Lời Người Dịch

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7864)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

LỜI NGƯỜI DỊCH

 

Tây tạng như một đóa sen đêm chỉ nở đón ánh trăng mông lung, huyền diệu và kỳ ảo của Đông phương. Vào hậu bán thế kỷ mười một, nơi xứ sở u huyền này nghe vang dậy một giọng hát vừa trầm hùng như loài sư tử, vừa thánh thót như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, vừa rạt rào như lời cây tiếng lá, vừa cao thâm như đỉnh cao và hố thẳm. Tiếng ca này lần đầu tiên xuất hiện trên các triền núi âm u hoang vắng của dãy Hi-mã-lạp sơn và dần dần lên mãi đến tuyệt đỉnh Everest tuyết phủ tiếp giáp với mây trời vần vũ thiên thu. Tiếng hát lời ca này phát nguồn từ một giai tầng trí tuệ và nghệ thuật viên dung siêu việt của một bậc thánh tăng Bồ-tát Tây tạng với mảnh vải che thân mong manh rách rưới và chiếc tích trượng nhỏ bé nhưng rắn chắc vô biên nện vang từng tiếng rõ ràng theo nhịp chân leo lên từng phiến đá tuyết trắng ngần sau hơn mười năm tu luyện các năng lực thượng thừa và tu tập thiền định không ngừng theo các Diệu Lý của Mật-tông Phật-giáo: giọng hát của Jetsun Milarepa, Đại Hành Giả Du-già Tây Tạng.

Cuộc đời đại hiệp sĩ phi thường phi phi thường này bắt đầu từ khi lên bảy, cái tuổi thơ dại đã thực sự bước vào địa ngục trần gian này: ngục của lòng tham không đáy; ngục của lửa thù hận phụt lên vô bờ vì bị người thân cướp đoạt quyền thừa kế gia tài của dòng họ quý phái giàu sang, vì cái chết quá sớm của người cha đáng kính. Cuộc sống bị đày đọa khốn cùng của cậu bé bảy tuổi Mila Thopaga kéo dài chịu đựng cho đến năm mười lăm tuổi, cái tuổi chập chững nhưng lại quá phong trần: một người một ngựa lên đường tìm thầy học Huyền thuật để mong trả thù rửa hận cho thỏa lòng người mẹ góa yếu đuối nhưng vẫn giữ niềm kiêu hãnh vô biên. Sau khi học thành tài, Mila Thopaga đã dùng tuyệt nghệ huyền thuật của mình giết hằng ba bốn chục người có liên hệ với hai kẻ tử thù chính là ông chú và bà thím độc ác của chàng, và phá hoại rất nhiều của cải, hoa màu của những người khác...Mila Thopaga bị lương tâm cắn rứt, cõi lòng xao xuyến bất an và phát tâm tìm thầy học Đạo, khát khao giác ngộ và giải thoát đến cực độ đến nỗi phải hy sinh bất cứ thứ gì kể cả thân mạng của chính mình.

Định Mệnh của Mila Thopaga là một thứ định mệnh Đại Hạnh, nhưng quá khốc liệt khắt khe. Cuối cùng Mila Thopaga đã gặp được Đạo sư định mệnh của mình: Đại Dịch giả Marpa, tổ sư khai sáng tông phái Bkarh-gyudpa của Phật giáo Tây Tạng. Sau tám lần được bậc Đạo sư ném tận cùng đáy sâu hố thẳm tuyệt vọng, Mila Thopaga đã được thanh thần tẩy thể, gột sạch ác nghiệp và thọ lãnh tất cả những Giáo lý Tối mật của tông phái này, để rồi một mình một bóng lang thang khắp các vùng thâm sơn cùng cốc để thiền định và tu tập Giáo lý Giải thoát Vô thượng. Sau khi đã quì lạy từ giã Đạo sư với lời thệ nguyện vĩ đại là phải đạt Giác ngộ để cứu độ chúng sinh như thái tử Tất-đạt-đa trước đó khoảng mười bảy thế kỷ dưới gốc cây Bồ-đề xứ Thiên trúc: nếu Ta không đạt được giải thoát rốt ráo thì vĩnh viễn không trở lại với thế giới loài người.

Sau khoảng mười năm ẩn tu trong trong thâm sơn cùng cốc tuyết phủ giá lạnh của vùng Hy-mã-lạp sơn, với thân thể suy nhược đến cùng độ vì thiếu thức ăn và quần áo thích hợp, Milarepa đã hiến mình trọn vẹn cho Chân lý, phối hợp Nhân Tâm và Thiên Tâm, Tiểu ngã với Đại ngã thành Nhất Thể Chân Như của Bản Thể Vũ Trụ kỳ ảo, Milarepa đã đạt được Giác ngộ và Giải thoát cho chính mình để rồi cất tiếng hát phổ độ tất cả chúng sinh trong ba cõi.

Người dịch hôm nay cầu mong dư âm của lời thơ, lời hát khởi nguồn từ một Trí tuệ nhìn suốt ba nhìn thế giới này, và hình ảnh cuộc đời phi thường, phi phi thường của một Con Người đã vượt người này, đi sâu vào tận đáy lòng của mọi người trong thời Tịch dương hôm nay để khai mở một Triêu dương huy hoàng ngày mai trong lòng mỗi người và tất cả.

Sài gòn, Hè 1970

 Đỗ Đình Đồng

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9192)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 18081)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12094)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15519)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.