Bài 2 Bắt Đầu Dấn Bước

19 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 13281)

Bài 2
Bắt đầu dấn bước

Trong bài pháp thoại hôm nay, chúng tôi sẽ nói đến sự thực tập ở giai đoạn I của sự Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) liên quan đến Thân (Kàya). Nhưng tôi xin được báo trước với các bạn, có đến bốn nhóm sự việc mà ta cần phải quán sát. Mỗi nhóm lại bao gồm bốn pháp (dhamma). Như thế, có tất cả là mười sáu pháp. Trong mười sáu pháp đó, chỉ có hai pháp liên hệ đến chính hơi thở thôi. Hơi thở chỉ được quán tưởng trong hai bước. Mười bốn pháp còn lại qui chiếu về các pháp khác. Tổng cộng, có tất cả bốn phần, gọi là bốn bộ bốn (tetrads), mỗi bộ bốn chia ra bốn bước. Hôm nay, tôi sẽ nói về hai bước đầu tiên của bộ bốn thứ nhứt. Đó là sự thực tập quán tưởng về Thân (Kàya). 

Các chuẩn bị về vật chất .

Ta khởi sự ngay tại chỗ bắt đầu việc thực tập Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Trước hết, ta cần phải chọn một nơi thích hợp cho việc thực tập. Ta lựa một chỗ nào khá nhứt, biết rằng chẳng làm sao mà có được một nơi thật hoàn hảo. Ta cố lựa một nơi nào yên tịnh và an ổn, đủ điều kiện, thời tiết khá tốt, và chẳng hề bị khuấy rầy. Thế nhưng, khi các điều kiện chẳng được như ý mong muốn, ta cũng nên tạm vui lòng với những gì ta đang có. Thế nào rồi ta cũng phải chọn một nơi nào đó, ở chốn nào đó. Ta phải nên có đủ sức để ngồi quán tưởng ngay cả trên chuyến xe lửa đến từ Bangkok. Đôi khi, ta có thể chú tâm đến hơi thở cho đến lúc chẳng còn nghe tiếng xe lửa đang lăn bánh và chẳng cảm thấy lắc lư khi xe di chuyển. 

Điều đó cho thấy rằng ta có thể chọn một điạ điểm và lợi dụng các điều kiện có sẵn theo cách nào tốt nhứt cho ta.

Ta chớ nên để mình bị bất cứ hoàn cảnh nào đánh bại, ngay cả khi ngồi trên xe lửa. Cho dầu ta có đủ các điều kiện hoàn hảo hay không chăng nữa, ta cũng cố gắng lợi dụng chúng đến mức tối đa và thực hành những gì ta có thể làm được. Khi muốn thực tập, ta có thể lợi dụng tiếng xe lửa chạy làm một đề tài quán tưởng. Tiếng "xình xịt xình xịt" của xe lửa lăn bánh trên đường rầy có thể là đề tài quán tưởng, thay vì hơi thở. Như thế ta cũng chẳng từ chối bất cứ điạ điểm nào trên thế giới, cho dầu điạ điểm ấy có thích hợp cùng không. Ta chẳng nên vịn vào cớ nào khác để đòi hỏi phải có cho được một điạ điểm lý tưởng.

Bước chuẩn bị thứ hai tiếp theo là sự dọn mình. Thân thể cần phải được bình thường, chẳng bịnh tật, và chẳng vướng các khó khăn về hô hấp hay tiêu hoá. Đặc biệt hơn nữa, ta cần "sửa soạn" cái lỗ mũi để nó có thể làm tròn nhiệm vụ một cách êm ái và đúng đắn. Vào thời xưa, người ta rót nước trong sạch vào lòng bàn tay, đưa mũi hít vào rồi thổi hắt mạnh ra. Nếu ta làm như thế đôi ba lần, thì mũi trở nên sạch sẽ và hơi thở được thông. Như thế, mũi sẽ nhạy cảm hơn mỗi khi hơi thở ra vào. Đây là một thí dụ làm thế nào để chuẩn bị cho thân thể sẵn sàng.

Thời gian và thầy dạy. 

Kế đến, tôi muốn nói đến thời gian và cách chuẩn bị thời gian để thực tập. Một khi quyết tâm thực tập thật sự đàng hoàng, ta cần nên chọn lấy một khoảng thời gian thật thích nghi mà ta có thể tìm thấy được. Bằng không, ta hãy chấp nhận bất cứ thời gian nào ta có thể xử dụng được. Ta đâu cần phải lệ thuộc vào một thời cố định trong ngày. Nếu có thể, ta nên chọn khoảng thời gian nào chẳng bị khuấy rối hay xao lãng. Nếu chẳng có thời gian được như thế, thì ta hãy dùng ngay thời gian khi rảnh rỗi nhứt. Rồi thì tâm trí sẽ học lấy cách giữ sao cho khỏi bị xao lãng dầu có bao nhiêu sự khuấy rối đến làm rộn. Thật ra, ta đang luyện tâm để khỏi bị xao lãng, cho dầu có việc gì đang xảy ra ở chung quanh ta. Tâm sẽ tự học lấy cách khiến tâm trở nên an tịnh. Bạn đừng tự hạn chế mình vào một thời nào khi mọi việc đều êm xuôi cả, làm sao mà tìm ra được một thời như thế? Nhiều người cứ chờ tìm mãi cho đến lúc họ chẳng thấy có thời giờ nào để thực tập quán tưởng. Điều đó chẳng đúng. Bạn hãy luôn luôn mềm dẻo và đủ sức để thực tập vào ngay bất cứ lúc nào.

Điều cần cứu xét tiếp theo là điều mà người ta thường gọi là đi tìm kiếm một vị sư phụ, àcàriya, một bực thầy. Nhưng thật ra, ngay cả trong các hệ thống huấn luyện cổ truyền, người ta cũng ít khi nói đến một vị sư phụ, mà thường gọi vị ấy là một người bạn tốt, một thiện hữu tri thức, (kalyàna mitta) hay là thiện tri thức. Bảo rằng đó là một "người bạn" -- một vị cố vấn có thể giúp đỡ ta được -- thì đúng. Tuy nhiên, ta chớ nên quên nguyên tắc căn bản là chẳng có một ai có thể giúp trực tiếp một ai cả. Thế mà ngày nay, lắm kẻ lại muốn có một vị giáo sư để trông nom canh chừng cho họ! Một người bạn tốt là kẻ nào có sự hiểu biết và kinh nghiệm bổn thân rộng rãi về sự thực tập quán tưởng, hay về bất cứ điều gì mà chúng ta đang nỗ lực thực hành. Mặc dầu người ấy có đủ khả năng để giải đáp các câu hỏi thắc mắc và giải quyết vài khó khăn, nhưng cũng chẳng cần thiết để người ấy phải ngồi bên cạnh ta canh chừng mỗi hơi thở. Một người bạn tốt sẵn sàng giải đáp các câu hỏi và giúp ta vượt qua vài trở ngại, như thế cũng đã quá đủ rồi. Có được một bực thiện trí thức như vậy là một điều chuẩn bị nữa mà ta cần lo thu xếp.

Tư thế ngồi.

Giờ đây, chúng ta xét đến các động tác thực sự của chính việc quán tưởng. Việc đầu tiên phải bàn luận là tư thế ngồi. Thật là cần thiết phải ngồi thế nào cho vững vàng và an toàn, để khi nơi tâm tư, sự tỉnh giác chỉ còn nửa phần, ta chẳng phải ngã té. Bạn hãy có đủ sức để ngồi vững như một ngọn kim tự tháp. Các kim tự tháp chẳng thể nào ngã đổ xuống, vì chúng được xây dựng trên một nền rất vững chãi và bốn sườn xung quanh vươn lên ngay giữa đỉnh. Chẳng cách nào để chúng có thể đổ xuống cả. Bạn hãy nghĩ đến các ngọn kim tự tháp bên Ai cập, đã đứng vững rất lâu đời. Cách tốt nhứt để làm giống như thế là hãy ngồi xếp bằng lại. Duỗi hai chơn ra phía trước, rồi kéo chơn mặt gát lên đùi trái, và chơn trái gát lên đùi mặt. Những ai còn chưa ngồi theo lối ấy lần nào, những ai còn chưa từng ngồi bẹp trên sàn nhà, có lẽ họ cần một thời gian để tập cho thân thể ngồi trong tư thế vừa nói; nhưng mà tư thế đó cũng rất đáng công để tập cho được. Bạn có thể bền chí, từ từ tập luyện thân bạn ráng ngồi như thế đó. Và rồi bạn chẳng bao giờ té ngồi nữa. Chẳng thể nào ngã tới trước, ngã ra sau, hay ngã nghiêng bên hông được. Vào thời xưa, tư thế ngồi như vậy được gọi là thế ngồi kiết già, hay là tư thế hoa sen (padmàsana). 

