● Phật Giáo Với Sứ Mạng Xây Dựng Nền Tảng Đạo Đức Trong Xã Hội Trung Quốc Hiện Nay

16 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6889)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

PHẬT GIÁO VỚI SỨ MẠNG XÂY DỰNG
NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC TRONG XÃ HỘI TRUNG QUỐC HIỆN NAY
Ths. Thích Giải Hiền, Đại học Quốc lập Quốc tế Chinan, Đài Loan 

Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc từ bao lâu nay là điều không thể phủ nhận. Tư tưởng, nội dung, hình thức lễ nghi của Phật Giáo Bắc tông Việt Nam không thể nói là không xuất nguồn từ Phật Giáo Trung Quốc được. Tư tưởng “Nhân gian Phật Giáo” ở Trung Quốc cuối thế kỷ 19 là động lực thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Lịch sử sang trang Phật của hai nước cùng trải bao thăng trầm của thời cuộc. Thời đại mới đã mở ra cho Phật giáo Trung Quốc thách thức mới cùng sứ mạng to tát mới. Phật giáo Việt Nam rồi sẽ ra sao? Chúng ta cần chuẩn bị gì để gánh vác sứ mạng mới nếu lịch sử dân tộc cần đến chúng ta?
 

I. THÀNH TỰU KINH TẾ VÀ CUỘC SỐNG TINH THẦN ĐẠO ĐỨC của XÃ HỘI TRUNG QUỐC NGÀY NAY

 Thành tựu kinh tế vượt bậc của Trung Quốc sau 31 năm đổi mới đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc. Từ một nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh Triều Tiên, bốn bước nhảy vọt và mười năm cách mạng văn hóa. Trung Quốc ngày nay là cường quốc trong các nước đang phát triển, là công xưởng của toàn thế giới, dần dần thay thế Nhật Bản để trở thành đầu tàu kinh tế Á Châu, và đã có thể ngồi chung bàn thảo luận những vấn đề kinh tế thế giới với lãnh đạo các cường quốc G7. Năm 2005 Trung Quốc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất thế giới vượt qua cả Mỹ. Năm 2006 Trung Quốc trở thành nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới vượt qua cả Nhật Bản.

Những thành tựu kinh tế kể trên đã đem lại sự thay đổi to lớn về mặt vật chất trong đời sống xã hội Trung Quốc. Thống kê từ Công Báo của Tổng cục thống kê của chính phủ cho biết tổng trị giá sản xuất năm 2005 là 182.321 ức nhân dân tệ (Đơn vị tính của Trung Quốc. Một ức bằng một trăm triệu) tăng trưởng cao hơn năm 2004 là 9,9%. Dự trữ ngoại tệ đạt 8.189 ức đô la Mỹ, tăng hơn năm trước 2.089 ức đô la Mỹ. Năm 2005 tổng giá trị xuất nhập khẩu là 7.620 ức đô la Mỹ tăng 28,4%, nhập khẩu là 6.601 ức đô la Mỹ tăng 17,6%. Xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu là 1.019 ức đô la Mỹ. Thu nhập của người nông dân bình quân một năm là 3.255 nhân dân tệ tăng 6,2%. Thu nhập của cư dân thành thị bình quân môt năm là 10.493 nhân dân tệ tăng 9,6%.

Sự phát triển của Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế được đánh giá là sự phát triển thần tốc. Lịch sử gia nổi tiếng thế kỷ 20 của Anh ông Arnold Toynbee đã nói: “ TK 19 là thế kỷ của Anh, Thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, Thế kỷ 21 là Thế kỷ của Trung Quốc” (Minh Báo Hong Kong-Số tháng 5/2006). Sự lớn mạnh của Trung Quốc về lãnh vực kinh tế đã nâng cao địa vị của Trung Quốc trên trường Quốc tế rất nhiều. Nhiều vấn đề của thế giới ngày nay không thể thiếu tiếng nói từ phía Trung Quốc. Tháng 5/1990 giáo sư Thôn Tĩnh Hữu Tú của trường Đại học phòng vệ Nhật Bản là người đầu tiên đưa ra thuyết “Sự uy hiếp của Trung Quốc” (Trung Quốc uy hiếp luận) đã chứng tỏ sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay.

