- Lời Giới Thiệu
- Phần 1: Tổng Luận Kinh Bốn Mươi Hai Chương
- Chương 1: Định Nghĩa Sa Môn Và Sa Môn Quả
- Chương 2: Đối Tượng Tu Tập (Bảo Sở Sa Môn, Định Nghĩa Đạo)
- Chương 3: Sa Môn Hạnh
- Chương 4: Thập Thiện - Thập Ác
- Chương 5: Lỗi Lầm Và Hối Quá
- Chương 6: Phỉ Báng Thiện Và Ác Quả Dị Thục
- Chương 7: Thái Độ Của Đức Phật Trước Lời Khiển Trách
- Chương 8: Ác Giả Ác Báo
- Chương 9: Giá Trị Tri Và Hành
- Chương 10: Phước Đức Tuỳ Hỷ Hạnh Bố Thí
- Chương 11: Đối Tượng Và Phước Đức Của Bố Thí
- Chương 12: 20 Điều Khó Của Kiếp Người
- Chương 13: Điều Kiện Chứng Túc Mạng Minh
- Chương 14: Định Nghĩa Thiện Và Vĩ Đại
- Chương 15: Nhẫn Nhục
- Chương 16: Điều Kiện Con Đường Đạt Đạo
- Chương 17: Ánh Sáng Người Đạt Đạo
- Chương 18: Cốt Tuỷ Của Đạo Phật
- Chương 19: Nguyên Lý Vô Thường Của Vạn Pháp
- Chương 20: Hữu Thể Con Người: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã
- Chương 21: Danh Vọng: Thú Vui Ít Giá Trị
- Chương 22: Tài Sắc: Ngọt Ít, Đắng Nhiều
- Chương 23: Ân Ái Là Tù Ngục
- Chương 24: Ái Dục Khổ Đệ Nhất (Cũng May Chỉ Có Một)
- Chương 25: Lửa Ái Cháy Tay
- Chương 26: Thiên Ma Dâng Ngọc Nữ
- Chương 27: Lại Nói Về Điều Kiện Đạt Đạo
- Chương 28: Không Nên Chủ Quan (Khi Chưa Phải Là A La Hán)
- Chương 29: Đoạn Trừ Tâm Ái Dục – Duy Trì Phạm Hạnh
- Chương 30: Tránh Dục Như Tránh Lửa
- Chương 31: Đoạn Âm Không Bằng Đoạn Tâm
- Chương 32: Diệt Ái Dục, Ly Sinh Tử
- Chương 33: Tỳ Kheo-chiến Sĩ Diệt Lậu Hoặc
- Chương 34: Độc Lộ Giải Thoát (Tinh Tấn Trung Đạo)
- Chương 35: Bỏ Cấu Nhiễm Tâm, Đạt Đạo Giải Thoát
- Chương 36: Lại Nói Về Cái Khó Của Con Người
- Chương 37: Chứng Đạo Phải Do Sự Tu Tập (Như Lai Chỉ Là Người Chỉ Đường)
- Chương 38: Mạng Sống Con Người Chỉ Trong Một Hơi Thở
- Chương 39: Chư Pháp Bình Đẳng, Vô Hữu Cao Hạ
- Chương 40: Thân Hành Đạo - Tâm Hành Đạo
- Chương 41: Tinh Tấn - Bỏ Tình Dục (Giải Thoát)
- Chương 42: Phương Tiện Tri Kiến, Như Thị Tri Kiến
- Phụ Lục
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010
Chương 21: Danh vọng: Thú vui ít giá trị
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người chạy theo dục vọng thế tình để khát khao hư danh, đến khi thỏa mãn được hư danh thì thân này cũng già suy rồi. Đam mê danh vọng dung tục mà không trau dồi đạo giải thoát chỉ uổng phí công, nhọc thân xác. Cũng như đốt hương, tuy cũng nghe được mùi hương nhưng khi thưởng thức rồi thì hương không còn nữa, mà lửa hại thân vẫn lê bước theo sau mãi.
II. LƯỢC GIẢI
Ở chương này, Đức Phật đặt chúng ta trước hai ngả đường khác nhau và cần phải có một thái độ dứt khoát: chọn lựa. Một con đường cầu cạnh hư danh để thỏa mãn thú vui tính dục. Một con đường tầm cầu giải thoát, hướng được mục đích hạnh phúc an vui. Phải quả quyết chọn lựa cho chính mình con đường nên đi và khi đi phải đem lại nguồn vui giải thoát. Đó là thái độ sáng suốt, cần có đối với tất cả chúng ta.
1.- Cầu cạnh hư danh, là thuộc tính của người tham dục
Với những dòng chữ mở đầu cho toàn nội dung kinh văn, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy tính phổ biến tất yếu về sự cầu cạnh hư danh, đeo đuổi ảo vọng là thuộc tính cố hữu của người tràn đầy tham dục. Tham dục, thái độ rong ruổi theo những lạc thú hướng đến sa đọa hóa con người. Thông thường, tham dục như một hấp lực trói buộc, sự đam mê dục vọng của con người như một thanh nam châm hít dính những mạt sắt. Nó là những thứ ước muốn ít giá trị, dung tục, tầm thường.
“Ít có giá trị, này các Tỳ kheo, là những tăng trưởng này, tức là tăng trưởng danh vọng. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, đó là trí tuệ. Do vậy hãy học tập như sau, tôi sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ.”[1]
Đó, ta cũng thấy, thái độ Đức Phật bao giờ cũng là thái độ dứt khoát giữa thiện và bất thiện. Thiện ở đây là trí tuệ. Bất thiện là tăng trưởng danh vọng. Sự chọn lựa mà Đức Phật dạy chúng ta là sự lựa chọn chính đáng và có lợi. Cũng là tăng trưởng, nhưng tăng trưởng dục vọng hư danh chỉ đưa chúng ta đến duyên thế lợi, còn tăng trưởng trí tuệ sẽ dẫn chúng ta được sáng suốt, tỉnh thức. Xem thế, đủ biết người trí phải lựa chọn dạng tăng trưởng nào: “Khác thay duyên thế lợi. Khác thay đường Niết bàn. Tỳ kheo, đệ tử Phật. Hãy như vậy thắng tri. Chớ ưa thích danh vọng. Hãy tu hạnh viễn ly.”[2]
2.- Chạy theo danh vọng là cố tật của con người
Mặc dù ai cũng có thể biết rằng danh vọng là một trong những thú vui năm dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và cũng còn là một trong tám ngọn gió thế lợi (khen, chê, lợi, hại, lạc, khổ, danh, không danh) nhưng phàm tình ít ai tránh khỏi sự đeo đuổi đó, được Đức Phật diễn tả như một cố tật của con người:
“Có hai hy vọng, này các Tỳ kheo, khó được từ bỏ. Hy vọng danh xưng và hy vọng lợi dưỡng.”[3]
Có thể nói, danh xưng và lợi dưỡng luôn đi đôi với nhau. Người cầu danh xưng cốt là để thọ hưởng lợi dưỡng từ danh xưng có được. Danh xưng có ảnh hưởng lớn thì lợi dưỡng cũng nhiều. Và chính vì thế, sự cao ngạo, cửa quyền, hống hách, ô dù, quan liêu, tham vọng, tham nhũng cũng tăng trưởng đáng sợ:
“Ưa danh không tương xứng. Lấn lướt người đạo đức. Ưa quyền lợi khanh tước. Muốn mọi người kính lễ. Mong tất cả mọi người. Nghĩ rằng chính ta làm. Trong mọi việc lớn nhỏ. Phải theo mệnh lệnh ta. Người ngu si như vậy. Dục và mạn tăng trưởng.”[4]
Chúng ta đã biết danh vọng là một thứ hương thơm ít giá trị. Chỉ có đạo đức, sự chân thật, mới là một thứ hương thơm thuần diệu tỏa khắp mọi nơi, không bị trở ngại bởi không gian và thời gian: “Hương các loại hoa thơm, không bay ngược chiều gió. Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay. Chỉ có người chân thiện, tỏa khắp mọi phương trời.”[5] Do đó, nếu có phải phải vứt bỏ hay bị mất mát danh vọng cũng không có gì là đáng tiếc, đáng tiếc chăng là sự mất mát trí đức, tuệ đức.
“Ít có giá trị, này các Tỳ kheo, là những mất mát này, tức là mất hết danh tiếng. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát, tức là mất mát trí tuệ.”[6]
3.- Thân bất tòng tâm trong cuộc chạy đua danh vọng
Danh vọng hão huyền là một mục đích đeo đuổi, nhưng khi đạt được nó, đôi lúc người ta phải mất cả cuộc đời. Có những cuộc chạy đua người ta quên cả năm tháng để với tới trái danh, khi với được thì thân tàn ma dại. Thân thể của con người mỗi phút giây nó tiến đến sự già nua, bệnh tật, nhưng tham vọng danh dự thì vô cùng, cũng chính bởi lòng tham không đáy. Đó là một sự thật mà kẻ tham vọng phải chua xót đau lòng. Thật vậy, kinh diễn tả: “Mạng sống con người mong manh. Nhóm bất tịnh đổ vỡ, chết chấm dứt mạng sống.”[7]
Cái già và chết, luôn thôi thúc con người đến mạng chung: “Cũng vậy, già và chết, lùa người được mạng chung.”[8] Đến lúc đó, thân con người chỉ là xác thân vô dụng, không kẻ đoái hoài: “Không bao lâu thân này, sẽ nằm dài trên đất. Bị vứt bỏ vô thức, như khúc cây vô dụng.”[9] Sự già và chết này là cuộc chạy đua danh vọng: “Người chạy theo dục vọng thế tình để khao khát hư danh. Đến khi thỏa mãn được hư danh thì thân này đã già suy rồi”.
4.- Hậu quả của sự đam mê danh vọng
Kinh văn của chương này, Đức Phật vạch ra hai hậu quả cơ bản của sự đam mê danh vọng là “uổng phí công và nhọc thân xác”, dù cho danh vọng được thỏa mãn cũng vậy. Sở dĩ, Đức Phật bảo “uổng phí công” là vì cuộc chạy đua danh vọng nào cũng tốn ít nhiều thời gian. Và gọi là “nhọc thân xác” là vì để đạt danh vọng người ta phải đánh đổi bằng thể lực. Nhưng cả hai đều là tăng trưởng duyên thế lợi.
Ở các kinh khác, Đức Phật còn cho biết kẻ chạy theo dục vọng, hư danh, sẽ bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, không cung kính, tán thán: “Này các Tỳ kheo, những ai ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn danh vọng, ưa muốn được cung kính, ưa muốn được tán thán, không tàm quý, ái dục và tà kiến, thành tựu 7 pháp này, những vị ấy sẽ không được mọi người ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo.”[10] Và một bài kệ như một câu châm ngôn, Đức Phật đã cho biết, bỏ tham cầu danh vọng, khi danh vọng đến nó sẽ đem lại đau khổ bất hạnh cho kẻ ấy: “Tự nó chịu bất hạnh, khi DANH được kẻ ngu. Vận mạng bị tổn hại, đầu nó nát tan.”[11]
Chính vì thế, lời khuyên của Đức Phật đến với chúng ta là: “Chớ sống đời phóng dật; thiền định, đạt được an lạc lớn.”[12] Và chính thái độ dứt khoát, chọn lựa hoặc là đeo đuổi hư danh, hoặc là từ bỏ, mà người ta có thể xác định được mức độ nhận thức cuộc sống cũng như giá trị tu tập của con người: “Với kẻ phàm phu không nghe pháp sinh ra lợi dưỡng danh vọng, đam mê hệ lụy vào đấy. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, khi lợi dưỡng danh vọng khởi lên, vị ấy suy tư như sau, lợi dưỡng danh vọng này là vô thường, khổ, biến hoại. Vị ấy như thật chánh tri rõ biết, nên không thuận ứng với lợi dưỡng danh vọng khởi lên.”[13]
Do đó là đệ tử Phật, chúng ta không nên vì những thú vui qua đường, những thú vui chỉ có giá trị thỏa mãn nhất thời, những thú vui hạ liệt, thấp kém mà đánh mất thời gian trau dồi tu tập phạm hạnh. Hãy mạnh dạn vứt bỏ nó như vứt bỏ những cây gai ở chân. Bởi vì: “Người biết từ bỏ những thú vui vặt vãnh sẽ kiến tạo cho mình những hạnh phúc có tầm vóc lớn,”[14] theo nghĩa an lạc, giải thoát của từ này.
5.- Vài tư tưởng gợi ý qua kinh văn của chương này
v Danh vọng thế tình chỉ là bóng câu qua cửa sổ.
v Hãy xem những cái bong bóng nước, lấp lánh nhiều màu sắc, nhưng thoáng đó rồi mất đó.
v Chạy theo hư danh lợi dưỡng tuy nhiều đam mê nhưng không giá trị thật sự.
v Giá trị của con người không ở cái uy danh mà là đạo đức.
v Thùng rỗng hay kêu to, kẻ tham danh hay phô trương lấn lướt.
v Một xã hội muốn tiến xa, trước hết phải loại bỏ những phần tử háo danh nhưng vô thực chất.
Xã hội trì trệ, đạo đức xuống cấp, giáo hội không đi lên được cũng bởi kẻ lãnh đạo chỉ có hư danh không có năng lực.
[1] Tăng Chi I, tr. 22.
[2] Dhp.75.
[3] Tăng Chi I, tr. 100.
[4] Dhp.73, 74.
[5] Dhp.54.
[6] Tăng Chi I, tr. 22.
[7] Dhp. 148
[8] Dhp.135
[9] Dhp.41
[10] Tăng Chi II, tr. 437.
[11] Dhp.72.
[12] Dhp.27.
[13] Tăng Chi III, tr. 17-18.
[14] Dhp.290.