21 Đêm Ba Mươi Tết

24 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 8289)


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Đêm ba mươi Tết

Chiều ba mươi Tết, sư Viên Mãn đã có mặt trên núi Sinh Trung. Theo thông lệ tuy đã có chùa riêng để tiện viêc tu tập song các vị sư vốn xuất thân từ chùa Kỳ Viên Sinh Trung đều hội tụ về chùa chính. Mỗi tháng đều có mặt hai lần: ngày mồng một và ngày rằm. Cuối năm thường hiện diện trong các ngày trước Tết để chăm lo Phật sự. Chiều ba mươi Tết sau khi chùa hành lễ xong, các vị sư mới trở về chùa riêng. Năm nay sân chùa Kỳ Viên thiện nam tín nữ tập trung đông hơn mọi năm. Buổi lễ diễn ra rất trật tự và trang nghiêm. Khi mọi người ra về, sư chú Viên Mãn lên vấn an sư trụ trì và xin phép được về lại chùa Từ Tôn Hòn Đỏ.

Cu Hùng (con anh Sáu Sài Gòn) vẫn ngồi trên chiếc thuyền thúng đợi nhà sư. Buổi chiều ba mươi trên bến Hòn Đỏ dường như vắng lặng hơn. Gió hiu hiu thổi bóng chiều trên sóng nước. Màu trời xanh thắm hòa cùng màu nước biếc của trùng dương. Hòn Đảo cô đơn càng thêm xa vắng. Thuyền qua mau và trở về đất liền cũng mau. Thời gian chiều cuối năm như vội vàng thu ngắn lại. Sư Viên Mãn vẫn âm thầm nhẹ bước trên dốc mòn quanh co. Dáng đi thong thả trong bóng chiều đậm nhạt, bên tiếng sóng thầm thì. Chiều cuối năm trên hải đảo Hòn Đỏ vẫn quạnh hiu như những chiều thường nhật. Và buổi lễ cúng tất niên cũng đơn sơ và trôi mau trong dáng chiều tan dần trên sóng biếc. Lễ tất niên để đón giao thừa đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhà sư ra ngồi nơi gành đá đăm chiêu nhìn về thành phố Nha Trang.

Tuy chưa đến giờ giao thừa song một đôi nơi trong thành phố đã có đốt pháo mừng xuân. Có lẽ đó là tiếng pháo tiễn đưa năm cũ của những gia đình làm lụng cực nhọc cho đến ngày cuối năm mới được rảnh rang đưa tiễn ông bà.

Chiều nay biển khơi lặng sóng. Dáng núi Hòn Tre in đậm lên bầu trời và mặt biển có màu xanh thẫm. Trong tiếng sóng vỗ chung quanh Hòn Đỏ có tiếng reo vui, như sóng nước đang đón mừng năm mới sắp về. Mùa xuân rộng trải dáng xuân trên mặt biển bao la. Ngồi trong nhà chúng ta chỉ thấy mùa xuân phảng phất trên bàn thờ tổ tiên, trong khói trầm nghi ngút. Ngồi trên hải đảo Hòn Đỏ ta mới nhìn thấy mùa xuân ôm trùm lấy quê hương trong sự dịu dàng đằm thắm. Màu xanh của trời biển là màu xanh của mùa xuân, không riêng cho một ai, không dành cho một ai. Mọi người đều đón nhận, mọi người đều chung vui và là của chung tràn ngập cho tất cả mọi người. 

Trong hương nồng biển cả thoang thoảng mùi hương trầm tự núi Chúa thoảng về. Nơi đỉnh Hòn Đỏ khói hương trầm từ Tháp Bà Thiên Y A Na thoảng đến, khi có khi không. Lòng sư Viên Mãn tràn ngập niềm vui, tràn ngập hạnh phúc của đất trời đem đến. Đêm đến trên hải đảo tự bao giờ. Màn đêm lặng lẽ bao trùm, các ánh sao trời đua nhau bừng nở. Trời trong và biển cũng trong xanh. Hương xuân mặn mà trong gió biển, âm thanh mùa xuân như thì thầm trong sóng biển và lòng người như bao la cùng đại dương. Có ngồi trên Hòn Đỏ đón xuân, mới thấu hiểu được niềm vui lớn của con người trước vũ trụ bao la, mới thấu hiểu được sự yên lặng đón chào mùa xuân của các vị thiền sư khi nhập định: xuân có mặt khắp nơi, trong từng khoảnh khắc thời gian, khắp vũ trụ. Xuân có trong 4 mùa, có trong từng sát na bên cạnh chúng ta.

Năm nay tuy chưa đến giờ giao thừa mà tiếng pháo đón mừng xuân mới đã rộn ràng, nổ rang rang. Bỗng nhiên khắp nơi đều vang lên tiếng pháo. Xen lẫn có đôi tràng súng nổ. Xuân đã về. Xuân đã về.

Từ Hòn Đỏ, nhìn về đất liền ngoài những ánh chớp của pháo còn có những lằn đạn đạo màu đỏ vạch chằng chịt lên bầu trời. Về hướng đồi Sinh Trung thì hướng đạn đi từ trên xuống.Từ đồi Trại Thủy hướng đạn lại từ dưới lên trên và cũng có hướng từ trên xuống dưới. Chen trong tiếng pháo lại có tiếng súng nổ rõ mồn một. Người dân Nha Trang ngỡ rằng năm nay nhân dân đón mừng năm mới cùng với quân đội trú đóng nơi phố phường. Mùi thơm của hương pháo lẫn với mùi khét của khói đạn.

Người xuất hành du xuân đã xuất hiện trên các ngã đường đi về hướng Tháp Bà hoặc chùa Long Sơn hay mọi ngã đường ra biển Nha Trang. Từng đoàn xe gắn máy chạy nối đuôi theo nhau khắp ngã đường. Phần nhiều phía sau xe có kéo theo những chiếc lon sữa bò, những chiếc lon coca cola hoặc những lon bia trống lòng. Tại các khu quân sự có nhiều bóng người lặng lẽ như đang đứng chờ xuân đến, trong bóng đêm, trong tiếng pháo rộn ràng.

Đúng 23 giờ 30 đêm giao thừa 29 Tết tại sân bay Nha Trang có tiếng súng dòn dã và kho đạn tại sân bay bốc cháy. Bầu trời phía Tây Nha Trang nơi vùng khu sân bay rực sáng do pháo sáng của đèn dù từ máy bay C47. Lệnh báo động được được ban hành song rất ít người chú ý và cuộc đốt pháo đón xuân vẫn náo nức tiếp diễn. Xe cộ chở người đi hái lộc trên đường phố vẫn rộn ràng. Phối hợp với tình hình này, quân giải phóng tiến công vào các đồn bót đóng tại Nha Trang theo ba cánh quân:

Cánh quân A là cánh quân chủ yếu có nhiệm vụ đánh vào 3 mục tiêu quan trọng: Tỉnh đường,Tiểu khu và Bộ Chỉ huy Tiếp vận 5. Sau hơn 10 phút các mục tiêu bị chiếm lĩnh.

Cánh B tiến chiếm đài phát thanh song vì lạc đường nên mãi đến 2 giờ sáng mới chiếm được căn cứ trên đồi Trại Thủy và tấn công chiếm đài phát thanh, song không thành.

Cánh C có nhiệm vụ tiến chiếm tiểu đoàn 65 truyền tin, tiểu đoàn vận tải và đại đội công binh cầu nổi. Trận chiến xảy ra ác liệt. Một trung đội công binh có nhiệm vụ phá cầu Xóm Bóng bị phát hiện và có sự chống cự kịch liệt nên cầu không thể phá được. Tình hình chiến sự mãi đến sáng mồng hai mới tạm thời lắng dịu.

Hằng năm, chùa Từ Tôn nơi Hòn Đỏ sáng mồng một, các bổn môn đệ tử cùng khách du lịch hành hương đã tấp nập qua đò lên núi, thăm chùa. Đây là một cuộc hành hương trong dịp đầu xuân giữa trời mây biển cả. Du khách đi từng toán nhỏ, dạo quanh chùa, ngắm biển cả và nhất là để thắp nhang đầu xuân. Ngôi chùa nhỏ nhắn nhưng tĩnh lặng trong hương khói uy nghiêm. Tiếng du khách nói thì thầm với nhau như hòa cùng tiếng sóng vỗ nhẹ dưới chân đảo.

Năm nay (năm Mậu Thân) mãi đến ngày mồng năm mới có một vài đạo hữu qua đò lên đồi thắp hương. Trên thực tế đêm mồng một chùa đã có ba vị khách đặc biệt đến xông đất nhà chùa. Đó là ba chiến sĩ quân giải phóng thuộc trung đội công binh có nhiệm vụ phá cầu Xóm Bóng để chặn quân từ trường Hạ sĩ quan Đồng Đế sang tiếp viện cho thành phố Nha Trang. Lực lượng giải phóng từ Núi Sạn tiến qua Ngọc Thảo, khi gần tiếp cận với cầu thì bị phát giác. Sau khi giao tranh và nhận thấy hỏa lực địch quá mạnh nên trung đội công binh buộc lòng phải rút lui về núi Sạn. Trong cuộc chiến có ba chiến sĩ bị lạc đồng đội và nương tạm vào nơi Xóm Bóng. Nhân thấy có một chiếc thuyền thúng cột neo dưới nhà sàn nơi mé sông, ba chiến sĩ đặc công liền dùng làm phương tiện nhẹ nhàng chèo qua Hòn Đỏ. Giấu thuyền nơi một hốc đá khuất lấp, ba chiến sĩ leo được lên đến chùa Từ Tôn. Sư Viên Mãn đã tiếp đón ba chiến sĩ rất ân cần và tiếp tế thức ăn (chỉ có mì chay lá vị trai). Tối hôm sau ba chiến sĩ xuống thuyền thúng rời hải đảo Hòn Đỏ trở về đơn vị.

Sau này khi kể lại câu chuyện, nhà sư đã tâm sự:

Ban đầu khi gặp ba vị quân giải phóng, tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vị nơi hải đảo hẻo lánh và xa xôi này rất có ít khách tham quan thì làm sao các anh bộ đội ở tận nơi chiến khu xa thẳm biết được nơi này có chùa, có người trú ngụ mà ghé đến nương nhờ khi hoạn nạn. Sau khi trò chuyện, sư mới biết đây chỉ là một sự tình cờ. Ban đầu các anh chỉ định tạm trú trong hang đá để tối hôm sau lẻn về đất liền đi tìm đồng đội. Nhưng mờ sáng hôm đó nghe được tiếng chuông tiếng mõ và tiếng tụng kinh vẳng từ trên chùa xuống nên ba chiến sĩ quyết định lên xin chùa giúp đỡ vị đói và khát.

Gặp sư Viên Mãn các anh không giấu giếm thân phận mình và đã được nhà chùa giúp đỡ. Được biết rằng chùa này chỉ có một mình sư Viên Mãn trụ trì và với tình hình hiện tại thì sẽ không có ai ra đảo cho nên ba chiến sĩ giải phóng yên tâm nằm đợi đến tối vào bờ trở về đơn vị.

Gần 40 năm trôi qua, sư Viên Mãn không gặp lại ba chiến sĩ năm xưa nhưng kỷ niệm cuộc gặp gỡ ba người vẫn còn in đậm như sóng nước quanh hải đảo Hòn Đỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Ba 2016(Xem: 4465)
Được xem như là một thiên đường thiền định chốn trời Nam, mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm (Tp. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng) đón tiếp hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh cũng như thiền tập.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7847)
Đầu năm Ất Dậu, nhân dịp mang tro cốt của ông thân tôi về Việt nam tìm nơi ký tự, tôi được thiện duyên đến Chùa Tôn Thạnh đảnh lễ Sư Ông trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng, rồi được trao tặng một tập sách nhỏ, tựa: Chùa Tôn Thạnh, do nữ sĩ Trần Hồng Liên biên soạn, sở Văn hóa-Thông tin Long an ấn hành năm 2002.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5669)
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5733)
21 Tháng Tư 2015(Xem: 5517)
Chưa bao giờ như ngày nay , chùa chiền thắng tích và các cơ sở Phật giáo Việt Nam phát triển rộng khắp trên mọi miền đất nước , từ thành thị đến nông thốn , từ miền núi đến hải đảo ; phần lớn được phục hồi , trùng tu từ những ngôi chùa xưa đã điêu tàn trong chiến tranh , phần khác được xây dựng mới trên địa điếm cũ hoặc tọa lạc trên vùng đất mới .
17 Tháng Tư 2015(Xem: 7497)
Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đâu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có bóng mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất.