Tại Sao Chúng Ta Có Mặt Ở Đây?

27 Tháng Mười Một 201420:55(Xem: 5992)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Tại Sao Chúng Ta Có Mặt Ở Đây?

Có người hỏi Thiền sư Sùng Sơn:

– Tại sao chúng ta có mặt ở đây?

Sư bảo:
–Tại sao anh lại đến đây ngày hôm nay?
–Bởi vì tôi muốn đến.
–Anh muốn gì?
–Vâng, tôi muốn hạnh phúc, Thiền sinh đáp.
–Tốt lắm! Nhưng, anh từ đâu đến? Tên anh là gì? "

–Juan.
–Đó chỉ là tên của cơ thể. Còn tên Chân ngã của anh là gì?

Thiền sinh lúng túng trong giây lát, rồi nói: "Cha mẹ đã đặt

cho tôi cái tên này là Juan. Đó là tên duy nhất của tôi."

–Vâng, đó chỉ là tên đặt cho xác thân anh khi sanh ra: đó không phải là tên thật của anh. Cha mẹ đã đặt tạm cho anh tên đó. Trước đó, anh đã không tên. Vì vậy, tên này không phải là anh. Anh có thể nói: Đây là bàn tay tôi, trên này là đầu của tôi, đây là thân tôi. Nhưng nó không phải là anh. Cơ thể anh có một “Ông chủ”. Vui lòng mang “Ông chủ” của anh ra đây cho tôi xem.

Thiền sinh im lặng. Sư tiếp:

–Ông chủ của anh là ai?

Thiền sinh đáp: "Tôi không biết."

–Anh không biết. Không biết–Đó là tên thật của anh. Người ta có thể gọi nó là tâm, hoặc linh hồn, hay ý thức. Nhà thiền gọi đó là tự tánh. Nhưng tên thật của anh được gọi là gì?

Thiền sinh vẫn im lặng. Sư hỏi:

–Thế thì, anh bao nhiêu tuổi rồi?

–Tôi ba mươi tuổi. thiền sinh trả lời.

            –Đó là độ tuổi cơ thể của anh. Nó không phải là tuổi thật của anh. Một câu hỏi nữa, khi anh chết, sẽ đi đâu?

–Tôi không biết.

–Đúng vậy! Anh không biết tại sao anh sanh vào thế giới này, hoặc khi anh rời khỏi. Anh không biết tên hay tuổi thật của chính mình, hoặc bất kỳ đến hay đi. Vì vậy, anh "không biết." Đó là con người thật, là chân tánh của anh.

            Thuở xưa, Socrates (470–399) là một nhà hiền triết người Hy Lạp, sanh sau đức Phật 153 năm. Ông thường đi bộ qua các đường phố Athèns, nói với tất cả mọi người mà ông gặp: "Bạn phải hiểu biết con người thật của bạn! Bạn phải hiểu biết con người thật của bạn!”(Gnôthi séauton).

Ngày nọ, có một sinh viên hỏi ông,: ‘Thưa thầy, thầy thường dạy chúng con phải hiểu con người thật chính mình. Còn thầy, thầy đã hiểu biết được con người thật của thầy chưa ạ? '

Socrates trả lời: "Tôi không biết. Nhưng tôi hiểu cái không- biết này." Đó là một điểm rất quan trọng. Nếu anh đạt được “Không–Biết” của anh, sau đó anh có thể khám phá ra Ông chủ của anh, tức là anh hiểu được con người thật của anh. Tâm Không–Biết này rất quan trọng.”

 

–Vâng, thưa Sư phụ, Thiền sinh nói, "Vậy cái không biết này là gì?"

 

Đại thiền sư trả lời: –"Khi anh đang suy nghĩ, tâm anh và tâm tôi khác nhau. Khi anh cắt đứt mọi suy nghĩ, tâm anh và tâm tôi, cũng như tâm của mọi người đều giống nhau: tâm Thượng đế, tâm Phật, tâm Chúa Kitô, tâm Bồ tát Quán thế Âm, tâm của ác quỷ, tâm của tất cả mọi loài đều giống nhau. Sau đó, không có người Nga, không có người Mỹ, không có người Tây Ban Nha hoặc không có người Hàn. Tâm trước khi suy nghĩ của anh đã quét sạch mọi vọng tưởng. Thiền có nghĩa là cắt đứt mọi vọng tưởng này và sau đó thế giới hòa bình sẽ không có chuyện gì xảy ra. Trong quá khứ, Nga và Mỹ trong tình trạng chiến tranh lạnh, đã luôn luôn đấu đá ý thức hệ của nhau. "Tôi thích chủ nghĩa Cộng sản", "Tôi thích chủ nghĩa Tư bản." Thiền có nghĩa là buông tất cả xuống, cắt đứt mọi suy nghĩ, và trở về với bản thể uyên nguyên tinh khiết và rõ ràng của mình. Sau đó, anh có thể nhận ra rằng tâm của anh và tâm của tôi thực sự là tâm chung nhất.

 

Vì vậy, nếu anh không hiểu được tâm mình, thì chỉ đi thẳng, không–biết. Sau đó, tâm không–biết của anh, tâm không–biết của tôi, và tâm không–biết của mọi người đều như nhau. Tâm không–biết này dứt bặt vọng tưởng; khi anh dứt bặt vọng tưởng, không suy nghĩ. Không suy nghĩ có nghĩa là tâm rỗng không; Tâm rỗng không là trước khi suy nghĩ. Trước khi suy nghĩ của anh là bản thể của anh. Trước khi suy nghĩ của tôi là bản thể của tôi, cũng là bản thể của vũ trụ, và bản thể các pháp, tất cả đều như nhau.

 

Cho nên, khi anh giữ tâm không-biết này một trăm phần trăm, anh là vũ trụ và vũ trụ là anh. Anh và tất cả các pháp đã trở thành Một. Tên gọi đó là Nguyên điểm. Không–biết không phải là 'không biết gì'; không–biết là Nguyên điểm. Tên gọi Nguyên điểm là không–biết. Bây giờ, ai đó có thể nói rằng Nguyên điểm là Tâm, Phật, Chúa, Tự tánh, bản thể, tuyệt đối, năng lượng vũ trụ, thánh thiện, hay ý thức. Nhưng Nguyên điểm thật sự không có danh xưng, không có hình thức, không có tiếng nói, không có chữ nghĩa: đó là trước khi suy nghĩ, trong khi tất cả các danh xưng này là sau khi suy nghĩ, chúng được tạo ra bằng tư duy khái niệm. Sự mở miệng của anh đã là một sai lầm lớn. Nhưng khi anh giữ cái tâm không–biết một trăm phần trăm, anh và tất cả các pháp đã trở thành Một. Vì vậy, tôi hỏi anh, giữ cái tâm không–biết với cây gậy thiền này, âm thanh này (đánh trên bàn), và anh – tất cả giống nhau hay khác nhau?

 

Thiền sinh trả lời: "Con thực sự không hiểu ý nghĩa những gì thầy nói. Con có một vấn đề nữa ... "

 

–Vâng, anh đang suy nghĩ, vì vậy anh không hiểu. Suy nghĩ của anh là có vấn đề. Nhưng câu hỏi của tôi rất đơn giản. Tôi đã nói với anh hãy giữ cái tâm không–biết. Điều đó có nghĩa là cắt đứt mọi suy nghĩ. Vào thời điểm đó, bản thể của cây gậy thiền này, bản thể của âm thanh này (đánh xuống bàn), và bản thể của anh chúng giống nhau hay khác nhau?

 

Thiền sinh trả lời: "Chúng giống nhau."

 

–Nếu anh nói “giống nhau”, tôi sẽ đánh anh. Nếu anh nói "khác nhau", tôi cũng sẽ đánh anh. Nếu anh nói rằng có một vấn đề, tôi cũng sẽ đánh anh. Ha ha ha! Bởi vì Nguyên điểm là trước khi suy nghĩ, không có lời nói hoặc chữ nghĩa để diễn tả nó. Sự mở miệng của anh đã là một sai lầm lớn. Vì vậy, chúng giống nhau hay khác nhau?

 

Thiền sinh trả lời: "Tôi không biết."

–Được lắm, không dỡ. Nhưng thêm một bước nữa là cần thiết! Ha ha ha! Anh hãy giữ tâm không–biết này, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Sau đó, một vài đáp án sẽ sớm xuất hiện. Nếu anh muốn kiểm tra đáp án của anh, hãy tìm hỏi một gốc cây. Câu trả lời của cây này sẽ giúp anh rất nhiều. Ngoài ra, tiếng sủa của một con chó cũng là một giáo viên rất tốt, tốt hơn so với Thiền sư. Nhưng trước tiên anh phải giữ cái tâm không–biết. Điều đó rất quan trọng. Được chứ?

 

Thiền sinh cúi đầu đảnh lễ: "Xin cảm ơn Sư phụ rất nhiều”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn