7. Nhớ Nhà

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 6831)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

VII

NHỚ NHÀ

 

Chúng tôi khó có thể chờ đợi lâu, chỉ muốn được biết ngay những gì xảy ra kế tiếp, vì thế tôi hỏi Đạo sư của chúng tôi:

“Bạch Thầy, việc gì khiến Thầy từ giả sư ông Marpa và Thầy đã ở lại trong am bao lâu?”

 

* * *

 

Tôi ở lại với Sư phụ tôi không bao lâu và do sự nhớ nhà của tôi dâng lên như một cơn sóng lớn theo sau giấc mộng tôi đã thấy một đêm nọ, và tôi tìm cách xin phép Sư phụ để về thăm nhà. Chuyện xảy ra như thế này:

Tô rất ít ngủ trong lúc thiền định, nhưng một buổi sáng nọ, tôi đã ngủ say một giấc khá lâu và tôi mộng thấy ngôi nhà tôi, ngôi nhà Bốn Tám mà các anh đã biết, sụp đổ tan tành. Thư phòng của tôi hư nát vì mưa dột chảy qua mái nhà đã bị mục, thửa ruộng có tên là thửa Worma Tam giác cỏ dại mọc đầy. Hơn nữa tôi thấy mẹ tôi đã chết và em gái tôi lang thang đói rách như một cô gái ăn mày cô độc. Tôi đã bật khóc trong giấc mộng vì mẹ tôi đã chết mà tôi không được thấy mặt bà lần cuối và vì số phận bất hạnh của em gái tôi. Khi tôi tỉnh dậy, chiếc gối của tôi ướt đẫm. Tôi càng nghĩ đến giấc mộng, lòng tôi càng muốn về thăm mẹ càng lúc càng gia tăng và ngay cả khi thức tôi lại khóc nữa. Rồi tôi quyết định phải về thăm gia đình.

Vì thế trời vừa hừng sáng, tôi đã phá bức tường đất giam hãm tôi để đến xin phép Đạo sư của tôi. Khi tôi vào đến nơi, ông vẫn còn ngủ say trên giường, vì thế tôi ngồi xuống ở đuôi giường và cất tiếng nhè nhẹ gọi ông, thưa rằng tôi không còn chịu đựng nổi sự cách biệt những người thân yêu, xin cho phép tôi về thăm họ và rồi sẽ trở lại ngay. Tôi vừa dứt lời thì Sư phụ tôi thức dậy. Những tia sáng đầu tiên của mặt trời mới mọc rọi qua kẽ hở những tấm bình phong che cửa sổ chiếu lên chiếc gối tạo một vòng ánh sáng trên đầu ông. Ngay lúc đó sư mẫu tôi mang bữa điểm tâm vào. Ba việc này dồn lại cùng lúc và dường như là điềm lành.

Khi thấy tôi, Sư phụ tôi bắt đầu cất tiếng la: “Sao bỗng nhiên con dám ra khỏi cốc, hả con?” ông hỏi, “Chắc con biết là con quá liều lĩnh chứ? Bây giờ con hãy trở lại cốc ngay đi!”

Nhưng giấc mộng đã cho tôi can đảm, vì thế tôi đã thưa với ông là nhà tôi sụp đổ, ruộng đất hoang tàn cỏ mọc, mẹ tôi đã chết, em gái tôi thành kẻ ăn mày lang thang cô độc, tất cả thế nào. Và tôi thêm rằng còn nhiều người tôi đã quen biết, bây giờ tôi rất muốn về thăm họ, chẳng hạn như người mục phu của gia đình tôi và ngay cả bà thím đã ngược đãi chúng tôi. Rồi tôi viện lẽ biện hộ với ông để ông cho phép tôi về thăm nhà.

Sư phụ tôi đáp: “Này con, ngay lúc đầu tiên con đến gặp ta con đã nói với ta rằng con không yêu thích người thân hay bạn bè nào cả, bây giờ không những con muốn gặp họ mà còn muốn gặp bao nhiêu người khác nữa. Dù cho con có về nhà, hầu như con cũng không thấy được mẹ con còn sống và những người khác – biết họ ở đâu? Một lúc con lại muốn đi nơi này nơi nọ. Nhưng nếu con muốn, ta sẽ cho phép con đi.” Rồi ông bắt đầu tiên đoán những báo điềm như thường lệ: “Nếu con định trở về đây, nhưng sự kiện con thấy ta nằm ngủ, có nghĩa là chúng ta không gặp lại nhau trên đời này nữa. Mặt trời và mặt trăng rọi sáng trên nhà là dấu hiệu chứng tỏ con sẽ là một ngọn đèn sáng trong cõi Phật. Những tia sáng chung quanh đầu ta có nghĩa là tông phái ta sẽ thịnh phát và lan tràn. Damema mang bữa điểm tâm vào có nghĩa là con sẽ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của thần linh. Bây giờ ta cho phép con về thăm nhà. Ông bảo sư mẫu: ‘Damema, hãy dâng lễ vật lên bàn thờ cho tôi.’”

Khi tất cả mọi sự đã sẵn sàng, ông cho tôi lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cuối cùng và cao nhất và những Khẩu quyết chỉ được truyền miệng từ Đạo sư đến đệ tử, ông cảnh cáo tôi phải hết sức chú ý và chỉ được truyền những điều này cùng một cách thức như thế cho các đệ tử của tôi, khi tôi đã biết rõ bằng phương tiện bí mật rằng họ đủ sức tiếp nhận những điều đó. Ông nói:

“Không bao giờ tiết lộ cho họ biết hoặc vì lợi lộc, kiêu hãnh, hoặc vì sợ hãi hay ép buộc. Nhưng bất cứ đệ tử nào có tư chất bẩm sinh để thọ nhận những điều đó, hãy nuôi dưỡng, ấp ủ, thương yêu và ban cho họ. Những phương thức rèn luyện của ta đối với con, Tổ sư Tilopa đã áp dụng với đồ đệ của ông là Naropa, sẽ không thích hợp với những kẻ suy đồi, kém căn cơ của những thế hệ sau, chúng hiểu biết hạn hẹp và không đủ khả năng (tiêu hóa những Chân lý thần diệu. Vì vậy, con hãy ý thức trong việc sử dụng nhũng Giáo lý Bí mật đó. Ở Thiên trúc có chín bản văn như thế, ta đã cho con bốn bản, năm bản kia vẫn còn ở bên Thiên trúc, con hãy cho một đệ tử của con sang đó cố gắng lấy cho được từ các đệ tử của sư ông Naropa của con. Còn con cũng phải cố gắng hết sức giữ gìn chúng. Và nếu con nghĩ rằng vì con không có lễ vật dâng ta nên ta giữ lại không cho con những gì đó, thì con hãy bỏ cái ý đó đi; vì việc này chẳng còn gì trói buộc ta với con nữa. Ta thật rất hài lòng vì lòng sùng mộ và năng lực của con. Trong tất cả các đệ tử của ta, chỉ có con được rỉ tai truyền Chân lý Mật truyền mà sư ông Naropa đã truyền như thế cho ta. Ta nhắc lại, ta không truyền Chân lý Mật truyền này cho ai khác ngoài con.” Rồi Sư phụ tôi hát một tán ca do ông sáng tác trong lúc hài lòng, nói lên sự tương phản của kiến thức và Chân tri, giữa giàu sang [thế gian] và sự Giàu sang Tinh thần, và khuyến giục từ bỏ sự vật thế gian để vì Thực tại Chơn như.

Cuối cùng, ông đặt tay lên đầu tôi và từ ái bảo: “Con ra đi khiến lòng ta tan vỡ, nhưng mọi vật có hợp phải có tan, vì thế đau lòng cũng chẳng ích gì. Con hãy ở lại đây vài hôm nữa để học các bản văn, nếu có gì cần giảng giải, ta sẽ giải thích cho con trước khi con ra đi.”

Vì thế tôi đã ở lại mấy ngày và chúng tôi đã thông qua các bản văn.

Vào hôm cuối cùng với hai bậc cha mẹ tinh thần yêu quí của tôi, một bữa tiệc lớn đã được dọn lên. Trong bữa tiệc Sư phụ tôi đã tự biến ra nhiều hình tướng thần linh với những vật biểu tượng tương hợp với mỗi hình tướng, rồi ông cắt nghĩa đây là Năng lực Thần thông không bao giờ được biểu diễn vì muốn phô trương hay khoe tài. Ông bảo ông thi triển thần thông này là để ban ân cho tôi, là một tặng phẩm của ông lúc tôi sắp ra đi. Rồi tôi nhận thấy rằng mục đích của việc này là để nêu ra sự huyễn ảo của vạn vật, tôi cũng thêm chắc chắn rằng Sư phụ tôi là một vị Phật và tôi quyết tâm cố gắng noi gương để tự đạt được các Năng lực tương tự cho chính tôi.

Ông hỏi: “Này con, con có thấy và tin đấy chứ?” Tôi thưa: “Lạy Đấng Đạo sư, không thể không tin được. Con sẽ cố gắng hết sức để được như Sư phụ và đạt những Năng lực đó.”

Ông nói: “Tốt lắm! Bây giờ thì con hoàn toàn có thể ra đi được. Vì con đã hiểu rõ sự huyễn ảo của thế giới này. Con hãy vào ẩn tu trong núi cao rừng rậm, trong các sơn cốc hay những chỗ hành hương; con hãy hiến cả đời con cho thiền định. Con hãy từ bỏ tất cả những tham vọng trong cuộc đời này và hãy yêu mến cảnh hoang liêu cô tịch của rừng núi, rồi con sẽ hoàn toàn đầy đủ khả năng đền đáp lại tình thương và lòng tử tế của cha mẹ con, và con cũng đủ năng lực để phụng sự cho Đại Thiện Nhân Duyên. Nhưng nếu lòng sùng mộ của con không còn thì con sẽ chồng chất thêm ác nghiệp cho chính con thôi. Vì thế con hãy từ bỏ tất cả những tham vọng thế gian và đừng lãng phí thì giờ để cãi cọ với bọn thường nhân là những kẻ chỉ quan tâm đến sự tiến bộ vật chất bên ngoài, và hãy tự giam mình trọn vẹn cho thiền định.”

Đến đây ông khóc công khai và nói tiếp: “Con ơi, chúng ta sẽ không còn gặp lại nhau trong đời này nữa, nhưng ta sẽ ghi khắc những kỷ niệm về con trong lòng ta, những kỷ niệm về ta cũng sẽ ghi sâu trong lòng con. Chúng ta sẽ gặp nhau nơi các cõi cao hơn, khi chúng ta đã hoàn thành bổn phận trong cõi đời này. Bây giờ ta có thể biết rằng trong đời thiền định của con sau này có một lúc thân mạng con ở trong một tình trạng nguy hiểm vô cùng; vì thế đến lúc đó con hãy mở cuộn giấy ta cho con đây để biết cứu pháp, nhưng con đừng mở ra trước lúc đó.” Và ông trao cho tôi một cuộn giấy có niêm phong. Tôi cảm thấy từng tiếng nói của ông như khắn chặt vào tâm trí tôi.

Đức Marpa nói với vợ ông: “Này Damema, ngày mai Milarepa sẽ từ giã chúng ta, vậy bà hãy sửa soạn tất cả những gì cần thiết nhé. Tôi sẽ tiễn nó một đoạn đường, mặc dù tôi cũng sợ sự tiễn đưa sẽ làm tôi khổ lắm.” Rồi ông bảo tôi: “Tối nay con hãy ngủ bên cạnh ta, như cha với con; ta muốn nói chuyện với con.”

Và như thế đêm đó tôi nằm bên cạnh ông, mặc dù chúng tôi nói chuyện với nhau rất ít; cả hai chúng tôi buồn vô cùng vì nghĩ đến việc ra đi. Ông đã trách sư mẫu khóc quá nhiều khi bà họp mặt với chúng tôi. Ông bảo rằng việc gì phải khóc nhiếu quá thế. Đứa con của họ giờ đây đã có những Chân lý quí giá, sắp ra đi vào nơi cô tịch để thiền định và bà lại khóc nhiều hơn cho những người tối tăm ngu muội không biết gì đến Chân lý và vẫn còn đau khổ vì sự vô minh của họ. Sư mẫu tôi đã nêu ra như thế, mặc dù lý lẽ của Sư phụ đúng, nhưng nó không có tác dụng gì đến những xúc động của bà. Bà đã mất một đứa con rồi, bây giờ bà lại sắp chia ly với một đứa khác. Chính sư phụ và tôi cũng chẳng hơn gì và đêm trời quá ngắn lại qua rồi!

Một bữa tiệc vui vẻ tổ chức vào sáng hôm sau thuộc loại hiếm có, chúng tôi có tất cả mười ba người được mời chung vui, và đến một đỉnh cao có thể nhìn rõ những vùng chung quaunh, chúng tôi dừng lại và cùng nhau ăn một bữa chót. Sau khi ăn xong, sư phụ cầm tay tôi nói:

“Con ơi, ta muốn có một vài người bạn đồng hành để bảo vệ con khỏi bị cướp, nhưng không được. Ôi, ta cầu nguyện cho con lên đường bình an. Con hãy đi cẩn thận và tự bảo vệ lấy mình. Trước tiên con hãy viếng Lạt-ma Ngogdun và hãy so sánh những chú giải các bản văn của con với của sư huynh con, sau đó con có thể đi về nhà được. Nhưng con đừng ở lại đó quá một tuần, con hãy sớm vào hoang liêu để hiến đời con cho thiền định, vì chỉ bằng phương tiện này là có thể ban phúc cho con và cho mọi người thế gian.”