Thành tựu kinh tế vượt bậc cũng đã phơi bày những mâu thuẫn to lớn trong xã hội. Những mặt trái của xã hội dần được phơi bày. Lòng người hoang mang khi trật tự trị an không được bao đảm. Nhiều vụ án giết người chỉ vì mấy trăm đồng nhân dân tệ không ngừng gia tăng, những tranh chấp dù là rất nhỏ trong cuộc sống vẫn có thể dẫn đến án mạng là chuyện thường ngày vì những mối quan hệ thiếu hẳn tình người ngày càng lớn trong xã hội. Nhiều lỗ hổng lớn trong nền tảng đạo đức xã hội lấy giả làm thật, bằng cấp giả, hàng giả, tiền giả, báo cáo giả… đầy dẫy. Tình trạng tham ô, tham nhũng tràn lan khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống, làm cho lòng người càng thêm hỗn loạn, xã hội mất hẳn nếp sống đạo đức kiểu mẫu.

Tư tưởng truyền thống “dĩ hòa vi quý” của Trung Quốc giờ đây không còn nữa. Xã hội Trung Quốc ngày nay cuộc sống vật chất sung túc hơn nhưng lòng người lạnh nhạt, tham ô tham nhũng hoành hành, xã hội thiếu vắng niềm tin trong cuộc sống không còn biết đâu là đúng, đâu là sai. “ Nguy cơ đạo đức” này không phải do một ngày một giờ tạo nên mà nó là cả một sự tích lũy lâu dài. Là hệ lụy của quá trình “nguy cơ tín ngưỡng” cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Là kết quả của cách mạng văn hóa cùng chính sách tôn giáo mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc thực hiện đã phá bỏ hết tất cả nền tảng Đạo Đức đã được Tôn giáo xây dựng nên từ bao đời nay ở Trung Quốc. Lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh hành động đã làm cho mọi người thiếu niềm tin với nhau, không dám nói thật, sống thật với chính mình và với cả người khác.

Nhất là tư tưởng “hòai nghi tất cả, phủ nhận hết thảy” được cổ súy trong suốt mười năm cách mạng văn hóa đã không những đập phá hết thảy tư tưởng Khổng Tử và nền đạo đức Nho gia được xây dựng từ mấy nghìn năm ở Trung Quốc mà còn đạp đổ tất cả mọi khuôn phép đạo đức tôn giáo đã hiện hữu bao đời trong xã hội Trung Quốc. Không một tiêu chuẩn đạo đức nào còn tồn tại trong xã hội Trung Quốc hiện nay ngay cả đạo đức cách mạng mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn xây dựng trong mấy chục năm qua. Có thể nói cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhưng lòng người Trung Quốc không còn phương hướng và cuộc sống tinh thần vô cùng trống vắng.

Mối xung đột trong quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên, xung đột trong những mối quan hệ giữa người với người, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, văn minh cuộc sống không còn tồn tại nếp sống gương mẫu, đạo đức trống không. Những khẩu hiệu trị quốc và phong trào quầng chúng nhằm kích thích lòng dân của Đảng va Nhà nước Trung Quốc thiếu tính thực tế đã không còn tác dụng cổ vũ và khó được người dân thật tâm tiếp nhận như trước đây nữa. Mấy chục năm cầm quyền đây là những vấn đề Xã hội vô cùng nghiêm trọng mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang phải đối mặt trước thực tế xã hội hiện nay.


II. PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC TRONG NĂM MƯƠI NĂM QUA

Sau cuộc nội chiến Quốc Cộng, Tưởng Giới Thạch cùng Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập tại Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Phật Giáo Trung Quốc bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Nhiều bậc đống lương Phật giáo Trung Quốc thời cận đại là học trò và người kế thừa tư tưởng “Nhân gian giáo” của bốn vị đại sư Phật giáo Trung Quốc là Thái Hư, Ấn Quan, Hư Vân, Hoằng Nhất và các vị Tịnh Vân, Thánh Nghiêm, Duy Giác… đã chuyển đến hoằng pháp ở Đài Loan, Hồng Kông. Nội lực của Phật giáo Trung Quốc đã dần suy yếu sau nấc thang lịch sử mới.

Tiếp sau đó là chính sách tôn giáo cùng cách mạng văn hóa đã làm cho Phật giáo Trung Quốc hoàn toàn mất đi khả năng và sứ mạng hoằng pháp của mình trong xã hội mới ở Trung Quốc. Chùa chiền bị đập phá, biến đổi dùng vào mục đích khác, văn vật, kinh tượng bị thất lạc, bị tiêu huỷ, tăng đoàn hoàn toàn không còn nữa, Phật học viện bị đóng cửa. Và điều đau đớn cho Phật giáo Trung Quốc hơn cả là niềm tin tôn giáo của quần chúng nhân dân hoàn toàn bị tiêu diệt, cho đến tận ngày nay trên 60% dân số Trung Quốc không có hoặc chỉ có rất yếu về niềm tin tôn giáo.

Sau cải cách mở cửa cùng với chính sách “Dùng tôn giáo kích thích du lịch” nhiều chùa chiền, tự viện được trùng tu và mở cửa đón khách tham quan, tạo nguồn thu kinh tế, công ăn việc làm cho xã hội. Cuối thập niên bảy mươi thế kỷ trước tại Đài Loan Tổng thống Tưởng Kinh Quốc thực hiện chính sách bỏ lệnh giới nghiêm đối với Trung Quốc, cho phép người Đài Loan trở về Trung Quốc thăm thân nhân, du lịch. Làn sóng “Tây Tiến” (đầu tư vào Trung Quốc vì Trung Quốc ở phía tây Đài Loan) của thương nhân Đài Loan bắt đầu ồ ạt đổ tiền của vào đầu tư ở Trung Quốc.

Mặc dầu chính sách “Nam Tiến” (đầu tư vào các nước Đông Nam Á) và “ tích cực quản lý” để ngăn chặn làn sóng “Tây Tiến” của thương nhân Đài Loan nhưng đến năm 2004 nguồn vốn của Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc đã đạt hơn bảy tỷ đô la Mỹ. Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc bắt đầu từ kinh tế phát triển dần sang những lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, giáo dục, nghiên cứu học thuật… Cùng với sự quan hệ giữa hai bờ eo biển ngày càng thêm sâu rộng, Phật giáo Đài Loan dưới sự lãnh đạo của chư sơn trưởng lão đến từ Trung Quốc đã bắt đầu đem Phật giáo Đài Loan truyền trở về Trung Quốc. Đồng thời giúp đỡ tài lực, vật lực cho Phật giáo Trung Quốc trong những phương diện lập lại Phật học viện, đào tạo tăng tài, Ấn tống Đại Tạng, kinh sách và băng đĩa Phật giáo Trung Quốc, tổ chức hội thảo Phật giáo hai bờ eo biển…

Những đoàn hành hương chiêm bái trở về nguồn cội của các vị trưởng lão Đài Loan trong những lần trở về Trung Quốc với phái đoàn trên cả ngàn tăng ni và Phật tử đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục của Phật giáo Trung Quốc từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay. Trong quá trình phục hồi này sự đóng góp của Phật giáo Đài Loan cùng Phật giáo Trung Quốc ở hải ngoại là không nhỏ. Hồi phục đủ lớn mạnh đủ gánh vác lấy trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, tinh hóa nhân tâm của Phật giáo Trung Quốc trong thời đại mới còn là cả một quá trình nhiều khó khăn và cần biết bao là tâm huyết.

