Giáo lý vô ngã & các khái niệm về “linh hồn”

20 Tháng Sáu 201610:40(Xem: 7499)

GIÁO LÝ VÔ NGÃ & CÁC KHÁI NIỆM VỀ “LINH HỒN”
Thích Hạnh Chơn

 

than thuc
Ảnh minh họa

Sanh tử là vấn đề được đề cập trong các hệ thống giáo lý của tất cả các tôn giáo và trong triết học siêu hình. Từ trước, sau và ngay thời Đức Phật, vấn đề này thường được bàn luận với nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra. 

Có quan niệm cho rằng sau khi chết không còn gì tồn tại gọi là đoạn kiến. Có quan niệm cho rằng sau khi chết có một “linh hồn” hay “tự ngã” bất biến tồn tại mãi mãi di chuyển từ cõi này sang cõi khác gọi là thường kiến. Có quan niệm cho rằng con người được tạo thành từ một nguyên nhân hay yếu tố đầu tiên và sau khi chết “linh hồn” sẽ đến một nơi thiên đường vui sướng hay hỏa ngục khổ đau mãi mãi. 

Theo đạo Phật, con người là tổ hợp gồm năm nhóm (yếu tố) tạo thành. Phật giáo cho rằng không có “linh hồn” hay “tự ngã” thường hằng, bất biến trong con người. Từ đó, Đức Phật dạy về giáo lý vô ngã hay phi ngã. Sanh tử là một dòng chảy của sự sống liên tục chỉ khác nhau về hình dáng chúng sanh do nghiệp thiện ác chi phối. Như vậy, có khái niệm “linh hồn” trong đạo Phật không? Bài viết này sẽ phân tích giáo lý vô ngã của đạo Phật và tìm hiểu các khái niệm liên quan đến “linh hồn” được sử dụng trong đạo Phật Bắc truyền ở Việt Nam.

Giáo lý vô ngã

Đức Phật giảng giáo lý vô ngã như là một câu trả lời dứt khoát về quan niệm thường kiến, đoạn kiến và “linh hồn” bất biến. Kinh Vô ngã tướng1 là bài kinh thứ hai được Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như sau khi Đức Thế Tôn thành đạo. Bài kinh nói về năm uẩn hay năm nhóm gồm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bài kinh phân tích sắc (thân thể) là vô ngã. Bởi vì, nếu sắc là ngã thì sắc không phải chịu đau khổ, không bị thay đổi biến hoại hay bệnh hoạn. Nếu sắc là ngã thì nó có thể đạt được ý muốn như sắc phải như thế này, như thế kia. Sự thật thì sắc không thể đạt được như mong muốn. Thọ (cảm thọ), tưởng (tri giác), hành (tâm tư), thức (nhận thức) cũng đều vô ngã tương tự như sắc. Năm nhóm này (tạo thành con người) vô ngã nên con người cũng được gọi là vô ngã, do duyên hợp thành. Ngoài vô ngã, năm nhóm này cũng đều vô thường.

Khi bậc giác ngộ thấy rõ năm nhóm này là vô ngã, vị ấy sẽ thấy rõ thân thể này “không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi”. Nhờ đó, vị ấy ly tham và giải thoát các khổ đau.

Giáo lý vô ngã là một pháp trong ba pháp ấn gồm vô thường, khổ và vô ngã. Vị hành giả nào chứng đắc vô ngã thì vị ấy đạt Niết-bàn, tức đã từ bỏ được ba độc tham, sân, si do ngã chấp gây nên2.

Như vậy, con người do năm nhóm (năm uẩn) tạo thành. Ngoài năm uẩn này thì không thể gọi là con người.

Dựa vào giáo lý vô ngã thì không có một “linh hồn” (tức ngã) bất biến nào tồn tại trong năm uẩn và cũng không có một “linh hồn” bất biến nào nằm ngoài năm uẩn. Khái niệm “linh hồn” nếu được tạm dùng thì đó là “phần phi vật chất trong mỗi con người”3, tức phần tinh thần. Trong năm uẩn, phần tinh thần gồm thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tâm. Nếu tạm dùng khái niệm “linh hồn” như là phần phi vật chất hay phần tinh thần của con người gồm bốn uẩn thì nó phải được gọi đủ là “linh hồn vô ngã.” Để khỏi nhầm lẫn, Phật giáo gọi đó là nghiệp hay “tâm tái sinh” hay “tâm tương tục.” “Tâm tái sinh” tương tục như dòng chảy nên không thể gọi là “linh hồn” bất biến được.

Đức Phật và khái niệm “linh hồn”

Theo kinh điển Phật giáo, Đức Phật chưa từng dùng khái niệm “linh hồn” và cũng chưa từng giảng dạy cho “linh hồn” (thuyết linh). Ta hãy khảo sát một số bài kinh có liên quan đến sự sanh tử của các đệ tử của Đức Phật. KinhGiáo giới Cấp Cô Độc, số 143 thuộc kinh Trung bộ (được Thiền sư Nhất Hạnh đặt lại tên là kinh Độ người hấp hối) trình bày quá trình Đại đức Xá Lợi Phất và Đại đức A Nan giúp cư sĩ Cấp Cô Độc tu tập quán chiếu trước khi lâm chung. Nhờ sự hướng dẫn của hai vị Đại đức, cư sĩ quán chiếu thành công thấy rõ bản chất của các pháp là vô ngã, rỗng không do duyên hợp thành. Do đó, cư sĩ thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát. Khi mạng chung, cư sĩ tái sanh cõi trời. 

Kinh Quán vô lượng thọ Phật chỉ dạy phương pháp để được vãng sanh thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Nguyên do là thái tử A Xà Thế con bà hoàng hậu Vi Đề Hi ngỗ nghịch giết cha là vua Tần Bà Sa La để chiếm ngôi khiến người mẹ này chán cõi Ta-bà nguyện sanh cõi Cực lạc. Đức Phật giới thiệu cho bà cõi Tây phương Cực lạc và chỉ phương thức tu tập để được toại nguyện. Ngoài việc tu ba phước hay ba tịnh nghiệp4 làm chánh nhơn vãng sanh Tây phương Cực lạc, hành giả còn phải tu mười sáu pháp quán tưởng5. Người nào thực hành theo lời dạy trên thì hiện đời thấy Phật Vô lượng thọ và mạng chung vãng sanh cõi Cực lạc. 

Kinh A Di Đà giới thiệu cảnh giới Tây phương Cực lạc và điều kiện để được vãng sanh về cõi ấy. Các điều kiện bao gồm căn lành lớn, phước đức lớn, nhân duyên lớn, nhất tâm bất loạn.6 Trong ba kinh tiêu biểu thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền, khái niệm “linh hồn” tái sanh hay vãng sanh không được đề cập. Phương pháp “độ” hay “cầu siêu” cho “linh hồn” cũng không được ghi chép. Các kinh chỉ đề cập cư sĩ hay chúng sanh khi mạng chung thì sẽ tái sanh hay vãng sanh cõi lành, cõi trời hay cõi Cực lạc. Tên gọi cư sĩ A hay chúng sanh B là tên gọi chung cho một tổ hợp các yếu tố cấu thành cư sĩ hay chúng sanh đó. 

Do đó, danh từ “linh hồn” bất biến biệt lập không được sử dụng trong Phật giáo. Để giải thích cái gì tái sanh, Phật giáo tạm dùng khái niệm “tâm tái sinh” để chỉ cho phần tâm tiếp tục tái sanh theo nghiệp như trên đã nói.

Các khái niệm về “hồn linh” không dùng cho Phật và Thánh tăng

Sau khi Đức Phật và các Thánh tăng viên tịch (chết), các thế hệ đệ tử có các hình thức, nghi thức đảnh lễ cung kính, tán dương khác nhau tùy theo văn hóa địa phương. Các nước theo Nam truyền, sự cung kính đảnh lễ Đức Phật và Thánh tăng được thể hiện bằng cách đảnh lễ tôn tượng và tôn xưng đức hiệu chung chứ không xưng tên. Ví dụ, câu “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa”, nghĩa là con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là Bậc Ứng cúng, Đấng Chánh biến tri, được tụng đọc để tán dương công hạnh của Đức Phật. 

Ngược lại, truyền thống Bắc tông lại đảnh lễ cung kính Đức Phật bằng cách xưng tên như “Nam-mô Thích Ca Mâu Ni Phật”, hay “Chí tâm kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni.” Các Đức Phật huyền sử, các vị Bồ-tát huyền sử cũng được xưng tán tương tự như “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” thay vì xưng tán “Kính lễ Đức Bồ-tát có hạnh lắng nghe hay Đức Bồ-tát có lòng từ bi lớn”.

Đối với các bậc A-la-hán và các Tổ sư thì sự xưng dương có chút thay đổi. Thay vì xưng tán bằng “Nam-mô A-la-hán Ma-ha Ca Diếp” thì được xưng bằng “Nam-mô Ma-ha Ca Diếp Tôn giả”, hay “Kính lễ Tôn giả Ma-ha Ca Diếp.” Từ Tôn giả nghĩa là bậc tôn kính được thay cho từ A-la-hán. Riêng các vị Tổ hành đạo tại Trung Quốc danh từ Tôn giả được thay bằng danh từ Tổ sư như “Nam-mô Bồ Đề Đạt Ma Tổ sư” hay “Nam-mô Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma”, hay “Kính lễ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma”.

Ở Việt Nam, các vị Tổ thiền sư như Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm Trần Nhân Tông… được tôn kính xưng tán bằng câu nam-mô hay nhất tâm đảnh lễ Sư tổ (Tổ sư) trước tôn hiệu của các vị thiền sư.

Dù tên gọi và cách xưng tán có khác nhưng các khái niệm có liên quan đến “linh hồn” không được đề cập khi xưng tán chư Phật, Thánh tăng và các Sư tổ.

Các khái niệm về “linh hồn” được sử dụng trong Phật giáo như thế nào?

Các khái niệm về “linh hồn” thường được dùng trong Phật giáo ở Việt Nam bao gồm: giác linh, chơn linh, hương linh, vong linh… Các khái niệm này được dùng ở Việt Nam từ thời nào hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép. Người viết cho rằng chúng được sử dụng vào khoảng thế kỷ XVII về sau khi hai tông phái Phật giáo Lâm Tế và Tào Động du nhập vào Việt Nam. Phải chăng do ảnh hưởng cách hành đạo của hai tông phái này mà các danh từ trên được sử dụng (?). Điều này cần sự khảo cứu của các học giả.

Theo quy ước mặc định chung7, khái niệm “giác linh” dùng cho các vị xuất gia đã thọ giới Tỳ-kheo sau khi viên tịch, “chơn linh” dùng cho các vị Sa-di hay Sa-di-ni, “hương linh” dùng cho cư sĩ đã quy y, “vong linh” dùng cho những thành phần khác sau khi chết.

Thông thường, khi một vị Hòa thượng viên tịch, khái niệm “giác linh” được dùng trước tên của vị ấy. Trong các nghi thức cúng hay tưởng niệm, người hành lễ không chỉ xướng tên của vị Hòa thượng ấy mà nhắm đến “giác linh” của vị Hòa thượng ấy như thành kính đảnh lễ giác linh Hòa thượng A. Như vậy, phải chăng vị Hòa thượng từ thân ngũ uẩn vô ngã bây giờ trở thành “giác linh hữu ngã”? Kể từ đó, giác linh vị ấy được đảnh lễ, dâng cúng, cầu nguyện…

Như trên đã nêu, hàng đệ tử tôn kính Đức Phật, Thánh tăng và chư Tổ bằng cách đảnh lễ xưng danh hiệu của các vị ấy. Nếu áp dụng theo cách thức trên để đảnh lễ tôn kính hay cầu nguyện cho vị Hòa thượng tôn sư thì cách thức cũng phải là nhất tâm đảnh/kính lễ Hòa thượng A hay phụng vì Hòa thượng A cao đăng Phật quốc.

Trong truyền thống Phật giáo, khái niệm “linh hồn” không dùng cho các vị Phật, Bồ-tát, Thánh tăng và các Tổ sư lâu đời. Không có nghi thức nào xưng tán Thánh tăng bằng câu “Nam-mô giác linh Bồ-tát hay giác linh Tôn giả…” Trong khi các Tổ sư sau này từ thời Tổ sư Nguyên Thiều về sau, khái niệm “giác linh” được thêm vào trước tên vị Tổ sư mỗi khi cử hành nghi thức cúng dường, tưởng niệm. Phải chăng đây là điều bất cập trong Phật giáo?! Nếu cho rằng các vị Tổ sư về sau chưa chứng quả Thánh thì các vị ấy cũng đã tái sanh nhiều kiếp. Không có một “giác linh hữu ngã” nào tồn tại để đảnh lễ hay cầu nguyện. Do vậy, xưng danh hiệu tôn kính bằng câu “Nhất tâm kính lễ Tổ sư Nguyên Thiều” thích hợp hơn là câu “Nhất tâm kính lễ ‘giác linh’ Tổ sư Nguyên Thiều.” Trường hợp đảnh lễ tôn kính các vị Tổ sư, Hòa thượng khác cũng tương tự.

Với các khái niệm “chơn linh, hương linh, vong linh”, chúng ta cũng có thể suy luận tương tự để biết.

Phật giáo sở dĩ tồn tại khắp nơi là nhờ tính thích nghi và tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên, những giáo lý cốt lõi của đạo Phật dù hoàn cảnh nào cũng không thể thay đổi được. Các pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Bát chánh đạo, Vô thường, Vô ngã… dù trong truyền thống Phật giáo nào cũng không thể thay đổi bản chất của những lời dạy ấy. Phương tiện thiện xảo trong khi truyền bá Phật giáo là điều cần thiết nhưng phương tiện ấy không thể ảnh hưởng đến chân lý Phật giáo xét về lâu dài. Trong chừng mực hoàn cảnh xã hội, thời gian nhất định nào đó, phương tiện có thể sử dụng để đưa người vào đạo. 

Tuy nhiên, khi phương tiện có mâu thuẫn với giáo lý cốt lõi của Phật giáo thì nó cần thay đổi cho phù hơp. Thiết nghĩ, việc điều chỉnh không khó nhưng kết quả của nó làm cho Phật giáo logic và khoa học như đã được các học giả và hành giả nhận định về Phật giáo. 

 Thích Hạnh Chơn

 __________________

(1) Kinh Vô ngã tướng thuộc Tương ưng bộ, tập ba, Thiên uẩn, chương I, Tương ưng uẩn, mục VII, Năm vị.
(2) Thích Thiện Siêu, Vô ngã là Niết-bàn,http://thuvienhoasen.org/a15211/vo-nga-la-niet-ban, truy cập, 10-3-2016.
(3) Minh Chi, Phật giáo và tâm linh, http://www.tuvienquangduc.com.au/thoidai/02linhhon.html, truy cập 10/3/2016.
(4) Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực Sư Trưởng, có tâm nhân từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì Tam quy y, giữ gìn các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ-đề, sâu tin nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa và khuyên dạy sách tấn người tu hành.
(5) Xem kinh Vô lượng thọ Phật
(6) Xem kinh A Di Đà
(7) Người viết chưa tìm thấy tài liệu bằng văn bản quy định về việc dùng các khái niệm này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3209)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9796)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4112)