Góp nhặt những viên ngọc chánh niệm (6)

24 Tháng Năm 201608:25(Xem: 5794)

Bài Thứ 6 
GÓP NHẶT NHỮNG VIÊN NGỌC CHÁNH NIỆM 
Quán Như Phạm Văn Minh


ngoi thienVào Cửa Thiền: Chỉ dẫn về những kỹ thuật thực tập căn bản

Trong các khóa MBSR các học viên được khuyến khích thực tập từ 30 đến 45 phút mỗi ngày, hay ít nhất là 6 ngày một tuần trong vòng 8 tuần lễ. Để tránh nguy cơ bỏ dở nửa chừng, xin đề nghị quý vị thực tập chừng 30 phút mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Xin nhớ là thời gian thực tập không được đo lường bằng kim đồng hồ mà thời gian ngoài thời gian (timeless time), và chỉ trừ khi khẩn cấp, không nên bỏ một buổi tập dù vì một lý do gì. Tự nhắc mình là Chánh niệm có thể đưa đến những kết quả quan trọng, và không có việc gì quan trọng hơn là thực tập trong lúc đó. Và khoảnh khắc hiện tại là thời gian duy nhất là quý vị thực sự sống trọn vẹn. Quá khứ chỉ là sống trong hồi tưởng và tương lai là thời gian sống trong hoang tưởng. Nhắc lại câu thần chú: “không có việc nào khác để làm, không có nơi nào khác để đi, không cần phải đạt đến điều gì” Thực tập là công việc quan trọng nhất quý vị cần làm trong khoảnh khắc hiện tại. Xem thời gian dành thực tập formal là thời gian thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Quý vị không cần phải có một thiền đường nguy nga, rộng rãi mà chỉ cần một nơi biệt lập, không bị quấy phá bởi điện thoại cầm tay, hay người khác. Có thể dùng một cái chuông nhỏ, để báo hiệu khi bắt đầu hay chấm dứt. Để bắt đầu quý vị có thể quán niệm hơi thở hay lắng nghe âm thanh bất cứ từ đâu đến. Âm thanh truyền qua không khí đến tận tai của quý vị, nghĩa là đến tận cửa ngõ nhà. Quý vị không phải tìm đâu xa, âm thanh đến tai rồi cuối cùng tan biến. Khi tâm đi lạc, quý vị có thể nhẹ nhàng đưa chú ý trở về hơi thở hay âm thanh. Trở về âm thanh và hơi thở có nghĩa là trở lại giây phút hiện tại.

Điều quan trọng không phải là đối tượng chú ý mà là sự chú ý, tức chánh niệm, vì khi thực tập trong một thời gian lâu quý vị có thể thực tập chú ý trên ý thức thuần túy (một tên gọi khác của chú ý không đối tượng Choiceless-awareness), tức phương pháp vô phương pháp chú ý bất cứ một trãi  nghiệm nào hiện ra tâm thức. Chú ý là mẫu số chung của nhiều loại Thiền Chánh Niệm.

Chúng tôi đề nghị quý vị nên thực tập theo tinh thần các lời chỉ dẫn, không phải theo một cách máy móc, vì đối tượng theo dõi là những tâm cảnh luôn thay đổi. Vì lý do này quý vị phải theo dõi tâm cảnh từng khoảnh khắc, sống bằng kinh nghiệm trực tiếp. Chánh niệm là chìa khóa giúp quý vị mở cửa từ Tâm tư duy (Thinking Mind) sang Tâm Cảm Thọ (Sensing Mind). Nếu thực tập trong một thời gian dài, quý vị có thể dùng chìa khóa này để chuyển chú ý qua một đối tượng khác, lúc cần. Quý vị sống trực tiếp qua trực quan nên trên thực tế, quý vị ngưng làm tất cả những công việc khác, một hình thức vô hành vô vi. Trong một thời gian, quý vị có thể đổi chú ý qua các  sinh hoạt hàng ngày một cách dễ dàng, có thể luôn sống trong Chánh niệm mà không cần phải cố gắng nữa, nói một cách nghịch lý, lúc đó quý vị cố gắng mà không cần cố gắng (Effortless efforts!)

FAQ: Tư thế thực tập Thiền Chánh Niệm?

Tư thế thực tập Chánh Niệm Chánh Thức có thể tóm tắt trong ba yếu tố chính: Oai Nghi (Dignity) và Thoải Mái (Relax) và tỉnh thức (wakefulness). Oai nghi là xem việc thực tập có thể đem lại những lợi ích trong việc chuyển hóa Thân Tâm, thoải mái để ngăn chận Tâm khỏi đi lạc, tỉnh thức để giúp quý vị khỏi buồn ngủ. Tọa Thiền là một tư thế tốt nhất giúp quý vị tỉnh thức vì quý vị ngồi thẳng lưng, cột sống thẳng như cột đựng các đồng tiền. Khi ngồi đừng nên dựa vào lưng ghế, để lưng tự động chống đỡ cột sống. Quý vị còn có thể nằm (ngọa) Thiền trong lúc rà soát cơ thể (Body scan), hay thực hành thiền cử động (Movement Meditation), như tập Yoga hay Thiền Đi vân vân… Nếu ngồi trên sàn nhà với các gối ngồi (Zafu) (xem bài chỉ dẫn thứ Ba), quý vị có thể dùng (zabuton) buộc hai đầu gối. Nên chọn Zafu xứng với chiều cao thân hình của mình.

Hai chân có thể ngồi tréo nhau như trong tư thế bán già (half lotus) hay kiết già (lotus) Tuy nhiên hai tư thế này dễ làm đau nhức chân và tay (ngay cả các hành giả Tỳ Kheo), nếu thấy không thoải mái, thì thôi. Ngồi Thiền không phải là hành xác, dù đau nhức có thể giúp quý vị tỉnh thức, nhưng không bắt buộc. Điều quan trọng là Tâm của quý vị có thể duy trì chú ý trên các đối tượng chọn lựa. Từ thế tọa Thiền dễ nhất là tư thế Miến Điện (Burmese position), để chân này trước chân kia, không cần tréo nhau.

Hai bàn tay

Trong các viện bảo tàng, quý vị thấy Đức Phật hay Bồ Tát thường dùng hai tay bắt ấn (Mudra). Thông thường nhất là Cosmic Mudra, tay này để ngửa trên tay kia, hai ngón cái chạm nhau và làm thành một hình bầu dục. Hoặc quý vị có thể đặt bàn tay trên đầu gối, sấp hay ngửa cũng được. Dùng chánh niệm chú ý đến vị trí của hai tay hay chân mới là điều quan trọng nhất.

Hai Mắt

Quý vị có thể nhắm hay mở mắt thấy điều nào thoải mái thì làm. Nhắm mắt lúc Ngọa Thiền dễ làm quý vị bị buồn ngủ. Dĩ nhiên khi hành thiền quý vị phải mở mắt. Chúng tôi nghĩ buổi sáng là thời gian thực tập tốt nhất, sau một đêm cơ thể quý vị không còn nhu cầu ngủ nữa! Nếu không chắc, nên rửa mặt với nước lạnh hay nóng cho tỉnh ngủ hẵn. Tỉnh thức lúc thực tập là một điều quan trọng nếu quý vị muốn thực tập lâu dài và giúp quý vị duy trì chú ý trên đối tượng.

Chuyển chú ý qua các sinh hoạt đời thường

Mục đích chính yếu của thực tập Chánh Niệm là chuyển chú ý qua những sinh hoạt đời thường (informal practice) nên quý vị có thể chọn một vài sinh hoạt đời thường như tắm vào buổi sáng, ăn điểm tâm, trưa, tối để thực tập, một tuần một lần. Quý vị có thể thực tập Thiền hành dù đi một đoạn ngắn, như từ chỗ đậu xe vào văn phòng hay vào nhà. Hay lúc nói chuyện với vợ hay chồng con, nhìn kỹ nét mặt, nụ cười, cử chỉ, giọng nói (feeling tone) xem vợ, chồng hay con cái vui vẻ, ân cần hay lơ đãng. Được như thế quý vị đã thành công trong việc dành lại đời mình, luôn sống trong khoảnh khắc hiện tại, nên nhớ hiện tại là giây phút duy nhất quý vị sống trọn vẹn và tỉnh thức nhất!

Khi bị buồn ngủ

Để tránh bị buồn ngủ, quý vị có thể chọn bữa sáng để thực tập và mắt nên mở! Khi chân tay bị đau nhức quý vị có thể đổi thế ngồi, để tâm khỏi đi lông bông. Có thể quý vị không thể hoàn toàn kiểm soát tất cả các điều kiện trong khung cảnh thực tập, nhưng nên nhớ điều quan trọng là chất lượng của chú ý và chánh niệm.

Chương trình thực tập 8 ngày của GS Mark Williams (ĐH) Oxford

Tuần thứ nhất: Để hành giả nhận biết auto-pilot đã ‘cướp’ việc điều khiển Tâm nhanh chóng và kín đáo như thế nào. Tề Thiên đáng được gọi là “Tâm tặc”! (Mind hijacker) Trong tuần này hành giả thực tập chánh niệm hơi thởrà soát cơ thể (Body scan) để Tâm và Thân quân bình. Và áp dụng một thực tập ngắn nữa là ăn vài hạt nho trong chánh niệm. (xem bài thực tập kèm theo) Mặc dù hai thực tập này rất đơn giản nhưng cung cấp cơ sở căn bản từ đó quý vị có thể theo các thực tập khác.

Tuần  thứ hai: Trong tuần này thực hành chính là Body-scan (Rà soát cơ thể) giúp quý vị thấy sự khác nhau giữa nghĩ về một giác quan và cảm nhận trực tiếp qua một giác quan. Nhiều người “sống trong đầu” mà quên rằng chúng ta còn sống bằng cảm nhận trực tiếp qua sensing mind. Thực tập Body-scan giúp quý vị huấn luyện Tâm kết hợp với Thân thành một Tổng Thể Thuần Nhất bất khả chia cắt (Wholeness).

Tuần thứ Ba: Thực tập Yoga hay thân thể khi cử động như Thiền hành và để kết hợp Thân và Tâm. Quý vị chú ý xem cơ thể phản ứng như thế nào đối với tình cảm tiêu cực như khi căng thẳng, giận dữ, hay đau buồn hay khi mọi chuyện không xảy ra theo ý mình. Đây là tiếng chuông cảnh báo trước khi tình cảm tiêu cực tràn ngập tâm ý thì lúc đó không có gì có thể ngăn trở chúng được!

Tuần thứ Tư: Thực tập Chánh Niệm về âm thanh và những ý tưởng tiêu cực để quý vị thấy là Tâm rất dễ bị mắc kẹt vì suy nghĩ quá độ. Quý vị sẽ nhận ra ý tưởng cũng chỉ là một hiện tượng tâm lý  đến rồi đi, như âm thanh truyền sóng đến lỗ tai rồi biến mất. Xem Tai là cơ quan tiếp nhận âm thanh cũng như Tâm là cơ quan tiếp nhận ý tưởng. Âm thanh truyền trong không khí đến lổ tai rồi biến đi, cũng như ý tưởng xuất hiện trong tâm thức rồi biến mất. Nhờ vậy mà quý vị có thể đứng lùi một bước, quan sát ý tưởng đến rồi đi, thay vì đồng hóa với ý tưởng hay cảm tưởng. Buồn vui không phải là quý vị, nó chỉ là một tình cảm, đến rồi đi!

Tuần Thứ năm: Thực tập đối đầu với khó khăn trong đời, thay vì tìm cách trốn tránh. Một vài khó khăn có thể tự nhiên biến mất nhưng quý vị phải đối phó bằng Tâm rộng mở, tò mò, và lòng thương cảm. Nếu không, đến một lúc nào đó Thân Tâm quý vị bị đưa đến tình trạng thường gọi là Mental Breakdown.

Tuần thứ Sáu:  khai triển quá trình tích cực vun trồng lòng Từ Bi (quán Từ Bi) trong đời sống hàng ngày qua thực tập Befriending Meditation (xem bài thực tập đính kèm). Các hành giả trong lịch sử khám phá là nếu vun trồng tâm từ bi và độ lượng, các ý tưởng tiêu cực bị phân tán, quý vị cảm thấy an lạc hơn là bị tràn ngập bởi lo âu, giận hờn, ganh ghét. Làm quen lại với chính thân tâm của quý vị, một người bạn thân thiết nhất mà quý vị thường bỏ bê vì mãi sống trong đầu và đây là một trong những cơ sở quan trọng để quý vị tìm thấy an lạc trong thế giới điên đảo, quay cuồng, như tựa đề của một tác phẩm của GS MarK Williams (Finding Peace in a Frantic World)

Tuần thứ Bảy: Thám hiểm những liên hệ giữa Tâm và Thân trong sinh hoạt đời thường. Quý vị thực tập cách lựa chọn khôn khéo và tránh những những công việc là tổn hao năng lực.

