân giáo điển hình nhất. Vì thế, người làm công tác giáo dục hay hoằng pháp lợi sinh cần phải có quá trình tu tập. Không mô phạm trong tu tập, dù có học rộng nghiên cứu nhiều, giảng hay thuyết giỏi vẫn không thu phục nhân tâm để họ thực hành chánh pháp. Sự mô phạm có giá trị gấp trăm lần những lời huấn hổ suông. Là học giả mà thiếu yếu tố hành giả, Tổ Huệ Năng gọi đó là “Thuyết thông nhưng tâm không thông”. Còn Đức Phật thì gọi là sống phi chánh pháp.

Những ai suốt ngày mài dò 9 bộ kinh để học thuộc lòng pháp. Những ai thuyết pháp cho người khác một cách rộng rãi, phong phú. Những ai tham cứu rộng, lão thông nhiều… nhưng phế bỏ đời sống an tịnh, không nỗ lực, chuyên chú nội tâm an tịnh. Đó là hạng người thông đạt kinh điển, nhưng không sống theo chánh pháp.”[13]

Ở Kinh Đại Bửu Tích, khi xác định giá trị vô song của thực chứng, Đức Phật dạy tôn giả Phú Lâu Na rằng: “Này Phú Lâu Na, Bồ đề của Như Lai, các ông chỉ mới biết đôi chút qua âm thanh, chương cú. Còn nghĩa thú trong ấy, các ông chưa biết gì cả. Nghĩa thú ấy sâu xa, không thể dùng ngôn từ mà tuyên bày được. Chỉ những ai thực chứng mới khế ngộ được thôi.”[14] Chính câu nói này làm sáng tỏ nội dung câu: “Những người thủ chí hành đạo thì đạo đó vĩ đại”. Nghĩa là đạo cần phải thân chứng, chứ không do sự bác học đa văn. Vì thế, số người thực chứng chẳng là bao, hy hữu ở đời. “Này các Tỳ kheo, số ít là các chúng sinh sau khi hiểu được ý nghĩa, hiểu được pháp, thực hành đúng theo pháp. Và nhiều hơn, là số người không thực hành.”[15] Ở một đoạn khác, Đức Phật tán thán người thủ chí hành đạo là chói sáng giữa các quần thể: “Này các Tỳ kheo, thông minh được huấn luyện, không sợ hãi, nghiên cứu nhiều, trì pháp, thực hành pháp là chói sáng tăng chúng.”[16] Và để đề cao giá trị thân chứng, Đức Phật còn cho biết những học giả tham chấp chương cú, không thiền hành, rất có thể điên cuồng vì chữ nghĩa, vì loạn tưởng bốn trường hợp: “1/ Suy nghĩ Phật giới của các Phật. 2/ Thiền giới của các Thiền giả. 3/ Quả dị thục của nghiệp. 4/ Tâm tư thế giới. Bốn điều này, nếu nghĩ đến thời đi đến điên cuồng và thống khổ.”[17]

***

Thông qua các trưng dẫn về vị trí của sự học rộng nghiên cứu nhiều và vị trí của thân chứng như trên, chúng ta thấy rõ bản chất của đạo Phật là tích cực, là hợp lý, đề cao “Tri hành hợp nhất”, đề cao trí đức đạo đức, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội ngày càng hoàn thiện để Thánh hóa và Phật hóa con người. 

 

 


[1] Tăng Chi I, tr. 133.

[2] Tăng Chi I, tr. 131.

[3] Tăng Chi I, tr. 46.

[4] Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 20.

[5] Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 21.

[6] Tăng Chi II, tr. 121.

[7] Tăng Chi II, tr. 441.

[8] Tăng Chi II, tr. 250.

[9] Tăng Chi II, tr. 59.

[10] Tăng Chi I, tr. 483.

[11] Tăng Chi II, tr. 477.

[12] Kinh Pháp Hoa, phẩm Chúc Lụy, tr. 509.

[13] Tăng Chi II, tr. 92.

[14] Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 25.

[15] Tăng Chi I, tr. 46.

[16] Tăng Chi II, tr. 356.

[17]Tăng Chi I, tr. 449.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 10238)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8606)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 10500)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9909)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..