Nhìn chung Phật giáo Trung Quốc ngày nay còn đang trong quá trình khôi phục lại sau thời gian bị huỷ diệt hoàn toàn trong cách mạng văn hóa. Qua số lượng thống kê sau chúng ta có được cái nhìn tổng quát về Phật giáo Trung Quốc.

Trung Quốc

Khoảng 100 triệu tín đồ trong dân số 1,3 tỷ người. Chùa viện hơn 20.000 ngôi, trong đó Hán Tạng Phật Giáo hơn 15.000 ngôi (chủ yếu dùng làm thắng cảnh du lịch, không có hoạt động hoằng pháp, trừ một số ít). Phật giáo Tây Tạng có hơn 4.000 ngôi. Nam truyền Phật giáo hơn 1.300 ngôi. Số lượng tăng ni của cả ba ngữ hệ là hơn 200.000 vị. Trong đó Phật giáo Hán Tạng có hơn 100.000 vị, Tạng truyền Phật giáo gần 100.000 vị, Nam truyền Phật giáo gần 5.000 vị. Trường viện Phật học của cả ba ngữ hệ có 34 ngôi. Số lượng học tăng đang theo học là 4.000 vị, đã tốt nghiệp từ trước đến nay là 6.000 vị. Báo và tạp chí Phật giáo cả ba ngữ hệ gần 30 tờ.

Đài Loan

Năm triệu tín đồ trong dân số 23 triệu người chiếm số lượng lớn nhất trong các tôn giáo tại Đài Loan. Chùa viện có 4.000 ngôi. Tăng ni 10.000 vị. Các tổ chức Phật giáo lớn gồm: Phật Quang Sơn, Trung Đài Thiền tự, Pháp Cổ Sơn, Từ Tế cơ kim hội, hội Phật giáo Trung Quốc, Hiệp hội tự viện Trung Hoa, Hội thanh niên Phật giáo Trung Hoa.

Hồng Kông

Gần một triệu tín đồ trong dân số 6.895.500 người.

Tổ chức Phật giáo chính gồm Hội liên hiệp Phât giáo Hongkong, Hội liên hiệp Tăng già Phật giáo Hongkong, Trung tâm Hoằng pháp Tam Đức, các chùa chính là: Quán Tông tự, Bảo Liên thiền tự, Chi Liên tịnh uyển.

Ma cao

Dân số 480.000 người gần một nửa là tín đồ Phật giáo. Tăng ni chưa tới 100 vị, có hơn 40 ngôi chùa lớn nhỏ thuộc thiền tông và tịnh độ tông.

 

III. NHU CẦU CẦN THIẾT PHẢI DÙNG GIÁO LÝ PHẬT ĐÀ ĐỂ XÂY DỰNG NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC CHO XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Thực trạng đạo đức trong xã hội Trung Quốc hiện nay đang là vấn đề mà người dân rất quan tâm. Các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu lo âu trước thực trạng nếp sống đạo đức trong xã hội đang gặp nguy cơ. Quan trường tham ô tham nhũng, tha hóa thối nát. Thương trường hàng giả, tiền giả tràn lan, học đường bằng giả, học giả đầy dẫy. Bệnh viện chỉ biết mưu lợi mất hẳn nền tảng y đức. Học thuật việc đạo văn, chép văn thành nếp. Người giàu không biết hay từ chối làm thiện, công nhân bị sa thải thất nghiệp nghiêm trọng, tâm lý thù ghét người giàu trong xã hội dần dần phát khởi, trật tự trị an xã hội xuống cấp, tệ nạn văn hóa làm cho xã hội thiếu lành mạnh, ý thức đạo đức công tẻ nhạt.

Đầu năm 2006, cục thống kê quốc gia công bố kết quả điều tra cho thấy nhân dân quan tâm nhất là “Tệ nạn xã hội” và “Đạo đức xã hội xuống cấp”. Nếp sống xã hội được phản ánh bởi mối quan hệ giữa người với người, mức độ căng thẳng giữa người với người. Dùng chỉ số Gini để đo đạt sự ổn định xã hội thì 0,3 đến 0,4 là bình thường, qua 0,4 là mức cảnh báo, trên mức 0,6 thì xã hội sẽ mất ổn định. Trong khi đó chỉ số Gini của Trung Quốc hiện nay là 0,458 vượt qua mức cảnh báo.

Ông Diệp Tiểu Văn – Cục trưởng Cục Tôn giáo quốc vụ viện chính phủ kiêm Hội trưởng hiệp hội giao lưu văn hóa Tôn giáo Trung Hoa nói: “Sự căng thẳng trong quan hệ giữa người với người, người với hoàn cảnh môi trường tự nhiên đã dẫn đến lo lắng hoang mang trong cuộc sống của người dân trong xã hội. Tệ nạn xã hội đầy dẫy, mất hẳn nếp sống gương mẫu trong xã hội nảy sinh từ sự phát triển quá mau đã hình thành những mối mâu thuẫn khó lựa chọn trong cuộc sống; như mâu thuẫn đòi hỏi sự cạnh tranh bình đẳng với mục tiêu thúc đẩy làm giàu; mâu thuẫn đòi hỏi tham gia cạnh tranh nhằm tránh nguy cơ phân hóa giàu nghèo trong xã hội; mâu thuẫn trong dựa vào cạnh tranh để kích phát động lực hoạt động xã hội với nhu cầu đảm bảo sự điều hòa dung hợp trong xã hội; mâu thuẫn của việc nâng cao hiệu suất với mục đích hoàn thành sứ mạng công bình xã hội”.

Ông Diệp Tiểu Văn cũng cho rằng: “Tính khác biệt và độc lập trong hoạt động tư tưởng của người dân ngày nay đã nâng cao, ý thức tham gia vào hoạt động chính trị của người dân tăng trưởng hơn. Mong muốn được bảo đảm lợi ích của cá nhân mạnh mẽ hơn. Đồng thời cũng phản ảnh mối ưu tư về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp được phản ánh qua tâm lý bất chấp luật lê của cá nhân mỗi người, thông qua những hành động uy hiếp trật tự xã hội cùng những kiểu biểu hiện xuống dốc về tinh thần và tư tưởng “Makeno” (tư tưởng buông xuôi, mặc kệ tất cả).

Trước thực tế xã hội đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải chú tâm xây dựng lại đạo đức xã hội làm nền tảng cho sự ổn định và tiếp tục phát triển của Trung Quốc nhằm thực thi ước vọng dân tộc Hán sẽ lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thấy được nguy cơ và tích cực tìm biện pháp khắc phục, họ dần ý thức rằng giáo lý và tinh thần Phật giáo có thể là chất liệu cần thiết để xây dựng lại nền tảng đạo đức, củng cố các mối quan hệ để xây dựng một xã hội hài hòa hơn ở Trung Quốc. Chọn đạo lý Phật giáo làm chất liệu vì so với các tôn giáo khác, Phật giáo không có ý đồ chính trị cho dù số lượng tín đồ có lớn đến đâu đi chăng nữa, Phật giáo là tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới, cho nên lý tưởng và quan niệm của Phật giáo đã bắt đầu được các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ứng dụng trong các công cuộc xây dựng xã hội hài hòa.

Các nhà lãnh đạo cần nhận thức ra trong quá trình lịch sử lâu dài Phật giáo không có xung đột với chính trị, chỉ có những nhà chính trị lừa dối Phật giáo mà thôi, mặc dầu vậy Phật giáo đồ từ bao lâu nay vẫn không có ý tưởng phản động chính trị. Phật giáo đồ như những nhân viên của một công ty chỉ biết làm và phục vụ, ai lên ai xuống là việc của Hội đồng quản trị họ không để tâm đến. Do vậy các nhà chính trị Trung Quốc phải biết lợi dụng Phật giáo để duy trì trật tự ổn định xã hội, xây dựng lòng người, làm đẹp hơn nếp sống đạo đức, dạy người biết tri túc và biết giữ tròn bổn phận, hoàn thành trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình và xã hội.

Nhà nước Trung Quốc muốn kết hợp “Tám vinh, Tám nhục” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu ra tại hội nghị 4, khóa 14 “Chính Hiệp” Trung Quốc tháng 3 năm 2006 là :

1. Yêu nước nồng nàn là vinh, Nguy hại quốc gia là nhục.
2. Phục vụ nhân dân là vinh, Xa rời quần chúng là nhục.
3. Ủng hộ khoa học là vinh, Ngu si vô trí là nhục.
4. Cần cù lao động là vinh, Ăn không ngồi rỗi là nhục.
5. Đoàn kết hỗ trợ là vinh, Hại người lợi mình là nhục.
6. Thành thật giữ tín là vinh, Thấy lợi quên nghĩa là nhục.
7. Tuân thủ pháp luật là vinh, Bất tuân luật lệ là nhục.
8. Gian khổ phấn đấu là vinh, Hoang dâm xa xỉ là nhục.

Với “Tân lục hòa” được đề xướng bởi diễn đàn Phật giáo Thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc với chủ đề “Tâm tịnh quốc độ tịnh, tâm an chúng sanh an, tâm bình thế giới bình” là:

1. Lòng người cần hòa thiện.
2. Gia đình cần hòa mục.
3. Nhân tế cần hòa thuận.
4. Xã hội cần hài hòa.
5. Nhân gian cần hòa mỹ.
6. Thế giới cần hòa bình.

Như lời Cục trưởng Cục tôn giáo Quốc vụ viện chính phủ Trung Quốc Diệp Tiểu Văn khẳng định “Hấp thụ thành quả văn minh của nhân loại, mỗi người bắt đầu từ nội tâm của mình làm thiện, thánh tự tâm, trong thì xây dựng xã hội hài hòa, ngoài thì cùng nhau kiến tạo thế giới hài hòa”.

Dựa vào giáo lý Phật giáo để kiến tạo xã hội Trung Quốc hài hòa trong ý nghĩa nội hàm của “hòa” là nhân tâm hòa thiện, gia đình hòa mục, xã hội hài hòa, thế giới hòa bình. Nền tảng của “hòa” là hòa mà không đồng, bao dung hỗ tương, tìm cầu cái chung mà vẫn tồn tại cái riêng khác biệt, để cùng sống, cùng tồn tại và phát triển. Cảnh giới của “hòa” là mỗi người giữ vững mục tiêu thiên hạ hòa mỹ mọi người cùng đẹp.

Xã hội ngày nay cần xây dựng cho được công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành phố giúp đỡ nông thôn, con người trở về với thiên nhiên trong ý niệm “chấp nhận, tôn trọng, biết ơn và viên dung” của Phật giáo. Giáo lý “duyên khởi” của Phật giáo cho rằng vũ trụ, vạn vật và con người dựa vào nhau, y cứ nhau để cùng sinh tồn tại không, y cứ nhau để cùng sinh tồn không thể tách biệt. Dựa vào nền tảng Giáo lý Phật giáo để xây dựng và xử lý tốt đẹp mối quan hệ giữa người với ta, làm cho các mối quan hệ trong xã hội và cuộc sống được hài hòa trong ý thức quân bình và viên mãn là cảnh giới và trí tuệ tối cao của con người. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ và cũng là sứ mạng hoằng pháp thiêng liêng của Phật giáo Trung Quốc ngày nay.
 
IV. NHÌN NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA

Nghiên cứu chính sách Tôn giáo của Trung Quốc để hiểu rõ hơn chính sách tôn giáo của Việt Nam. Bởi vì từ trước tới nay tất cả mọi đường hướng chính sách của nhà nước Việt Nam đều chịu ảnh hưởng bởi đường hướng chính sách của Trung Quốc. Nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chú trọng đến Phật giáo liệu điều này có xảy ra ở Việt Nam không? Hiểu rõ đường lối chính sách mới có được tầm nhìn rộng hơn, mới hơn để lãnh đạo Phật giáo Việt Nam phát triển là điều rất cần đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Lấy ý kiến của Thượng tọa Thích Viên Trì phó chủ nhiệm thư viện văn vật Phật giáo Trung Quốc đã nói trong lần đàm đạo tại Phật học viện Trung Quốc chùa Pháp Nguyên thủ đô Bắc Kinh là “Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc cần quan hệ với nhau nhiều hơn vì cùng một thể chế, cùng một chính sách Tôn giáo, cùng một tư tưởng trị quốc những gì Phật giáo Việt Nam làm được là kinh nghiệm để giúp Phật giáo Trung Quốc đấu tranh làm cho được và ngược lại”. 

Sau đổi mới Phật giáo Trung Quốc đã vận dụng sự hài hòa giao lưu để dựa vào sức mạnh về tài chính, kỹ thuật, học thuật, giáo dục của Phật giáo Đài Loan và Phật giáo Hoa Tông ở hải ngoại để khôi phục Phật giáo Trung Quốc. Phật giáo Việt Nam sẽ làm gì hòa hợp và tranh thủ thành tựu của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại để phát triển Phật giáo Việt Nam?

Trung Quốc cải cách mở cửa trước Việt Nam mười năm những gì xã hội Trung Quốc đang đối mặt liệu có xảy ra ở Việt Nam không? Nếu có thì Phật giáo Việt Nam cần chuẩn bị gì để tiếp nhận sứ mạng thiêng liêng đó trong thời đại mới. Thiết nghĩ chúng ta cần làm cho được là phải tiến bộ để khẳng định mình và tồn tại phát triển trong hoàn cảnh mới. Muốn tiến bộ chúng ta phải biết từ bỏ cái cũ lỗi thời và không ngừng cải cách. Quyết định từ bỏ cái gì là cũ và lỗi thời cùng với việc cải cách như thế nào đòi hỏi tăng già Việt Nam phải có tầm nhìn mới, mở rộng nhận thức và tầm nhìn không bó buộc quá nhiều vào truyền thống. Song song đó nội bộ Phật giáo phải có nhận thức chung về nhu cầu tiến bộ và cải cách. Để thực hiện được nhu cầu tiến bộ và cải cách ngoài nhận thức chung và tầm nhìn mới chúng ta phải hòa hợp, hòa hợp tự trong mỗi chùa, hòa hợp giữa các chùa với nhau, hòa hợp giữa Phật giáo trong nước và ngoài nước. Vì chỉ có hòa hợp thì mới đoàn kết được nội bộ để tạo nên sức mạnh cách mạng trong Phật giáo trước nhu cầu của thời đại mới.

Trong sự thay đổi không ngừng của xã hội Việt Nam ở tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ được xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc hoằng pháp mới. Muốn gánh lấy trách nhiệm hoằng pháp trong thời đại tương lai, kiến tạo “nhân gian Phật giáo” ở Việt Nam, Phật giáo cần phải có tiến bộ, có cải cách, tạo nên nhận thức chung với tầm nhìn rộng lớn hơn, hiện đại hơn trong Phật giáo. Cùng cố gắng giải quyết khắc phục những nhân tố khó khăn của lịch sử để lại, để hòa hợp, đoàn kết xây dựng sức mạnh cho Phật giáo trong mục tiêu đào tạo đội ngũ tăng gia thật sư tinh thông ngũ minh. Có làm được như vậy mới có thể hi vọng đến sứ mạng hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo Việt Nam ở tương lai. Nhược bằng không, trong thời đại mới chắc sẽ không còn chỗ đứng cho Phật giáo Việt Nam chúng ta.
 

Tài Liệu Tham Khảo

- “Tạp chí Nghiên cứu Á Châu” ( Trung tâm nghiên cứu Á Châu thuộc học viện Chu Hải Hong Kong)
- Tuần báo Á Châu.
- Minh báo Hong Kong.
- www.xinhuanet.com
- www.ettoday.com.tw
- www.newwsvote.bbc.co.uk
- www.phoenixtv.com
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3830)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5892)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5371)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.