Tuần thứ Tám: giúp quý vị đem chánh niệm vào các sinh hoạt hàng ngày khi quý vị cần đến. Quý vị huấn luyện Tâm để thay đổi chú ý vào những đối tượng mà quý vị muốn

Chủ điểm tuần thứ nhất: giúp quý vị nhận ra sự tranh dành ‘quyền’ điều khiển Tâm giữa Thói quen (Autopilot) và Chánh Niệm.  Khi ngồi xuống thực tập, quý vị cảm thấy Tâm bị tràn ngập bởi dòng thác lũ ý tưởng về những chuyện làm quý vị bận tâm. Quý vị tự nhủ mình là không nên lo lắng, thế nhưng một phút chốc, bao nhiêu lo âu tràn ngập trong đầu! Không cảnh báo trước, thói quen dành quyền kiểm soát tâm một cách nhanh chóng và ‘kín đáo’, thúc đẩy quý vị hành động ngược với ý hướng mà quý vị muốn ban đầu, thân tâm quý vị biến thành hai là hai thực thể khác nhau!

Autopilot có thể gây ra bất tiện và phiền não cho chúng ta nhưng thói quen là thành quả của quá trình tiến hóa hàng triệu năm. Nó tạm thời giúp con người vượt qua những giới hạn óc não, không thể chú ý đến nhiều đối tượng. Các nhà khoa học não bộ khuyên không nên làm nhiều chuyện cùng một lúc (multi- tasking) vì không hiệu quả và nhất là vì ký ức làm việc của Tâm có giới hạn. Đó là lý do tại sao con số (digits) trong một điện thoại chỉ giới hạn 7 con (cộng thêm số mã vùng). Nếu nhiều hơn số này, chúng ta không thể hay khó nhớ. Nếu working memory bị tràn ngập, chúng ta cảm thấy bất an, căng thẳng và cảm thấy đời mình như những hạt cát lạnh lùng trôi qua kẻ tay. Tâm tư nhanh nhẩu bay về quá khứ xem có tình cảm tương tự nào đã xảy ra chưa và suy luận là nếu quý vị không ‘giải quyết’ những tình cảm này thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đó. Nghĩa là trong khoảnh khắc Tâm của quý vị tràn ngập ý tưởng và chương trình giải quyết những cảm giác và tình cảm tiêu cực. Nhưng cảm giác và tình cảm không phải là những vấn đề có thể  giải quyết, đó là những tâm hành cần cảm nhận (felt). Quý vị dùng chánh niệm theo dõiđể yên cho chúng, chúng sẽ biết mất như sương mù buổi sáng khi mặt trời lên! Đây là sự kỳ diệu của Chánh Niệm! Nhớ hai thái độ Let Be and Let Go, hễ let be cho chúng thì chúng sẽ biến đi, càng can thiệp thì chúng càng làm quý vị đau khổ hơn! Khó hiểu, nghịch lý?! Xin quý vị tin đây là sự thực mà các nhà khoa học não bộ chỉ mới khám phá gần đây, trên dưới 30 năm! Thỉnh thoảng Tâm như bị đóng băng khiến quý vị không còn suy nghĩ hay quyết định được gì nữa, thậm chí không còn ý thức những gì xảy ra chung quanh. Quý vị trở nên hay quên và mệt mỏi. Cũng giống như khi quý vị mở quá nhiều windows trong computer, máy hoạt động chậm lại và đôi khi không còn hoạt động nữa (crashed). Trong ngắn hạn, autopilot giúp working memory tăng cường hoạt động, nhờ tạo ra thêm thói quen! Nguyên tắc kết hợp ý tưởng, nối kết những phản ứng với nhau và quý vị có thể làm một số công việc phức tạp một cách ngoạn mục. Ví dụ nhiều khi phải có những hành động đòi hỏi sự phối hợp nhiều bắp thịt và hàng ngàn tế bào não chúng ta vẫn có thể làm một cách dễ dàng nhờ ký ức làm việc và chỉ cần sử dụng một phần rất nhỏ của ý thức. Ví dụ như học lái xe số tay, lúc đầu quý vị thấy khó khăn phối hợp những cử động khác nhau cùng một lúc, nhưng khi đã quen, quý vị có thể vừa lái xe vừa nói chuyện, nghe cell-phone mà không cần chú ý hay cố gắng nữa. Những phản ứng dây chuyền này thực hiện được dễ dàng vì nhờ autopilot góp phần vào working memory và đến một lúc nào đó quý vị không biết là autopilot hoàn toàn kiểm soát hành động của mình. Ý tưởng này khích động thêm nhiều ý tưởng khác và thói quen này khích động nhiều thói quen khác, cứ như thế tiếp diễn trong vòng lẩn quẩn. Đến một lúc căng thẳng, lo âu và buồn bã tràn ngập trong tâm, không còn gì ngăn chận được nữa. Chỉ cần một sự kiện không đáng gì xảy ra, quý vị cũng bị khích động và có thể ‘nổi điên’ và đời sống trở thành một địa ngục trần gian, do chính mình tạo ra! Chưa hết, quý vị có mặc cảm tội lỗi vì đã không còn kiểm soát được hành động của mình. Tình cảm trách móc này cũng giống như một window khác được mở ra, nghĩa là ‘computer não’ càng chậm lại. Cuối cùng mức trầm cảm bắt đầu ‘rơi tự do’. Phản ứng ‘tự nhiên’ của quý vị lúc đó là tìm cách đè nén những tình cảm này nhưng càng đè nén chừng nào, quý vị càng bị căng thẳng, lo âu thêm chừng đó. Có đàn áp thì có nổi loạn! Cũng như computer bị crashed, quý vị cũng bị crashed, nhưng đối với thân tâm đó là hiện tượng nervous breakdown, thân-tâm đều sụp đổ, nhẹ thì bị trầm cảm, nặng thì điên loạn. Cũng như Computer quý vị crashed.

Bài thực tập ăn vài hạt nho trong chính niệm

Đây là bài thực tập điển hình của phong trào MBSR của Jon Kabat Zinn cho các bệnh nhân bị các bệnh đau mãn tính, trong khi khách hàng của GS Mark Williams là những bệnh nhân bị trầm cảm hai ba lần.

 Mục đích của thực tập ăn vài hạt nho trong chánh niệm của chương trình MBSR gồm có hai phần: một là để cho các bệnh nhân khỏi nghi ngại chánh niệm là phương pháp thực tập của truyền thống Đông phương (PG), hai là cho thấy chánh niệm không có gì giống trong đầu của người Mỹ thường nghĩ, lầm tưởng đó là những phương pháp thức tập cao siêu, tâm linh bí nhiệm.

Cũng như các lần thực tập khác, quý vị tìm một chỗ ngồi yên tỉnh không bị người khác phá quấy; tắt điện thoại di động. Tìm một vài quả nho khô, hay một vài loại hạt. Công việc giản dị là ăn nho khô hay hạt trong chánh niệm. Sử dụng cả năm hay sáu giác quan chú ý đến mọi động tác trong khi ăn, và ghi nhận phản ứng của Tâm và Thân.

1- Giữ hạt nho khô: cầm một hạt giữa ngón tay cái và một ngón khác. Xong để trong lòng bàn tay, ngắm nghía quả nho khô hay hạt như trước đây quý vị chưa từng thấy chúng lần nào.

2- Nhìn ngắm: Chú ý quan sát ngắm toàn bộ quả nho, xem hình dáng có gì đặc biệt như những vết nhăn nhúm trên vỏ

3- Tiếp xúc: mân mê quả nho trong lòng bàn tay, xem cấu trúc mềm hay cứng, trơn hay nhám.

4- Ngữi: Đưa quả nho lên gần mũi xem có mùi thơm không. Nếu không có mùi thơm thì cũng ghi nhận là có ít mùi thơm như các loại trái cây khác.

5- Để vào miệng: Chầm chậm đưa quả nho vào miệng và để ý là tay và lưỡi tiếp nhận quả nho một cách thành thạo. Khoan nhai vội, để ý hương vị quả nho thấm trong lưỡi, kéo dài thời gian này chừng 30 giây.

6- Nhai: Khi sẵn sàng nhai, ghi nhận ‘ý định’ muốn nhai. Để ý cấu trúc của quả nho dẻo hơn khi nhai. Đừng nuốt vội. Để ý các tuyến tiết nước miếng trong miệng do ‘lệnh’ của Tâm, cho thấy sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa Tâm và Thân.

7- Nuốt: Chú ý đến ‘ý định’ muốn nuốt, trước khi thực sự nuốt. Theo dõi cảm giác khi hạt nho chạy xuống bao tử. Để ý vị trí của lưỡi sau khi nuốt.

8- Hương vị sau đó: Hậu vị của quả nho trong miệng có làm quý vị thấy thỏa mãn chưa hay vẫn còn thòm thèm.

9- Ghi lại trên giấy: sau đó chịu khó ghi lại trên giấy những cảm giác mà quý vị nhận thấy.

10- Thói quen: nhiều người nhận có thói quen ném từng vốc ăn hạt nho vào miệng và ăn một cách ngấu nghiến, vì nghĩ là ăn hột nho chẳng có gì ‘quan trọng’. Ăn xong còn làm những chuyện khác, như xem Ti Vi hay đón con đi học về. Và ăn trong thất niệm, họ không cảm thấy mùi vị và quên rằng chỉ ‘thấy’ ngon khi thực phẩm còn trong miệng, không phải khi thực phẩm đã rơi xuống và nằm yên trong bao tử! Chúng ta có thành ngữ ‘thực bất tri kỳ vị’ là như thế.

Đó là quý vị chỉ mới thất niệm khi ăn vài hạt nho. Tưởng tượng quý vị quên sống những quảng đời quan trọng khác, như lúc sống chung với người bạn đời hay thời gian nuôi dưỡng con cái, quý vị đã mất mát bao nhiêu phần của đời mình?!

Sau đây là vài lời phê bình của một vài hành giả sau khi ăn nho:

-Mùi vị nho khô hay hạt rất thú vị mà từ trước đến giờ tôi chưa hề để ý tới!

-Tôi nghĩ hình dáng chúng xấu xí, nhăn nhúm, thực ra chúng rất thơm ngon.

-Tôi cảm thấy hương vị nhiều hơn và thỏa mãn hơn là khi ăn từng bụm nho nhiều hàng 20 hạt! Lần đầu tiên tôi thấy nho đáng ăn!

Đó là chỉ mới để ý hương vị quả nho, nhiều hành giả quên sống nhi362u quảng đời đau khổ hay hạnh phúc, đã ‘ngậm ngùi’ nuối tiếc và có nhiều người may mắn ‘sực tỉnh‘ nhờ ăn vài hạt nho khô và cám ơn mấy hạt nho đã làm họ thay đổi và cứu vãn được mối liên hệ gia đình!

Và nhiều người thấy cái ‘giá’ phải trả khi không chú ý đến những chuyện mình đang làm. Những vui thú khi thấy một bông hoa đẹp, trời xanh, khi nghe tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ, những tấu khúc cổ điển, khi ăn, khi ngữi mùi hoa bưởi (hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya), hay tiếp xúc (anh vuốt tóc em một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi!) mà quý vị vô tình để chúng trôi qua. Đến khi hối tiếc quý vị than thở “phải chi mà tôi…” thì lúc đó đã quá muộn! Đúng thế, quá muộn! Nói đúng ra, quý vị chỉ có giây phút hiện tại để sống và sống trọn vẹn. Vậy mà chúng ta chỉ muốn trở về sống trong quá khứ (đã qua) hay tương lai (chưa tới). Còn từ ngữ nào hay và đúng hơn từ ‘túy sinh, mộng tử’ không?

Thực tập ăn vài hạt nho trong chánh niệm là nền tảng của một kỹ năng mà quý vị có thể học trong thi thực hành: học lại kỹ năng mang chú ý trở lại những gì quý vị đang làm trong sinh trong sinh hoạt hàng ngày vào những lúc cần thiết, khi cuộc đời hé lộ nguyên trạng từng giây phút một cho quý vị thấy. Nghe thì đơn giản nhưng quý vị cần tinh tấn thực tập trong nhiều năm nhiều tháng trước khi có thể ‘huấn luyện’ Tâm chú ý những đối tượng cần hay muốn chú ý…

Sau khi thực tập bài học ăn vài hạt nho, quý vị được khuyến khích đem tâm nho’ vào những hoạt động thiết yếu hàng ngày như tắm vào buổi sáng, uống cà phê, ăn trưa, , nói chuyện với vợ con (hay chồng con). Khi thực hiện được những điều này, quý vị đã bắt đầu cuộc hành trình ‘tỉnh thức’ trong đời sống hàng ngày.  Đó là lý do từ đầu chúng tôi nói Chánh Niệm không phải đơn thuần là kỹ thuật mà là áp dụng một lối sống mới: sống tỉnh thức!

Quán Như Phạm Văn Minh


Những bài trước:
Góp nhặt những viên ngọc chánh niệm (6)
Góp nhặt những viên ngọc chánh niệm (5)
Góp nhặt những viên Ngọc Chánh Niệm, bài thứ Tư
Góp Nhặt những viên ngọc Chánh niệm
Từ góp nhặt cát đá đến góp nhặt những viên ngọc bích

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn