09. Những Ngày Cuối Cùng Và Sự Viên Tịch Của Pháp Sư

16 Tháng Tư 201100:00(Xem: 10712)

HUYỀN TRANG - NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ

Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar
Nguyên tác Anh ngữ: HT. Thích Minh Châu-Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989

IX. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG VÀ SỰ VIÊN TỊCH CỦA PHÁP SƯ

Khi dịch xong 600 quyển Đại Bát-nhã, Pháp sư cảm thấy cái chết gần kề và quyết định không dịch thêm gì nữa. Ngài bảo các môn đệ rằng sau khi Ngài viên tịch, đám táng nên cử hành đơn giản, nhục thể của Ngài nên gói trong một chiếc chiếu tre thô sơ và chôn vùi trong một góc núi xa xôi nào, nhưng chớ gần chùa hay gần cung điện. Những môn đệ chủa Ngài đều khóc trách Ngài đã ám chỉ sự chết chóc như thế trong khi Ngài trông còn vẻ mạnh khỏe và đầy nhuệ khí. Pháp sư chỉ trả lời rằng Ngài tự biết mình.

Vào ngày 1-1 mùa xuân niên hiệu Lân Đức nguyên niên (năm 664 Tây lịch) Pháp sư cố dịch bộ kinh Đại Bảo tích theo lời thỉnh cầu của các môn đệ, nhưng khi vừa dịch được vài hàng, Ngài buông bút, vì rõ Ngài sẽ chết trước khi hoàn tất dịch phẩm. Ngài có ý định viếng thung lũng Lan Chi cùng những nơi khác và đi chiêm bái lần cuối cùng 10 Koti (cu-chi: tượng Phật). Sau khi đã đảnh lễ các đức Phật, Ngài trở lại tu viện, đình chỉ việc phiên dịch và chuyên tâm vào việc tu tập thiền quán.

Vào ngày 8, một trong những đồ đệ của Ngài tên là Huyền Giác nằm mộng thấy ngôi chùa cao lớn đồ sộ bị sập đổ. Pháp sư nghe kể gíâc mộng này thì biết ngay đấy là điềm báo Ngài sắp chết. Ba ngày sau, khi băng qua một cái hố Pháp sư ngã quỵ và xương ống bị thương tích. Ngài bị ốm, sức khỏe bắt đầu suy giảm.

Vào ngày 16 và 17, ngài nằm thấy hai điềm chiêm bao: một hoa sen lớn trắng mướt xuất hiện và hàng nghìn người đi đến tu viện trong những cỗ xe, mang theo thức ăn và phẩm vật cúng Ngài. Khi tỉnh dậy Ngài cảm thấy sung sướng và bảo vị trụ trì Huệ Đức rằng những giấc mộng ấy chỉ rõ luật nhân quả nhà Phật rất đúng đắn. Đoạn Pháp sư nhờ tỳ kheo Gia Thương ghi tất cả các việc thiện mà Pháp sư đã làm trong đời. Bảng liệt kê cho thấy Ngài đã dịch 74 bộ kinh và luận gồm 1.335 quyển. Ngài đã sơn phết tô vẽ 1.000 bóng Phật, 1.000 tượng đức Di Lặc cùng với 1 triệu tượng Phật. Ngài đã sao chép bộ Năng đoạn Kim Cang bát nhà, bộ Dược sư, bộ Lục môn Đà-la-ni và vài bộ kinh khác, mỗi bộ chép thành một ngàn quyển.

Ngài đã cúng dường cho hơn mười ngàn vị tăng và sinh vật. Ngài lắng nghe đọc bảng liệt kê các việc thiện đã làm và chắp tay sung sướng. Đoạn Ngài bảo tăng chúng nhóm họp lại trong phòng. Ngài phân phát tất cả tăng phục của Ngài và cúng tiền để làm thêm tượng Phật và mời tăng chúng dữ lễ. Vào ngày 23, Ngài cúng dường trai tăng cho tất cả tăng chúng. Vào ngày ấy Ngài nhờ một điêu khắc gia tên là Tổng Pháp Trí tạc một tượng Phật trong thế ngồi lúc đạt đạo để ở trong tiền đường gia Thọ.

Khi tạc xong tượng phật, Ngài từ biệt tăng chúng và những người cộng sự với Ngài trong việc phiên dịch, với một tâm trạng hân hoan, Ngài nói: "Nhục thân độc địa này của Huyền Trang thật đáng nhàm chán. Nay công việc đã xong, tôi quả không nên lưu lại ở đây nữa. Tôi xin hồi hướng tất cả công đức và tri thức của tôi cho tất cả chúng sanh, cầu mong tất cả chúng ta sẽ được sinh lên cõi trời Đâu Suất theo học Bồ tát Di Lặc và phụng sự Ngài. Khi đức Phật lại xuống trần, chúng ta cầu mong sẽ được xuống lại cùng với Ngài để tiến hành Phật sự cho đến khi chúng ta đạt được mục đích tối thượng."

Sau khi nói lời từ biệt ấy, Pháp sư lại thiền định. Đoạn Ngài tụng niệm những đoạn về lý chơn không, không của ngũ uẩn, không của 18 giới, không của 12 nhân duyên trong lý duyên khởi từ vô minh đến lão tử, không của sự chứng ngộ và không của ngay cả cái không. Đoạn ngài đọc lên một bài kệ tán Phật Di Lặc và lập nguyện được tái sinh lên cõi trời Đâu Suất [Đạo gia gọi chỗ Thái Thượng lão quân ở là Đâu Suất Thiên. (BT)]. Ngay lúc ấy hai biến cố mầu nhiệm đã xảy ra. Vị trụ trì Huệ Đức nằm mộng thấy một nghìn hình tượng từ phương Đông đi đến và đi vào trong phòng phiên dịch, không khí tỏa đầy hương thơm.

Vào nửa đêm ngày 4 tháng 2 một vị sư điều dưỡng tên là Minh Tạng mộng thấy hai người cao lớn chừng một trượng cầm một hoa sen trắng lớn bằng bánh xe, đóa hoa có ba lớp cành và một ngọn lá dài hơn 2 tấc tây rất tinh khiết đẹp đẽ. Hai người đến gần Pháp sư và bảo rằng tất cả nghiệp xấu Ngài đã làm đối với chúng sanh vô thỉ, nay đã tiêu diệt nhờ cơn bệnh nhẹ ngài đang chịu đựng. Vậy thì Ngài nên vui mừng về điều đó. Pháp sư chắp tay nhìn họ một lúc lâu. Đoạn Ngài để tay phải chống lên má, tay trái để trên về phía tả, duỗi chân ra chồng lên nhau và nằm xuống phía hữu. Ngài sắp từ trần, Ngài không cử động cũng không ăn uống gì.

Vào nửa đêm ngày thứ năm, đồ đệ của Ngài là Phổ Quang và những người khác đến hỏi: "Thầy có chắc được tái sinh lên cõi trời Đâu Suất không?" Pháp sư trả lời: "Chắc chắn như vậy." Nói xong, hơi thở Ngài yếu dần và Ngài tịch một cách bình an, đến ngay những người hầu cận cũng không biết. Sau khi Ngài mất, nhục thể bắt đầu lạnh từ chân lên đến đỉnh. Đầu Ngài còn nóng một lúc lâu. Da của Ngài vẫn không đổi và nhục thân không thoát ra mùi gì khó chịu.

Tin Pháp sư từ trần được chuyển đến Hoàng đế do viên quan lại sứ ở Phương Châu tên là Đâu Sư Luân. Khi nhận được tin buồn này, Hoàng đế vô cùng bi ai, Ngài ngừng buổi thiết triều và phán: "Trẫm đã mất một quốc bảo."

Trong lúc ấy tất cả những viên chức quân sự cũng như dân sự không ngăn nổi sự khóc thương và Hoàng đế phán: "Trẫm tiếc thương quá không thể nào tự kềm chế được."

Ngày hôm sau, Hoàng đế lại phán với đình thần: "Thật vô cùng đáng tiếc cho trẫm và quốc dân đã mất đi Pháp sư Huyền Trang. Chẳng khác nào như rường cột ngôi Tăng bảo đã sụp đổ và nay chúng sanh đã mất đi người hướng dẫn. Chẳng khác nào con thuyền đã chìm trong bể khổ mênh mông, một ngọn đèn đã tắt đi trong phòng đầy bóng tối."

Nói xong nhà vua thở dài não nuột.

Vào ngày 26 cùng tháng ấy Hoàng Đế ra một chiếu chỉ: "Theo lời báo của Đâu Sư Luân, Pháp sư Huyền Trang chùa Ngọc Hoa đã viên tịch. Tất cả phí tổn tống táng sẽ do triều đình đài thọ.'

Vào ngày 6 tháng 3 lại ban một chiếu chỉ khác: "Pháp sư Huyền Trang đã viên tịch. Việc phiên dịch kinh sách phải đình chỉ. Những bản kinh đã dịch sẽ cử những viên chức sao chép lại như đã làm trước kia. Những bản kinh chưa dịch phải được lưu trữ tại chùa Từ Ân không được làm hư hại hay mất mát. Những đồ đệ và người cộng sự với Pháp sư trong việc phiên dịch, ai không thuộc vào tu viện thì được phép trở về chùa riêng."

Vào ngày 15 tháng 3, lại ra một chiếu chỉ khác như sau: "Vào ngày tống táng cố Pháp sư Huyền Trang ở chùa Ngọc Hoa, những tăng ni ở thủ đô sẽ đựơc phép mang cờ lọng và đưa linh cữu đến nghĩa trang."

Những đồ đệ theo lời di chúc của Ngài đã làm một cái hòm bằng tre mang nhục thể của thầy đến đặt trong gian phòng phiên dịch ở chùa Từ Ân. Hàng trăm đồ đệ của Ngài khóc thương thảm thiết và dân chúng trong thủ đô vừa xuất gia vừa cư sĩ tụ tập lại chùa để đảnh lễ lần cuối cùng.

Vào ngày 14-4, lễ tống táng được cử hành. Những tăng ni trong thủ đô cùng với dân chúng mang năm trăm cờ lọng, tràng phan bảo cái, một áo quan bằng vàng, một cái hòm bạc, và những cây sa-la, tất cả được trưng bày dọc đường cái để dự đám rước. Nhạc điếu tang được cử hành không ngớt và không gian đầy những tiếng khóc bi thảm. Dân chúng thủ đô và những người xung quanh cách 500 lý ước có hơn một trăm ngàn đến đưa linh cữu. Mặc dù lễ tống táng được chuẩn bị rất tráng lệ, quan tài của Pháp sư cũng vẫn được mang đi trong một áo quan bằng tre theo lời ước nguyện cuối cùng của Ngài.

Những người bán lụa ở phía Đông đã làm một cái áo quan niết bàn bằng ba ngàn cuộn và kết hoa đẹp đẽ để đặt quan tài của Pháp sư trên ấy, nhưng đồ đệ của Ngài không dùng đến vì sợ đi trái với di chúc. Họ đặt ba bộ tăng phục của Pháp sư và một bộ khác đáng giá một trăm đồng tiền vàng do triều đình cúng lên trên áo quan lộng lẫy kia trong khi quan tài của Pháp theo sau và được đặt trên áo quan bằng tre bện. Những người chứng kiến đám rước ấy không cầm đươc nước mắt. Đêm ấy hơn ba chục ngàn người ở lại nơi nghĩa địa. 

Vào ngày thứ 15 sau khi tống táng, một buổi lễ được cử hành ở nghĩa địa trước khi mọi người ra về. Lúc ấy, trời và đất đổi sắc, chim muông kêu tiếng bi ai. Cả muông thú cũng còn động lòng huống nữa là người !

Chúng thương khóc vì con thuyền từ đã chìm trong khi bể dục vọng vẫn còn tràn ngập, ánh sáng trí tuệ đã tắt trong khi đêm vô tận chìm trong bóng tối.

- [HẾT]-

Đọc Thêm:
Đường Tăng Thỉnh Kinh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn