- Hòa Thượng Tố Liên Với Công Tác Quan Hệ Phật Giáo Quốc Tế

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4182)

HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN
VỚI CÔNG TÁC QUAN HỆ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
TT. Thích Gia Quang

Trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của Hoà thượng Tố Liên còn cho chúng ta một bài học nữa mà chúng ta đang cố gắng thực hiện đó là bình đẳng, mở rộng công tác quan hệ vói bạn bè quốc tế. 

I. Một vài nét về Hòa thượng Tố Liên

Theo nguyện vọng của đại đa số Phật tử Việt Nam muốn thống nhất Phật giáo toàn quốc từ những năm phong trào chấn hưng Phật giáo. Sau quá trình vận động, năm 1981 Phật giáo Việt Nam được hợp nhất dưới một mái nhà chung đó là giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kể từ đây mọi hoạt động Phật sự đều được thống nhất hài hòa từ trung ương tới cơ sở. Ngay sau quá trình hợp nhất đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành thành lập các Ban công tác chuyên trách làm cho Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, các hoạt động Phật sự diễn ra sôi nổi không chỉ ở cấp Trung ương mà cả ở cấp cơ sở trên cả nước. Ban Phật giáo quốc tế cũng được ra đời trong những ngày đầu ấy và đã có rất nhiều những hoạt động có ý nghĩa góp phần vào sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam, đồng thời đã giới thiệu một cách sâu rộng về Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, không phải chỉ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 mới có các hoạt động Phật giáo quốc tế, mà thực ra các hoạt động Phật giáo quốc tế đã được tiến hành từ rất lâu kể từ khi Phật giáo xuất hiện tại Việt Nam. Tổng kết suốt chiều dài lịch sử Phật giáo tại Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có nhiều vị cao tăng, các bậc chân tu đã mịêt mài tu tập, đóng góp sức mình vào sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam, đặc biệt rất nhiệt thành trong công tác Phật giáo quốc tế. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều vị được xem là những người đặt nền móng cho công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của chư Tôn túc này vẫn được xem là những kinh nghiệm hữu ích mà các thế hệ sau tiếp tục vận dụng như những định hướng trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế hiện nay. Một trong những bậc cao tăng đó chính là Hòa thượng Tố Liên.

Hòa thượng Tố Liên tên tục là Nguyễn Thanh Lai, sinh năm 1903 (Quý Mão) tại làng Quỳnh Lôi, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hai Bà Trưng – Hà Nội). Hòa thượng xuất thân trong một gia đình Nho học.

Hòa thượng Tố Liên có thể được xem là người có duyên với đạo Phật. Cuộc đời ngài là sự hiện thân của việc dâng hiến hết mình cho sự nghiệp truyền bá Phật pháp. Ngài lấy chính tấm gương đạo đức tu tập của mình để thu phục nhân tâm, lợi lạc chúng sinh và rạng danh đức Phật. Năm 13 tuổi, Ngài đã xuất gia để đến tu tập tại chùa Hương Tích và đã trở thành một đệ tử ưu tú của tổ Thích Thanh Tích. Như đã nói ở trên Ngài muốn dâng hiến cuộc đời mình cho các hoạt động Phật sự vì sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như vì sự rạng danh của đức Phật để mở rộng nước Phật đến khắp chốn nhân gian. Thế cho nên mặc dù Ngài được chọn làm người kế vị chùa Hương Tích nhưng Ngài quyết tâm du phương tham học các nơi đạo tràng danh tiếng như Đào Xuyên, Vĩnh Nghiêm, Tế Xuyên, Bằng Sở …

Trong thời kỳ của Ngài, sức làm việc phi thường như Ngài không phải là nhiều, một khả năng làm việc đến kinh ngạc. Ngài đã giữ rất nhiều chức vụ khác nhau, hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong đời sống Phật giáo nước nhà, lại hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau. Ngài đã từng kinh qua các công việc: giúp việc rồi thư ký Ban trị sự Trung ương Hội Phật giáo Bắc kỳ; làm việc tại ban Giáo dục Tăng Ni; Ban biên tập Kỷ yếu và Báo Đuốc Tuệ; hội viên giúp việc Ban Tốc thành sư phạm chư tăng; trụ trì chùa Côn Sơn; phó Chủ tịch ủy ban chấp hành Tăng già Phật giáo Việt Nam; chủ bút báo Diệu Âm; Hội trưởng hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt; phó Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo; chủ nhiệm bán nguyệt san Phương tiện; trụ trì chùa Quán Sứ… Trong đó có rất nhiều thời gian cùng lúc Ngài kiêm nhiều vị trí, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, Ngài đã đi thuyết giảng ở nhiều nơi, tham gia nhiều hội nghị, có nhiều phát biểu và những bài viết có nội dung quan trọng làm cơ sở định hướng trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Trong quá trình hoạt động Phật sự của Ngài có nhiều giai đoạn rất khó khăn do điều kiện đất nước có chiến tranh và nạn đói nghèo hoành hành rất dữ dội.

Có những giai đoạn như năm 1954, đất nước ta bị chia cắt, Ngài đã cùng các Hòa thượng có cùng chí hướng như: Tuệ Tạng, Trí Hải, Vĩnh Tường kiên quyết ở lại Hà Nội để làm cột trụ vững chắc trong việc truyền thừa Phật sở đã có từ năm1949. Đến năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất ra đời với nội dung và nhân sự mới, đã kế thừa sự nghiệp của ngài trong giai đoạn mới. Vì bệnh duyên và tuổi ngày một thêm cao, Ngài phải dưỡng bệnh tại chùa Quán Sứ và một số nơi khác ở miền Bắc như chùa Quỳnh Chân, bệnhviện Phú Thọ.

Tháng 3 năm 1977, Ngài chống thiền trượng đi gặp và đàm đạo cùng chư Tăng tại chùa Quán Sứ để tạ từ. Chiều ngày 13 tháng 2 năm Đinh Tỵ (01.04.1977), Ngài an nhiên viên tịch tại chùa Quán Sứ, trụ thế 75 năm, hoằng pháp độ sinh 45 năm. Bảo tháp của Ngài được dựng tại chùa Sùng Phúc, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bảo hiệu là Chân Không Tháp.

Ngài đã viết gần một trăm bài báo cho các tờ bán nguyệt san Đuốc Tuệ (1935-1945) và hậu thân của Đuốc Tuệ là nguyệt san Diệu Âm (1946), bán nguyệt san Phương Tiện (1949-1954) và tuần báo Tin tức Phật giáo.

Về trước tác, Hòa thượng còn để lại những tác phẩm: tấm gương quy y; sự lý lễ tụng; ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Srilanka …

Hòa thượng Thích Tố Liên là một người có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà và đưa Phật giáo Việt Nam góp mặt với Phật giáo thế giới, ngài là tấm gương sáng cho các Tăng Ni, Phật tử vì đã trọn đời cống hiến cho Phật sự.

II. Những hoạt động Phật giáo quốc tế tiêu biểu 
của Hòa thượng Tố Liên

Trong thời kỳ của Hòa thượng Tố Liên những hoạt động quan hệ Phật giáo quốc tế của Ngài thật đáng khâm phục. Trong giai đoạn đó, thông tin liên lạc còn rất hạn chế và lạc hậu, chủ yếu là thông tin cho nhau bằng con đường thư từ nếu như không trực tiếp đến thăm viếng nhau được. Bên cạnh đó, giao thông đi lại cũng là điều cực kỳ khó khăn. Các phương tiện giao thông không những lạc hậu mà lại cực hiếm. Vào thời kỳ ấy, có những chuyến công tác của Hòa thượng chỉ đi đường cũng mất thời gian hàng tháng do phương tiện đi lại quốc tế khả thi nhất là tàu thủy.

Thế nhưng những hoạt động Phật giáo quốc tế của Ngài lại rất phong phú và có vẻ như những khó khăn kể trên không hề ảnh hưởng gì đến những hoạt động Phật giáo quốc tế của ngài mà trái lại nó càng làm cho ngài cố gắng hơn trong công tác. Bên cạnh đó, trong phần lớn những chuyến công du nước ngoài cho hoạt động quan hệ quốc tế của mình, Ngài luôn giữ một trọng trách rất quan trọng là trưởng đoàn, chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình của đoàn Phật giáo Việt Nam. Ngài đã góp phần lớn để đưa Phật giáo Việt Nam từ chỗ còn xa lạ với bạn bè quốc tế trở nên thân thuộc và nhiều người biết tới hơn. Có rất nhiều những hoạt động trong công tác quan hệ quốc tế của Ngài, có thể kể ra đây một số hoạt động tiêu biểu:

Ngày 27 tháng 4 năm 1950, nhận lời mời của Phật giáo Ấn Độ, đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Tố Liên làm trưởng đoàn đã vào Sài Gòn đáp tàu đi Ấn Độ tham dự Hội nghị Phật giáo quốc tế. Vào thời kỳ ấy, các phương tiện thông tin còn rất hạn chế, hầu hết các tin tức đều được gửi qua thư tới Việt Nam, chính vì vậy mà rất khó khăn trong việc kiểm tra lại các thông tin nên đã có sự nhầm lẫn về thời gian. Trước khi đoàn lên đường chính phủ cho biết Hội nghị Phật giáo quốc tế khai mạc vào ngày 10 tháng 05, nhưng khi sang Ấn Độ thì đoàn được biết thời gian họp là từ ngày 26.05 đến 06.06, vì thế đoàn ở lại thăm Ấn Độ và đã có rất nhiều hoạt động tiêu biểu như: tụng niệm, lễ bái, Thượng tọa đã tiếp xúc với Hội Ma ha Bồ đề và Hội nghiên cứu Phật học của xứ Bengal, yết kiến Ngài Thủ Hiến xứ Bengal. Trong các cuộc tiếp xúc, Ngài đã giới thiệu một cách xuất sắc về Phật giáo Việt Nam và đặc biệt đã làm cho những người mà Ngài tiếp xúc đều có cảm tình, ấn tượng rất tốt đẹp về Việt Nam nói chung và về Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ngày 21 tháng 5 năm 1950, Thượng tọa Tố Liên đã có buổi diễn giảng về lịch sử Phật giáo Việt Nam với Ấn Độ tại Hội quán Ma ha Bồ đề.

Đặc biệt ngày 23 tháng 06, Thượng tọa Tố Liên và đoàn Phật giáo Việt Nam đã được Tổng thống Ấn Độ là bác sĩ Prasad Rajendra và ông Birlan một nhân vật nổi tiếng trong giới thương mại và kỹ nghệ Ấn Độ tiếp.

Trong năm 1950, Thượng tọa Tố Liên còn được các tổ chức Phật giáo Việt Nam ủy nhiệm làm trưởng đoàn đi dự Hội nghị thành lập “Thế giới Phật giáo liên hữu” tức Hội Phật giáo thế giới tổ chức tại thủ đô Côlômbô - Srilanka. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu Phật giáo từ 26 nước. Các nước có đại biểu tham dự đều trở thành các trung tâm địa phương của Hội Phật giáo thế giới.

Năm 1951, Thượng tọa Tố Liên - đại diện Ban chấp hành Hội Phật giáo thế giới tại Việt Nam đã lên đường tham dự hội nghị bất thường Hội Phật giáo thế giới tại Srilanka để đề ra chương trình và thảo luận phương pháp thiết lập hòa bình. Tại hội nghị này, Thượng tọa đã yêu cầu Hội Phật giáo thế giới giúp đỡ cho các tăng sinh Việt Nam được dễ dàng sang học Phật pháp tại Srilanka. Ngài lên chương trình cho 3 vị tăng sinh sang học ngay. Nguyên lão nghị viện Justn Kotelawala đã hứa phát tâm cúng hàng tháng 75 Rupi để cúng dàng 3 vị Tăng sinh này tiền ăn học.

Năm 1952, Thượng tọa Tố Liên, đại diện Ban chấp hành Hội Phật giáo thế giới tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đi dự Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ hai tại Tôkyô, Nhật Bản. Tại Nhật Bản, đoàn đã tiến hành nhiều hoạt động có ý nghĩa và được hoan nghênh nhiệt liệt: đoàn Phật giáo Việt Nam đã tham dự lễ rước xá lợi Phật do đoàn Phật giáo Tích Lan tặng Phật giáo Nhật Bản từ cảng Yokohama về chùa Sojiji; thăm hoàng thành, trụ sở quốc hội Nhật Bản và một số địa danh trên địa bàn. Đúng 9 giờ 15 ngày 25 tháng 9, Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ 2 khai mạc tại chùa Honganji (Bảo Nguyên tự). Đoàn Phật giáo Việt Nam gồm 9 thành viên được hội nghị đánh giá có nhiều đóng góp ý nghĩa vào thành công của Hội nghị. Đặc biệt tại Hội nghị này, Thượng toạ Tố Liên đã được bầu làm phó Hội trưởng hội Phật giáo thế giới.

Tháng 11 năm 1951, Thượng toạ Tố Liên tham dự Hội nghị văn hoá Phật giáo thế giới lần thứ nhất cử hành tại Sanchi thuộc xứ Bhopal – Ấn Độ khi xá lợi Phật được đưa từ Cancutta tới nơi cử hành lễ để nhập tháp.

III. Hoà thượng Tố Liên - Một trong những người đặt nền móng cho công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Công tác quan hệ Phật giáo quốc tế trong các giai đoạn luôn được định là một nội dung công tác quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn, đường hướng của công tác quan hệ Phật giáo quốc tế có những nội dung khác nhau để phục vụ cho tình hình lúc bấy giờ. Tuy nhiên, có những nội dung được xác định như là kim chỉ nam, là định hướng thì thật khó mà thay đổi. Đó là tư tưởng nổi bật của Phật giáo mà mọi công tác đều nhằm phục vụ cho một thế giới đại đồng, phục vụ chúng sinh. Tổng kết chiều dài lịch sử của công tác quan hệ Phật giáo quốc tế chúng ta có thể thấy được tư tưởng định hướng, nền tảng cho việc đề ra đường hướng của công tác Phật giáo quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được các thế hệ Tăng già trước đây xây dựng lên. Một trong những vị đặt nền móng cho công tác quan hệ Phật giáo quốc tế chính là Hoà thượng Tố Liên.

Có thể nhận thấy trong hoàn cảnh khó khăn mọi bề trong thời kỳ của Hoà thượng Tố Liên đó là cuộc chiến tranh đầy gian khổ của dân tộc ta, kẻ thù lại bao vây tứ bề, kinh tế cực kỳ khó khăn, phương tiện thông tin hiếm và lạc hậu, đặc biệt là phương tiện giao thông. Tuy nhiên, vượt lên muôn vàn khó khăn đó là tính tự chủ trong công tác quan hệ quốc tế của Phật giáo Việt Nam mà Hoà thượng Tố Liên luôn trong tư cách là trưởng đoàn đại diện Phật giáo Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước trong giai đoạn chiến tranh, Phật giáo Việt Nam còn chưa được biết đến nhiều nhung trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế Hoà thượng Tố Liên luôn cho thấy sự tự chủ, luôn khẳng định được vị thế của Phật giáo Việt Nam. Không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài luôn chứng minh cho thấy vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Có những buổi tiếp xúc những chính khách tầm cỡ như Tổng thống Ấn Độ... ngài luôn chứng minh được sự tự chủ của mình, chính điều đó đã thu phục được những chính khác này làm cho họ có những đánh giá và ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trong suốt những năm tháng làm công tác này Ngài luôn xác định rõ mục đích công tác là vị sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, vì những mục đích tốt đẹp mà Đức Phật đã răn dạy để phấn đấu vì chúng sinh vì một thế giới đại hồng. Không một thế lực nào có thể ép Ngài phải thực hiện việc này việc khác trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế nếu không vì những mục đích cao đẹp trên.

Bên cạnh đó, ta có thể thấy được tính kiên trì khắc phục mọi khó khăn, kiên định với các mục tiêu đưa ra trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế. Khi nghiên cứu, tìm hiểu về Hoà thượng Tố Liên có lẽ không ai là không thấy sự kiên trì của Ngài trong các công việc mà Ngài tham gia. Có những chuyến công tác, quan hệ quốc tế của Ngài chỉ riêng việc ngồi tàu thuỷ để đến địa điểm cũng đã mất một tháng trời rồi. Nếu không phải là con người có những đức tính tốt đẹp trên và không có sự kiên định với các mục tiêu đề ra trong quan hệ quốc tế thì không thể vượt qua được những thách thức về đi lại ấy, chứ chưa nói đến việc kiên trì thực hiện các mục tiêu của công tác quan hệ. Trong công tác quan hệ quốc tế, những mục tiêu nào đã đặt ra và Ngài nhận trách nhiệm gánh vác đều được kiên trì thực hiện cho bằng được. Trong bất cứ công việc nào Ngài cũng đặt sự phát triển của Phật giáo Việt Nam lên trên hết, và vì mục tiêu đó cho dù có vất vả đến bản thân bao nhiêu và tiêu tốn bao thời gian thì Ngài cũng cố gắng thực thiện cho bằng được.

Trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của Hoà thượng Tố Liên còn cho chúng ta một bài học nữa mà chúng ta đang cố gắng thực hiện đó là bình đẳng, mở rộng công tác quan hệ vói bạn bè quốc tế. Ngay trong thời kỳ của Ngài dù cho Phật giáo Vịêt Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng trong công tác quan hệ quốc tế Ngài luôn chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy được sự bình đẳng trong quan hệ. Không bao giờ Ngài chịu quan hệ quốc tế với tư cách thế yếu, kẻ dưới mà luôn chứng minh được cho bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức, Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới vị thế của Phật giáo Việt Nam. Tất cả các tổ chức, Giáo hội Phật giáo trên thế giới có quan điểm thiện chí và đều hướng tới những mục tiêu tốt đẹp đều được chúng ta quan hệ không phân biệt. Bên cạnh đó, trong công tác quan hệ quốc tế, Ngài luôn muốn các mối quan hệ trở nên bền chặt và sâu rộng hơn. Ngay trong thời kỳ đó Ngài đã có ý tưởng và thực hiện việc đưa các tăng sinh ra nước ngoài du học. Đầy là điều mà đang được chúng ta thực hiện rất tốt.

Trong quá trình thực hiện công tác quan hệ quốc tế, Hoà thượng Tố Liên đã để lại cho chúng ta rất nhiêu bài học kinh nhiệm quý báu làm định hướng cho công tác quan hệ Phật giáo quốc tế hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những bài học này đã đang và sẽ được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, áp dụng thực hiện trong thời gian tới để công tác quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển làm cho Phật giáo Việt Nam không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn được bạn bè thế giới biết đến góp phần tích cực vào việc lợi lạc chúng sinh, thế giới đại đồng, tiếp tục những công việc mà Hoà thượng Tố Liên đã làm trước đây.
 
TT. Thích Gia Quang
 
Phật Tử Việt Nam

04-04-2007 06:47:02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3830)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5891)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5370)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.