Chương 5. Thánh Điển Sơ Kỳ Của Thuyết Như Lai Tạng

11 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 8549)

NGHIÊN CỨU VỀ TRIẾT HỌC NHƯ LAI TẠNG
Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh

CHƯƠNG 5.
THÁNH ĐIỂN SƠ KỲ CỦA THUYẾT NHƯ LAI TẠNG

 

1. Phong cách của Thánh điển sơ kỳ và người hoằng truyền

Thuyết Như lai tạng (tathāgata-garbha), vào thế kỷ 3 A.D., từ trong giới Phật giáo truyền bá ra. Từ chính trong thân tâm của chúng sanh, chỉ ra vốn có Như lai tạng tánh, nên được kết luận rằng tất cả chúng sanh đều thành Phật. Đối với giáo thuyết thông tục thì nó lại càng thiết yếu, trở thành dòng chính của (kinh) Đại thừa hậu kỳ. Như lai tạng là Như lai (tathāgata) ở trong bào thai (garbha, thai tạng), cũng chính là Như lai của nhân (因) vị chúng sanh. Từ tư tưởng ‘Như lai thường trụ, không biến đổi’ mà lý giải ra chúng sanh vốn có thể tánh của Như lai. Kinh điển sơ kỳ đại biểu cho pháp môn này, như ở trong Chương 1 - Dẫn nhập, đã liệt kê, có 7 bộ tiêu biểu: (1) Kinh Đại phương đẳng (quảng) Như lai tạng, hiện nay còn hai bản của Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) dịch vào đời Tấn và do Bất không (Amoghavajra) dịch vào đời Đường. (2) Kinh Đại bát-nê-hoàn, 6 quyển, do Pháp Hiển dịch vào đời Tấn, và kinh Đại bát-niết-bàn, gồm 4 phẩm đầu (phần đầu), tương đương 10 quyển, do Đàm-mô-sấm (Dharmarakṣa) dịch vào đời Bắc Lương. Kinh Đại bát-niết-bàn vốn cũng chỉ là bộ phận này, về sau Đàm-mô-sấm đến Tây vực để sưu tập, mới dịch tiếp thành 40 quyển. Phần đầu kinh Đại bát-niết-bàn là bộ phận nguyên thỉ của kinh. Bộ phận này, Pháp Hiển và Trí Mãnh, đều là tìm được trong ngôi chùa Đại thừa ở thành Hoa thị (Pāṭaliputra), Đàm-mô-sấm cũng là người Thiên trúc, có thể thấy đương thời tại khu vực thành Hoa thị, bộ kinh này tương đối lưu hành. (3) Kinh Đại vân – kinh Đại phương đẳng Vô tưởng, bản còn lại hiện nay còn 7 quyển, cũng do Đàm-mô-sấm dịch. (4) Kinh Đại pháp cổ, 2 quyển. (5) Kinh Ương-quật-ma-la, 4 quyển. (6) Kinh Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương quảng, 2 quyển. Ba bộ (4, 5, 6) đều do Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) dịch vào khoảng năm Nguyên Hi đời Tống. (7) Kinh Bất tăng bất giảm, 1 quyển, do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch vào đời Nguyên Ngụy. Những bộ kinh đã liệt kê ở trên đủ để đại biểu cho thuyết như lai tạng thuộc tảo kỳ, tuy nhiên, pháp môn là liên hệ với nhau, nên nhân duyên để thuyết pháp, nội dụng được trình bày, sự truyền bá ra trước hay sau, cũng có ít nhiều bất đồng. Như kinh Như lai tạng: xem ‘hoa tạng’ là duyên khởi, là chịu ảnh hưởng của kinh Hoa nghiêm, chuyên dùng thí dụ để thuyết minh, ở trong sự che lấp bởi phiền não nhưng tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng. Theo bản dịch đời Tấn, Phật tánh (buddha-dhātu), Phật tạng (buddhagarbha), Như lai tánh (tathāgatadhātu), đều là tên gọi khác của Như lai tạng. Kinh Đại bát-niết-bàn (phần đầu): lấy sự nhập niết-bàn (parinirvāṇa) của Như lai (tathāgata) làm duyên khởi, nói rằng Như lai thường trú trong đại bát-niết-bàn, khác với sự nhập diệt theo quan điểm của Nhị thừa. Như lai là thường trụ, cho nên tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, như kinh Đại bát-niết-bàn(I) nói: “Ngã ấy tức là nghĩa của Như lai tạng; tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã.” Kinh Đại bát-niết-bàn nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh chính là Như lai tạng ngã (ātman), có sức giải thích đối với ngã. Kinh trên lại nói: “ngã ấy tức là nghĩa của Phật, thường ấy là nghĩa của Pháp thân, lạc ấy là nghĩa của niết-bàn, tịnh ấy là nghĩa của pháp;” “ngã ấy được gọi là Như lai,… thường ấy là pháp thân của Như lai,… lạc ấy tức là niết bàn,… tịnh ấy là chánh pháp của tất cả chư Phật và Bồ-tát.”1 Bốn đức của đại bát-niết-bàn là theo Như lai, Pháp thân (dharmakāya), niết-bàn, chánh pháp (saddharma) mà lập nên, đều là tên gọi khác nhau mà đồng thực thể. Kinh Đại vân – kinh Đại phương đẳng Vô tưởng: kinh trên nói giản lược đến: “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tánh ấy là không có cùng tận. …Khiến các chúng sanh thấy rõ được Phật tánh, thấy được sự thường, lạc, ngã, tịnh của Như lai.”2 Kinh Ương-quật-ma-la: lấy sự kiện Ương-quật-ma-la (Aṅgulimāla) cầm kiếm hại Phật làm duyên cớ, có chịu ảnh hưởng của pháp môn Văn-thù (Mañjuśrī) cầm kiếm, quở trách chư thiên, đại đệ tử Thanh văn, sự thực hành về không của Văn-thù. Kinh nhiều lần nói: ‘tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng,’ ‘Như lai thường hằng, không biến đổi ở trong trong tạng của Như lai.’ Kinh trên nói: ‘Tất cả chúng sanh giới là một giới;’ ‘tất cả chúng sanh giới, ngã giới tức là một giới.’ ‘Giới, an ổn giới, tất cả chúng sanh là đệ nhất giới, là Như lai tạng không có dơ bẩn,’3 đã biểu thị tánh đồng nhất giữa Như lai tạng và chúng sanh giới, ngã giới. Kinh Đại pháp cổ: lấy việc đánh trống để xin gặp Phật của vua Ba-tư-nặc (Prasenajit) làm duyên cớ, có thể nói là Như lai tạng hóa của kinh Pháp hoa. Từ thuyết ‘tất cả chúng sanh do sự hòa hợp mà được thiết lập nên,’ nói đến sự không tăng không giảm của chúng sanh (sattva). Vì không giảm cho nên “bát-niết-bàn của chúng sanh là có cùng tận chăng? Hay không có cùng tận chăng? Phật bảo Ca-diếp: chúng sanh không có cùng tận;’ ‘bát-niết-bàn ấy thảy đều thường trụ.”4 Lại nói: “Phật tánh có vô lượng tướng hảo trang nghiêm, chiếu sáng;” “tánh của Như lai là trong sáng như ánh trăng tròn;” “chúng sanh giới kia có vô biên ánh sáng trong lành;” “tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng, là nhất tánh, nhất thừa.”5 Chúng sanh là do hòa hợp mà thi thiết nên, mà chúng sanh giới (sattvadhātu) và Như lai giới (tánh) là nhất trí, phong phú như Độc tử bộ (Vātsīputrīya) đã nói, ngã là cái giả được thiết lập ra, nên có nghĩa là cái ngã không thể diễn tả. Kinh Thắng man: chịu ảnh hưởng của kinh Pháp hoa, nói ‘chánh pháp,’ sự không chân thật của niết-bàn thuộc Nhị thừa, xiển minh Nhất thừa nên nói đến Như lai tạng. Như kinh Thắng man(II) nói : “Đắc được Nhất thừa ấy thì đắc được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề; A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề ấy chính là niết-bàn giới ; niết-bàn giới ấy tức là Pháp thân của Như lai.” “Pháp thân của Như lai không rời tạng phiền não, gọi đó là Như lai tạng.” “Như lai tạng ấy là pháp giới tạng, pháp thân tạng, xuất thế gian thượng thượng tạng, tự tánh thanh tịnh tạng.” Kinh Thắng man đã nói đến mối quan hệ giữa tâm thức và Như lai tạng. Nói đến ‘tâm có tự tánh thanh tịnh nhưng bị nhiễm ô,’ càng đạt đến sự thành lập nên không Như lai tạng (śūnya-tathāgata-garbha), bất không Như lai tạng (aśūnya-tathāgata-garbha) rõ ràng hơn.6 Kinh Bất tăng bất giảm: “Từ sự không tăng không giảm của chúng sanh, nói sự sâu xa của ‘nhất giới.” Kinh này(III) nói: “Nghĩa sâu xa ấy chính là đệ nhất nghĩa đế; đệ nhất nghĩa đế ấy tức là chúng sanh giới; chúng sanh giới ấy tức là Như lai tạng; Như lai tạng ấy tức là Pháp thân.” Đệ nhất nghĩa đế (paramārtha-satya), chúng sanh giới, Như lai tạng, Pháp thân, bốn thứ này là tên gọi khác mà đồng một thực chất. Theo chúng sanh giới thì nói Như lai tạng có 3 nghĩa, như kinh trên(IV) nói: “Trong chúng sanh giới biểu thị ra ba loại pháp, đều chân thật, như, không khác nhau, không sai biệt. Ba pháp đó là gì ? Một, bổn tế của thể Như lai tạng tương ưng với pháp thanh tịnh ; hai, bổn tế của thể Như lai tạng không tương ưng với pháp có tính phiền não trói buộc và không thanh tịnh ; ba, trong vị lai tế, Như lai tạng là bình đẳng, thường hằng, tồn tại.” Ba pháp mà chúng sanh giới biểu thị ra ấy, cái thứ nhất là nghĩa bất không của Như lai tạng, cái thứa hai là nghĩa không của Như lai tạng, cái thứ ba là căn cứ theo pháp mà bình đẳng, hằng, tồn tại của Như lai tạng, cũng chính là phổ biến, vĩnh hằng, có chân thật. Kinh trên giải thích rằng: “Như lai tạng ở trong vị lai tế là pháp bình đẳng, hằng, tồn tại ấy tức là căn bản của tất cả pháp, có đầy tất cả pháp, có đủ tất cả pháp, ở trong pháp thế gian nhưng không rời đi, không thoát khỏi tất cả pháp chân thật, trụ và duy trì tất cả pháp, tóm thâu tất cả pháp. Này xá-lợi-phất! Phật nương vào đây nên không sanh không diệt, thường hằng thanh lương, là nơi nương tựa bất biến, là pháp giới thanh tịnh không thể suy lường, nên gọi là chúng sanh.”7 ‘Căn bản của tất cả pháp,… trụ và duy trì tất cả pháp, tóm thâu tất cả pháp’ chính là Như lai tạng làm chỗ nương tựa, làm kẻ nắm giữ, nên có sanh tử của thế gian, và pháp chân thật của niết- bàn. Như lai tạng làm chỗ nương tựa nên có tất cả pháp, cùng với điều kinh Thắng man nói phù hợp nhau. Kinh Ương-quật-ma-la, kinh Thắng man, kinh Bất tăng bất giảm đều đã nói đến tự tánh của tâm là thanh tịnh (citta-prakṛti-prabhāsvaratā). Đặc biệt là kinh Thắng man và kinh Bất tăng bất giảm, văn nghĩa gọn ghẽ nhưng phong phú, mạch lạc, gần với luận điển, trong các bộ kinh thuộc Như lai tạng, chúng là những bộ kinh quan trọng mà chín muồi nhưng được truyền ra hơi trễ một chút. Thuyết Như lai tạng của sơ kỳ, theo lời kinh văn nói, có thể chứng minh là nó được hưng khởi ở phía Nam Ấn độ. Trong truyền thuyết, sự hưng khởi ấy có liên quan đến vị tỳ-kheo tên Nhất thiết thế gian lạc kiến (Sarvalokananda-darśana), như kinh Đại pháp cổ8 nói: “Có một đồng tử dòng họ Ly-xa tên là Nhất thiết thế gian lạc kiến, làm Chuyển luận Thánh vương. …Phật thọ ký cho vị đồng tử này, vào đời tương lai có Phật hiệu Thích-ca-mâu-ni, thế giới tên là Nhẫn, ngươi là đồng tử tên Nhất thiết thế gian lạc kiến, là đồng tử thuộc dòng Ly-xa. Sau khi Phật nhập niết-bàn, chánh pháp sắp diệt, hơn 80 năm,(a) xuất gia làm tỳ-kheo, trì danh hiệu Phật, tuyên dương kinh này, không tiếc thân mạng. Mệnh chung vào lúc 100 tuổi, sanh về nước An lạc, đắc thần lực lớn, trụ vào địa thứ 8.” “Đồng tử thuộc dòng Ly-xa tên Nhất thiết thế gian lạc kiến, vào thời chánh pháp sắp diệt, hơn 80 năm,… sẽ diễn thuyết rộng rãi kinh Đại pháp cổ. …Vị đồng tử ấy sau khi nghe kinh này rồi,… làm thân phàm phu, trụ vào địa thứ 7. Chánh pháp sắp diệt, hơn 80 năm, sanh tại nước Văn-trà-la ở phương Nam, thôn Đại Ba-lợi, bên bờ sông Thiện phương tiện, thuộc dòng họ Ca-da-lê, sẽ làm tỳ-kheo, trì danh hiệu của Ta.” Theo kinh văn nói, đồng tử Nhất thiết thế gian lạc kiến của dòng họ Ly-xa (Licchavi), thuộc thời đại Phật thích-ca, chính là đời trước của vị tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến của vị lai. Tỳ-kheo Lạc kiến sanh tại phương Nam của Ấn độ, tuyên dương pháp môn này mà không tiếc thân mạng. Kinh Đại vân – kinh Đại phương đẳng Vô tưởng, cũng nói đến mà giống phần lớn còn khác phần nhỏ: đồng tử dòng Lê-xa tên Nhất thiết thế gian lạc kiến tuyên thuyết rằng xá-lợi là bất khả đắc.9 Vị ấy là hậu thân của một Long vương rất tinh tấn; vào lúc chánh pháp của Phật Thích-ca sắp diệt, xuất gia hộ trì Phật pháp.10 Tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến sanh tại nước Tu-lại-trá thuộc phía Nam của Thiên trúc, bên bờ sôn Thiện phươn tiện, trong thôn Hoa man. “Vị ấy vào tuổi 20, xuất gia tu đạo, có nhiều đồ chúng. …Vì bảo vệ chánh pháp nên không tiếc thân mạng.” Bấy giờ là ‘Pháp sắp diệt hơn 40 năm,’ thuộc thời đại của Bà-đa-bà-ha-na (Śātavāhana).11 Vị tỳ-kheo bảo vệ chánh pháp này, vào lúc ấy, đã chịu sự phản đối của những tỳ-kheo thông thường khác, như kinh Đại phương đẳng Vô tưởng(V) nói : “Chao ôi! Chao ôi! Như vậy tỳ-kheo Chúng sanh lạc kiến thật sự chẳng phải tỳ-kheo mà làm ra vẻ tỳ-kheo, xa rời những kinh điển do chư Phật thuyết, dùng thuyết của tự mình làm ra kinh Đại vân; từ bỏ những cấm giới do chư Phật chế định, mình là chúng sanh lại tạo ra cấm giới. …Những tà pháp như vậy, ai sẽ tin tưởng lãnh thọ! …Các ác tỳ-kheo tìm cách để cùng hại vị tỳ-kheo trì pháp này.” Trong kinh Ương-quật-ma-la không có nói đến tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến, nhưng tên lúc còn nhỏ của Ương-quật-ma-la (Aṅgulimāla) gọi là ‘Nhất thiết thế gian hiện;’12 khi thành Phật trong đời vị lai, là “Phía nam… có nước tên Nhất thiết bảo trang nghiêm, đức Phật danh hiệu Nhất thiết thế gian lạc kiến thượng đại tinh tấn.”13 ‘Nhất thiết thế gian hiện’ và ‘Chúng sanh lạc kiến,’ và ‘Nhất thiết thế gian lạc kiến (đồng tử hoặc tỳ-kheo)’ là không thể nói không có liên quan. Đức Phật hiệu là ‘Thượng đại tinh tấn,’ cũng cùng với điều mà kinh Đại vân đã nói, tiền thân của đồng tử Nhất thiết thế gian lạc kiến, là ‘Đại tinh tấn (Long) vương’ phù hợp nhau. Vị tỳ-kheo trong truyền thuyết này – Nhất thiết thế gian lạc kiến, chính là vị tỳ-kheo hoằng dương pháp môn này; sanh ở phương Nam, thuộc thời đại vương triều Bà-đa-bà-ha-na – Án-đạt-la (Andhra). Vương triều Án-đạt-la sụp đổ vào khoảng năm 236 A.D., cho nên vị tỳ-kheo trì pháp này không thể sanh trễ hơn cuối thế kỷ 2 A.D. Sự biên tập thành của kinh điển có thể là giữa thế kỷ 3 A.D. Kinh Đại Bát-niết-bàn, kinh Thắng man, kinh Bất tăng bất giảm, tuy pháp môn liên quan với nhau, nhưng không có nói đến vị tỳ-kheo trì pháp này, dường như đã từ phía Nam mà truyền bá đến miền Trung Ấn độ, hoặc Tây Bắc Ấn độ. Tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến mà truyền thuyết nói ấy, chắc hẳn phải là một nhân vật lịch sử giống như là Long thọ (Nāgārjuna), Đề-bà (Āryadeva). Kinh Đại pháp cổ nói: Tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến ‘mệnh chung vào lúc 100 tuổi, sanh về nước An lạc, đắc thần lực lớn, trụ vào địa thứ 8,’ cùng tương tợ với truyền thuyết về Long thọ, như kinh Nhập Lăng-già(VI) nói : “Này Đại Huệ! Hãy nghe kỹ! Sau khi Như lai diệt độ, vào đời vị lai sẽ có người giữ gìn pháp của Ta. Ở trong nước lớn ở phía Nam, có Đại đức tỳ-kheo gọi là Bồ-tát Long thọ, có khả năng phá trừ các kiến chấp về hữu và vô, thuyết pháp của Ta cho người khác, đó là pháp Đại thừa vô thượng. Vị ấy chứng đắc Hoan hỉ địa, vãng sanh nước An lạc.”(b) ‘Trong nước lớn ở phía Nam,’ căn cứ theo bản Phạn, là Vedalī ở phía Nam,14 gần giống với nước Văn-trà-la của kinh Đại pháp cổ. Long thọ của kinh Lăng-già trong bản dịch Hán, theo bản Phạn và bản Tạng văn, là Nāgāhvaya, dịch nghĩa là ‘Long hô,’ ‘Long khiếu’ hoặc ‘Long mãnh,’ cùng với Phạn ngữ của Long thọ (Nāgārjuna) không phù hợp nhau, hẳn phải là ngoài Long thọ ra còn có vị Đại đức tỳ-kheo khác. Kinh Đại vân của bản dịch tiếng Tây tạng nói: Đồng tử dòng họ Lê-xa, tên là Nhất thiết thế gian lạc kiến. Sau khi Phật diệt độ 400 năm thì xuất gia, gọi là tỳ-kheo Long khiếu (Nāgāhvaya), hoằng truyền rộng lớn và hưng thịnh giáo pháp của Ta (Phật); cũng nói đến việc đắc Sơ (Hoan hỉ) địa.15 Trong Nhập Trung luận (thích) của Nguyệt xứng (Candrakīrti) viết, cũng dẫn Đồng tử Nhất thiết hữu tình lạc kiến của kinh Đại vân, do tỳ-kheo tên Long truyền bá rộng rãi giáo pháp của Phật.16 Đoạn trích dẫn của Nguyệt xứng cũng cho rằng vị ấy chính là Long thọ. Ấn độ Phật giáo sử của Đa-lạp-na-tha (Tāranātha) nói: phía Nam có A-xà-lê tên Long khiếu, tên thật là Như lai hiền (Tathāgata-bhadra), đồng thời với Đề-bà, là người xướng đạo [khởi xướng] của ‘Duy thức Trung đạo nghĩa.’17 Trong Phật pháp, Như lai tạng và Duy thức (Duy tâm) luận, quả thật là một mạch tương thông với nhau. Vị tỳ-kheo trì pháp này – Nhất thiết thế gian lạc kiến, có thể chính là Long khiếu, mà được biên tập vào trong kinh Lăng-già. ‘Long’ trong truyền thuyết và Long thọ là tương đối lộn xộn, do vậy Long thọ và tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến, cũng bị lẫn lộn với nhau. Tóm lại, lời kinh điển nói tuy cho thấy là lời dự ký (dự ngôn) của Phật, nhưng vị tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến ở phía Nam, cùng với sự phát triển của thuyết Như lai tạng, hẳn phải có ít nhiều phần sự thật. Người đề xướng của thuyết Như lai tạng sơ kỳ là người giữ gìn giới luật rất tinh nghiêm, như kinh Đại phương đẳng Vô tưởng(VII) nói : “Vào thời vị lai, những đệ tử giữ gìn Pháp như Ca-diếp, là những người thành tựu tâm đại từ, đầy đủ tịnh giới.” Tỳ-kheo Nhất thiết thế gian lạc kiến là dạng tỳ-kheo giống như Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa). Kinh Đại pháp cổ là Phật vì Ca-diếp nên thuyết; kinh Đại Bát-niết-bàn là do Phật vì Bồ-tát Ca-diếp mà thuyết, đây đều đã ám chỉ cho phong cách của vị trì pháp của pháp môn này. Kinh Đại vân và kinh Đại Bát-niết-bàn đều nhiều lần nói đến: khi chánh pháp sắp diệt, những ác hạnh của những tỳ-kheo phi pháp là vô cùng nghiêm trọng. Vị tỳ-kheo trì pháp là người có giới luật nghiêm cẩn, là người khởi xướng, cùng với hàng tỳ-kheo phi pháp hình thành nên sự đối lập nghiêm trọng. Kinh Đại Bát-niết-bàn nói cần quốc vương dùng võ khí để bảo vệ những vị tỳ-kheo trì giới.18 Kinh Đại vân nói: “Bọn ác tỳ-kheo ‘tìm cách cùng hại vị tỳ-kheo trì pháp này.”19 Kinh Ương-quật-ma-la cũng nói: “Vào lúc ấy ta sẽ làm tỳ-kheo, xả bỏ thân mạng để làm việc bảo vệ [chánh pháp].”20 Nhằm bảo vệ pháp nên cần phải không tiếc thân mạng của mình. Trong kinh Thắng man có ba nguyện lớn, cũng nói đến việc xả bỏ tài sản là chính thân mạng để “hộ trì chánh pháp, với thân được sanh ra này không tiếc mạng sống.”21 Điều được pháp môn Như lai tạng bày tỏ chính là ‘bảo vệ giới luật, đàm luận về thường trú,’(c) đã phản ánh tình hình Phật giáo vào thời đại ấy. Phật pháp nói: người không sát sanh thì được quả báo là sống lâu. Học phái Như lai tạng có thể do vì tín ngưỡng ‘Phật thọ vô lượng,’ ‘thường trụ bất biến,’ ‘tất cả chúng sanh là một chúng sanh,’ hành trì thanh tịnh giới không sát sanh nên ngăn cấm triệt để việc ăn thịt. Ăn thịt, học phái Thanh văn thì không có cấm tuyệt đối; các kinh Bát-nhã, Hoa nghiêm, Đại tập, v.v., của Đại thừa cũng không có nói đến. Nhưng kinh Đại thừa Nhập Lăng-già nói : “Trong Tượng hiếp (Hastikakṣya) và Đại vân (Mahā-megha); Niết-bàn (Nirvāṇa) và Ương-quật-ma (Aṅgulimālika); cho đến kinh Lăng-già này, Ta đều chế định sự chấm dứt ăn thịt.”(d) Tượng hiếp là kinh Tượng dịch. Ương-quật-ma là kinh Ương-quật-ma-la; bản dịch của kinh Lăng-già vào đời Ngụy thì gọi là ‘Thắng man,’ hẳn là chép nhầm của ‘Chỉ man’ (dịch nghĩa của Ương-quật-ma-la). Những bộ kinh điển mà nói về Như lai là chân thật, thường trụ, bất biến này, đều nghiêm cấm sự ăn thịt rất nghiêm ngặt. Đây là đặc sắc của học phái Như lai tạng tại Ấn độ (giáo đồ của Bà-la-môn cũng có nghiêm trì việc không ăn thịt), đã ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Trung quốc.

2. Như lai và Như lai tạng

Pháp môn Như lai tạng (tathāgatagarbha) sơ kỳ là từ Như lai (tathāgata) mà luận đến Như lai tạng. Như lai, bát-niết-bàn (parinirvāṇa), giải thoát (vimukta), Pháp thân (dharmakāya), vô thượng bồ-đề (anuttara-samyaksaṃbodhi) là một chuỗi danh từ có liên quan đến quả Phật. Tính chất chung của bộ phận Thánh điển này là niết-bàn giải thoát của Như lai, bất đồng với Nhị thừa, duy chỉ có Như lai mới là đại bát-niết-bàn rốt ráo. Trong các học phái Thanh văn, như Kinh bộ (Sūtravādin) cho rằng: niết-bàn là vô thể, chỉ là “tai họa đều tất thảy không còn,… vì vĩnh viễn xa rời những phiền não khiến phải thọ lại hậu hữu là thân thể để làm chỗ nương tựa, đó gọi là đắc được niết-bàn.(a)”1 Thuyết Nhất thiết hữu bộ cho rằng: niết-bàn là pháp vô vi có thật, “tự tánh là có thật, lìa ngôn ngữ, duy chỉ có mỗi bậc Thánh tự chứng đắc bên trong,… là thiện, là thường, riêng có một vật thật.(b)”2 Niết-bàn của Thánh giả thuộc Tam thừa là không có sai biệt. Tuy nói niết-bàn là thiện, là thường hằng, nhưng Như lai (và A-la-hán) mà nhập niết-bàn ấy đều không có thân và trí, được gọi là ‘thân tro, trí hết’, không có hoạt động làm lợi ích cho chúng sanh lại nữa. Niết-bàn như thế, người thông thường đều không dễ gì tin tưởng. Dẫu cho nói niết-bàn là thường hằng, nhưng được xưng là Phật của ‘Như lai’, theo kinh A-hàm nói: Phật nhập niết-bàn, di thể của Ngài đã được hỏa táng, sắc thân của Như lai là vô thường, có sự diệt mất, nên không tồn tại nữa. Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), v.v., nói: “sắc thân của Như lai thật sự không có giới hạn,… thọ mạng của chư Phật cũng không có giới hạn.”3 Quan điểm thân chân thật của Như lai như vậy, cùng với quan điểm của Nhất thiết hữu bộ, v.v, là bất đồng. Thuyết Như lai tạng chính là kế thừa xa thuyết của Đại chúng bộ, thông qua các kinh Đại thừa như Hoa nghiêm, v.v., mà có. Dùng tỉ dụ về vô số để trình bày niết-bàn của Như lai, chứ không phải là không có gì cả, cho nên nói: ‘Như lai thường trụ, chẳng phải là pháp có biến đổi.’ Kinh văn (A-hàm, v.v.) mà được giải thích là diệt tận, thì mỗi mỗi giải thích rằng thật thể là bất diệt. Nhân vì không phải là vô thường, diệt mất, cho nên nói ‘là pháp thường trụ, chẳng phải biến đổi’. Không phải là không có gì, cho nên nói là ‘có,’ là ‘chẳng phải không’. Nhiều phương diện biểu thị thật đức của Như lai, trong kinh hoặc nói 4, hoặc nói 8, như4 nói: 1. “Này Xá-lợi-phất! Pháp thân của Như lai là thường, bởi nó là pháp không biến dị, bởi nó là pháp không có bị diệt mất. Này Xá-lợi-phất! Pháp thân của Như lai là hằng, bởi nó thường có khả năng là chỗ nương tựa, bởi nó bình đẳng trong vị lai tế. Này Xá-lợi-phất! Pháp thân của Như lai là thanh lương, bởi nó là pháp bất nhị, bởi nó là pháp không có phân biệt. Này Xá-lợi-phất! Pháp thân của Như lai là không thay đổi, bởi nó chẳng phải là pháp bị diệt mất, bởi nó chẳng phải là pháp được làm ra.” 2. “Ngã ấy, tức là nghĩa của Phật. Thường ấy, là nghĩa của Pháp thân. Lạc ấy, là nghĩa của niết-bàn. Tịnh ấy, là nghĩa của pháp.” 3. “Pháp thân của Như lai là thường ba-la-mật, lạc ba-la-mật, ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật.”(c) 4. “Như lai là thường và hằng, là đệ nhất, không thay đổi, thanh tịnh, vô cùng vắng lặng, (Pháp thân vi diệu của bậc Chánh giác là Như lai tạng sâu xa), là tuyệt đối, không có già yếu, vì thế nó là Ma-ha-diễn, đầy đủ tám Thánh đạo.” 5. “Đại bát-niết-bàn cũng lại như vậy, có đầy đủ 8 vị. Tám vị ấy là những gì? Một là thường, hai là hằng, ba là an ổn, bốn là mát mẻ, năm là không già, sáu là không chết, bảy là không có dơ bẩn, tám là khoái lạc.” Bốn đức của Pháp thân: thường, lạc, ngã, tịnh, là những thứ thường dùng, cũng là cái có thể thâu tóm tất cả. Như hằng, không thay đổi, không có già yếu, không già, không chết, có thể dùng ‘thường’ để tóm thâu. An ổn, khoái lạc, mát mẻ, vô cùng vắng lặng, có thể dùng ‘lạc’ để tóm thâu. Không có dơ bẩn chính là ‘tịnh’. Đệ nhất và tuyệt đối, có thể thông với bốn đức. Lạc và tịnh, là điều thông thường được tin tưởng; có điều dị nghị nên cần phải phân tích rõ, là thường và ngã, cũng chính là trọng điểm của vấn đề cần giải quyết. Nói đến thường trụ, hoặc thường, hằng, không thay đổi, rốt cục là ý nghĩa gì? Chúng sanh là vô thường, sanh tử trôi lăn, không thể vĩnh cữu. Nếu như tu hành đến chỗ đoạn trừ hết tất cả phiền não, nhập vào niết-bàn rốt ráo, niết-bàn là không có sanh tử và biến đổi nữa. Niết-bàn thường trụ như vậy, là giống với Thanh văn nên không dễ gì lý giải được. Nhưng Đại thừa phải căn cứ theo lời của Như lai, lời của Như lai nói về bát-niết-bàn. Thường là gì? Thường là siêu việt thời gian, không có sự tồn tại của thời gian để có thể diễn tả được. Làm lợi ích cho chúng sanh đến tận cùng của thời vị lai, tuy xuất hiện trong dòng thời gian nhưng không có thay đổi, điều này được gọi là hằng, như kinh Bất tăng bất giảm nói: “Là pháp bình đẳng, hằng, và hữu trong thời vị lai.”5 Như lai là thường, là hằng, cho nên nói thọ mạng là vô lượng. Trong kinh Đại thừa sơ kỳ, chịu ảnh hưởng của sự thật lịch sử, cho nên đức Thích tôn tuy được giải thích là phương tiện thị hiện, nhưng những kinh Đại thừa thông thường vẫn xem đức Phật Thích-ca là Pháp chủ của sự thuyết pháp. Kinh Hoa nghiêm còn nói như thế này: “Tại đạo tràng tịch diệt ở nước Ma-kiệt-đà, khi mới thành Chánh giác;” Phật Tỳ-lô-xá-na (Vairocana) là danh hiệu khác của Phật Thích-ca.6 Sự đản sanh, thành Phật, đến nhập niết-bàn của Phật Thích-ca là phương tiện thị hiện, không phải là chân thật, nhưng phải có sự mở đầu của một vị thành Phật. Pháp thân (thân chân thật) của đức Thích-ca, rốt cục là thành Phật đạo vào lúc nào vậy? Kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muội nói: “Thọ mạng của Ta là 700 a-tăng-kỳ kiếp.”7 Kinh Pháp hoa nói: “Sự thật từ lúc Ta thành Phật đến nay, là đã qua vô lượng vô biên trăm nghìn vạn ức na-do-tha kiếp.”8 Kinh Đại bát-niết-bàn(I) nói: “Ta đã trụ từ lâu nơi đại niết-bàn này, thị hiện nhiều loại thần thông biến hóa,… như đã nói cụ thể trong kinh Thủ-lăng-nghiêm.” “Chúng sanh đều nói rằng Ta mới thành Phật, nhưng từ trong vô lượng kiếp trước Ta đã làm xong những việc cần làm.” Đã thành Phật từ lâu, từ lâu đã trụ nơi đại niết-bàn mà kinh Niết-bàn đã nói, là giống với điều mà kinh Pháp hoa nói, đã trình bày việc đã từ lâu chứng được thân thường hằng, thọ mạng vô lượng của đức Thích-ca Như lai. Nhưng việc đã thành Phật từ lâu, thọ mạng vô lượng được nói đến ấy, cũng có giải thích là vị lai vẫn có là có số lượng; vào lúc trước khi thành Phật, cũng có nghĩa là không phải thường trụ. Pháp vô thường thì không thể trở thành là thường trụ; thường hằng là từ đầu chí cuối không có biến đổi, cho nên nhằm quán triệt Như lai là thường, là hằng, không thay đổi, điều này không chỉ là Phật Thích-ca, mà là hết thảy Phật, hết thảy chúng sanh. Như lai mà thường trụ, không thay đổi ấy, không chỉ là lý tánh, mà duy chỉ là trí tuệ, trong pháp môn Như lai tạng, Như lai mà từ lâu trụ nơi đại niết-bàn ấy, là có sắc tướng, đây là điểm khác biệt rất lớn với niết-bàn của Nhị thừa, như kinh9 nói: 1. “Niết-bàn ấy, được gọi là giải thoát. …Nói là chẳng phải sắc, tức là sự giải thoát của Thanh văn, Duyên giác ; nói là sắc, tức là sự giải thoát của Phật Như lai.” 2. “Cái thường [trụ], giải thoát ấy, chẳng phải danh tự [diễn tả được], trụ nơi sắc vi diệu trong sạch, chẳng phải là cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát.” 3. “Sắc của hư không là Phật, chẳng phải sắc là Nhị thừa; sắc giải thoát là Phật, chẳng phải sắc là Nhị thừa.” 4. “Tất cả chư Như lai, giải thoát có sắc vi diệu.” Như lai ở trong sự giải thoát chân thật của đại bát-niết-bàn, là có sắc, cho nên kinh Thắng man nói: “Sắc thân vị diệu của Như lai, trên thế gian không có ai sánh bằng. …Sắc của Như lai là vô tận, trí huệ của Ngài cũng như vậy.”10 Kinh Pháp hoa cũng nói: “Pháp thân trong sạch vi diệu, có đủ 32 tướng.”11 Đây là từ ‘sắc thân của Như lai không có biên tế [giới hạn]’ của Đại chúng bộ phát triển mà ra. Pháp môn Như lai tạng là thuyết ‘Pháp thân có sắc.’ Từ Như lai thường trụ bất biến, suy luận đến giai đoạn tu nhân, chính là thân chúng sanh có Như lai tạng. Niết-bàn (hoặc Pháp thân) của Như lai là có sắc, Như lai tạng đương nhiên cũng có sắc tướng, như kinh12 nói: 1. “Tất cả chúng sanh ở trong các phiền não như tham dục, nhuế, si, có trí của Như lai, mắt của Như lai, thân của Như lai, ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động.” 2. “‘Tánh của Như lai là vô tác, ở trong tất cả chúng sanh, có vô lượng tướng tốt thanh tịnh trang nghiêm.’ ‘Phật tánh ở nơi tất cả chúng sanh, có vô lượng tướng tốt trang nghiêm.’” 3. “Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, có vô lượng tướng tốt, trang nghiêm chiếu sáng.” 4. “Tự tánh của Như lai tạng là thanh tịnh, chuyển thành 32 tướng, nhập vào trong thân của tất cả chúng sanh.” (Niết-bàn của) Như lai và Như lai tạng là có sắc, có vô lượng tướng tốt trang nghiêm, đây là đặc sắc của thuyết Như lai tạng sơ kỳ! Pháp do Phật thuyết, trừ Như lai và Như lai tánh (Phật tánh) thường trụ không biến đổi ra, đều là theo phương tiện mà thuyết. Pháp môn Như lai tạng đã quán triệt lý niệm này. Như kinh Pháp hoa nói: “Duy chỉ có pháp Nhất thừa;” niết-bàn của Nhị thừa ‘là diệt nhưng chẳng phải diệt thật sự’. Đây là từ ‘xuyên suốt cả Tam thừa’ (thừa nhận niết-bàn của Nhị thừa là chân thật) mà tiến đến giai đoạn ‘quy về Nhất thừa’. Pháp môn Như lai tạng đã phát triển hết mức khuynh hướng này. Pháp mà do Phật thuyết, như ‘quy y Tam bảo,’ trong Tam bảo có Thánh giả của Nhị thừa; ‘biết Tứ đế,’ thông thường cho rằng ba Đế đầu là hữu vi, Tứ đế là thuyết của Thanh văn; ‘Tam thừa’ có Nhị thừa và niết-bàn của Nhị thừa. Bây giờ nói: đây đều là theo phương tiện mà nói, đúng ra là ‘nhất quy y’ – quy y Phật; ‘nhất đế’ – Diệt đế; ‘Nhất thừa’ – Đại thừa; ‘nhất niết-bàn rốt ráo’ – niết-bàn của Như lai. Kinh Thắng man có phong cách và ý vị của Luận điển, nói được rất giản đơn, điêu luyện, mà rõ ràng, như13 nói: 1. “Quy y đệ nhất nghĩa ấy là quy y Như lai. Đệ nhất nghĩa của hai quy y (Pháp và Tăng) là quy y Như lai rốt ráo. …Như lai chính là Tam quy y.” 2. “Thánh đế ấy là chẳng phải Đế của Thanh văn, Duyên giác. …Chẳng phải hư vọng, mà là Đế [chân lý], là thường, là chỗ nương tựa, vì vậy Diệt đế là đệ nhất nghĩa. Không thể suy lường là Diệt đế, vượt qua sự bám víu của tâm thức của tất cả chúng sanh, cũng chẳng phải là cảnh giới trí huệ của A-la-hán, Bích-chi Phật. ” 3. “‘Thanh văn, Duyên giác thừa đều là nhập vào Đại thừa, Đại thừa tức là Phật thừa, vì vậy Tam thừa tức là Nhất thừa.’ ‘Nhị thừa ấy nhập vào Nhất thừa, Nhất thừa tức là Đệ nhất nghĩa thừa.’” 4. “Duy chỉ có Như lai Ứng Đẳng chánh giác đắc được bát-niết-bàn [niết-bàn toàn diện.” Kinh Ương-quật-ma-la cũng nói: “Nhất thừa, Nhất quy y, Phật là đệ nhất nghĩa y.”14 Kinh Đại bát-nê-hoàn cũng nói: “chỉ có duy nhất quy y Phật, cần phải biết rằng không có ba. Cuối cùng quay về đạo bình đẳng, Phật Pháp Tăng cùng một vị.” Trong bốn chân đế “Diệt đế là Như lai tánh.” 15 “Thanh văn, Duyên giác và chư Bồ-tát đều ắt sẽ quy về nê-hoàn của Như lai, giống như trăm sông quy về biển lớn, quy về pháp thường trụ.”16 Vô biên Phật pháp sẽ quy về một – một nơi nương tựa, một Đế, một thừa, một niết-bàn. Quy y một, chính là Như lai, là thường, là rộng khắp, có vô lượng tướng tốt, thị hiện ra tất cả đến tận biên giới của vị lai nhằm lợi ích chúng sanh. Đây không chỉ là sự tín ngưỡng về quả đức mà thôi, mà còn có thể thể nghiệm được. Như lai, không chỉ là Như lai, mà cũng là Như lai tánh (Phật tánh, Như lai tạng), ‘tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh,’ cũng là phải từ chính mình đi thể chứng thực hiện, như kinh Đại bát-niết-bàn(II) nói: “Vì tạng bí mật của Như lai có Phật tánh, nên kẻ có tuyên thuyết kinh điển này, thì từ tận trong lời nói, thân thể đều có Phật tánh. Người như thế, thì không cầu Tam quy y ở nơi xa nào khác. Vì sao vậy ? Vì ở trong đời vị lai, thân Ta sẽ thành tựu Tam bảo.” ‘Tất cả chúng sanh thảy đều có Như lai tạng (tánh),’ trên mặt lý luận, chỉ ra rằng chúng sanh vốn có cái nhân thanh tịnh, người người đều có tánh khả năng có thể thành Phật. Trên mặt tu hành, không cần phải hướng ra ngoài truy cầu, mà dựa vào tánh Tam bảo – Như lai tánh, của chính mình, tinh tấn tu hành để cầu được cái hiện thực ấy. Phương pháp thiết yếu để ‘làm người sanh thiện’ này, trên tinh thần thật tiễn của tôn giáo, có giá trị cao độ vậy! Có phong cách đầu-đà, có môn hạ của Đạt-ma truyền Như lai thiền (tathāgatagarbha-dhyāna), trong giới Phật giáo Trung quốc, tỏa ra vầng sáng không thể sánh được, chính là kế thừa phương kế này.

3. Như lai tạng ngã

Trong bốn đức của bát-niết-bàn (parinirvāṇa), ngã (ātman) là đặc biệt nhất, nhưng là cái mà Phật giáo truyền thống khó tin tưởng nhất. Kể từ lúc đức Thích tôn thuyết pháp về sau, tuyên thuyết vô ngã (nirātman) là sự nhất quán của Phật pháp; ‘các pháp đều vô ngã’ là một ấn trong Tam pháp ấn là lấy vô ngã để ấn định đúng là của Phật pháp (khác với thuyết của ngoại đạo). Trong bộ phái Phật giáo, Đọc tử bộ (Vātsīputrīya), v.v., lập nên ‘ngã’, bị gọi là ngoại đạo bám vào Phật pháp. Nhưng mục đích của Độc tử bộ và Thuyết chuyển bộ (Saṃkrāntivādin) thành lập nên ‘ngã’ luận, là nhằm thành lập mối liên hệ của cái sanh tử trôi lăn, từ bị trói buộc đến giải thoát, nên không phải là dùng ‘ngã’ làm chân lý, làm nội dung của sự chứng ngộ. Cho nên kinh Bảo tích của Đại thừa sơ kỳ tuy nói ‘Thánh tánh’ là thường, là lạc, là tịnh, nhưng vẫn nói là vô ngã, như hội Phổ minh Bồ-tát của kinh Đại Bảo tích(I) nói: “Tánh này là thường trụ, vì các pháp là thường như. Tánh này là an lạc, vì niết-bàn là đệ nhất. Tánh này là thanh tịnh, vì lìa hết mọi tướng. Tánh này là vô ngã, vì tìm câu cái ngã không thể có được.” Đến khi thuyết Như lai tạng (tathāgatagarbha) hưng khởi, treo lên lá cờ pháp Như lai tạng ngã, trong giới Phật giáo, Đại thừa Phật giáo, có thể nói là đánh dấu sự thay đổi của thời đại, ý nghĩa rất không bình thường vậy ! Nếu như căn cứ theo Như lai là nhân tròn quả đầy để nói cảnh giới niết-bàn của Như lai là có ‘ngã’ đức, vẫn có thể dùng thuyết ‘ngã’ là nghĩa ‘tự tại’, lấy ‘tám thứ tự tại’ của Phật quả để giải thích. Nhưng người hoằng truyền thuyết Như lai tạng, từ sự thường, lạc, ngã, tịnh của Như lai, nói đến tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng ngã. Từ Như lai rồi nói đến ngã, Như lai tánh (tathāgatadhātu) chính là ngã, điều này không thể không hồi ức đến thời đại của đức Thích tôn, ‘Như lai’ mà thế tục nói, có ý nghĩa giống với thần ‘ngã’. Như lai và ngã, Phạm (Brahman) và ngã mà Thần giáo đã nói, không phải là vô cùng giống nhau ư? Phật pháp dần dần đi vào thời đại ‘Phật-Phạm đồng hóa’. Từ Như lai mà nói đến Như lai tạng, có một chuỗi danh từ tương quan. Như lai tạng từ thí dụ mà có, có nguồn gốc sâu xa từ Thần học của Thần giáo Ấn độ. Như lai giới – Như lai tánh có ý nghĩa tương đồng, nhưng có ý vị nguyên tắc khoa học của Phật giáo. Theo luận Bảo tánh bản Phạm văn, biết được rằng Hán dịch ‘Phật tánh’ là Phật tạng (Buddhagarbha), hoặc Phật giới (Buddhadhātu). Phật tạng và Như lai tạng, Phật giới và Như lai giới, nội dung hoàn toàn giống nhau. Kinh Đại Bát-niết-bàn(II) nói: “Phật pháp có ngã tức là Phật tánh.” “Ngã ấy tức là nghĩa của Như lai tạng. Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã.” Như lai tạng, Phật tánh, và ngã là đồng nhất. Trong ngữ ngôn của thế tục, ngã và chúng sanh (sattva) là từ đồng nghĩa, cho nên chúng sanh giới (sattvadhātu) cũng có ý nghĩa tương đồng với Như lai tạng. Kinh Bất tăng bất giảm chính là dựa vào chúng sanh giới để lập luận, như kinh(III) nói: “Không thể lìa khỏi chúng sanh giới mà có Pháp thân (Như lai), không thể lìa khỏi Pháp thân mà có chúng sanh giới; chúng sanh giới tức là Pháp thân, Pháp thân chính là chúng sanh giới. Này Xá-lợi-phất ! Hai pháp này có nghĩa là một mà tên thì khác.” Pháp thân (dharmakāya) đồng nghĩa với chúng sanh giới, theo kinh trên nói: Pháp thân trôi theo sanh tử nên gọi là chúng sanh; tu hạnh bồ-đề thì gọi là Bồ-tát; lìa khỏi mọi sự bức bách của sự khổ do phiền não nên được tự tại, gọi là Như lai. “Ba loại pháp này đều chân thật, như, không thay đổi, không sai khác,”1 cũng chính là từ chúng sanh giới – lập trường theo ngã, nói không có hai, không có khác giữa chúng sanh, Bồ-tát, Pháp thân của Như lai. Kinh Đại pháp cổ cũng nói: “Nếu siêng năng, sử dụng phương tiện để trừ sạch cáu bẩn phiền não, đó mới chính là đắc được ngã.” “Thường trụ trong sự an lạc nên ắt có ngã.” “Chúng sanh giới ấy có vô biên ánh sáng trong sạch.”2 Kinh Ương-quật-ma-la nói: “Hết thảy chúng sanh đều có Như lai tạng ngã. …Đoạn trừ tất cả phiền não nên thấy được ngã giới.”3 có thể thấy rằng ngã và ngã giới, chúng sanh và chúng sanh giới đều chính là tên gọi khác của Như lai tạng, Như lai giới (tánh), Phật tạng, Phật tánh. Đây là luận đề căn bản của pháp môn Như lai tạng, là chủ thể của sanh tử và niết-bàn; là cái làm căn cứ cho sự mê ngộ của khi mê thì thành có sanh tử, khi ngộ thì thành Như lai; là nội dung của sự chứng ngộ. Thuyết Như lai tạng ngã như thế, trong Phật pháp, đích xác là điều mà Đại thừa sơ kỳ chưa từng được thấy qua. Như lai tạng là căn cứ theo Như lai (tánh) ở trong thân của chúng sanh mà nói. Trong thân chúng sanh có Như lai tạng, chủ yếu là giải thích đức tánh Như lai tạng vốn có, cho nên chúng sanh có khả năng thành Phật. ‘Chúng sanh có đầy đủ trí huệ và đức tướng của Như lai’ mà kinh Hoa nghiêm nói, cũng là ý nghĩa này. Nhưng Như lai tạng ở trong thân chúng sanh, nói rõ ràng là tên gọi khác của ngã. Ngã ở trong Thần học của Ấn độ, là đồng một thể với Phạm, mà trở thành chủ thể ở trong sanh tử. Trong pháp môn Như lai tạng, ngã và Như lai là không phải hai, nhờ ngã mà có thể thành Phật, cũng chính là chủ thể của chúng sanh. Kinh Bất tăng bất giảm(IV) nói: “Vì không biết đúng như sự thật về nhất pháp giới, vì không thấy đúng như sự thật về nhất pháp giới nên tâm khởi lên tà kiến, gọi đó là chúng sanh giới tăng thêm, chúng sanh giới giảm xuống.” ‘Nhất pháp giới,’ văn bên dưới lại gọi là ‘nhất giới’. Trong pháp môn Như lai tạng, ‘giới’ (dhātu) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến, như chúng sanh giới, ngã giới, Như lai giới, Phật giới, pháp giới. Giới là giới tạng (mỏ khoáng sản), giới tánh, như trong mỏ vàng có tánh vàng, trong mỏ bạc có tánh bạc, biểu thị xưa nay vốn là như thế, chỉ là ẩn tàng nên không có xuất hiện ra. Đợi đến khi trải qua sự tôi luyện mới hiển lộ ra, cũng vẫn mang giới tánh như vậy. Giới là ‘không mất tính chất của chính nó,’ kinh A-hàm nói: ‘pháp giới thường trụ,’ ‘khéo thông đạt [hiểu rõ được] pháp giới;’ trong thuyết Như lai tạng, giới chính là tên gọi khác của Như lai tạng ngã. Kinh Hoa nghiêm thường nói ‘các pháp giới,’ pháp giới và pháp giới đều bình đẳng, không phải hai, cho nên là ‘một pháp giới,’ ‘nhất giới’. Giới tánh của chúng sanh, giới tánh của Như lai đều bình đẳng như nhau. Cho nên khi chúng sanh nhập vào niết-bàn, từ chúng sanh trở thành Như lai, không phải là diệt đi chúng sanh, mà chúng sanh đó chính là Như lai: chúng sanh giới là không tăng, không giảm. Như lai tạng là thuyết ‘pháp Tục đế là hư dối, pháp Chân đế là chân thật,’ cho nên đây không phải ô nhiễm và thanh tịnh là nhất như, mà là sự không có hai, không có khác của chúng sanh tánh và Như lai tánh, giới tánh. Kinh trên nói: “Chúng sanh giới ấy có vô biên ánh sáng trong sạch.”4 Chẳng qua theo chúng sanh tánh mà nói, thì gọi là chúng sanh giới; theo Như lai tánh ở trong vị trí là chúng sanh để nói, thì gọi là Như lai giới. Chỉ ‘một (pháp) giới’ có ‘vô biên ánh sáng trong sạch’ này, tùy vào nhiễm ô hay thanh tịnh mà có các tên gọi như chúng sanh, Bồ-tát, Như lai, v.v. Như kinh Bất tăng bất giảm(V) nói: “Chúng sanh giới tức là Như lai tạng; Như lai tạng tức là Pháp thân. …Pháp thân này trải qua sự bị trói buộc bởi hằng sa vô biên phiền não, từ vô thỉ đến đời nay, đi theo thế gian, trôi nổi chìm đắm, qua lại trong sanh tử, nên gọi là chúng sanh.” “Pháp thân này, chán lìa khổ não bởi sanh tử của thế gian,… tu bồ-đề hành, nên gọi là Bồ-tát.” “Pháp thân này lìa tất cả sự trói buộc bởi phiền não ở thế gian, vượt qua hết thảy khổ… lìa tất cả chướng, lìa tất cả ngại, ở trong tất cả pháp mà đắc được lực tự tại, nên gọi là Như lai.” Chúng sanh giới có ‘vô biên ánh sáng trong sạch,’ do vì bị vô lượng phiền não trói buộc, trở thành chúng sanh trôi lăn trong sanh tử. Giới tánh của chúng sanh chính là Như lai tạng ngã. Chúng sanh, Bồ-tát, Như lai, giới tánh là không có bất đồng. Pháp thân Như lai trôi lăn nên trở thành chúng sanh, là nghĩa chung của pháp môn Như lai tạng, ngoài kinh Bất tăng bất giảm ra, còn có kinh khác nói, như5 nói: 1. “Trong núi Tuyết có một vị thuốc. …Như vậy vị này tùy theo chỗ chảy ra mà có nhiều loại khác nhau; là thuốc đúng vị thì lưu lại tại núi, giống như trăng tròn. …Một vị ấy là dụ như Phật tánh. Bởi vì phiền não nên xuất ra nhiều vị, đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trời, người.” 2. “Tạng của Như lai là nhân thiện và bất thiện, có khả năng tạo thành tất cả cõi thú sanh đến, giống như kẻ có kĩ xảo, biến hiện ra các thú.” 3. “Sanh tử là dựa vào Như lai tạng. …Vì có Như lai tạng nên có được sanh tử, đó gọi là khéo nói.” 4. “Tự thể ấy biến ra trăm nghìn ức loại hình sắc khác nhau, gọi là sắc địa ngục, sắc súc sanh, sắc ngạ quỷ, sắc trời, sắc người, sắc Thanh văn, sắc Duyên giác, sắc Bồ-tát, sắc Phật.” Như lai tạng ngã là trong thân của chúng sanh, có ‘10 lực, 32 tướng, 80 vẻ đẹp’ giống như Như lai.6 Chẳng qua ở trong sự trói buộc bởi phiền não, ‘có vô biên ánh sáng trong sạch’ vẫn không thể phát ra được, cho nên trở thành chúng sanh bị trôi lăn, sanh tử là lấy Như lai tạng ngã làm chỗ nương tựa. Cái này được gọi là pháp môn ‘cái ngã không thể suy lường,’ ‘đại ngã,’ ‘chân ngã,’ đối với giới Phật giáo truyền thống và Đại thừa sơ kỳ, chắc chắn sẽ dẫn đến phát sanh chấn động kinh hãi, dẫn đến phát sanh hoài nghi. Điều hoài nghi là: từ khi Ấn độ có Phật giáo về sau, tuyên thuyết nhất quán rằng ‘vô ngã’, mà hiện tại đây lại nói không có ngã thì không được. ‘Ngã’ là cái có sẵn trong Thần giáo của Ấn độ, bây giờ Phật pháp cũng nói có ngã, thì cùng với Thần học của Ấn độ có gì sai biệt? Đối với những nghi vấn này, kinh Đại bát-niết-bàn đã dùng tỉ dụ đến mức tối đa để giải thích. Bây giờ nói ngã, quan hệ với vô ngã mà quá khứ đã nói, kinh Đại bát-niết-bàn(VI) đã nêu ra tỉ dụ về vị thầy thuốc cũ và vị thầy thuốc mới, dùng sữa để trị bệnh rằng: “Ta là vua thầy thuốc muốn điều phục ngoại đạo,… vì vậy Như lai ở trong Phật pháp, tuyên thuyết về vô ngã. Vì nhằm điều (phục) chúng sanh, nhằm biết thời, nên nói là vô ngã. Vì có nhân duyên nên cũng nói có ngã,… chẳng phải như cái tôi mà phàm phu chấp trước. …Vì vậy nói rằng các pháp đều vô ngã, thật sự chẳng phải vô ngã. Cái gì là ngã ? Như pháp là thật, là chân, là thường, là chủ, là chỗ nương tựa, có tánh không biến đổi, thì gọi là ngã.” Ý nghĩa của kinh văn là: nhằm phá dẹp cái ngã của phàm phu và ngoại đạo, cho nên nói là vô ngã. Cái ngã của phàm phu và ngoại đạo, ‘như con trùng ăn cây, vô tình tạo thành chữ,’ kỳ thật họ không hiểu rõ, chỉ là chấp lầm lạc. Nhằm phá trừ cái chấp của phàm phu và ngoại đạo nên nói vô ngã, kỳ thật không phải là không có ngã. Ngã là gì? Kinh trên đã nêu ra định nghĩa là thường, là chủ, v.v., xem đây mới là cái ngã thật sự. Kinh trên lại nêu ra tỉ dụ về chất đắng bôi lên vú: đứa trẻ bị bệnh, không nên uống sữa, cho nên người mẹ bôi chất đắng lên vú mình, nói rằng sữa là thuốc độc, không thể uống được. Đợi đến khi đứa trẻ khỏi bệnh, lại cho phép nó bú sữa. Điều mà tỉ dụ này tỉ dụ, như kinh Đại bát-nê-hoàn(VI) nói: “Vì Như lai muốn khuyến dụ cho chúng sanh tiến bộ nên ban đầu vì chúng sanh mà nói tu hạnh vô ngã đối với tất cả pháp. Khi tu vô ngã thì diệt trừ kiến chấp về ; khi kiến chấp về ngã đã diệt rồi thì nhập vào nê-hoàn. Nhằm trừ cái ngã của thế tục nên nói chẳng có ngã, là giáo pháp bí mật theo phương tiện, nhưng về sau là thuyết về tánh của Như lai nên gọi đó là cái ngã chân thật lìa thế tục.” Đầu tiên cấm sữa, sau đó cho uống sữa; đầu tiên là vì chúng sanh mà thuyết tu hạnh vô ngã đối với tất cả pháp, nay nói là có ngã. Dụng ý của hai đoạn kinh ở trên là giống nhau. Quá khứ vì sao không nói về cái ngã chân thật? Chỉ là nhằm thích hợp với căn cơ. Bấy lâu không có nghe nói qua, cho nên pháp môn Như lai tạng được gọi là ‘tạng bí mật Phương đẳng,’ đã cho thấy sự thật là quá khứ không có tuyên thuyết công khai. Như lai tạng ngã và cái ngã mà ngoại đạo tại Ấn độ nói, rốt cục có hay không có quan hệ ? Kinh Đại bát-niết-bàn đã công nhận là có quan hệ. Như kinh7 nói: “Hễ có các loại luận điểm khác, chú thuật, ngữ ngôn văn tự nào, thì đó đều là do Phật thuyết, chẳng phải do ngoại đạo thuyết.” Quan điểm này là niềm tin của những người theo thuyết Như lai tạng, cũng có thể nói là quan điểm chung của Đại thừa. Văn hóa Ấn độ, pháp thiện, liên quan đến chú thuật, văn tự học ở trong nước, đều là do Phật thuyết. Điều này đương nhiên là vào quá khứ Phật đã nói qua, chẳng qua là do lưu truyền trong nhân gian đã lâu, có nhiều cái không tránh khỏi bị hiểu nhầm lẫn, nên điều này mới diễn biến thành các loại Thần học của tôn giáo tại Ấn độ. Nếu như Ấn độ giáo nói có ngã, bây giờ Phật giáo cũng nói có ngã; ngoại đạo nói là từ chính bên trong Phật pháp, Phật pháp nói có ngã, đương nhiên sẽ cùng với Thần giáo tương đồng. Chẳng qua ngoại đạo tuy nói có ngã, nhưng trên mặt lý giải không khỏi bị sai lầm. Ngoại đạo nói có ngã, là có nhiều loại nhiều dạng, như kinh8 nói: “Cái ngã mà do kẻ phàm phu ngu muội chấp ấy, hoặc nói nó lớn như ngón tay cái, hoặc như hạt cải, hoặc như vi trần.” “Kẻ phàm phu ngu muội nói rằng: tất cả đều có ngã. …Tướng của ngã lớn như ngón tay cái, hoặc nói lớn như hạt gạo, hoặc lớn như hạt kê. Có kẻ nói: tướng của ngã trụ ở trong tâm, thiêu nóng như mặt trời.” Như lai tạng ngã, ‘có đủ 32 tướng, 80 vẻ đẹp, ngồi kiết già,’ đương nhiên là khác với ngoại đạo. kinh Niết-bàn lại nêu ra ví dụ về con dao: có người chỉ nghe nói về con dao, tuy nói dao mà không biết hình dáng thật của con dao; có người đã thấy con dao rồi mới nói có con dao. Nghe nói có dao, tuy nhiên không biết hình dáng thật của con dao, đến khi có được con dao thật, thì bất quá không có tận mắt thấy mà chỉ dựa vào lời đồn mà thôi! Ở đây là nói, ngoại đạo nói về ngã và Phật pháp nói về ngã, là cùng một nguồn gốc, chỉ là ngoại đạo thì dựa vào truyền thuyết, hiểu nhầm nên không có biết đúng sự thật.9 Căn cứ vào tỉ dụ này, có thể thấy cái ngã mà Thần ngã của Ấn độ nói là từ trong Phật pháp mà ra, nhưng không phải là cái ngã như là Phật pháp nói, mà là từ trong ngoại đạo; đây là sự giải thích vô cùng tuyệt vời! May mà trong những gì xưa Phật đã nói, không thể từ lịch sử để chứng minh. Cái ngã mà Thần giáo của Ấn độ nói, đều không chỉ là ‘lớn như ngón tay cái,’ ‘nhỏ như hạt bụi,’… Áo nghĩa thư (Upaniṣad) nói ngã là thường, là lạc, là biết, cũng nói bàng bạc khắp nơi, thanh tịnh, cùng với Như lai tạng ngã mà ‘là thật, là chân, là thường, là chủ, là chỗ nương tựa,’ quả thực là vô cùng gần gũi; đặc biệt là mối quan hệ giữa Như lai và Như lai tạng ngã, Phạm và ngã. Trong kinh, Phật nói: cái ngã do ngoại đạo nói ấy, là từ trong Phật pháp mà ra, liên quan đến lời Phật quá khứ đã nói, chỉ có thể tin tưởng mà không thể từ lịch sử để chứng minh. Ngược lại, trong thế giới hiện thực này, Thần giáo của Ấn độ nói có ngã đầu tiên, đức Thích tôn phủ định lời của bọn họ, xây dựng tôn giáo vô ngã; đến thế kỷ 2-3 A.D., Phật giáo mới tuyên thuyết Như lai tạng ngã, là một sự thật lịch sử. Cho nên, tỉ dụ và giải thích của kinh Đại bát-niết bàn, chỉ có thể nói là thuộc tín ngưỡng mà thôi. Kinh Lăng-già nói: “Vì khai mở, chỉ dẫn cho những kẻ ngoại đạo có chấp về ngã, nên thuyết Như lai tạng.”10 Phật giáo nhằm thích ứng với văn hóa Thần giáo của Ấn độ, nhằm khuyến dụ những người ngoại đạo chủ trương có ngã, khiến cho bọn họ dần dần đi vào Phật pháp, cho nên tuyên thuyết theo phương tiện là Như lai tạng ngã, điều này có lẽ càng phù hợp với sự thật về phương tiện thích ứng của Phật giáo vậy !

4. Như lai tạng chẳng phải là không

Đối với thuyết tất cả pháp đều là không (sarvadharma-śūnyatā) của Đại thừa sơ kỳ, mà có thái độ chọn lựa, phê bình, chính là đặc sắc của pháp môn Như lai tạng (tathāgatagarbha), như kinh Đại pháp cổ(I) nói: “Những kinh tương ưng với không thuộc bất liễu nghĩa.” “Ca-diếp bạch Phật rằng: Bạch Thế tôn! Các kinh Ma-ha-diễn phần nhiều nói về nghĩa không. Phật bảo Ca-diếp: Tất cả kinh nói về không là hữu dư thuyết.” ‘Kinh tương ưng với không’ và ‘tất cả kinh nói về không’ là thông với Đại thừa sơ kỳ, có thể lấy kinh Đại Bát-nhã làm đại biểu. ‘Bất liễu nghĩa,’ ‘hữu dư thuyết’ chính là chỉ cho thuyết ‘tất cả pháp đều là không’ là chưa triệt để, vẫn cần phải giải thích thêm. Xem ‘tất cả pháp đều là không’ là bất liễu nghĩa, nên cần phải thành lập những thứ chẳng phải không (aśūnya), là đặc trưng của Đại thừa hậu kỳ. Quan điểm này, kinh Ương-quật-ma-la, v.v., đều nhất trí với nhau. Trong kinh Ương-quật-ma-la, Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) nói về đại không: “Chư Phật như hư không, hư không không có tướng. …Khi giải thoát thì thành Như lai, không tịch, vô sở hữu.” Ương-quật-ma-la (Aṅgulimāla) trách rằng: “Thương thay sự thực hành của loài muỗi, loài ve, không biết được nghĩa chân thật của không!” Sau đó đề xuất ý kiến ‘có pháp khác là không, có pháp khác chẳng phải không;’ và còn nói: “Cái thuyết nói chỉ có cái không tối cao,… làm nghiêng đổ và che lấp chánh pháp của Phật.”1 Đây là nhằm vào thuyết cho rằng tất cả pháp không là liễu nghĩa, phê bình không chút nể tình. Kinh Đại Bát-niết-bàn cũng nói: “Ta đã tu học [pháp môn] bổn tánh của tất cả pháp đều là không tịch.” Lại bảo các tỳ-kheo: “Chớ bảo rằng Như lai chỉ tu [pháp môn] bổn tánh của các pháp đều là không tịch.”2 Từ chỗ các pháp đều là không tịch trở lên, lại có điều được tu, đó đương nhiên là chẳng phải không. Như kinh Đại Bát-nê-hoàn(II) nói: “Lại nữa, cái không ấy, như cái bình tô mật, vì không có tô mật nên gọi là cái bình không. Kỳ thật chẳng phải không, nhân vì không có vật trong ấy, nhưng hình dáng của nó vẫn tồn tại, phải biết [cái bình] chẳng phải không [có]. Sự giải thoát chẳng phải là không, cũng lại như thế, có hình có sắc, nên nói là chẳng phải không. …Diệt sạch hết các tai họa nên gọi là không.” Đây chính là quan điểm ‘có pháp khác là không, có pháp khác chẳng phải không’. Đàm-mô-sấm (Dharmarakṣa) dịch là ‘chẳng không không,’ ‘không bất không,’3 đã ngược với nghĩa gốc mà lại mập mờ! Kinh Bất tăng bất giảm xem ‘niết-bàn là sự không tịch rốt ráo’ là ‘kiến chấp niết-bàn là không có gì.’4 Kinh Thắng man cũng nói: “Như lai tạng ấy chẳng phải là cảnh giới của các chúng sanh rơi vào kiến chấp về thân, chúng sanh bị điên đảo, chúng sanh bị loạn ý về không.”5 ‘Chúng sanh mà bị loạn ý về không,’ theo giải thích của luận Bảo tánh, là những người thuộc Đại thừa.6(a) Tóm lại, kinh Bát-nhã, v.v., nói tất cả pháp đều là không, Như lai (tathāgata), Vô thượng bồ-đề (anuttara-bodhi), niết-bàn (nirvāṇa) cũng là sự không tịch rốt ráo, theo cách nhìn của các học giả Như lai tạng thì điều ấy không đúng, mà là ‘hữu dư thuyết,’ ‘bất liễu nghĩa thuyết.’ ‘Có pháp khác là không, có pháp khác chẳng phải không,’ ý nghĩa là: có những thứ là không, ngoài ra nhiều thứ chẳng phải là không, đây chính là ‘Hữu tông’ trong Phật giáo. Loại tư tưởng này, trong bộ phái Phật giáo, có hai hệ lớn. Như Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) nói: pháp hữu vi (saṃskṛta) và pháp vô vi (asaṃskṛta) là có thật, ngã (ātman) và ngã sở (ātmīya) là không có. Kinh trên nói ‘các hành đều là không,’ là nói các hành – 5 uẩn không có ngã (và ngã sở), mà pháp hữu vi là chẳng phải không. Hệ thống tư tưởng này, trong Đại thừa, chính là điều mà Du-già sư (Yogācāra) nói: tánh y tha khởi (para-tantra-svabhāva) là hữu vi, tánh viên thành thật (pariniṣpanna-svabhāva) là vô vi, đây là có; cái chấp (grāha) về ngã và pháp của tánh biến kế sở chấp (parikalpita-svabhāva) là không có. Tất cả pháp đều là không, là nói trên mặt tánh y tha khởi (và viên thành thật) thì không có tánh biến kế sở chấp, còn tánh y tha khởi và tánh viên thành thật là không thể không có: đây là thuyết ‘tình (chấp) không, pháp có’. Thuyết Xuất thế bộ (Lokottaravādin) cho rằng: “Pháp thế gian là từ từ điên đảo nên sanh ra nghiệp, nghiệp sanh ra quả, cho nên nó là không có thật. Pháp xuất thế không phải từ điên đảo sanh ra, cho nên là chân thật.”7 Pháp thế gian là hư vọng, pháp xuất thế là chân thật, được gọi là thuyết ‘[pháp] tục là vọng, [pháp] chân là thật.’ Cái thuộc về hư vọng nên là không, cái thuộc về chân thật thì chẳng phải không, trong giới tư tưởng Đại thừa, thì nó phù hợp với thuyết Như lai tạng. Như kinh Đại pháp cổ8 nói: “Trừ những kinh lớn thuộc Phương quảng như vậy, còn lại là những kinh chẳng thuyết dư, chỉ thuyết Như lai là thường trụ và có Như lai tạng nên chẳng bỏ đi không, cũng chẳng phải chỉ có kiến chấp về thân là không, không có tự tánh của tất cả hữu vi ấy.” “Tất cả kinh của Phật đều nói về vô ngã, nhưng chúng không biết về nghĩa của không, vô ngã, chúng là những người không có trí nên có xu hướng về sự diệt tận. Nhưng thuyết không, vô ngã cũng là lời của Phật. Vì sao vậy? Vì cái tạng mà có các phiền não nhiều vô lượng như bụi ấy, là thường, không, niết-bàn. Niết-bàn như thế là tất cả cú, nó thường trụ, an lạc, là đại bát-niết-bàn mà Phật đã đắc được.” Không và chẳng phải không, pháp môn Như lai tạng không ra ngoài nguyên tắc này. Nguyên tắc thứ nhất, kinh văn nói: Phật thuyết Như lai là thường trụ, có Như lai tạng, nhưng cũng nói đến không. Hàm nghĩa của không là tất cả pháp hữu vi không có tự tánh, không phải giống như Thuyết nhất thiết hữu bộ, chỉ xem vô ngã (kiến chấp về thân) là không. Tự tánh của hữu vi là không, Như lai (vô vi) là chẳng phải không, kinh Đại Bát-niết-bàn chính là nói như vậy. Như Văn-thù khuyến khích Thuần-đà (Cundakarmāra-putra) rằng: “Nay ông nên quán tánh và tướng của các hành, thực hành sự quán như thế thì có đủ không tam-muội:” đây là cái không của hữu vi. Thuần-đà cho rằng: Như lai không phải thuộc về hữu vi, cho nên nói: “Chớ quán Như lai giống với các hành!” “Như lai chân thật là pháp vô vi, không nên lại nói là thuộc hữu vi.”9 Nhưng trong kinh Đại thừa nói tất cả pháp đều là không, Như lai và niết-bàn cũng là không, đây lại là ý nghĩa gì vậy? Nguyên tắc thứ hai, kinh văn cho rằng: niết-bàn luôn luôn là không, đó là nói cái tạng mà chứa các phiền não là không, như kinh Đại Bát-niết-bàn(III) nói: “Cái không ấy, nghĩa là không có 25 hữu và các phiền não, không có tất các khổ, không có tất cả tướng, không tất cả hành hữu vi, như cái bình không có cao sữa, thì gọi là không. Cái chẳng phải không ấy, nghĩa là cái sắc thiện chân thật, thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng động, chẳng biến đổi, giống như cái màu sắc, hương, vị, xúc của cái bình kia, nên gọi là chẳng phải không.” Cái bình ví như đại bát-niết-bàn. Trong bình có cao sữa, đó chính là vô lượng phiền não sanh tử được chứa trong ấy. Niết-bàn là không, là nói niết-bàn thoát khỏi tất cả phiền não, các hành; đại bát-niết-bàn mà lìa các hành ấy, là chẳng phải không. Quan điểm cơ bản này chính là không Như lai tạng (śūnya-tathāgata-garbha) và bất không Như lai tạng (aśūnya-tathāgata-garbha) mà kinh Thắng man đã nói;10 cũng chính là điều mà kinh Bất tăng bất giảm đã nói: “Một là, bổn tế của Như lai tạng tương ưng thể nhập với pháp thanh tịnh; hai là, bổn tế của Như lai tạng không tương ưng thể nhập với các pháp chẳng thanh tịnh là các phiền não có công năng trói buộc.”11 Kinh Ương-quật-ma-la(IV) nói: “Có pháp khác là không, có pháp khác là chẳng phải không. …Vì sao đối với cái không tướng mà nói là giải thoát chân thật! …Sự giải thoát chân thật của Như lai là chẳng phải không cũng như vậy. Thoát khỏi mọi lỗi lầm, nên nói là cái không giải thoát, Như lai thật sự chẳng phải là không. Lìa hết thảy phiền não và các ấm thuộc trời, người, vì vậy gọi là không.” Cái không mà theo thế tục ấy, là chân thật, các hành thuộc hữu vi là không, nên vô vi – niết-bàn của Như lai, là chẳng phải không, là thuyết được khẳng định của thuyết Như lai tạng. Phật giáo Đại thừa sơ kỳ xem ‘tất cả pháp đều là không’ là bất liễu nghĩa, nên nói ‘có pháp khác là không, có pháp khác là chẳng phải không.’ Theo nghĩa căn bản của kinh Bát-nhã, ‘không, vô tướng, vô nguyện,’ và ‘vô sanh, thanh tịnh, tịch diệt,’ v.v., giống nhau là những từ bổ sung thêm cho niết-bàn sâu xa;12 ý nghĩa của không và không có [vô] là không giống nhau. Bát-nhã nói tất cả pháp đều như huyễn, như hóa, niết-bàn cũng như huyễn, như hóa.13 Trong sự phát triển của nghĩa không, bổn tánh không (prakṛti-śūnyatā), tự tánh không (svabhāva-śūnyatā) đặc biệt được phát triển, không là bổn tánh vốn như thế, không có tự tánh, không phải nói không có tất cả pháp. Cho nên, có [hữu] (bao hàm những hạnh to lớn của Bồ-tát và quả đức của Như lai) mà như huyễn, như hóa ấy, lập tức chính là sự không tịch rốt ráo, liền có liền không, không và có đều không trở ngại cho nhau. Nhưng trong sự phát triển của Đại thừa sơ kỳ, thông thường xem trọng đối với sự quán chiếu (không quán, không huệ) nhằm lìa tất cả tình chấp, vấn đề giống hay khác nhau của không và vô sanh tịch diệt, sớm đã được đề xuất ra, không và tịch (niết-bàn vô sanh) là nhất trí không? Kinh Tu-chân thiên tử nói: “sự không tịch là bình đẳng lại cũng không có khác nhau.”14 Phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát thì xem không, vô tướng, vô nguyện là cạn, lại nói về đạo bồ-đề của Phật.15 Nói thực tế, pháp môn tất cả pháp đều như huyễn, như hóa, tất cả pháp đều là không, chẳng thích hợp với căn cơ thông thường, những người thông thường mới học đạo thì không thể hiểu chính xác được. Như kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật(V) khi thuyết pháp xong, liền nói: “Nếu vị Bồ-tát mới phát ý nghe rằng tất cả pháp rốt ráo đều là tánh không, cho đến niết-bàn cũng đều như hóa, tâm ắt kinh sợ. Vì vị Bồ-tát mới phát ý này, nên phân biệt rằng cái thuộc sanh diệt là như hóa, cái thuộc không sanh không diệt thì chẳng phải như hóa.” Tất cả pháp đều như huyễn, tất cả pháp đều tánh không, là không thích hợp với người mới phát tâm. Tiểu phẩm Bát- nhã không có nói đến, mà Đại phẩm Bát-nhã khi kết thúc, liền đề xuất rằng: vì người mới phát ý nên nói ‘cái thuộc sanh diệt là như hóa, cái thuộc không sanh không diệt thì chẳng phải như hóa,’ cùng với pháp môn chủ trương [pháp] tục là không, [pháp] chân thật thì chẳng phải không, phù hợp với nhau. Phẩm Vô tự tánh tướng của kinh Giải thâm mật cũng nói: người lợi căn đã thực hành lâu rồi, nghe nói tất cả pháp đều là tánh không, thì có thể chứng đắc trong hiện tại. Kẻ độn căn với 5 sự(b) không đầy đủ, khi nghe tất cả pháp đều là không, không phải là phản đối [những kinh thuộc] tương ưng không, mà chính là hiểu điên đảo, hạn hẹp, chính mình hiểu sai và làm người khác hiểu sai. Ở đây ám chỉ sự lưu hành của những kinh tương ưng không, đối với căn cơ không thích hợp, làm dẫn đến phát sinh những tác dụng phụ nghiêm trọng, cho nên không thể không giải thích những chỗ sâu kín, trở thành pháp môn hiển lộ rõ ràng, dễ tin, dễ hiểu.16 Giải thích rằng có một số là không, có một số là không thể không có (bất không), đối với những người độn căn, sơ cơ, liền có thể nhờ phương tiện để dẫn vào chánh đạo. Trong sự phát huy của Đại thừa Không giáo, kinh Đại phẩm Bát-nhã (phần cuối), kinh Giải thâm mật, pháp môn Như lai tạng đã biểu thị khuynhh hướng chung của thời đại Phật giáo. Nhưng, theo ý của kinh Bát-nhã, vì những người mới học đạo nên không thể không nói ‘chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng như hóa’ (bất không). Kinh Giải thâm mật cho rằng: Vì những người mới học đạo, vẫn cần phải có sự giải thích nông cạn, rõ ràng. Nhưng pháp môn Như lai tạng lại trách Không giáo, mà tuyên thuyết pháp môn rốt ráo chân thật chẳng phải không, hoàn toàn ngược lại với kinh Bát-nhã, Thâm mật vậy!




(I) Đại bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 407b. 1 Đại bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 377b,c. 2 Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 1, T. 12, tr. 1082c. 3 Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 540c; và q. 3, tr. 537b. 4 Đại pháp cổ kinh, q. thượng, T. 9, tr. 293a, 294c. 5 Đại pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297b. (II) Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 220c, 221c, 222b. 6 Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 222b,c, 221c. (III) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467a. (IV) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b. 7 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467c. 8 Đại pháp cổ kinh, q. thượng, T. 9, tr. 294a-c; và q. hạ, tr. 299a. (a) Hơn 80 năm là tính từ sau khi Phật nhập diệt, chánh pháp sắp diệt, như vậy, theo kinh này, thì thời kỳ chánh pháp là tính từ lúc Phật bắt đầu thuyết pháp sau khi thành đạo cho đến sau khi nhập diệt khoảng 100 năm, trùng khớp với kỳ kết tập kinh điển lần thứ 2. 9 Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 4, T. 12, tr. 1096c-1097a. 10 Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 4, T. 12, tr. 1097b-1098a. 11 Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 5, T. 12, tr. 1099c-1100a. (V) Đại phương đẳng Vô tưởng kinh, q. 5, T. 24, tr. 1100b-c. 12 Ương-quật-ma-la kinh 1, T. 2, tr. 512b. 13 Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 543a. (VI) Nhập Lăng-già kinh 9, T. 16, tr. 569a. (b) Skt: nirvṛte sugate paścātkālo 'tīto bhaviṣyati / mahāmate nibodha tvaṃ yo netrīṃ dhārayiṣyati // Lank_10.164 // dakṣiṇāpathavedalyāṃ bhikṣuḥ śrīmān mahāyaśāḥ / nāgāhvayaḥ sa nāmnā tu sadasatpakṣadārakaḥ // Lank_10.165 // prakāśya loke madyānaṃ mahāyānamanuttaram / āsādya bhūmiṃ muditāṃ yāsyate 'sau sukhāvatīm // Lank_10.166 // // Saddharmalaṅkāvatārasūtram // 14 Dẫn theo: Tự Bổn Uyển Nhã, Tân Long thọ truyện chi nghiên cứu, tr. 33. 15 Dẫn theo: Tự Bổn Uyển Nhã, Tân Long thọ truyện chi nghiên cứu, tr. 64. 16 Nhập Trung luận, Pháp Tôn dịch, Hán tạng giáo lý viện san bổn, q. 2, tr. 2. 17 Đa-lạp-na-tha, Ấn độ Phật giáo sử, tr. 139. (VII) Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 5, T. 12, tr. 1099c-1100a. 18 Đại bát-niết-bàn kinh 3, T. 12, tr. 384a-b. 19 Đại phương đẳng Vô tưởng kinh 5, T. 12, tr. 1100c. 20 Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 542b. 21 Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 673c. (c) Nguyên Hán ngữ là: 扶律談常 – phù luật đàm thường, là thuật ngữ của tông Thiên thai, dùng để diễn tả đặc điểm nội dung giáo thuyết của kinh Niết-bàn, là dùng giới luật để phù trợ cho Giới môn, thuyết Phật tánh là thường trú để phù trợ cho Giáo môn. Xem: Phật quang đại từ điển, mục 2945. (d) Skt: hastikakṣye mahāmedhe nirvāṇāṅgulimālike / laṅkāvatārasūtre ca mayā māṃsaṃ vivarjitam // Lank_8.16. // Saddharmalaṅkāvatāra-sūtram // (a) Skt: yaḥ sakalasyopadravasyātyantamabhāva… kleśapunarbhav-otpādāty-antaniruddhāśrayalābhāt prāptaṃ nirvāṇamityucyate| Abhi-dharma-kośa, Indriyanirdeśaḥ. 1 A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 6, T. 29, tr. 34b-c. (b) Skt: tatsvabhāvo vaktavyaḥ, āryaireva tatsvabhāvaḥ pratyātma-vedyaḥ| … nityaṃ kuśalaṃ cāsti dravyāntaram| Abhidharmakośa, Indriya-nirdeśaḥ. 2 A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 6, T. 29, tr. 34a. 3 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15b-c. 4 (1) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467a-b. (2) Đại bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 377b. (3) Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 677b. (4) Ương-quật-ma-la kinh 3, T. 2, tr. 532a-b. (5) Đại bát-niết-bàn kinh 3, T. 12, tr. 385a. (c) Luận Bảo tánh dẫn: | tad yathā nityapāramitā sukhapāramitātma-pāramitā śubhapāramiteti | Ratnagotravibhāgo mahāyānottaratantra-śāstram | 5 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b. 6 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 1, T. 9, tr. 395a; và q. 4, tr. 419a. 7 Thủ-lăng-nghiêm tam-muội kinh, q. hạ, T. 15, tr. 645a. 8 Diệu pháp liên hoa kinh 5, T. 9, tr. 42b. (I) Đại bát-niết-bàn kinh 4, T. 12, tr. 388b, 389b. 9 (1) Đại bát-niết-bàn kinh 5, T. 12, tr. 391c-392a. (2) Đại Pháp cổ kinh, q. thượng, T. 9, tr. 292c. (3) Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 527c, 530c. (4) Ương-quật-ma-la kinh 3, T. 2, tr. 531c. 10 Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 673a. 11 Diệu pháp liên hoa kinh 4, T. 9, tr. 35b. 12 (1) Đại phương đẳng Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 457b-c. (2) Ương-quật-ma-la 2, T. 2, tr. 525b, 526b. (3) Đại Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297b. (4) Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 489a. 13 Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12: (1) tr. 221a; (2) tr. 221b-222a; (3) 220c-221a; (4) tr. 219c. 14 Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 530a. 15 Đại bát-nê-hoàn kinh 5, T. 12, tr. 884c, 883a. 16 Đại bát-nê-hoàn kinh 6, T. 12, tr. 895b. (II) Đại bát-niết-bàn kinh 8, T. 12, tr. 410b. (I) Đại Bảo tích kinh 112, T. 11, tr. 635c. (II) Đại Bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 407a, b. (III) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b. 1 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467c. 2 Đại pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297a, 296c, 297b. 3 Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 539c-540a. (IV) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 466b. 4 Đại pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297b. (V) Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467a-b. 5 (1) Đại bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 408b. (2) Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 4, T. 16, tr. 510b. (3) Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 677c. (4) Thanh tịnh tỳ-ni phương quảng kinh, T. 24, tr. 1080c; ‘tự thể’, bản dịch khác của kinh này là Tịch điều âm sở vấn kinh, T. 24, tr. 1086b, gọi là ‘ngã’. 6 Đại bát-niết-bàn kinh 9, T. 12, tr. 419a. (VI) Đại bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 378c-379a. (VI) Đại bát-nê-hoàn kinh 5, T. 12, tr. 883c. 7 Đại bát-niết-bàn kinh 8, T. 12, tr. 412c-413a. 8 Đại bát niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 378c; và q. 8, tr. 412c. Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 525b, đã nói rõ ràng hơn. 9 Đại bát-niết-bàn kinh 8, T. 12, tr. 412b-c. 10 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 489b. (I) Đại pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 295a, 296b. 1 Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 527b-528a. 2 Đại bát-niết-bàn kinh 3, T. 12, tr. 379a. (II) Đại Bát-nê-hoàn kinh 3, T. 12, tr. 875a. 3 Đại bát-niết-bàn kinh 5, T. 12, tr. 395b. 4 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 466c. 5 Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 222b. 6 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 840a. (a) Tham khảo: Skt. tatra śūnyatāvikṣiptacittā ucyante navayāna-saṃprasthitā bodhisattvās tathāgata garbhaśūnyatārthanayavipranaṣṭāḥ | Ratnagotravibhāgo. 7 Tam luận huyền nghĩa, T. 45, tr. 8c. 8 Đại Pháp cổ kinh, q. thượng, T. 9, tr. 291b; và q. hạ, tr. 296b. 9 Đại bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 373c, 374b. (III) Đại bát-niết-bàn kinh 5, T. 12, tr. 395b. 10 Thắng ma sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 221c. 11 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b. (IV) Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 527b-c. 12 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr. 717-718. 13 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 8, T. 8, tr. 276a-b. 14 Tu-chân thiên tử kinh 4, T. 15, tr. 111a. 15 Đại phương đẳng Đại tập kinh 3, T. 13, tr. 21c. (V) Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 26, T. 8, tr. 416a. (b) Năm sự gồm: 1. Trồng thiện căn thượng phẩm; 2. Thanh tịnh được các chướng; 3. Thành thục tương tục; 4. Tu nhiều thắng giải; 5. Có khả năng tích tập tư lương là các phước đức, trí huệ thượng phẩm. Xem: Giải thâm mật kinh, T. 16, tr. 695b15-17. 16 Giải thâm mật kinh 2, T. 16, tr. 695b-696a.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3477)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10203)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4428)