Người dịch: Sư Tâm Pháp
THIỀN CHÁNH NIỆM LÀ GÌ?
Chúng ta hãy nói một chút về thiền. Tại thiền viện này, chúng ta thực hành thiền Tứ Niệm Xứ (satipatthāna), hay còn gọi là thiền chánh niệm trên bốn niệm xứ là thân, thọ, tâm và pháp. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thực hành, chúng ta cần phải hiểu rõ mình đang thực hành cái gì và tại sao lại thực hành nó. Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu pháp hành này giống như bắt đầu thực hiện một dự án lớn, cần phải hiểu rõ những ý tưởng của dự án và những nguyên tắc chủ đạo của những việc chúng ta dự định thực hiện. Chúng ta cần có những thông tin cơ bản và những hiểu biết đúng về bản chất của thiền chánh niệm để có thể thực hành một cách tốt đẹp. Chúng ta không thực hành một cách mù quáng.
Thiền chánh niệm là gì? Mục đích tu tập của chúng ta là gì? Loại tâm nào, thái độ nào cần phải có khi thực hành thiền? Thực hành như thế nào?
Đối với tôi, thiền chánh niệm cơ bản là làm việc để chuyển hóa tâm mình. Thiền là việc tu dưỡng các trạng thái tâm thiện, nuôi dưỡng một cái tâm hướng về Pháp, và phát triển các phẩm chất tốt đẹp của tâm. Thiền chánh niệm không phải là một công việc được làm do thân hay do đề mục
[1] (hay đối tượng hay biết của tâm, là những gì đang xảy ra, những gì đang được tâm quan sát. Xem thêm ở chương
Đề mục là gì?)
.
________________________
Đề mục không hành thiền, mà là tâm
đang hành thiền. Chính vì vậy mà thiền tập
được gọi là “công việc của tâm”, và chính vì vậy
mà bạn cần phải hiểu biết về tâm mình.
_______________________
Làm sao biết có tâm?
Bạn có biết mình có tâm hay không? Làm sao biết mình có tâm? Bạn có thể thấy hay quan sát được tâm thông qua sự làm việc hay hoạt động của nó như nhận biết, suy nghĩ, kinh nghiệm
[2], cảm nhận, ham muốn, tập trung chú tâm… Bây giờ bạn hãy chắp hai tay vào nhau và nhìn vào đôi bàn tay của mình. Bạn biết hai tay mình đang chạm nhau đúng không? Làm sao bạn biết được cảm giác xúc chạm ấy? Tâm làm gì để bạn có thể biết được điều ấy? Bạn biết bởi vì tâm đang hay biết và đang hướng sự chú ý vào nó.
Bạn có biết rằng tâm mình đang nhận biết và đang chú ý không? Bạn có biết tay mình chắp trong khi tâm đang mải suy nghĩ chuyện khác không? Không. Vì vậy bạn có thể thấy được điều đó không chỉ vì tay bạn đang chắp lại mà còn bởi tâm mình đang chú ý, và chánh niệm là một phần của sự chú ý đó.
Bạn có thể chuyển sự chú ý của mình từ bàn tay xuống chân được không? Được, đúng không. Sự chuyển hướng chú ý này thực ra chính là tâm đang hoạt động. Chính là tâm đang chú ý. Nếu bạn biết rằng mình đang chú ý vào một cái gì đó, lúc đó bạn cũng nhận biết được tâm của mình. Không cần phải đi tìm kiếm tâm ở đâu cả, bởi vì ít nhiều ai cũng nhận biết được nó. Hay biết, suy nghĩ, dự tính, ý định…đều là những hoạt động của tâm cả. Mới đầu thì không dễ nhận ra tâm như các đề mục khác, bởi vì sự thiếu hiểu biết thế nào là tâm.
Kiên trì bền bỉ
Chúng ta cần loại cố gắng nào khi hành thiền? Đến bây giờ rất nhiều người mới chỉ biết có một loại cố gắng, đó là loại cố gắng cưỡng ép, tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên khi sự cố gắng được thúc đẩy bởi động lực của phiền não như tham (lobha), sân (dosa) hoặc si (moha) thì đó lại là tà tinh tấn. Loại tinh tấn này chỉ càng nuôi lớn thêm phiền não trong quá trình cố gắng mà thôi.
Vậy thì phải hành thiền thế nào đây? Chúng ta phải sử dụng loại nỗ lực thiện (kusala) và loại cố gắng đúng đắn của nhẫn nại và kiên trì. Chánh niệm (sati) cần phải cân bằng. Sự tự tin vào chính mình và đức tin (saddhā) vào pháp hành cần phải cân bằng. Tinh tấn (viriya) cũng cần phải cân bằng. Những căn này, cùng với định (samādhi, sự ổn định của nội tâm) và tuệ (paññā) tạo thành ngũ căn (indriya) làm việc cùng với nhau trong thiền.
________________________
Tuệ giác không có cơ hội xuất hiện khi chúng ta quá chú tâm vào một đề mục mà không quán sát, tìm hiểu những gì đang diễn ra trong hiện tại
(trạch pháp-dhamma vicaya)
_______________________
Chúng ta không thể nói là mình hành thiền vipassanā khi chỉ làm mỗi việc là chú tâm tập trung vào đề mục, bởi vì thiền vipassanā là tập học hiểu về tiến trình thân và tâm của chính mình (danh-sắc, nāma-rūpa).
Ai đang hành thiền?
Bạn không hành thiền, mà chính những quan kiến nằm sâu trong tâm bạn đang hành thiền. Nếu những quan kiến bên trong này sai lầm, thì toàn bộ tiến trình thiền tập của bạn cũng sai đường lạc lối. Chỉ khi tâm thiền (cái tâm biết tâm quan sát) có quan kiến đúng đắn, thái độ đúng đắn và hiểu biết đúng đắn thì bạn mới thực hành đúng được.
Những thông tin trong cuốn sách này, những buổi trình pháp và pháp đàm, những lời nhắc nhở chỉ có mục đích là cung cấp cho chúng ta thông tin đúng. Rồi sau đó chúng ta sử dụng những thông tin đã được học, nghe và hiểu ấy, cộng với vận dụng trí thông minh (cũng là một loại trí tuệ) trong quá trình thực hành để phát triển trí tuệ.
Chúng ta cần có chánh kiến và chánh tư duy. Chúng ta cũng cần có sự thẩm sát, hay trạch pháp, là sự quán xét các hiện tượng của thân tâm và tìm hiểu xem cách thức thực hành và quan sát của mình như thế nào. Điều quan trọng ở đây là sự cần thiết phải có trí tuệ đi cùng với chánh niệm để tuệ giác thu được từ kinh nghiệm trực tiếp có cơ hội khởi sanh.
Tâm thiền, cái tâm hay biết hay là tâm quan sát cần phải là một cái tâm “thuận pháp”, một cái tâm thiện. Chúng ta chỉ thực hành đúng khi thực hành với một cái tâm thiện. Chúng ta không thể nói mình thực hành đúng khi để tham, sân hay si hoạt động trong tâm thiền.
________________________
Khi thực hành với mong cầu là thực hành với tâm tham. Khi thực hành với tâm bất mãn hay không hài lòng là thực hành với tâm sân. Khi không thực sự hiểu mình đang làm gì là thực hành với tâm si.
_______________________
Một phần công việc thiền tập là bắt đầu nhận diện những xu hướng tâm bất thiện mỗi khi nó sanh khởi. Khi có những động lực này trong tâm thì chúng ta không thể cố thực hành được. Chúng ta phải nhận diện khi nào có xu hướng tâm sai hay bất thiện, và khi nào có xu hướng tâm đúng hay thiện, cùng với những hậu quả tương ứng của nó. Điều đó có nghĩa là học hiểu thế nào là thiện và thế nào là bất thiện. Để làm được điều này, chúng ta phải sử dụng những kiến thức lý thuyết đã có, cộng với sự thông minh và trí tuệ trong lúc thực hành để nhận diện phiền não mỗi khi chúng có mặt trong tâm. Chúng ta cũng phải biết trân trọng tiến trình học hỏi này.
Đề mục là gì?
