● Xu Hướng Biến Đổi Của Ảnh Hưởng Nhân Sinh Quan Phật Giáo Trong Đời Sống Tinh Thần Của Người Việt Nam Hiện Nay (Ths. Nguyễn Thị Thúy Hằng)

12 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 12896)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI CỦA
ẢNH HƯỞNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO

TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY
ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên Lý luận Chính trị - ĐHQG Hà Nội


Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ lâu và thực sự tư tưởng đạo Phật đã trở thành một góc trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Từ đó có thể nói rằng, bên cạnh hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” thì hình ảnh mái chùa cũng là biểu tượng thân thương, thấm sâu vào tiềm thức và trở thành một phần trong tâm hồn của con người Việt Nam. Hiện nay, đạo Phật đã có những biến chuyển mạnh mẽ cùng với sự thay đổi của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Phật giáo với triết lý nhân sinh sâu sắc đã ảnh hưởng và góp phần đắc lực trong việc hình thành, phát triển và tạo nên cốt cách của con người Việt Nam. Triết lý đó đã giáo dục con người tu dưỡng để hoàn thiện mình, làm lành, lánh ác; thấy được cuộc sống của mình do chính mình làm chủ, vì vậy không chờ đợi ở một thế lực nào khác mà bản thân phải gắng sức rèn luyện để trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Đồng thời, triết lý đó còn giáo dục con người sống biết hy sinh lợi ích, yêu thương mọi người, thương người như thể thương thân.

1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO

Học thuyết về nhân sinh quan của Phật giáo gắn bó chặt chẽ và là hệ quả trực tiếp của quan niệm muôn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi theo qui luật sinh diệt và sự tiếp thu tư tưởng luân hồi, nghiệp báo của Upanisad. Điều đó được thể hiện ở chỗ, Phật giáo quan niệm: Cũng

như các sự vật, con người mất đi ở chỗ này nhưng lại sinh thành ở chỗ khác. Quá trình thác sinh luân hồi đó đều do “nghiệp” chi phối theo luật nhân duyên. Mục đích cuối cùng và cũng là tư tưởng chủ đạo có tính xuyên suốt toàn bộ thuyết nhân sinh là tư tưởng “giải thoát” chúng sinh khỏi kiếp trầm luân đau khổ. Để đạt được sự giải thoát, Phật giáo nêu ra bốn chân lý mà mọi người phải thực hiện. Đó là “Tứ diệu đế” gồm:

Khổ đế (đau khổ là tất yếu, là chân lý, là điều không thể tránh khỏi của con người), Tập đế (là tập hợp những nguyên nhân dẫn tới sự đau khổ, bất hạnh của con người), Diệt đế (cái khổ của con người có thể tiêu diệt được), Đạo đế (là con đường để tiêu diệt cái khổ).

Thông qua “Tam học” Phật giáo đưa ra quan niệm về con đường giải thoát, nội dung của Tam học gồm: Giới - Định - Tuệ. Giới (gồm chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh) là những điều răn cấm, những qui định giúp cho con người trên đường tu hành tránh được những lỗi lầm, trở nên trong sạch. Định (gồm chính tinh tiến, chính niệm, chính định) là phương pháp giúp cho người tu hành không tán loạn thâm tâm, nhờ đó mà loại trừ những ý nghĩ xấu, tạo điều kiện cho trí tuệ bừng sáng. Tuệ (gồm chính kiến, chính tư duy): Người có trí tuệ sáng suốt diệt trừ được vô minh, tham dục, chứng ngộ được chân lý thực hành thiện, mưu lợi ích cho chúng sinh. Đạo Phật đề cao vai trò của trí tuệ, xem đó là điều kiện không thể thiếu được để tiến tới giác ngộ và giải thoát. Phật giáo khẳng định rằng, có trí tuệ mới có khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác... và mới có thể tự giải thoát khỏi những ràng buộc của dục vọng cá nhân. Phật giáo còn đề cập tới Bát chính đạo (tám con đường chân chính để đạt đạo) và “lục độ” (6 phép tu) để chủ động thực hiện những điều tốt, đem lại lợi ích cho người, cho chính mình. Mục đích của việc tu hành trong giáo lý của đạo Phật là nhằm đạt tới sự siêu thoát, hướng con người tới cõi Niết-bàn (Nirvana).

Tứ diệu đế - Tam học - Bát chính đạo - Ngũ giới - Lục độ - Niết-bàn là những nội dung cơ bản của giáo lý Phật giáo, thể hiện quan điểm về nhân sinh và con đường giải thoát con người ra khỏi sự trầm luân của “bể khổ”. Lấy con người là trung tâm, thấy được nỗi khổ của chúng sinh và mong muốn chúng sinh thoát khỏi vòng trầm luân biển khổ. Bằng chủ trương cứu nhân độ thế, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, đạo Phật hướng con người tu tập nhân tâm, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thiện dần nhân cách. Những chuẩn mực trong giá trị đạo đức của Phật giáo mang tính triết lý nhân văn sâu sắc, ngoài việc hoàn thiện đạo đức, nó còn ăn sâu vào suy nghĩ, hành vi, lối sống của mỗi người, góp phần vào việc giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống của con người Việt Nam.

2. MỘT SỐ XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI CỦA ẢNH HƯỞNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đều nằm trong hình thái ý thức xã hội nên chịu sự quy định của tồn tại xã hội, khi tồn tại xã hội thay đổi thì ý thức xã hội cũng thay đổi theo. Không nằm ngoài quy luật đó, Phật giáo Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt, từ khi nước ta chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng có sự biến đổi với những biểu hiện mới. Vậy xu hướng biến đổi ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào? Cần đánh giá sự biến đổi đó theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ và cần lời giải đáp.

Thứ nhất: Nhu cầu tín ngưỡng và thành phần tham gia sinh hoạt Phật giáo có nhiều thay đổi

Thực tế từ những năm đổi mới đất nước đến nay cho thấy, không khí sinh hoạt tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở Việt Nam sôi động hơn rất nhiều so với thời kỳ bao cấp. Có hiện tượng này cũng là một điều bình thường và hợp lý. Bởi vì trong thời kỳ đất nước thực hiện cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, nền kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất của nhân dân còn hết sức thiếu thốn, khó khăn, hầu hết các thành viên trong xã hội chỉ có mong muốn là thỏa mãn được nhu cầu vật chất như “ăn no, mặc ấm”, còn các nhu cầu tinh thần khác, đặc biệt là nhu cầu tâm linh gần như không được chú ý đến. Tuy nhiên, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, nền kinh tế nước ta có sự phát triển nhanh, đời sống vật chất của nhân dân ta không ngừng cải thiện, nhân dân có nhiều điều kiện hơn trong việc quan tâm đến đời sống tâm linh, có lẽ sự thay đổi này cũng phù hợp với quan niệm của cha ông “phú quý sinh lễ nghĩa”. Như vậy, có thể thấy rằng tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đã và đang thỏa mãn được nhu cầu tinh thần cho một bộ phận quần chúng nhân dân, nó vẫn còn sức hút, hấp dẫn nhiều người trong xã hội tin và theo.

Chỉ cần tập trung quan sát, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy số lượng người đi lễ chùa trong những năm qua tăng nhanh, nếu như trước đây, người lên chùa chủ yếu là người già với tấm lòng thành kính Phật, tự giác thì ngày nay người lên chùa gồm rất nhiều các giai tầng và thành phần khác nhau trong xã hội, từ người già, đến người trẻ, từ cán bộ công chức đến thường dân... và lý do đi cũng rất khác nhau, họ là những người cô đơn gần với cái chết; những thanh niên đứng trước cuộc đời đầy khó khăn, tình duyên trắc trở bị đổ vỡ niềm tin; có người còn có tâm lý cầu mong sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên… Về độ tuổi: Họ bao gồm lớp người cao tuổi, người trung niên và cả lớp thanh niên. Về lớp người cao tuổi, xưa nhân dân ta có câu: “Trẻ vui nhà, già vui chùa” đã nói lên một truyền thống của người Việt Nam. Con người lúc còn trẻ thì lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội. Lúc tuổi cao sức yếu, không còn làm việc và công tác xã hội, có nhiều thời gian rỗi, các cụ (đặc biệt là các cụ bà) mới có thời gian lên chùa, chăm lo đời sống tâm linh, tinh thần của mình, cũng như gia đình mình. Hơn nữa, cuộc đời của họ đã ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, mọi đắng cay, ngọt bùi ở đời họ đã nếm trải. Do đó, họ có một cái nhìn sâu xa, bao dung, họ đến với Phật mong muốn có một sự yên tĩnh trong tâm hồn, để vui thú tuổi già. Ngày nay, với chủ trương khôi phục tinh hoa văn hóa truyền thống trong khung cảnh hòa bình, các cụ lại nô nức đến chùa vào các ngày lễ tết, sóc vọng. Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến lớp người cao tuổi. Thông qua lớp người cao tuổi này, Phật giáo đã ảnh hưởng đến lớp con cháu của họ. Lớp thanh niên ngày nay được biết đến đạo Phật qua nghi thức cúng lễ ở nhà trong ngày giỗ, ngày Tết; qua lời dạy của ông, bà, cha, mẹ; qua các ngày lễ hội được tổ chức ở địa phương hay ở các miền của đất nước; qua sự hiện diện của các ngôi chùa và qua cả tấm gương của các nhà sư.

Đối với Giáo hội, trong những năm vừa qua, nhiều chùa được tu sửa và xây mới; việc đào tạo Tăng Ni trong cả nước diễn ra liên tục và ngày càng được mở rộng; các ngày lễ của Phật giáo thường xuyên thu hút sự tham gia của nhiều người, trong đó có nhiều người không phải là tín đồ. Trong thời kỳ bao cấp, nhà chùa duy trì sự tồn tại và phát triển chủ yếu bằng thu nhập dựa vào canh tác trên ruộng đất của nhà chùa thì trong điều kiện kinh tế thị trường, với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, tính chất kinh doanh cũng đang len lỏi vào nhiều hoạt động của nhà chùa. Nhiều chùa sẵn sàng đáp ứng và thực hiện những yêu cầu của tín đồ như làm lễ giải oan, cầu siêu... với quan niệm cả hai bên cùng có lợi: Các tín đồ Phật tử thỏa mãn nhu cầu tâm linh, còn về phía nhà chùa cũng tăng thêm nguồn thu nhập. Việc tu bổ, sửa chữa chùa phần lớn là do tín đồ, những người lên chùa cung tiến, họ quan niệm: Nếu cung tiến vào chùa nhiều tiền sẽ được Phật phù hộ cho nhiều tài lộc trong cuộc sống. Tại một số ngôi chùa có địa thế đẹp hay nổi tiếng như chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc... mở các cửa hàng bán các ấn phẩm kinh sách, vật dụng phục vụ cho việc thực hiện lễ nghi thờ cúng của tín đồ. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lễ chùa của tín đồ, phổ biến rộng rãi giáo lý của đạo Phật và tăng nguồn kinh phí cho chùa. Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến lối sống của người Việt Nam hiện nay còn được biểu hiện qua các phong tục tập quán trong các đám tang: Có nhà sư mặc áo cà sa, là sự thể hiện pháp lực của nhà Phật xua đuổi tà ma, có các vãi đi cầu kinh để dẫn vong hồn về nơi yên nghỉ. Rồi sau đó là lễ cúng cầu siêu... nhà chùa vẫn là điểm tựa cho linh hồn người chết được siêu thoát… Tất cả điều đó đã nói lên biểu hiện sự tác động của kinh tế thị trường tới hành vi đạo đức của Tăng Ni và tín đồ, qua đó một lần nữa cho thấy ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần của con người Việt Nam có nhiều biểu hiện khác so với thời kỳ nước ta thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo vẫn có nhiều ý nghĩa tích cực (thương yêu con người, cứu vớt con người thoát khổ, góp phần làm lành mạnh hóa con người trong kinh doanh theo luật nhân quả, làm hạn chế tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội, giúp con người hướng thiện, xã hội lành mạnh và trong sạch hơn.

Thứ hai: Cách giải thích trong giới luật có một số điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện đại