Đáp lại, tôi ứng khẩu hát một bài cho Thầy tôi, bảo đảm với ông rằng, bình an trong Chân lý, trang bị bằng Tri thức, tôi sẽ không cần bạn đồng hành; các Năng lực Bề trên sẽ hộ vệ và hướng đạo tôi. Và cuối cùng tôi cầu xin ông ban phúc. Đáp lại, ông cũng làm ngay một bài kệ mở đầu bằng sự bảo đảm với tôi về phúc lành và hy vọng của ông cho tương lai tinh thần của tôi và rồi giải thích một loạt những cặp câu tiên tri báo trước những gì tôi sẽ thấy ở nhà và bản chất của đời sống của tôi trong núi rừng hoang vắng và kết thúc với sự ban phúc của tất cả chư Thiên và các thần hộ vệ.

Kế đó bà Marpa cho tôi vài món quà hữu ích thích hợp với những nhu câu vật chất của tôi như giày ống, quần áo, và thức ăn; và rồi chính bà cũng ứng khẩu hát một khúc tán ca để khích lệ tôi đừng bao giờ quên hai bậc cha mẹ tinh thần, khuyên tôi tiếp tục học tập và uống sâu dòng nước Trí tuệ và Tri thức; khuyên tôi nhớ mãi trong lòng mục đích của đời tôi là giúp tất cả chúng sinh hướng về Cứu cánh Tối hậu. Nhưng những giọt nước mắt trào lên đã ngăn bà lại trước khi kết thúc bài tán ca, rồi bà quị xuống khóc nức nở trong khi tôi cúi đầu lễ bái lần cuối cùng với hai người. Khi đứng lên, tôi bước đi nhưng mắt vẫn quay về phía hai người cho đến khi không còn thấy họ nữa. Một lần tiễn đưa một lần giã biệt, tôi vẫn giữ tánh cách thường tình của con người, cho dến khi lên đến một mô gò cao, tôi quay nhìn lại: chỉ thấy một nhóm nhỏ mù xa trơ trọi. Tôi khó giữ được cho lòng mình đừng hồi tưởng lại những bước chân đi lưu luyến và tôi muốn trở lại mãi mãi với hai người.

Nhưng tôi đã có Giáo lý mà tôi mong tìm một cách khổ nhọc, tôi đã có tất cả những Chân lý và bây giờ tôi đã dứt khoát không tạo thêm ác nghiệp nữa. Tôi luôn luôn có thể thiền định rõ ràng về Đạo sư của tôi và ông đã hứa sẽ gặp lại nhau ở các cõi cao hơn. Vả lại, tôi chỉ ra đi trong một thời gian ngắn để thăm mẹ tôi và rồi tôi có thể quay về ngay. Vì thế tôi số gắng tự thuyết phục mình rằng sự chia tay của chúng tôi không phải là sự ra đi vĩnh viễn.

Tôi vẫn tự an ủi mình cho đến khi tôi đến nhà sư huynh Ngogdun và ở đó chúng tôi cùng nhau so sánh các chú giải. Tôi thấy rằng sư huynh Ngogdun hơn tôi hẳn về phương diện nghiên cứu, nhưng về phương diện tu tập tôi không kém hơn huynh ấy bao nhiêu. Và thực tế, tôi có Giáo lý Tối thượng và Tối hậu là giáo lý chỉ được khẩu truyền, còn sư huynh Ngogdun không có Giáo lý đó. Vì thế tôi từ giả huynh ấy để trở về quê nơi đã lâu lắm tôi chưa được nhìn lại một lần. Cuộc hành trình bình thường phải mất đến vài tuần lễ, nhưng tôi chỉ mất ba ngày nhờ vận dụng phép kiểm soát hơi thở, và tôi rất hài lòng vì thấy mình tiến bộ rất nhiều.

Như vậy, bây giờ các anh dã biết làm thế nào cuối cùng tôi đã được các Chân lý và nguyên nhân tại sao khiến tôi từ giã Sư phụ để trở lại quê nhà.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9113)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17935)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12026)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15428)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.