Chúng ta thường sử dụng từ “đề mục” (hay đối tượng nhận biết). Đề mục là gì? Đề mục là những gì chúng ta đang kinh nghiệm, đang quan sát, những gì đang được tâm nhận biết. Luôn luôn có một cái gì đó đang diễn ra, vì vậy chẳng bao giờ thiếu đề mục cả. Tất cả chúng đang diễn ra (hay đang sanh khởi) đúng như bản chất của chúng. Trong thiền chánh niệm, chúng ta không kiểm soát các kinh nghiệm. Chúng ta quan sát mỗi khi có cái gì đó diễn ra hay nảy sinh, tâm bị hút về phía đó, và chúng ta quan sát tiến trình ấy. Bản chất của đề mục cần phải được tâm hay biết, cảm nhận và kinh nghiệm.
________________________
Trong bất cứ khoảnh khắc nào cũng có vô số đề mục đến qua 6 cửa giác quan mà tâm có thể nhận biết.
_______________________
Có bao nhiêu cửa giác quan? Có 6 cửa giác quan
[3]. Cách chúng ta quan sát đề mục qua 6 cửa giác quan chính là tâm đang làm việc. Trong khi cần phải hiểu biết về đề mục, thì chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng thiền không phải là công việc của đề mục. Thiền là công việc của tâm. Chính vì vậy để hành thiền tốt, điều quan trọng là phải hiểu biết về tâm, gồm cả cách nó quan sát, cách nó làm việc và những thái độ đằng sau của nó nữa. Chúng ta đang hành thiền với thể loại tâm nào đây?
Khi chú tâm tập trung vào đề mục, chúng ta không thể thấy được sự hoạt động của tâm. Khi nhìn đồ vật qua cặp kính mà mình đang đeo, chúng ta có thể sẽ không nhận thấy rằng mình đang đeo kính. Cũng giống vậy, nếu quá tập trung vào đề mục chúng ta sẽ không thể thấy được tâm, không thấy được nó đang làm gì, đang hoạt động như thế nào. Nếu không quá chú ý nhìn đồ vật, thì ít nhất chúng ta cũng còn biết được rằng mình đang đeo kính. Đó là cách tâm mình làm việc.
Chính vì vậy tôi thường cảnh báo các bạn chớ nên tập trung chú tâm nếu mục đích của mình là nắm bắt được toàn cảnh và hiểu biết về bản chất của tâm và đề mục. Khi thực hành, sự khác biệt giữa cái bạn đang quan sát và cách bạn quan sát (hành động quan sát) sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nói cách khác hiểu biết của bạn về tâm mình và về đề mục sẽ trở nên rõ ràng hơn. Bạn sẽ tự mình nhận ra rằng: “Ô, đây là đề mục và đây là tâm”, và rằng bản chất của chúng là khác nhau. Bạn sẽ thấy ra điều này khi thực hành. Tôi chỉ giải thích cho bạn để bạn có thông tin trợ giúp khi bắt tay vào thực hành.
Hãy suy nghĩ kỹ đến những điều này: bạn có còn hành thiền chánh niệm khi chỉ ngồi và chú tâm vào một đề mục không? Khi chú ý vào một cái gì đó thì đấy có phải là thiền chánh niệm hay không? Không, đó chỉ là tập trung chú tâm vào một đề mục mà thôi. Thế nếu bạn chỉ thuần hay biết thì đó là gì? Còn nếu tâm thiền đầy những trạng thái tâm bất thiện thì đó là gì?
Chẳng hạn khi bạn đang quan sát, đang hay biết và chánh niệm: cái gì là đề mục (thân hoặc tâm) và cái gì là tâm, hay nói cách khác, cái gì là cái bị quan sát và cái gì là cái đang quan sát. Bạn có nên quán xét điều đó hay không? Một thiền sinh chỉ muốn quan sát đề mục thì có thể quán xét được như vậy hay không? Một thiền sinh chỉ biết bằng lòng với một trạng thái tâm bình an thì có thể thu được tuệ giác về bản chất của thân tâm mình hay không? Không. Họ chỉ bám víu vào trạng thái bình an ấy và cố gắng để ở trong đó lâu hơn mà thôi. Khi đó không thể có cơ hội cho trí tuệ sanh khởi.
________________________
Trong thiền chánh niệm, chúng ta không cần làm việc với đề mục hay những gì chúng ta quan sát. Chúng ta chỉ có thể và chỉ cần chú ý đến cách thức mình quan sát đề mục như thế nào mà thôi.
_______________________
Chúng ta làm điều này bằng cách đầu tiên là nhận biết tâm mình đã sẵn sàng quan sát như thế nào. Nó bất an hay bình lặng? Có loại trí tuệ nào đó đang hiện diện hay không? (các loại trí tuệ khác nhau: văn tuệ - sutamayā paññā, tư tuệ - cintāmayā paññā, và tu tuệ - bhāvanāmayā paññā. Xem thêm trong mục Chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ). Bạn không cần phải thay đổi cách thức tâm quan sát. Bạn chỉ cần ghi nhận cách nó đang quan sát ra sao và hậu quả của cách quan sát ấy như thế nào.
Qua thời gian, chúng ta sẽ nhận ra được những mối quan hệ nhân quả khác nhau. Khi bạn đã quan sát lại nhiều lần và thấy rõ những kịch bản khác nhau ấy, bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn cách thức những suy nghĩ và trạng thái tâm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của bạn đối với cái mình đang quan sát như thế nào.
Bắt đầu với bất cứ đề mục nào
Hãy bắt đầu bằng cách chánh niệm về bất cứ một đề mục nào. Trong khi duy trì chánh niệm, hãy thường xuyên kiểm tra lại tâm mình. Tâm đang chánh niệm về cái gì? Khi chánh niệm tâm có thoải mái hay không? Tâm có thư giãn không? Thái độ của tâm như thế nào? Hãy thường xuyên kiểm tra. Hãy cẩn thận đừng để mình chỉ chú tâm vào đề mục.
Khi đi kinh hành, hãy kiểm tra xem tâm nôn nóng hay thư giãn. Có khó để biết được điều đó không? Không! Bạn chỉ cần kiểm tra lại tâm mình thôi, đúng không. Có quá khó để biết tâm mình không? Đến đây thì không khó để nhận biết những trạng thái tâm rõ và những hoạt động của tâm. Xin đừng đi tìm kiếm những thứ vi tế vội. Tâm đang như thế nào? Nó đang bình an, thanh thản hay căng thẳng? Nó có mệt mỏi không? Bạn có thể biết được điều đó chứ, đúng không. Hãy quan sát tâm mình. Cái gì đang diễn ra bây giờ? Bạn có thể kiểm tra để biết xem:
∎ Bạn đang chánh niệm với thể loại tâm gì?
∎Khi chánh niệm đề mục này, tâm mình cảm thấy ra sao?
Hãy cố gắng quan sát mối quan hệ giữa tâm và đề mục như thế. Điều quan trọng là phải ý thức về những mối liên quan và liên hệ nhân quả kiểu như vậy trong quá trình thực hành.
Sử dụng bất cứ đề mục nào sẵn có để phát triển chánh niệm
Cái nào tốt hơn: quan sát hơi thở hay quan sát phồng xẹp (của thành bụng)? Chẳng có cái nào tốt hơn cái nào cả. Chúng đều như nhau tất! Bạn không nên thích cái này hơn cái kia. Nếu làm như vậy là bạn đã bị dính mắc vào một đề mục.
Đề mục ở lỗ mũi là một đề mục. Đề mục ở thành bụng là một đề mục. Âm thanh là một đề mục. Nóng là một đề mục. Trong thiền vipassanā, mắt là một cửa giác quan và mũi là một cửa giác quan khác. Bạn có thể chánh niệm về bất cứ đề mục nào được không? Bạn có thể bắt đầu chánh niệm về tiếng động được không? Bạn có phải đi tìm tiếng động không? Nó luôn có sẵn ở đó đấy chứ, đúng không. Bạn có thể nhận biết rằng tiếng động đang có mặt. Hãy nhìn bất cứ đề mục nào có sẵn. Không cần phải đi tìm kiếm những đề mục vi tế.
________________________
Thiền vipassanā sử dụng bất cứ đề mục nào[4]
để phát triển chánh niệm (sati),
định tâm (samādhi) và trí tuệ (paññā).
_______________________
Một thiền sinh với chánh niệm+trí tuệ sẽ sử dụng bất cứ đề mục nào để phát triển niệm, định và tuệ chứ không phải để tăng trưởng tham, sân hay si. Tâm sẽ tăng trưởng sức mạnh nếu bạn thực hành một cách thư giãn, thoải mái và bền bỉ liên tục. Nên nhớ đề mục không quan trọng, quan sát với thái độ đúng đắn quan trọng hơn.
Tâm phải luôn tỉnh thức và hứng thú
Thực hành Pháp là một công việc của tâm, điều đó có nghĩa là tâm phải có chánh niệm (sự hay biết). Tâm cũng phải tỉnh thức và có hứng thú tự tìm hiểu chính mình. Nhưng bởi vì xu hướng thói quen của chúng ta là cứ hướng sự chú ý ra bên ngoài nên chúng ta thường xuyên quên kiểm tra lại chính mình. Chính vì vậy chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình và tự nhắc nhở bản thân mình để duy trì chánh niệm.
Quán tính chánh niệm đến từ việc thực hành liên tục từng giây phút. Chúng ta mong muốn chánh niệm liên tục không gián đoạn để cuối cùng sẽ có được đà quán tính tự nhiên của chánh niệm. Dùng hình ảnh ví dụ, chúng ta không muốn loại lửa rơm chóng tàn, mà muốn có được ngọn lửa lâu bền như lửa than, lửa củi.
Thời gian nào là tốt nhất để hành thiền?
Nhiều thiền sinh có suy nghĩ rằng thiền của họ bắt đầu khi nghe tiếng chuông đánh thức vào buổi sáng. Không phải như thế! Tiếng chuông chỉ là để nhắc nhở bạn. Thời gian thích hợp để hành thiền là từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng cho đến khi lên giường đi ngủ. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy tự kiểm tra lại mình. Tâm có sáng suốt không? Có cảm thấy tươi mới không? Còn buồn ngủ không? Có khi bạn thức dậy nhưng vẫn còn muốn ngủ nữa. Có khó để biết không? Có thể biết được tất cả những điều ấy không? Bạn chỉ phải làm mỗi việc là tự hỏi chính mình.
Bạn thực hành là để hiểu biết thân tâm mình. Hãy để những gì đến thì đến; chẳng quan trọng. Công việc của tâm là hay biết và ghi nhận, điều đó có thể làm trong bất cứ tư thế nào, bất cứ công việc gì. Chỉ mỗi việc ngồi thu lu trên tọa cụ đâu phải đã là hành thiền. Một số người ngồi ngủ gật, có người thì ngồi mơ mộng đâu đâu. Đó có phải là hành thiền không?
Chờ đợi và quan sát với trí thông minh
________________________
Trong pháp hành này, chúng ta không tập trung chú tâm, không kiểm soát, không cố gắng quá mức, không hạn chế hay can thiệp. Tất cả những hành động đó đều có động lực từ các phiền não như tham, sân, si.
_______________________
Chúng ta thường hay sử dụng rất nhiều cố gắng sai đường (tà tinh tấn) để có được những thứ mình muốn hoặc bỏ rất nhiều công sức để tống khứ những gì mình không ưa. Chúng ta cũng thường làm nhiều việc một cách mù quáng trong khi chẳng biết chắc mình cần phải làm gì.
Với pháp hành này, chúng ta chỉ cần chờ đợi và quan sát với trí thông minh. Khi ngồi thiền bạn có thể hay biết được những gì một cách tự nhiên? Bạn không phải tập trung tâm hay nhìn vào một đề mục đặc biệt nào cả. Bạn chỉ hay biết và tự quan sát chính mình:
∎ Bạn có biết mình đang ngồi đây hay không?
∎ Cái gì đang diễn ra trong thân của bạn?
∎ Bạn có thể biết được những gì một cách tự nhiên? Bụng phồng, xẹp, nóng bức, tiếng động…
∎ Bạn có nhận biết được hai bàn tay mình đang chạm vào nhau không?
∎ Cánh tay bạn có mỏi không?
Bạn cần bao nhiêu sức lực để biết mình đang nhìn, đang nghe, cảm nhận cảm giác nóng, lạnh, cảm giác xúc chạm hay sự mệt mỏi? Bạn có cần phải tập trung chú tâm mới cảm nhận được những điều ấy không? Đơn giản hay biết như vậy có mệt mỏi hay khó lắm không? Bạn xem, quan sát như vậy có dễ không? Cứ thực hành như vậy cả ngày đâu có mệt mỏi gì!
Hãy tự hỏi xem mình có hay biết không và rồi mới bắt đầu ngồi thiền hoặc đi kinh hành. Bản chất của tâm là nhận biết đề mục nó muốn một cách tự nhiên và nó sẽ hay biết nhiều ít tùy theo khả năng của nó. Thường xuyên tự kiểm tra mình khi ngồi thiền, đi kinh hành, khi ăn, khi sinh hoạt. Tâm biết những gì nó muốn biết, đúng không? “Cái biết tự nhiên” này rất dễ đối với bạn. Còn cứ phải cố đi tìm đề mục mình thích sẽ làm bạn mất rất nhiều năng lượng.
Chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ
________________________
Nên nhớ, chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ!
Cần phải có cả trí tuệ hiện diện cùng chánh niệm.
_______________________
Trí tuệ ấy từ đâu mà có? Có ba loại trí tuệ: sutamayā paññā (văn tuệ), cintāmayā paññā (tư tuệ), bhāvanāmayā paññā (tu tuệ). Sutamayā paññā (văn tuệ) là thông tin bạn thu được từ sách vở, nghe thuyết pháp hay trình pháp với thiền sư. Cintāmayā paññā (tư tuệ) là trí thông minh hay hiểu biết thu được từ tư duy, lý luận hoặc những phân tích tri thức. Bhāvanāmayā paññā (tu tuệ) là tuệ giác hay trí tuệ thu được từ kinh nghiệm trực tiếp. Nói ngắn gọn, chúng ta gọi chúng là thông tin, trí thông minh và tuệ giác. Trong cuốn sách này, chúng ta có thể gọi bất cứ loại nào trong ba loại đó là trí tuệ, hoặc đôi chỗ gọi cụ thể là thông tin, trí thông minh và tuệ giác.
Bạn có thể làm việc về một vấn đề nào đó mà chẳng biết tý gì về nó được không? Bạn chỉ có thể làm việc được khi có thông tin đúng về nó. Vậy thì làm thế nào để thực hành đúng? Trước khi thực hành, bạn phải có được thông tin hoàn chỉnh và chính xác để khi thực hành, trí tuệ ở dạng thông tin và trí thông minh mới có mặt cùng với chánh niệm. Bạn cần phải có thông tin đúng và thái độ đúng làm nền tảng trí tuệ để thực hành đúng. Đức Phật gọi đó là chánh niệm và tỉnh giác (sati-sampajaññā).
Có thông tin đúng bạn sẽ không gặp phải những khó khăn do sử dụng thông tin sai. Thông tin đúng thu được từ việc nghe Pháp, hỏi đạo và đàm luận Pháp. Tôi cung cấp thông tin, và bạn là thiền sinh, sẽ sử dụng thông tin ấy cộng với trí thông minh của bạn khi thực hành. Tuệ giác sẽ sanh khởi khi nhân duyên đã hội đủ.
Hãy tư duy khi thực hành
Vậy, bạn nên nghĩ hay không nên nghĩ khi thực hành thiền? Bạn cần phải cảnh giác đối với những loại suy nghĩ khiến cho tham, sân, si tăng trưởng. Khi nói không nên suy nghĩ khi hành thiền là muốn nói đến loại suy nghĩ bị thúc đẩy bởi phiền não. Tất nhiên bạn không thể ngăn chặn được những suy nghĩ sinh khởi một cách tự nhiên trong tâm, nhưng bạn không được giúp cho những suy nghĩ phiền não ấy ngày càng lớn lên.
________________________
Bạn không phải chặn đứng tất cả mọi loại suy nghĩ!
Bạn nên nghĩ về Pháp mà bạn đã được nghe, những thông tin đã được đọc ở đây, nghĩ về công việc bạn đang làm (việc tu tập) và quán xét xem mình đang thực hành như thế nào. Loại suy nghĩ này sẽ khiến trí tuệ thêm tăng trưởng.
_______________________
Thông tin tôi cung cấp cho bạn ở đây sẽ làm việc ở trong tâm khi bạn thực hành, và bạn sử dụng lý thuyết cộng với trí thông minh của mình để tu tập một cách sáng tạo trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tận dụng những phẩm chất tâm tốt (như chánh niệm, tinh tấn, trí tuệ) và vận dụng trí thông minh là công việc của thiền chánh niệm.
Hỏi: Có đề mục và có cả tâm quan sát ở đó. Vậy cái nào quan trọng hơn?
Đáp: Tâm quan sát quan trọng hơn.
Nếu muốn hiểu sự thật, bạn cần phải chú ý đến tâm quan sát. Trí tuệ có thể sanh khởi khi mà trong tâm bạn còn có mặt tham, sân, si được không? Bạn đang thực hành với thái độ như thế nào? Hãy thường xuyên kiểm tra lại thái độ của mình. Đừng có dính mắc vào các kinh nghiệm. Chúng sanh lên theo bản chất tự nhiên của chúng và chỉ có tác dụng để cho mình giữ chánh niệm mà thôi.
Một thiền sinh trí tuệ sẽ sử dụng các đề mục đến với mình qua 6 cửa giác quan để phát triển sự ổn định nội tâm, chánh niệm và trí tuệ. Đối với những thiền sinh chưa tới mức độ trưởng thành (về mặt tâm linh) như thế, cũng vẫn những đề mục ấy nhưng chúng sẽ chỉ làm tăng thêm tham, sân và si thôi.
Hỏi: Đề mục nào tốt hơn, hơi thở ở lỗ mũi hay phồng xẹp của bụng?
Đáp: Chẳng cái nào tốt hơn cái nào cả. Một đề mục này chẳng tốt hơn một đề mục khác. Đề mục chỉ là đề mục. Nếu bạn cho đề mục này tốt hơn đề mục khác, một cách tự nhiên bạn sẽ bị dính mắc vào nó. Về sau, khi không thể chú tâm đến đề mục ưa thích ấy, bạn sẽ thấy rằng mình không thể hành thiền được nữa.
Tâm tham chắc chắn sẽ sanh khởi khi bạn lựa chọn đề mục mình ưa thích. Tâm sân sẽ sanh khởi khi bạn không tìm thấy được đề mục mình chọn ấy nữa. Tin rằng một đề mục nào đó là “tốt”, nhất định đó là tâm si đang hoạt động.
Vậy thì, nhiệm vụ của bạn là phát triển đề mục hay phát triển chánh niệm? Đề mục vốn luôn có sẵn ở đó theo đúng bản chất tự nhiên của nó; công việc của bạn là phát triển chánh niệm. Bạn không cố thay đổi những gì đang diễn ra mà phải làm việc để củng cố và nâng cao cái tâm còn yếu chánh niệm của mình. Bây giờ đây, nó còn thiếu sự ổn định nội tâm, trí tuệ còn non nớt, tinh tấn còn yếu ớt và đức tin còn thiếu. Thiền là công việc củng cố và phát triển các căn tín (saddhā), tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi), tuệ (pāññā).
Hay biết bất cứ cái gì đang diễn ra
Hiểu được cái gì là vô ích khác xa việc suy nghĩ hoặc đánh giá cái gì đó là “không tốt”. Nếu tâm gán cho cái gì đó là tốt thì tâm tham đã sẵn sàng ngay lập tức. Bất cứ một đề mục nào sanh khởi, thì ngay tại đó đã có tâm si đợi sẵn rồi. Tâm si che án những đặc tướng tự nhiên của đề mục (nhưng không che án bản thân đề mục) và gán cho nó cái nhãn là “tốt” hoặc “xấu”. Tâm tham (lobha) và sân (dosa) liền làm công việc của nó là nắm giữ hoặc chối bỏ. Vậy thì làm sao chúng ta hành thiền được đây? Thiền là việc nhận biết các dạng tồn tại của tham, sân, si từ thô rõ đến tế vi, và tất cả họ hàng của chúng đang có ở trong tâm khi tâm quan sát đề mục.
________________________
Trong pháp hành này, chúng ta tập hay biết bất cứ những gì đang diễn ra. Thay vì cố gắng làm cho tâm tĩnh lặng, chúng ta chỉ cần nhận biết và quan sát sự bất an với một thái độ đúng đắn.
_______________________
Bởi vì chúng ta muốn học hiểu về bản chất của tâm và của đề mục quan sát, chúng ta không cố gắng làm cho tâm phải tĩnh lặng hay cố gắng loại bỏ đề mục (đối tượng nhận biết của tâm). Chúng ta không can thiệp, không kiểm soát mà quan sát, bởi vì chúng ta muốn hiểu tâm và đề mục trong trạng thái tự nhiên, như chúng đang diễn ra. Đó chính là chánh kiến.
Vì vậy, chúng ta cũng không cố gắng loại bỏ tâm sân khi tâm sân sanh khởi. Khi chúng ta cố gắng xua đuổi nó, nó lại càng sân hơn. Sân luôn mang tính tiêu cực, có đặc tính là đẩy đuổi cái gì đó đi. Chúng ta quan sát tâm sân bởi vì muốn hiểu bản chất thực sự của nó. Đó mới là ý nghĩa của thiền.
Tìm hiểu mọi thứ đang diễn ra
Nếu mục đích của chúng ta là để hiểu biết, thì chúng ta cần hiểu bản chất của càng nhiều đối tượng nhận biết của tâm (đề mục) càng tốt, các tiến trình thân và tâm làm việc ra sao, và những mối quan hệ nhân quả như thế nào.
________________________
Chỉ hiểu được một khía cạnh của kinh nghiệm sẽ không thể dẫn đến bất cứ tuệ giác nào. Dữ liệu chưa hoàn chỉnh và trí tuệ còn non yếu.
_______________________
Điều quan trọng là phải nghiên cứu, tìm hiểu mọi thứ đang diễn ra và có khả năng hay biết được tất cả mọi đề mục. Do đó, chúng ta làm việc với bất cứ đề mục nào sanh khởi; không cần phải tạo ra một kinh nghiệm nào hay giữ khư khư chánh niệm trên một đề mục nhất định nào đó. Chúng ta cần sử dụng trí tuệ cùng với chánh niệm để học hiểu về bất cứ cái gì đang diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại. Chỉ khi đó thì tầm nhìn của chúng ta mới được rộng mở, trí tuệ mới phát triển. Chúng ta cần rất nhiều thông tin (đôi khi được gọi là dữ liệu) để điều này diễn ra.
Hãy cảnh giác với tâm tham có thể sanh khởi một cách vi tế dưới dạng dính mắc với hoặc chống đối lại đề mục. Hãy lùi lại đằng sau một chút và quan sát, sử dụng tâm quán chiếu, tìm hiểu với thái độ đúng đắn ở đằng sau. Hãy tự hỏi mình các câu hỏi như: Cái gì đang diễn ra? Sự việc đang diễn ra tốt hay xấu? Có thực sự là tốt hay xấu thật không? Nó đúng hay sai? Tại sao nó lại diễn ra như vậy? Bởi vì bạn muốn hiểu nhưng gì đang diễn ra, bạn mới quan sát và tìm hiểu với trí thông minh. Ước muốn hiểu biết đã có sẵn ở đó trong tâm. Tâm quan sát với thái độ đúng đắn và sự nghiên cứu, tìm hiểu (trạch pháp) cần phải có mặt. Giờ đây bạn đã hiểu được thêm đôi chút sự khác biệt giữa tập trung chú tâm và thái độ chờ đợi, quan sát bằng trí tuệ.
Ngũ căn (indriya)
Chánh niệm (sati), sự vững vàng và ổn định nội tâm (samādhi – định), sự tinh tấn hay nỗ lực với “trí tuệ” (viriya), đức tin (saddhā) và trí tuệ (paññā) là năm căn, hay năm năng lực tâm linh, làm việc cùng với nhau trong quá trình thiền tập. Thiền chánh niệm là công việc nuôi dưỡng và phát triển năm căn này để chúng làm việc một cách cân bằng với nhau.
Niệm (sati)
Niệm có nghĩa là không quên. Niệm có nghĩa là ghi nhớ. Không quên cái gì? Không quên những gì chân chánh và thiện lành. Nó cũng có nghĩa là không quên thái độ đúng đắn và đề mục đúng đắn. Chánh niệm không có nghĩa là chúng ta tạo ra chánh niệm từ chỗ trước kia không có. Sati là không quên, sati không phải là sự cố gắng tập trung chú tâm đầy cưỡng ép.
________________________
Đề mục đúng đắn đối với bạn là kinh nghiệm[5]
thân và tâm của chính bạn
_______________________
Chỉ có bản chất của thân và bản chất của tâm. Tất cả đều có ở đó. Nếu bạn không quên, bạn có chánh niệm. Nếu bạn hay biết những gì đang diễn ra, bạn cũng đang có chánh niệm. Vậy bạn làm gì để có chánh niệm? Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ phải mang chánh niệm quay trở lại một đề mục nào đó với suy nghĩ “Ồ, chánh niệm của tôi chạy đi đâu mất tiêu rồi, tôi phải đưa chánh niệm trở lại thôi”. Thực hành theo cách đó thật là mệt mỏi.
Tôi sẽ cho các bạn một cách đơn giản hơn và thư giãn hơn: tự nhắc chính mình. Khi bạn cố gắng có chánh niệm trở lại, có thể bạn đã chú tâm tập trung vào một đề mục nào đó. Tâm suy nghĩ sai lầm giờ đây cố gắng chú tâm vào một đề mục. Điều đó cần sức lực để tập trung. Còn khi bạn tự nhắc mình, thì ngay khi đó tâm đã trở về trên thân và tâm của mình rồi và chánh niệm tự động có mặt ở đó. Nếu bạn không tin, hãy tự hỏi mình xem: “Cái gì đang diễn ra trong tâm bây giờ?”. Bạn sẽ nhận biết được một điều gì đó. Cái gì đang diễn ra trong tâm bây giờ? Nó có bình an không? Có bất an không? Có thất vọng, bất mãn không? Cái gì đang diễn ra? Bạn sẽ thấy mình có thể nói được ngay cái gì đang diễn ra trong tâm của mình, dù rằng chỉ rất là thô, rất là sơ lược. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn nghĩ về tâm của mình, chánh niệm liền quay về tâm. Đó chính là ý nghĩa của chánh niệm.
Quay tâm vào bên trong
Tâm chúng ta quen hướng ra bên ngoài. Chúng ta luôn chú ý đến những gì xảy ra ở bên ngoài, nhất là qua con mắt.
Thiền chánh niệm quay tâm vào bên trong. Vậy làm sao tâm quay vào bên trong được? Bạn chỉ cần nghĩ đến việc hướng tâm tới những gì đang diễn ra ở 6 cửa giác quan thì tâm đã quay sự chú ý vào bên trong rồi. Bản chất của tâm là lấy ngay những gì nó nghĩ đến làm đề mục. Khi bạn nghĩ đến những gì đang diễn ra trên tay, tâm có chạy thẳng đến tay bạn không? Nếu bạn hỏi: “Có cái gì đang diễn ra trên đầu tôi ấy nhỉ?”, tâm bạn đã ngay lập tức ở trên đầu rồi. Bạn cần bao nhiêu sự tập trung để làm điều đó?
Một cách khác để quay tâm vào bên trong là tập nhận biết rằng tâm đang chú ý đến những việc bên ngoài. Rồi sau đó để tâm lui lại đằng sau và nghĩ đến những gì đang diễn ra trong thân và tâm mình. Sự chú ý của tâm mình sẽ quay lại ngay với thân tâm. Mới đầu thì sẽ dễ nhận biết được thân mình hơn bởi vì nó rất rõ, nhưng với sự thực hành, tâm cũng trở nên dễ nhận biết. Tôi chú ý nhiều hơn đến cái tâm đang hoạt động hoặc tâm quan sát.
Thiền bắt đầu ngay từ khi bạn thức dậy
________________________
Thiền bắt đầu ngay khi bạn thức dậy,
chứ không phải từ lúc bạn lên thiền đường
hay khi ngồi xuống chiếu thiền.
_______________________
Hãy nghĩ đến bản thân mình ngay từ khoảnh khắc bạn thức giấc. Hãy suy nghĩ khi bạn sống với chánh niệm thì sẽ ra sao. Nếu (
hướng) suy nghĩ đến chính mình, bạn sẽ có chánh niệm
[6]. Tâm đang cảm thấy ra sao? Tâm đang nghĩ gì? Tâm đang ở đâu? Tâm đang làm gì? Hãy sử dụng những thông tin bạn có bây giờ và những gì bạn hiểu biết về bản chất của tâm. Hãy hỏi chính mình những câu hỏi như vậy ngay khi bạn thức dậy. Nếu làm được điều đó, bạn sẽ có thể thực hành ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, đúng không. Tôi bắt đầu thực hành như thế đấy.
Định (samādhi)
Định nghiã là một nội tâm vững vàng và ổn định; định không có nghĩa là tập trung. Chúng ta có cần phải đạt được định tâm bằng cách tập trung không? Chúng ta có được một nội tâm định tĩnh mỗi khi tập trung chú ý vào một đề mục không? Rất nhiều thiền sinh bị đau đầu, cứng gáy vì đã dùng quá nhiều sức và cố gắng sai đường để tập trung vào một đề mục. Nó cũng gây mệt mỏi vì tốn sức cưỡng ép, hậu quả của việc ham muốn hay xua đuổi một điều gì đó.
________________________
Định của thiền vipassanā đến từ chánh kiến, thái độ đúng đắn và chánh tư duy. Ba điều đó cùng với
chánh niệm liên tục sẽ đem đến sự ổn định nội tâm.
Loại định này gọi là định của thiền vipassanā
_______________________
Cuộc sống của chúng ta sẽ rối tung lên nếu chúng ta không biết suy nghĩ một cách hợp lý để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trái lại, chúng ta có thể giữ gìn được nội tâm bình lặng khi suy tính sự việc một cách thông minh. Cũng vậy, khi có chánh kiến, chánh tư duy và thái độ đúng, một nội tâm bình lặng sẽ tăng trưởng. Định tâm không thể phát triển với tà kiến, tà tư duy và thái độ sai lầm.
Hai loại định
Có loại định đến từ việc tập trung tâm hay chú tâm hoàn toàn vào một đề mục, và có loại định được sinh ra từ chánh kiến, chánh tư duy và thái độ đúng. Có hai loại pháp hành tương ứng với hai loại định này: thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā); cái chúng ta thực hành ở đây là thiền minh sát, hay thiền chánh niệm. Biết rõ sự khác biệt giữa hai loại thiền này thì bạn mới bắt đầu nhận ra được việc mình đang làm trong pháp hành.
Trong thiền chỉ, tâm tập trung hoàn toàn vào một đề mục, và bị hút vào nó sau một thời gian thực hành. Sau khi đã tập trung vào đề mục một thời gian dài (theo đúng cách), thiền sinh sẽ đạt được một trạng thái tâm rất bình yên và tĩnh lặng. Tuy nhiên, bởi vì quá gắn chặt vào một đề mục, nên các căn khác (các tiềm năng tâm linh khác) không được sử dụng và tâm không còn hay biết được các đề mục khác mà bình thường nó có thể biết. Không có sự quán chiếu, tìm hiểu các hiện tượng, và cũng chẳng có chánh niệm rộng mở về các tiến trình thân tâm, vì vậy nó chặn đứng cơ hội để trí tuệ phát triển.
Thiền vipassanā là liên hệ tới và hay biết càng nhiều đề mục càng tốt mà không cố gắng tạo ra một kết quả hay một kinh nghiệm nào cả. Bởi vì thiền vipassanā là một quá trình hiểu biết mọi việc như nó đang là, với mục tiêu là để có trí tuệ, nó cần nhận biết về bất cứ đề mục hay tiến trình nào đang diễn ra trong hiện tại. Chánh niệm thu nhận các dữ liệu và khi bức tranh toàn cảnh đã hoàn chỉnh, trí tuệ sẽ khởi sanh. Cái nhìn rộng mở này cho phép chúng ta thấy được nhân quả và các tiến trình thân-tâm từ những góc độ khác nhau, và tạo cơ hội cho trí tuệ trưởng thành.
Trong thiền vipassanā, thay vì chỉ chú tâm tới một đề mục, chúng ta chú ý đến tâm, đặc biệt là tâm quan sát hay tâm thiền. Chúng ta kiểm tra lại tâm để xem trí tuệ có mặt ở đó hay không, phiền não có mặt ở đó hay không.
________________________
Chúng ta quan tâm tìm hiểu xem tâm thiền có đang hoạt động với tham, sân, si hay bất cứ họ hàng nào của chúng hay không, bởi vì tuệ giác không thể sanh khởi chừng nào các phiền não này còn có mặt ở đó.
_______________________
Vì vậy, khi hành thiền điều rất quan trọng là phải có trí tuệ trong tâm thiền.
Định sanh từ trí tuệ bắt đầu bằng trí tuệ
Hãy xem hai thiền sinh sau: một thiền sinh bị tiếng động làm phiền, một thiền sinh khác coi tiếng động như một đề mục hay chỉ là những hiện tượng tự nhiên. Thiền sinh nào sẽ có định tâm? Thiền sinh ghét tiếng động sẽ bị xáo động hơn mỗi khi nghe tiếng động, và lại càng ghét tiếng động hơn nữa. Thiền sinh kia không ưa cũng chẳng ghét tiếng động sẽ có sự bình an và tĩnh lặng.
Trong thiền vipassanā, tâm bạn học cách không dính mắc vào hay chống đối lại bất cứ đề mục nào. Định sanh từ trí tuệ bắt đầu bằng trí tuệ và đầu tư vào trí tuệ. Bởi có chánh kiến, chánh tư duy và thái độ đúng nên tâm sẽ không phản ứng bằng tham hoặc sân nữa. Không dính mắc mà cũng không chống đối đề mục. Tâm tĩnh lặng và bình an. Bạn cũng cảm thấy nhẹ nhàng, tỉnh thức và tươi mới. Loại định này là một thuộc tính vốn có của trí tuệ và đem đến cơ hội cho trí tuệ sanh khởi.
Tinh tấn (viriya)
Bạn hiểu thế nào về tinh tấn? Tinh tấn là nhẫn nại và kiên trì, bền bỉ. Tôi hiểu tinh tấn như là sự kiên trì, bền bỉ chứ không phải là sử dụng sức mạnh. Xin đừng làm thân tâm mình rã rời mệt mỏi vì cố gắng một cách cưỡng ép khi hành thiền. Hiểu biết không thể phát triển khi thân tâm mình bị mệt mỏi.
Bạn có thể học hỏi được cái gì một cách sâu sắc nếu cứ bắt đầu rồi lại dừng lại nhiều lần không? Bạn sẽ không theo dõi được cả câu chuyện trên TV nếu cứ xem ngắt quãng vài đoạn lại bỏ vài đoạn. Cũng tương tự như thế, chỉ khi chánh niệm liên tục, bạn thấy được cả lúc khởi đầu, đoạn giữa và đoạn cuối thì mới hiểu được bản chất thực sự của danh-sắc (nāma-rūpa). Điều đó đến bởi sự thực hành bền bỉ liên tục, từng phút từng giây.
Hãy bĩnh tĩnh và đừng nóng ruột về điều đó. Hãy thực sự hứng thú. Phải có sự nỗ lực bền bỉ, nhưng không được rán sức thúc ép. Thay vì sử dụng sức lực để tập trung, chúng ta sử dụng trí thông minh và trí tuệ, bằng cách chờ đợi và quan sát. Nếu có trí tuệ, thì ngay đó đã có sẵn chánh tinh tấn.
________________________
Đối với thiền chánh niệm, chúng ta chấp nhận, tìm hiểu, xem xét và nghiên cứu bất cứ những gì đang diễn ra như nó đang là. Chúng ta không can thiệp vào những gì đang diễn ra.
_______________________
Chúng ta không làm cho những thứ mình không muốn phải dừng lại hay biến mất, và cũng không cần phải tạo ra những kinh nghiệm mình mong muốn. Tâm tự làm công việc của nó thông qua những việc như là nhận biết, hay biết, chánh niệm, suy nghĩ về sự thực hành và có hứng thú chẳng hạn. Chúng ta chỉ nhìn và ghi nhận những gì đang diễn ra.
Cái gì đang diễn ra? Tại sao nó diễn ra? Nếu không cần bắt những gì đang diễn ra phải biến mất, hoặc những gì không diễn ra phải xuất hiện, thì chúng ta sử dụng loại năng lượng nào đây?
Tất cả đã có sẵn ở đó, như nó đang là. Bạn chỉ việc mở con mắt trí tuệ của mình ra thôi. Chỉ cần ghi nhận những gì đang diễn ra. Nếu bạn không tìm kiếm một điều gì cụ thể mà chỉ cần ngồi đó với con mắt mở ra, cái nhìn vẫn diễn ra. Bạn có cần phải cố gắng để nhìn, để nghe (thì mới có thể nhìn và nghe được) hay không? Bạn vẫn hay biết mà không phải tập trung vào một cái gì đúng không? Thiền chánh niệm chỉ là nhẹ nhàng và thư giãn như vậy thôi.
Thực hành một cách thư giãn nhưng không ngừng lại
Chúng ta thường sử dụng loại nỗ lực nào trong cuộc sống hàng ngày? Chúng ta thường tự động sử dụng loại động lực chủ yếu được thúc đẩy bởi tham, sân hoặc si. Điều đó đã trở thành thói quen. Tuy nhiên, tinh tấn với trí tuệ biết rằng thực hành chánh niệm là điều lợi ích, vì vậy chúng ta kiên trì và ý thức được động lực thực hành của mình là gì. Chúng ta đang chạy ma-ra-tông. Một vận động viên kinh nghiệm có bao giờ chạy hết sức ngay từ ban đầu không? Không! Anh ta sẽ chạy đều đều, qua mỗi đoạn đường lại lấy thêm chút đà quán tính. Chúng ta cần có được loại đà quán tính của Pháp khởi sanh một cách tự nhiên trong quá trình thực hành này. Nó không phải đà quán tính cưỡng bức.
Hãy thực hành một cách thư giãn, nhưng đừng ngừng lại bao giờ. Ở đây, chúng ta thực hành cả ngày, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Nếu sử dụng quá nhiều năng lượng và sự nỗ lực, liệu chúng ta có thể thực hành như thế được cả ngày không? Chắc chắn là không thể. Chúng ta sẽ kiệt sức và có thể còn rơi vào trầm cảm. Đức tin vào pháp hành sẽ suy giảm. Chính vì vậy nên không được dùng sức một cách ép buộc; chúng ta chỉ dùng sự kiên trì, bền bỉ và không bao giờ bỏ cuộc.
Nên nhớ đây không phải là cuộc chạy đua 100m. Chúng ta cần sử dụng sự cố gắng và sức mạnh của trí tuệ chứ không phải sự cố gắng của tâm tham. Chính vì vậy, hãy làm những gì mình có thể làm, một cách đều đặn, nhưng không bỏ cuộc.
Hỏi: Thiền sinh hành thiền từ lúc nào?
Đáp: Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ.
Công việc này có khó khăn hay mệt mỏi lắm không? Không. Chỉ đừng quên thôi. Luôn tự kiểm tra lại mình, và xem mình đã rót vào đấy bao nhiêu sức. Bạn phải tự mình nhận ra những điều này.
Tín (saddhā)
Tín là lòng tin và tự tin. Bạn cần phải có lòng tin đối với pháp hành và những gì mình đang làm. Tin vào sự thực hành và tin vào chính mình. Hãy có hứng thú với pháp hành và với cách bạn đang thực hành. Điều quan trọng nhất là, niềm tin vào những gì bạn đang làm sẽ tăng trưởng khi bạn hiểu và thấy được lợi ích của công việc mình đang làm.
Đức tin tăng trưởng nhờ thực hành. Khi thực hành bạn tìm thấy sự bình yên hay đau khổ? Bạn sẽ không bao giờ khổ khi thực hành một cách khéo léo, với tâm thiện. Bạn sẽ mệt mỏi và phiền não nếu không khéo hành và thực hành sai. Một khi đã học các thực hành Pháp thì:
-Cả thân và tâm đều an vui.
-Bạn sẽ sạch không còn đau khổ.
-Tuệ giác vipassanā sẽ sanh khởi
-Đạo tuệ (magga-ñāna) và Quả tuệ (phala-ñāna) sẽ sanh khởi
-Tâm hướng về Niết Bàn.
Đó là những điều Đức Phật đã nói trong kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna sutta). Bây giờ bạn đang học cách thực hành thế nào cho đúng. Bạn bắt đầu từ niềm tin vào chính mình và tin vào pháp hành. Đức tin tăng trưởng nhờ thái độ đúng và thực hành đúng. Khi có những tuệ giác mới, một cách tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được đức tin vào Đức Phật, vào Giáo Pháp và Tăng Bảo.
Bạn thực hành để “có được” chân lý hay để biết cách thực hành thế nào cho đúng? Đừng nghĩ đến phần “được” vội.
________________________
Thay vì mong đợi kết quả hay nghĩ về mục đích cuối cùng, hãy có hứng thú với chính những gì mình đang làm, với cách bạn đang tiếp cận tới thiền.
_______________________
Hãy có niềm tin về công việc của mình và học hỏi cách thực hành thế nào cho tốt. Hãy tin ở chính mình. Bạn đã được hưởng lợi ích từ sự thực hành Pháp như thế nào?
Trí thông minh và trí tuệ cũng cần thiết ở đây. Trí thông minh cần phải có để tinh tấn một cách đúng đắn phải đến trước khi có bất cứ tuệ giác vipassanā, đạo tuệ hay quả tuệ nào. Không có sự cố gắng đúng đắn thì có được tuệ giác nào không?
Việc đầu tiên là hãy học cách cố gắng đúng đã.
Giữa thân và tâm, cái nào tinh tấn? Chính là tâm nỗ lực tinh tấn. Liệu bạn có thể thực hành tốt được không nếu không hiểu biết về:
-Tâm mình;
-Không biết tâm đang nghĩ gì;
-Không biết tâm đang đầu tư vào đó bao nhiêu năng lượng;
- Không biết loại suy nghĩ nào đang có mặt;
- Không biết loại thái độ nào đang có mặt;
- Không biết bản chất của tâm mình?
Hãy có hứng thú với công việc của mình
Hãy có hứng thú đối với công việc bạn đang làm. Nhiều thiền sinh gặp phải những kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu trong khi thực hành. Đôi khi họ thiền tốt, lúc khác họ lại không bằng lòng với sự thực hành của mình. Khi tôi hỏi họ tại sao không bằng lòng, họ chẳng biết. Bạn biết vì sao họ không biết không? Bởi vì họ không tìm hiểu và có hứng thú với công việc họ đang làm. Họ không biết tâm mình, không biết mình đang làm gì và tại sao làm!
Khi bạn thấy được mối liên hệ giữa những gì tâm bạn làm và những gì diễn ra, khi đó bạn bắt đầu hiểu được bản chất của nhân-quả. Với hiểu biết đó, niềm tin của bạn sẽ ngày càng lớn mạnh.
Tuệ (paññā)
Paññā là trí tuệ. Điều rất quan trọng là phải có chánh kiến khi thực hành. Chỉ khi nào có mặt một loại trí tuệ nào đó thì phiền não mới không thể lẻn vào trong tâm được. Vì vậy thì ít nhất phải có một loại trí tuệ trong tâm là thông tin (văn tuệ-sutamayā paññā). Đó là những thông tin thu được từ sách vở, nghe Pháp và đàm luận Pháp. Loại trí tuệ khác phải có mặt trong tâm là sự tò mò hay hứng thú, khao khát hiểu biết thực sự. Vì vậy, khi chánh niệm, đừng chánh niệm một cách mù quáng. Hãy chánh niệm một cách thông minh. Sử dụng trí thông minh của bạn là một phần của tư tuệ (cintāmayā paññā).
Một giám đốc doanh nghiệp có thể nào quản lý công việc tốt nếu không hiểu những mảng công việc khác nhau có liên quan với nhau như thế nào không? Anh ta sẽ có những quyết định sai lầm do sử dụng thông tin thiếu đầy đủ. Cũng vậy, chúng ta cần phải có thông tin đầy đủ để trí tuệ phát triển và ra quyết định. Chính vì vậy, trong thiền chánh niệm, tâm cần phải sẵn sàng kết nối với bất cứ đề mục nào và tất cả mọi đề mục. Bức tranh sẽ không hoàn chỉnh nếu chúng ta chỉ nhìn thấy được một phần phiến diện của toàn bộ tiến trình.
Thái độ đúng đắn
Đề mục bạn quan sát là thân tâm và bản chất của thân tâm. Bản chất của các cảm xúc trong tâm, bản chất của tâm, hoạt động của tâm, khuôn nếp và cung cách của tâm, các đặc tính của tâm tất cả nằm ở đó. Bạn có thái độ nào khi quan sát những đề mục cảm xúc, thân và tâm đó?
Nếu bạn quan sát các đề mục thân tâm chỉ như là tự nhiên chứ không phải là “tôi” hay “của tôi”, thì đó là chánh kiến (sammā-ditthi). Khi quan sát bản thân mình, bạn nhìn thấy thân và tâm. Cái gì đang diễn ra trên thân? Những cảm giác nóng, lạnh, cứng, mềm, ngứa ngáy…chẳng lẽ chỉ diễn ra với mình bạn thôi sao? Không. Tất cả mọi người đều cảm nhận như thế. Cảm xúc, hạnh phúc, đau khổ, dễ chịu, thoải mái, những bức xúc trong tâm…đều là những thứ thông thường và diễn ra hàng ngày trong tâm. Bạn có thể nhìn chúng như là của mình không khi tất cả mọi người đều cùng có thể cảm nhận như thế? Chúng là bản chất của pháp, là những quy luật tự nhiên và là đề mục để quan sát. Hãy coi chúng là tự nhiên; không phải đặc biệt riêng bạn mới có.
Hãy nhìn nóng chỉ là nóng, không phải bạn cảm thấy nóng. Tất cả mọi người đều cảm nhận nóng và lạnh, và tất cả mọi người đều có cảm xúc. Điều rất quan trọng là bạn phải có được thái độ đúng này. Bạn chỉ có thể thực hành đúng khi có chánh kiến và thái độ đúng.
Đã khi nào bạn tức giận chưa? Khi bạn tức giận và nghĩ “Tôi đang tức đây” thì điều gì sẽ xảy ra? Cái giận sẽ lại càng tăng.
Sân sẽ tăng nếu bạn sở hữu nó với ý nghĩ: “Đây là cái sân của tôi”. Khi buồn, mọi người nói: “Tôi buồn quá, tôi cảm thấy chán quá!”, thì họ sẽ thực sự bị buồn chán và trầm cảm. Tại sao vậy? Bởi vì cái thái độ và suy nghĩ cho rằng cái buồn đó là cái buồn của họ.
Nếu bạn nhìn cái buồn đó chỉ như một trạng thái tự nhiên của tâm, thì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Cái tâm đang buồn, chứ không phải tâm của tôi buồn. Không phải: “Tôi muốn, tôi bất mãn”. Đó là cái tâm đang bất mãn hay tham muốn. Khi bạn có cái nhìn đúng đắn như thế, phiền não sẽ không thể phát triển mạnh lên. Chính vì vậy, điều đầu tiên là phải có chánh kiến. Niệm đi cùng với chánh kiến được gọi là chánh niệm (sammā-sati). Bạn cần bắt đầu việc thực hành của mình với những thông tin và hiểu biết như thế.
Tâm là một phần của tự nhiên
Tâm là một phần của tự nhiên, không phải tôi, không phải một tự ngã, một con người nào cả. Tâm là một hiện tượng tự nhiên. Chỉ khi nào có quan kiến đúng đắn này thì bạn mới có thể thực sự chánh niệm được. Bạn thực hành chánh niệm để tìm hiểu ra bản chất tự nhiên này. Mới đầu chưa thể nhận ra hay hiểu biết thực sự về chánh kiến này, bạn vẫn có thể nhìn tất cả những gì diễn ra bằng cái nhìn đúng đắn như vậy. Bạn vẫn có thể suy nghĩ bằng những thông tin đã có.
Tại sao bạn thực hành chánh niệm? Bởi vì bạn muốn hiểu chân lý, sự thật của tất cả mọi thứ; chính vì vậy bạn mới duy trì chánh niệm. Đừng quên mục đích này.
Đau đớn và khó chịu
Bạn làm gì khi có những cảm giác đau nhức hay mệt mỏi lúc ngồi thiền? Bạn quan sát cái đau như thế nào? Nếu bạn quan sát trực tiếp cái đau, nó sẽ còn đau hơn. Tại sao? Có ai thích đau không? Cái gì xảy ra trong tâm khi đau? Tâm sân sanh khởi! Chính vì vậy khi bị đau, đừng tiếp tục quan sát cái đau nữa. Đừng vội nhìn ngay vào các cảm giác khi bạn cảm thấy ngứa ngáy, đau nhức, tê mỏi hoặc cảm giác như kim châm, nóng bức hoặc những cảm giác khó chịu khác. Những cảm giác này sẽ trở nên không thể chịu đựng nổi nếu bạn cứ tiếp tục quan sát chúng với thái độ sai.
Vậy trước tiên bạn phải làm gì? Trước hết bạn cần phải có thái độ đúng đắn.
Hãy ghi nhận cái đau chỉ như một hiện tượng tự nhiên, chỉ là tự nhiên. Chỉ khi có thái độ đúng này rồi bạn mới có thể nhìn xem mình đang cảm nhận cảm giác ấy như thế nào. Bản chất của cảm giác là gì? Thái độ của bạn lúc này như thế nào? Khi có tâm sân, chống đối lại cái đau, hãy kiểm tra lại thái độ suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ ấy có chánh kiến hay không? Bạn không bao giờ có chánh kiến khi tâm còn chống đối; lúc đó chỉ có những suy nghĩ bất thiện.
