Được và mất

19 Tháng Mười Một 201614:38(Xem: 5253)

CHO LÀ NHẬN 
Nguyên Minh 
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin

Được và mất

 

Khi nhìn đời sống trong mối quan hệ tổng hòa tất cả các giá trị thuộc nhiều khía cạnh khác nhau, chúng ta dần dần nhận ra sự bất hợp lý của khuynh hướng chạy theo một giá trị duy nhất nào đó, và đặc biệt thường gặp nhất là việc xem trọng một cách thái quá các giá trị vật chất.

Trong tương quan giữa các giá trị khác nhau, rất nhiều khi việc giảm bớt một giá trị này cũng đồng thời là sự tăng thêm một hay nhiều giá trị khác. Và xét từ góc độ này thì khái niệm “được” hay “mất” được gán ghép cho mỗi sự kiện trong đời ta có thể sẽ được hiểu theo một cách khác hơn.

Trong câu chuyện mà Steve Jobs đã chia sẻ cùng chúng ta, nếu nhìn lại theo hướng này ta sẽ thấy ra những điểm mới, có thể giải thích cho ý niệm “được” và “mất” theo một cách hợp lý hơn.

Khi Steve phải bỏ học vì thiếu tiền, cái “mất” của ông là không được học theo trường lớp, nhưng bù lại như chính ông cho biết là đã “được” thêm nhiều thời gian để dành cho việc học cách viết chữ đẹp (thư pháp). Và như vậy, đây chính là cơ hội đã giúp ông tích lũy thêm một giá trị chuyên môn mà trước đây ông chưa có. Việc Steve thôi học ở trường Reed College hóa ra không hẳn chỉ là “mất”, mà cũng hàm chứa những cái “được” trong đó. Chính những giá trị ông đã “được” trong giai đoạn này, về sau mới góp phần vào sự sáng tạo các máy tính Macintosh của Apple mang đậm tính nghệ thuật như ông đã kể lại.

Sự kiện ông bị sa thải khỏi công ty Apple cũng là một ví dụ tương tự. Khi bị đẩy ra khỏi Apple, ông tưởng như đã “mất” toàn bộ công ty do ông sáng lập, nhưng chính sự kiện này lại giúp ông “được” một cơ hội tốt để phát huy óc sáng tạo của mình qua việc khai sinh ra 2 công ty mới: Pixar và NeXT. Những gì ông sáng tạo cho Pixar và NeXT trở thành những giá trị quan trọng và nhiều năm sau khi ông trở về với Apple thì chúng sẽ phát huy tác dụng tích cực để giúp công ty này phát triển...

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta cũng luôn có không ít những sự kiện mà mới nhìn thoáng qua có vẻ như mất mát, nhưng thực sự lại là những cơ hội quý giá để ta đạt được những giá trị nào đó khác hơn là vật chất. Và như vậy, có thể thấy rằng ý niệm “được” hay “mất” khi gán ghép cho một sự kiện thường rất tương đối và nhiều khi trong thực tế là không thể xác định.

Tuy nhiên, nếu ta sử dụng khái niệm “được” hay “mất” theo một ý nghĩa toàn diện thì sự nhận hiểu có thể sẽ trở nên hợp lý hơn. Vì mục đích cao nhất của mọi giá trị trong đời sống đều là để giúp ta có thể giảm bớt đi những buồn đau khổ não và sống an vui hạnh phúc hơn, nên vấn đề “được” hay “mất” cũng cần phải được hiểu theo hướng này. Hãy lấy ví dụ, khi một sự kiện nào đó có thể giúp ta sống an vui hạnh phúc hơn, ta có thể xem đó là “được”, bất kể nó có giúp ta tích lũy thêm hay làm giảm bớt đi các giá trị vật chất. Ngược lại, nếu một sự kiện khiến ta phải buồn đau khổ não và đánh mất những phút giây an vui hạnh phúc, thì sự kiện đó hẳn phải xem là một sự mất mát, cho dù nó có mang lại cho ta nhiều tiền bạc, vật chất...

Trong thực tế, chính những hoàn cảnh tưởng chừng như cực kỳ khó khăn, bế tắc lại thường là điều kiện giúp ta có thể bình tâm tĩnh lặng và quay về soi rọi chính bản thân mình, từ đó dần dần nhận ra được những gì cần phải thay đổi để có một hướng sống mới đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Sự thay đổi này tuy không nhất thiết phải gắn liền với những thành tựu về vật chất, nhưng sự thật là một khi cách sống của ta được hoàn thiện hơn, tâm trí được thanh thản, sáng suốt hơn, thì những thành công hay thuận lợi trong công việc hầu như bao giờ cũng là những hệ quả tất yếu sẽ theo sau.

Trong những năm cuối thập niên 1970, những khó khăn về kinh tế bao trùm khắp mọi nơigia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Không tìm ra bất kỳ một phương thức mưu sinh nào khác, tôi đành chọn giải pháp thô sơ nhất là phá rừng làm rẫy theo phương thức tự cung tự cấp. Trong giai đoạn đó, tài sản tích lũy của cả gia đình tôi có thể xem là con số không, bởi ngoài những gì tối cần thiết cho sự tồn tại mỗi ngày thì chúng tôi không có gì khác để gọi là dành dụm cả! Khi buộc phải bước vào một giai đoạn sống như thế, bản thân tôi không thể nào hình dung trước được điều gì có thể gọi là tốt đẹp. Đó thực sự là một giải pháp mưu sinh bằng sức lực của cơ bắp - theo đúng nghĩa đen của từ - trong một điều kiện hầu như thô sơ, lạc hậu nhất, không có sự hỗ trợ của bất kỳ loại máy móc hay nông cụ hiện đại nào. Chúng tôi phá rừng để trồng bắp, khoai mì, đậu xanh... và tự tiêu thụ những gì thu hoạch được bằng cách sử dụng chúng như nguồn lương thực chính quanh năm của gia đình thay vì bán đi. Trong giai đoạn “ngăn sông cấm chợ” đó, thật ra cũng không có lựa chọn nào khác, bởi chỉ cần mang khoảng 5 đến 10 kg đậu xanh đi trên đường cũng đủ để có thể bị xem là phạm pháp và dễ dàng bị “quản lý thị trường” tịch thu mất.

Điều tôi hoàn toàn không ngờ được là chỉ sau một thời gian ngắn để thích nghi với môi trường mới, tôi đã bắt đầu có những ngày tháng hết sức êm đềm, thanh thản. Buông xả mọi lo âu, tính toán, cuộc sống bỗng trở nên cực kỳ đơn giảnan ổn. Mọi tác nhân gây xáo trộn trong đời sống đều vắng bặt, và 24 giờ trong ngày của tôi trở nên cực kỳ êm ả. Những buổi sáng sớm cuốc cỏ hay vun gốc giữa đám bắp xanh um chỉ vừa cao ngang đầu gối, tôi ngắm nhìn những hạt sương đêm còn long lanh chưa tan trên lá, xa xa về phương đông mặt trời vẫn chưa lố dạng, nhưng đã bắt đầu ửng lên một màu hồng tươi sáng phía trên những rặng cây rừng. Khi ấy, tôi chợt thấy mình như hòa nhập hoàn toàn với cả thiên nhiên, với nguồn sống bao la trong toàn vũ trụ, mà cái vũ trụ bao la rộng lớn đó lại như rất gần gũi và thân thiết với từng thân cây xanh bé nhỏ đang vùn vụt lớn lên từng ngày với sự chăm sóc của chính tôi.

Buổi tối, trước khi đi ngủ tôi thường ra nằm trên cái sạp tre lớn trước nhà, được ghép bằng những thân tre rừng chẻ ra và trải lên một bộ khung thô sơ cũng bằng cây rừng. Hồi đó tôi còn chưa biết cách chẻ tre thành nan để đan lại thành tấm xinh xắn như sau này. Nhưng cái sạp tre đơn sơ ấy đã rất gắn bó với tôi, cũng thân thiết như bất kỳ người bạn thân thiết nào đã từng cùng tôi chia sẻ tâm tình. Trong không gian tịch mịch về đêm của một vùng rẫy rừng hoang vắng, tôi nằm trên sạp tre, ngửa mặt ngắm nhìn vô số những vì sao nhấp nháy giữa bầu trời đêm sâu thẳm, thấy lòng mình cũng trải rộng ra mênh mông như cái vũ trụ vô hạn mà tôi đang quan sát. Những lúc ấy, một mặt tôi vừa thấy mình như hết sức nhỏ bé, mất hút đi trong sự lớn rộng vô cùng của đất trời tĩnh mịch, nhưng mặt khác tôi lại cũng thấy mình như đang dần dần hòa nhập, đồng điệu với cả vũ trụ bao la mà tôi đang cảm nhận. Trong tôi lúc đó hoàn toàn vắng bặt những suy tư hỗn tạp, không một chút vướng bận về những ký ức đã qua hay vẩn vơ nghĩ đến tương lai như thói quen trước đó. Tôi cảm nhận rõ rệt một trạng thái an tĩnh khó tả và tâm thức trở nên trong sáng, an ổn lạ thường. Tôi còn nhớ, chính vào một trong những lần tâm thức trở nên an tĩnhsáng suốt như thế, tôi đã bất chợt nhận ra rằng sự bình an của chúng ta không có được bằng cách chấm dứt mọi sự gây rối từ bên ngoài, mà thực ra là chỉ có được khi bản thân ta thôi không còn tự gây rối chính mình.

Trải qua một thời gian, môi trường xã hội rồi cũng nhiều thay đổi. Tôi không còn phải sống mãi trong môi trường “rừng rú” như thế vì đã có thêm nhiều lựa chọn khác. Tuy nhiên, trong những giai đoạn sau này khi mở trường dạy học hay làm những công việc viết lách, dịch thuật, biên soạn, khảo cứu... tôi vẫn không bao giờ quên được những ngày tháng êm đềm thuở ấy. Trong thực tế, có rất nhiều giá trị tri thứckinh nghiệm sống của bản thân tôi đã được tích lũy trong chính giai đoạn ấy.

Trong chúng ta, hẳn không ít người đã từng trải qua những tình huống tương tự. Thế nhưng, đôi khi chúng ta vì quá chú trọng vào những thay đổi về vật chất mà không lưu tâm nhận ra được các giá trị khác. Chúng ta than phiền hay buồn bực vì những mất mát về tài sản, tiền bạc và vì thế không nhận ra để tiếp thu được những giá trị quý báu khác mà cơ hội đời sống mang đến cho ta. Bằng cách nào đó, cuộc sống dường như luôn vận hành theo một quy luật bù trừ. Bản năng sinh tồn buộc chúng ta phải phát triển một số giá trị nào đó khi một số giá trị khác mất đi hay suy giảm. Hơn thế nữa, những điều kiện bất lợi cho sự phát triển của một giá trị này lại thường là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của một hay nhiều giá trị khác. Chính điều này giải thích vì sao cuộc sống luôn đáng trân quý cho dù chúng ta có rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Những cái “được” và “mất” luôn đan xen nhau trong đời sống, nhưng vượt lên trên tất cả bao giờ cũng là một cái “được” quý báu nhất, đó là sự sống mà ta đang có. Vì thế, mục tiêu cao nhất đặt ra cho mỗi chúng ta bao giờ cũng phải là hướng đến sự hoàn thiện đời sống của chính mình, và sự hoàn thiện được nói đến ở đây cần phải được hiểu như là việc đạt đến một cuộc sống ngày càng an vui, hạnh phúc hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn