Lời Nói Đầu Cho Tập 3

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7950)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Lời Nói Đầu Cho Tập 3

Trong tập 3, tổ Tsongkhapa xoáy sâu vào hai Ba-la-mật-đa cao nhất đó là Định và Tuệ. Phần này được chính đức Dalai Lama nhận định trong bài giảng chuyên đề Định và Tuệ của Ngài về Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ là một trong những phần xuất sắc nhất từ trong các tác phẩm cùng loại, là vì tổ Tsongkhapa đã tích hợp và sắp xếp thứ tự kiến thức của các luận giải từ những luận sư kiệt xuất khác nhau thuộc dòng truyền thừa Nālandā để đưa ra và giải thích một giai trình tu tập rõ ràng, hoàn thiện, thậm thâm, hiệu quả và thấu đáo.[1]

Trong phần Định, Tổ Tsongkhapa chỉ rõ các chi tiết và các giai đoạn tu tập tinh thần mà một thiền giả có thể trải qua cũng như mô tả rõ các trạng thái của tâm trong lúc thiền. Ngài cũng đã xác quyết rõ ràng là Tuệ giác không thể có được hoàn toàn nếu hành giả chưa đạt tới chánh Định. Như vậy, theo như cách diễn giảng của đức Dalai Lama thì kể cả việc tu tập các phương tiện Mật tông tối thượng, nhất là trong Đại Viên Mãn hay trong Đại Thủ Ấn đòi hỏi hành giả đã có đủ trình độ của Định lực vì các pháp tu đó nhận việc có định lực trước đó như là một tiền đề để tu tập thành công.[2]

Tổ Tsongkhapa cũng có nhiều giải thích để đánh tan sự nhầm lẫn cho rằng việc thiền không có đối tượng là loại thiền lên tính Không mà qua đó cho thấy pháp tu này thật sự là một pháp tu trực tiếp quán chiếu lên tâm của mình. Tức là pháp tu lấy tâm làm đối tượng.

Trong phần Tuệ giác, tổ Tsongkhapa dùng hầu hết các lời giảng để tập trung vào giải thích các luận điểm khác biệt về chi tiết giữa các trường phái khác nhau. Qua đó chỉ ra sự khiếm khuyết hay sai sót của các trường phái ngoài Trung Quán Cụ Duyên. Ở đây cũng xin nhắc nhở rằng Cụ Duyên tông phái áp dụng một phương tiện lập luận khá đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả và thích hợp cho cách ứng xử của trường phái này, đó là mượn ngay lập thuyết của các phái khác để chỉ ra chỗ mâu thuẫn của nó và do đó bác bỏ lập thuyết đó. Theo ngôn ngữ hiện đại thì ta có thể gọi đây là một dạng đặc biệt của phương pháp phản chứng chỉ nhằm chứng tỏ các luận điểm hay lập thuyết (các tiền đề) vốn được trình bày từ các phái khác là sai hay tự mâu thuẫn dựa trên các lập luận chặt chẽ. Trong ngôn từ Hán-Việt thì phương pháp luận này gọi là Quy Mậu Biện Chứng hay đơn giản là Quy Mậu, tức là đưa các lý luận đó về chỗ không có, không đúng hay không hợp lệ.

Nói về sự phân bổ của tập 3 này, thì phần Tuệ được trình bày hầu như gấp đôi lượng thông tin cung cấp cho phần Định. Nói thế, không có nghĩa là phần Định không đủ mức thâm diệu mà điểm chính là cho thấy tầm quan trọng bậc nhất của Tuệ giác siêu việt trong khi vẫn nhấn mạnh việc tu tập tuệ giác đòi hỏi phải có định lực đạt được từ trước đi kèm với việc thiền quán.

Trong phần trình bày về Tuệ cũng có nhiều điểm cần lưu ý:

(1) Tổ Tsongkhapa thường sẽ theo một phương án là: ghi lại các lập luận có sai sót trước rồi phần luận hay có khi mãi đến chương sau đó mới đưa ra các phân tích cụ thể chi tiết để chỉ ra chỗ thiếu sót khiếm khuyết.

(2) Về khuôn thức, các phương pháp lập luận trình bày trong phần Tuệ giác không hoàn toàn giống như tam đoạn luận của khoa luận lý học Tây Phương, phương pháp mà tổ Tsongkhapa trình bày là dựa trên phương pháp luận (nhân minh học) được chia sẻ chung giữa Phật giáo và Bà-la-môn. Tuy nhiên, về nội hàm khi so sánh giữa hai khuôn thức này thì chúng hoàn toàn tương đương trong hiệu năng chứng minh và biện bác. Để thấy rõ hơn, chúng tôi đã có một chú giải trình bày nhiều chi tiết về lối biện giải Phật giáo này.

(3) Điểm mấu chốt có thể giúp độc giả nắm bắt các lập luận phức tạp bên trong giáo pháp là luôn luôn ghi nhớ phân biệt giữa sự tồn tại đơn thuần và tồn tại theo tự tính cũng như là bối cảnh mà lập luận được đưa ra: thường tục (ước lệ) hay tối hậu.

Một điểm cần lưu ý trong trình bày của ban dịch thuật về phần tuệ là:

(1) Do đặc điểm tranh luận gay go giữa các luận điểm giữa các hệ thống luận lý nên chúng tôi sẽ không dùng các đại danh từ như “quý vị”, “tôi”. Vì có vẻ như không mấy phù hợp khi mà tổ Tsongkhapa dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai để chỉ đại diện của trường phái khác lúc trình bày các tranh luận (trong khi đó, người đọc chúng ta chỉ ở trong vai của một nhà quan sát), và do đó, trong trường hợp này để cho thích hợp hơn chúng tôi có thể dùng các đại từ như “ngươi” hay “các ngươi” và “ta” hay đôi khi là "chúng tôi" tùy theo mạch văn của nguyên bản.

(2) Do đặc điểm văn đối thoại có nhiều chỗ dùng đến đại danh từ nhân xưng số ít ngôi thứ ba ám chỉ một luận giả nào đó của các tông phái sẽ thường được dịch thành "ngài" hay đôi khi là "ông ta". Đồng thời cũng có trường hợp đại danh từ nhân xưng số ít ngôi thứ hai (thay vì ông, anh, thầy, ...) cũng thường được dịch thành "Ngài" với chữ cái đầu tiên 'N' được viết hoa. Cách viết này là để tránh sự hiểu lầm giữa ngôi thứ ba và ngôi thứ hai lại dùng cùng một thuật ngữ.

(3) Trong một số ngữ cảnh phức tạp việc dùng đại từ xưng hô "chúng tôi" sẽ thường ám chỉ một trường phái cụ thể nào đó đang đưa ra các tranh luận hay các giảng giải của riêng trường phái đó và đề cập về chính họ. Và đại từ "chúng ta" được dùng nếu như người phát biểu mốn ám chỉ toàn bộ các thành viên dính líu trong cuộc tranh luận.

(4) Trong việc sử dụng các ngôn từ liên quan đến tình trạng bản thể hay cung cách mà các pháp tồn tại thì các thuật ngữ sau đây được xem là tương đương: tự tính, tự tồn, tính nền tảng, tính thiết yếu, tính nội tại… Thật ra, ngay cả trong những chánh văn của các đại sư Trung Quán các thuật ngữ này cũng được xem là tương đương.

(5) Hầu hết các chú thích của Bản dịch Anh ngữ và các phụ chú thêm vào của người hiệu đính có thể giúp ích nhiều cho việc nắm bắt ý tưởng và ngôn ngữ của bản dịch Việt ngữ. Tuy nhiên, nó sẽ hầu như không gây ảnh hưởng đến nội hàm bản dịch nếu người đọc bỏ qua các chú thích trên

(6) Các thuật ngữ chuyên biệt có ý nghĩa riêng trong nội hàm tập 3 này khi dùng lần đầu sẽ được chú thích thêm chi tiết. Các chú thích này có thể đóng vai trò quan trọng cho việc thấu hiểu hơn bản dịch. Xin quý độc giả lưu ý.

Ước mong rằng phần chỉ dạy trong tập 3 này của tổ Tsongkhapa sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho cả thiền giả cả ở mức chỉ lẫn mức quán cũng như là phần bổ sung về triết thuyết Trung Quán cho các thiện tri thức.

Mọi công đức xin hồi hướng cho sự giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình.

Liên lạc:

Xin vui lòng dùng điện thư để liên lạc với người đại diện của nhóm dịch thuật Lamrim Lotsawas qua địa chỉ lang.dau@gmail.com về các vấn đề liên quan đến đề án này.

Kính chúc tất cả thân tâm hằng tỉnh thức và an lạc

Mùa Thu 2012.

Nhóm Lamrim Lotsawas



[1]The Great Treatise ở the Stages of the Path to Enlightenment. Dalai Lama. Day1. Afteroon session. Phút 35-36. MP3. Truy cập: 13/03/2012.

 <http://www.dalailama.com/webcasts/post/211-the-great-treatise-on-the-stages-of-the-path-to-enlightenment>.

[2]The Great Treatise ở the Stages of the Path to Enlightenment. Dalai Lama. Day1. Afteroon session. Phút 36 -39. MP3. Truy cập: 13/03/2012.

 <http://www.dalailama.com/webcasts/post/211-the-great-treatise-on-the-stages-of-the-path-to-enlightenment>.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9116)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17936)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12026)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15428)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.