Nếu bạn có thể quan sát và học hỏi từ các suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác trên thân cùng với nhau thì rất tốt. Chúng liên hệ với nhau như thế nào? Thân và tâm liên hệ với nhau ra sao? Mối quan hệ nhân quả như thế nào? Pháp hành của bạn là học hỏi về những mối liên hệ và kết nối này. Bạn chỉ cần quan sát và ghi nhận. Bạn không cần phải làm cho đề mục phải biến mất, và dù cho nó còn hay mất cũng chẳng thành vấn đề. Tại sao bạn quan sát? Bạn quan sát bởi vì bạn muốn biết và muốn hiểu. Hãy quan sát càng nhiều càng tốt.
Tóm lược về thực hành trong lúc ngồi thiền, đi kinh hành và sinh hoạt hàng ngày
Có thể thay đổi tư thế trong lúc ngồi thiền không? Bạn có thể đổi sang tư thế khác khi không còn chịu đựng được trong tư thế cũ nữa. Nếu cần phải đổi thì đổi. Nhưng nếu không thực sự cần phải đổi thì đừng dịch chuyển. Lúc nào thích hợp để thay đổi tư thế? Như tôi đã nói, hành thiền là phát triển và nuôi dưỡng các phẩm chất tâm thiện. Nếu các tâm bất thiện phát triển và nhân rộng chỉ bởi vì bạn cố ép mình ngồi thật yên, thì lúc đó bạn có thể chuyển tư thế để được thoải mái hơn. Hãy tự quyết định thời điểm nào là thích hợp để chuyển dựa vào sự quan sát của bạn.
Khi đi kinh hành thì quan sát cái gì? Bắt đầu bước, và hỏi xem tâm đang biết cái gì. Chỉ cần hỏi tâm mình: Tâm đang biết gì? Đang chánh niệm về cái gì? Bạn có thể hay biết việc đi, tiếng động, chuyển động của thân mình. Khi đi thì tâm như thế nào? Nếu quá tập trung vào chánh niệm trong lúc đi, bạn sẽ có thể bị căng thẳng. Khi ngồi và khi ăn uống tâm bạn như thế nào?
Cũng y hệt như vậy khi bạn ở trong phòng riêng, hay trong phòng vệ sinh. Tự hỏi xem mình có chánh niệm hay không. Chỉ khi đã có chánh niệm rồi thì bạn mới ngồi thiền, đi kinh hành, đi lại, ăn uống hay làm những việc cần làm trong sinh hoạt hàng ngày.
Công việc của một thiền sinh là:
-Có chánh kiến, thái độ đúng đắn và chánh tư duy
-Chánh niệm một cách thông minh, liên tục từng giây phút.
Suy nghĩ
Khi nhìn các suy nghĩ, đừng để bị dòng câu chuyện trong đầu cuốn trôi mình đi. Bạn chỉ cần ghi nhận rằng có suy nghĩ đang diễn ra, thế là đủ. Tôi không khuyên các thiền sinh mới quan sát suy nghĩ quá nhiều hoặc quá lâu, bởi vì bạn sẽ bị cuốn đi khi không còn nhìn suy nghĩ như là đề mục được nữa. Chỉ ghi nhận mỗi khi có suy nghĩ sanh khởi, kiểm tra lại các cảm giác trong thân, quan sát thay đổi qua lại giữa thân và tâm.
________________________
Đừng để tâm mình lười biếng cả một thời gian dài trong ngày – hãy giữ cho nó luôn làm việc. Luôn hay biết và tự nhắc nhở mình. Làm như vậy trong mọi lúc.
_______________________
Tại sao chúng ta phải thực hành trong mọi lúc?
Tại sao chúng ta được yêu cầu phải thực hành liên tục trong mọi lúc? Bởi vì tâm thu thập dữ liệu thông qua việc chánh niệm liên tục từng khoảnh khắc. Khi dữ liệu đã đầy đủ, hiểu biết sẽ sanh khởi. Chỉ khi chúng ta thực hành kiên trì liên tục và đúng hướng thì mới xây dựng được đà quán tình và trí tuệ mới tăng trưởng. Bạn tới trường thiền này để thực hành và học cách thực hành khéo léo để có thể mang thiền tập về nhà với mình.
[1] §Ò môc lµ nh÷ng ®èi tîng ®Ó ch¸nh niÖm quan s¸t. §Ò môc cã thÓ lµ bªn trong nh h¬i thë, c¶m gi¸c...cã thÓ lµ bªn ngoµi nh c¸c biÕn xø (kasina) ®Êt, mµu xanh, tr¾ng... Trong thiÒn chØ (samatha), thiÒn sinh chØ tËp trung vµo mét ®Ò môc duy nhÊt ®Ó ph¸t triÓn c¸c tÇng ®Þnh th©m s©u. Trong thiÒn quán (vipassanā) thiÒn sinh cã thÓ hay biÕt nhiÒu ®Ò môc trong th©n t©m m×nh ®Ó nhËn râ b¶n chÊt v« thêng, khæ, v« ng· cña chóng. MÆc dï dïng tõ "®èi tîng quan s¸t" th× râ nghÜa h¬n ®èi víi nh÷ng ngêi Ýt ®äc kinh ®iÓn, song trong ng«n ng÷ ®êi thêng ngêi ta l¹i hay cã thãi quen nghÜ r»ng “®èi tîng quan s¸t” lµ nh÷ng thø ë bªn ngoµi chñ thÓ quan s¸t, trong khi “®èi tîng quan s¸t” trong thiÒn tuÖ chØ lµ nh÷ng hiÖn tîng hay nh÷ng diÔn tr×nh tù nhiªn trong th©n, t©m hµnh gi¶ chø kh«ng ph¶i lµ nh÷ng sù vËt, sù viÖc ë thÕ giíi bªn ngoµi. Kinh ®iÓn nguyªn thuû vÉn thêng sö dông tõ Pali lµ kammatthāna (®Ò môc) cho c¶ hai lo¹i thiÒn chỉ vµ thiÒn quán. V× vËy, ë ®©y chóng t«i vÉn dïng c¶ hai tõ "®Ò môc" vµ "®èi tîng quan s¸t" thay ®æi lÉn cho nhau. NhiÒu ngêi thêng nhÇm lÉn r»ng tõ “®Ò môc” lµ chØ dµnh riªng cho thiÒn chØ, ý kiÕn ®ã lµ kh«ng chÝnh x¸c – ND.
[2] Kinh nghiệm với nghĩa cảm nhận, trải nghiệm những gì đang diễn ra trong hiện tại. Tõ kinh nghiÖm (experience) trong thiÒn qu¸n lµ ®Ó chØ nh÷ng g× ®ang diÔn ra trong hiÖn t¹i, nh÷ng g× ch¸nh niÖm quan s¸t ®îc ... ®ã cã thÓ lµ c¸c tiÕn tr×nh th©n hoÆc t©m nh h¬i thë, c¶m gi¸c hay mét tiÕn tr×nh suy nghÜ, mét t©m s©n, t©m hû...khëi lªn trong qu¸ tr×nh quan s¸t. Kh«ng nªn hiÓu tõ kinh nghiÖm nµy theo nghÜa b×nh thêng lµ c¸c kü n¨ng, tri thøc thu thËp ®îc trong c«ng viÖc hoÆc ®êi sèng (kinh nghiÖm lµm viÖc, kinh nghiÖm giao tiÕp...).
[3] Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (tâm). Ý cũng là một cửa giác quan bởi vì ở đó có sự tiếp xúc giữa tâm và các đối tượng của nó (pháp trần) là các suy nghĩ, hình ảnh, tưởng tượng…
[4] Tất nhiên đó phải là một đề mục nằm trong một trong bốn niệm xứ là thân, thọ, tâm, pháp. Và đề mục đó cũng không phải là một khái niệm.
[5] Những gì đang thực sự diễn ra và nhận biết được ở trong thân và tâm của mình trong hiện tại.
[6] Ở đây ý nói là hướng tâm đến chính mình. Đối với nhiều người, khi nghĩ đến chính mình thì họ sẽ tiếp tục dòng suy nghĩ lan man chứ không phải hướng tâm về thân-tâm để mà chánh niệm.