Ngồi thẳng lưng rất quan trọng, với các xương sườn và cột xương sống ngay hàng nhau, chẳng cong vẹo. Các xương sườn cần được nằm chồng vừa vặn lên nhau để ăn khớp với nhau một cách thích hợp. Đó là thế ngồi đúng cách bình thường của thân thể. Cột xương sống làm nơi nương tựa thiết yếu cho hệ thống thần kinh, cho nên ta phải ngồi thẳng đứng lên để cho nó được ngay ngắn. Đây là tư thế ngồi tốt.

Buổi ban sơ, có thể vài bạn còn chưa bao giờ ngồi như thế. Tuy vậy, tôi yêu cầu các bạn nên cố gắng thử tập. Lần đầu tiên, có lẽ bạn xếp được hai chơn phía trước nhưng chưa tréo nhau lại được. Nhưng như thế cũng đủ khi mới bắt đầu. Về sau, bạn kéo được một chơn gát lên đùi bên kia và tréo được một chơn. Sau cùng, bạn sẽ tréo cả hai chơn trong tư thế kiết già, ngồi thế hoa sen. Tư thế ngồi nầy thật vững chắc như một ngọn kim tự tháp và chẳng hề ngả nghiêng khi tâm bắt đầu nhập định, hay vừa đến mức cận định. Cột xương sống thẳng đứng rất là cần thiết, vì có nhiều loại hơi thở khác nhau: khi xương sống cong xuống, có một loại hơi thở; khi xương sống thẳng lên, lại có một loại hơi thở khác hơn hơi thở trước. Vì lẽ đó, bạn phải cố gắng giữ xương sống thật thẳng, dẫu rằng có sự khó khăn ở buổi ban đầu.

Kế đến là hai bàn tay. Cách thoải mái và dễ nhứt là buông thỏng hai bàn tay đặt trên hai đầu gối. Một cách khác là đặt bàn tay nầy vào lòng bàn tay kia. Cách nầy có vẻ hơi thiếu tiện nghi với vài người, vì hai bàn tay sẽ trở nên hâm nóng. Nếu được đặt trên gối, chúng sẽ bớt nóng. Vài nhóm thực tập khuyên nên xếp hai bàn tay (bàn tay nầy lên trên bàn tay kia) với hai ngón tay cái chạm vào nhau, để có được hai bàn tay "nhập định". Áp chặt hai bàn tay vào nhau cũng giúp cho định lực, điều đó cũng tốt. Ở Trung Hoa người ta thường làm như thế. Bạn hãy chọn lấy lối nào bạn thấy thích hợp với bạn: hoặc đặt trên đầu gối ít nóng hơn, hoặc để trên đùi nếu thấy thoải mái, hoặc áp mạnh vào nhau để tăng định lực. (...)

Mắt dịu mát và chú tâm.

Giờ đến cặp mắt. Ta phải nên để mắt mở hay nhắm lại? Nhiều người tin rằng họ phải nhắm mắt lại, vì họ chẳng thể nào quán tưởng được khi mở mắt. Nếu bạn nghiêm chỉnh trong khi thi hành các điều bạn đang thực tập và có đầy đủ dõng tâm thì chẳng thấy có khó khăn chi khi thực tập với đôi mắt mở rộng. Bạn hãy bắt đầu với mắt mở. Mở mắt với quyết tâm nhìn vào chót mũi. Điều nầy chẳng phải là chẳng thể được. Chỉ cần một chút cố gắng là làm được. Nhìn vào chót mũi để cho mắt đừng nhìn lảng sang các sự vật khác. Khi mắt nhắm, ta thường có khuynh hướng thiu thỉu ngủ, vậy nên thận trọng về việc nhắm mắt. Lại nữa, khi nhắm lại thì mắt sẽ trở nên nóng và khô. Quán tưởng với đôi mắt mở sẽ giúp ta giữ được sự tỉnh táo và duy trì được sự dịu mát và thoải mái cho mắt. Hơn nữa, điều nầy sẽ trợ lực cho tâm được tập trung lại và thúc đẩy sự phát triển của định lực (samàdhi, phiên âm: tam ma đề, nghĩa: định lực). Khi định lực được phát triển tới nửa đường, thì tự nhiên đôi mắt tự động nhắm lại. Mí mắt được thư giãn và tất nhiên sẽ khép lại. Chẳng có chi phải lo lắng về điều nầy cả. Kỹ thuật trọn vẹn là bắt đầu với đôi mắt mở, nhìn vào chót mũi cho đến khi nào định lực (samadhi) phát triển, bấy giờ mắt sẽ tự động nhắm lại. Đó là cách săn sóc về mắt. 

Thực tập với đôi mắt mở ra, nhìn vào chót mũi là một giai tầng đáng lưu ý về định lực. Nếu ta an lập được tâm tư chăm chú đến chót mũi, ta sẽ chẳng nhìn thấy đến các sự vật khác. Nếu làm được như vậy, thì đó đã là một loại định lực (samadhi) rồi. Ta có được lợi điểm ngay vào lúc mới khởi tập, bằng cách giản dị hướng tâm trụ lại trên chót mũi chẳng nhìn thấy gì khác nữa. Nếu toàn thể tâm tư, nếu tất cả các mối quan tâm, đều gom lại trong việc nhìn lên chót mũi, thế là chẳng còn gì để nhìn thấy ra nữa. Đó là định lực (samadhi), một thứ định lực chẳng phải là không đáng kể. Vì lẽ đó, bạn nên cố gắng thử khởi sự bằng đôi mắt mở ra.

Xin bạn hãy quan sát điều nầy mà bất cứ ai cũng làm được. Ta chú tâm nhìn đến chót mũi, vừa có cảm giác ở mũi lại vừa có cảm giác ở hơi thở. Cả hai việc đó có thể cùng làm một lúc. Dường như cả hai cùng xảy ra đúng vào một lúc, nhưng thật sự thì không như vậy. Sự kiện nầy cũng chẳng có gì khác thường, hay siêu nhiên cả. Do vì tốc lực rất nhanh của tâm, cho nên trong khi mắt nhìn vào chót mũi, hành giả vẫn hay biết đến hơi thở ra, hơi thở vào. Điều đó, chính bạn sẽ tự mình nhận thấy ra như thế.

Theo dõi hơi thở với giác niệm.

Rốt cuộc rồi ta cũng đi đến việc ghi nhận, việc quán tưởng về hơi thở. Để khởi đầu, ta cần phải có giác niệm (Sati), tức là sự hay biết hoặc sự tỉnh giác. Ta bắt đầu xử dụng giác niệm bằng cách chú tâm vào mỗi hơi thở vào, mỗi hơi thở ra. Ta huấn luyện giác niệm bằng cách ghi nhận rằng ta sắp thở vào hoặc sắp thở ra. Hãy để hơi thở tiếp tục một cách thoải mái và bình thường. Hãy để cho hơi thở được tư nhiên. Đừng can thiệp chút nào vào hơi thở. Rồi thì quán sát kỹ mỗi hơi thở với giác niệm. Ta thở vào như thế nào? Hơi thở ra ra làm sao? Hãy dùng giác niệm để ghi nhận hơi thở bình thường. Trong buổi đầu, ta tập luyện và phát triển giác niệm với kỹ thuật thường được gọi là "theo dõi" hay "đuổi theo". Hơi thở vào, bắt đầu từ chót mũi và ta tưởng tượng như nó tận cùng nơi rún. Hơi thở ra, ta tưởng tượng như bắt đầu nơi rún và chấm dứt ở chót mũi. Ở giữa chừng là khoảng không gian mà hơi thở di chuyển vào và ra. Giác niệm quan sát các đặc tánh của sự di chuyển vào và ra đó, từ nơi chót mũi cho đến rún, và rồi tới lui, tới lui... Đừng để cho có kẽ hở, cũng đứng để cho có đứt khoảng. Đây là bài học thứ nhứt: quán sát hơi thở với giác niệm (sati).

Ta chẳng phải là nhà giải phẩu, nhưng ta cũng biết rằng hơi thở chỉ đi vào phổi, và hơi thở chẳng đi xuống trọn con đường cho đến rún. Ta chỉ tưởng tượng rằng hơi thở chấm dứt ở rún, và chẳng cho đấy là sự thật đâu. Đó chỉ là một sự giả định căn cứ trên cảm giác của ta cùng với sức nhạy cảm đang ứng với sự di chuyển của hơi thở. Khi thở, ta "cảm thấy" sự di chuyển xuống đến tận rún. Ta dùng cảm giác đó làm căn bản cho việc thực tập của chúng ta và theo dõi hơi thở ở khoảng giữa từ chót mũi đến rún. 

Sự phân biệt giữa việc có phải chính giác niệm đã theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, cùng với việc có phải giác niệm đã thúc dục tâm phải theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, ngay trong lúc nầy, còn chưa mấy quan trọng. Điều quan trọng duy nhứt là hiện nay là phải quan sát hơi thở như thể là đang rượt đuổi theo hơi thở mà chẳng để bị lạc mất nó. Hơi thở vào trong và ngưng lại một chốc. Kế đó, hơi thở ấy đi ra rồi ngưng một chốc. Vào và ra, vào và ra, với nhiều hơi thở ngắn hơn xen vào ở giữa. Hãy ghi nhận tất cả và đừng bỏ sót để bất cứ gì thoát khỏi được. Đừng để có khoảng trống mà tâm có thể đi lang bang. Hãy giữ chặt tâm luôn luôn cắm sâu vào hơi thở vào và ra.

Đấy là bài học thứ nhứt cần được tập luyện. Có thể chẳng dễ gì đâu nhé. Có thể nó đòi hỏi ba ngày, ba tuần, hay ba tháng cho đến khi nào bạn đã đủ sức làm được như thế. Đó là sự việc mà ta cần làm ngay trong bước thứ nhứt. Ở đây, tôi chỉ giản dị giải thích phương pháp tập luyện thôi. Các bạn có thể chẳng tiến được xa bao nhiêu trong một khoá tu học mười ngày như thế nầy, nhưng điều quan trọng là biết rõ những gì cần phải làm và bắt đầu dấn bước. Một khi các bạn đã thông hiểu đúng đắn phương pháp rồi, thì các bạn có thể thực tập lấy cho đến khi các bạn thành công. Vậy, hãy bắt đầu quán sát hơi thở giữa hai tiêu điểm đó mà chẳng để cho tâm có được cơ hội chạy lang bang theo việc gì khác.

Nhiều loại hơi thở.

Trong việc thực tập sự theo dõi hơi thở, ta có dịp quán sát nhiều đặc điểm khác nhau của hơi thở. Ta có thể cảm nhận được nhiều sư việc. Thí dụ như, ta cảm được chiều dài và chiều ngắn của hơi thở. Ta học một cách tự nhiên về hơi thở dài và hơi thở ngắn. Rồi ta lại học được hơi thở thô và hơi thở tế. Lại nữa, ta quan sát được hơi thở êm dịu với hơi thở khó khăn. Về sau, ta sẽ quan sát sự phản ứng đối với các đặc tánh đó. Trong bước thứ nhứt, bạn hãy quán sát các loại hơi thở nầy: dài và ngắn, thô và tế, nhẹ nhàng và nặng nề. Hãy bắt đầu quán sát các loại hơi thở đó bằng cách dùng giác niệm (Sati) mà cảm nhận được chúng.

Ta còn cần học tập cách quán sát trong chi tiết kỹ hơn, tức là, quán sát phản ứng hay ảnh hưởng của các loại hơi thở. Chúng đã gây ra những phản ứng nào? Chúng ảnh hưởng ra sao đến sự hay biết của ta? Thí dụ như, hơi thở dài ảnh hưởng như thế nào đến sự tỉnh giác của ta? Phản ứng nào xảy ra khi thở hơi ngắn? Hơi thở thô phù và hơi thở tế nhị, hơi thở êm dịu và hơi thở khó khăn, đã có những ảnh hưởng nào? Ta quán sát các loại hơi thở khác nhau và các ảnh hưởng dị biệt của chúng cho đến khi nào ta có thể phân biệt rõ ràng thế nào là hơi thở dài chẳng giống với hơi thở ngắn, hơi thở thô khác với hơi thở tế, hơi thở êm dịu bất đồng với hơi thở khó khăn. Ta phải nên thấu biết rõ về các đặc tánh của các hơi thở, các loại ảnh hưởng của chúng đã tạo nên, và các phản ứng về cảm tính, về tỉnh giác của tâm trí ta đối với chúng.

Song hành với sự quán sát vừa kể, ta còn cần tìm nếm đến các hương vị của các loại hơi thở. Hương vị của chúng chính là sự khởi lên các loại cảm thọ như hỉ lạc, ưu bi, khổ sở, phiền muộn, và mãn nguyện. Hãy quán sát và thể nghiệm các hương vị, tức là hậu quả đã được gây nên, đặc biệt là hơi thở dài, hơi thở ngắn, thô và tế, êm dịu và khó khăn. Hãy khám phá ra tại sao chúng lại có hương vị khác nhau. Thí dụ như, ta sẽ thấy hơi thở dài thường mang đến một cảm quan lớn lao về an hoà và phước lạc, nó có một hương vị vui sướng nhiều hơn một hơi thở ngắn. Mỗi loại hơi thở mang đến một loại hương vị vui sướng khác nhau. Ta học tập được cách phân tách và phân biệt hương vị bất đồng của các loại hơi thở khi ta quan sát chúng.

Sau cùng, ta sẽ khám phá ra các loại nguyên nhân đã khiến cho hơi thở trở nên dài, ngắn khác nhau. Tự mình, ta từ từ khám phá ra được các nguyên nhân đó. Điều nào đã khiến cho hơi thở dài ra? Hơi thở dài đem lại một khí sắc như thế nào? Còn hơi thở ngắn thì sao? Như thế, ta nhờ đó mà biết được những nguyên nhân và điều kiện gây ra hơi thở dài, ngắn khác nhau.

Có một cách giúp ta điều chỉnh được hơi thở dài hay ngắn ngay trong các bước đầu tiên. Nếu ta muốn học cách đó, thì ta có một kỹ thuật gọi là "đếm". Thí dụ như, trong thời gian của một hơi thở vào, ta đếm đến năm, bắt đầu từ một cho đến năm. Nếu trong thời gian đó, ta đếm được đến mười, từ một đến mười, thì hơi thở theo đó đã dài ra chừng ấy. Trong thời gian một hơi thở thường, ta chỉ đếm được đến năm. Trong thời gian một hơi thở ngắn, có thể ta chỉ đếm tới ba thôi và lúc ấy thì đổi hơi thở, nếu ta muốn. Lúc nào cũng nên đếm cùng một nhịp độ, vì nhịp độ nhanh chậm nếu bị thay đổi thì ảnh hưởng của sự đếm nhiều hơn hay ít hơn sẽ bị huỷ mất. Nhờ sự đếm mà bề dài của thời gian hơi thở được điều chỉnh lại. Ta có thể kéo dài, hoặc rút ngắn các thời gian đó lại với kỹ thuật đặc biệt nầy. Nhưng ta chẳng cần phải dùng đến kỹ thuật ấy luôn. Đấy chỉ là một cuộc thử nghiệm nhỏ, để lâu lâu ta điều chỉnh lại hơi thở hoặc để tìm biết về hơi thở kỹ lưỡng hơn. Bạn có thể làm thử như thế, nếu bạn muốn.

Bước một: Hơi thở dài .

Đến đây, ta đã phát triển được một sự hiểu biết sơ khởi thích hợp về hơi thở. Ta biết được các loại đặc tánh của hơi thở: dài, ngắn, thô, tế, êm dịu, khó khăn. Sự hiểu biết của ta nới rộng đến các sự việc có liên hệ với hơi thở, các phản ứng cùng ảnh hưởng của các đặc tánh đến tâm tư ta. Ta cũng biết cả cách kiểm soát chiều dài của mỗi hơi thở. Việc kế tiếp phải làm là bước vào sự luyện tập với chúng. Giờ đây, ta đã hiểu biết rõ tất cả mọi sự việc đó, ta bắt đầu sự tập luyện với hơi thở dài.

Ta đang đi đến bài học thứ nhứt, bước một, tức là sự quán tưởng về hơi thở dài. Ta có thể thở dài hơi bất cứ lúc nào ta cần đến. Ta đã học cách kéo dài hơi thở ra và giữ nó như thế. Trong bài học thứ nhứt nầy, ta sẽ chỉ khảo sát riêng về hơi thở dài mà thôi. Ta nghiên cứu bản thể của hơi thở dài và tất cả các sự kiện liên quan đến nó. Khi có hơi thở dài, hơi thở đó có thích thú không? Hơi thở đó tự nhiên và tầm thường như thế nào? Tình trạng êm ả và hoan lạc nào đã có mặt? Hơi thở dài khác với hơi thở ngắn ở những điểm nào? Đây là cách ta đang học tập nghiên cứu về hơi thở dài, ứng dụng theo phương pháp vừa được mô tả ở trên, để khám phá ra các đặc tánh, ảnh hưởng và hương vị của hơi thở dài. Ở đây, chỉ học tập về hơi thở dài mà thôi. Bạn hãy ngồi yên và điều nghiên kỹ chỉ riêng về hơi thở dài. Đó là bài học thứ nhứt: hiểu biết được tất cả những gì có liên quan đến hơi thở dài.

Sau cùng, ta cần quan sát thân thể tác động liên quan như thế nào với hơi thở dài. Khi hít vào một hơi thở dài, thân thể chuyển động ra làm sao? Ở chỗ nào có sự nở rộng ra? Ở nơi nào thân thể thu rút lại? Khi có một hơi thở thật dài và sâu, ngực có nở ra hay rút lại không? Còn bụng, có phình lên hay xẹp xuống không? Đấy là những sự việc mà ta cần quan sát. Khi quan sát như thế, rất có thể bạn học được, thân thể đã chuyển động một cách khác hơn bạn đã tưởng. Phần đông người ta thường nghĩ quá giản dị rằng khi thở vào thì ngực nở ra và khi thở ra thì ngực thu rút lại. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hơi thở thật kỹ lưỡng, ta thấy khi hít vào một hơi thở thật dài thì bụng co lại và ngực nở ra. Với một hơi thở dài đến mức tối đa, thì bụng lại nở ra và ngực lại xẹp xuống. Ta thấy nó khác hẳn với sự tin tưởng thông thường. Ta đừng bao giờ nên xem bất cứ việc gì như là một sự thật đã được có sẵn từ trước. Bạn cũng còn cần phải tìm hiểu cho rõ ràng ngay cả về các sự kiện thiên nhiên căn bản nhứt nữa.

Ta nghiên cứu mọi sự việc liên quan đến hơi thở dài và học tập các bí ẩn của nó để biết rõ được về bản thể. Ta đủ khả năng để quán tưởng chiều dài hơi thở. Ta đủ sức để duy trì và bảo vệ hơi thở dài. Đìều đó có nghĩa là ta trở nên thiện xảo về các vấn đề có liên quan đến hơi thở dài. Vậy, thực tập thở hơi thở dài là bài học thứ nhứt.

Một điều vô cùng quan trọng cần phải học là mối liên hệ hỗ tương giữa hơi thở và thân thể. Cả hai kết nối với nhau thật chặt chẽ. Bạn hãy khám phá ra các hiệu quả của hơi thở dài lên trên thân thể, và phát hiện ra các niềm vui sướng và an lạc được mang đến. Về sau nầy, bạn sẽ biết được điều bí ẩn nầy: có hai thân: thân thể và thân hơi, tức là, tấm thân vật chất nầy với các luồng hơi thở. Ngay ở giai đoạn sơ khởi nầy, bạn cũng nên quan sát điều đó cho thật cẩn thận, mặc dầu chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về điều đó, đặc biệt là ở bước thứ ba. Ngay tại bài đang học đây, ta nên nhận thức rõ rằng thân thể với hơi thở liên kết với nhau như thế nào. Do đó, xin bạn hãy quán sát kỹ lưỡng hơi thở khi dài khác với hơi thở khi ngắn ra làm sao, và ảnh hưởng của chúng đã gây ra cho thân thể. Ta càng vững niềm xác tín thêm -- qua kinh nghiệm bản thân, chớ chẳng phải qua suy tư, lý luận -- rằng hơi thở kết hợp thật mật thiết với tấm thân vật chất.

Bước hai: Hơi thở ngắn.

Bài thứ nhứt về hơi thở dài đã được học xong. Ta có thể bước sang bài thứ hai về hơi thở ngắn. Thật ra, ta chẳng có chi nhiều để nói về sự thực tập ở bước nầy, vì cách hành trì cũng giống với bước thứ nhứt. Điểm sai biệt duy nhứt giữa hai bước là ở bài thứ hai ta xử dụng đến loại hơi thở ngắn. Những gì đã học về hơi thở dài, ta cũng học tương đương như thế với hơi thở ngắn.

Thí dụ như, ta quan sát và cảm nhận ngay rằng hơi thở dài mang đến sự êm dịu và thoải mái, trong khi đó hơi thở ngắn đưa tới sự bất bình thường tức là, sự bất an, xao động và thiếu thoải mái. Với sự thông hiểu đó, ta biết cách làm thế nào cho thân thể trở nên thoải mái, hoặc chẳng thoải mái, bằng phương pháp điều chỉnh hơi thở. Ta cần hiểu rõ sự sai biệt bổ túc cho nhau giữa hai loại hơi thở nầy, càng rõ ràng càng tốt. Vậy, trong bài thứ hai nầy, ta quan tâm đặc biệt đến hơi thở ngắn. Hãy nghiên cứu mọi khía cạnh, mọi đặc tánh của hơi thở ngắn cho đến khi bạn hiểu thật rộng rãi về nó cũng như bạn đã hiểu về hơi thở dài. Mặc dầu hai loại hơi thở có bản thể đối ngược nhau, nhưng phuơng pháp nghiên cứu cả hai cũng đồng nhất.

Điểm chú tâm thật đặc biệt ở đây là sự quan sát khi ta thở hơi dài thì hơi thở đó trở nên tế nhị. Còn khi ta thở hơi ngắn, hơi ấy lại thô phù. Khi ta đã học được cách làm cho hơi thở trở nên tế nhị hay thô phù theo ý ta muốn, thì ta có thể ứng dụng sự hiểu biết đó để đem phần lợi lạc về cho ta. Lợi lạc đó là hơi thở tế nhị làm lắng dịu thân thể ta. 

Hơi thở ấy trở nên mát dịu. Khi ta muốn thân thể ta trở nên thanh lương, thì ta thở hơi thở tế nhị. Và khi muốn hơi thở trở nên tế nhị, ta chỉ cần thở hơi thở dài ra. Đây là một điều mà ta rất cần học và cần tập.

Một thí dụ khác là khi ta giận thì hơi thở trở nên ngắn. Khi có hơi thở ngắn, thì thân thể trở nên bị xáo trộn và bị phiền rộn. Nếu ta có thể thở hơi dài hơn thì cơn giận chẳng thể nào tiếp tục lâu được nữa. Khi ta giận, hơi thở sẽ ngắn và thô phù, và rồi thân thể cũng trở nên thô phù theo. Ta có thể đẩy cơn giận đi ra xa bằng cách thở hơi dài và nhẹ. Thân thể sẽ được thư giãn và cơn giận kia sẽ biến mất. Đây là một trong các thí dụ của sự liên hệ hỗ tương mật thiết giữa hơi thở, thân thể và tâm tư. Đấy là điều mà ta cần thông hiểu về sự liên hệ và dị biệt giữa hai loại hơi thở dài và ngắn. Ta cần nên thể nghiệm điều đó, tự mình cảm nhận lấy điều đó, thực tập điều ấy cho tinh chuyên và thiện xảo.

Thổi bay đi các tình cảm.

Để tóm tắt hai bước đầu: ta có thể điều chỉnh, kiểm soát, giới hạn và chế ngự các tình cảm bằng cách vận dụng hơi thở. Ta có thể khiến cho tình cảm trở nên đứng đắn, hữu dụng và lợi ích, qua hơi thở. Xuyên qua sự thông hiểu về hơi thở, ta phát triển được khả năng kiểm soát chính hơi thở. Nếu ta luyện tập được hơi thở, thì ta cũng kiểm soát được các tình cảm, tức là, thích ứng được với niềm hoan lạc và sự thống khổ của đời ta. Hãy thực tập cho đến khi nào bạn cảm nhận được điều đó. Sự luyện tập sẽ còn dở dang, nếu ta còn chưa thấy rõ điều đó.

Khi bạn đang ngồi quán tưởng, có một con muỗi chích bạn, tâm bạn khởi lên một tư tưởng bất thiện. Làm cách nào đuổi đi được tư tưởng xấu đó? Đuổi nó đi bằng cách cải thiện hơi thở: khiến hơi thở trở nên dài hơn, tế nhị hơn và đủ sức thổi bay đi cái tình cảm chẳng lành đó. Đó là cách tốt nhứt để giải quyết một vấn đề như thế. Đấy lại là một thí dụ khác nữa về sự ích lợi của việc thông hiểu và về các khả năng mà chúng ta hiện đang thực tập để phát triển.

Các đề tài cùng các quan điểm cần được học tập nơi bài thứ nhứt về hơi thở dài và bài thứ hai về hơi thở ngắn, đều giống nhau. Điểm sai biệt duy nhứt là mọi sự việc đều bổ túc cho nhau. Số lượng và chủng loại các sự việc cần học tập đều bằng nhau. Nhưng chỗ khác nhau giữa hơi thở dài và hơi thở ngắn đã đưa đến nhiều loạt sự kiện bổ sung cho nhau.

Vâng, thời gian dành cho buổi pháp thoại hôm nay đã chấm dứt. Chúng ta chỉ có thời giờ để bàn luận bước một và bước hai thôi. Ta sẽ xét đến các bước khác trong bộ bốn thứ nhứt vào ngày mai. Hôm nay xin ngưng tại đây

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn