Tiếng Gọi

13 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 5682)


DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
 
Diệu Nga 
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003


Tiếng Gọi

“Prom” là đêm trọng đại, tưng bừng hoa đăng của tất cả học sinh trung học vừa tốt nghiệp. Buổi lễ ra trường ban ngày với những bài diễn văn, những phần thưởng thật ra không đáng để họ lưu tâm bằng đêm dạ hội nàỵ
Họ được làm người lớn từ cách ăn mặc đến những bước khiêu vũ dưới ánh đèn màu, được chính thức giới thiệu với cha mẹ người bạn trai hay bạn gái của mình.
Ngọc Hà chuẩn bị quần áo cho đêm dạ vũ từ ba tháng về trước. Cô mua áo này, đổi lại cái kia, rồi thử tới thử lui, ngắm nghía mình trong gương hàng chục, hàng trăm lần; còn phải xin thêm tiền mẹ mua đôi giày, nhõng nhẽo với cha đòi cái bóp…
Đầu mùa hè, khí hậu Cali ấm áp, dễ chịu. Đêm nay Ngọc Hà mặc chiếc áo đầm nhung đen hở vai để khoe nhựa sống của tuổi thanh xuân, khoe cái eo thon thắt chặt làm nổi đường cong vẫn còn thanh mảnh.
Mặc dù mẹ đã góp ý về cách trang điểm, Ngọc Hà cứ viền vòng mắt thật đậm, thật to, lại gắn lông nheo giả cho thêm phần quyến rũ. Nàng muốn người bạn trai của mình phải ngạc nhiên khi thấy đêm nay nàng hoàn toàn khác lạ, nổi bật hơn các cô bạn cùng lớp, và muốn cha mẹ thấy mình đã là người lớn thật sự. Vả lại, nàng đã hai mươi mốt tuổi rồi, còn nhỏ nhít gì nữa. Nếu được định cư ở Hoa Kỳ sớm hơn, chắc nàng đã vào đại học lâu rồi.
Hai ông bà Lân im lặng theo dõi tivi. Thỉnh thoảng bà kín đáo ném cái nhìn quan sát vào phòng con gái. Cánh cửa phòng khép hờ cho bà thấy Ngọc Hà đang đi tới đi lui, uốn éo trước gương rồi ngồi xuống sửa lại mái tóc đã đánh rối bù, tô thêm đôi môi đã dầy cộm sáp đỏ…
Ông Lân hiểu vợ hơn ai hết, nắm nhẹ tay bà như an ủi. Dù đã dặn lòng, không muốn làm con mất vui trong đêm trọng đại này nhưng bà không thể nào chấp nhận sự “thoát xác” quá nhanh chóng của Ngọc Hà. Với lối trang điểm kỳ cục như vậy, Ngọc Hà đánh mất vẻ thơ ngây, trông ngổ ngáo như gái bụi đời. Nếu bà mở miệng góp ý kiến, Ngọc Hà sẽ vùng vằng phản ứng, sẽ nói: “má sao quê mùa, hủ lậu!” Đành ngậm tăm cho nó vui trọn đêm nay!
Có tiếng xe mô tô nổ “bình bịch” trước cửa, tiếng rồ máy rồi tắt máy. Không kịp chờ nghe tiếng chuông, Ngọc Hà phóng ra mở cửa. Cô bé ôm “thằng tây hát bóng cao lớn dềnh dàng” ấy một cách trìu mến rồi nắm tay nó kéo vào nhà.
Ông bà Lân sững sờ ngạc nhiên. Trời ơi! bạn trai của Hà đó sao? Một thằng Mễ lai Mỹ đen râu ria xồm xoàm, to lớn gấp hai lần Ngọc Hà. Đã vậy, tóc còn để dài, cột túm lại sau ót để lộ vành tai đeo đầy khoen bạc, sắp thứ tự lớp lang từ lớn tới nhỏ!
Nó tiến tới chỗ ông Lân, chìa tay ra; bà Lân kịp thấy cổ tay nó xâm đầy hình lăng nhăng, vừa ló ra sau lớp áo. Nếu nó không mặc áo sơ mi trắng mà đổi vào đấy là một cái áo da đen bóng, kèm thêm cặp kính đen sậm thì có lẽ khi nó vừa bước chân vào nhà, bà đã hô toáng lên: ăn cướp! ăn cướp!
Ông Lân miễn cưỡng bắt tay nó, nói vài câu xã giao trong khi Hà líu lo giới thiệu. Nó - thằng Lucky - nhăn hàm răng cá sấu cười với bà, bà Lân trả lời bằng cái mếu thì đúng hơn.
Sự bực tức và thất vọng làm người bà mềm nhũng, bà như sắp bị nghẹt thở. Hoa đốm lăng xăng trước mắt giúp bà khỏi nhìn thấy cô con gái cưng duy nhất của bà đang cặp tay thằng Lucky ra cửa một cách ngang nhiên và thân mật.
Cánh cửa ập lại, tiếng xe mô tô nổ máy rồ rồ bình bịch rồi rú lên, vọt đi. Căn phòng chìm trong sự im lặng hụt hẫng.
Ông Lân đã tắt tivi, rót cho vợ một ly nước lạnh. Ông dỗ dành:
- Thôi em đừng buồn, mình đang sống ở Mỹ mà! 
Nước mắt được dịp trào ra, bà rấm rức khóc:
- Mình qua Mỹ mới sáu năm mà con đã hư, nó lai căng, mất gốc rồi ông ơi!
Người chồng dịu dàng lấy khăn lau nước mắt cho vợ trong khi chính ông, ông cũng đang nén tiếng thở dài:
- Hi vọng nó bồ với thằng nầy một thời gian ngắn rồi thôi. Tụi nhỏ đổi bồ như thay áo, lo gì!
Vốn nóng tánh, bà có dịp đổ cái giận vào ông chồng:
- Lo chớ sao không! Nó là con gái mà! Ông vô tâm quá thành ra khỏe ru!
Ông Lân chợt hiểu ra: “Ờ há! rủi nó có bầu thì khổ!”
Hai vợ chồng rầu rĩ, mỗi người ngồi một góc. Không khí buồn thiu bao phủ căn nhà nhỏ xíu và cũ kỹ này. Chẳng ai muốn đi ngủ vì biết có nằm xuống cũng không ngủ được, họ đau khổ quá vì không ngờ sự thể xảy ra như vậy. Thời gian chậm chạp trôi qua, chở nặng lo sầu.
Hai giờ sáng! Ngọc Hà về thấy cha mẹ còn ngồi ở phòng khách, cô cau mặt, nện gót giày mạnh hơn rồi đi thẳng vô phòng mình, đóng cửa cái rầm.
Bà Lân đứng bật lên như cái lò xo, bà muốn tát vào mặt con bé một cái thẳng tay, tóe lửa cho hả giận nhưng ông chồng biết ý, đã vội dìu bà đi ngủ.
Những ngày sau đó, Ngọc Hà vẫn giữ vẻ mặt cày cạy dù đôi lúc ông bố muốn tạo hòa khí bằng vài câu bông đùa. Cô không thèm nói chuyện với mẹ, chỉ thỉnh thoảng mới trao đổi với cha vài câu cần thiết.
Nhà tuy chỉ có ba người nhưng họ không bao giờ gặp nhau đủ mặt trong bửa ăn, nhất là lúc sau này Hà đi về giờ giấc không nhất định.
Ngọc Hà có lý lẽ của cô: “Mình đã trưởng thành rồi, phải được tự do sống thoải mái như các bạn cùng trang lứa. Mỹ mà, đâu phải ở Việt Nam mà gò bó trong khuôn khổ xưa rích hủ lậu. Ông bà già mà tỏ ý kiểm soát, ràng buộc là mình “run away” liền, sợ gì?! Boyfriend Lucky sẵn sàng cho mình ở chung. Với đồng lương và tiền “tip” của chiêu đãi viên trong night club Mỹ, mình tự sống được, đâu cần nhờ vả ai nữa!”
Thật ra Hà cũng chưa muốn dứt áo đi quá sớm vì dù sao không khí gia đình cũng dễ chịu hơn cuộc sống xô bồ của thế giới mới chung quanh mà cô vừa thích vừa sợ. Thế giới của cảm giác, phóng túng, buông trôi làm cô mê mệt nhưng cũng sờ sợ một cái gì đó rờn rợn bất an như rừng rậm ban đêm.
Nhưng mà phải tỏ vẻ cứng rắn với ông bà già, nếu không hai người ấy sẽ rao giảng luân lý giáo khoa, sẽ tiếp tục trói cột mình vào khuôn khổ của “con nhà nề nếp”. Cha mẹ có vẻ không chấp nhận Lucky vì ông bà đâu biết được tài ca hát của chàng. Trong hộp đêm, dưới ánh đèn, chàng là thần tượng của bao cô gái Mỹ, mình may mắn lắm mới được Lucky chọn làm bồ. Phải lấy đó làm hãnh diện chứ!

***

Thứ bảy ở nhà một mình, bà Lân cảm thấy lẻ loi quá! Trưa nay cũng chẳng cần lo cơm nước vì chồng bà đi làm “over-time” đến chiều mới về, còn Ngọc Hà thì khỏi kể đến nó làm gì. Lúc sau này, nó thường đi sáng đêm, bà biết nó hư rồi, thả lỏng cho hư luôn chứ còn cứu vớt gì được nữa, đời con gái chỉ có một lần.
Dạy con từ thuở còn thơ với hi vọng uốn nắn được, đằng nầy, chỉ có một đứa, hai vợ chồng cưng như trứng, hứng như hoa, đòi gì được nấy, muốn gì cũng cho, riết rồi thành thói quen, nó luôn luôn thấy cha mẹ phải có bổn phận lo lắng phục vụ nó; còn bổn phận làm con đối với cha mẹ thì không được dạy trong nhà trường, thầy cô giáo Mỹ không nói tới, sách vở ít bàn đến nên nó không biết là phải rồi!
Hai vợ chồng tiếc rằng mình đã chọn lựa sai khi quyết định đi Mỹ. Nếu không vì tương lai của Ngọc Hà, họ ở lại Việt Nam tiếp tục bán sơn cũng đắp đổi qua ngày. Qua đây rồi mới thấy cuộc sống không dễ dàng như mọi người trong nước tưởng tượng. Học chỉ thấy hình ảnh những Việt Kiều về nước nhởn nhơ khoe của, ăn chơi chứ họ đâu biết cảnh bà ngồi may thâu đêm để kiếm từng đồng, cảnh chồng bà “đi cày” không thấy ánh mặt trời! Vậy mà con gái chẳng biết thương, còn nổi khổ nào hơn!
Có tiếng chuông gọi cửa. Bà Lân vui hẳn lên khi thấy dáng người phốp pháp quen thuộc của chị Mận in trên cửa kiếng. Hai người là bạn với nhau suốt bảy năm trung học ở trường Gia Long. Sau này lớn lên, mỗi người lập gia đình đi một phương nhưng xui khiến thế nào khi qua Mỹ, họ lại là hàng xóm láng giềng. Thành ra thân như ruột thịt.
Bà Lân mở cửa cho bạn. Ánh sáng bên ngoài lùa vào rạng rỡ làm tươi thêm vẻ mặt lúc nào cũng lạc quan hạnh phúc của Mận.
“Bà nầy không thấy già! Qua Mỹ vẫn phây phây khỏi đi cày, chồng con làm bao nhiêu đem về nộp hết, sướng thật!
Mận mang qua cho bà Lân ổ bánh bông lan nho mới nướng, nóng hổi, còn thơm phức. Dù đôi khi bị mặc cảm thua sút trước gia cảnh của Mận, bà Lân cũng thích có người nói chuyện trong lúc này cho đỡ buồn; nhất là vì Mận rất thân tình và tế nhị.
Họ cùng ăn bánh uống trà, trao đổi dăm ba câu về thời tiết. Rồi bà Mận lấy trong túi xách ra một thư màu vàng, trao cho bạn. Giọng nói của bà như trang nghiêm hơn:
- Thư chùa V.Q. mời gia đình chị đi dự lễ Vu Lan.
Như bao nhiêu lần trước, bà Lân thối thác:
- Chắc tôi không đi được chị à! Nhiều hàng gấp phải may để giao cho kịp.
- Thì bỏ ra một buổi có là bao! Tôi sẽ qua phụ cho. Chị đi một ngày, tôi giúp cho một ngày, không tính tiền công đâu!
- Cám ơn lòng tốt của chị, tôi không dám hứa.
- Mùa báo hiếu mình nên đến chùa cầu siêu cho vong linh phụ mẫu…
Hai tiếng “báo hiếu” như khơi dậy nỗi sầu, bà Lân có dịp thở than cùng bạn:
- Hồi cha mẹ tôi còn sinh tiền, tôi là đứa con hiếu thảo, tại sao bây giờ con tôi lại hổn láo vô nghì?
Biết bà bạn thân chưa hiểu đạo, chưa rõ nhân quả ba đời, chưa tin ngôi Tam Bảo nên Mận không thể giải thích qua loa trong lúc này, nhất là tâm trạng bạn đang bất an. Mận chỉ đùa cho qua câu chuyện:
- Con là nợ mà!
Nào ngờ bà Lân nắm lấy câu nói ấy, hỏi vặn lại:
- Vậy, tại sao hai đứa con của chị, đứa nào cũng ngoan ngoản, hiếu để? Tụi nó vừa đi làm giúp gia đình, vừa học hành giỏi dắn.
Dù hãnh diện về con, Mận cũng không muốn đề cập đến chuyện này để tránh cho bạn sự tủi thân.
Nhưng bà Lân lại tiếp:
- Cháu Loan cũng bằng tuổi Ngọc Hà mà bây giờ được học bổng vô đại học Berkeley giống như anh của cháu vậy. Tương lai của hai con chị tốt quá! Chắc tại chị khéo tu.
Mận an ủi:
- Khéo tu hay vụng tu cũng tùy hoàn cảnh thôi. Thường đi chùa thì mình có cơ hội làm chuyện phước thiện, bố thí, công quả, lại được tu Bát Quan Trai… chị thử theo tôi đi chùa, thấy tinh thần được an ổn hơn trước, rồi dần dần tạo phước đức về sau…
Cánh cửa bỗng xịt mở. Hai người cùng hướng mắt nhìn ra. Bà Lân ước gì đất sụp xuống cho bà chui vào đấy mà trốn bạn, xấu hổ chịu không nỗi!
Ngọc Hà đi sáng đêm, giờ mới vác bộ mặt trác táng xanh xao về; đầu tóc rối tung, áo quần vừa hở hang vừa nhăn nhúm. Đôi mắt trởm lơ thâm quầng, làn da nhễ nhại thiếu ánh sáng mặt trời, cặp môi xám xịt… Ngọc Hà trông giống như một bà già, một thây ma thì đúng hơn. Cô ta giương đôi mắt vô hồn nhìn khách rồi lặng im bước vào trong.
Mận thấy mặt bà Lân đỏ rần, biết sự xấu hổ của bạn sắp sửa đổi thành tức giận. Mận tìm cách tháo lui để tránh cơn bão sắp lùa tới, hất tung mọi thứ trong nhà này.
- Thôi, tôi về đi chợ, chị nhé!
Trong lúc Mận vội vã bước ra ngoài, bà Lân ngồi im không nhúc nhích, rán dằn cơn nóng giận cho đến lúc bạn đã đi khuất.
Bấy giờ, bà cất giọng the thé vừa gọi vừa hét:
- Này con kia, ra tao biểu!
Chỉ có sự im lặng đáp lời bà.
- Hà, ra tao biểu!
Con gái đã thay đồ bộ vào, trông đỡ hơn lúc nãy. Cô vừa đi ra vừa ngáp.
- Nghe tao hỏi đây. Mầy đi đâu sáng đêm giờ mới vác mặt về?
Cô gái cười mũi:
- Tức cười quá hà! Tôi lớn rồi, muốn đi đâu thì đi, bà hỏi làm gì?
Tuy đang giận sôi gan nhưng bà Lân biết dù sao mình cũng đã hỏi một câu thừa. Ba tháng nay, nó đi luông tuồng có ai dám nói động tới đâu – vì sợ nó bỏ nhà đi luôn. Nó biết chỗ yếu của cha mẹ nên làm tới.
Bà Lân né sang vấn đề khác:
- Mầy thật là mất dạy. Về nhà thấy khách khứa chẳng biết mở miệng chào.
Hà nín thinh. Chẳng lẽ Hà nói mình không ưa bà Mận vì con cái của bà ngoan hiền, học giỏi! Sự làm thinh của Hà khiến bà Lân giận uất người, có cảm tưởng như một thái độ khiêu khích.
Bà chồm tới, vả vào bộ mặt khinh khỉnh của Hà một cái tóe lửa.
Hà xô bà ra:
- Tức cười quá hà, sao lại đánh tôi?
Chưa bao giờ bà thấy con gái mình lại vô duyên trong lời ăn tiếng nói như vậy. Vừa vô duyên, vừa vô phép.
Bà điên tiết:
- Tao từ mày. Hãy ra khỏi nhà tao ngay lập tức!
Bây giờ tới phiên Hà lên cơn. Máu nóng dồn lên thái dương, hai mắt cô đỏ ngầu. Cô gằn giọng:
- Khỏi đuổi, tôi đi liền!
Biết mình lỡ lời, bà Lân buông ngầm sự hăm dọa:
- Cấm không được mang theo một món gì tao đã mua sắm cho.
- Khỏi cần, tôi trả chiếc xe lại cho bà luôn!
Hà vội vã nhấc điện thoại. Mười phút sau, cô ra đi mình không. Thằng Lucky rồ máy xe moto chở đứa con gái cưng của bà mất dạng.
- Trời ơi, tôi khổ quá!
Bà Lân ngất lịm trong niềm cay đắng, nỗi khổ đau và sự nhục nhã.
Trên tường, tiếng đồng hồ vẫn “tích tắc, tích tắc” đều đặn một cách vô tình.

***

Trong cuộc, có lẽ mình ông Lân là người bình tĩnh. Ông biết chuyện này dù cố tránh, vẫn sẽ xảy ra. Hai mẹ con nóng tánh như nhau. Lại thêm sự ương ngạnh của tuổi trẻ, Ngọc Hà đâu cần biết cái gì sẽ chờ đợi cô trong thế giới sống về đêm; bà Lân thì có tự ái của người lớn, cảm thấy tức tối và bất lực trước sự hư hỏng của con. Ông biết phải từ từ, chờ tình thế lắng dịu mới hi vọng bắt lại nhịp cầu giữa hai người.
Ông Lân lén vợ, âm thầm đi tìm Hà. Dù sao nó cũng là đứa con duy nhất. Nếu đời nó khổ, ông bà làm sao vui được?
Hà không còn làm ở chỗ cũ, thằng Lucky cũng vậy. Nhà nó ở đâu, ông không biết. Có lần, ông vô đại trong bar, vào tận quầy rượu, giả bộ kêu một ly rồi hỏi thăm về Hà, về Lucky.
Không ai buồn trả lời ông. Họ chỉ lắc đầu như cái máy. Ông không nản chí, cứ đôi ba tuần trở lại đó một lần. Cuối cùng nhờ biết phải quấy theo luật giang hồ, ông nắm được miếng giấy ghi địa chỉ của Lucky.
Ông Lân tìm đến căn phòng tồi tàn ấy, nơi mà ông chắc chắn rằng đứa con gái thân yêu của mình đang tá túc. Đôi dép quen thuộc của nó ở ngoài cửa kia kìa. Con ơi! Con ơi!
Ông đã run tay bấm chuông nhiều lần… Không có tiếng trả lời. “Chắc không có ai ở nhà.” Ông tự nói như vậy.
Ông trở lại lắm lần nữa, vào những giờ giấc khác nhau. Lần nào trái tim ông cũng hồi họp, xôn xao. Ông nhớ con gái quá! Trong tâm tưởng ông, Ngọc Hà vẫn là cô bé hai, ba tuổi, tóc bum bê đen nhánh, cặp mắt tròn xoe sáng ngời, đôi môi nhỏ xíu đỏ au hay nũng nịu đòi cây cà rem, đòi cái bánh in nhân đậu…
Ông thương nó lắm, dù cho phải bi lụy năn nỉ nó dẹp tự ái để trở về, ông cũng vui lòng làm như vậy. Vắng con mới mấy tháng mà căn nhà buồn như đám ma. Vợ ông tuy cứng cỏi, không nói ra niềm nhớ nhưng đêm đêm nghe tiếng bả thở dài ông cũng không sao ngủ được.
Lần nầy, trước khi đi tìm con, ông lâm râm khấn vái Phật trời dun rủi cho ông được gặp con, được thấy nó còn bình yên, ông cũng đỡ khổ phần nào. Ông giơ một ngón tay lên, run run ấn vào nút chuông trước cửa. Bấm một lần nữa, rồi hai lần, ba lần… Khi ông sắp sửa quay lưng đi thì cánh cửa chợt hé mở.
- Ngọc Hà, con ơi, con!
Ông vừa gọi tên con, vừa bước lẹ vô trong như sợ cánh cửa sẽ khép lại, tiếp tục dấu kín đứa con yêu của mình. Tuy cặp mắt đã mờ lệ nhưng ông vẫn thấy sự khác biệt của con gái ông: “Nó đang có mang.”
Ngọc Hà đứng yên, lúng túng. Hai tay cô ôm ngang bụng như muốn che dấu sự thật. Cô nhìn cha bây giờ ốm quá, đôi mắt thụt sâu, quầng đen ám chung quanh. Bao nhiêu lần cô biết cha đã nhấn chuông, cô dứt khoát không mở cửa nhưng sau mỗi lần như vậy,tim cô nhói đau, nước mắt chảy ròng ròng.
Dù giận mẹ thế mấy, cô cũng không thể giận lây cha, người cha hiền như Bụt luôn luôn cho cô những lời lẽ ngọt ngào, luôn luôn chìu mọi ý muốn của con.
Ông Lân tiến đến nắm tay Hà, miệng nói như mếu:
- Ba nhớ con quá! Thôi, về nhà đi con!
Chẳng lẽ làm thinh mãi, Ngọc Hà nói cho qua chuyện:
- Ba ngồi chơi, con rót nước ba uống.
- Thôi khỏi, gặp mầy là tao vui rồi, ăn uống gì. Sửa soạn đi về với ba.
- Con không về đâu. Má đuổi con mà, đâu phải tự ý con bỏ nhà.
- Ôi, bả giận bả nói vậy, hơi nào buồn! Con về xin lỗi một câu là xong xuôi hết.
Hà ngún nguẩy:
- Con không xin lỗi đâu. Đuổi thì đuổi chớ. Bộ ra khỏi nhà là chết đói à? Ba về nói với má: con đã bỏ lại hết quần áo, nữ trang, xe cộ. Con không nợ má cái gì hết, đừng theo đòi.
Bỗng nhiên ông Lân thấy cần phải “mở mắt” cho Ngọc Hà. Nếu không, nó chẳng biết lỗi phải gì cả.
Ông hỏi vặn lại:
- Con có chắc là con chẳng lấy của má con món gì hết không? 
- Chắc chắn như vậy!
Rồi cô vênh váo:
- Bả không tin cứ lại đây mà xét?
- Ông Lân chậm rãi ngồi xuống ghế. Ông hít một hơi thở sâu vì biết rằng nếu không giữ được bình tĩnh trong lúc này thì mọi việc sẽ hỏng cả.
- Đâu con xem kỹ lại, coi có đem theo món nào quan trọng không, cớ sao bả u sầu hoài?
Hà giậm chân, tặc lưỡi. Cô bực tức ra mặt:
- Con nói không là không mà!!
- Con ơi, còn cái hình hài của con đó, con lấy ở đâu ra? Ai đã sinh thành dưỡng dục con vậy? Nếu không có mẹ có cha làm sao con nên hình nên vóc như ngày nay? Con đâu phải từ đất nẻ chun lên, con đâu phải là đứa trẻ vô thừa nhận bị quăng ngoài đường. Từ khi con chào đời, còn đỏ hỏn trong nôi cho đến bây giờ và về sau nữa, không lúc nào cha mẹ không thương con, không lo lắng cho con. Thương yêu là món nợ thứ nhì con đã vay của mẹ, của cha, con biết không?
Ước nguyện duy nhất của mẹ cha là mong con nên người, mong đời con sáng sủa. Vì vậy mà đôi lúc mẹ mắng cha rầy khi thấy con sai đường lạc lối. Nếu con lấy đó làm phiền thì ba xin lỗi con vậy.
Nước mắt Hà nhỏ giọt vắn dài làm ướt đẫm vạt áo trước. Sự ấm nóng thấm xuống làn da bụng căng tròn; thai nhi trong bụng như cũng lây cảm xúc, nó cựa mình khe khẽ.
Ông Lân đánh thêm đòn tâm lý:
- Con sắp có con. Rồi đây con sẽ hiểu lòng cha mẹ. Trồng cây mận cây xoài còn mong ngày ăn trái chớ nuôi con, ai dám hi vọng nhờ con? Vậy mà mẹ cha nhịn ăn quên ngủ, vất vả ngược xuôi từ tháng này qua năm nọ cũng chỉ vì con. Thử hỏi, trên đời này, ngoài cha mẹ ra, ai ban cho con tình thương vô điều kiện như vậy.
Ngọc Hà liên tưởng đến thái độ của thằng bồ Lucky mấy tuần sau này. Lucky bắt đầu hờ hững lạnh nhạt với mình chỉ vì mình trở thành gánh nặng cho nó. Nó cứ xúi phá thai để sớm trở lại công việc làm nhưng mà tự nhiên sao Hà thấy thương quá đứa con còn nằm trong bụng. Cái máy, cái đạp của nó cũng làm Hà cảm động.
- Thôi, sửa soạn về nhà với ba đi con!
Dù sao, đây cũng là cơ hội tốt để giữ thai nhi. Nàng viết vội dòng chữ: “I go home” để lại cho thằng bồ. Già nhân ngãi non vợ chồng như họ thì chuyện đi, ở cũng giản dị có chừng ấy thôi.

***

Hai mẹ con gặp lại nhau, trong bụng mỗi người đều cảm thấy vui nhưng bên ngoài, vì tự ái, họ vẫn “kênh” nhau. Chiến tranh nóng lúc trước trở thành chiến tranh lạnh. Họ chỉ nói chuyện với nhau qua trung gian là ông Lân. Thành ra lúc ông Lân đi làm, ở nhà, hai mẹ con không ai nói tới ai.
“Nó là con mà không xuống nước, mình là mẹ lại phải đi xin lỗi nó à?”
“Bả đuổi mình đi, giờ không tỏ vẻ gì hối hận; người gì cứng như sỏi đá!”
Phải chi Hà đừng giống tánh mẹ, đừng cứng cỏi như bà thi mọi chuyện đã êm xuôi, đâu vào đấy. Đằng nay, không ai nhường ai nên họ cứ giữ bộ mặt lạnh lùng.
Ngọc Hà còn giận mẹ thêm khi nàng đi sinh: bà từ chối không chịu vào phòng sinh. Thật ra bà sợ chứng kiến cảnh con mình oằn oại rên la nhưng Hà lại nghĩ mẹ chẳng còn thương mình vì mình có chửa hoang, làm hại danh giá của bà.
Bởi vậy khi đem con về, dù non ngày non tháng, Hà cũng tự tay săn sóc con. Cái gì không biết thì lật sách ra đọc, cần mua gì thì nói với ba.
Bà Lân buồn lắm. Con không hiểu mình. Nhiều lần bà mon men vào phòng con, tiến đến gần cái nôi của cháu ngoại, ngắm nhìn nó đang ngủ yên, đẹp như thiên thần. Những lúc ấy, nếu Hà chỉ nhìn mẹ mà cười, bà sẽ quên hết mọi chuyện cũ, gia đình sẽ trở lại hòa khí như xưa.
Nhưng Hà đã không làm như vậy, đã không cho mẹ được một nụ cười; trái lại, cái giận làm nàng ngu si, nàng ngoảnh mặt xoay vào tường. Như là tấm vách tường đáng nhìn hơn bộ điệu muốn làm quen của mẹ vậy.
Thế là bà Lân lủi thủi trở về với bàn máy may. Bà gạt nước mắt, nhấn bàn đạp, nghĩ tới những món cần dùng của đứa cháu ngoại. “May mà nó là con trai!”
Buổi chiều, khi bà Lân uể oải sắp xếp đồ may lại cho gọn để chuẩn bị cơm nước thi nghe tiếng Ngọc Hà gọi thất thanh:
- Má ơi má! Coi nè! Sao thằng Tom lại như vầy?
Bà Lân phóng lẹ như tên. Bả hoảng hồn khi thấy đứa bé đang trợn trừng cặp mắt, tay chân quíu lại sắp sửa co giựt.
- Nó bị làm kinh. Mở nước lạnh đầy bồn tắm cho tao!
Bà ẳm đứa cháu lên, cả người nó nóng như cục than hầm, cái mặt đỏ nhừ. Rồi bà ôm lấy nó, bước tỏm vào bồn tắm, nâng Tom trong hai cánh tay cho nước lạnh ngập hết người nó. Hà chỉ biết đứng nhìn, thút thít khóc.
Chừng năm, bảy phút sau, người nó dịu lại. Áp mặt vào trán cháu, bà biết nhiệt độ đã giảm. Bảo Hà lấy sẵn cái khăn lông mềm, bà đứng lên, đưa đứa nhỏ cho mẹ nó quấn lại.
Ôm đứa con bình yên trong tay, Ngọc Hà sung sướng quá! Rồi nhìn lại mẹ, thấy bà đang lúng túng trong bộ đồ sủng nước, Hà bật cười thành tiếng, bà Lân cũng cười theo.
Chiều hôm đó ông Lân về thấy hai người thân yêu của ông đang vui vẻ trò chuyện với nhau về thằng bé, giờ đã ngủ ngon lành sau khi uống thuốc và nút cạn bình sữa.
Ngọc Hà xung phong lo dọn cơm. Lâu lắm rồi họ mới được ngồi chung với nhau, thân mật và hạnh phúc trong buổi cơm chiều.
Với niềm vui tuôn chảy trong tim, bây giờ Ngọc Hà mới hiểu rằng hễ mình khổ thì cha mẹ khổ, mình vui thì cha mẹ vui, cũng như thằng Tom bịnh thì Hà điếng hồn vậy. Tình cảm này thiêng liêng quá!
Cố thu hết can đảm, Hà đưa ra một đề nghị:
- Chừng nào thằng Tom một tuổi, con đi học lại. Má vừa may vừa giữ cháu được không?
Ông bà Lân trao nhau cái nhìn mãn nguyện.
Bà trả lời, giọng săng sái:
- Dư sức! Có nó ở nhà hủ hỉ còn vui thêm. Bản mặt nó càng nhìn càng thấy ghét.
Rồi bà tiếp, vừa nói vừa nghiến răng:
- Chờ nó lớn thêm chút nữa, tao nựng mới đã!
Ngọc Hà cúi mặt, cười chúm chím. Cô hiểu và thương mẹ hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2015(Xem: 4810)
Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 8355)
Một ngày kia, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), một số Tỳ Kheo hỏi ngài là có lợi ích gì không, khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 12838)
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thí vợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thí vợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau: ....