Việc giữ gìn phẩm giá và danh dự của đạo Phật được tập trung trong các giới luật, trước hết là chế Ngũ giới, Bát quan trai, Thập thiện... và chúng được triển khai trong hạnh, nguyện. Trường hợp Phật tử nào không thực hiện đầy đủ, hoặc phá giới, hoặc nguyện không đi đôi với hạnh đều bị coi là mình tự làm mất phẩm giá và danh dự của mình. Từ Giới luật như thế, Phật giáo xa lánh mọi hành vi phóng dật, xa lánh mọi hành vi dối trá ở cả thân, khẩu, ý cũng như những hành vi tham nhũng, lừa đảo, buôn gian bán lận v.v... Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thay đổi, các giới luật trong Phật giáo cũng được giải thích một cách nhẹ nhàng, thông thoáng hơn, chẳng hạn với “ngũ giới”, họ đã thêm bớt và mở rộng nội dung như vấn đề “giới sát”. “Giới sát” theo Đại thừa vốn có nghĩa là không sát sinh, không ăn thịt, cá, nhưng ngày nay đã được giải thích khác đi, nội dung giới này được diễn đạt như sau: “Ý thức được những khổ đau do sát hại gây ra, con xin theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài”… làm người nghe cảm thấy dễ chấp nhận hơn. Có lẽ Phật giáo đã thấy được phần nào hạn chế của “Giới sát” là khó thực hiện trong đời sống hiện thực nên thay đổi nội dung cho phù hợp. Khi giải thích vấn đề này, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm nói: “Không được tự mình sát sinh còn nếu mua thịt cá về nhà thì không có hại gì”(1). Về “giới đạo’’ vốn có nghĩa là không trộm cắp, nhưng ngày nay được giải thích khác đi là không trộm cắp, không buôn lậu, tham nhũng, lật lọng trong buôn bán để kiếm những món lời bất chính v.v... Giải thích như vậy làm cho người dân dễ dàng chấp nhận và tăng thêm khả năng bao quát của giáo lý, của giới luật, phù hợp và gắn liền với cuộc sống hiện tại, khi mà tham ô, tham nhũng, buôn lậu… đang là “quốc nạn” ở nước ta, hơn nữa điều đó cũng cho thấy, Phật giáo không đứng bên ngoài cuộc sống thực tại mà luôn quan tâm, đi sát cuộc sống, chú ý đến những tiêu cực và mong muốn đẩy tiêu cực ra khỏi đời sống thực để tín đồ được sống trong hạnh phúc. Vấn đề “không uống rượu” hiện nay cũng được người tín đồ quan niệm cởi mở hơn. Khi ốm đau, họ có thể uống rượu thuốc nhẹ để chữa bệnh hoặc người tín đồ có thể uống bia thay rượu trong các dịp có tiệc. Họ cho rằng có thể uống bia, rượu nhẹ trong chừng mực nhất định nhằm làm con người khỏe mạnh hơn nhưng không uống rượu say dẫn đến làm những việc dại dột, xấu xa. Cũng tương tự như vậy, đối với các “giới” còn lại, các tín đồ đều nhất trí cho rằng trong cuộc sống con người cần phải trung thực, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối gây mất đoàn kết, gây hại cho người khác, vì như vậy chính là mình gây nghiệp ác tất sẽ gánh lấy quả báo xấu.

Như vậy, việc thực hành “ngũ giới” của tín đồ hiện nay khá mềm dẻo, nó phù hợp với hoàn cảnh, hòa đồng giữa việc đạo với việc đời. Các tín đồ không hiểu giáo luật một cách cứng nhắc, máy móc mà chủ yếu tiếp nhận tinh thần của nó, mục đích là để tín đồ hoàn thiện tư tưởng và hành vi của mình theo các yêu cầu và chuẩn mực của giáo lý đạo Phật.

Thứ ba: Sự tham gia của Phật giáo vào đời sống xã hội ngày càng thiết thực và đa dạng hơn

Phật giáo với tư tưởng từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn đã tham gia tích cực vào các phong trào xã hội, nổi bật trong những năm vừa qua là hoạt động từ thiện của Phật giáo. Việc làm từ thiện của Phật giáo là một nét đẹp trong xã hội, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường với mặt trái của nó đã xô đẩy không ít người đến với chủ nghĩa thực dụng, với lối sống vị kỷ. Những hoạt động từ thiện của Phật giáo là những nét đẹp trong xã hội, nhất là khi nền kinh tế thị trường với mặt trái của nó đã xô đẩy không ít người đến với lối sống vị kỷ. Hiện nay, công tác từ thiện của Phật giáo rất đa dạng, bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: Chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, chăm sóc trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em tàn tật; chăm sóc, ủng hộ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho người nghèo; hoặc những nạn nhân do thiên tai, lũ lụt; nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc màu da cam và những nạn nhân của cơ chế thị trường, người nhiễm HIV/AIDS… Theo thống kê, trong năm 2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động quyên góp ủng hộ các địa phương bị thiên tai và đã phân phát đến tận tay đồng bào vùng bão lũ với số tiền lên tới 550 tỉ đồng(2). Dẫn đầu hoạt động từ thiện năm 2009 là Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh với tổng trị giá ủng hộ hơn 171 tỉ đồng, 12,5 tấn gạo, 30 ca hiến máu, 15 căn nhà tình thương(3)… Sự đóng góp và giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, hoạn nạn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là xuất phát từ tư tưởng đại từ đại đức, từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật, đã góp phần xoa dịu những nỗi đau cho quần chúng nhân dân mắc phải nơi trần thế, tạo điều kiện để họ hòa nhập vào cộng đồng, xây dựng xã hội ngày càng công bằng, bình đẳng và văn minh hơn.

Chính những hoạt động xã hội mang đậm tính nhân đạo đã góp phần giảm bớt tính chất thần bí, làm cho Phật giáo không xa lánh với cuộc sống đời thường, gần gũi với nhân dân. Xu hướng thế tục hóa của Phật giáo một mặt thúc đẩy các tín đồ gắn liền, không thoát ly công cuộc đổi mới của đất nước, mặt khác giúp họ nhận rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của người công dân đối với đất nước, đối với dân tộc. Bên cạnh các hoạt động tôn giáo, các tín đồ Phật tử phải chăm lo công việc đời thường, làm theo lẽ đời, theo phương châm Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Chính xu hướng thế tục hóa sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Phật giáo để mở rộng ảnh hưởng của mình trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, trước sự biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, sinh hoạt Phật giáo cũng thay đổi rất nhiều. Những nét đẹp trong giá trị văn hóa đã bị thị trường hóa, từ thiện, từ tâm để tu

bổ, sửa chữa lại chùa là việc làm hết sức cần thiết cho những niềm tin nhân quả và bảo tồn một trong những di sản văn hóa dân tộc, nhưng cũng cần có sự phê phán việc lợi dụng những hành vi trên để trục lợi, làm giảm uy tín của nhà chùa vốn là nơi linh thiêng, thanh tịnh. Do tác động của cơ chế thị trường đã khiến sinh hoạt văn hóa tại các nhà chùa có sự biến đổi, người lên chùa cầu xin đức Phật cả những điều ngược trái với giáo lý tinh thần của Phật giáo, ví như: Được trúng quả đậm, buôn bán hàng lậu được trót lọt, hoặc mua được rẻ, bán được đắt… Trên thực tế đã xuất hiện danh nghĩa khôi phục văn hóa Phật giáo để bày ra lễ hội tốn kém, những hiện tượng mê tín, dị đoan nhờ đó mà phát triển. Nơi sinh hoạt văn hóa trước đây của nhiều người dân Việt Nam nay đã biến thành chợ trời của sự cúng bái. Có kẻ mượn danh Phật tiến hành các hành vi mê tín, dị đoan: Bùa ngải, lên đồng, gọi hồn… thực chất là lợi dụng lòng mê muội của người dân để phục vụ cho lợi ích của một số cá nhân, ngại lao động, lừa lọc người khác để kiếm sống. Hiện nay, không ít nơi thờ tự giống như một xã hội thu nhỏ có cả nhà ăn, quán trọ, cửa hàng với không khí sôi động ồn ào, náo nhiệt của thị trường, làm mất đi tính thiêng liêng, thanh tịnh của nhà chùa nói riêng, Phật giáo nói chung.

Có thể nói nhân sinh quan Phật giáo nhìn chung vẫn phát huy được mặt tích cực và nó vẫn đang hòa nhập với nền đạo đức, văn hóa hiện đại của dân tộc Việt Nam, tạo nên cốt cách và dáng dấp của con người Việt Nam. Điều này cũng trùng hợp với khẳng định của Giáo sư Hoàng Như Mai: Những điều đạo Phật dạy đều nhân bản (nếu hiểu rõ, hiểu đúng), và phù hợp hoàn toàn với những yêu cầu giáo dục đào tạo con người của nước ta và thế giới hiện nay… Thiết nghĩ nếu những giới luật của đạo Phật mà được thấm nhuần một phần nào vào nhân loại thì xã hội sẽ giảm đi biết bao nhiêu tội ác và cuộc sống sẽ lương thiện thuận hòa hơn thế này nhiều(4). Tuy nhiên, trong bối cảnh mới Phật giáo đã có sự cải biến, đổi mới cả về giáo lý, lễ nghi để thích nghi với hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Sự biến đổi ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo diễn ra ở cả hai chiều trái ngược nhau. Một mặt, sự biến đổi đó diễn ra theo chiều hướng tích cực, đó là xu hướng đạo gắn với đời, việc tu tập của người tín đồ không xa lánh trần tục, không thoát ly sự nghiệp đổi mới của đất nước, người tín đồ ngoài việc lo hành đạo còn phải thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân

v.v... Mặt khác, trong xu hướng nhập thế, cũng nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực như một số người lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, vô tình hay hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch ở bên ngoài có những hành vi gây rối, âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để tiến hành hoạt động mê tín… Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước là phải tìm ra các giải pháp để phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế và đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực mà sự biến đổi nhân sinh quan Phật giáo gây ra. Trên cơ sở nắm vững nội dung nguyên lý cơ bản của Phật giáo để phát huy những giá trị của nó trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn